Không Gia Đình

35. THỜ CHA KÍNH MẸ



Khi lui ra, bố tôi không mang nến đi. Nhưng ông đã đóng cửa kéo chốt ngoài. Như thế thì chỉ còn có việc đi ngủ thôi. Chúng tôi lên giường ngay, không chuyện vãn với nhau như bình thường chúng tôi có thói quen trước khi đi ngủ, cũng không kể lể với nhau những cảm tưởng trong cái ngày lắm việc này.

Rêmi ngủ ngon nhé! – Mátchia nói.

Chúc Mátchia ngủ ngon!

Mátchia không thích trò chuyện, cũng như tôi không thích. Sự im lặng của Mátchia làm tôi nhẹ người. Nhưng không thích nói chuyện không có nghĩa là thích ngủ. Nến tắt rồi mà tôi vẫn không chợp mắt, cứ trăn trở trên chiếc giường nhỏ hẹp mà nghĩ ngợi về những việc đã xảy ra. Nghĩ ngợi phần mình đã đành, tôi lại nghe thấy Mátchia nằm ở giường trên cũng động đậy, cũng trăn trở, nghĩa là nó cũng thao thức như tôi. Tôi hỏi khe khẽ:

Cậu không ngủ sao?

Không, chưa ngủ được!

Chỗ nằm không tốt à?

Cảm ơn! Không đâu! Trái lại chỗ tớ tốt lắm! Có điều là quanh tớ, cái gì cũng quay quay, y như là còn ở giữa biển và cái xe này thì cứ nhô lên hụp xuống và tròng trành bốn phía hai bên.
Có phải chỉ vì say sóng mà Mátchia trằn trọc không ngủ? Hay nó cũng mải nghĩ ngợi về những điều như tôi? Nó yêu mến tôi, tâm hồn trí óc chúng tôi hòa hợp với nhau đến mức tôi cảm thấy thế nào thì nó cảm thấy thế ấy.
Giấc ngủ vẫn không đến và đêm càng về khuya càng làm tôi sợ sệt thêm, sợ sệt vô cớ. Sợ gì? Tôi không biết, nhưng rõ ràng là tôi sợ. Không phải sợ vì nằm trong chiếc xe này ở giữa cái khu phố Bétnơn Gờrin nghèo khổ này. Đã bao nhiêu lần trong quãng đời lưu lạc, tôi phải ngủ đêm với màn trời chiếu đất chứ đâu được yên ổn như chỗ này! Tôi biết rằng ở đây không có gì nguy hiểm hết mà sao tôi vẫn hãi hùng.

Càng cố làm gan trấn tĩnh, tôi lại càng hoang mang tợn.

Thời khắc trôi qua nhưng tôi không biết đêm đã khuya chừng nào vì chung quanh không có đồng hồ điểm canh. Thình lình tôi nghe có tiếng động khá mạnh ở cửa buồng xép, cái cửa này trông ra một đường phố khác chứ không ở phía sân Sư tử đỏ. Rồi sau nhiều tiếng gõ gọi cách quãng đều đều thì có ánh đèn lọt vào trong xe. Tôi lấy làm lạ. vội nhìn quanh mình, còn con Capi ngủ bên cạnh thì choàng dậy định sủa. Tôi thấy ánh đèn lọt vào chỗ tôi qua một cửa sổ nhỏ trên thành xe. Giường của chúng tôi kê sát thành xe ấy, nhưng lúc đi nằm chúng tôi không để ý đến cái cửa sổ vì có màn che cửa lại. Nửa trên cửa sổ nằm đứng ngang giường Mátchia, nửa dưới trông vào giường tôi. Tôi để tay lên mõm con Capi để cho nó khỏi sủa vang làm thức giấc mọi người trong nhà và tôi nhìn ra ngoài.

Bố tôi đã vào trong buồng xép; nhanh chóng và lặng lẽ, ông mở cái cửa trông ra đường. Hai người đàn ông vác những bọc nặng bước vào và bố tôi lại nhanh chóng và lặng lẽ đóng cửa lại. Rồi ông đặt một ngón tay lên môi và đưa tay kia đang xách đèn lên chỉ cái xe có chúng tôi nằm. Cái đèn của ông là một thứ đèn lồng có nắp, có thể che ánh sáng tùy ý. Và cái cử chỉ của ông tỏ ý bảo người ta không nên gây tiếng động làm chúng tôi thức giấc.

Sự quan tâm của bố tôi khiến tôi cảm động. Tôi toan kêu lên bảo bố cứ mặc tôi vì tôi vẫn thức giấc. Nhưng rồi tôi lặng thinh vì sợ gọi toáng lên thì làm mất giấc ngủ của Mátchia. Bố tôi đỡ cho hai người đàn ông đặt các bọc đồ xuống. Rồi ông đi một lát và trở lại cùng với mẹ tôi. Trong lúc vắng bố tôi, hai người đàn ông đã mở các bọc hàng. Một bao đựng đầy những súc vải, bít tất, găng tay. Lúc đó tôi mới hiểu cái việc thoạt đầu làm cho tôi ngạc nhiên: những người này đến bán hàng cho bố mẹ tôi.

Bố tôi cầm từng món đồ hàng lên, đưa ra ánh đèn xem xét rồi trao cho mẹ tôi. Mẹ tôi cầm chiếc kéo con cắt nhãn hiệu bỏ vào túi. Cái việc này kỳ quặc, cũng như việc mua bán giữa đêm khuya thế này xem ra cũng thật lạ lùng.

Bố tôi vừa xem hàng vừa nói khe khẽ mấy câu với hai người đưa hàng tối. Nếu tôi biết tiếng Anh thì hẳn tôi đã nghe đủ, nhưng không hiểu tiếng thì nghe rõ làm sao được. Chỉ có hai tiếng bob và policeman(1), thì lặp lại nhiều lần là tôi nghe rõ.

Khi đã xem xét cẩn thận tất cả những món hàng chứa trong mấy cái bao, bố mẹ tôi và hai người khách ra khỏi buồng xép để vào nhà. Buồng lại tối. Rõ ràng là họ đi tính toán tiền nong. Tôi muốn tự bảo rằng những việc mắt thấy vừa rồi là bình thường thôi, không có gì lạ. Nhưng dù cố gắng bao nhiêu, tôi cũng không tự mình tin được. Những người đó đến nhà bố mẹ tôi sao không đi qua sân Sư tử đỏ? Tại sao khi nói về cảnh sát, họ lại thì thầm với nhau như tuồng sợ người ngoài nghe thấy. Tại sao mẹ tôi cắt các nhãn hiệu đính vào các thứ hàng bà mua?

Mải loay hoay với những câu hỏi đó, tôi không ngủ được và tôi cố xua đuổi chúng nó vì không tìm ra lời giải đáp. Nhưng không tài nào xua đuổi được. Lát sau lại có ánh sáng rọi vào xe tôi và tôi lại nhìn qua khe màn. Lần này tôi không muốn nhìn mà cứ phải nhìn, khác với lần trước, tôi nhìn một cách tự nhiên để thấy, để biết. Bây giờ thì tôi tự nhủ không nên nhìn ra, vậy mà tôi vẫn cứ nhìn ra. Tôi cũng tự nhủ rằng có lẽ tốt hơn hết là không nên biết, vậy mà tôi vẫn cứ muốn biết.

Bây giờ chỉ có bố mẹ tôi thôi. Trong khi mẹ tôi nhanh chóng gói các món hàng thành hai kiện, thì bố tôi quét một góc buồng. Dưới lớp cát khô mà ông quét bạt đi, hiện ra một nắp hầm. Ông nhấc nắp và đưa xuống hầm hai kiện hàng mẹ tôi vừa gói xong. Mẹ tôi cầm đèn soi cho bố tôi. Cái hầm sâu bao nhiêu, tôi không nhìn thấy. Làm xong, bố tôi leo lên, đậy nắp hầm lại và lấy chổi quét cát phủ lên. Trên mặt cát, bố mẹ tôi rắc mấy cọng rơm cho giống các nơi khác trên nền buồng. Công việc xong xuôi, bây giờ không tài nào trông thấy chỗ nắp hầm được. Rồi bố mẹ tôi đi ra.

Khi bố mẹ tôi nhẹ tay đóng cửa lại thì tôi nghe thấy Mátchia động đậy trên giường, tuồng như nó kê đầu lên gối thì phải! Nó đã nhìn thấy sự việc xảy ra chăng? Tôi không dám hỏi. Bây giờ có một cái gì còn nghiêm trọng hơn là một sự lo sợ mơ hồ đang đè nặng ngực tôi. Tôi biết vì sao tôi sợ rồi. Từ đầu đến chân, cơ thể tôi đẫm mồ hôi lạnh toát. Suốt đêm tôi cứ như thế. Một con gà ở nhà bên gáy lên, báo hiệu trời sắp sáng. Bấy giờ tôi mới thiếp đi, thiếp đi trong một giấc ngủ nặng nhọc, chập chờn, đầy những mộng mị hãi hùng làm tôi nghẹt thở.

Tiếng ổ khóa cót két làm tôi tỉnh giấc và cửa buồng mở ra. Tưởng bố tôi gọi chúng tôi dậy, tôi nhắm mắt lại để đừng nhìn thấy ông. Mátchia nói:
– Em cậu đến mở cửa cho chúng ta đó! Nó đi rồi.

Chúng tôi đứng lên. Mátchia không hỏi tôi có ngủ ngon không và tôi cũng không nói gì với nó hết. Có một lúc nào đó, nó nhìn tôi thì tôi quay nhìn chỗ khác. Chúng tôi đi vào nhà bếp, ở đấy không có bố tôi, cũng không có mẹ tôi. Ông tôi thì vẫn ngồi trong ghế trước lò sưởi y như là từ tối hôm qua ông không hề rời khỏi chỗ. Em gái lớn của tôi là Anni đang lau bàn, còn em trai lớn là Alơn thì quét rác. Tôi đến bắt tay chúng, nhưng chúng không đáp. Tôi bèn đến ông tôi. Ông tôi không để cho tôi lại gần và cũng như tối hôm qua, ông khạc nhổ về phía tôi. Cử chỉ đó làm tôi cụt hứng. Tôi bảo Mátchia:

Cậu hỏi giúp tớ xem trong buổi sớm nay, lúc nào thì tớ gặp được bố mẹ tớ? Mátchia hỏi.
Nghe nói tiếng Anh, mặt ông cụ có co giãn ra một chút, bớt cái vẻ bất động đáng khiếp đi. Ông chịu khó trả lời. Tôi hỏi:

Ông cụ nói gì?

Nói bố cậu đi vắng suốt cả ngày hôm nay, mẹ cậu ngủ, anh em chúng mình có thể đi dạo chơi được.
Ông cụ chỉ nói thế thôi à? – Tôi hỏi như vậy vì thấy lời dịch của Mátchia ngắn quá.
Mátchia có vẻ lúng túng, nó nói:

Tớ không biết đoạn sau tớ hiểu có đúng hay không?

Thì cứ thử nói cậu hiểu như thế nào để xem!

Hình như ông cụ nói nếu chúng ta đi ra phố mà gặp cơ hội tốt thì không nên bỏ lỡ. Rồi ông cụ nói thêm, và câu này thì tớ tin chắc là tớ hiểu rõ: “Hãy nhớ lấy lời tao, phải biết sống trên lưng những đứa dại”.
Chắc là ông cụ đoán Mátchia đang giải nghĩa những lời ông cụ nói cho tôi hiểu, vì nghe đến câu sau cùng này, thì ông dùng cái bàn tay không bị bại của ông làm cái cử chỉ bỏ một vật gì vào túi. Cùng lúc ấy, ông nheo mắt lại.
Chúng ta đi chơi đi. – Tôi bảo Mátchia.

Trong hai hay ba tiếng đồng hồ, hai đứa tôi đi dạo quanh quẩn gần sân Sư tử đỏ. Chúng tôi không dám đi xa ra vì sợ lạc đường. Ban ngày khu Bétnơn Gờrin này hiện ra còn xấu xí tồi tệ hơn ban đêm nữa, cảnh bần cùng bày ra khắp nơi; từ nhà cửa đến người ngợm, ở đâu cũng thấy sự nghèo khổ não lòng nhất. Mátchia và tôi chỉ trông thấy, chứ không nói năng gì cả.

Quay trở lại thì vừa đến đầu sân, chúng tôi đi vào nhà.

Mẹ tôi đã ra khỏi buồng ngủ. Từ cửa, tôi đã nhìn thấy mẹ áp đầu trên mặt bàn. Ngỡ mẹ ốm, tôi chạy đến để hôn mẹ, vì tôi không nói chuyện với mẹ được. Tôi đưa tay ôm mẹ. Mẹ tôi ngẩng đầu lên, cái đầu cứ lắc lư, rồi mẹ nhìn tôi nhưng chắc là không trông thấy. Lúc ấy từ hơi thở nóng hổi của mẹ tôi toát ra mùi rượu mạnh. Tôi lùi lại. Mẹ tôi lại gục đầu bên hai cánh tay duỗi thẳng trên mặt bàn. Ông tôi nói “gin”(2) rồi nhìn tôi mà cười gằn và nói mấy tiếng gì nữa tôi không hiểu. Lúc đầu, tôi đứng sững như mất hồn. Giây phút sau, tôi nhìn Mátchia, Mátchia cũng nhìn tôi, ứa nước mắt. Tôi ra hiệu cho nó, rồi hai đứa tôi trở ra.

Vai kề vai, tay nắm tay, chúng tôi đi mãi, không nói với nhau một lời, cứ nhìn thẳng trước mặt mà đi tới, không biết là đi đâu. Mátchia có hơi lo ngại, hỏi:
Chúng mình đi đâu thế này?

Không biết, đi chỗ nào nói chuyện với nhau được thì đi. Mình cần nói với cậu điều này, nhưng ở đây, giữa đám đông này, mình không nói được.
Chính như thế đấy! Trong cuộc đời nay đây mai đó, qua nội qua rừng, theo kiểu cụ Vitali, tôi đã có thói quen không bao giờ nói chuyện quan trọng giữa đường phố, hoặc trong làng, và khi nói có người qua lại là tôi quên ngay những ý định nói. Vậy mà lúc này tôi lại muốn nói chuyện quan trọng với Mátchia và tôi hiếu rõ là tôi sẽ nói gì với nó.

Lúc ấy, chúng tôi đã vượt qua những ngõ hẹp đến một đường phố rộng hơn, ở cuối đường hình như có cây cối. Có lẽ ở đầu ấy là thôn quê rồi, chúng tôi đi theo hướng ấy. Nhưng không phải là thôn quê mà là một công viên bao la, có những bồn cỏ rộng xanh mướt và những lùm cây tơ đây đó. Chỗ này quả là chỗ lý tưởng để tâm sự. Tôi đã có chủ định, tôi biết rõ tôi muốn gì. Khi đã ngồi yên ở một xó cách bức và kín đáo, tôi nói với bạn tôi:

Mátchia thân mến, cậu biết là mình yêu thương cậu và chắc cậu cũng biết là chỉ vì tình bạn mà mình bảo cậu đi theo mình về nhà bố mẹ mình chứ? Bây giờ mình yêu cầu cậu làm gì thì cậu cũng chả nghi ngờ gì cái tình bạn của mình, phải không?
Cậu ngu lạ! – Mátchia đáp và gượng cười.

Cậu cười để cho mình khỏi mủi lòng. Nhưng mủi lòng cũng chả việc gì. Mình còn khóc được với ai nếu không là với cậu?
Nói đến đây, tôi ngã vào lòng Mátchia khóc òa lên. Những lúc một thân một bóng, thất thểu trên mặt đường mênh mông, tôi cũng chưa bao giờ thấy khổ sở như hôm nay. Tôi nấc lên một hồi rồi cố trấn tĩnh: tôi đưa Mátchia đến vườn này có phải để cho nó than thở vì tôi đâu! Không phải vì tôi, chỉ vì nó! Tôi nói:
Mátchia ơi, cậu phải đi thôi. Cậu trở về Pháp đi!

Kìa cậu à? Không đời nào!

Mình biết trước thế nào cậu cũng trả lời mình như vậy, và cậu hãy tin rằng mình lấy làm sung sướng, rất sung sướng được nghe cậu nói không đời nào cậu rời mình. Tuy vậy, cậu phải rời bỏ mình đi, cậu trở về Pháp hay đi Italia tùy cậu, về đâu không quan trọng, miễn là cậu không ở trên đất nước Anh nữa.
Thế còn cậu, cậu định đi đâu? Cậu tính cho chúng ta đi đâu đây?

Mình ấy à? Mình thì phải ở lại đây, ở Lơnđơn đây với gia đình mình chứ! Bổn phận của mình không phải ở bên cạnh bố mẹ mình thì là gì? Còn lại bao nhiêu tiền, cậu lấy mà đi đi!
Đừng nói thế, Rêmi! Nếu có một người cần đi thì người ấy là cậu mới đúng!

Tại sao?

Tại vì…

Mátchia này, cậu hãy trả lời tớ thẳng thắn, thành thực, không nể nang, không e sợ, tối hôm qua, cậu thức? Và cậu có trông thấy, phải không?
Mátchia không ngước mắt lên, đáp khe khẽ:

Mình thức.

Cậu thấy gì?

Tất cả.

Và cậu hiểu?

Là những món hàng bọn kia đem tới bán không phải là hàng buôn. Bố cậu rầy chúng sao không gõ cửa trước mà lại gõ cửa buồng xép. Chúng bảo chúng bị cảnh sát rình mò, theo dõi.

Đã thế thì cậu phải thấy cậu đi là đúng.

Nếu tớ cần phải đi thì cậu cũng phải đi. Chả ai cần hơn ai.

Khi mình yêu cầu cậu đi với mình thì mình ngỡ là gia đình mình sẽ cho cả hai đứa đi học và chúng ta sẻ ở gần nhau. Sở dĩ mình tin thế vì nghe má Bácbơranh nói và cũng vì mình mơ tưởng thế. Nhưng sự việc đã không như thế và chiêm bao vẫn hoàn là chiêm bao. Cho nên chúng ta phải chia tay nhau.
Không khi nào.

Hãy nghe mình cho kỹ, hãy thông cảm với mình đi, Mátchia! Đừng làm mình buồn bực thêm mà! Ví như chúng mình gặp lão Garôphôli ở Pari và lão bắt cậu về thì có phải là cậu không muốn cho mình ở lại với cậu, phải không nào? Ấy đấy, cái điều mình nói với cậu bây giờ đây, tất cậu cũng nói với mình nếu gặp trường hợp ấy.

Có đúng thế không? Cậu hãy nói cho mình biết có đúng thế không?

Bây giờ đến lượt cậu phải nghe tớ nói, cậu nghe cho rõ đây. Khi ở Savanông, nghe cậu bảo gia đình cậu đi tìm cậu thì mình buồn lắm. Đáng lẽ phải vui thì mình lại bực mình. Mình đã không nghĩ tới hạnh phúc của cậu, mình chỉ nghĩ tới mình. Mình tự nhủ là cậu sẽ có anh chị em trai gái mà cậu sẽ yêu thương như yêu thương mình, có lẽ còn hơn mình nữa. Những người ấy là những người giàu sang, thông thái, lịch sự, những cậu ấm, cô chiêu xinh trai đẹp gái. Mình nghĩ thế rồi hóa ra ghen tị. Đó là điều cậu cần biết, đó là sự thật mà mình cần thú nhận với cậu để cậu tha thứ cho mình, nếu cậu có thế tha thứ cái loại tình cảm xấu xa như vậy.

Chao ôi! Mátchia!

Nói đi, nói là cậu tha thứ cho mình đi!

Sẵn lòng! Mình có thấy nỗi buồn phiền của cậu. Mình có bao giờ thù hằn cậu đâu!

Bởi vì cậu là con bò. Và là con bò lành quá! Còn mình thì ác. Cậu tha thứ cho mình vì cậu tốt bụng, chứ mình thì mình không tự tha thứ đâu, vì mình không lành như cậu. Cậu chưa biết hết đâu. Mình tự bảo: Ta đi với hắn sang Anh để xem sao; rồi khi hắn đã sung sướng, thật sung sướng rồi, khi hắn không có thì giờ nghĩ đến ta nữa thì ta cút, và cút thẳng; ta sẽ đi một mạch về Lúcca hôn em Crítxtina của ta.

Nhưng đáng lẽ giàu sang và sung sướng như chúng mình tưởng thì cậu không giàu và cậu… nghĩa là cậu không như chúng mình tưởng trước đâu. Bởi vậy, mình không nên xéo, và cái người cần ôm vào lòng không phải là Crítxtina, em gái mình; cái người cần ôm vào lòng là người bạn nghề nghiệp, người bạn thiết cốt, người anh em của mình, cái người đó là Rêmi.

Mátchia nói thế và cầm lấy tay tôi mà hôn. Bấy giờ nước mắt tôi tuôn trào, nhưng nước mắt này không đắng cay, không nóng bỏng như trước nữa.
Tuy hết sức cảm động, tôi vẫn không từ bỏ ý định:

Cậu phải đi đi! Cậu phải trở về Pháp, phải gặp Lidơ, bác Acanh, má Bácbơranh, gặp tất cả những người thân của tớ và nói cho họ biết vì sao tớ không giúp được họ như tớ mong muốn, tớ mơ tưởng và hứa hẹn. Cậu sẽ phân trần là bố mẹ tớ không giàu có như chúng mình tưởng, thế cũng đủ để họ tha thứ cho mình. Cậu hiểu chứ? Gia đình tớ nghèo, cái đó giải thích tất! Nghèo khó không phải là điều đáng xấu hổ!

Không phải vì nghèo mà cậu muốn cho mình xéo. Bởi vậy mình không đi.

Mátchia ơi, mình van cậu. Cậu đừng làm cho mình khổ thêm. Cậu thấy mình đã khổ quá rồi mà!
Ồ! Tớ không muốn ép cậu nói cái điều mà cậu sợ xấu hổ không nói trắng ra. Tớ không linh lợi, không tinh ý, không hiểu hết những cái dội vào đầu – Nó đập đập trên đầu – Nhưng tớ cảm thấy hết những cái xói vào chỗ này – Nó đặt tay lên ngực – Không phải vì cha mẹ cậu nghèo mà cậu muốn cho tớ bước! Không phải vì họ không nuôi nổi tớ, vì tớ có ăn báo cô người ta đâu, tớ sẽ làm lụng cho người ta chứ! Cậu muốn mình đi nơi khác bởi cậu đã thấy những việc đêm qua và cậu sợ cho mình.

Đừng nói thế, Mátchia!

Cậu sợ rồi đến lúc mình phải cắt nhãn hiệu những món hàng không mua mà có!

Ôi chao ôi! Mátchia, Mátchia thân mến ơi, cậu im đi mà!

Lấy cái gì dám chắc rằng không thể có hai đứa bé bị vứt bỏ ở đại lộ Brơtơi cùng một hôm? Và tại sao viên cẩm lại không có thể nhầm lẫn khi chỉ cho ông Đơrixcơn về Savanông? Có thể lắm chứ!

Cái đó thì phi lý quá.

Cũng có lẽ! Điều tớ nói, tớ giải thích nghe ra phi lý. Chẳng qua là tớ nói kém, tớ giải thích không ra trò, bởi cái đầu óc khốn nạn của tớ. Người khác sẽ giải thích hay hơn, và nó sẽ trở nên có lý. Chỉ có tớ mới là phi lý, thế thôi!
Chao ôi, không! Chưa phải thế là thôi đâu!

Cuối cùng, cậu phải chú ý rằng cậu không giống bố cậu, cũng không giống mẹ cậu, và cậu không có mái tóc vàng như các em cậu. Tóc tất cả lũ chúng – tất cả, cậu nghe rõ chưa?- đều một màu vàng như nhau. Nếu là anh em thì sao tóc cậu lại không thế? Mặt khác, có điều này cũng lạ, rất lạ: tại sao người ta nghèo như thế mà bỏ ra được nhiều tiền như thế để tìm lại một đứa con? Vì các lẽ ấy, theo tớ thì cậu không phải là một người họ Đơrixcơn. Tớ biết rằng tớ chỉ là một con bò thôi, người ta luôn luôn mắng tớ như vậy, lỗi ở cái đầu óc kém thông minh này. Nhưng tớ cũng cứ tin chắc rằng cậu không phải là một chú bé Đơrixcơn và cậu không nên ở gia đình Đơrixcơn. Nếu bất chấp tất cả, cậu muốn ở lại thì mình cũng ở lại với cậu. Nhưng cậu cũng phải cố gắng viết cho má Bácbơranh một lá thư để hỏi thật rõ xem những tã lót và áo xống của cậu lúc bấy giờ như thế nào! Khi được thư trả lời, cậu sẽ hỏi thử người mà cậu gọi là bố, và lúc ấy có lẽ chúng ta sẽ hiểu rõ hơn ít nhiều. Từ nay đến đó, mình sẽ không đi đâu hết, mình ở đây với cậu, ra sao thì ra! Cần làm việc thì chúng mình cùng làm với nhau.

Nhưng nếu rủi một ngày kia, người ta choảng lên đầu chú Mátchia?.

Cái đó không phải là cái khổ nhất: vì bạn mà nhận đòn thì đòn có đau đâu!

————————

Policeman: tiếng Anh, chỉ người cảnh sát thành phố. Bob là tiếng lóng để gọi cảnh sát – N.D

Rượu mạnh.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.