Không Gia Đình

13. ĐỨA TRẺ NHẶT ĐƯỢC



Đi thế này thời gian trôi qua rất nhanh, sắp đến lúc chủ tôi được ra khỏi nhà tù. Đó là một nguồn vui, đồng thời lại là một việc làm cho tôi bối rối.
Càng đi xa tỉnh Tuludơ thì ý nghĩ ấy càng làm cho tôi bứt rứt.

Đi thuyền như thế này thì thật là thú vị. Chẳng vất vả mà cũng chẳng lo âu.

Nhưng mà rồi đây lại phải đi bộ ngược trở lại chặng đường đã vượt qua dưới nước.

Cái đó sẽ ít thú vị hơn, không còn giường êm, không còn bánh kem. bánh ngọt. Không còn những buổi tối ngồi quanh bàn nữa.
Cái điều làm cho tôi xúc động sâu sắc hơn nhiều là phải xa lìa Áctơ và bà Miligơn. Phải từ bỏ tình thương yêu của những người ấy, phải mất họ cũng như đã mất má Bácbơranh. Vậy ra tôi chỉ yêu thương và được yêu thương để rồi phải xa lìa một cách phũ phàng, những người tôi cứ muốn sống suốt đời bên cạnh. Không có cách gì có thể đoàn tụ họ lại được sao?

Niềm băn khoăn này là đám mây mù độc nhất lởn vởn trong những ngày rạng rỡ ấy.

Rồi một hôm tôi quyết định nói với bà Miligơn cái điều làm cho tôi bận lòng và cũng hỏi bà xem muốn trở về thành phố Tuludơ thì phải đi mất bao nhiêu ngày đường. Tôi muốn đứng đợi chủ tôi ở trước cổng nhà lao lúc chủ tôi bước ra khỏi cổng. Nghe thấy nói tôi đi, Áctơ la lớn:

– Tôi không muốn cho anh Rêmi đi đâu!

Tôi trả lời cho nó biết rằng tôi không được tự do về thân thể, tôi thuộc quyền chủ tôi. Bố mẹ tôi đã đem tôi cho thuê cho nên tôi phải tiếp tục theo giúp việc chủ tôi khi ông cụ cần đến. Tôi nói đến bố mẹ tôi nhưng không nói rõ là không phải bố mẹ đẻ. Vì nói như vậy thì lại phải thú nhận rằng tôi chỉ là một đứa trẻ người ta bắt được đem về nuôi.

– Mẹ ơi! Phải giữ Rêmi lại. – Áctơ nói tiếp.

Ngoài việc học hành ra, Áctơ được bà mẹ nuông chiều, nó muốn xoay bà thế nào, bà cũng xuôi theo. Bà Miligơn trả lời:

Mẹ cũng rất sung sướng nếu giữ được anh Rêmi ở lại. Anh mến anh ấy và chính mẹ cũng yêu quí anh ấy lắm. Nhưng mà muốn giữ anh ấy ở lại với chúng ta thì phải có đủ hai điều kiện mà anh ấy cũng như mẹ, chúng ta không thể định đoạt. Điều thứ nhất là Rêmi muốn ở lại với chúng ta…
Ồ! Rêmi muốn lắm chứ. – Áctơ ngắt lời. – Có phải không Rêmi? Anh không muốn trở về Tuludơ chứ?
Điều kiện thứ hai. – Bà Miligơn nói tiếp không đợi tôi trả lời. – Là ông chủ anh ấy có bằng lòng từ bỏ quyền làm chủ của ông ta đối với anh ấy!
Hỏi Rêmi, hỏi Rêmi cái đã. – Áctơ theo đuổi ý nghĩ của nó, ngắt lời mẹ.

Cụ Vitali đối với tôi là một ông chủ tốt, điều đó đã hẳn. Tôi biết ơn ông cụ đã chăm sóc tôi và dạy tôi học tập. Nhưng tôi không thể so sánh cuộc sống bên cạnh chủ tôi với cuộc sống mà bà Miligơn dành cho tôi. Mặt khác, tôi thú nhận như thế này không phải là không hối hận: “Không chỉ đem so sánh tình yêu thương mà bà Miligơn và Áctơ đã gây nên trong lòng tôi. Khi tôi nghĩ thế tôi tự bảo rằng tôi yêu chuộng những người xa lạ mới quen ấy hơn cụ Vitali là một điều không tốt. Nhưng dù sao việc nó như thế đấy, tôi yêu thắm thiết bà Miligơn và Áctơ. Bà Miligơn lại tiếp:

Trước khi trả lời, anh Rêmi còn phải suy nghĩ. Mẹ không hứa với anh ấy chỉ một cuộc sống có vui chơi và du ngoạn, mẹ còn hứa cả một cuộc sống lao động nữa. Anh ấy phải học, phải chịu khó, phải cặm cụi đèn sách, phải theo dõi Áctơ trong việc học tập. Anh Rêmi cần cân nhắc giữa cái lối sống đó với cảnh sống tự do trên đường thiên lý.

Thưa bà, không phải so sánh cân nhắc gì nữa. – Tôi nói. – Những việc bà đề ra đó cháu thấy đối với cháu rất hay.
Đấy mẹ xem! Anh Rêmi sẵn lòng mà? – Áctơ reo lên như vậy rồi vỗ tay. Rõ ràng là tôi vừa làm cho Áctơ hết lo sợ. Khi mẹ nó nói đến học tập và sách vở, tôi thấy nó lo lắng ra mặt. Nếu tôi từ chối thì sao? Vốn dĩ nó ngại sách. Cho nên nó lo tôi cũng ngại sách mà từ chối, chắc nó lo tợn lắm. May sao tôi lại không sợ cái thứ ấy. Sách không những không làm cho tôi hoảng mà còn quyến rũ tôi. Thật ra thì tôi mới biết đến sách ít lâu nay thôi. Những sách đó làm cho tôi thích thú hơn là phiền lòng. Cho nên đề nghị của bà Miligơn khiến tôi rất sung sướng. Tôi hoàn toàn thành thật khi tôi cảm ơn bà về lòng hào hiệp đó. Nếu cụ Vitali đồng ý thì tôi không phải rời bỏ chiếc thuyền Thiên Nga này, tôi sẽ không phải từ bỏ cuộc sống dễ chịu này, tôi sẽ không phải lìa Áctơ và mẹ nó.

Bà Miligơn nói tiếp:

Bây giờ chúng ta còn phải được ông chủ anh ấy đồng ý. Mẹ sẽ viết thư cho ông cụ để mời ông cụ đến gặp chúng ta ở thị trấn Xếttơ, vì chúng ta không thể quay trở lại Tuludơ được. Mẹ sẽ gửi tiền tàu cho ông cụ và cắt nghĩa cho ông cụ rõ tại sao chúng ta không đi xe lửa đến được. Mẹ hy vọng ông cụ sẽ nhận lời mời của chúng ta mà đến đây. Nếu ông cụ đồng ý lời đề nghị của mẹ thì chúng ta chỉ còn phải thỏa thuận với bố mẹ Rêmi nữa thôi, vì cũng cần phải hỏi ý kiến họ.

Cho đến lúc đó, câu chuyện diễn ra rất vừa ý tôi y như có một bà tiên nhân hậu đã đụng chiếc đũa thần vào tôi. Nhưng mà những lời sau cùng đã phũ phàng kéo tôi từ cõi mộng trở về thực tế buồn tênh.
Hỏi ý kiến mẹ tôi ư?

Chắc chắn là bố mẹ tôi sẽ nói cái điều mà tôi muốn giấu. Tôi là đứa trẻ mà người ta nhặt được, sự thật ấy sẽ phơi trần.
Thế là Áctơ, có thể là bà Miligơn sẽ không nhậu tôi nữa. Tôi rụng rời thảng thốt.
Bà Miligơn ngạc nhiên nhìn tôi và hỏi han tôi, nhưng tôi không dám trả lời câu hỏi của bà. Bà tưởng tôi bối rối vì ông chủ sắp đến nên không hỏi nữa.
Cũng may mà sự việc xảy ra vào buổi tối trước giờ đi ngủ một chút. Chẳng mấy chốc tôi đã thoát khỏi con mắt tò mò của Áctơ. Tôi đi về phòng vừa lo ngại vừa suy nghĩ lung tung.
Đây là đêm thao thức đầu tiên của tôi trên thuyền Thiên Nga. Phải nói rằng tôi trằn trọc quá đỗi, cứ chập chờn trong mộng mị và thấy đêm dài mãi như không muốn sáng ra.
Làm gì bây giờ? Và nói thế nào đây? Tôi chẳng tìm ra cách nào cả.
Sau khi đã cân nhắc lại hàng trăm lần những ý nghĩ giống nhau, chọn những cách giải quyết trái ngược nhau, cuối cùng tôi dừng lại với cách tiện nhất và tầm thường nhất, là không làm gì cả và không nói gì cả. Tôi sẽ mặc cho sự việc diễn ra thế nào thì hay thế ấy vì không thể làm gì hơn.
Có lẽ cụ Vitali không chịu rời bỏ tôi ra. Trong thâm tâm đang dằn vặt dữ dội, tôi vừa mong vừa sợ sự việc xảy ra như vậy. Trong trường hợp ông cụ không nhận lời, tôi sẽ ra đi và khỏi phải nói sự thật. Tôi sợ sự thật ghê gớm, sợ bị phát giác đến nỗi phải thiết tha mong mỏi ông cụ Vitali không nhận lời bà Miligơn và hai bên không thể thỏa thuận về tôi.

Như thế thì hẳn tôi sẽ phải xa Áctơ và bà mẹ nó, xa luôn và không bao giờ được gặp lại nữa cũng nên. Nhưng được cái là họ sẽ không giữ những kỷ niệm xấu về tôi.

Viết thư cho chủ tôi ba ngày thì bà Miligơn nhận được thư trả lời. Cụ Vitali cho biết vắn tắt là cụ ấy lấy làm hân hạnh đáp lại lời mời của bà Miligơn và sẽ đi chuyến tàu hai giờ đến tỉnh Xếttơ vào thứ bảy tới.

Tôi xin phép bà Miligơn ra đón ông cụ. Tôi dắt cả đàn chó và con khỉ Giôlicơ cùng đi.
Mấy con chó có vẻ lo ngại như đoán biết có việc gì xảy ra. Con Giôlicơ thản nhiên như không. Còn tôi thì rất xúc động. Biết bao xung đột đã diễn ra trong đầu óc dốt nát của tôi. Tôi đứng ở một góc sân ga, tay giữ xích ba con chó và ôm con Giôlicơ trong áo vét. Tôi đứng chờ nhưng chẳng nhìn thấy gì xảy ra xung quanh.

Chính mấy con chó báo cho tôi biết tàu tới và chúng đã đánh hơi thấy chủ chúng tôi. Đang đứng yên thì tự nhiên tôi thấy bị lôi về phía trước. Vì không đề phòng nên tôi không giữ được mấy con chó lại. Chúng nó vừa chạy vừa vui vẻ sủa vang. Liền ngay sau đó tôi thấy chúng nó nhảy nhót sau lưng cụ Vitali. Cụ vẫn mặc bộ quần áo thường ngày. Nhanh chân hơn mặc dù không mềm dẻo bằng các bạn, con Capi nhảy tót lên tay chủ, còn con Décbinô và con Đônxơ thì quấn quýt bên chân.

Đến lượt tôi lại gần. Cụ Vitali đặt con Capi xuống đất ôm chặt tôi vào lòng.

Lần đầu tiên cụ hôn tôi. Cụ nhắc đi nhắc lại mãi:

– Chào anh bạn thân mến!(1)

Chủ tôi không bao giờ khắc nghiệt với tôi, nhưng cũng không hay vuốt ve mơn trớn. Tôi chưa quen với cảnh tỏ tình bồng bột ấy. Tôi cảm động đến rớt nước mắt, vì lúc bấy giờ lòng tôi dễ se lại mà cũng dễ mở ra.

Tôi nhìn ông cụ. Tôi nhận thấy ở trong tù ông cụ đã già đi nhiều. Lưng cụ còng xuống, mặt cụ xanh đi và môi cụ nhợt nhạt.
Thế nào? – Ông cụ nói. – Cháu thấy ông khác xưa lắm phải không? Nhà tù là một chỗ nghỉ chân không tốt và buồn chán là một bệnh nguy hiểm. Nhưng từ giờ thì sẽ khá hơn.
Rồi cụ chuyển sang chuyện khác. Cụ nói:

Thế cái bà viết thư cho ông, cháu làm thế nào mà quen bà ấy?

Tôi bèn kể cho cụ nghe tôi gặp chiếc thuyền Thiên Nga như thế nào, và vì sao từ đó tôi ở với bà Miligơn và con trai bà. Tôi thuật lại những điều ấy với ông cụ. Câu chuyện của tôi đã dài tôi lại còn cố kéo dài vì sợ phải kể đến đoạn cuối, phải nói đến cái việc làm tôi sợ hãi. Giờ thì có lẽ không khi nào tôi dám nói với chủ tôi là tôi mong muốn ông cụ đồng ý với bà Miligơn và Áctơ để cho tôi ở lại.

Nhưng tôi khỏi phải thú thực điều ấy với ông cụ, vì câu chuyện chưa đến đoạn cuối thì chúng tôi đã đến khách sạn bà Miligơn trọ rồi. Vả lại ông cụ chẳng nói gì với tôi về bức thư của bà Miligơn, cũng không đả động gì đến những đề nghị của bà ta trong thư.

Khi chúng tôi bước vào khách sạn ông cụ hỏi:

Thế bà ấy đợi ông đấy à?

Vâng, để cháu đẫn ông đến buồng bà ấy.

Không cần! Cháu cho ông biết buồng bà ấy, và đứng ở đây với bầy chó và con Giôlicơ, chờ ông xuống.
Hễ chủ tôi đã nói thì tôi quen vâng lời và không tranh luận. Tuy vậy lần này tôi cũng liều góp ý kiến xin phép ông cụ cho tôi cùng đi vào gặp bà Miligơn. Điều đó tôi cho là tự nhiên và hợp lý thôi. Nhưng ông lấy tay ra hiệu và bảo tôi im. Tôi đành vâng lời và ngồi đợi trên chiếc ghế dài của khách sạn với đàn chó quanh tôi. Chúng nó cũng muốn đi theo ông cụ. Nhưng cũng giống như tôi, chúng nó cũng không dám cưỡng lại mệnh lệnh của ông cụ. Cụ Vitali biết cách chỉ huy lắm.

Tại sao cụ Vitali không muốn cho tôi dự cuộc nói chuyện giữa ông với bà Miligơn?

Tôi tự hỏi như vậy và xoay câu hỏi ấy đủ hướng đủ chiều. Tôi chưa tìm được câu trả lời thì ông cụ đã quay trở lại. Cụ bảo:
Thôi cháu vào từ biệt bà ấy đi. Ông đợi cháu ở đây. Mười phút nữa chúng ta lên đường.
Vài phút trước đây tôi hết sức phân vân. Nhưng giờ đây tôi lại ngẩn người trước quyết định đó. Chờ mấy phút thấy tôi không nhúc nhích cụ nói tiếp:
Thế nào? Cháu không hiểu ông nói gì à? Còn đứng ngây ra như phỗng ấy. Mau lên chứ.
Ông cụ không quen nói xẵng với tôi bao giờ. Từ khi tôi ở với ông cụ, chưa lần nào ông cụ nặng lời với tôi đến như vậy.
Chẳng hiểu gì, tôi như cái máy, đứng lên làm theo lệnh ông cụ. Nhưng sau khi đi được vài bước tôi hỏi:
Thế ông đã nói…

Ông đã nói rằng cháu cần cho ông cũng như ông cũng cần cho cháu. Do đó ông không thể nhường cháu cho ai được. Thôi đi đi rồi trở lại đây!
Câu nói đó làm cho tôi lấy lại được can đảm. Bởi vì cái lo người ta biết mình là đứa trẻ nhặt ám ảnh tôi đến nỗi tôi cho rằng mình phải đi gấp như thế là vì ông chủ đã kể hết lại lai lịch của mình rồi.
Bước vào buồng bà Miligơn, tôi thấy Áctơ đang khóc và mẹ nó thì cúi xuống dỗ nó. Nó kêu to:
Anh Rêmi ơi, anh không chịu đi đấy chứ?

Bà Miligơn trả lời thay tôi, giải thích cho nó nghe là tôi phải vâng lời.

Tôi đã yêu cầu chủ anh để anh ở lại đây với mẹ con tôi. – Bà nói với tôi với một giọng làm tôi ứa nước mắt.
Nhưng chủ anh không bằng lòng, chẳng làm thế nào lay chuyển ông cụ được.

Ông ấy là một người độc ác! – Áctơ kêu.

Không, ông cụ không phải là người độc ác đâu. – Bà Miligơn nói tiếp. – Ông cụ cần anh, hơn nữa tôi thấy ông cụ yêu thương anh thực sự. Vả lại lời lẽ của ông cụ là lời lẽ của bậc chính nhân quân tử, một người thanh cao tuy nghèo khó. Để giải thích vì sao ông cụ từ chối, cụ đã trả lời như thế này: “Tôi thương yêu thằng bé này và nó cũng yêu thương tôi. Tập sống ở đời bên cạnh tôi gian khổ lắm, nhưng sẽ bổ ích cho nó hơn cái vị trí tôi tớ trá hình mà bà sẽ vô hình dành cho nó. Bà cho nó học tập, bà giáo dục nó, cũng có như vậy. Bà bồi dưỡng trí tuệ cho nó, cũng có như vậy. Nhưng bà không rèn luyện tính khí cho nó được. Nó không thể là con bà được. Nó sẽ là con tôi. Sống với tôi vẫn hơn là làm một thứ đồ chơi cho cậu con trai ốm yếu của bà, mặc dù trông chú bé thật hiền lành và dễ yêu. Phần tôi, tôi cũng sẽ dậy nó học”.

Nhưng ông cụ không phải là bố Rêmi mà! – Áctơ kêu to.

Ông cụ không phải là bố anh ấy, cái đó đúng. Nhưng ông cụ là chủ của anh ấy. Rêmi thuộc quyền ông cụ, vì bố mẹ Rêmi đã cho ông cụ mướn Rêmi. Hiện nay Rêmi phải tuân lời ông cụ.
Con không bằng lòng để cho Rêmi đi đâu.

Nhưng mà phải để cho anh ấy đi theo chủ. Mẹ mong sẽ không còn lâu nữa. Mẹ sẽ viết thư cho bố mẹ anh ấy và dàn xếp với họ.
Ồ! Không! – Tôi kêu lên.

Thế nào, tại sao lại không?

Ồ đừng thế! Cháu xin bà!

Chỉ còn cách ấy thôi cháu ạ.

Cháu xin bà, bà đừng làm thế!

Chắc chắn là bà Miligơn không nói tới bố mẹ tôi, thì có lẽ tôi đã kéo dài cuộc từ biệt này quá cái mười phút, đồng hồ mà chủ tôi đã dành cho tôi.
– Bố mẹ cháu ở Savanông, có phải không cháu? – Bà Miligơn nói tiếp.

Tôi không trả lời, bước lại gần Áctơ, ôm lấy nó và hôn hai ba lần. Tôi đã đặt trong mấy cái hôn ấy tất cả tình thân ái của tôi. Rồi dằng tay nó ra, tôi trở lại phía bà Miligơn quỳ xuống và hôn tay bà.

Tội nghiệp con! – Bà vừa nói vừa cúi xuống. Và bà hôn lên trán tôi.
Tôi đứng lên ngay và chạy ra phía cửa.

Áctơ ơi, tôi sẽ yêu thương anh mãi mãi!

Tôi nói giọng nức nở. – Còn bà, thưa bà, không bao giờ cháu quên bà!

Rêmi! Rêmi! – Áctơ kêu.

Tôi chẳng nghe thấy gì nữa, tôi đã ra ngoài và đóng cửa lại.

Phút sau tôi lại ở bên cạnh chủ tôi.

Ông cụ nói:

– Thôi lên đường, các con!

Chúng tôi theo con đường Phơrôngtinhăng ra khỏi thành phố Xếttơ.

Thế là tôi đã từ biệt người bạn đầu tiên của tôi để lại lao vào cuộc sống phiêu lưu.

Nếu tôi không phóng đại hậu quả của một thành kiến xấu xa để rồi hoảng hốt sợ sệt, thì tôi đã có thể tránh được cuộc sống bấp bênh cay đắng ấy.

————————–

Nguyên văn bằng tiếng I-ta-li-a: Buon di, poverocaro! – ND


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.