Không Gia Đình

32. LÃO BÁCBƠRANH



Nếu tôi không vội đi Pari thì tôi đã ở lại lâu, thật lâu với Lidơ rồi. Chúng tôi có bao nhiêu chuyện để nói với nhau nhưng cái ngôn ngữ chúng tôi dùng thì quả là nói với nhau được quá ít.

Lidơ cần kể cho tôi nghe chuyện em về ở Đơrơdy và về sự trìu mến của cô em và chú em; cô em đã sinh đẻ năm bận và bây giờ chẳng còn được mụn con nào. Đó là cái nạn chung của các gia đình tỉnh Nievơrơ; ở đó người mẹ phải bỏ con mình lại nhà để lên Pari ở vú, và tả cách em ăn ở trong nhà với công việc của em, trò chơi và thú vui của em. Chỉ những đi câu cá, bơi thuyền và chạy nhởn trong rừng mà hết thì giờ, vì em không đi học được.

Về phần tôi, tôi cần hỏi em có tin tức gì của bố không và tôi phải kể cho em nghe những gì xảy đến cho tôi từ lúc chia tay nhau. Tôi kể chuyện tôi suýt chết trong hầm mỏ chỗ Alơxi làm việc, chuyện khi về nhà tìm mẹ nuôi thì nghe nói gia đình đang tìm tôi và vì thế mà tôi không đi thăm chị Êchiênnét được như mong muốn.

Dĩ nhiên là tôi nói nhiều hơn hết về gia đình tôi, cái gia đình giàu sang của tôi. Tôi nhắc lại với Lidơ những điều tôi đã nói với Mátchia, nhấn mạnh về cái triển vọng giàu sang của tôi: cái triển vọng ấy mà thực hiện thì mọi người sẽ sung sướng, bố em, các anh em và em – nhất là em – sẽ được sung sướng.

Lidơ đâu đã được sớm từng trải việc đời như Mátchia, và cũng là may mắn cho em, cũng không xuất thân từ cái trường học Garôphôli. Em rất sẵn sàng tin rằng những kẻ giàu sang thì chỉ có mỗi việc là sống sung sướng, và tiền bạc là một lá bùa, giống như trong truyện thần tiên, có phép làm ngay ra những gì người ta ao ước. Chẳng phải là vì nghèo thiếu mà bố em đã phải nằm ở nhà giam và gia đình em đã tan tác đó sao! Dù tôi giàu hay em giàu, điều đó có quan hệ gì! Cuối cùng thì cũng như nhau thôi! Tất cả chúng ta sẽ được sung sướng, và em cũng chỉ mong muốn như vậy! Mọi người đoàn tụ, tất cả sung sướng.

Ngoài những buổi chuyện trò trên cống, giữa tiếng nước chảy xiết qua các cửa tháo nước, ba chúng tôi Lidơ, Mátchia và tôi còn đi dạo chơi đây đó. Nói cho đúng thì năm chứ không phải ba vì ông Capi và cô búp bê lúc nào cũng có mặt.

Chu du nước Pháp mấy năm trời với cụ Vitali và mấy tháng gần đây với Mátchia, tôi đã đặt chân đến nhiều quê xa cảnh lạ, nhưng tôi chưa hề trông thấy cảnh vật nào lạ mắt như cảnh vật đang bày ra trước mắt chúng tôi. Những cánh rừng bao la, những đồng cỏ xanh rợn chân trời, rồi những núi đá, những đồi, những hang động, những thác tung bọc, những đầm nước phẳng lỳ và, trong thung lũng chật hẹp, con sông đào uốn lượn chảy đi êm ả giữa hai dãy đồi dựng dốc. Thật là đẹp đẽ. Chỉ có tiếng nước chảy rì rầm, tiếng chim hót và tiếng gió than vãn trên cành lá. Thực ra thì mấy năm trước đây, tôi cũng cho thung lũng sông Nievơrơ là đẹp. Kể ra cũng không nên tin tôi một cách máy móc. Tôi chỉ muốn nói rằng ở đâu mà có Lidơ cùng đi với tôi, cùng nô đùa với tôi thì ở đó có những nét đẹp, những vẻ quyến rũ mà tôi không nhận thấy ở nơi khác, dù những nơi này có được thiên nhiên tô vẽ hơn nhiều.

Tối đến, nếu trời khô ráo thì chúng tôi ngồi trước nhà, hoặc bên lò sưởi nếu sa mù dày đặc, và tôi gảy thụ cầm cho Lidơ nghe. Em thích thú lắm. Mátchia cũng kéo vĩ cầm hoặc thổi kèn đẩy. Nhưng Lidơ ưa thụ cầm hơn, điều này làm tôi đắc ý không phải là ít. Trước khi chia tay đi ngủ, Lidơ đòi nghe dân ca vùng Naplơ, và tôi hát cho em nghe.

Nhưng, dù sao tôi cũng phải từ giã Lidơ và phong cảnh nơi này để lên giường. Cảnh biệt ly đối với tôi lần này không đến nỗi buồn quá. Luôn luôn say sưa với mộng giàu sang, tôi hầu như không còn tin là mình sẽ giàu mà cứ tưởng rằng mình đã giàu rồi, ước gì được nấy, không nay thì mai là có thể giàu ngay tức khắc.

Câu nói cuối cùng của tôi với Lidơ trước khi chia tay, hơn là nghìn lời giải thích, chứng tỏ tôi thật thà sống trong ảo mộng. Tôi nói:
– Anh sẽ đến đón em trên cỗ xe tứ mã!

Và Lidơ tin tôi đến nỗi em vẫy tay ra hiệu vung roi quất ngựa. Chắc hẳn em trông thấy cỗ xe, cũng như tôi vậy.
Tuy nhiên, trước khi xe tứ mã từ Pari đi Đrơdy thì phải lết bộ từ Đrơdy đến Pari cái đã. Nếu không có Mátchia thì tôi chỉ có mỗi một mối lo là vượt đường cho mau tới, ngoài ra, kiếm đủ bữa thì thôi. Bây giờ thì cần gì phải vất vả nữa! Bò mua rồi, búp bê cũng sắm rồi, miễn kiếm ăn qua ngày là được chứ bố mẹ tôi cần gì tôi mang của về! Nhưng, những lý lẽ tôi đưa ra chẳng lay chuyển được Mátchia tí nào. Nó bắt tôi cứ phải đánh thụ cầm và nói:
Kiếm được chừng nào thì hãy cứ kiếm! Chắc đâu ta đã tìm thấy lão Bácbơranh ngay!
Trưa không tìm thấy thì xế chiều cũng tìm thấy! Phố Muphơta có phải là vô tận đâu!

Thế ngộ lão không ở phố Muphơta nữa?

Thì ta đến chỗ ở mới của lão!

Ngộ nhỡ lão trở về Savanông thì sao? Tất phải viết thư cho lão và chờ lão trả lời. Trong lúc đó thì chúng ta lấy gì mà ăn nếu không có đồng nào trong túi? Đúng là cậu chưa hiểu biết Pari.
Đến nhà bố mẹ tới rồi thì chúng mình sẽ ăn tối tươi hơn.

Không phải mình không màng ăn tối khi đã ăn sáng đủ. Nhưng khi không ăn sáng và cũng không được ăn tối thì mình không chịu được, mình không thích thế. Thôi hãy cứ làm việc đi, y như là phải mua một con bò sữa cho bố mẹ cậu.
Ý kiến của Mátchia khôn ngoan đáo để! Tuy vậy, phải thú nhận rằng tôi vẫn không ca hát nhiệt tình như khi cần nhặt nhạnh từng xu để mua bò cho má Bácbơranh hay búp bê cho Lidơ. Mátchia than thở: “Sau này giàu sang thì mày lười phải biết!”.
Đến Coócbây thì chúng tôi gặp lại con đường mà chúng tôi đã đi sáu tháng trước, khi từ Pari chúng tôi cất bước về Savanông. Chúng tôi vào cái nông trang mà gánh chúng tôi đã diễn buổi hợp tấu đầu tiên cho khách dự lễ cưới khiêu vũ. Đôi vợ chồng mới cưới nhận ra chúng tôi và yêu cầu chúng tôi đánh đàn cho họ khiêu vũ lần nữa. Họ mời chúng tôi ăn tối và cho ngủ lại. Sáng hôm sau, chúng tôi khởi hành từ đó để trở về Pari. Tính ra, kể từ khi ở Pari ra đi cho đến nay vừa đúng sáu tháng mười bốn ngày.

Nhưng ngày trở về chẳng giống ngày ra đi tí nào. Trời hôm nay u ám và lạnh ngắt. Trên cao không có mặt trời, hai bên lề đường không hoa, không lá. Mặt trời mùa hạ đã làm xong nhiệm vụ và sương mù mùa thu bắt đầu kéo về; từ trên chóp tường hoa đinh hương không rơi lên đầu chúng tôi nữa, chỉ có lá khô trên cây úa vàng lìa cành rụng xuống. Nhưng có hề gì cái cảnh đất trời ảm đạm! Chúng tôi có một niềm vui sướng bên trong không cần ngoại cảnh kích thích. Nói chúng tôi thì không đúng, thật ra chỉ có mỗi mình tôi là có sự hoan hỉ trong lòng. Nghĩ đến cảnh được ngã vào lòng một bà mẹ, đích là mẹ đẻ của mình, và một ông cha gọi mình bằng con, tôi sung sướng đến phát sốt lên.

Về phần Mátchia, thì càng tiến gần đến Pari, nó càng có vẻ âu sầu, nhiều khi lùi lũi đi hàng giờ không hé răng nói nửa tiếng. Nó không nói vì sao nó buồn, cho nên tôi cứ ngỡ là vì nó sợ phải xa nhau. Bởi thế, tôi không muốn nhắc lại lần nữa cái điều mà tôi đã nhiều lần giải thích, nghĩa là cha mẹ tôi không thể nào có ý định chia rẽ hai đứa tôi. Cho đến khi gần tới vùng những pháo đài ngoại vi, dừng lại ăn trưa, nó mới thổ lộ nỗi lo âu của nó. Nó ngồi trên một tảng đá, vừa ăn bánh mì vừa nói:

Sắp đặt chân vào Pari, cậu có biết tớ nghĩ đến ai không?

Đến ai à?

Ừ, đến ai? Đến Garôphôli! Lão đã mãn hạn tù thì mới rắc rối! Khi người ta bảo lão đi tù, tớ quên không hỏi là tù bao lâu. Cho nên giờ phút này, có thể là lão đã được tự do rồi, và lão đã trở về chỗ trọ của lão ở phố Luốcxin rồi cũng nên. Chúng mình cần tìm Bácbơranh ở phố Muphơta, nghĩa là ở chính khu phố của Garôphôli, ngay cạnh nhà lão. Gì sẽ xảy đến nếu tình cờ lão gặp chúng mình? Lão là chủ tớ, là cậu tớ, lão có quyền bắt tớ lại mà tớ thì không có cách nào thoát tay lão. Cậu đã từng sợ rơi trở vào tay lão Bácbơranh, hẳn cậu hiểu tớ cũng sợ rơi trở vào tay Garôphôli dường nào. Chao ôi! Thương hại cho cái đầu của tớ! Ấy nhưng đau đầu thì đã thấm vào đâu bên cạnh cái đau ly biệt. Anh em ta sẽ không được gặp nhau. Sự chia rẽ vì gia đình tớ sẽ còn tàn nhẫn hơn sự chia rẽ bởi gia đình cậu biết mấy! Chắc hẳn Garôphôli cũng muốn giữ cậu và giáo dục cậu theo kiểu lão dạy học trò lão, nghĩa là có kèm roi vọt. Nhưng chắc cậu không ở, mà tớ, tớ cũng không muốn cậu làm bạn với tớ trong cảnh ấy. Cậu có bị đánh đập bao giờ đâu!

Lao theo ước vọng của mình, tôi chưa hề nghĩ đến Garôphôli. Nhưng mấy điều Mátchia vừa nói có thể xảy ra được quá! Không cần giải thích, tôi cũng hiểu chúng tôi bị đe dọa như thế nào. Tôi hỏi:
Thế cậu muốn thế nào? Hay là cậu đừng vào Pari vậy?

Tớ tưởng rằng nếu tớ không đi đến phố Muphơta thì cũng đủ tránh được cái rủi ro bị lão Garôphôli bắt gặp.

Ồ, thế thì cậu đừng đến phố Muphơta, để tớ đi một mình thôi. Chúng mình hẹn bảy giờ tối sẽ lại gặp nhau ở một nơi nào đó!
Cái nơi chúng tôi hẹn nhau là ở đầu cầu Đại giám mục, về phía Nhà thờ Đức Bà. Xếp đặt xong, chúng tôi lại lên đường vào thành phố.
Đến quảng trường Italia, chúng tôi chia tay nhau, bùi ngùi như thể sẽ không bao giờ gặp nhau nữa. Mátchia và Capi đi về phía vườn Bách Thảo, còn tôi thì xăm xăm đến phố Muphơta, không cách quảng trường là mấy. Từ sáu tháng nay, lần đầu tiên đi một mình không có Mátchia và Capi bên cạnh, tôi thấy lòng nao nao khó chịu. Tôi tự nhủ không nên để cho cảm giác ấy làm nản lòng nhụt chí. Không phải tôi đang đi tìm Bácbơranh, để rồi qua lão, tìm thấy gia đình của tôi là gì?

Tôi đã ghi tên và chỗ ở những chủ trọ của lão Bácbơranh vào một mảnh giấy. Kể ra cũng là thừa! Tôi không quên chút nào, tên cũng như chỗ ở, và tôi cũng chẳng phải ngó vào giấy: Pagiô, Barabô và Sôphinê. Vào phố Muphơta, người đầu tiên tôi gặp là Pagiô, trong cái quán khổ chiếm tầng dước một ngôi nhà khi thuê. Tôi vào quán khá mạnh dạn nhưng lại hỏi thăm ông Bácbơranh với giọng run run.

Bácbơranh nào? – Chủ quán hỏi.

Ông Bácbơranh người ở Savanông.

Tôi tả hình dáng Bácbơranh, nói cho đúng hơn là hình dáng mà tôi trông thấy khi lão mới ở Pari về: mặt mũi cộc cằn, vẻ người khắc nghiệt, đầu vẹo trên vai phải.
– Không biết! Ở đây không có cái của ấy!

Tôi cảm ơn y và đi thêm một quãng đường nữa, đến nhà Barabô. Ngoài nghề chứa trọ, anh này còn kiêm nghề bán hoa quả. Tôi cũng hỏi như trước. Vất vả lắm họ mới chịu để ý đến tôi. Hai vợ chồng đều bận. Chồng thì đang dùng một cái gì như cái bay thợ nề xén bột dọn cho khách, một thứ bột nhão màu xanh, mà anh ta gọi là “rau diếp”. Vợ thì mải cãi cọ với khách hàng về một đồng xu trả thiếu. Tôi hỏi đi hỏi lại ba lần cuối cùng họ mới trả lời:

À phải! Bácbơranh… Hắn ở đây ngày trước, lâu rồi, cách đây bốn năm là ít!

Năm chứ! – Chị vợ ngắt lời. – Tôi nhớ cả hắn còn nợ ta một tuần tiền trọ. Cái lão chết tiệt ấy bây giờ ở đâu?

Thì tôi cũng chỉ hỏi có thế! Tôi đi ra, ngán ngẩm và có phần nào lo ngại. Chỉ có Sôpinê nữa thôi. Nếu hắn ta không biết gì ráo thì hỏi ai bây giờ? Tìm Bácbơranh ở đâu?

Cũng như Pagiô, Sôpinê là chủ quán. Khi tôi bước chân vào gian phòng ở đấy ông ta nấu nướng và dọn ăn cho khách thi có nhiều người ngồi ở bàn ăn. Sôpinê đang cầm môi chan xúp vào bánh mì cho khách hàng. Tôi hỏi ông ta.

Bácbơranh. – Ông ta đáp. – Hắn không ở đây nữa! Tôi run rẩy hỏi tiếp:
Thế ông ấy ở đâu?

Ồ, cái đó ta không biết!

Bây giờ cháu phải tìm ông ta nơi nào?

Lão ta không để địa chỉ lại!

Chắc là nỗi thất vọng đã hiện lên trên mặt tôi một cách rõ ràng và cảm động đến nỗi có một ông khách đang ăn ở bàn cạnh bếp gọi tôi hỏi:
– Cháu bé hỏi Bácbơranh làm gì?

Cháu ở làng bên, làng ông ta, Savanông ấy! Cháu mang tin của bà Bácbơranh lên cho ông ta. Bà ấy bảo cháu đến gặp ông ta ở đây.
Ông chủ quán nói với người vừa hỏi tên tôi:

Nếu ông bạn biết Bácbơranh ở đâu thì hãy mách hộ thằng bé. Chắc là nó không có ý gì làm hại lão ta đâu, phải không chú bé?
Ồ, thưa ông, không ạ!

Bácbơranh, hiện giờ hắn đang trọ ở khách sạn Căngtan, ở ngõ Ốtxtéclíc. Cách đây ba tuần lão còn ở đó.
Tôi cảm ơn và ra đi. Trước khi đến ngõ Ốtxtéclíc, tôi muốn biết tin tức Garôphôli để về thuật lại với Mátchia. Chỗ này ở ngay phố Luốcxin. Chỉ cần đi mấy bước là đến cái nhà tôi đã đến với cụ Vitali. Cũng như lần đầu tôi đến, một cụ già, vẫn cụ già ngày nọ, đang mắc những tã rách lên bức tường xanh bẩn trong sân. Hẳn là từ độ ấy đến này, ông không ngừng mắc tã kia lên tường nọ.

– Ông Garôphôli đã về chưa, thưa cụ? – Tôi hỏi.

Ông lão nhìn tôi không trả lời và bắt đầu ho. Tôi thấy phải tỏ ra mình biết Garôphôli ở đâu rồi, chứ không thì chả moi được gì ở cái ông lão nhặt giẻ ấy. Tôi lấy vẻ thông thạo, hỏi:

Hắn ta vẫn còn ở đấy chứ? Chắc là hắn ta chán ngấy ra rồi!

Có lẽ, nhưng rồi ngày giờ cũng trôi qua thôi!

Trôi như thế nào hắn cũng cứ thấy chậm, chứ không thấy nhanh như ta!

Câu bông đùa làm ông cụ cười, và thế là lại nổi một cơn ho dữ dội. Chờ ông hết ho, tôi hỏi:
Cụ có biết bao giờ hắn ta về không?

Ba tháng nữa.

Garôphôli còn ở tù ba tháng, Mátchia có thể thở phào! Trong vòng ba tháng, thế nào bố mẹ tôi cũng tìm được cách không cho lão bầu ghê gớm này có hành động gì hại đến cháu lão…

Nếu tôi đã bị thất vọng cay đắng ở nhà Sôphinê thì bây giờ tôi lại tràn trề hy vọng, tôi đi tìm ngay lão Bácbơranh tại khách sạn Căngtan.
Không thể chậm một phút, tôi xăm xăm đi về hướng ngõ Ốtxtéclíc, lòng tràn đầy hân hoan và hy vọng. Có lẽ vì tin vì vui mà tôi trở nên khoan dung đối với Bácbơranh.

Suy cho cùng thì có lẽ lão ta cũng không đến nỗi độc ác như người ta tưởng! Không có lão, nhất định tôi sẽ chết vì đói rét ở phố Brơtơi. Ừ thì đúng là lão ta đã cướp sống tôi trên tay má Bácbơranh đem bán cho cụ Vitali nhưng thật tình lão có thể trìu mến một đứa trẻ mà tới lúc đó lão chưa hề nhìn thấy, và lão lại rơi vào cảnh túng thiếu nó thường dễ khuyên người ta làm bậy! Lão đương tìm tôi, lão chú ý đến tôi, và nếu tôi được gặp bố mẹ thì chính cũng là nhờ lão! Điều đó đáng được tính đến hơn là cái nỗi oán hờn nuôi mãi trong lòng tôi từ ngày từ biết Savanông, cổ tay bị bàn tay cụ Vitali nắm chặt. Thế thì tôi vẫn phải biết ơn lão: nếu không thể quí yêu trìu mến như đối với má Bácbơranh thì ít ra cũng phải coi như một trách nhiệm theo lương tâm chứ! Đi băng qua vườn Bách thảo thì từ phố Luốcxin đến ngõ Ốtxtéclíc cũng nhanh thôi.

Chẳng mấy chốc tôi đã đến trước khách sạn mà thực ra chỉ là một cái nhà trọ tồi tàn. Chủ nhà là một bà cụ, đầu lắc lư, tai nghễnh ngãng. Tôi hỏi câu hỏi quen thuộc. Bà cụ lấy tay loa ra sau tai và bảo tôi nhắc lại. Bà nói khẽ:

Già hơi nặng tai.

Cháu tìm ông Bácbơranh, ông Bácbơranh người Savanông ấy mà! Ông ấy trọ nhà cụ, có phải không?

Bà cụ không đáp, đột ngột đưa hai tay lên trời, khiến con mèo đang ngủ trong lòng bà ta kinh hãi nhảy choàng xuống đất. bà kêu: “Ôi thôi! Ôi thôi”, rồi nhìn tôi, đầu càng lắc lư tợn. Bà hỏi:

Anh là thằng bé chăng?

Thằng bé nào?

Thằng bé xưa ông ta tìm.

Thằng bé xưa ông ta tìm. Nghe tiếng ấy, tim tôi đau thắt. Tôi kêu to lên:

Ông Bácbơranh!

Mồ ma ông Bácbơranh, phải nói mồ ma ông Bácbơranh. Tôi tựa vào cây thụ cầm cho khỏi ngã.
Tôi nói to lên cho bà cụ nghe thấy nhưng giọng tôi đã nghẹn đi vì xúc động:

Vậy ra ông ấy chết rồi ư?

Đã tám hôm rồi, ở bệnh việc Xanh Ăngtoan.

Tôi chết điếng người, Bácbơranh chết rồi! Thế thì gia đình tôi, bây giờ tôi làm sao tìm ra được? Mà tìm kiếm ở đâu chứ? Bà cụ lại hỏi tiếp:
Thế anh là thằng bé? Thằng bé mà ông ta tìm để trao trả lại gia đình giàu có của nó?

Tôi lại thấy có hy vọng. Tôi bám riết câu ấy. Tôi hỏi:

Thế ra cụ biết?

Già biết những cái gì mà mồ ma ông ấy hồi còn sống kể cho già nghe: ông ta bắt được một thằng bé và nuôi nấng nó, bây giờ cái gia đình mất con muốn tìm con, và ông ta đi Pari là để lùng kiếm nó.
Nhưng còn cái gia đình đó bây giờ ở đâu rồi? Cái gia đình của tôi đó?

– Thế ra đúng anh là thằng ấy rồi, có phải không? Ừ! Đúng là anh rồi! Đích thị là anh!

Vừa lắc lư cái đầu, bà cụ vừa nhìn tôi, tận mắt. Tôi không thể để cho bà cụ nhìn ngằm nữa.
Van cụ, xin cụ nói hết cho cháu nghe.

Thì già còn biết gì nữa ngoài những cái già đã nói với anh… à, với cậu.

Cụ nói cho cháu nghe những gì ông Bácbơranh nói với cụ về gia đình cháu. Thưa cụ, cụ đã thấy cháu buồn, cháu lo, cháu bối rối như thế đấy, cụ hãy thương cháu!
Bà không đáp lại và lại đưa tay lên trời lần nữa. Bà kêu: “Rõ oái ăm chưa!” Lúc ấy có một người đàn bà, có vẻ là người giúp việc, đi vào phòng. Tức thời
bà chủ khách sạn bỏ tôi để kể lể với người ấy:

Rõ oái ăm chưa! Cái anh bé này, cái cậu mà chị thấy đó, là người mà mồ ma ông Bácbơranh nói chuyện. Cậu ấy đến mà Bácbơranh thì lại không còn nữa. Rõ oái ăm chưa!
Ông Bácbơranh không hề nói gì với cụ về gia đình cháu ư?

Nói nhiều, hàng chục lần, hàng trăm lần ấy chứ! Một gia đình giàu có.

Gia đình ấy ở đâu? Tên họ là gì?

Ấy đấy! Bácbơranh không hề nói những cái ấy với tôi. Cậu hiểu chứ, ông ta giữ bí mật. Ông ta muốn một mình lĩnh thưởng, cái đó đúng thôi. Chả ông ta là một anh láu cá mà!
Chao ôi! Phải, tôi hiểu lắm, tôi hiểu cái điều bà cụ nói quá đi chứ! Tôi hiểu rằng sống để dạ chết mang đi, Bácbơranh đã mang theo xuống mồ cái điều bí mật về gia đình dòng họ tôi. Tôi đi gần tới đích như thế chỉ để mà hỏng tuột. Hỡi ôi, những mộng đẹp, những niềm tin! Tôi lại hỏi bà cụ:
Thế cụ có biết có người nào được Bácbơranh nói cho biết nhiều hơn cụ không?

Bácbơranh có dại gì mà thổ lộ với ai! Ông ta đa nghi lắm.

Cụ có thấy người nào trong nhà cháu đến tìm ông ấy không?

Không hề thấy!

Hoặc cụ có biết một vài ông bạn thân của ông ta được nghe ông ta kể chuyện gia đình cháu không?
Ông ta không có bạn bè!

Tôi ôm đầu suy nghĩ. Nhưng nghĩ mãi cũng không thấy có dấu hiệu gì có thể mách bảo cho mình. Vả chăng tôi xúc động quá, bối rối quá nên không thể nào suy nghĩ có mạch lạc. Bà cụ cũng nghĩ ngợi một hồi lâu rồi nói:

Có lần ông ta nhận được một phong thư bảo đảm.

Thư từ đâu đến thưa cụ?

Tôi không biết! Người phát thư trao thẳng cho ông ấy, tôi không trông thấy con dấu!

Chắc chúng ta có thể tìm lại được bức thư ấy chứ nhỉ?

Sau khi ông ta chết, chúng tôi có lục trong đồ đạc ông ta để lại. Ồ! Không phải vì tọc mạch đâu, mà chỉ cốt để báo tin cho bà vợ. Chúng tôi không tìm thấy gì cả.

bệnh viện cũng vậy, người ta không tìm thấy giấy tờ gì trong áo quần của ông ta cả! Giá mà trước kia ông ta không nói mình ở Savanông thì hẳn người ta không thể báo tin cho bà vợ ông ta biết.
Thế má Bácbơranh đã được biết?

Hẳn thế!

Tôi đứng lặng hồi lâu, không nói năng gì. Nói gì, hỏi gì bây giờ? Có biết cái gì, họ đều nói cả với tôi rồi. Mà họ có biết gì đâu! Lẽ thường, họ đã làm đủ mọi cách để tìm hiểu cái điều mà Bácbơranh cố giấu họ. Tôi chào bà cụ rồi tiến ra cửa. Bà cụ hỏi:

Thế cậu đi đâu đấy?

Đi về với bạn cháu.

À, cậu có một người bạn à?

Vâng.

Cậu ấy ở Pari?

Chúng cháu mới đến Pari sáng nay.

Thế thì, này cậu, nếu cậu chưa giữ chỗ ở khách sạn nào thì cậu cứ việc lại đây. Cậu ở đây rất tốt, tôi có thể nói khoe như vậy không ngoa. Cái nhà trọ này là một nhà lương thiện. Nên chú ý là thân nhân cậu đang tìm cậu, cho nên khi chờ mãi không được tin tức gì của Bácbơranh, tất thế nào họ cũng đến hỏi ở đây chứ còn chạy đâu! Như vậy thì cậu sẽ có mặt ở đây để đón tiếp gia đình cậu. Tiện như thế đấy! Còn nếu cậu không ở đây thì người ta biết tìm đâu cho ra cậu! Tôi nói thế là vì cậu thôi! Bạn cậu bao nhiêu tuổi?

Nó bé hơn cháu chút ít!

Thử nghĩ xem! Hai thiếu niên như thế đấy lạc lõng giữa Pari đô hội. Tránh sao khỏi gặp nhiều người xấu! Có những khách sạn có nhiều người không tốt lui tới! Không phải như ở đây đâu, ở đây thì thật yên tĩnh! Cái khu phố này bó buộc phải thế!
Tôi cũng chẳng tin hẳn là khu phố này ưa yên tĩnh. Dù sao thì khách sạn Căngtan cũng là một khách sạn thuộc loại bẩn nhất và tồi nhất trần gian. Tuy vậy, đề nghị của bà cụ cũng đáng chú ý. Vả lại kén chọn lúc này là không phải lúc… Ở khách sạn Căngtan thì không phải trả nhiều tiền mà hiện nay chính chúng tôi cần ăn tiêu dè xẻn. Ồ! Cái thằng Mátchia thế mà nó nói chí phải! Nó muốn kiếm tiền trên con đường Đrơdy đi Pari. Nếu không có mười bảy phờrăng trong lưng thì nay biết xoay sở ra sao! Tôi hỏi:

Cho hai anh em chúng cháu thuê một cái phòng, cụ lấy bao nhiêu?

Mỗi ngày mười xu. Có đắt không nào?

Thế thì tối nay chúng cháu sẽ trở lại!

Hãy về sớm nhé, Pari ban đêm nguy hiểm đấy!

Trước khi trở về, tôi phải đến nơi hẹn để gặp Mátchia nhưng còn lâu mới đến giờ hẹn. Không có việc gì làm tôi buồn rầu đi về phía vường Bách thảo, tìm một cái ghế ở nơi vắng vẻ mà ngồi! Phải chăng cứ hết nạn nọ đến nạn kia, tôi phải nếm cho đủ mùi đau khổ? Phải chăng mỗi khi tôi vừa với tay nắm cành cây để có thể ngồi vững chãi thì cành cây gãy rắc dưới tay, làm cho tôi ngã xuống? Cứ mãi như thế! Lão Bácbơranh chết đúng cái lúc tôi cần đến lão thì quả là do cái số kiếp của tôi nó xui nên. Và cũng do số kiếp của tôi xui khiến cho nên gặp phải lão là con người hám lợi, lão giấu biệt tên họ và chỗ ở của người đã ủy thác cho lão lùng kiếm tôi, người đó có lẽ là cha tôi.

Tôi đang ngồi ở một xó dưới bóng mát của một cây xanh tốt, ứa nước mắt mà suy nghĩ như vậy, thì có một gia đình nhỏ đi đến: một ông và một bà, theo sau là thằng bé kéo chiếc xe con, đến ngồi ở một chiếc ghế trước mặt tôi. Họ gọi đứa bé. Đứa bé bỏ xe ra, dang hai tay chạy đến với bố mẹ. Người cha ôm nó vào lòng, đặt những cái hôn rất kêu lên tóc nó. Xong ông trao nó qua cho bà mẹ, bà cũng hôn nó nhiều lần, cùng hôn ở một chỗ. Đứa bé cười giòn tan, khum khum đôi bàn tay xinh xẻo bụ bẫm vỗ vỗ vào má bố mẹ nó.

Trước cảnh hạnh phúc gia đình ấy, bất giác nước mắt tôi tuôn rơi. Tôi chưa được hôn hít như thế bao giờ và liệu tôi có hy vọng được hôn hít như thế bao giờ không?

Tôi bỗng nảy ra ý định. Tôi lấy thụ cầm gảy nhè nhẹ một bài “van” cho thằng bé nghe. Nó nhịp nhịp đôi chân bé xíu của nó. Người bố đến bên tôi, đưa cho tôi một đồng bạc. Tôi lễ phép từ chối:

Thưa ông, không, cháu không lấy, xin ông vui lòng. Ông để cho cháu cái thú được làm vui giây lát cho em bé con ông, em kháu quá!
Ông khách chăm chú nhìn tôi. Nhưng giữa lúc ấy một người gác vườn đến. Mặc những lời phản kháng của ông khách, người gác vườn ra lệnh cho tôi đi ra ngay, nếu không muốn ngồi tù vì tội chơi nhạc trong công viên. Tôi quàng đàn lên vai rồi ra đi, thỉnh thoảng lại ngoái cổ nhìn hai ông bà ấy. Họ trông theo tôi, bùi ngùi. Cũng vẫn chưa tới giờ hẹn đến cầu Đại giám mục để gặp Mátchia, tôi thẫn thờ trên bờ sông, ngắm dòng nước chảy.

Đêm đến, đèn khi sáng lên. Bấy giờ tôi mới đi về phía Nhà thờ Đức Bà có hai ngọn tháp in bóng sẫm trên nền trời đỏ rực đằng Tây. Đến đó, tôi tìm được một chỗ và ngồi xuống khoan khoái, vì hai chân tôi rời rã như đã đi một độ đường quá xa, và tôi trở lại với những suy nghĩ phiền não. Chưa bao giờ tôi cảm thấy mình rã rời, mệt mỏi như thế này. Ở tôi, chung quanh tôi, thảy đều ảm đạm. Trong cái đô thành Pari bát ngát, sáng trưng, ồn ào và hối hả này, tôi lại càng cảm thấy bơ vơ hơn bất cứ lúc nào ngày giữa đồng không mông quạnh hoặc trong rừng rậm âm u.

Khách qua đường thỉnh thoảng ngoảnh lại nhìn tôi. Những đối với tôi, sự tò mò hoặc lòng thương cảm của họ nào có nghĩa lý gì! Tôi đâu có trông chờ sự cám cảnh của những kẻ bàng quan!
Chỉ còn một cách giải phiền là nhẩm đếm những tiếng chuông buông rơi quanh tôi. Thế là tôi lại tính toán xem còn phải chờ đợi bao lâu nữa mới lấy lại sức lực và dũng khí từ tình bạn của Mátchia! Nghĩ rằng mình sắp được gặp đôi mắt dễ thương, dịu hiền và tươi vui của nó, tôi phấn chấn lên nhiều.

Vào khoảng gần bảy giờ, tôi nghe thấy một tiếng sủa mừng rỡ. Ngay sau đó một vật trắng từ trong bóng tối lao đến phía tôi. Tôi chưa kịp nghĩ ra thì con Capi đã nhảy lên đùi tôi, liếm lấy liếm để hai bàn tay tôi. Tôi ôm nó, hôn lên mũi nó. Phút sau, Mátchia xuất hiện. Từ xa, nó đã kêu lên:

Thế nào?

Bácbơranh chết rồi!

Nó rảo chân chạy lên để chóng đến bên tôi. Bằng mấy lời vội vã, tôi kể cho nó nghe tôi đã làm gì và biết được những gì. Nó buồn lắm, điều đó khiến tôi cảm thấy dễ chịu: tôi nghiệm rằng mặc dù Mátchia lo nếu tôi tìm thấy gia đình tôi thì nó chẳng gặp hay gì cả, mặc dù thế, nó vẫn thành tâm mong muốn tôi tìm gặp được bố mẹ. Âu yếm và trìu mến, nó cố an ủi tôi, nhất là thuyết phục tôi không nên nản chí:

Bố mẹ cậu đã tìm được ra Bácbơranh thì nay sẽ lo ngại khi không thấy tin tức gì về lão ta nữa. Cho nên họ sẽ tìm hiểu xem có việc gì xảy đến với lão và tất nhiên họ sẽ đến khách sạn Căngtan. Thôi, ta tới khách sạn Căngtan đi thôi. Bất quá chậm mấy ngày, thế thôi!
Bà cụ có cái đầu lắc lư cũng nói với tôi như thế, nhưng cũng vẫn những lời ấy mà Máchia nói thì tác dụng hẳn. Hiển nhiên đây chỉ là vấn đề chậm trễ chút ít thôi. Thế mà mình đã đâm phiền muộn và chán nản, thật là trẻ con! Thấy trong người bình tĩnh hơn, tôi bèn thuật cho Mátchia nghe điều tôi biết được về Garôphôli. Nó reo lên:
Còn ba tháng nữa!

Thế là nó nhảy một điệu vũ ở giữa đường phố, vừa nhảy vừa hát. Bỗng dưng nó dừng lại và đến bên tôi:
Rõ thật là gia đình đằng này và gia đình đằng ấy khác nhau quá lắm! Cậu mất gia đình, cậu rầu rĩ. Mình mất gia đình, mình hát vang.
Một ông cậu, đâu đã là gia đình! Ý mình muốn nói một ông cậu như Garôphôli. Chứ giả thử cậu mất em Crítxtina của cậu thì cậu có nhảy múa không nào?

Chao ôi! Đừng nói dại!

– Đấy, thấy chưa!

Chúng tôi men theo bờ sông để đi đến phố Ốtxtéclíc. Không mờ mắt vì xúc động nữa, bây giờ tôi mới thấy sông Xen ban đêm có ánh trăng thật là đẹp: trăng rằm rọi ánh sáng xuống mặt nước sáng rõ như một tấm gương mênh mông và di động, rắc những vảy bạc sóng sánh đó đây.

Khách sạn Căngtan là một khách sạn lương thiện, nhưng không phải là một khách sạn đẹp. Chúng tôi được xếp vào một buồng con áp mái, chật đến nỗi khi một đứa đứng thì một đứa phải ngồi trên giường. Tôi không thể không nghĩ rằng đâu phải trong một gian phòng thế này mà tôi hy vọng được nghỉ lưng! Và những tấm chăn trải giường bằng vải thôi đã ngả màu cháo lòng, sánh sao được những tấm tã đẹp, biết bao lần má Bácbơranh đã tả cho tôi biết! Miếng bánh mì trát phomát Italia, mà người ta dọn cho chúng tôi ăn tối, thật khác xa với bữa tiệc thịnh soạn tôi dự định thết Mátchia. Nhưng đã mất đi đâu! Chỉ cần chờ ít lâu thôi. Tôi ngủ thiếp đi với ý nghĩ ấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.