Không Gia Đình

31. GIA ĐÌNH CŨ VÀ GIA ĐÌNH MỚI



Đêm hôm ấy tôi ngủ ít. Vậy mà trong những năm gần đây, biết bao lần tôi đã sướng rơn lên mỗi khi nghĩ tới được ngủ trên cái giường hồi nhỏ của mình. Trước kia tôi đã được nằm trên đó bao nhiêu tối, nép vào một góc, đánh một giấc dài đến sáng, chăn phủ tận cằm. Và cũng đã biết bao phen bắt buộc phải ngủ ngoài trời. Mà than ôi! Có phải lúc nào trời cũng tốt đâu. Biết bao phen co quắp vì rét cóng ban đêm hoặc lạnh buốt trong sương sớm, tôi đã nhớ tiếc tấm chăn ấm áp ấy!

Đặt lưng xuống, tôi ngủ ngay, thấm mệt sau ngày đi đường và cả sau cái đêm trong nhà giam nữa! Nhưng chẳng mấy chốc tôi đã thức giấc và thế là chong mắt suốt sáng: tôi bồn chồn quá, tôi nôn nóng quá. Ôi! Gia đình tôi!

Trong giấc ngủ, tôi cũng nghĩ đến cái gia đình ấy của tôi. Khoảnh khắc ngắn được yên giấc, tôi đã nằm mơ thấy gia đình, bố mẹ, anh chị em. Vẻn vẹn mấy phút đồng hồ, tôi đã thấy mình cùng sống với những người mình chưa từng biết, bây giờ mới gặp lần đầu. Một điều lạ, Mátchia, Lidơ, má Bácbơranh, bà Miligơn, Áctơ, đều là trong gia đình tôi, mà bố tôi là cụ Vitali, cụ đã sống lại và rất giàu có. Trong thời gian xa cách, cụ đã tìm thấy con Décbinô và con Đônxơ, chứ không phải chúng đã vào miệng sói. Tôi nghĩ rằng chẳng ai lại không có lần thấy những ảo ảnh qua đó chỉ trong khoảnh khắc mình đã sống hàng năm trời và đi hàng vạn dặm. Ai ai cũng nhận thấy rằng sau khi tỉnh dậy, những cảm giác trong giấc mơ vẫn được giữ mãnh liệt và nồng nàn. Tôi tỉnh giấc… Và thế là tôi không ngủ lại được nữa. Rồi những cảm giác của ảo ảnh cũng mờ nhạt dần; thực tại lại xâm chiếm tâm trí tôi và khiến tôi càng khắc khoải thao thức.

Gia đình tôi tìm tôi. Nhưng muốn gặp gia đình, tôi phải tìm tới chính cái lão Bácbơranh mà hỏi! Chỉ một ý nghĩ đó cũng đủ giảm niềm vui của tôi. Tôi thì cứ muốn rằng lão Bácbơranh đừng có can dự vào hạnh phúc của tôi. Tôi có bao giờ quên những lời lão bảo cụ Vitali khi lão bán đứng tôi cho cụ. Và tôi luôn luôn nhắc lại cho mình cái câu: “Những kẻ nào nuôi thằng bé này nhất định được hưởng một món bổng lớn. Nếu tôi không tính toán điều đó thì dại gì giữ lấy nó”. Điều đó, từ dạo ấy, đã làm cho tôi thêm ghét lão Bácbơranh.

Đâu có phải vì từ tâm mà lão Bácbơranh đã nhặt tôi ngoài đường phố. Cũng lại không phải vì từ tâm mà lão nhận nuôi tôi, mà đơn giản chỉ vì tôi được bọc trong những tấm tã đẹp, chỉ vì một ngày nào đó lão sẽ được hưởng lợi khi lão trả tôi cho bố mẹ tôi. Cái ngày ấy lại không đến sớm như lão mong, lão bèn bán tôi cho cụ Vitali. Bây giờ lão lại muốn đem tôi cho bố tôi chuộc. Vợ chồng sao khác nhau đến thế! Má Bácbơranh đâu phải vì tiền của mà yêu quý tôi! Ôi! Tôi chỉ muốn tìm được cách nào để chính má, chứ không phải lão Bácbơranh, được hưởng lợi!

Nhưng trăn trở mãi vẫn chẳng nghĩ ra được cách nào, tôi cứ luôn luôn luẩn quẩn với cái ý nghĩ tuyệt vọng là rồi đây chính cái lão Bácbơranh ấy sẽ dẫn tôi đến với bố mẹ tôi, chính lão ta sẽ được cảm ơn, tặng thưởng! Nhưng cũng đành phải qua con đường ấy thôi! Chẳng còn cách nào khác! Chỉ còn là ở chính tôi, sau này, khi đã giàu có, tôi sẽ tỏ rõ tình cảm của mình đối với người vợ và người chồng đó khác nhau như thế nào. Rồi đây chính tôi sẽ đích thân trả ơn má Bácbơranh.

Giờ đây thì tôi cứ phải nghĩ đến lão Bácbơranh, nghĩa là phải đi tìm lão và kiếm cho ra lão! Lão không thuộc vào loại những ông chồng mỗi bước ra khỏi nhà cũng nói cho vợ biết mình đi đâu và nếu cần có thể tìm ở đâu. Má Bácbơranh chỉ biết là chồng bà hiện nay đang ở Pari. Từ ngày lão ra đi, lão chưa hề gửi một chữ, cũng chưa hề nhắn nhủ gì qua một vài người thợ nề quay về làng. Lão đâu có quen giữ nghĩa tình như thế!

Lão ở đâu! Lão trú ngụ nơi nào? Má chẳng biết chút gì để có thể gửi thư cho lão. Tuy nhiên cũng chỉ cần tìm đến vài ba quán trọ ở khu phố Mutơpha mà má nhớ rõ tên, không quán này thì quán kia, là có thể gặp được lão.

Vậy thì tôi phải đi ngay Pari và tự tôi tìm lấy con người đương đi tìm tôi. Tất nhiên gia đình quả là một niềm vui lớn, nhưng trong những điều kiện và hoàn cảnh mà nó đến với tôi, niềm vui ấy đâu đã trọn vẹn.

Tưởng rằng chúng tôi sẽ được sống một thời gian yên tĩnh vui sướng bên cạnh má Bácbơranh, cùng Mátchia chơi những trò chơi hồi thơ ấu, thế mà ngay sáng mai, chúng tôi đã phải lên đường!

Từ nhà má Bácbơranh, đáng ra tôi đi về phía bờ biển, tới Étnăngxơ thăm chị Êchiênnét. Bây giờ đành hoãn chuyến đi ấy và không còn được ôm hôn chị Êchiênnét tội nghiệp trước kia tốt với tôi và trìu mến tôi biết bao!
Và lẽ ra sau khi gặp chị Êchiênnét, tôi phải đến Đrơdy, trong vùng Nievơrơ, để nói cho Lidơ biết tin anh và chị của em rồi. Bây giờ cũng đành hoãn việc đến Lidơ cũng như hoãn việc đến thăm chị Êchiênnét.

Tôi thao thức gần suốt đêm, loay hoay với tất cả những ý nghĩ trên, lúc thì lòng tự nhủ không thể mặc kệ chị Êchiênnét và em Lidơ, lúc trái lại nghĩ rằng mình phải đi gấp đến Pari, càng sớm càng tốt, để tìm gia đình. Cuối cùng thì tôi ngủ thiếp đi, chẳng dứt khoát được gì.

Cái đêm ấy, lẽ ra là một đêm sướng nhất, thì lại là một đêm trằn trọc nhất, kém vui nhất trong hồi ức của mình.
Sáng hôm sau, cả ba chúng tôi, má Bácbơranh, Mátchia và tôi, ngồi bàn công việc bên lò sưởi quanh ngọn lửa trong sáng trên đó chúng tôi hâm sữa bò. Tôi phải làm thế nào bây giờ đây? Thế là tôi kể lại những nỗi thấp thỏm, những niềm băn khoăn tối hôm qua.

Má Bácbơranh nói:

Con phải đi Pari ngay. Cha mẹ con đang tìm con. Con đừng nên bắt người ta nay chờ mai đợi, phải mau mang niềm vui về cho cha mẹ con.
Má trở đi trở lại với ý kiến ấy, đưa ra nhiều lý lẽ để bênh vực nó. Nghe má giải thích, tôi thấy lý lẽ nào cũng xác đáng như lý lẽ nào. Tôi nói:
Thế thì chúng con đi Pari, đồng ý như vậy.

Nhưng mà ngược lại Mátchia không tán thành cách giải quyết đó tí nào cả. Tôi bảo nó:
Cậu cho là chúng mình không nên đi Pari, thế sao cậu không đưa ra lý lẽ, như má Bácbơranh?
Nó lắc đầu. Tôi tiếp:

Cậu thấy mình khổ tâm thế này thì còn do dự gì nữa mà không giúp đỡ mình?

Mãi rồi nói mới nói:

Mình nhận thấy rằng có mới nới cũ là không nên. Cho tới nay, gia đình của cậu là Lidơ, Êchiênnét, Alơxi và Bănggiamanh. Chúng nó đều là anh chị em của cậu và yêu thương cậu. Thế rồi một gia đình mà cậu chưa biết bao giờ, một gia đình mới xuất hiện. Gia đình đó chưa làm được cái gì cho cậu, trừ cái việc vứt bỏ cậu ngoài đường phố. Thế mà đột nhiên cậu lại bỏ những người đã ăn ở tốt với cậu để chạy theo những người chưa có vẻ gì là tốt với cậu cả. Mình thấy như vậy không công bằng!

Không nên nói rằng bố mẹ Rêmi đã bỏ nói. – Má Bácbơranh ngắt lời Mátchia.

Có lẽ người ta đã bắt mất con của họ, họ vẫn thương nhớ nó, chờ đợi nó và tìm kiếm nó lâu nay thì đúng hơn.
Cháu không biết cái đó! Cháu chỉ biết rằng ông Acanh đã nhặt được Rêmi ngắc ngoải ở xó cửa nhà ông. Rồi ông đã chăm nom nó như con đẻ. Và Alơxi, Bănggiamanh, Êchiênnét, Lidơ đã thương yêu nó như anh em ruột thịt. Cháu cho rằng những người đón nó về nuôi cũng có quyền được nó quyến luyến như những người dù hữu ý hay vô tình đã để mất nó. Ở ông Acanh và các con ông, tình quyến cố là do tự lòng họ. Họ chẳng hề chịu ơn gì của Rêmi cả.

Mátchia nói những câu ấy mà không nhìn tôi, không nhìn má Bácbơranh, như có vẻ giận tôi. Tôi khổ tâm. Nhưng dù có buồn lòng vì chê trách đi nữa, tôi vẫn cảm thấy lý lẽ của nó vững chắc. Vả lại, tôi đang ở vào tình trạng những người thiếu quyết đoán, thường ngả về phía ai nói sau cùng. Tôi đáp:
Mátchia nói phải đấy! Chưa gặp được chị Êchiênnét và Lidơ mà đã định đi Pari thì lòng con không khỏi áy náy.
Thế còn bố mẹ con! – Má Bácbơranh năn nỉ.

Chúng ta sẽ không đến thăm chị Êchiênnét, vì đường vòng như thế xa quá! Vả lại chị Êchiênnét biết đọc và biết viết, chúng ta có thể viết thư cho chị ấy. Nhưng trước khi đi Pari chúng ta sẽ tạt qua Đrơdy thăm Lidơ. Như thế sẽ chậm đi một chút ít, nhưng không là bao. Vả lại em Lidơ không biết viết và chính là vì em trước hết mà hồi nọ mình đã vạch hành trình này. Mình sẽ nói chuyện Alơxi với em. Còn chị Êchiênnét thì mình sẽ bảo chị gửi thư về Đrơdy cho mình. Nhận được thư, mình sẽ đọc cho Lidơ nghe.

Tốt lắm. – Mátchia mỉm cười đáp lại.

Chúng tôi quyết định sáng ngày mai sẽ lên đường và tôi đã dành gần một buổi trọn viết thư dài cho chị Êchiênnét nói rõ vì sao không thể đến thăm chị như đã dự định.

Và hôm sau, lại một lần nữa tôi phải chịu đựng những nỗi buồn của buổi chia ly. Tuy nhiên, lần này tôi không từ giã Savanông như lần trước, hồi đi theo cụ Vitali. Tôi được ôm hôn má Bácbơranh đàng hoàng và hẹn sẽ trở lại thăm má cùng với bố mẹ tôi…

Chúng tôi cũng phải từ giã cả con bò cái đáng yêu. Mátchia ôm cổ nó, hôn vào cái mõm nó đến mươi lần chứ không ít. Có lẽ con bò thích lắm: mỗi lần được hôn, nó lại thè cái lưỡi dài của nó ra.

Thế là chúng tôi lại ra đi trên con đường vạn dặm, lưng đeo xắc, con Capi chạy trước lơn tơn. Chúng tôi rảo bước thật nhanh, hay nói cho đúng thì riêng tôi nhiều khi sải những bước dài, không nghĩ rằng chính vì mình quá mong muốn chóng tới Pari. Theo tôi được một lúc, Mátchia bảo nếu cứ đà ấy thì chẳng mấy chốc sẽ kiệt sức. Tôi bèn đi chậm lại. Nhưng chẳng bao lâu chân tôi lại thoăn thoắt bước dồn.

Sao cậu vội thế?

Đúng đấy! Đáng lẽ ra cậu cũng phải vội lên chứ, vì gia đình mình cũng là gia đình cậu thôi!
Nó lắc đầu. Tôi tủi thân và buồn rầu trước cái cử chỉ ấy mà tôi đã nhận thấy nhiều lần từ khi nói đến gia đình tôi.
Thế chúng mình không phải là anh em ruột thịt sao?

Ồ, giữa chúng mình với nhau thì nhất định là thế rồi! Mình không nghi ngờ gì cậu hết! Mình là anh em ruột của cậu ngày hôm nay cũng như ngày mai. Điều đó mình tin, mình cảm thấy rõ.
Thế thì còn gì nữa?

Này nhé, tại sao cậu lại muốn tớ là anh em với anh em của cậu, nếu cậu có anh em? Tại sao cậu muốn tớ cũng là con của bố mẹ cậu?
Giả sử chúng ta về Lúcca thì tớ chẳng phải là anh của Cơrítxtina, em gái của cậu hay sao?
Ồ, cái đó thì hẳn rồi.

Vậy sao cậu lại không có thể là anh em của những anh chị em của tớ, nếu tớ có anh chị em?
Vì sự việc không giống nhau! Nhất định không phải như nhau!

Không phải như nhau ở chỗ nào?

Tớ không được bọc trong những chiếc tã sang trọng!

Cái đó có làm sao!

Làm sao lắm chứ! Nó quyết định tất cả, cậu cũng hiểu như tớ thôi! Bây giờ thì tớ dám chắc không bao giờ cậu đến Lúcca, nhưng giá lúc này mà cậu đến đó thì cậu sẽ được bố mẹ tớ là dân nghèo đón tiếp. Bố mẹ tớ sẽ không có điều gì phiền trách cậu vì bố mẹ tớ có lẽ còn nghèo hơn cậu. Nhưng nếu những chiếc tã sang trọng nói đúng, như má Bácbơranh nghĩ và chắc hẳn là thế, thì bố mẹ cậu là người giàu có, có lẽ là người quyền quý cũng nên! Đã thế thì làm sao họ rước một đứa trẻ khống khổ như tớ được!

Thế bản thân tớ là gì nếu chẳng phải là một thằng khốn khổ?

Bây giờ thì thế, nhưng mai đây cậu sẽ là con của bố mẹ cậu! Còn tớ mãi mãi vẫn chỉ là thằng khốn khổ như ngày hôm nay thôi! Bố mẹ cậu sẽ cho cậu đi học, sẽ tìm thầy cho cậu. Còn tớ thì chỉ còn biết một mình một bóng lủi thủi trên đường và nhớ tới cậu cũng như cậu sẽ không quên tớ, tớ mong thế!
Chao ôi! Mátchia thương mến ơi, sao cậu lại nói như vậy được nhỉ?

Tớ nghĩ sao nói vậy, anh bạn ạ! Do đó tớ không thể vui trọn vẹn với niềm vui của cậu được. Vì thế này và cũng chỉ thế này mà thôi, là chúng mình sắp phải xa lìa nhau, mà tớ thì trước đây tớ cứ nghĩ, cứ hình dung, hơn nữa, cứ mơ thấy rằng chúng mình luôn luôn ở bên nhau, bao giờ cũng như bao giờ. Ồ! Không phải trong tình cảnh như hiện nay là những nhạc sĩ đầu đường xó chợ đâu, mà hai đứa mình sẽ cùng học tập, sẽ trở thành những nghệ sĩ thực sự, biểu diễn trược một công chúng đàng hoàng, không bao giờ phải rời nhau.

Việc đó sẽ thực hiện được, Mátchia ạ! Nếu bố mẹ tớ giàu thì bố mẹ sẽ giàu cả cho cậu cũng như cho tớ. Bố mẹ tớ sẽ cho tớ vào trường trung học thì cậu sẽ đi với tớ. Chúng ta sẽ không xa rời nhau, chúng ta cùng học với nhau; chúng ta sẽ cùng sống với nhau như cậu mong muốn, mong muốn tha thiết không kém cậu, cậu nên tin thế!

Tớ biết cậu mong muốn thế, nhưng lúc đó cậu sẽ không quyết định được công việc của cậu như bây giờ!
Này hãy nghe tớ nói đây: bố mẹ tớ tìm kiếm tớ có nghĩa là bố mẹ tớ quan tâm đến tớ, có phải không? Như thế là bố mẹ tớ sẽ thương yêu tớ hoặc rồi sẽ thương yêu tớ. Đã thương yêu tớ thì tất không từ chối những điều tớ xin, và sẽ làm cho những người ăn ở tốt với tớ được sung sướng, những người đã thương yêu tớ khi tớ bơ vơ trên đường đời, như má Bácbơranh, ông Acanh chúng ta sẽ lo liệu cho ông ra khỏi nhà lao – mẹ tớ sẽ đem Lidơ về, cho đi học, chữa khỏi bệnh. Còn cậu, cậu sẽ vào trường trung học với tớ, nếu bố mẹ tớ cho tớ vào đấy học. Mọi việc sẽ diễn ra như thế đấy nếu bố mẹ giàu có. Cậu nên hiểu là vì cả hai đứa chúng mình mà tớ sẽ rất vui sướng nếu được bố mẹ giàu sang.

Còn tờ thì tớ rất vui mừng nếu bố mẹ cậu nghèo!

Cậu ngốc lắm!

Có lẽ thế!

Không nói gì thêm nữa, Mátchia gọi Capi. Đã đến giờ chúng tôi nghỉ chân để ăn sáng. Nó ôm con chó và nói như nói với một người có thể hiểu nó và trả lời nó:
Này bạn Capi ơi, có phải là bạn cũng mong cho bố mẹ Rêmi nghèo, phải không?

Nghe thấy tên tôi, như thường lệ, con Capi sủa mấy tiếng vui vẻ và đặt chân lên ngực.
Với bố mẹ nghèo thì cả ba chúng ta lại tiếp tục tự do, muốn đi đâu thì đi. Chẳng có mối lo âu gì khác ngoài việc làm hài lòng “chư vị khán giả”.
Gâu, gâu!

Với bố mẹ giàu thì ngược lại, Capi sẽ bị xua đuổi ra khỏi sân, ở cũi, có lẽ còn bị xích nữa. Xích rất đẹp bằng thép, những vẫn là xích, vì chó không được vào trong các phòng lịch sự.
Tôi cả giận Mátchia chút ít vì nó đã mong cho bố mẹ tôi nghèo, nó không tán thành cái điều mơ ước mà má Bácbơranh đã khêu gợi cho tôi và tôi đã hứng lấy vội vàng, quá trọn vẹn. Nhưng mặt khác, tôi sung sướng nhận ra và hiểu rõ cái điều đã làm cho nó buồn: Vì tình bạn bè, vì sợ phải xa cách, chỉ có thế thôi.

Giá không cần phải kiếm ăn hàng ngày thì dù có trái với ý muốn của Mátchia, tôi vẫn tiếp tục đi mau. Nhưng phải biểu diễn ở những làng lớn trên đường đi để có cái ăn! Trong khi chờ đợi những người cha mẹ giàu sang chia của cho thì hãy bằng lòng với những đồng xu nhỏ cóp nhặt đây đó tùy may rủi! Bởi thế, chúng tôi đã mất nhiều thì giờ hơn là tôi mong muốn, để đi từ sông Crơdơ đến sông Nievơrơ, tức là từ Savanông đến Đơrơdy.

Vả chăng, ngoài cái ăn ra, còn có một lý do khác bắt buộc chúng tôi phải kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Tôi không quên lời má Bácbơranh, khi má đinh ninh rằng sau này giàu sang tôi có đem bao nhiêu của cải làm cho má sung sướng cho bằng cái việc tôi làm vừa qua, trong cảnh nghèo nàn. Tôi muốn em Lidơ cũng được vui lòng như má Bácbơranh vậy. Chắc chắn là tôi sẽ chia cảnh giàu sang với Lidơ, điều đó không nghi ngờ gì nữa. Nhưng trước khi giàu sang, tôi muốn biếu Lidơ một món quà bằng tiền tôi làm ra, một món quà của bạn nghèo.

Tôi đã mua một con búp bê và một bộ đồ làm bếp. May sao những thứ này không tốn nhiều tiền quà như con bò sữa biếu má Bácbơranh.
Từ Đơxidơ đến Đơrơdy, chỉ còn việc rảo chân bước mà thôi. Và chúng tôi đã rảo chân bước, bởi vì, trừ thị trấn Satiông, chúng tôi chỉ có đi qua những thôn xóm nghèo, ở đó người dân quê không thể bớt miệng để chiếu cố tới những nhạc công không cần để ý tới.

Từ Satiông, chúng tôi đi dọc kênh đào. Bờ cây xanh tốt, dòng nước lững lờ, những chiếc tam bản có ngựa kéo từ từ lướt nhẹ trên mặt nước. Tất cả những cái đó gợi lại cho tôi cái thời sung sướng hồi xưa, khi cùng bà Miligơn và Áctơ trên chiếc thuyền Thiên Nga, tôi cũng đã dạo trên một con kênh như vậy. Thuyền Thiên Nga hiện nay ở đâu? Biết bao lần, mỗi khi đi qua hoặc đi dọc một con kênh, tôi đều hỏi thăm xem có ai gặp một chiếc du thuyền có cái mái hiên đặc biệt, do sự sắp xếp rất lịch sự của nó, không thể nhầm với bất cứ chiếc thuyền nào khác. Rất có thể bà Miligơn đã trở về nước Anh cùng với chú bé Áctơ đã khỏi bệnh. Đó là điều chắc chắn, điều đó đáng tin cậy hơn cả, vậy mà vẫn cứ mỗi lần, men theo bờ kênh Nievơrơ này, hễ thấy từ xa thấp thoáng bóng một con thuyền có ngựa kéo, tôi lại lòng hỏi phải chăng là thuyền Thiên Nga đương tiến về phía chúng tôi.

Trời đương tiết thu, ngày đi đường của chúng tôi không đến nỗi dài lắm như về hè. Chúng tôi thường tính toán để kịp đến những xóm làng có chỗ ăn chỗ ngủ trước khi trời tối hẳn. Tuy thế, và mặc dù chúng tôi rảo bước đi gấp, nhất là vào cuối độ đường, khi chúng tôi đến Đrơdy thì trời đã tối mịt.

Để đến nhà bà cô của Lidơ, chúng tôi chỉ việc đi theo con sông đào. Vì ông chồng cô Catơrin làm nghề coi cống nên ông ở nếp nhà ngay cạnh cống. Như vậy chúng tôi không phải mất thì giờ tìm kiếm. Chẳng mấy chốc, chúng tôi đã tìm thấy nếp nhà ấy ở cuối làng, giữa cánh đồng cỏ có những cây cao, đứng xa trông lơ lửng trong sương mù. Đi đến gần nhà thì tim tôi đập mạnh. Ngọn lửa rực trong lò sưởi soi sáng cái cửa sổ và thỉnh thoảng lại bùng lên, ném từng mảnh ánh hồng ra ngoài, chiếu sáng đường đi.

Đến sát ngôi nhà thì thấy cửa ra vào và cửa sổ đều đóng. Nhưng qua khung cửa sổ không có cánh gỗ, cũng không có rèm, tôi nhìn thấy Lidơ ngồi bên bàn ăn, bên cạnh cô em. Trước mặt em một người đàn ông, chắc là chú em, ngồi quay lưng lại phía chúng tôi. Mátchia nói:

– Người ta ăn bữa tối, mình đến đúng lúc quá!

Tôi không nói, chỉ lấy tay cản nó, còn tay kia thì khoát bảo Capi đứng im lặng đằng sau chúng tôi. Rồi tôi cởi cây thụ cầm ra, sửa soạn đánh. Mátchia thầm thì:
Ừ, ừ! Một bản dạ tấu, ý kiến hay đấy!

Không mày đừng…! Để mình tao!

Thế rồi tôi bật lên những nốt đầu tiên của bài dân ca vùng Naplơ, nhưng không hát, để cho khỏi lộ. Tôi vừa đánh đàn vừa nhìn Lidơ. Nghe đàn, Lidơ ngẩng phắt đầu lên, mắt em sáng quắc. Tôi cất tiếng hát.

Tức thời Lidơ từ ghế nhảy xuống và chạy bổ ra cửa. Tôi vừa kịp trao cây đàn cho Mátchia thì Lidơ đã nằm gọn trong tay tôi.
Vợ chồng cô Catơrin đón chúng tôi vào nhà. Cô ôm hôn tôi rồi đặt hai bộ thìa dĩa lên bàn. Tôi yêu cầu cô sửa soạn thêm một bộ nữa:
– Nếu cô cho phép thì còn một cô bạn gái nhỏ cùng đi với chúng cháu…

Nói xong tôi mở xắc lấy con búp bê ra, đặt ngồi trên chiếc ghế cạnh ghế Lidơ. Lidơ đưa mắt nhìn tôi, cái nhìn lúc ấy, tôi không bao giờ quên và bây giờ vẫn còn trông thấy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.