Không Gia Đình

12. NGƯỜI BẠN ĐẦU TIÊN CỦA TÔI



Bà mẹ Áctơ là người Anh. Tên bà là Miligơn. Bà góa chồng. Lúc đầu tôi tưởng Áctơ là đứa con duy nhất của bà, về sau mới biết bà còn đứa con trưởng bị mất tích một cách bí mật. Người ta không tìm ra được dấu vết của nó. Sự việc ấy xảy ra trong lúc ông Miligơn đang sắp chết, còn bà Miligơn thì ốm nặng chẳng biết tí gì xung quanh bà ta cả. Khi bà bình phục thì chồng bà đã chết và con bà đã mất tích rồi. Việc tìm tòi do người em chồng bà là ông Giem Miligơn lo liệu. Chọn ông Giem Miligơn vào việc này thì cũng lạ vì ông ta có những quyền lợi đối lập với chị dâu. Thật vậy, anh ông Giem chết không con thì ông ta trở thành người thừa kế của ông ấy.

Tuy vậy ông Giem Miligơn cũng không được hưởng di sản của anh vì rằng bảy tháng sau khi chồng chết, bà Miligơn lại sinh ra một đứa con trai, đó là chú bé Áctơ.

(1)

Thầy thuốc bảo rằng thằng bé này khẳng kheo và bệnh tật thế, chả nuôi được. Nó có thể chết nay chết mai. Lúc ấy ông Giem Miligơn mới hẳn là người thừa kế tước vị và gia sản của anh ông. Luật thừa tự không phải ở nước nào cũng giống nhau. Bên nước Anh trong một trường hợp nào đó, pháp luật có thể cho một người chú đứa trẻ thừa kế chứ không phải người mẹ.

Đứa cháu trai ra đời làm cho mối hy vọng của ông Giem Miligơn chậm thực hiện, nhưng không làm cho nó tiêu tan. Ông ta chỉ có việc đợi thôi.
Và ông ta đợi.

Nhưng mà lời báo trước của các ông thầy thuốc chẳng ứng nghiệm. Áctơ tuy ốm đau quặt quẹo nhưng không chết như người ta dự đoán. Sự chăm sóc của bà mẹ đã làm cho nó sống. Đó là một điều kỳ điệu, nhưng ơn trời điều kỳ diệu ấy cũng thường hay lặp lại.

Dễ đến hai mươi lần người ta tưởng nó đi đời, nhưng hai mươi lần nó được cứu sống. Nó bị liên tiếp đôi khi còn cùng một lúc – tất cả các thứ bệnh tật mà trẻ con thường hay mắc phải.

Thời gian gần đây nó lại mắc một chứng bệnh khủng khiếp gọi là lao xương hông. Chỗ đau nằm ở hông. Để chữa bệnh này, người ta bảo phải dùng nước có chất lưu hoàng. Bà Miligơn bèn đến miền núi Pyrênê. Nhưng sau khi chữa bằng nước có chứa chất lưu hoàng không kết quả, người ta bèn bày một phương pháp điều trị khác. Theo cách này, người ốm phải nằm duỗi dài ra không được đặt chân xuống đất. Do đó, bà Miligơn mới thuê đóng chiếc thuyền này ở thành phố Boócđô.

Bà không đành nhốt con bà trong một căn nhà. Nó đến chết vì buồn chán hoặc thiếu khí trời mà thôi. Thằng Áctơ không đi được thì cái nhà nó ở sẽ đi thay cho nó.
Người ta đã biến chiếc thuyền thành ngôi nhà nổi có buồng ngủ, có bếp, có buồng khách và mái hiên. Tùy theo thời tiết, Áctơ ở trong phòng khách hay ở dưới mái hiên này, từ sáng chí tối, với mẹ nó bên cạnh. Thế là cảnh vật diễn qua trước mắt nó, nó chỉ cần mở mắt ra mà nhìn.

Họ khởi hành từ Boócđô được một tháng nay. Sau khi ngược dòng sông Garon, họ đi vào kênh Nam. Từ con sông đào này họ sẽ đi tới những đầm vũng và con sông đào dọc bờ Địa Trung Hải. Rồi họ sẽ ngược sông Rôn, sông Xôn, chuyển sang sông Loa cho tới thị trấn Bơria. Ở đấy họ rẽ sang con sông đào cùng tên để đến sông Xen rồi xuôi dòng sông cho tới thành phố Ruăng. Đến đó hai mẹ con sẽ đáp tàu thủy lớn để trở về nước Anh.

Ngày tôi mới đến, tôi chỉ biết có cái buồng tôi ở trên chiếc thuyền mang tên “Thiên Nga” này. Buồng tuy bé nhỏ – hai thước chiều dài và độ chừng một thước chiều rộng – nhưng nó là buồng tàu thủy mỹ lệ nhất, kỳ lạ nhất mà trí tưởng tượng của trẻ con có thể ước mơ.

Đồ đạc trong phòng chỉ có một cái tủ có ngăn kéo. Nhưng cái tủ có ngăn kéo đó giống như cái chai vô tận của nhà vật lý học, chứa đựng rất nhiều thứ. Mặt trên của cái tủ không đóng cứng như thường lệ mà giơ lên đậy xuống được. Nhấc nó lên người ta thấy ở dưới có một chiếc giường có đầy đủ cả chăn, đệm, gối. Tất nhiên là cái giường đó cũng chẳng được rộng gì cho lắm. Tuy thế nó cũng khá lớn, đủ chỗ để nằm ngủ trong đó một cách thoải mái. Dưới giường có một ngăn kéo đựng đủ các đồ dùng để rửa mặt. Bên dưới nữa lại có một ngăn kéo khác chia ra làm nhiều ô trong đó có thể xếp quần áo. Không có bàn, không có ghế để ngồi, nghĩa là không có bàn ghế đóng theo kiểu thông thường. Nhưng sát vách về phía đầu giường có một mảnh ván khi hạ xuống thì thành cái bàn, và phía chân giường có một mảnh ván khác hạ xuống thì thành cái ghế. Ở cạp thuyền khoét một cửa sổ tròn có tấm kính để đóng mở lấy ánh sáng và không khí.

Tôi chưa bao giờ được trông thấy cái gì vừa xinh đẹp vừa sạch sẽ như thế. Tất cả đều lát ván thông quét dầu. Trên nền ván trải một tấm vải sơn kè ô đen ô trắng.
Nhưng không phải chỉ có con mắt là say mê mà thôi đâu.

Khi tôi cởi áo ngả lưng trên giường, tôi có một cảm giác khoan khoái quả là mới lạ. Đây là lần đầu tiên những tấm ván lót giường mơn trớn chứ không phải cào xát da thịt tôi. Ở nhà má Bácbơranh tôi ngủ trên những tấm vải lót dệt bằng sợi gai cồm cộm và xù xì. Đi với cụ Vitali thì chúng tôi thường ngủ trên đống rơm hay đống cỏ khô không có vải lót. Mà khi ở quán trọ, người ta có đưa vải lót giường cho chúng tôi, thì hầu như bao giờ cùng vậy, vải xấu quá, thà rằng nằm ổ rơm tốt còn hơn. Ở trong buồng này vải lót mới thơm mịn màng làm sao!

Nó mềm mại và thơm tho quá! Và cái nệm quả là êm hơn những lá cây thông trên đó tôi vừa ngủ đêm hôm trước. Cảnh đêm yên lặng không đáng lo ngại nữa. Trong bóng tối cũng không có gì xôn xao. Những vì sao mà tôi nhìn thấy qua khung cửa sổ tròn chỉ nói với tôi những lời khuyến khích, những lời tin tưởng ở tương lai.

Mặc dù tôi được nằm ngủ trên một cái giường êm ấm, mới tờ mò sáng tôi đã dậy, vì tôi áy náy không biết những tài tử của tôi đêm qua ngủ ngáy ra sao.
Tôi thấy cả bọn vẫn còn ở nguyên chỗ tối hôm trước tôi đã xếp đặt cho chúng và hãy còn ngủ đàng hoàng, tưởng chừng như con thuyền này là nhà của chúng từ mấy tháng nay rồi. Khi tôi đến thì mấy con chó trở dậy vui vẻ lại gần tôi để đòi vuốt ve như lệ thường những buổi sáng sớm. Chỉ có một mình con Giôlicơ không động đậy, tuy nó đã he hé mắt. Nó lại còn ngáy ồ ồ như một cái kèn đồng cỡ lớn.

Không cần phải suy nghĩ nhiều, tôi cũng hiểu: ông Giôlicơ vốn là hiện thân của tự ái, ông nổi giận lên rất dễ dàng, và khi đã giận thì dỗi rất lâu. Giờ đây ông bực tức vì tôi đã không mang ông theo vào trong buồng tôi và ông tỏ thái độ bất bình bằng cách giả vờ ngủ.

Tôi không thể giải thích cho Giôlicơ vì lý do gì mà bất đắc dĩ tôi phải để nó ở lại trên sàn thuyền. Tôi cảm thấy tôi có lỗi với nó, ít ra là xét vẻ bề ngoài. Tôi bèn ẵm nó lên tay và vỗ về nó để tỏ lòng hối hận. Thoạt đầu nó vẫn dỗi. Nhưng vốn tính tình luôn luôn thay đổi nên lát sau nó đã nghĩ đến chuyện khác. Bằng điệu bộ, nó nói cho tôi hiểu rằng nếu cho nó lên bộ đi chơi với tôi thì nó sẽ tha thứ cho tôi.

Người thủy thủ tôi trông thấy cầm lái hôm trước cũng đã dậy và đang rửa sàn thuyền. Bác ta vui lòng bắc một tấm ván làm cầu và thế là cả đoàn chúng tôi đi lên bờ cỏ.

Tôi nô đùa với đàn chó và con Giôlicơ. Tôi chạy, tôi nhảy hào hố, tôi leo cây chơi đùa như thế thì thời gian đi rất nhanh. Khi chúng tôi trở về thì ngựa đã thắng vào thuyền và buộc vào một cây bạch dương ở trên con đường dùng cho việc kéo thuyền. Chúng nó chỉ đợi ngọn roi vung lên là đi ngay. Tôi vội vàng xuống thuyền.

Vài phút sau người ta mở dây buộc thuyền. Bác thủy thủ cầm tay lái, anh đánh ngựa lên yên, cái ròng rọc xỏ dây kéo rít lên. Thế là chúng tôi lên đường.
Đi thuyền mới thích thú làm sao! Trên đường ngựa đi nước kiệu và chúng tôi lướt nhẹ nhàng trên mặt nước mà không cảm thấy có một sự lay động nào. Rừng cây hai bên bờ chạy nhanh về phía sau. Chỉ nghe thấy tiếng nước vỗ mạn thuyền róc rách chen với tiếng nhạc đeo ở cổ ngựa.

Thuyền lướt tới. Nghiêng mình trên cạp, tôi ngắm nhìn những cây bạch dương rễ ăn sâu trong đám cỏ tươi, những cây bạch dương vươn mình kiêu hãnh và lắc lư những cành lá luôn luôn xao động trong không khí yên lặng buổi ban mai. Từng dẫy dài bạch dương xếp thành hàng, dọc theo bờ sông, làm thành một bức bình phong rậm rạp, màu xanh, nó chắn những tia nắng xiên ngang của mặt trời, chỉ để lọt tới chỗ chúng tôi một thứ ánh sáng êm dịu đã được sàng lọc qua các cành lá. Từng chỗ, mặt nước đen nhánh như che phủ những vực thẳm không thể dò được. Trái lại chỗ khác, mặt nước trải ra thành một lớp trong suốt để thấy cả những viên đá cuội bóng loáng và những lá cỏ mịn màng như nhung ở dưới đáy sông.

Tôi đang say sưa lặng ngắm, chợt nghe thấy nói đến tên tôi ở sau lưng.

Tôi ngoảnh lại: Người ta vừa khênh Áctơ nằm trên tấm gỗ ra. Mẹ nó đứng bên nó. Nó hỏi:
– Anh ngủ có ngon không? Ngủ ngon hơn ngủ giữa cánh đồng chứ?

Tôi đến gần và cố tìm những lời lịch sự để nói với Áctơ đồng thời cũng có ý nói với cả bà mẹ nữa. Áctơ lại hỏi:

– Thế mấy con chó đâu?

Tôi gọi lũ chó và con Giôlicơ lại. Đàn chó chạy đến chào và con Giôlicơ thì nhăn nhó như những khi nó đoán ra rằng nó sắp phải biểu diễn. Nhưng buổi sáng hôm đó người ta không nói đến chuyện biểu diễn. Bà Miligơn đặt con vào chỗ khuất bóng nắng và ngồi cạnh nó. Bà hỏi tôi:

Cháu hãy đem chó và khỉ đi nhé! Áctơ và bác sắp làm việc đây. Tôi nghe lời và cùng với bầy thú đi ra mãi đằng mũi thuyền.

Không biết thằng nhỏ ốm yếu đáng thương ấy làm được việc gì mà bảo là làm việc?

Tôi thấy bà mẹ bắt nó đọc thuộc lòng một bài học và bà ta mở một quyển sách để dõi theo. Áctơ nằm trên tấm gỗ mà đọc bài, người không nhúc nhích.
Nói là nó cố đọc thì đúng hơn vì nó ngập ngừng nhiều quá. Nó không nói được lấy ba tiếng trơn tru. Nhiều khi nó còn nhầm lẫn nữa. Mẹ nó mắng nó một cách nhẹ nhàng nhưng cương quyết. Bà nói:

– Anh không thuộc bài ngụ ngôn.

Nghe thấy bà gọi con là anh, tôi cho là một điều kỳ dị vì khi đó tôi chưa biết rằng người Anh thường xưng hô như thế khi họ nói với nhau bằng tiếng Pháp. Áctơ kêu lên ảo não:

Chao! Mẹ ơi!

Hôm nay anh còn phạm nhiều lỗi hơn hôm qua nữa.

Con đã cố học.

Và anh không thuộc.

Con không thể học thuộc.

Tại sao?

Con không biết… tại con không thể học được… con ốm đau.

Anh không ốm ở đầu. Mẹ không bao giờ chịu để cho anh không học tập được gì cả và lấy cớ là ốm đau để rồi lớn lên trở thành người dốt nát.
Tôi cho là bà Miligơn quá nghiêm khắc nhưng bà vẫn nói năng ôn tồn, âu yếm.

Tại sao anh không chịu học bài để làm phiền lòng mẹ?

Thưa mẹ, con không học được. Con nói thành thật với mẹ là con không thể nào học được.
Áctơ bắt đầu khóc. Nhưng bà Miligơn không nao núng vì những giọt nước mắt của nó, mặc dù bà có vẻ cảm động và phiền lòng nữa như bà nói. Bà tiếp:
Sáng nay mẹ cũng muốn để anh chơi với Rêmi và đàn chó nhưng mà chỉ được chơi khi nào anh đọc thuộc bài ngụ ngôn không phạm lỗi.
Nói xong bà đưa quyển sách cho Áctơ và đi vài bước như thể sắp vào trong khoang thuyền, để mặc cho con nằm trên tấm gỗ.
Áctơ khóc nức nở. Đứng ở chỗ tôi cũng nghe thấy tiếng ngẹn ngào của nó. Sao bà Miligơn lại có thể khắc nghiệt với chú bé đáng thương này vậy? Bà vẫn tỏ ra yêu nó thắm thiết kia mà! Nó không học được bài; có phải lỗi tại nó đâu. Có lẽ là tại bệnh tật của nó. Ấy vậy mà bà định bỏ đi không an ủi nó một lời.
Nhưng bà không bỏ đi. Bà không vào trong khoang thuyền mà trở lại với con bà. Bà nói:
Anh có muốn mẹ cùng học với anh thử xem không?

Ồ! Thưa mẹ vâng, cùng học.

Bà bèn lại ngồi gần nó. Bà cầm quyển sách và bắt đầu đọc khe khẽ bài ngụ ngôn Nhan đề là Chó sói và cừu non. Áctơ đọc theo bà từng chữ, từng câu.
Khi đọc xong bài ngụ ngôn ba lần, bà trao quyển sách cho Áctơ bảo nó học một mình. Rồi bà vào trong thuyền.
Áctơ liền đọc bài ngụ ngôn. Từ chỗ tôi đứng tôi trông thấy môi nó mấp máy.

Rõ ràng là nó học bài và chăm chú học.

Nhưng sự chuyên cần của nó chẳng được mấy chốc. Mắt nó rời khỏi sách. Môi nó mấp máy chậm hơn rồi đột nhiên dừng hẳn lại.
Nó không đọc nữa, nó không học nữa.

Mắt nó đang vơ vẩn đó đây thì gặp mắt tôi. Tôi lấy tay ra hiệu cho nó để khuyên nó tiếp tục học bài đi. Nó khẽ mỉm cười với tôi ra ý cám ơn tôi đã nhắc nhở nó và lại nhìn vào sách.

Nhưng rồi mắt nó lại ngước lên nhìn hai bên bờ sông, hết bờ này đến bờ kia.

Vì nó không nhìn về phía tôi nên tôi đứng lên cốt để cho nó chú ý. Và khi nó đã trông thấy tôi thì tôi lấy tay trỏ vào quyển sách. Nó lại cầm sách lên ngượng nghịu.

Rủi thay, hai phút sau một con chim bói cá xẹt qua trước thuyền như một mũi tên, để lại một làn xanh dằng sau nó.
Áctơ ngẩng đầu lên nhìn theo con chim. Khi hình ảnh đó tan biến thì nó lại nhìn tôi. Rồi nó nói:
Tôi không thể học được tuy tôi muốn lắm. Tôi bước lại gần nó. Tôi nói:
Ấy thế mà cái bài ngụ ngôn này cũng chẳng lấy gì làm khó cho lắm.

Ồ! Trái lại khó lắm chứ!

Tôi thấy nó cũng dễ thôi. Khi nghe mẹ anh đọc tôi cũng đã nhớ được đấy. Nó mỉm cười ngờ vực. Tôi tiếp:
Anh có muốn tôi đọc cho anh nghe không?

Muốn làm gì cái chuyện không thể có ấy?

Không đâu, không phải là không thể đâu. Tôi cứ thử đọc nhé? Anh cầm lấy sách.

Nó cầm quyển sách lên và tôi bắt đầu đọc. Nó chỉ phải nhắc tôi có ba, bốn lần thôi. Nghe hết bài, nó reo:
Chao ôi! Anh thuộc rồi!

Cũng chưa thuộc lắm đâu! Nhưng từ giờ trở đi thì chắc tôi đọc không vấp váp gì nũa.
Anh làm thế nào mà học được thế?

Tôi lắng nghe mẹ anh đọc. Tôi chăm chú nghe chứ không nhìn những vật chung quanh tôi.
Nó đỏ mặt nhìn đi chỗ khác. Sau một phút bẽ bàng nó nói:

Tôi hiểu anh đã lắng nghe như thế nào rồi, tôi sẽ cố gắng lắng nghe như anh. Nhưng mà anh làm thế nào mà nhớ nổi tất cả những chữ ấy nhỉ? Nó cứ rối beng trong trí nhớ của tôi.
Tôi đã làm thế nào? Tôi cũng chẳng biết nữa, vì tôi chưa hề nghĩ tới câu đó. Tuy vậy tôi cố tự mình tìm hiểu để giải thích cho nó. Tôi trả lời:

Trong bài ngụ ngôn này nói gì? Tôi tự hỏi mình thế. Nói về một con cừu. Thế là tôi bắt đầu nghĩ tới những con cừu. Rồi tôi nghĩ tới chuyện chúng nó đang làm gì: “Đàn cừu đang sống an toàn trong chuồng”. Tôi trông thấy lũ cừu nằm và ngủ ở trong chuồng vì chúng nó an toàn. Khi tôi đã trông thấy chúng nó rồi thì tôi không quên nữa.

Được rồi. – Nó nói. – Tôi cũng trông thấy chúng nó: “Đàn cừu đang sống an toàn trong chuồng”. Tôi trông thấy có con trắng, có con đen. Tôi trông thấy những con cừu cái và những con cừu non. Tôi trông thấy cả cái chuồng. Chuồng làm bằng những bức phên thưa.
Thế anh sẽ không quên nữa chứ?

Ồ! không.

Thường thì ai trông coi cừu?

Chó.

Khi không cần phải trông coi cừu, bởi vì cừu đã được an toàn, thì mấy con chó làm gì?
Chúng chẳng có việc gì mà làm cả.

Thế thì chúng nó có thể ngủ được. Vậy chúng ta nói: “Mấy con chó đều ngủ cả”.

Đúng rồi, thật dễ dàng.

Đấy, có phải thật là dễ không? Bây giờ chúng ta nghĩ đến chuyện khác. Cùng với lũ chó thì còn có ai trông coi cừu nữa?
Người chăn cừu.

Nếu cừu đã an toàn rồi thì người chăn cừu chẳng có gì mà làm. Thế anh ta có thể dùng thì giờ làm gì nhỉ?
Để thổi sáo.

Anh có trông thấy anh ta không?

Anh ta ở đâu nhỉ?

Ở dưới bóng một cây du to.

Anh ta có một mình thôi ư?

Không, anh ta cùng ngồi với các anh chăn cừu láng giềng.

Vậy nếu anh trông thấy cừu, chuồng cừu, chó và người chăn cừu thì anh có thể đọc thuộc đoạn đầu bài ngụ ngôn không nhỉ?
Có lẽ được.

Hãy đọc thử xem nào.

Nghe tôi nói thế và giảng cho nó hiểu cách làm thế nào để học thuộc được một bài mới dầu tưởng chừng như khó lắm, Áctơ vừa cảm động vừa lo sợ nhìn tôi. Hình như nó chưa tin lắm những điều tôi nói là sự thật. Tuy vậy, sau vài giây do dự, nó quả quyết:

“Đàn cừu đang sống an toàn trong chuồng. Mấy con chó đều ngủ cả. Người chăn cừu thổi sáo dưới bóng cây du to cùng với các bạn láng giềng”.
Thế rồi nó vỗ tay reo lên:

Tôi thuộc rồi mà! Tôi không phạm lỗi nào cả.

Thế anh có muốn học nốt bài ngụ ngôn bằng cách ấy không?

Muốn chứ! Có anh, tôi chắc chắn là sẽ học được. Ôi chà! Mẹ sẽ bằng lòng lắm nhỉ.

Thế là nó học nốt bài ngụ ngôn như đã đọc mấy câu đầu.

Chưa đầy mười lăm phút sau nó đã thuộc làu. Nó đang đọc trôi chảy thì mẹ nó ra đứng sau chúng tôi.
Thoạt tiên bà ta có ý giận vì thấy chúng tôi tụm với nhau: bà tưởng chúng tôi tụm nhau để chơi đùa. Nhưng Áctơ không để bà ta nói nửa lời. Nó reo:
Con thuộc bài rồi! Chính anh ấy đã dạy con đấy!

Bà Miligơn ngạc nhiên nhìn tôi và chắc là bà sắp hỏi tôi thế nào đây! Nhưng không đợi bảo. Áctơ bắt đầu đọc bài Chó sói và cừu non. Nó đọc với vẻ đắc thắng và vui vẻ, không ngập ngừng, không sai tiếng nào.

Trong khi đó tôi nhìn bà Miligơn. Tôi thấy gương mặt xinh đẹp của bà sáng bừng một nụ cười, rồi hình như là bà rơm rớm nước mắt. Nhưng vì lúc đó bà cúi xuống choàng hai tay ôm con bà và âu yếm hôn nó nên tôi không biết bà có khóc không. Áctơ nói:

Những chữ suông thì thật ngốc. Nó chả có nghĩa lý gì. Chỉ có sự vật thì mới trông thấy rõ. Anh Rêmi đã làm cho con trông thấy người chăn cừu với ống sáo. Khi con vừa học vừa ngước mắt lên thì con không nghĩ gì đến mọi thứ chung quanh con, con trông thấy ống sáo của người chăn cừu và con nghe điệu nhạc anh ta thổi. Mẹ có muốn con hát cái điệu ấy không?

Thế là Áctơ hát một bài hát buồn buồn bằng tiếng Anh.

Lần này thì bà Miligơn khóc thật sự. Khi bà đứng lên, tôi trông thấy mấy giọt nước mắt của bà trên má Áctơ. Bà lại gần tôi, cầm tay tôi. Bà xiết tay tôi thật nhẹ nhàng êm ái, làm cho tôi cảm động. Bà nói: – Cháu là một đứa bé ngoan.

Tôi kể lể đầy đủ câu chuyện nhỏ vừa xảy ra đây để cho mọi người hiểu sự thay đối về địa vị của tôi bắt đầu từ ngày hôm ấy. Hôm trước người ta coi tôi là một thằng bé làm xiếc chó, khỉ và dùng tôi với những con chó, con khỉ của tôi để làm vui cho một cậu bé ốm. Nhưng cái việc học bài vừa rồi đã tách tôi ra khỏi bầy chó và khỉ. Tôi trở thành một người bạn, gần như một người bạn thân của Áctơ.

Phải nói ngay cái chuyện này mà mãi về sau tôi mới biết: đó là việc bà Miligơn rất buồn lòng nhận thấy con bà không học hành gì được cả, hay nói đúng hơn, không thể học hành gì được. Tuy rằng nó ốm nhưng bà vẫn muốn cho nó học tập. Ấy cũng vì bệnh còn kéo dài nên bà muốn ngay từ bây giờ rèn cho trí óc thằng bé những tập quán thích hợp để tới khi nó khỏi bệnh thì nó có thể học bù lại cái thời gian đã bỏ mất.

Nhưng cho tới ngày hôm đó, bà đã không thành công. Áctơ không phải là một đứa bé ương bướng, không chịu học, nhưng nó không tài nào tập trung tư tưởng, không tài nào chuyên cần cho được. Đưa sách vào tay nó thì nó không phản kháng, nó gần như vui lòng xòe tay ra để nhận lấy là khác. Nhưng mà trí óc nó thì nó lại không mở ra. Y như một cái máy, nó nhắc lại một cách vô ý thức những chữ người ta cố nhồi vào trong đầu óc nó, chữ được chữ mất, có thể nói mất nhiều hơn là được.

Do đó mẹ nó rất buồn và thất vọng về nó. Cũng do đó, bà rất hài lòng khi nghe nó đọc thuộc một bài ngụ ngôn vừa học cùng với tôi trong nửa tiếng đồng hồ. Cũng cái bài ngụ ngôn đấy, bà ta đã mất mấy ngày trời mà không tài nào làm cho nó nhớ được.

Bây giờ, khi nghĩ tới những ngày sống trên thuyền gần bà Miligơn và Áctơ, tôi thấy đó là những ngày tươi đẹp nhất trong thời niên thiếu của tôi. Áctơ yêu tôi bằng một tình bạn nồng nhiệt, về phía tôi, một mối thiện cảm tự nhiên đã làm cho tôi coi nó như anh em ruột thịt, không suy nghĩ gì. Chúng tôi không cãi nhau bao giờ. Mặc dù là chủ nhân, chẳng khi nào nó mảy may có ý trịnh thượng với tôi. Và riêng tôi cũng không thấy mảy may rụt rè lúng túng với nó. Tôi không hề nghĩ là mình có thể như thế.

Cái đó chắc là do tôi ít tuổi mà chưa am hiểu việc đời. Nhưng mà chắc chắn một phần nào cũng do tính tình tế nhị và lòng tốt của bà Miligơn. Bà thường nói năng với tôi như thể tôi là con của bà vậy.

Vả lại cuộc du hành trên thuyền này thật là kỳ diệu. Chẳng có giờ phút nào buồn chán hay mệt nhọc.
Từ sáng chí tối, tất cả giờ giấc của chúng tôi đều được sử dụng đầy đủ.

Từ khi có con đường xe lửa thì người ta không tới xem kênh Nam và cũng chẳng buồn biết đến con sông đào ấy nữa. Ấy thế mà nó là một trong những cảnh kỳ thú của nước Pháp đấy.

Từ Vinlơphăngxơ đơ Lôraghê chúng tôi đi Avinhônnê, rồi từ Avinhônnê đi vào miền núi đá Nôrudơ. Ở Nôrudơ có đài kỷ niệm ông Rikê, người đã đào ra con kênh này. Đài dựng ngay trên đường phân thủy giữa những con sông chảy ra Đại Tây Dương và những con sông chảy ra Địa Trung Hải.

Rồi chúng tôi đi qua Caxtennôđary, thành phố của máy xay, đoạn xuyên qua Cáccátxôn, thành phố trung cổ. Chúng tôi vượt cống Phuxơran rất đáng xem vì có tám ngăn phối hợp. Từ cống ấy thuyền đổ xuống Bêđiê. miền nào đẹp mắt thì mỗi ngày chúng tôi đi chỉ mấy dặm. Trái lại qua nơi nào phong cảnh đơn điệu chúng tôi đi nhanh hơn.
Tùy phong cảnh hai bên đường mà chúng tôi đi hay ở, đi chậm hoặc đi nhanh. Chúng tôi không vướng víu về những việc có thể làm bận tâm những khách đi đường khác. Chúng tôi không cần phải đi những đoạn đường dài để cho tới một quán trọ mới chắc chắn là có chỗ ăn chỗ ngủ. Cứ đúng giờ là bữa ăn dọn ra dưới mái hiên. Chúng tôi vừa ăn vừa bình thản ngắm quang cảnh mỗi lúc mỗi thay đổi hai bên bờ. Về chiều, bất luận gặp trời tối chỗ nào là chúng tôi đỗ lại ở chỗ ấy cho đến khi trời sáng.

Tuy là đi nhưng lại luôn luôn ở trong nhà mình nên chúng tôi không hề có những buổi tối nhàn rỗi vô sự thường thường là buồn tẻ và dài dằng dặc với khách du lịch thông thường. Trái lại đối với chúng tôi, thời giờ buổi tối dường như ngắn ngủi quá. Giờ đi ngủ chợt đến vào lúc chúng tôi chưa nghĩ đến chuyện ngủ nghê tí nào.

Khi thuyển đỗ lại, nếu trời lạnh thì mọi người đều ở trong phòng khách. Người ta đốt một ngọn lửa nhỏ để xua tan khí ẩm ướt và sương mù có hại cho sức khỏe người ốm. Rồi người ta mang đèn ra. Áctơ được đặt nằm trước bàn. Tôi ngồi gần nó. Bà Miligơn giở cho chúng tôi xem những quyển sách tranh và những tập ảnh. Cũng như con thuyền được đóng riêng để phục vụ cuộc hành trình đặc biệt trên sông này, những sách vở và tranh ảnh ở đây đã được lựa chọn thích hợp với cuộc du lịch.

Khi chúng tôi bắt đầu mỏi mắt thì bà Miligơn lại mở một quyển sách ra đọc cho chúng tôi nghe những đoạn chúng tôi ưa thích và có thể hiểu được. Hoặc là gấp tất cả sách, ảnh lại bà kể cho chúng tôi nghe những truyền thuyết, những sự kiện lịch sử liên quan đến các vùng vừa đi qua. Bà vừa kể vừa chăm chú nhìn vào mặt con bà. Thật là cảm động khi thấy bà không tiếc công phu khó nhọc để tìm những từ vừa ý, dùng những chữ thật dễ hiểu.

Trong những buổi tối đẹp trời, tôi cũng đóng một vai trò tích cực. Tôi xách cây thụ cầm đi lên bộ tìm đến một chỗ hơi xa một chút, đứng nấp vào bóng cây và hát tất cả các bài hát, chơi tất cả các điệu nhạc tôi thuộc. Áctơ rất thích thú được nghe âm nhạc trong cảnh đêm yên tĩnh mà mắt không trông thấy người gảy đàn. Thỉnh thoảng nó gọi bảo tôi: “Nữa đi”, và tôi lại gảy lại bài tôi vừa mới chấm dứt.

Cảnh sống ở đó quả là êm đẹp và sung sướng đối với một đứa trẻ như tôi, một đứa trẻ rời khỏi túp lều của má Bácbơranh chỉ để theo ông cụ Vitali trên đường thiên lý. Món khoai tây rắc muối của bà mẹ nuôi tội nghiệp của tôi so với những bánh mứt, nước quả đông, bánh kem, bánh ngọt của chị nấu bếp nhà bà Miligơn thật khác xa. Những thời đi bộ từng chặng đường dài trong bùn lầy dưới mưa dầu nắng dãi lủi thủi sau gót chủ, so với cuộc du hành bằng thuyền này cũng thật là trái ngược.

Nhưng mà nói cho công bằng đối với mình thì trong cuộc sống mới này, tôi cảm thấy sung sướng về tinh thần hơn là về những sự hưởng thụ vật chất. Phải, bánh của bà Miligơn ngon thật đấy. Phải, không bị đói, không khổ vì rét vì bức, cái đó thật dễ chịu. Nhưng mà những tình cảm thắm thiết tràn ngập lòng tôi còn dễ chịu và tốt đẹp hơn những cái đó biết bao.
Đã hai lần tôi được thấy mối thân tình ràng buộc tôi với những người tôi thương bị cắt đứt hoặc gián đoạn. Lần đầu tôi bị rứt ra khỏi tay má Bácbơranh. Lần thứ hai tôi phải xa lìa cụ Vitali và thế là hai lần tôi phải sống cô đơn ở trên đời, không nơi nương tựa, không người nhờ cậy, chỉ đánh bạn với mấy con thú của tôi thôi. Ấy thế mà trong lúc cô quạnh, trong lúc khốn cùng, tôi đã tìm thấy có người yêu mến tôi và để cho tôi yêu mến: một người phụ nữ đẹp, hiền hậu, nhã nhặn và âu yếm, một đứa bé cùng lứa tuổi tôi, đối xử với tôi như anh em ruột thịt. Đó là điều sung sướng biết bao đối với một trái tim đang khao khát yêu thương như tôi.

Biết bao lần nhìn thấy Áctơ xanh xao, rầu rĩ nằm dài trên tấm ván, tôi đâm ra thèm muốn hạnh phúc của nó, mặc dù tôi vẫn khỏe mạnh, sức vóc dường này! Không phải thèm muốn cảnh sống đầy đủ của nó, không phải thèm muốn những sách vở, những thứ đồ chơi sang trọng của nó, cả chiếc du thuyền kia tôi cũng không ham. Tôi chỉ thèm cái tình thương yêu của bà mẹ nó đối với nó.

Được yêu thương như vậy, phải biết là nó sung sướng nhé! Mỗi ngày nó được bà ôm hôn đến những hai mươi bận. Và nó cũng được âu yếm ôm hôn cái bà phu nhân xinh đẹp ấy. Còn tôi thì mỗi khi bà đưa tay ra cho tôi bắt, tôi chỉ dám chạm vào se sẽ thôi.

Thế rồi tôi buồn rầu chạnh nghĩ chả bao giờ tôi có một bà mẹ hôn tôi và để cho tôi hôn. Có lẽ một ngày kia tôi gặp lại má Bácbơranh và đó là một niềm vui lớn. Nhưng mà dẫu sao bây giờ tôi không thể gọi “Má” đối với bà y như ngày xưa, vì má không phải là mẹ đẻ của tôi.

Cô đơn, có lẽ tôi phải chịu cô đơn mãi mãi!

Cái ý nghĩ ấy làm cho tôi thích thú bội phần khi thấy mình được bà Miligơn và Áctơ đối xử âu yếm.
Tôi thấy không nên khó tính, đòi hỏi nhiều quá về cái phần hạnh phúc của mình ở trên, thế gian này. Không có mẹ, không anh em, không gia đình thì có bè bạn cũng đủ sung sướng rồi.

Tôi phải tự lấy làm sung sướng và thực sự tôi đã sung sướng hoàn toàn.

Tuy nhiên, những thói quen mới kia dù có êm ái dễ chịu đến đâu đi nữa, cũng sắp đến lúc tôi phải rời bỏ để trở lại vổi đời sống trước đây.

—————————

Theo luật các nước tư bản Âu Mỹ, con sinh ra trong mười tháng sau ngày chồng chết được hưởng quyền gia tài của bố – ND.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.