Không Gia Đình
15. NGÀI GIÔLICƠ
Những dấu hiệu lúc hừng sáng đã báo thời tiết đúng. Mặt trời nhô lên rạng rỡ trên vòm trời không mây. Những tia nắng nhạt chiếu xuống được mặt tuyết trắng tinh rọi lại. Hôm qua, rừng buồn bã nhợt nhạt là thế mà hôm nay thì ánh sáng chói chang đến lóa cả mắt.
Thỉnh thoảng, cụ Vitali luồn tay vào dưới chăn sờ xem Giôlicơ thế nào. Giôlicơ vẫn chưa ấm lại tí nào. Tôi nghe thấy nó run lập cập khi cúi xuống bên nó. Trong chốc lát, chúng tôi nhận thấy rõ không tài nào làm ấm lại dòng máu tê buốt trong người nó. Cụ Vitali đứng lên bảo:
Phải tìm đến chỗ xóm làng mới được. Nếu không thì, Giôlicơ đến chết ở đây thôi. Dọc đường mà nó không chết thì cũng là phúc lắm rồi. Đi đi thôi!
Chúng tôi trùm kín Giôlicơ trong chiếc chăn ấm, rồi cụ chủ ôm nó vào dưới áo, sát ngực. Thế là chúng tôi đã sẵn sàng lên đường. Cụ Vitali bảo:
Gớm! Cái quán này bắt ta phải trả giá trọ đắt quá!
Giọng cụ run run khi nói câu ấy.
Cụ đi ra trước, tôi bước theo gót cụ. Con Capi còn ngồi lại ở ngưỡng cửa, quay lại nhòm về chỗ hai bạn nó bị chó sói vồ. Phải gọi nó, nó mới chịu đi.
Ra đường cái được mươi phút thì chúng tôi gặp một cái xe, người chủ xe bảo cho biết là đi độ non một tiếng nữa thì đến làng mạc. Nghe nói thế chân chúng tôi hóa khỏe ra, mặc dù tuyết ngập đến nữa người tôi, đi vừa khó khăn vừa mệt nhọc.
Chốc chốc tôi hỏi cụ Vitali xem Giôlicơ thế nào. Cụ vẫn trả lời là cụ nghe thấy nó run cầm cập trong lòng cụ.
Đi mãi, đến một cái dốc, dưới chân dốc hiện ra những mái nhà trắng của một thôn lớn. Cố gắng một thôi nữa và thế là chúng tôi đến nơi.
Thầy trò chúng tôi vốn không quen vào những quán tốt nhất, những quán mà vẻ sang trọng bên ngoài hứa hẹn thức ăn ngon, chỗ nằm ấm. Trái lại thường thường chúng tôi dừng ở đầu làng hay ở ngoại ô, chọn một cái nhà tồi tàn nào đó mà họ không xua đuổi chúng tôi, cũng không moi nhẵn túi chúng tôi.
Lần này thì không thế. Cụ Vitali không dừng ở đầu làng, cụ đi mải đến một cái quán trước cửa đeo đu đưa một tấm bảng đẹp thiếp vàng. Qua cửa nhà bếp mở toang, tôi thấy một chiếc bàn chất đầy thịt, và trên lò bếp rộng nhiều chiếc xoong bằng đồng đỏ đang reo sôi vui vẻ, hơi các thức ăn bốc lên trần thành đám mây con con. Mùi xúp béo ngậy bay ra tận ngoài đường mơn trớn mấy cái dạ dày lép kẹp của chúng tôi.
Cụ chủ tôi lấy dáng điệu một người sang trọng bước vào quán. Không cất mũ, đầu hất ra đằng sau, cụ hỏi chủ quán thuê một cái buồng tốt có lò sưởi.
Chủ quán là một nhân vật trông khá bảnh bao. Ban đầu ông ta không thèm nhìn chúng tôi. Nhưng rồi vẻ uy nghi đường bệ của cụ chủ tôi làm ông ta phải kính nể. Chị hầu phòng được lệnh đưa chúng tôi về buồng trọ.
Trong khi chị ta nhóm lửa thì cụ Vitali bảo tôi:
– Cháu đi nằm đi! Nhanh lên.
Tôi đứng sững một lúc: Sao lại đi nằm? Ngủ làm gì, ngồi vào bàn ăn thì thích hơn bao nhiêu!
Cụ Vitali giục:
– Nhanh lên chứ!
Tôi phải đành làm theo lời cụ. Trên giường có một tấm chăn lông, cụ Vitali đắp lên người tôi đến tận cằm.
Cháu gắng chịu, làm sao cho nóng ran người lên. Cháu càng nóng ấm chừng nào thì càng tốt chừng ấy.
Tôi băn khoăn nghĩ rằng con Giôlicơ cần được ấm hơn tôi nhiều, bởi vì tôi chẳng thấy rét gì cả. Trong lúc tôi nằm im cho nóng người trong tấm chăn lông thì cụ Vitali cứ trở qua trở lại con Giôlicơ, dường như quay thịt nó, làm chị hầu phòng hết đỗi ngạc nhiên.
Một lát sau, cụ hỏi tôi:
Cháu đã thấy nóng chưa?
Cháu chết bức đây.
Ấy, chính ta cần thế đấy.
Nói xong, cụ đi ngay lại phía tôi và đặt con Giôlicơ lên giường, bảo tôi ôm chặt nó vào lòng. Tội nghiệp cho con vật bé bỏng, thường ngày nó bướng bỉnh, bắt làm gì mà không vừa ý thì giãy nảy lên, thế mà hôm nay nó ngoan ngoãn chịu đựng tất cả. Nó nép sát vào người tôi, nằm không cựa quậy. Nó hết lạnh rồi, mình nó nóng ran như lửa.
Cụ chủ tôi xuống bếp. Lát sau cụ bưng lên một cốc rượu vang nóng pha đường. Cụ muốn cho con Giôlicơ uống vài thìa, nhưng nó không hé răng ra được. Nó mở đôi mắt sáng nhìn chúng tôi buồn bã, như muốn van nài chúng tôi hãy để cho nó yên thân, đừng làm tình làm tội nó. Đồng thời nó rút một tay ra khỏi chăn, chìa cho chúng tôi.
Tôi không hiểu nó chìa tay ra và chìa đi chìa lại như vậy là có ý gì. Có cụ Vitali giải thích, tôi mới rõ. Thì ra, trước khi tôi nhập đoàn, Giôlicơ đã có một lần bị sưng phổi, người ta đã chích máu ở tay nó. Bây giờ đây, tự thấy mình ốm, nó đưa tay ra để người ta chích máu nó nữa và chữa cho nó khỏi bệnh như lần trước.
Các bạn thấy có cảm động không?
Không những cụ Vitali cảm động, cụ còn lo ngại nữa. Rõ ràng là con Giôlicơ đang ốm, không những ốm mà còn ốm nặng nữa, cho nên nó mới không chịu uống rượu vang pha đường, cái món mà ngày thường nó thích lắm. Cụ Vitali bảo tôi:
Cháu uống chỗ rượu ấy rồi cứ nằm yên trên giường. Ta đi mời thầy thuốc đây. Phải thú thật bản thân tôi, tôi cũng ưa món rượu vang pha đường ấy, vả lại tôi
đang đói phờ người ra. Bởi vậy, không đợi bảo hai lần, tôi nốc cạn bát rượu rồi chui vào chăn nằm. Hơi nóng của chăn lại thêm có hơi rượu bốc lên nữa làm tôi suýt ngất người thật.
Cụ chủ tôi đi không lâu lắm. Chỉ một lát sau, cụ trở về, dẫn theo một ông mang kính vọng vàng. Đó là ông thầy thuốc.
Cụ Vitali sợ cái nhân vật quyền quý ấy không chịu rời gót ngọc đi chữa bệnh cho một con khỉ ranh, nên không nói rõ.
Vì thế thấy tôi nằm trên giường, mặt đỏ như một đóa mẫu đơn chớm nở thì ngài lương y sấn lại, đặt tay lên trán tôi rồi phán:
– Huyết tụ.
Xong ngài lắc đầu, ý nói: bệnh tình nghiêm trọng lắm.
Tôi thấy cần phải cải chính ngay, không thì ông ta đè tôi mà chích máu mất.
Tôi nói:
Không phải tôi ốm.
Thôi nào? Mày mà không ốm à? Cái thằng bé này nó lên cơn mê sảng rồi! Tôi không trả lời. Tôi nhích dần chăn lên, chỉ con Giôlicơ đương choàng tay
qua cổ tôi nói:
– Nó ốm đấy!
Ông thầy thuốc lùi hai bước, quay về phía cụ Vitali, la lên:
Một con khỉ! Hay chưa? Vì một con khỉ mà ông quấy rầy tôi à? Lại đương tiết trời thế này nữa!
Tôi đoán rằng ông ta sẽ tức tối bỏ đi.
Nhưng cụ Vitali lại là một người khôn ngoan và luôn tỉnh táo. Nhã nhặn với một cốt cách của một người thượng lưu, cụ giữ ông thầy thuốc lại. Rồi cụ nói cho ông ấy nghe cảnh ngộ của chúng tôi: nào là gặp phải mưa tuyết thế nào, nào con Giôlicơ sợ sói leo lên cây trên, bị cảm lạnh như thế nào. Cụ phân trần:
Đành rằng bệnh nhân chỉ là một con khỉ. Nhưng một con khỉ như thế nào? Một con khỉ thiên tài! Ngoài ra nó còn là một người bạn đường, một người anh em thiết cốt của chúng tôi. Tôi không đành giao một nghệ sĩ sân khấu xuất sắc như vậy cho một anh thú y tầm thường cứu chữa. Vả chăng tuy khỉ chỉ là một con vật đấy, nhưng theo các nhà sinh vật học thì nó gần với giống người hết sức cho nên bệnh của nó không khác bệnh của người, về mặt khoa học và y thuật, nghiên cứu xem bệnh của khỉ giống bệnh của người ở chỗ nào và khác ở chỗ nào, tôi tưởng cũng là một điều lý thú.
Người Italia vốn khéo tán. Bởi thế lát sau, ông thầy thuốc không ra cửa mà lại quay lại bên giường.
Trong lúc cụ chủ tôi nói thì con Giôlicơ thò tay ra ngoài hơn mười lần để đưa ông thầy thuốc chích máu. Chừng như nó đoán được cái người đeo kính ấy là một vị thầy thuốc. Cụ bảo:
Ngài xem con khỉ thông minh chưa! Nó biết ngài là một vị thầy thuốc, cho nên nó đưa tay cho ngài bắt mạch cho nó đấy.
Điều đó làm ông thầy thuốc hết do dự. Ông nói:
– Ờ! cái “ca” này có lẽ cũng ngộ đấy!
Đối với chúng tôi thì, chao ôi! Cái “ca” này buồn và đáng lo ngại lắm: ngài Giôlicơ có triệu chứng sưng phổi.
Ông thầy thuốc cầm cánh tay nhỏ xíu mà chú khỉ luôn luôn chìa ra, và thọc dao vào mạch máu. Giôlicơ không kêu rên một tiếng. Chú biết người ta làm như thế là để chữa cho chú lành bệnh.
Chích máu xong thì đến đủ các thứ thuốc: nào là thuốc cao, thuốc dán, thuốc nước, thuốc thang. Tôi trông nom bệnh nhân với sự chỉ bảo của cụ Vitali.
Tội nghiệp chú Giôlicơ bé bỏng, chú thích được tôi chăm sóc. Thỉnh thoảng chú mỉm cười hiền lành để cảm ơn tôi. Cái nhìn của chú lúc này thật giống người lạ lùng!
Ngày thường Giôlicơ lấc cấc, ngang bướng hết chỗ nói; chả bao giờ chú chịu ngồi yên, lúc nào cũng lăng xăng để trêu nghịch chúng tôi. Thế mà bây giờ thì chú yên lặng, dễ bảo một cách mẫu mực. Hình như chú cần người ta tỏ lòng yêu mến đối với chú. Chú muốn được cảm tình của cả con Capi, trước kia đã bao phen là nạn nhân của chú. Như một đứa con nuông, chú muốn mọi người ở bên cạnh chú. Có một ai ra ngoài là chú hờn dỗi.
Bệnh tình của chú tiến triển theo lệ thường của bệnh sưng phổi, nghĩa là ít lâu sau thì chú đổ ra ho. Những cơn ho làm cho chú mệt lắm, vì nó khiến cả cái thân hình bé bỏng của chú quằn quại.
Tài sản tôi vẻn vẹn có năm xu, tôi trút hết ra mua kẹo mạch cho chú.
Khốn thay! Kẹo mạch của tôi không làm bệnh giảm mà lại làm tăng thêm. Số là động tới việc gì, Giôlicơ cũng để ý nhận xét, vì vậy không bao lâu, chú nhận thấy rằng mỗi khi chú ho thì tôi cho một cái kẹo. Sử dụng ngay điều nhận xét ấy, chú cứ ho mãi để tôi cho mãi cái vị thuốc mà chú rất thích kia. Cho nên cái vị ấy đáng lẽ làm cho chú đỡ bệnh hóa ra làm cho chú đau thêm.
Khi tôi biết ngón láu cá của chú thì tôi không cho kẹo nữa.
Nhưng chú không ngã lòng! Thoạt đầu chú đưa mắt van xin. Khi thấy van xin vô hiệu, chú ngồi gập người lại ôm bụng ho dữ dội, rán hết gân cổ mà ho. Mặt chú đỏ bừng, mạch máu trên trán căng thẳng, mắt giàn giụa nước mắt. Rốt cuộc chú đứt hơi, không phải là đứt hơi vờ, đứt hơi khi đóng kịch, mà là đứt hơi thật sự.
Cụ chủ không bao giờ nói cho tôi biết mọi việc tính toán bán mua của cụ. Cái việc cụ phải bán đồng hồ để mua tấm áo lông cừu cho tôi, tôi biết được cũng là ngẫu nhiên thôi.
Nhưng lần này, trong hoàn cảnh khó khăn này, cụ không theo cái lệ thường ấy. Một sớm, tôi ngồi với Giôlicơ, còn cụ thì đi ăn sáng, vì bao giờ chúng tôi cũng thay phiên nhau trông Giôlicơ, không để nó nằm một mình. Khi về buồng, cụ cho tôi biết rằng chủ quán đòi tiền trọ, và khi tính toán trả hết xong các khoản thì cụ chỉ còn năm mươi xu. Làm thế nào bây giờ?
Dĩ nhiên, tôi không trả lời được.
Còn cụ, cụ thấy chỉ có một cách giải nguy là tổ chức một buổi biểu diễn.
Một buổi biểu diễn không có Décbinô, không có Đônxơ, không có Giôlicơ? Tôi thấy không thể thực hiện được. Nhưng chúng tôi đương ở vào một cảnh ngộ dù không thể làm cũng cứ phải làm không có cách gì nản lòng chùn bước hết. Thế nào cũng phải lo thuốc men cho Giôlicơ để cứu nó. Công thầy, tiền thuốc củi sưởi, buồng trọ bắt buộc chúng tôi phải thu ngay bốn chục phờrăng là ít nhất mới đủ trang trải. Có thấy đồng bạc trắng xỉa ra, chủ quán mới mở cho chúng tôi một tài khoản mới để ăn ở tại quán anh ta thêm nữa.
Nơi đây là thôn quê, trời lại rét, phương tiện biểu diễn còn lại ít như thế, mà phải kiếm cho ra bốn chục phờrăng, thì quả là một sự gắng sức phi thường. Tuy vậy cụ chủ tôi không để mất thì giờ suy nghĩ đắn đo, cụ bắt tay vào một cách khẩn trương. Trong khi tôi vẫn phải chăm người ốm, thì cụ chạy được một phòng diễn ở chợ, bởi vì trời rét thế này, không thể biểu diễn ngoài trời được. Cụ vẽ mấy tấm quảng cáo rồi đưa đi dán các nơi. Cụ kiếm được mấy tấm ván rồi xếp thành một sân khấu tàm tạm. Cụ mạnh dạn dùng cái vốn năm mươi xu để mua nến. Cụ cắt nến thành hai để thắp nhiều ngọn cho sáng. Qua cửa sổ, tôi trông thấy cụ chủ tôi đi đi lại lại nhiều lần trên tuyết ở trước quán. Tôi lo lắng tự hỏi không biết chương trình buổi biểu diễn thế nào.
Nhưng tôi không phải chờ lâu. Anh đánh trống trong làng đã đến. Anh đội mũ lưỡi trai màu đỏ. Anh đứng trước cửa quán đánh ran một hồi trống oai hùng rồi tuyên đọc chương trình biểu diễn.
Cái chương trình ấy ra sao thì cũng dễ hình dung được sau khi nghe lời tuyên bố kỳ quặc của cụ Vitali. Cụ quảng cáo cho một “nghệ sĩ tiếng tăm lừng lẫy khắp thiên hạ” – đó là con Capi – và “một danh ca thiếu niên đáng coi là một kỳ quan trong thế giới” – kỳ quan ấy là tôi.
Chưa hết. Cái chuyện lý thú nhất trong lời quảng cáo là chuyện không bán vé vào cửa, mà để tùy lòng hào hiệp của chư vị khán giả: sau khi xem xong, hoan hô xong, họ sẽ tự liệu lấy mà trả tiền.
Tôi thấy làm như thế liều quá, vì chắc gì họ đã hoan hô chúng tôi! Capi mà nói rằng danh tiếng thì cũng đáng, chớ về phần tôi, tôi chưa hẳn tin mình là một kỳ quan.
Nghe tiếng trống Capi sủa lên vui vẻ, còn Giôlicơ thì nhỏm dậy, mặc dù lúc ấy chú đương mệt nặng. Tôi nghĩ rằng có lẽ hai nghệ sĩ này đã đoán ra là người ta đánh trống rao để cho ta biểu diễn. Tôi đồ chừng như thế mà thôi, không ngờ về sau điệu bộ quá rõ ràng của con Giôlicơ làm cho tôi tin chắc. Chú khỉ muốn đứng lên, tôi phải hết sức giữ chú lại. Rồi thì chú đòi bộ quân phục cấp tướng nước Anh của chú: Cái áo cài lon vàng, cái quần viền vàng, cái mũ đại lễ đính chòm lông trắng. Chú chắp tay lại, chú quỳ xuống để van xin cho thiết tha hơn.
Khi thấy rằng van xin không ăn thua gì, chú xoay qua ngón giận dữ, cuối cùng thì tuôn nước mắt ra để làm cho tôi mủi lòng. Rõ ràng là tối nay không dễ dàng gì thuyết phục chú bỏ cái ý định thủ vai trò quen thuộc của chú. Bởi vậy tôi nghĩ tốt hơn hết là khi nào đi diễn thì nên giấu không cho chú biết.
Khốn thay! Cụ Vitali không biết những sự việc xảy ra ở nhà trong lúc cụ đi vắng. Khi về, bước chân vào buồng cụ bảo ngay rằng tôi phải chuẩn bị đàn và những vật liệu cần thiết cho biểu diễn.
Giôlicơ vẫn nghe quen những tiếng ấy, nên hiểu ngay. Nó lại giở trò van nài, nhưng lần này thì van nài với ông chủ nó.
Nó kêu nhiều tiếng khác nhau, nó cau mày nhíu mắt, cả thân hình nó làm điệu bộ, tất cả những cái ấy diễn đạt những ý muốn của nó quá rõ, tôi tưởng dù nó có nói lên lời, cũng chỉ đến thế là cùng. Những giọt nước mắt đầm đìa trên má nó rõ ràng là những giọt nước mắt, và những cái hôn nó đặt lên bàn tay cụ Vitali cũng thật sự là những cái hôn.
Con muốn đóng trò à? – Cụ Vitali hỏi.
Vâng, vâng! – Toàn thân nó đáp.
Giôlicơ bé bỏng, tội nghiệp con! Con ốm kia mà!
Hết ốm rồi! – Người nó lại “kêu to” lên như thế.
Trông cảm động quá, cái cảnh con vật bé bỏng bị bệnh nặng đã kiệt sức mà còn hăng hái kêu xin được ra trò, khẩn khoản van nài, làm đủ mọi cách để thuyết phục chúng tôi. Nhưng chiều ý nó thì cũng bằng giết nó.
Đã đến giờ phải ra chợ biểu diễn. Tôi khuân mấy khúc củi tướng chất một đống lửa to trong lò sưởi, cứ chỗ củi ấy thì cháy còn lâu mới hết. Tôi bọc Giôlicơ trong chăn hết sức chu đáo. Nó khóc dầm dề, nó hôn tôi mãi không thôi. Xong đâu đấy, chúng tôi ra đi.
Cụ Vitali vừa đi đường vừa giảng cho tôi nghe việc tôi phải làm. Không thể diễn những tiết mục quen thuộc của chúng tôi vì thiếu diễn viên chính. Cho nên con Capi và tôi phải tận tình trổ hết tài nghệ. Phải thu những bốn mươi phờrăng kia mà.
Bốn mươi phờrăng cái đó mới là khoản kinh khủng.
Cụ Vitali đã chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ, chỉ còn việc thắp nến lên mà thôi. Nhưng đó là một món xa xỉ phẩm chỉ được dùng khi nào khách đến đông đủ, vì phải làm sao cho nến cứ sáng mãi cho đến lúc diễn hết chương trình.
Khi chúng tôi vào rạp hát thì anh đánh trống rảo qua các đường làng một lần nữa. Tiếng trống của anh vang lên khi gần khi xa cũng tùy con đường quanh co uốn lượn như thế nào đó.
Khi đã trang điểm cho con Capi và phần tôi cũng hóa trang xong rồi, tôi ra đứng sau một cái trụ để xem khách đến. Lát sau, tiếng trống nghe gần lại và chen với tiếng trống có tiếng ồn ào ở ngoài đường. Đó là tiếng cười nói của một toán trẻ con độ chừng hai mươi đứa, chúng bước đều theo tiếng trống.
Anh đánh trống đứng giữa hai ngọn đèn lồng thấp ở cửa rạp và tiếp tục đánh liên hồi. Rõ ràng là công chúng chỉ còn vào rạp ngồi để chờ khai diễn.
Chao ôi! Trống đến thì cứ thúc ran lên, hùng dũng, vui vẻ, mà sao người xem đến chậm thế? Bọn trẻ con trong làng đã vào rạp, có lẽ đủ mặt tất cả ngồi yên chỗ. Nhưng với trẻ con thì làm gì thu góp nổi bốn mươi phờrăng! Chúng tôi cần những nhân vật tai mắt, túi tiền nặng và bàn tay vung ra một cách dễ dàng.
Mặc dù rạp còn vơi khách, cụ chủ cũng quyết định diễn. Không thể chờ nữa vì nến là vấn đề nghặt nghèo.
Tôi phải ra trò trước hết. Vừa đệm đàn, tôi vừa hát hai bài hát ngắn. Thành thực mà nói thì tiếng vỗ tay hoan hô cũng thưa thớt.
tôi lòng tự ái của người diễn viên vốn không sâu sắc lắm, nhưng trong trường hợp lúc bấy giờ, sự lạnh nhạt của khán giả khiến tôi buồn phiền. Nếu họ không thích thì họ có bỏ tiền ra đâu! Tôi không hát vì danh vọng, tôi hát vì con Giôlicơ tội nghiệp của tôi. Tôi chỉ muốn làm xúc động khán giả. Ôi! Tôi muốn làm sao cho họ say sưa, họ mê mẩn! Nhưng nhìn xuống cái gian chợ chập chờn những bóng đen hình thù kỳ dị tôi thấy tưởng như tôi không làm cho họ thích thú và họ chưa chịu rằng tôi là một kỳ quan.
Con Capi tốt số hơn. Người ta vỗ tay hoan hô nó đến mấy lần, vỗ tay nhiệt liệt. Buổi biểu diễn tiếp tục cho đến hết và nhờ Capi, đã chấm dứt trong tiếng hoan hô vang dậy. Người ta vỗ tay chưa đủ. Người ta còn giậm chân nhảy lên nữa.
Giờ phút quyết định đã đến. Trong khi cụ Vitali đánh đàn cho tôi nhảy một điệu nhảy Tây Ban Nha thì Capi ngậm cái âu trong mồm, lần lượt đi qua các dãy ghế. Nó có thu được bốn mươi phờrăng hay không? Ý nghĩ ấy làm quặn lòng tôi, tuy ngoài mặt tôi cố tươi cười với khán giả. Tôi nhảy đã hết hơi mà vẫn cứ phải nhảy. Tôi chỉ có thể nghỉ khi nào Capi mang âu tiền về. Nó thì nó không vội vã, có ai không bỏ tiền cho nó thì nó đưa chân vỗ nhè nhẹ vào cái hầu bao còn buộc chặt của người ấy.
Cuối cùng thấy nó về, tôi toan ngừng nhảy. Nhưng cụ Vitali ra hiệu tôi tiếp tục. Tôi vừa nhảy vừa nhích lại gần con Capi. Tôi thấy âu tiền chưa đầy; còn phải nhiều nữa mới đầy! Cụ chủ tôi cũng đã ước được khoản thu, cụ đứng lên nói với khán giả:
– Thưa chư vị khán giả, chúng tôi tưởng có thể nói không ngoa rằng chúng tôi đã thực hiện cái chương trình hứa hẹn. Tuy vậy vẫn còn nến, cho nên nếu chư vị khán giả vui lòng thì tôi xin hát hầu chư vị khán giả vài khúc. Con Capi sẽ đi diễu qua một lần nữa, mong rằng quý vị khán giả nào lần trước chưa kịp tỏ ra hào phóng thì lần này sẽ nhanh tay hơn. Chúng tôi hân hạnh báo trước để quý vị khán giả ấy chuẩn bị đi thì vừa.
Mặc dù, cụ Vitali là thầy dạy hát của tôi, tôi chưa bao giờ nghe cụ hát thật sự, hát như tối hôm đó. Cụ chọn hai bài hát mà ai cũng biết, chỉ có riêng tôi lúc đó là không, bài ca về chàng Giôdép: “Mới qua tuổi ấu thơ” và bài ca về vua Risa dũng mãnh: “Ôi! Risa, bệ hạ!”
Thưở ấy tôi làm gì biết phán đoán người ta hát hay, hay là không hay, có nghệ thuật hay không có nghệ thuật. Tôi chỉ biết nói sự xúc động mà giọng hát của cụ làm nảy ra trong lòng tôi: Từ chỗ xó sân khấu mà tôi đã lui vào, tôi đứng nghe mà nước mắt rơi lã chã.
Qua làn nước mắt, tôi trông thấy một thiếu phụ ngồi hàng đầu vỗ tay sôi nỗi. Tôi đã chú ý đến bà ấy từ trước, vì đó không phải là một phụ nữ nông thôn như những người đàn bà khác trong cử tọa. Đó là một bà thượng lưu rõ rệt, trẻ, đẹp, tôi đoán là giàu nhất làng, vì có áo lông cừu. Bên cạnh bà, có một chú bé, chú vỗ tay hoan hô Capi tợn lắm. Chắc là bà con bà, vì nó giống bà như đúc.
Sau bài hát thứ nhất, Capi đi thu tiền lần nữa. Tôi ngạc nhiên biết bao khi thấy bà thiếu phụ ấy không bỏ đồng nào vào âu cả. Khi cụ chủ hát xong bài hát về Risa thì bà ra hiệu cho tôi lại gần. Bà bảo:
– Ta muốn được tiếp chuyện với chủ em.
Tôi cũng hơi lấy làm lạ tại sao cái bà thượng lưu xinh đẹp ấy lại muốn gặp chủ tôi. Theo tôi thì, bà bỏ tiền vào âu của con Capi là tốt hơn hết. Tuy nghĩ vậy, tôi vẫn đem lời bà thưa lại với cụ Vitali. Lúc đó Capi trở về và số tiền thu đợt thứ hai này còn ít hơn lần trước. Cụ Vitali hỏi:
Bà ấy muốn gì?
Nói chuyện với ông.
Ta không có chuyện gì để nói với bà ấy cả.
Bà chưa bỏ gì vào âu Capi. Có lẽ bà muốn cho tiền nó.
Thế thì con Capi cần đến chứ không phải là ta.
Tuy nói vậy, cụ cũng đành lòng gặp bà. Cụ dắt con Capi theo. Tôi đi sau. Lúc bấy giờ người hầu của bà ấy đã đến đứng bên cạnh bà và cậu bé. Hắn mang theo một tấm chăn và một chiếc đèn lồng. Cụ Vitali bước lại nghiêng đầu chào bà ấy, nhưng chẳng có vẻ là vồn vã.
Cụ tha lỗi cho tôi đã quấy rầy cụ. – Bà ấy nói.
Tôi muốn được tỏ bày lòng cảm phục đối với cụ. Cụ Vitali nghiêng mình, không nói. Bà ấy tiếp:
Tôi là nhạc sĩ. Nói thế để cụ biết tôi xúc động vì tài hoa lỗi lạc của cụ đến mức nào!
Tài hoa lỗi lạc ở ông chủ tôi, cụ Vitali, cái người hát rong, người xiếc khỉ ấy ư? Tôi vô cùng kinh ngạc.
Tài hoa gì ở một lão già quèn như tôi! – Cụ Vitali đáp.
Cụ đừng tưởng tôi tọc mạch vô duyên, không đâu.
Dù bà có tọc mạch muốn biết thì cũng có khó gì đâu, tôi sẵn sàng làm cho bà hài lòng. Thưa bà, bà thấy một người xiếc khỉ mà hát tàm tạm được thì ngạc nhiên chứ gì?
Không phải ngạc nhiên mà kính phục.
Duyên do đơn giản thôi. Ngày trước không phải bao giờ tôi cũng như bây giờ. Ngày trước, trong thời niên thiếu, thời ấy đã qua lâu lắm rồi, tôi là… vâng, tôi là người hầu của một bậc danh ca, và tôi bắt chước chủ tôi, cũng như con vẹt học nói, tôi học lỏm một đôi bài mà chủ tôi thường tập dượt trước mặt tôi. Có thế thôi.
Bà khách không trả lời mà lại ngắm cụ Vitali một lúc lâu. Đứng trước mặt bà, cụ chủ tôi có vẻ như lúng túng.
Xin chào ngài ạ! – Bà khách nhấn mạnh vào tiếng “ngài” mà bà nói với giọng rất lạnh lùng. – Chào ngài, thưa ngài, và một lần nữa, xin cảm ơn ngài về những giây phút cảm động tôi vừa được hưởng.
Rồi cúi xuống con Capi, bà đặt trong âu của nó, một đồng vàng.
Tôi tưởng cụ Vitali sẽ tiễn bà ấy ra cửa. Nhưng không cụ không làm thế. Bà đi cách mấy bước thì cụ lẩm bẩm trong miệng hai ba tiếng nguyền rủa nước Italia. Tôi nói:
Bà ấy đã cho con Capi những một đồng vàng kia mà!
Cụ giơ tay lên, tôi tưởng cụ sắp cho tôi một cái tát. Nhưng cụ ngừng lại. Cụ nói như người vừa tỉnh mộng:
– Một đồng vàng. À phải! đúng rồi! Tội nghiệp con Giôlicơ, thế mà ta quên đi chứ. Phải mau về với nó.
Chúng tôi thu dọn rất chóng và lát sau thì về đến quán trọ. Tôi leo lên các bậc thang trước ai hết và chạy xổ vào buồng. Lửa chưa tắt, nhưng không còn ngọn nữa. Tôi lấy làm lạ sao không nghe tiếng động của Giôlicơ, bèn vội vã châm một ngọn nến rồi đưa mắt tìm con khỉ.
Giôlicơ nằm dài trên chăn. Nó diện bộ quân phục cấp tướng và có vẻ như đang ngủ. Tôi cúi xuống và nắm nhè nhẹ tay nó để nó khỏi giật mình. Cái bàn tay ấy lạnh ngắt.
Vừa lúc ấy cụ Vitali bước vào buồng. Tôi quay lại cụ:
Ông ơi! Con Giôlicơ lạnh ngắt. Cụ Vitali cúi xuống bên tôi:
Ôi thôi! Nó chết rồi! Thế tất phải như thế chứ không sao tránh khỏi! Cháu thấy không, Rêmi. – Ông không để cháu ở lại với bà Miligơn có lẽ là không đúng! Như tuồng trời định phạt ta hay sao ấy! Đã Décbinô, Đônxơ… nay còn Giôlicơ nữa. Dễ đã hết đâu!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.