Không Gia Đình

19. LIDƠ



Khi tôi thức dậy thì thấy mình nằm trên giường và một ngọn lửa lớn làm sáng cả gian phòng.
Tôi nhìn quanh bốn phía.

Tôi chưa hề đến cái phòng này. Tôi cũng không quen ai trong đám người vây quanh tôi: một người đàn ông mặc áo xám đi guốc màu vàng và ba bốn trẻ em, trong đó có một em gái năm, sáu tuổi. Em bé trố mắt nhìn tôi. Mắt nó lạ lắm, mắt nó biết nói.

Tôi nhỏm dậy. Mọi người vồn vã xúm quanh tôi.

Tôi hỏi:

– Cụ Vitali?

Một thiếu nữ, chừng như là chị cả của mấy đứa em bé ấy nói:

Nó hỏi bố nó.

Không phải bố, đó là chủ tôi. Cụ ấy đâu rồi? Capi đâu?

Giá như cụ Vitali là cha tôi thì chắc họ sẽ dè dặt hơn khi báo tin về cụ. Nhưng cụ chỉ là ông chủ, cho nên người ta cho rằng có thế nào cứ nói thế ấy cho tôi nghe. Và họ cho tôi biết sự thể như sau:

Cái cổng mà chúng tôi nấp là nhà một người trồng hoa. Vào khoảng hai giờ đêm, người trồng hoa mở cửa để đi chợ thì thấy chúng tôi nằm dưới rơm. Ban đầu người ta bảo chúng tôi đứng dậy để lấy lối cho xe ra. Khi thấy cả hai chúng tôi đều không nhúc nhích mà chỉ có con Capi sủa vang để bảo vệ chúng tôi thì người ta nắm cánh tay chúng tôi mà lắc. Chúng tôi cũng không động đậy tí nào. Thế là người ta mang đèn đến. Xem xét xong người ta biết rằng cụ Vitali đã chết, chết rét còn tôi thì không hơn gì cụ mấy tí. Tuy nhiên nhờ có con Capi nằm trên ngực cho nên tim tôi còn nóng và tim tôi còn thở thoi thóp. Tức khắc họ mang tôi vào nhà, đánh thức chú bé ngủ trên giường này dậy và đặt tôi nằm vào đó. Tôi nằm sáu tiếng đồng hồ liền, y như người chết. Rồi huyết mạch lại tuần hoàn, sự hô hấp dần dần bình phục và vừa rồi tôi đã hồi tỉnh.

Mặc dù thể xác và tinh thần rã rời, tê liệt, tôi cũng còn đủ tỉnh táo dễ hiểu biết tầm quan trọng của câu chuyện người ta kể. Cụ Vitali chết rồi!
Người kể câu chuyện ấy là người đàn ông mặc áo xám, tức là người chủ vườn. Khi ông kể thì cái em bé gái có đôi mắt như ngạc nhiên ấy không ngớt nhìn tôi. Khi nghe bố nói cụ Vitali chết thì nhờ khiếu trực cảm nhạy bén nên có lẽ em hiểu, em cảm thấy cái tin ấy sẽ làm cho tôi xúc động. Em vội vã bước lại gần bố, để một tay lên bố, một tay chỉ tôi. Em phát ra một thứ tiếng lạ lùng, không phải là lời nói mà một cái gì giống như một tiếng thở dài âu yếm và xót thương.

Cử chỉ của em bé ý nghĩa của nó rất rõ ràng, không cần phải có lời nói kèm theo mới hiểu. Tôi cảm thấy trong cử chỉ ấy và trong cái nhìn của em có một sự thông cảm tự nhiên. Từ khi chia tay với Áctơ, lần này là lần đầu lòng tôi tràn ngập trìu mến và tin yêu. Ngày trước mỗi khi má Bácbơranh nhìn tôi trước khi ôm tôi vào lòng, tôi cũng có cảm giác y như thế. Cụ Vitali chết rồi, cụ bỏ mặc tôi lạc loài, nhưng nhờ có cảm tình của em bé, tôi cảm thấy tôi không đến nỗi cô đơn, dường như cụ vẫn ở bên cạnh tôi vậy.

Ông bố cúi xuống mặt con, nói:

Phải đấy, bé Lidơ của bố ạ! Nói ra thì em ấy buồn, nhưng cũng phải nói thật cho nó biết chứ! Chúng ta không nói thì ở sở cảnh sát họ cũng nói.
Ông nói thế rồi tiếp tục kể cho tôi nghe người ta đi báo với cảnh sát thế nào, cảnh sát mang cụ Vitali đi thế nào, trong khi gia đình ông đem đặt tôi vào giường của anh Alơxi là con trai lớn nhất của ông. Khi ông dứt lời thì tôi hỏi:
Còn Capi?

Capi?

Vâng, con chó Capi?

Bác không biết. Nó biến đâu mất.

Nó chạy theo cái cáng mang cụ già đi. – Một đứa trẻ nói.

Con trông thấy nó, hả Bănggiamanh?

Đúng thế. Nó cúi gằm đầu, đi theo sát gót những người khênh, chốc chốc lại nhảy lên cáng. Mỗi khi người ta đuổi nó xuống thì nó kêu những tiếng thảm thiết nghe như những tiếng gào nghẹn trong cổ.

Thương hại thay con Capi! Nó đã bao lần đưa đám con Décbinô, đưa đám để mà cười thôi. Và như một diễn viên lành nghề, nó lấy điệu bộ của một người khóc lóc, chốc chốc lại buông một tiếng thở dài não nuột, làm cho những đứa trẻ rầu rĩ nhất cũng phải ôm bụng mà cười. Thế mà lần này…

Bấy giờ ông chủ vườn và mấy người con ông đã đi ra hết. Tôi đứng lên, cũng không biết để làm gì nữa. Cây đàn của tôi đặt tựa chân giường. Tôi lấy đàn, quàng dây lên vai rồi bước sang phía buồng mà ông chủ vườn và mấy người con ông vừa rút sang. Tất nhiên tôi phải đi thôi, nhưng đi đâu?… Tôi không biết đi đâu, chỉ cảm thấy rằng phải đi… Vả lại cụ Vitali dù chết, dù sống, tôi cũng phải gặp lại cụ. Cho nên tôi ra đi.

trên giường, lúc thức dậy, tôi không thấy khó chịu cho lắm. Tôi chỉ mệt mỏi thôi và thấy đầu nóng dữ lắm. Nhưng đến lúc đứng lên, tôi lảo đảo suýt ngã, phải vịn vào một chiếc ghế mới gượng được. Tuy vậy nghỉ một lát lại thấy đỡ, tôi xô cửa và thế là đã đứng trước mặt bố con ông chủ vườn. Họ ngồi quanh bàn, cạnh một lò sưởi cao đượm lửa và họ ăn xúp, một thứ xúp bắp cải trông ngon quá.

Mùi xúp xông thẳng vào gan ruột một cách đột ngột nhắc tôi rằng cả ngày hôm qua tôi không ăn gì ráo. Tôi lả người đi, đứng không vững nữa. Sự đau đớn ấy chắc cũng hiện lên nét mặt. Người chủ vườn lấy làm thương hại hỏi:
– Cháu khó ở hay sao thế?

Tôi đáp rằng quả tôi thấy trong người khó chịu và nếu ông chủ vui lòng, thì tôi xin phép ngồi lán lại một lát bên cạnh lò sưởi.
Nói vậy chứ tôi có cần lửa ấm nữa đâu, tôi cần cái ăn kia! Lửa ấm không làm cho tôi lại sức mà mùi xúp, tiếng thìa chạm trên đĩa, tiếng lưỡi khua khiến tôi yếu lả thêm. Tôi không đủ can đảm để hỏi xin một thìa xúp. Cụ Vitali không tập cho tôi ngửa tay xin bao giờ, và trời cũng không sinh tôi ra kiếp ăn mày. Thà tôi chết vì đói còn hơn là mở miệng nói: “Tôi đói”. Tại sao vậy? Tôi không biết. Có lẽ tại tôi chỉ muốn hỏi cái gì tôi có thể trả lại được mà thôi.

Cái em bé có đôi mắt lạ lùng, em bé không nói được mà người bố gọi là Lidơ ấy, em bé ấy ngồi đối diện với tôi. Em không ăn. Em nhìn tôi thao láo, không cúi đầu, quay mặt lúc nào. Bỗng dưng em đứng lên, bưng đĩa xúp đầy của em đặt lên đùi tôi.

Không nói được vì lả, tôi đưa tay một cách yếu ớt ra hiệu từ chối với em, nhưng ông bố em không để cho tôi kịp từ chối. Ông nói:
Cứ nhận đi, cháu ạ! Con Lidơ nó biếu ai cái gì thì cũng thực lòng thực dạ cả. Và nếu cháu không chê thì hết đĩa ấy ta múc đĩa nữa.
Lại có chê! Tôi ngốn đĩa xúp trong nháy mắt. Lidơ vẫn đứng trước mặt tôi, nhìn tôi chòng chọc. Khi tôi để thìa xuống thì em kêu lên một tiếng nhỏ, tiếng kêu lần này không phải là tiếng thở dài nữa, mà là tiếng reo vui. Rồi em cầm đĩa đưa cho bố để bố em múc xúp. Khi đầy đĩa thì Lidơ bưng lại cho tôi với một nụ cười. Nụ cười của em dịu dàng quá, ngụ ý khuyến khích quá đến nỗi đương đói như thế mà tôi cảm động lặng người đi một lát quên đỡ lấy đĩa xúp.

Cũng như lần trước, đĩa xúp cạn nhanh như chớp. Mấy đứa bé vẫn theo dõi tôi bây giờ không mỉm cười nữa. Chúng cười thực sự, cười toét miệng. Người làm vườn buột miệng:
Ái chà! Cháu ạ, cháu là một cây xúp.

Tôi xấu hổ quá, nóng bừng cả mặt lên. Nhưng rồi tôi nghĩ thà rằng nói hết sự thực còn hơn là để cho người ta cho mình là đứa phàm ăn.
Tôi bèn nói hôm qua không ăn tối.

Còn trưa?

Cũng không ăn trưa.

Thế ông chủ cháu thế nào.

Cũng nhịn như cháu.

Thế thì cụ ấy vừa chết rét vừa chết đói.

Mấy đĩa xúp làm cho tôi hồi sức. Tôi vùng đứng dậy để cáo từ. Ông chủ vườn hỏi:

Cháu định đi đâu?

Tìm cụ Vitali để nhìn mặt cụ lần nữa.

Nhưng cháu không biết hiện giờ cụ ấy ở đâu kia mà?

Vâng, đúng thế!

Cháu có bạn bè gì ở Pari không?

Không!

Người đồng hương đồng quận?

Cũng không!

Cháu trọ ở đâu?

Không có chỗ trọ. Thầy trò cháu mới đến Pari hôm qua.

Cháu định làm gì?

Đánh đàn, ca hát để sinh sống.

Ở đâu?

Ở Pari.

Tốt hơn hết là cháu trở về xứ sở với cha mẹ cháu. Cha mẹ cháu ở đâu?

Cháu không có cha mẹ.

Cháu có nói ông cụ râu bạc ấy không phải là cha cháu?

Vâng, cháu không có cha. Nhưng cụ Vitali không khác gì là cha cháu.

Thế còn mẹ cháu?

Cháu không có mẹ.

Cháu phải có một ông chú, ông cậu, bà cô, bà dì, một người anh em, chị em, họ hàng thân thích gì chứ?
Không, không ai cả.

Thế cháu từ đâu đến?

Ông chồng bà mẹ nuôi cháu đã bán cháu cho cụ chủ cháu. Bác tốt với cháu quá. Cháu hết sức cảm ơn bác. Nếu bác cho phép thì chủ nhật tới cháu sẽ trở lại đây đánh đàn cho bác và mấy anh mấy chị nhảy, nếu bác cũng thích giải trí.
Tôi vừa nói vừa đi lại phía cửa. Nhưng vừa đi được mấy bước thì Lidơ đi theo, nắm tay tôi lại, chỉ cây đàn và cười nụ. Rõ ràng lắm rồi, không thể nhầm được!
Cô muốn tôi đánh đàn cho nghe?

Lidơ gật đầu và vỗ tay vui vẻ. Ông bố nói:

– Ừ, ừ được đấy. Cháu đánh một bài cho em nó nghe đi!

Tôi đặt cây đàn xuống và dù không còn bụng dạ nào để đàn định nhảy múa, tôi cũng đánh một điệu van, điệu sở trường, điệu mà mấy ngón tay tôi đánh thành thạo nhất. Chao ôi! Tôi muốn đánh làm sao thật hay, hay như cụ Vitali để làm đẹp lòng cô bé mà đôi mắt đã khiến cho tôi cảm kích một cách êm đềm.

Lúc đầu Lidơ vừa nghe vừa nhìn tôi chằm chằm. Rồi em lấy chân đánh nhịp. Lát sau, bị âm nhạc lôi cuốn, em xoay tròn trong nhà bếp, trong khi cô chị cả và hai anh ngồi xem. Em không khiêu vũ, đành thế, em không bước được những bước đúng đầu của điệu nhảy, nhưng em quay vòng rất uyển chuyển, gương mặt hớn hở tươi cười.

Ngồi bên lò sưởi, ông bố cứ nhìn theo con. Ông có vẻ cảm động và ông vỗ tay không ngớt. Khúc nhạc chấm dứt, tôi vừa ngừng tay đàn thì Lidơ đến đứng trước mặt tôi một cách rất đáng yêu và nghiêng đầu chào tôi bằng một kiểu chào rất đẹp. Rồi tức thời em gõ gõ vào cây đàn, ra hiệu cho tôi đàn nữa.

Tôi có thể đánh đàn suốt ngày vì em mà vẫn thích. Nhưng ông bố bảo bấy nhiêu là vừa, bởi vì ông không muốn cho cô bé quay nhiều quá, mệt người. Bởi thế, tôi không đánh vũ khúc nữa, tôi hát bài hát vùng Naplơ mà cụ Vitali đã bày cho tôi.

Cửa sổ thấp mà chủ lầu khắc nghiệt.

Khiến bao phen tôi héo hắt thẫn thờ.

Trái tim tôi nóng bừng trăm nến thắp

Mà lạnh lùng, người đẹp vẫn thờ ơ…

Bài hát ấy đối với tôi cũng như bài “Mấy tráng sĩ quê tôi” trong vở ca kịch “Rôbe thằng quỉ” đối với danh ca Nuarít hay bài “Theo ta” trong vở ca kịch “Guyôm Ten” đối với danh ca Đuypơrê. Nghĩa là bài tủ, bài mà khi hát lên, tôi được hoan nghênh hơn hết. Điệu nhạc nó êm ái và u hoài, phảng phất một cái gì âu yếm làm xao xuyến lòng người.

Tôi vừa dạo vài tiếng đã thấy Lidơ đến đứng trước mặt, mắt dán vào mắt tôi, môi mấp máy như muốn thầm lặp lại những câu tôi hát. Khi điệu hát trở nên buồn, em lùi mấy bước, đến đoạn cuối cùng thì em úp mặt vào đầu gối bố, khóc tấm tức. Ông bố bảo:

– Thôi, thôi!

Một người anh của em, anh Bănggiamanh, nói:

Con bé ngốc lạ! Nó vừa nhảy múa xong lại khóc ngay.

Chưa ngốc bằng mày! Con Lidơ nó hiểu đấy. – Cô chị nói thế và cúi xuống hôn Lidơ.

Trong khi Lidơ ôm gối bố khóc thì tôi mang cây đàn lên vai và tiến lại phía cửa.

Cháu đi đâu bây giờ? – Ông bố hỏi?

Cháu đã thưa với bác rồi, cháu sẽ cố tìm cách nhìn mặt cụ Vitali lần chót, rồi sau đó, làm những cái cụ đã dạy cho cháu là đánh đàn và hát.
Cháu quý cái nghề đàn hát rong của cháu lắm nhỉ?

Cháu không có nghề khác.

Cháu không ngại kiếp sống đường sống chợ à?

Cháu không có nhà cửa.

Cái đêm vừa qua không làm cho cháu suy nghĩ hay sao?

Có chứ! Tất nhiên là cháu thích một chiếc giường êm, một bếp lửa ấm hơn.

Cháu muốn có những thứ ấy không? Giường êm, lửa ấm và dĩ nhiên là lao động nữa. Nếu cháu bằng lòng ở lại thì cháu cùng làm việc và cháu cùng ăn ở với bố con bác. Cháu hiểu không? Cháu có hiểu là điều bác hứa với cháu thì không phải là cảnh giàu sang, cũng không phải là chuyện ăn không ngồi rồi. Cháu mà nhận lời thì cháu cũng phải chia phần lao lực, phải chịu thương chịu khó, phải dậy sớm, cuốc đất cả ngày, lấy mồ hôi đổi lấy miếng bánh. Nhưng mà cuộc sống của cháu thì đảm bảo cháu khỏi phải chịu cảnh màn trời chiếu đất như đêm hôm qua, cũng không lo cái nạn chết đường chết sá. Tối đến đã có sẵn giường sẵn nệm chờ cháu trong phòng và khi ngồi ăn đĩa xúp, cháu sẽ có cái thú hưởng cái của tự mình làm ra. Điều đó sẽ làm cho cháu thấy đĩa xúp ngon hơn, bác cam đoan là thế. Sau hết, nếu cháu là một chú bé ngoan và bác đã bắt đầu cảm thấy như thế thì gia đình này sẽ là gia đình của cháu.

Lidơ quay lại và mỉm cười với tôi qua làn nước mắt.

Cái việc ông chủ vườn đề nghị thật là bất ngờ quá! Tôi không hiểu hết những lời nói của ông nên đứng tần ngần một lúc.
Bấy giờ Lidơ rời bố, đi lại gần tôi, nắm tay tôi dắt ra trước một bức tranh treo trên tường. Tranh vẽ hình ông thánh Giăng mang tấm da cừu.
Em ra hiệu cho bố và các anh nhìn lên tranh, đồng thời em đặt bàn tay lên người tôi, vuốt vuốt tấm da cừu. Rồi em chỉ tay lên tóc tôi, mái tóc tôi, như tóc thánh Giăng, cũng rẽ làm hai từ trán. Tôi biết em thấy tôi giống thánh Giăng. Không hiểu sao điều ấy khiến tôi lâng lâng cảm động.

Đúng rồi! – Ông bố nói. – Đúng là chú ấy giống thánh Giăng. Lidơ vỗ tay cười.
Ông chủ vườn trở lại với đề nghị của ông:

Này cháu, thế cái chuyện ấy cháu xem có được không nào? Có gia đình!
Ta cũng sẽ có gia đình ư! Ôi! Đã bao nhiêu lần cái mơ ước ta thường ấp ủ ấy tan vỡ! Ta đã lần lượt mất má Bácbơranh, rồi bà Miligơn, rồi cụ Vitali. Thế này thì ta sẽ khỏi hưu quạnh cô đơn!
Tình cảnh của tôi lúc bấy giờ thật là bi đát. Cái người mấy năm nay ở luôn bên cạnh tôi, người ấy vừa qua đời. Cùng lúc ấy tôi lại mất một người bạn đồng hành, người bạn đồng phòng, người bạn thân, người bạn tốt Capi mà tôi yêu mến và nó cũng yêu mến tôi không kể xiết.

Tuy nhiên khi ông chủ vườn ngỏ ý muốn tôi ở lại thì tôi cũng thấy tin tưởng. Như thế này thì đi đâu phải đã lâm vào cảnh trời cùng đất tận! Tôi còn có thể
sống lại với đời. Điều làm cho tôi cảm động hơn cả việc được đảm bảo cái ăn hàng ngày, là cái không khí hòa thuận êm đềm trước mắt và cái cảnh gia đình ấm cúng mà người ta hứa hẹn với tôi.

Những anh con trai này sẽ là anh em tôi. Cái cô bé Lidơ xinh xắn này sẽ là em gái tôi.

Trong những giấc mộng vàng của tuổi thơ, tôi thường mường tượng gặp mẹ, gặp cha, chứ chưa bao giờ dám nghĩ đến anh trai, em gái. Thế mà nay lại có.

Không phải là ruột rà máu mủ, nhưng gần gũi thân thích với nhau lâu ngày rồi cũng trở thành anh em.
Muốn thế chỉ cần thương yêu họ, điều đó tôi rất sẵn sàng; và làm cho họ thương yêu mình, cái đó chắc cũng không khó vì trông họ đều tốt bụng cả.
Tôi nhanh nhẹn cởi dây đàn treo trên vai xuống. Ông bố cười, bảo:

Đó là một cách trả lời và trả lời tốt. Người ta hiểu rằng cách giải quyết như thế là vừa ý cháu. Cháu hãy mắc dây đàn trên cái đanh kia. Chừng nào cháu thấy không thích ở đây nữa thì cháu sẽ lấy nó xuống mà bay nhảy. Có điều là cháu sẽ bắt chước con chim oanh, con chim én, chọn thời tiết mà lên đường.
Cháu chỉ đi một lần thôi, – tôi nói, – đi viếng cụ Vitali.

Cái đó đúng quá. – Ông chủ vườn nhân hậu đáp.

Cái nhà này thuộc khu Gơlaxie, và ông chủ nhà tên là Acanh. Gia đình gồm có năm người, người bố mà người ta gọi là bác Pie, hai trai là Alơxi, Bănggiamanh, hai gái là Êchiênnét, chị cả, và Lidơ, em út.

Lidơ câm, nhưng không phải câm từ lúc sơ sinh, nghĩa là bệnh câm của em không phải là hậu quả của bệnh điếc. Em đã biết nói trong hai năm, cho đến khi sắp được ba tuổi tròn mới hóa câm do hậu quả của mấy cơn kinh giật. Cái tai nạn ấy may sao không ảnh hưởng tới trí thông minh của em; trái lại trí thông minh ở em đã phát triển nhanh sớm một cách phi thường. Không những em hiểu hết mà em còn thổ lộ, còn diễn đạt được hết.

Trong những gia đình nghèo và ở cả những gia đình không nghèo, lắm khi những đứa con có tật nguyền lại bị bỏ bê, hoặc bị hắt hủi.
Nhưng tình trạng ấy không xảy ra đối với Lidơ. Vì ngộ nghĩnh, linh hoạt, vì tính tình đằm thắm dịu dàng, vì tấm lòng tốt của em luôn luôn bộc lộ, em đã thoát khỏi số phận hẩm hiu ấy. Hai anh trai của em thì rất độ lượng đối với em chứ không làm tình làm tội em về cái khoản tật nguyền đó; bố em chỉ nhìn thấy có em; chị cả Êchiênnét thì quý chuộng em.

Ngày xưa, người con đầu lòng có quyền lợi lớn trong gia đình quý tộc. Ngày nay, trong gia đình thợ thuyền, làm con gái đầu lòng là thừa kế một trách nhiệm nặng nề. Sau khi sinh Lidơ được một năm, bà Acanh chết, và từ ngày ấy, Êchiênnét đã đóng vai bà mẹ trong gia đình, mặc dù chị chỉ hơn các em kế có hai tuổi. Đáng lẽ là đi học thì chị phải ở nhà nấu ăn, khâu vá quần áo cho cha, cho em và bồng bế bé Lidơ. Mãi thế rồi mọi người cũng quên phắt chị là con gái, là chị mà quen coi chị là một người giúp việc. Mà đối với người giúp việc thì người ta chẳng cần câu nệ. Người ta biết rằng chị có bỏ mà đi đâu, mà cũng chẳng giận hờn gì.

Êchiênnét bế bé Lidơ, dắt Bănggiamanh, làm việc quần quật suốt ngày, dậy lúc trời chưa sáng để nấu xúp cho bố ăn đi chợ kịp buổi, thức đến đêm khuya để dọn dẹp cắt đặt mọi thứ sau bữa tối, đem quần áo các em giặt ở máng nước. Mùa hè, được phút nào hở tay thì chị lo tưới rau; mùa đông đương đêm chị thường thức dậy mang tranh rạ ra che đậy cho cây khi đột nhiên có băng giá. Mải làm những công việc ấy, Êchiênnét không có thì giờ vui đùa nô giỡn, sống tuổi trẻ thơ. Mới mười bốn tuổi, mặt mày chị đã mang vẻ đăm chiêu như người ba mươi nhăm, chỉ có khác là có ánh một vẻ dịu hiền nhẫn nại.

Tôi treo cây đàn lên chiếc đanh rồi kể cho cả nhà nghe chúng tôi đi Giăngtili như thế nào. Chưa được dăm phút thì tôi nghe ở phía ngoài cửa mở ra vườn có tiếng cào cào và tiếp sau có một tiếng sủa rên rỉ. Tôi đứng phắt dậy nói:

Con Capi rồi! Nhưng em Lidơ đã nhanh chân hơn tôi, chạy ra mở cửa. Con chó đáng thương nhảy vào người tôi. Tôi bế nó lên tay thì nó liếm mặt mày tôi và reo mừng ăng ẳng. Toàn thân nó run lên. Tôi hỏi ông Acanh:
Còn Capi thì thế nào?

Ông hiểu ý tôi, đáp:

– Con Capi ư? Thì nó cứ ở lại đây với cháu!

Hình như con chó cũng hiểu. Nó nhảy xuống đất, đưa chân phải lên ngực chào mọi người. Bọn trẻ thích chí cười vang nhất là Lidơ. Để mua vui cho các anh các chị ấy, tôi định bắt Capi diễn một tiết mục. Nhưng nó không chịu. Nó nhảy trở lên gối tôi và lại mơn trớn tôi. Rồi thì nó nhảy xuống cắn tay áo tôi mà lôi. Tôi nói:

Nó làm thế là đúng đấy, nó muốn cháu đi.

Để theo nó đến với cụ chủ cháu, phải rồi!

Những người cảnh sát mang cụ Vitali đi có nói rằng họ cần hỏi cung tôi, một khi tôi đã được sưởi ấm và hồi tỉnh lại. Họ bảo nội nhật hôm đó, họ sẽ trở lại. Nhưng ngồi mà chờ họ thì sốt ruột quá, và đã chắc gì. Tôi thấp thỏm mong tin cụ Vitali. Biết đâu cụ không chết như người ta đoán! Tôi chả sống đây là gì? Cụ cũng có thể hồi tỉnh lại như tôi ấy chứ?

Thấy tôi băn khoăn và đoán biết lý do vì sao tôi bàn khoăn, ông chủ vườn đưa tôi đến sở cẩm. Ở đây người ta hỏi tôi dồn dập nhiều câu hỏi. Khi người ta cam đoan với tôi rằng cụ Vitali chết rồi, tôi mới chịu trả lời. Những điều tôi biết về cụ Vitali đơn sơ lắm, và cứ biết sao tôi nói vậy. Nhưng ông cẩm thì muốn biết nhiều hơn, cho nên ông gạn hỏi tôi rất lâu về cụ Vitali và về tôi.

Về tôi thì tôi trả lời rằng tôi không còn cha mẹ họ hàng gì cả mà cụ Vitali đã mướn hỏi tôi với người chồng của bà mẹ nuôi tôi; số tiền mướn cụ đã trả trước. Ông cẩm hỏi:

– Thế từ nay thì sao?

Nghe câu ấy, ông chủ vườn đỡ lời tôi:

Từ nay thì chúng tôi xin nhận đảm đương lấy nó, nếu ông sẵn lòng giao nó cho chúng tôi.
Không những ông cẩm sẵn lòng giao tôi cho ông chủ vườn, ông còn khen ngợi ông chủ vườn về cử chỉ nhân đạo của ông ấy là khác.
Xong phần tôi thì phải trả lời đến những câu hỏi về cụ Vitali. Việc này không dễ vì tôi có biết gì cho lắm về cụ Vitali đâu! Tuy vậy cũng có một điều bí ẩn có thể phát giác: đó là cái việc cụ Vitali đã hát thế nào mà bà thượng lưu phải kinh ngạc và khâm phục trong đêm biểu diễn cuối cùng của chúng tôi. Còn những lời dọa dẫm của Garôphôli nữa, nhưng tôi tự hỏi có nên giấu bặt chuyện ấy không. Cái điều bình sinh cụ chủ tôi hết sức giữ bí mật thì sau khi cụ chết rồi có nên tiết lộ ra không?

Nhưng đứng trước một viên cẩm lành nghề, thì một thằng nhóc con như tôi có dễ gì giấu giếm! Họ có một cách gạn hỏi làm sao cho mình hễ muốn tránh trớ thì y như rằng càng chóng mắc vào tròng. Đó là trường hợp của tôi. Chưa đầy năm phút, ông đã bắt tôi khai trọn cái điều tôi muốn giấu mà ông thì ưng biết.
Ông bảo một nhân viên của ông:

Bây giờ thì chỉ cần đưa em này đến nhà gã Garôphôli. Đến phố Luốcxin, nó khắc nhận ra nhà thằng cha ấy. Chừng ấy, anh lên gác với nó và anh hỏi gã Garôphôli.

Viên cảnh sát, ông chủ vườn và tôi, cả ba cùng ra đi. Cũng như ông cẩm đã nói, tôi tìm ra nhà Garôphôli khá dễ dàng. Chúng tôi lên tầng gác thứ tư. Tôi không gặp Mátchia, có lẽ nó đi bệnh viện thật. Trông thấy một viên cảnh sát, lại nhận ra tôi, thằng Garôphôli tái mặt. Hẳn là nó lo sợ lắm. Nhưng khi nó nghe chính miệng người cảnh sát nói lý do vì sao chúng tôi đến thì nó bình tĩnh ngay. Nó nói:

Ồ! Thế ra cái ông lão tội nghiệp ấy đã chết rồi!

Anh biết ông cụ ấy?

Biết lắm.

Thế thì anh hãy nói những điều anh biết.

Có khó khăn gì! Ông cụ không phải tên là Vitali. Ông cụ tên là Cáclô Banđani. Nếu trước đây ba mươi nhăm bốn mươi năm, ông ở Italia, thì chỉ nghe cái tên ấy, ông đủ biết ngay cái người mà ông lo tìm tung tích thế nào. Thuở ấy, Cáclô Banđani là danh ca nổi tiếng nhất trong toàn cõi Italia, và thành tích của ông trên các sân khấu ở nước chúng tôi thật là lừng lẫy. Ông đã đi hát khắp nơi, Naplơ, Rôma, Milăng, Vơniđơ, Phơrơrăngxơ, Lôngđơrơ, Pari. Nhưng đến một lúc nào đó thì ông mất giọng. Không thể là ngôi sao sáng giá nhất giữa các nghệ sĩ được nữa thì ông cũng không muốn vào hát trong những rạp không xứng đáng với mình, để cho danh vọng của mình bị tổn thương. Bởi thế ông từ bỏ cái tên Cáclô Banđani và lấy tên Vitali. Ông lẩn tránh tất cả những người xưa kia đã từng biết ông trong thời oanh liệt. Tuy thế, cũng cần phải sinh sống, cho nên ông đã làm thử nhiều nghề, nhưng không thành công và cứ xuống dốc dần dần cho đến bước phải đi làm một anh xiếc chó. Nhưng trong cảnh cùng khổ, ông vẫn kiêu hãnh. Nếu công chúng mà biết cái người nghệ sĩ Cáclô Banđani lừng lẫy xưa kia bây giờ hoá nên ông cụ Vitali xơ xác, thì ông ta có thể chết đi được vì xấu hổ. Nhờ một sự tình cờ mà tôi biết được điều bí mật này.

Cái bí mật lâu nay làm cho tôi hết sức băn khoăn, ngày nay đã được giải đáp như thế đấy.
Nghệ sĩ Cáclô Banđani đáng thương ơi! Cụ Vitali thân yêu và kính mến ơi! Giá người ta có bảo xưa kia cụ đã từng làm vua một nước, thì cháu cũng chẳng lấy làm lạ chút nào!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.