Không Gia Đình

27. CÔNG CUỘC CỨU NẠN



Ngồi lên bậc thang quả chật chội không sao chịu nổi, chúng tôi quyết định khoét nới ra và thế là mọi người bắt tay vào việc. Chúng tôi lại dùng dao moi than và đưa than vụn xuống. Đã có chỗ đứng vững chân nên công việc bây giờ dễ dàng hơn trước, nhờ thế chúng tôi khoét được khá nhiều than để mở rộng nhà tù của chúng tôi. Khi không phải ngồi buông thõng chân nữa mà được nằm thì mọi người cảm thấy khoan khoái lạ thường.

Mặc dù chiếc bánh của Carôry được chia phát từng tí một, nó cũng phải có lúc hết. Miếng cuối cùng phát vừa đúng lúc nên mới đến được tay chúng tôi: khi cụ giáo đưa miếng bánh ấy thì tôi thấy trong mắt mọi người ánh lên một cái gì khiến cho tôi hiểu ngay rằng nếu còn bánh để phát lần nữa, thì họ không chịu để yên, họ sẽ đòi phần họ, mà nếu không cho thì họ cũng cứ tự tiện lấy phần.

Lâu dần rồi hầu như người ta không buồn nói năng gì nữa. Trước kia thao thao bao nhiêu thì bây giờ im lặng bấy nhiêu. Có nói thì chỉ nói về hai vấn đề: Người ta dùng phương pháp gì để đến được với chúng tôi và chúng tôi bị giam hãm ở dưới này đã bao lâu rồi.

Nhưng câu chuyện chẳng sôi nổi như lúc đầu. Có ai nói một lời thì nó cũng rơi tõm đi chứ những người khác không buồn đáp lại, hoặc có thì cũng chỉ đáp nhát gừng. Nói trời, nói đất, nói trắng nói đen gì thì cũng không làm cho ai giận dữ, thậm chí cũng không ai cãi lại. Người ta chỉ nói: “Được, rồi sẽ hay”. Chúng ta bị vùi lấp dưới này được hai ngày rồi, hay sáu? Thì cứ để lúc được cứu lên khắc biết.

Nhưng cái “lúc” ấy có đến không đã chứ? Riêng tôi thì tôi bắt đầu lung lay tợn. Và cũng không phải chỉ một mình tôi; đôi lúc những người bạn khác thốt ra một vài lời nhận xét chứng tỏ họ cũng không tin tưởng mấy. Chẳng hạn như bác Bécgunu:

Nếu tôi ở lại dưới này thì cái điều an ủi tôi là công ty mỏ sẽ cung cấp cho mẹ nó và các cháu một khoản thực lợi. Ít ra chúng khỏi phải vào nhà tế bần.
Là chỉ huy thì không những phải vì anh em chống đỡ tai họa, mà còn phải ngăn ngừa sự suy sụp tâm hồn của chính anh em, hẳn cụ giáo nghĩ thế. Cho nên mỗi khi có một bạn nào tỏ vẻ ngao ngán thất vọng thì cụ can thiệp ngay bằng một lời cổ vũ:
– Anh cũng như chúng tôi, không ai ở lại dưới này đâu! Gàu múc đều, nước rút dần.

Rút ở chỗ nào?

Ở giếng.

Còn ở đường hầm?

Rồi cũng sẽ đến, phải chờ chứ.

Trong khi nói chuyện, mấy người trong bọn nghĩ rằng vì có kẻ phạm tội nặng nên trời phạt. Côngpêru tự thú là hắn đã ăn cắp một chiếc đồng hồ, để bạn bị xử năm năm tù oan uổng. Mọi người tẩy chay. Côngpêru phát sốt, Rêmi định đi lấy nước cho uống bị mọi người cản. Côngpêru tụt xuống uống, chết đuối.

Nếu mọi việc không tiến hành trôi chảy và chóng vánh thì đó không phải lỗi tại các kỹ sư và anh em thợ đang làm việc để cứu sống chúng tôi. Con đường hầm để thông xuống chỗ chúng tôi mà anh em đào từ đầu thì nay anh em vẫn đào tiếp không một phút nghỉ ngơi. Nhưng công việc quả thật là khó khăn. Tầng than anh em đang đào khoét là một tầng than rắn; vả lại đường hầm hẹp, chỉ đủ chỗ cho một người làm, mà anh em đào ham lắm nên chóng mệt, cứ phải thay người luôn. Trong lúc đó, việc thông hơi cũng chật vật: đào tới đâu, người ta đặt ống dẫn không khí tới đó và nối các ống với nhau bằng đất sét; mặc dù vậy và mặc dù luôn luôn quạt không khí vào bằng một chiếc quạt tay mạnh, đèn cũng chỉ cháy ở miệng ống dẫn không khí, xê đi thì tắt. Tất cả những cái ấy làm chậm công việc đào hầm, cho nên đến người thứ bảy thì anh em mới đào được hai mươi mét. Bình thường thì mất một tháng mới đào được xong con đường hầm như thế, nhưng với tất cả mọi phương tiện và khí thế làm việc lúc này, nhất định thời gian được rút ngắn hơn.

Vả chăng nếu không có sự kiên trì cao cả của ông kỹ sư thì chắc chắn công việc phải bỏ dở. Dư luận đều cho rằng việc này là vô ích vì những anh em thợ bị chôn vùi trong mỏ đã chết hết rồi, chỉ còn việc dùng gàu múc cho hết nước để một ngày kia nhặt xác mà thôi. Đã thế thì sớm hay muộn vài giờ có nghĩa lý gì? Công chúng nói thế, những người am hiểu cũng nghĩ thế. Cho đến thân nhân của những người bị nạn, cả mẹ họ, vợ họ cũng để tang rồi. Không còn ai sống sót mà lên khỏi mỏ Tơruye đâu!
Vừa đẩy mạnh việc vét nước, công việc này chỉ gián đoạn tạm thời khi máy hư hỏng, ông kỹ sư vẫn cho tiếp tục mở con đường hầm xuống, mặc công chúng bàn tán và bạn bè đồng nghiệp bình phẩm. Ông kỹ sư này có cái đức kiên trì và lòng tin cao quý đã giúp cho Côlông tìm ra Tân thế giới. Ông nói với anh em thợ mỏ:

Hãy cố gắng một hôm nữa, các bạn ạ, một hôm nữa thôi! Nếu đến mai mà vẫn không thấy tăm hơi gì thì chúng ta sẽ đình lại. Tôi yêu cầu các anh làm việc vì bạn của các anh, cũng như tôi có thể yêu cầu người ta làm việc vì các anh nếu chẳng may chính các anh bị nạn.
Lòng tin tưởng hừng hực của ông truyền sang anh em thợ, cho nên khi đi thì họ hoang mang vì dư luận của dân thành phố, khi về thì họ tin tưởng vào ông…
Và nhờ vào một sự đồng lòng, một sự hoạt động tuyệt vời, con đường thông cứ sâu xuống mãi.
Mặt khác, ông kỹ sư cho chống lại con đường ngầm từ kho đèn đã bị sập nhiều chỗ. Cứ như thế bằng tất cả mọi phương tiện có thể có, ông quyết tâm giành giật với hầm mỏ cái bí mật khủng khiếp và những nạn nhân của nó nếu trong lòng nó còn giấu những người chưa chết.
Sang ngày thứ bảy, trong khi đổi phiên người thợ mới đến thoáng nghe thấy có tiếng động, như ai gõ nhè nhẹ. Anh ta không bổ cuốc chim mà lại áp tai vào vỉa than. Rồi e mình nhầm, anh gọi lại một người bạn cùng anh nghe ngóng. Cả hai im lặng lắng tai nghe một lúc thì quả thấy có tiếng gõ nhè nhẹ, cách quãng đều nhau, vọng lại.

Cái tin này truyền miệng đi rất nhanh. Một số người tin, số đông hơn ngờ vực. Rồi nó bay đến tai ông kỹ sư và lập tức ông nhảy xuống đường hầm. Như vậy là rốt cuộc ông đã nghĩ đúng! Trong mỏ vẫn có những người còn sống sót và sẽ được cứu thoát nhờ ở lòng tin tưởng của ông. Rất nhiều người đi theo ông. Ông bảo những người thợ mỏ giãn ra để ông nghe ngóng. Nhưng ông xúc động quá, ông run lên nên chẳng nghe thấy gì. Ông nói một cách thất vọng:

Tôi chẳng nghe thấy gì cả!

Nhưng hai người thợ đầu tiên đã nghe tiếng gõ nói quả quyết rằng họ không nhầm vì chính tai họ đã nghe tiếng gõ trả lời tiếng gõ của họ. Họ là những người thông thạo, từng làm nghề mỏ lâu năm cho nên lời nói của họ có uy tín.
Ông kỹ sư bảo những người đi theo ông đi ra hết, kể cả những người làm dây chuyền để chuyển than ra ngoài, chỉ giữ lại hai người thợ ấy. Bây giờ họ lấy cuốc chim bổ vào than nhiều nhát rõ mạnh, cách quãng đều nhau, theo lối gọi bạn của những người thợ mỏ. Xong họ nín thở, áp tai vào vỉa than để nghe ngóng.

Đợi một lúc thì thấy tiếng trả lời yếu ớt, đều đặn. Những tiếng ấy dội mạnh vào tim họ. Ông kỹ sư ra lệnh:
Cuốc nữa đi, cuốc từng nhát cách quãng nhau xa để cho chắc chắn những tiếng trả lời không phải tiếng vang của những nhát cuốc do các anh bổ xuống.
Hai người thợ bổ cuốc xuống và ngay sau đó lại nghe những tiếng trả lời đều nhịp như họ đã nghe lúc trước, nghĩa là tiếng gõ theo lối “gọi thợ mỏ”. Không nghi ngờ gì nữa, vẫn còn có người sống sót ở dưới ấy và có thể cứu họ.
Tin này lan nhanh khắp thành phố nhanh như làn thuốc súng cháy. Người ta đổ xô tới mỏ Tơruye đông hơn ngày xảy ra tai nạn và rõ ràng xúc động hơn. Vợ con, bố mẹ của những người bị nạn chạy đến, mặc quần áo tang, run run mà mắt ngời hy vọng. Bao nhiêu người còn sống? Chắc là nhiều lắm! Có thể là chồng chị. nhất định là con tôi.

Mọi người muốn ôm hôn ông kỹ sư. Nhưng ông này vẫn điềm tĩnh trước niềm vui cũng như đã điềm tĩnh trước sự nghi ngờ và lời chế giễu. Ông chỉ nghĩ đến việc cấp cứu, và để giãn bớt những kẻ tò mò quấy rối cũng như thân nhân của những người bị nạn đổ xô tới, ông đã phải nhờ binh lính đến giữ trật tự, công việc khỏi bị trở ngại.

Những tiếng động vọng ra yếu ớt quá đến nỗi không thể nào định rõ được hướng chỗ phát ra. Tuy thế cũng đã đủ cho mọi người hiểu được rằng những người thợ còn sống sót hiện nay đang mắc nghẽn tại một trong ba ngách ngược chỗ hầm phẳng, nơi công trường cũ. Vậy thì không thể chỉ có một đường thông mà phải đào ba đường thông xuống cả ba ngách ngược. Chừng nào nghe rõ ra được thì sẽ bỏ những con đường vô dụng để tập trung sức vào con đường đúng. Thế là công việc lại tiếp tục khẩn trương hơn, phần lớn cũng nhờ có những công ty láng giềng đã gửi những người thợ cuốc giỏi nhất đến giúp. Song song với hy vọng hoàn thành đường thông còn có hy vọng đi theo đường hầm bởi vì nước trong mấy cái giếng đã thấy rút dần.
trong ngách của chúng tôi, khi nghe thấy tiếng cuốc gọi của ông kỹ sư thì chúng tôi cũng xúc động như khi nghe tiếng gàu múc vục xuống giếng. Cả bọn buột mồm reo lên một tiếng hồ hởi: “Sống rồi!” và tưởng chừng như người ta sắp đưa tay kéo mình lên.
Nhưng cũng như tiếng gàu vục nước, sau hy vọng thì lại thất vọng. Tiếng cuốc chim chứng tỏ những người bạn đào hầm còn cách chúng tôi xa lắm. Hai mươi mét có dễ, ba mươi mét cũng nên. Còn bao nhiêu ngày nữa mới chọc thủng được khối than này? Ước lượng của chúng tôi không thống nhất: kẻ nói một tháng, người bảo một tuần, hoặc chỉ là sáu hôm thôi. Làm thế nào đợi được một tháng, một tuần, hoặc chỉ sáu hôm thôi? Ai ở đây có thể sống đến ngày thứ bảy? Chúng tôi đã nhịn đói bao nhiêu ngày rồi?

Còn mỗi một mình cụ giáo là nói năng cứng cáp, nhưng lâu dần rồi sự chán nản của chúng tôi cũng lây đến cụ, lâu dần cơ thể suy nhược cũng làm cho nghị lực cụ suy mòn.
Nếu như chúng tôi tha hồ uống nước đến vỡ bụng thì lại chẳng có chút gì ăn cho đỡ đói lòng. Cái đói ngày càng hành hạ da diết đến nỗi đã có lúc chúng tôi nhấm cả gỗ mục mủn ra trong nước.
Thằng Carôry háu đói nhất, đã cắt nhỏ chiếc ủng còn lại của nó và luôn miệng nhá những mẩu da ủng.
Nhìn thấy cái đói đã đưa các bạn tôi đến cơ sự đó, xin thú thực có lúc tôi rất khiếp sợ. Sự khiếp sợ này cùng với những nỗi kinh hoàng khác khiến tôi bứt rứt không yên. Chẳng là tôi đã từng nghe cụ Vitali kể chuyện về những chuyến tàu gặp bão. Cụ cũng đã chu du trên mặt biển rất nhiều, ít nhất cũng ngang với trên mặt đất. Có một câu chuyện cụ kể cứ ám ảnh tôi không rời, từ khi cái đói hành hạ chúng tôi. Trong chuyện đó, những người thủy thủ bị giạt lên một hòn đảo cát hoang vu, không kiếm được gì ăn, đã giết chú bé tập việc để ăn thịt. Mỗi khi nghe các bạn tôi gào đói, tôi lại kinh hãi lo ngại vớ vẩn số phận ấy sẽ rơi vào tôi. Trên cái đảo than trơ trọi này, liệu tôi có thể cũng bị giết thịt như chú bé kia không? Đành rằng nhất định cụ giáo và chú Gátxpa sẽ bảo vệ tôi, nhưng Pagiét, Bécgunu và Carôry, nhất là Carôry cứ nhe hai hàm răng trắng nhởn nhọn hoắt mài đi mài lại vào những miếng da ủng thế kia thì làm sao tôi có thể yên lòng được!

Tất nhiên những lo ngại ấy quả là rồ dại. Nhưng trong tình trạng chúng tôi lúc này, rõ ràng không phải là lý trí khôn ngoan và tỉnh táo đã điều khiển suy nghĩ và tưởng tượng.

Bóng tối lại càng làm tăng nỗi hãi hùng. Lần lượt mấy cái đèn cạn dầu. Khi chỉ còn hai chiếc thì cụ giáo quyết định chỉ thắp đèn khi nào thật cần thiết. Bởi thế cho nên giờ đây lúc nào chúng tôi cũng sống trong đêm tối. Ảm đạm quá! Không những ảm đạm mà lại còn nguy hiểm nữa, bởi vì hễ vụng về sơ suất một tí là lăn tòm xuống nước ngay.

Chốc chốc, chúng tôi lại gõ vào vách để báo cho những bạn đang lo cứu chúng tôi biết là chúng tôi hãy còn sống. Và chúng tôi nghe tiếng cuốc của họ bổ xuống than liên hồi. Nhưng tiếng cuốc của họ cũng không dội mạnh hơn trước là mấy, như thế có nghĩa là họ hãy còn ở xa.

Khi tôi thắp đèn đi lấy nước thì tôi thấy hình như mực nước có xuống được vài phân.

Nước xuống.

Ơn trời!

Một lần nữa, chúng tôi khấp khởi hy vọng. Anh em muốn chong đèn để theo dõi mực nước, nhưng cụ giáo không đồng ý. Thế là tôi tưởng như sắp có phản kháng. Nhưng cụ giáo có bao giờ đòi hỏi chúng tôi điều gì mà không kèm theo những lời lẽ xác đáng!

“Chúng ta còn nhiều lúc cần đến đèn! Nếu như động tí là thắp đèn thì làm thế nào khi cần đến có đèn thật sự? Hơn nữa, các bạn tưởng rằng được thấy nước xuống nhưng mà xuống quá chậm, các bạn lại khổ sở vì nóng ruột quá hay sao? Đừng có mong nhìn thấy nước vơi đi rõ ràng! Hãy vững lòng, nhất định sẽ thoát nạn! Ta còn mười ba que diêm, cần thì sẽ dùng ngay lập tức!”. Chúng tôi ngồi im lìm hàng giờ, có lẽ hàng ngày, không có gì để tin vào mà sống ngoài tiếng cuốc khoét hầm và tiếng gàu múc nước. Những tiếng ấy càng lâu càng vang to dần, tiến triển này rất chậm vào khó nhận thấy. Nước xuống, những kẻ cứu nạn cũng đến gần, nhưng liệu họ có đến kịp hay không chứ. Nếu công việc của những người cứu nạn mỗi phút một tiến lên thì sự suy nhược của chúng tôi mỗi phút một tăng dần và dằn vặt chúng tôi nhiều hơn: thể xác kiệt quệ, tinh thần rã rời.

Từ lúc bắt đầu lụt cho đến nay, các bạn tôi không có chút gì dính bụng. Ghê gớm hơn nữa, chúng tôi chỉ hô hấp một thứ không khí tù hãm cho nên ngày càng uế tạp, càng khó thở. Cũng may là nước càng rút thì áp suất không khí càng giảm đi, chứ nếu nó cứ găng như cũ thì chắc hẳn chúng tôi đã chết ngạt hết. Như vậy rõ ràng là nếu chúng tôi được cứu sống thì cũng do công việc cứu nạn được tổ chức và điều khiển khẩn trương.

Tiếng cuốc bổ và tiếng gàu múc nước đưa đến đều đặn như tiếng quả lắc đồng hồ. Mỗi khi họ dừng tay thay người thì chúng tôi xúc động đến phát sốt lên. Liệu chúng tôi có bị bỏ rơi không? Hay là lại có những khó khăn không vượt nổi! Trong một khoảng dừng như thế, bỗng nổi lên một tiếng động kinh khủng, một tiếng vù, một tiếng thổi rất mạnh.

Carôry kêu lên:

Nước ào xuống mỏ! Cụ giáo nói:
Không phải nước!

Thế thì là cái gì?

Tôi không rõ, nhưng không phải nước!

Mặc dầu đã nhiều lần cụ giáo tỏ ra sáng suốt và suy đoán vững vàng, chúng tôi vẫn chỉ tin ở cụ khi cụ đưa ra được những lý lẽ rõ ràng xác đáng. Bây giờ cụ đã thú nhận không hiểu nguyên nhân của tiếng động ấy (sau này chúng tôi được biết đó là tiếng quạt máy có bánh xe răng cưa, lắp lên để quạt không khí vào cho những người đào đất), mọi người lại rơi vào trạng thái điên loạn vì nghĩ tới nạn lụt.

Đốt đèn lên!

Không cần thiết!

Đốt đèn lên ngay! Đốt lên ngay!

Cụ giáo phải làm theo vì tất cả mọi người đều lên tiếng ùa vào. Ánh đèn chiếu sáng. Chúng tôi thấy nước không dâng lên mà có lẽ rút xuống.

Cụ giáo bảo:

Đấy các bạn xem!

Nước sẽ lên thôi! Lần này thì chết ráo!

Nếu thế, thà chết ngay đi còn hơn! Tôi không chịu đựng được nữa!

Cụ giáo, đưa đèn đây! Tôi muốn viết vài dòng cho vợ con.

Viết hộ tôi nữa!

Hộ cả tôi nữa!

Chính bác Bécgunu đã đòi lấy đèn để viết thư cho vợ con trước khi chết. Trong túi bác ta còn có một mảnh giấy và một mẩu bút chì. Bác chuẩn bị viết.
– Tôi muốn viết thế này:

“Chúng tôi, Gátxpa, Pagiét, cụ giáo, Carôry, Rêmi và Bécgunu bị hãm trong ngách ngược, sắp chết”.
“Tôi, Bécgunu, tôi cầu xin Chúa che chở cho vợ góa và các con côi cút của tôi.

Tôi ban phúc cho chúng nó”.

– Thế anh Gátxpa muốn nói gì?

Chú Gátxpa để cho cháu Alơxi tất cả tài sản của chú.

Bác Pagiét cầu Chúa, Đức Mẹ và nhờ công ty cùng che chở giúp đỡ cho vợ con.

Thế cụ giáo?

Tôi không có người thân. – Cụ giáo buồn rầu trả lời. – Chẳng ai sẽ khóc tôi cả!
Thế Carôry?

Tôi ấy à? Tôi nhờ ai đó bảo hộ cho đống hạt dẻ trước khi xát vỏ…

Không thừa giấy để ghi chuyện vớ vẩn!

Có vớ vẩn đâu!

Mày không có ai để gửi lại cái hôn ư? Mẹ mày đâu?

Mẹ tôi ấy à? Mẹ tôi sẽ hưởng tất cả những gì của tôi.

Thế Rêmi?

Tôi, Rêmi tặng cho Mátchia con Capi và chiếc thụ cầm, tôi hôn Alơxi và nhờ anh tìm gặp em Lidơ…
Chúng mình cùng ký tất cả vào đây!

Tôi chỉ xin gạch một dấu chữ thập. Mọi người ký xong, bác Bécgunu nói:

Thế là xong. Tôi xin mọi người để cho tôi chết yên tĩnh, đừng có nói năng gì với tôi. Vĩnh biệt các bạn!
Từ bực trên, bác ta bước xuống bực dưới, ôm hôn tất cả ba chúng tôi, rồi trở lên bực trên, ôm hôn bác Pagiét và Carôry. Sau đó, bác vun lại một đống than vụn, gối đầu lên, nằm dài ra và không động đậy nữa. Xúc động vì bức thư và sự chán ngán của bác Bécgunu, chúng tôi lại càng cảm thấy nản lòng.
Tuy nhiên, tiếng cuốc chim nghe đã rõ rệt, chắc hẳn là người ta đến gần chúng tôi lắm rồi, sắp gặp chúng tôi cũng nên. Cụ giáo giải thích điều đó để chúng tôi phấn chấn lên đôi chút.
Nếu quả họ đã đến gần lắm như cụ tưởng thì chúng mình đã nghe thấy họ kêu! Đằng này mình không nghe thấy tiếng họ gọi cũng như họ không nghe thấy tiếng chúng mình kêu.
Có khi ở cách mấy thước mà vẫn không nghe thấy tiếng gọi. Cái đó là do chất đá có truyền tiếng đi hay không.
Hoặc là do khoảng cách!

Tuy vậy, nước vẫn cứ rút xuống và không bao lâu, chúng tôi có bằng chứng rõ ràng là nó không còn tràn ngập hầm đến tận nóc nữa. Chúng tôi nghe có tiếng sột soạt trên đá và tiếng nước óc ách như có những mảnh than nhỏ rơi xuống. Thắp đèn lên thì thấy có mấy con chuột cống ở phía dưới. Cũng như chúng tôi, chúng nó đã tìm được một cái chuông không khí và khi nước rút xuống thì chúng rời bỏ chỗ trú ẩn để đi kiếm ăn. Chúng đã đến được đây hẳn là vì nước không còn tràn ngập các con đường hầm từ đây đến trần nữa.

Những con chuột ấy đến với cái hầm giam chúng tôi khác nào con bồ câu đến với chiếc thuyền của Nôê(1): cơn hồng thủy đã dứt.

Cụ giáo nhướn người lên bậc trên, gọi:

– Bécgunu, phấn khởi lên!

Và cụ nói rõ cho anh hiểu rằng lũ chuột đến như thế tức là báo trước cho chúng ta biết sẽ được cứu thoát.
Nhưng Bécgunu không hề lay chuyển.

Nếu rồi lại phải chuyển từ hy vọng trở lại thất vọng thì thà đừng có hy vọng hão huyền còn hơn! Tôi cứ chờ chết! Nếu may mắn thoát nạn thì tạ ơn trời!
Tôi xuống chân ngách để xem rõ nước rút. Nước quả có rút nhanh đấy và bây giờ đã có một khoảng trống khá lớn giữa mặt nước và nóc hầm.
Thằng Carôry gọi với theo tôi:

Bắt ít con chuột để chúng mình ăn đi mày.

Nhưng muốn bắt chuột thì phải nhanh nhẹn hơn tôi kia! Tuy vậy sự hy vọng cũng làm cho tôi hồi tỉnh lại, và cái khoảng trống trong đường hầm làm nảy sinh trong đầu óc tôi một ý nghĩ cứ khiến tôi suy tính băn khoăn.

Cụ giáo ạ, cháu có ý kiến: chuột sục sạo trong hầm như thế nghĩa là có thể đi lại được. Cháu sẽ bơi cho đến chỗ thang lên xuống. Đến đây cháu sẽ gọi lên, đánh tiếng cho người ta nghe thấy và giúp cho họ đến cứu chúng ta. Họ sẽ xuống tìm ta, như thế nhanh hơn là cứ khoét đường hầm mà xuống.
Bác cấm cháu làm việc đó.

Nhưng cháu bơi lội dưới nước y như cụ đi lại trên bộ. Xuống nước cháu không khác gì con lươn, con chạch.
Thế còn không khí độc?

Chuột đi qua được, không khí ấy chúng thở được thì tất cũng không có gì là độc đối với cháu.
Bác Pagiét to tiếng giục:

Ừ đi đi, Rêmi! Tao sẽ thưởng cho mày chiếc đồng hồ.

Anh Gátxpa. – Cụ giáo hỏi. – Ý kiến anh thế nào?

Tôi không có ý kiến. Nếu nó có thể bơi tới cầu thang được thì nó cứ đi, tôi không có quyền cản nó.
Nhỡ nó chết đuối thì sao?

– Thế may nó thoát ra được, khỏi phải chờ đợi để rồi chết rũ ở dưới này, thì sao?

Cụ giáo suy nghĩ một lát rồi nắm tay tôi, cụ nói:

Lòng dạ cháu tốt đó, cháu ạ. Thôi thì cháu cứ làm như ý cháu. Phần bác, bác cho rằng cháu đang cố làm một việc không thể làm được. Nhưng việc không thể làm mà người ta làm được xưa nay cũng không phải là không có. Cháu hôn các bác đi.
Tôi hôn cụ, hôn chú Gátxpa, rồi cởi quần áo, tuột xuống nước. Trước khi bơi, tôi dặn lại: “Các bác cứ kêu lên đều đều. Tiếng các bác sẽ giúp cháu định phương hướng”.
Khoảng trống dưới mái hầm là bao nhiêu? Có đủ để tôi khỏi vướng vất trong khi bơi lội không? Điều cốt yếu là ở đó. Bơi đi được mấy sải, tôi thấy rằng nếu cứ bơi từ từ thì không đến nỗi phải đụng đầu vào vách đá, như thế thì cái việc tôi làm không phải là phiêu lưu quá. Không biết rồi cuối cùng sẽ được giải phóng hay là chết? Tôi ngoảnh lại thì thấy ánh đèn của anh em phản chiếu trên mặt nước đen ngầu: rõ ràng đó là một ngọn hải đăng chỉ đường rọi lối cho tôi. Tôi vẫn nghe tiếng cụ giáo hỏi:

Vẫn bình thường chứ?

Tôi trả lời: “Vâng” và thận trọng tiến lên. Từ ngách chúng tôi nấp đến chân thang, cái khó là ở phương hướng, vì cách chỗ chúng tôi không xa có một ngã tư, ở đấy các đường hầm gặp nhau. Trong bóng tối phải nhận cho ra lối đi đến chân thang, bằng không thì sẽ lạc đường. Mái hầm, vách hầm không đủ để tôi dựa vào mà tìm lối đi, chỉ có một chỗ dựa đáng tin cậy hơn, đó là đường ray trên mặt đất. Cứ theo đường ray chắc chắn tôi sẽ tìm được thang lên. Chốc chốc, tôi thả cho chân chìm xuống và khi chân đã mò gặp đường sắt rồi thì tôi từ từ trồi lên và bơi đi. Có đường ray ở dưới, có tiếng gọi của các bạn thợ đằng sau, tôi không ngại lạc hướng. Tiếng gọi đằng sau nhỏ dần, tiếng gàu múc phía trước to dần mách cho tôi biết rằng tôi đương tiến lên. Phải chăng tôi sắp được thấy ánh mặt trời? Phải chăng lát nữa các bạn tôi sẽ được cứu sống, nhờ sự cố gắng của tôi? Cứ nghĩ thế là tôi phấn chấn, tìm thấy đủ sức lực để vượt lên.

Bơi giữa hầm, hễ đứng thẳn người là gặp đường ray, và thường thường tôi chỉ quờ chân mò cũng đủ, lần này quờ chân mà không thấy, tôi lặn xuống lấy tay sờ soạng mãi cũng không tìm ra. Tôi mò từ vách bên này qua vách bên kia cũng không gặp. Tôi nhầm đường rồi. Tôi dừng lại để suy nghĩ và nhận phương hướng. Tiếng gọi của các bạn tôi bây giờ chỉ còn vọng đến như một tiếng thì thầm xa xôi khó nghe thấy.

Thở một lúc đỡ mệt, tôi hít không khí đầy ngực, rồi hụp xuống lần nữa. Lần này cũng không may mắn hơn lần trước: vẫn không tìm thấy đường ray. Tôi đã đi nhầm lối mà không biết, cho nên cần phải quay lại. Nhưng làm sao quay trở lại lối cũ được? Các bạn tôi không kêu gọi nữa, hoặc là họ vẫn gọi mà tôi không nghe thấy thì kết quả cũng thế thôi.

Một lúc, tôi như bị tê liệt đi vì kinh hoàng. Tôi không biết phương hướng nào mà bơi đi cả. Hẳn tôi đành chịu chết giữa cái đen tối mờ mịt ở trong lòng nước lạnh như băng, dưới cái vòm cuốn nặng trình trịch này. Nhưng đột nhiên tiếng gọi lại vang lên và thế là tôi biết phải quay lại theo hướng nào.

Bơi lui độ hai mươi sải thì tôi lặn xuống và lại tìm thấy đường ray. Đúng lối rẽ nơi này đây. Tôi tìm tấm bảng không thấy, tôi tìm các cửa cũng không ra: bên phải, bên trái, tôi đều gặp vách đá. Đường ray đâu rồi? Tôi lại men theo đường ray bơi cho đến khi không còn đường ray nữa: đường ray đứt một cách đột ngột. Bấy giờ tôi mới hiểu rằng đường ray đã bị dòng nước cuốn phăng đi và tôi không có gì làm chuẩn để bơi đi nữa. Trong hoàn cảnh này thì dự định của tôi không thể thực hiện, chỉ còn việc quay về mà thôi.

Đường đã đi một lần rồi, tôi biết là không nguy hiểm vì vậy tôi bơi nhanh theo tiếng gọi, để cho mau đến ngách. Càng đến gần, tôi càng cảm thấy hình như giọng nói của các bạn tôi rắn chắc hơn, tuồng như họ được bồi thêm sức lực. Trong chốc lát, tôi đã đến miệng ngách và đến lượt tôi gọi lên. Cụ giáo bảo:
Đây nào! Lại đây.

Cháu không tìm được lối đi đến giếng.

Không sao! Họ đã xuống gần, họ nghe tiếng ta gọi, ta cũng nghe thấy tiếng họ gọi. Hai bên sắp nói chuyện với nhau đến nơi.
Tôi nhanh nhẹn leo lên bệ và lắng tai nghe ngóng. Quả nhiên tiếng cuốc bổ dội mạnh hơn trước nhiều và tiếng la tiếng thét của những người thợ đang làm việc ấy vang đến chúng tôi tuy còn yếu ớt nhưng khá rõ ràng. Qua phút mừng rỡ ban đầu, tôi mới nhận thấy người mình lạnh cóng đi. Vì không có quần áo ấm để đưa tôi mặc nên các bác ấy vùi tôi trong than cám đến tận cổ – than cám bao giờ cũng giữ được một chút ít sức ấm – và chú Gátxpa cùng với cụ giáo ấp chặt lấy tôi. Bây giờ tôi kể lại cuộc thám hiểm của tôi và chuyện tôi không tìm thấy đường ray như thế nào cho họ nghe.

Cháu dám lặn xuống à?

Sao không? Rủi là cháu chẳng tìm thấy gì hết.

Cũng như cụ giáo đã nói, điều này không có gì là quan trọng nữa: rõ ràng là nếu chúng tôi không được cứu thoát do con đường hầm cũ thì chúng tôi sẽ được cứu thoát qua con đường hầm sắp thông.

Lúc này chúng tôi phân biệt tiếng la hét bên trên đã khá rõ nên có thể hy vọng sắp được nghe nói chuyện đến nơi. Được một lát, quả nhiên chúng tôi nghe ba tiếng nói rành rọt: “Có mấy người?”. Trong chúng tôi, chú Gátxpa có giọng nói vang dội và rành mạch hơn cả, chúng tôi cử chú trả lời.

Một phút im lặng. Chắc ở trên ấy người ta trót dự đoán một số đông hơn. Chú Gátxpa thét:
Nhanh lên anh em! Chúng tôi kiệt sức rồi.

Cho biết tên.

Chú báo tên chúng tôi lên: Bécgunu, Pagiét, cụ giáo, Carôry, Rêmi, Gátxpa. Đối với những người trên mặt đất, phút này là phút hồi hộp nhất. Tất cả những
người ruột rà thân thích của các bạn thợ bị chôn vùi dưới đáy mỏ đều đã chạy tới, khi biết tin sắp bắt được liên lạc với chúng tôi. Lính gác phải khó nhọc lắm mới giữ được họ ở miệng hầm. Khi ông giáo sư báo tin chỉ có sáu người thì đám đông thất vọng. Tuy vậy trong sự thất vọng chung, mỗi người còn nuôi hy vọng riêng: trong số sáu người đó tất có người mình mong đợi. Ông kỹ sư nói tên chúng tôi. Hỡi ôi! Trong số một trăm hai mươi bà mẹ và chị vợ chờ mong, chỉ có bốn người được toại nguyện. Kể làm sao xiết những vật vã đau thương, những dòng nước mắt lã chã!

Về phía chúng tôi, chúng tôi cũng nghĩ đến những người đã được cứu sống.

Chú Gátxpa hỏi:

– Có bao nhiêu anh em thoát chết?

Người ta không đáp. Pagiét bảo:

– Hỏi xem Pie ở đâu?

Câu hỏi được chuyển lên. Cũng như câu hỏi trước, nó không được trả lời.

Họ không nghe.

Phải nói rằng họ không muốn trả lời mới đúng. Có một vấn đề làm tôi bứt rứt. Tôi nói:
Hỏi xem chúng ta ở dưới đây đã bao lâu rồi.

Mười bốn hôm!

Mười bốn hôm! Trong sáu chúng tôi, kẻ ước lượng cao nhất cũng chỉ đến năm sáu hôm mà thôi.
Bây giờ thì anh em không ở lâu dưới đó nữa đâu, hãy yên tâm! Đừng nói chuyện nữa! Chuyện nhiều làm chậm công việc. Chỉ vài giờ nữa thôi.
Những giờ khắc cuối cùng này là những giờ khắc dài nhất trong thời gian chúng tôi bị nghẽn. Ít ra, đó cũng là những giờ đau đớn nhất, đau đớn hơn trước nhiều. Mỗi nhát cuốc bổ xuống cứ tưởng là nhát cuốc cuối cùng, ngờ đâu sau nhát ấy, có nhát nữa. Chốc chốc lại nghe hỏi:
Anh em có đói không?

Đói, đói lắm.

Anh em có đợi được không? Nếu anh em đuối sức quá, chúng tôi sẽ khoan một lỗ chuyển nước thịt ninh xuống, nhưng như thế sẽ làm chậm công việc giải thoát anh em. Nếu anh em chờ được thì sẽ chóng được tự do hơn.
Chúng tôi sẽ chờ. Các bạn làm nhanh lên.

Các gàu múc không ngừng hoạt động giây phút nào và mực nước cứ xuống đều đều. Cụ giáo bảo:
Báo lên cho trên kia biết là nước đang xuống.

Chúng tôi biết. Bằng lối mới thông này hoặc là đường hầm cũ, chúng tôi sắp gặp anh em trong… chốc lát thôi.
Tiếng cuốc bây giờ nghe nhẹ hơn. Chắc là anh em biết sắp thủng tới nơi, và chúng tôi đã báo cho biết vị trí của chúng tôi rồi, nên anh em sợ làm sụt đất: đất kia mà sục xuống đầu thì có thể làm bị thương hoặc chết, hoặc xô luôn chúng tôi xuống nước lẫn với đất đá vụn. Cụ giáo cũng giải thích cho chúng tôi thấy rằng còn phải sợ một cơn lùa dữ dội của không khí: khi có một lỗ thủng thì không khí sẽ tuồn ra như một viên đạn đại bác và quật ngã tất. Bởi thế, phải cẩn thận, phải đề phòng, cũng như anh em cuốc đất ở bên trên phải đề phòng về phần họ.

Bây giờ mỗi nhát cuốc đã làm chuyển động khối đất trên trần, khiến nhiều mẩu than vụn tách ra lăn theo dốc và rơi xuống nước. Lạ thay, càng gần lúc được cứu thoát, chúng tôi lại càng thấy yếu sức. Chính tôi, tôi cũng không đứng vững được nữa! Nằm dài trên đống than vụn, tôi không chống tay đứng dậy nổi, tôi run cầm cập mặc dù chẳng rét chút nào. Cuối cùng vài hòn than to hơn rã ra, lăn đến giữa chúng tôi.

Lỗ hổng đã khoét ra trên trần ngách. Ánh sáng đèn vừa làm lóa mắt chúng tôi một thoáng thì vụt tối sầm ngay. Một luồng gió dữ dội, một thứ vòi rồng mang theo bao nhiêu là than và các thứ linh tinh đã thổi đèn tắt phụt.

Gió lùa đấy, anh em đừng sợ, chúng tôi sẽ đem đèn ra ngoài thắp lại. Anh em chờ một tí.
Lại chờ! Lại chờ lần nữa! Nhưng trong lúc đó thì dưới nước có tiếng vang động mạnh. Tôi quay lại thì thấy có ánh đèn rất sáng đang lướt trên mặt nước có tiếng vỗ nhẹ lóc bóc. Và có tiếng người kêu:
Gắng lên! Gắng lên các bạn.

Cùng lúc đó từ trên lỗ thủng người ta đưa tay kéo các bạn ở bệ trên thì từ đường hầm người ta cũng đến với chúng tôi, những anh em ở bệ dưới. Ông kỹ sư là người đầu tiên leo lên lối ngách. Chưa nói được câu nào, tôi đã nằm gọn trong tay ông. Vừa vặn kịp, tôi sắp ngất đến nơi.

Tuy lả đi, tôi cũng biết rằng người ta mang tôi đi, và khi ra khỏi đường hầm thì người ta bọc tôi trong chăn. Tôi nhắm mắt lại nhưng chỉ giây lát sau thấy như bị quáng đi nên lại mở ra. Đó là ánh sáng ban ngày. Chúng tôi đã ra ngoài trời.

Lúc bấy giờ có một vật gì trăng trắng lao vào người tôi: đó là con Capi, nó nhảy phóc lên tay ông kỹ sư, liếm mặt tôi. Đồng thời tôi cảm thấy ai nắm tay tôi hôn. Rồi nghe một giọng nói yếu ớt: “Rêmi!”. Đó là tiếng của Mátchia.

Tôi nhìn ra chung quanh và thấy ngay một đám đông bị chen chúc hai bên, để trống một lối đi ở giữa. Đám đông ấy rất im lặng. Người ta đã căn dặn đừng có ai kêu lên khiến chúng tôi xúc động; nhưng thái độ và ánh mắt của họ cũng nói thay lời…

Hai chục cánh tay vươn ra muốn đỡ lấy tôi nhưng ông kỹ sư không có ý nhường tôi cho bất cứ ai. Tự hào về chiến thắng của mình, sung sướng và rạng rỡ, ông bế lấy tôi đem về ngay nhà vực; ở đó đã có những chiếc giường sửa soạn đầy đủ và sẵn sàng, chờ đón chúng tôi.

Hai ngày sau, tôi đi dạo giữa các đường phố Vácxơ cùng với Mátchia, Alơxi và Capi. Đi tới đâu, khách qua đường cũng dừng lại để nhìn.
Có người lại gần tôi, bắt tay tôi, nước mắt giàn giụa. Cũng có người thấy tôi thì ngoảnh mặt đi. Những người này đang nặng tang tóc và đau xót.
Alơxi nói:

Khi tớ nghĩ rằng vì giúp tớ mà cậu hy sinh thì tớ rụng rời chân tay. Đúng thế, tớ cho rằng cậu đã chết rồi.
Tớ thì tớ chưa lúc nào tin rằng cậu đã chết. – Mátchia nói. – Tớ chưa dám chắc người ta có đến kịp để cứu cậu và cậu có còn sống mà ra khỏi mỏ hay không. Nhưng tớ tin rằng cậu không chịu để chết đuối, và đã thế thì người ta sẽ tìm thấy cậu ở đâu đấy, nếu công việc cứu nạn làm được nhanh chóng. Bởi vậy, trong khi anh Alơxi khóc cậu thì tớ thấy sốt cả ruột và tự nhủ: “Nó còn sống, nhưng có lẽ nó cũng sắp chết”. Và gặp ai tớ cũng hỏi: “Không ăn thì sống được mấy ngày? Lúc nào thì múc hết nước? Đường hầm bao giờ mới mở xong?”. Nhưng không ai trả lời cho tớ được như tớ mong muốn cả. Khi người ta hỏi tên anh em dưới ấy, rồi ông kỹ sư hô lớn tên Rêmi lên sau thằng Carôry thì tớ ngã khuỵu xuống mà khóc. Lúc ấy người ta giẫm bừa lên mình tớ nhưng tớ sung sướng quá nên chẳng hay biết gì cả.

Tôi hết sức tự hào vì rằng Mátchia tin tưởng ở tôi đến nỗi không tin rằng tôi có thể chết.
———————–

Theo truyền thuyết, trong cơn hồng thủy chỉ có Nôê thoát nạn cùng với gia đình trên một chiếc thuyền; khi nước rút thì có một con bồ câu ngậm một cành ô liu bay đến.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.