Không Gia Đình

37. TÃ ĐẸP NÓI DỐI



Tôi cố gắng làm thân nhưng hai thằng em tôi, Alơn và Nét, chỉ một mực tỏ ác cảm ra mặt. Tất cả những gì tôi muốn làm cho chúng nó đều bị chúng nó hắt hủi. Rõ ràng, đối với chúng, tôi không phải là một người anh.

Chuyện con Capi đã dựng nên một sự ngăn cách rõ rệt giữa chúng tôi. Tôi bảo chúng nó rõ không phải bằng lời nói vì tôi nói tiếng Anh còn khó khăn, mà bằng điệu bộ rất sinh động và đầy ý nghĩa, trong đó hai nắm đấm đóng vai trò chính. Tôi dùng hai nắm đấm nói rằng nếu chúng nó còn muốn giở trò gì với con Capi thì sẽ đụng ngay với tôi, tôi sẵn sàng bảo vệ con Capi hoặc trả thù cho nó.

Không có em trai nữa, tôi tìm đến em gái. Nhưng Anni, con chị đối xử với tôi cũng chẳng hơn gì mấy đứa em trai nó. Cũng như hai thằng kia, nó ác cảm ra mặt đối với những cố gắng làm thân của tôi. Không ngày nào nó không bày trò cho tôi một vài vố theo kiểu của nó, và con bé quả là giàu sáng kiến về mặt này!

Bị Alơn và Nét xa lánh, bị Anni hắt hủi, tôi chỉ còn con bé Két, mới lên ba, còn quá ngây thơ để nhập bọn với các anh chị. Con bé cũng thích để tôi vuốt ve, trước hết bởi vì tôi thường bảo Capi diễn trò cho nó xem. Về sau, khi Capi trở về với chúng tôi thì tôi lại đưa về cho con bé nào kẹo, nào bánh, nào cam; trong khi chúng tôi diễn trò ngoài đường phố, bọn trẻ nhỏ đã mang quà lại và long trọng bảo: “Phần con chó!”. Đem cam làm quà cho chó, có lẽ chẳng thích hợp lắm, nhưng tôi cũng nhận và cảm ơn. Những quả cam ấy sẽ giúp tôi giành được thiện cảm của tiểu thư Két.

Ấy đó, trong cả cái gia đình mà tôi dành cho biết bao nhiêu trìu mến trong tim tôi khi mới đặt chân lên đất Anh, chỉ còn mỗi con bé Két là còn cho phép tôi được quý mến nó. Ông tôi vẫn cứ khạc nhổ một cách giận dữ về phía tôi mỗi khi tôi đến gần. Bố tôi chỉ chú ý đến tôi mỗi buổi chiều khi hỏi đến số tiền thu được. Mẹ tôi thường vắng mặt; Alơn, Nét và Anni thì ghét bỏ tôi. Chỉ còn Két là còn để cho tôi vuốt ve, nhưng phải chăng chỉ khi nào túi tôi còn đầy quà? Đến là thất vọng!

Bởi thế, lúc đầu tuy tôi bác bỏ những điều ức đoán của Mátchia, nhưng trong tâm trạng buồn bực, cũng đã có lúc tôi phải tự hỏi mình rằng nếu tôi đúng là con của nhà này, thì mọi người tất đã bộc lộ những tình cảm khác với cách đối xử khá thô bạo với tôi như hiện nay. Mà tôi đâu đã làm gì đáng phải chịu sự ghẻ lạnh hoặc sự phũ phàng ấy cho cam!
Thấy tôi ủ rũ và suy nghĩ buồn phiền, Mátchia hiểu ngay vì sao. Nó bảo tôi, mà cũng như tự nhủ với mình: “Tớ nóng lòng muốn biết má Bácbơranh sẽ trả lời cậu ra sao!”.

Muốn nhận được bức thư mà chúng tôi đã dặn gửi theo cách “lưu trạm”(1), chúng tôi thay đường đi mọi ngày. Chúng tôi xuống tận nhà bưu điện. Trong nhiều ngày, chẳng có gì, nhưng cuối cùng thì lá thư hằng nóng lòng mong đợi ấy cũng đã được trao tận tay người nhận. Nhà bưu điện không phải là nơi thuận tiện để đọc thư, chúng tôi lại đến con đường nhỏ ở một phố gần đây, cũng là để có thời gian cho cảm xúc lắng xuống chút ít. Ở đó, tôi đã mở bức thư của má Bácbơranh nghĩa là thư mà người cha xứ Savanông viết hộ:

“Bé Rêmi yêu mến,

Những điều con cho má biết trong thư khiến má ngạc nhiên và bực bội… Má cứ tưởng bố mẹ con gia tư dư dật, hơn thế, vào hạng giàu sang quyền quý nữa kia…

Con bảo má nói tường tận cho con rõ những chiếc tã bọc con như thế nào. Dễ lắm, vì má đã giữ lại tất cả những vật ấy, để dùng làm tang chứng trong việc nhìn nhận con, cái ngày người ta đến hỏi con. Trước nay má vẫn đinh ninh rằng thế nào rồi cũng có cái ngày ấy.

Nhưng trước hết phải nói rằng con không có tã. Đôi lúc má nói đến tã là vì thói quen và cũng vì trẻ em ở xứ má bọc tã. Con thì không bọc tã. Trái lại con mặc quần áo đàng hoàng. Đây là những vật mặc trên người con lúc bấy giờ: một cái mũ chụp bằng ren, chỉ khác thường ờ chỗ đẹp và sang quá, một chiếc yếm vải phin viền ren cỡ nhỏ ở cổ và cánh tay; một đôi hài dệt tay màu trắng đính những cái găng tơ; một cái áo dài bằng dạ trắng và cuối cùng là một chiếc áo khoác ngoài trùm cả đầu bằng hàng cátsơmia trắng, lót lụa, thêu thùa rất đẹp…

Sau hết phải nói rằng tất cả những áo xống ấy đều không mang dấu hiệu. Nhưng cái khăn bọc và cái yếm chắc là có đánh dấu, bởi vì cái góc thường thường mang dấu hiệu thì đã bị cắt đi. Việc này chứng tỏ người ta đã tìm đủ mọi cách để đề phòng kẻ đi tìm không theo dấu vết được. Đó là tất cả những cái má có thế nói rồi đó, bé Rêmi yêu quý ạ. Nếu con thấy cần những vật ấy, con chỉ việc viết thư cho má, má sẽ gửi đến cho con.

Con đừng phiền lòng, con yêu quý, đừng phiền lòng là không biếu má được những tặng vật tốt đẹp mà con hứa với má. Con bò sữa, do con nhịn bữa mà mua, đối với má quý hơn tất cả những vật biếu tặng trên đời. Má vui mừng tin cho con biết rằng con bò khỏe, sữa không giảm và nhờ nó ngày nay má sống thư thả. Mỗi khi thấy nó, má không thể không nghĩ tới con và chú bạn nhỏ Mátchia của con.

Má sẽ rất vui lòng nhận thư con viết cho má biết tin tức của con. Má mong những tin ấy luôn luôn tốt lành. Con âu yếm, giàu tình cảm là thế, lẽ nào chẳng sung sướng giữa gia đình con, có cha, có mẹ, anh chị em trai gái bên cạnh! Thế nào người ta cũng sẽ yêu con xứng đáng với tấm lòng con.

Chào con, con yêu quý, má hôn con âu yếm.

Mẹ nuôi của con.

Quả phụ BÁCBƠRANH.”

Đoạn cuối bức thư khiến tim tôi se lại. Tội nghiệp má, má tốt với tôi làm sao!

Vì má yêu tôi nên má ngỡ ai cũng yêu tôi như má.

Bà ấy tốt quá. – Mátchia nói. – Bà có nghĩ đến tớ đấy! Mà dù bà không nghĩ đến đi nữa tớ cũng cảm ơn bà. Bà đã tả tỉ mỉ, trọn vẹn như vậy thì ông Đờrixcơn không thể nhầm lần nổi đối với cậu khi kể những áo quần cậu mặc lúc người ta bắt trộm cậu.
Ông ấy có thể quên!

Đừng nói thế! Ai lại đi quên những bộ quần áo con mình mặc ngày mình mất nó vì chính những bộ quần áo ấy sẽ giúp mình tìm lại nó.
Tớ xin cậu đừng có đoán già đoán non, chờ đến khi bố tớ trả lời hẵng hay.

Tớ có đoán gì đâu, chỉ có cậu nói là ông ấy có thể quên.

Thôi được, để rồi xem.

Hỏi bố xem tôi ăn mặc như thế nào cái ngày bị bắt trộm là việc không dễ. Giá tôi hỏi một cách thực thà, không dụng ý thì hết sức đơn giản. Đằng này không phải như thế và chính sự dụng ý khiến tôi rụt rè do dự.

Thế rồi một hôm, vì mưa rét quá, phải về sớm, tôi đánh bạo nói về cái vấn đề lâu nay giày vò tôi. Tôi mới bắt đầu hỏi thì bố tôi đã nhìn trừng trừng vào mặt tôi. Ông có thói quen làm thế mỗi khi tôi nói cái gì phật ý ông. Nhưng tôi đương đầu với cái nhìn ấy gan dạ hơn là tôi tưởng trước đây khi nghĩ tới giây phút này. Tôi ngỡ rằng ông sắp nổi giận. Tôi lo lắng liếc mắt về phía Mátchia, nó lắng tai nghe mà vờ không để ý. Tôi muốn phân bua với nó là tại nó nên tôi mới mắc vào cái việc vụng dại này. Nhưng bố tôi không nổi nóng. Qua cơn giận lúc đầu, ông mỉm cười. Thực ra thì trong nụ cười ấy có cái gì tàn ác, nhẫn tâm, nhưng dù sao đó vẫn là một nụ cười. Ông nói:

Cái điều giúp bố tìm con đắc lực nhất là sự mô tả những quần áo con mặc ngày con bị bắt trộm: một mũ chụp bằng ren, một chiếc yếm viền ren, một khăn bọc và một cái áo dài bằng dạ, một đôi tất len, một đôi hài dệt tay, một áo khoác ngoài trùm cả đầu bằng cátsơmia trắng có thêu. Bố rất trông cậy ở hai chữ F.Đ đánh dấu trên khăn yếm; nó là tên con: Phờrăngxi Đơrixcơn. Nhưng dấu hiệu ấy đã bị người phụ nữ bắt trộm con cắt đi, chị ta hy vọng rằng làm thế thì không bao giờ ta tìm lại được con. Bố cũng đã xuất trình tờ khai lễ rửa tội sao lục ở nhà thờ xứ; người ta đã trả lại bố và hình như bố còn cất đâu đây.

Ông nói thế và sốt sắng đi tìm trong ngăn kéo, bình thường ông không sốt sắng như thế bao giờ, lát sau ông mang lại một tờ giấy có đóng nhiều con dấu trao cho tôi. Tôi đánh bạo một lần cuối:
Nếu bố cho phép, -tôi nói, – con nhờ Mátchia dịch ra cho con nghe.

Được chứ!

Chữ được chữ mất, Mátchia dịch ra cho tôi biết là tôi sinh ngày thứ năm mồng 2 tháng 8, tôi là con ông Pơtơrích Đơrixcơn và bà Mácgơrít Gơrengiơ, vợ ông ta.
Còn đòi hỏi gì nữa kia chứ? Tuy nhiên Mátchia cũng không lấy làm thỏa mãn. Đêm đến, khi chúng tôi đã chui vào chiếc xe của chúng tôi rồi thì nó lại ghé vào tai tôi như khi cần nói một điều bí mật:

Tất cả các cái ấy không thể chê được, nhưng rốt cục vẫn không làm sáng tỏ vì sao ông Đơrixcơn bán hàng rong và bà Gơrengiơ, vợ ông, lại giàu có đến mức sắm cho con những mũ ren, những yếm viền ren, những áo khoác thêu thùa. Những người buôn bán hàng rong đâu có lắm tiền thế!

Chính vì người buôn bán cho nên người ta có thể mua sắm những thứ ấy không mất nhiều tiền!
Mátchia huýt sáo, lắc đầu. Xong, nó lại rỉ tai tôi:

Cậu muốn tớ nói cái điều cứ lởn vởn mãi trong óc tớ không? Là cậu không phải là con của Đơrixcơn tiên sinh mà chính Đơrixcơn tiên sinh đã bắt trộm cậu.
Tôi muốn cãi lại, nhưng Mátchia đã lên giường nó. Nếu tôi là Mátchia thì có lẽ tôi cũng giàu tưởng tượng như nó. Nhưng ở vị trí tôi, không thể nghĩ ngợi lung tung bừa bãi được! Đối với Mátchia thì đó là chuyện của Đơrixcơn tiên sinh, như nó nói. Nhưng đối với tôi thì lại là chuyện của bố tôi. Khi trí óc tôi muốn nhảy bừa theo Mátchia, thì tôi đưa tay nắm giữ nó lại, và tôi cố làm cho tay tôi rắn chắc.

Về Đơrixcơn tiên sinh, Mátchia có thể suy nghĩ đủ điều. Đối với nó, Đơrixcơn tiên sinh hoàn toàn là người dưng nước lã, chẳng có gì gắn bó. Nhưng trái lại, đối với bố tôi, thì tôi có bổn phận phải tôn kính.
Rõ ràng là có điều bất thường trong hoàn cảnh của tôi, nhưng tôi đâu có quyền tự do nhìn cái đó với con mắt của Mátchia.
Mátchia có quyền nghi ngờ. Đối với tôi, đó là một điều cấm kị. Khi Mátchia thổ lộ những điều nghi ngờ thì bổn phận của tôi là phải buộc nó im đi. Tôi đã cố gắng làm thế, nhưng Mátchia có ý riêng của nó, không phải lúc nào tôi cũng khuất phục được nó! Nhiều khi đâm tức, nó nói:
Mày muốn choảng thì choảng, nhưng phải nghe đã!

Và thế là tôi cứ phải nghe những câu nó hỏi:

“Tại sao Alơn, Nét, Annơ và Két tóc vàng, còn cậu thì không?”

“Tại sao tất cả mọi người trong nhà đều ác cảm với cậu, như đối với một con chó ghẻ, chỉ trừ Két nó đã biết gì đâu?”
“Làm thế nào mà những người nghèo như thế lại sắm nổi hàng ren cho con mặc?”

Đối với tất cả những cái tại sao, những cái thế nào ấy, tôi chỉ có một câu trả lời thích đáng, tự nó cũng là một câu hỏi:
– Gia đình Đờrixơn tìm tôi làm gì nếu tôi không phải là con họ? Và nếu không phải là con thì họ đưa tiền cho Bácbơranh, cho Gơret và Gơli làm gì?

Nghe thế, Mátchia bắt buộc phải trả lời rằng nó không giải đáp được. Tuy nhiên nó vẫn không chịu thua.
Nó nói:

Tớ không thể trả lời được câu hỏi của cậu, chưa hẳn là tớ đã sai khi đặt ra với cậu những điều mà chính cậu cũng không giải đáp được. Một người khác ở địa vị tớ sẽ tìm ra ngay cớ sao Đờrixcơn tiên sinh đã cất công kiếm cậu và nhằm mục đích gì ông ta đã tiêu tiền như thế! Về phần tớ thì tớ chẳng hiểu được vì sao, bởi vì tớ không tinh ranh và cũng chẳng biết cái gì ra cái gì cả!

Cậu đừng nói thế, cậu vốn tinh mà lị.

À, nếu quả tớ tinh thật, tớ sẽ giải thích ngay lập tức cho cậu cái điều mà tớ không thể giải thích nhưng cảm thấy được. Không đâu! Cậu không phải là con trong gia đình Đơrixcơn đâu! Cậu không phải và không thể là như thế được! Điều này nhất định một ngày kia sẽ rõ như ban ngày. Tuy nhiên, bởi vì cậu cứ ương ngạnh không chịu mở mắt ra, tự cậu làm cho cái ngày đó càng đến chậm. Tớ hiểu rằng cái điều mà cậu gọi là lòng tôn kính đối với gia đình đã níu cậu lại, nhưng mà nhất định nó không thể khiến cậu hoàn toàn tê liệt được.

Vậy thì cậu muốn tớ làm thế nào?

Tớ muốn rằng chúng ta trở về đất Pháp.

Không thể được!

Rõ ràng là vì bổn phận gia đình mà cậu nán lại đây! Nhưng nếu gia đình ấy không phải là gia đình cậu thì còn cái gì giữ cậu lại nữa!
Những cuộc tranh luận kiểu ấy chỉ đưa đến kết quả là làm cho tôi đã buồn khổ lại càng buồn khổ hơn. Có gì ghê gớm bằng sự hoài nghi? Ấy thế mà mặc dù không muốn, tôi vẫn phải nghi ngờ.
Người cha ấy có đích thực là cha tôi không? Người mẹ ấy cứ đích thực là mẹ tôi không? Gia đình ấy có phải là gia đình của tôi không?
Cái điều này nói ra thì thật kinh tởm: khi tôi sống một thân một mình, tôi lại thấy ít dằn vặt, ít khổ sở hơn ngày nay. Lúc ấy, lúc tôi buồn tôi khóc vì không có gia đình, ai có thể nói trước rằng khi tôi có gia đình thì tôi sẽ khóc vì thất vọng? Ánh sáng sẽ từ phương nào đến? Do ai đem lại? Tôi sẽ có ngày tìm thấy chân lý hay không?

Tôi đờ đẫn vì cảm thấy bất lực trước những câu hỏi ấy. Tôi tự nghĩ rằng tôi như người giữa đêm tối húc đầu vào một bức tường không có cửa thoát. Ấy thế mà phải ca hát, phải đánh những bản nhạc vũ, phải cười cợt, nhăn nhỏ trong khi lòng mình thấm thía nỗi buồn riêng.

Những ngày chủ nhật đối với tôi là ngày dễ chịu nhất vì ở Lơnđơn người ta không chơi nhạc ngoài đường vào ngày chủ nhật. Những hôm ấy tôi đi chơi với Mátchia và con Capi, có thể buồn bực tha hồ, không gò bó. Ôi! Sao mà tôi lại ít giống cái thằng Rêmi mấy tháng trước đây thế! Một chủ nhật nọ, tôi sắp sửa đi chơi với Mátchia thì bố tôi giữ tôi lại. Ông nói ông có việc cần đến tôi ngày hôm đó, và Mátchia cứ đi chơi một mình, ông tôi không ra nhà ngoài; mẹ tôi đã đi vắng cùng với Anni và Két, hai em trai tôi đã đi dạo phố. Thế là ở nhà chỉ có bố con tôi.

Chúng tôi ngồi với nhau khoảng một tiếng đồng hồ thì có tiếng gõ cửa. Bố tôi đứng lên đi mở cửa rồi trở vào với một người đàn ông khác với các bạn hữu bố tiếp thường ngày. Người này đúng là một người mà ở Anh người ta gọi là bậc thượng lưu, nghĩa là một người đàng hoàng, áo quần bảnh bao, vẻ hợm hĩnh nhưng vẫn có nét chán chường. Ông ta vào khoảng năm mươi. Cái điều làm tôi chú ý nhất ở ông ấy là cái nụ cười. Khi ông ta cười, hai môi chành ra đe lộ cả hai hàm răng trắng nhởn và nhọn hoắt như răng một con chó tơ. Cái nét này thật đặc biệt. Nhìn ông ấy, người ta phải tự hỏi cái chành môi kia có đúng là một nụ cười không, hay chỉ là một kiểu nhe răng chực cắn.

Vừa nói chuyện với bố tôi bằng tiếng Anh, ông vừa luôn luôn liếc mắt về phía tôi. Nhưng gặp luồng mắt tôi thì ông tránh ngay, không quan sát tôi nữa. Nói chuyện được mấy phút thì ông bỏ tiếng Anh, dùng tiếng Pháp. Ông nói tiếng Pháp trôi chảy, hầu như không lẫn cái giọng lơ lớ của người nước ngoài. Ông lấy ngón tay trỏ tôi mà nói với bố tôi:

– Đây phải chăng là thằng bé mà anh đã nói chuyên với tôi? Nom nó khỏe đấy chứ?

Con hãy thưa ông đi, con! – Bố tôi bảo.

Sức khỏe anh tốt chứ? – Người khách hỏi tôi.

Thưa ông tốt.

Anh không bao giờ ốm đau à?

Tôi đã có lần sưng phổi.

Ồ! Ồ! Vì sao thế?

Vì đã ngủ một đêm trên tuyết phải lúc trời rét dữ dội. Chủ tôi cùng ngủ với tôi và đã chết rét. Còn tôi thì tôi bị sưng phổi.
Đã lâu chưa?

Cách đây ba năm.

Từ lúc ấy, anh có cảm thấy di hại gì của bệnh cũ không?

Thưa ông không.

Không mệt nhọc, không uể oải, không đổ mồ hôi trộm ban đêm?

Thưa ông không, không lúc nào như vậy. Có khi tôi mệt nhọc là vì đã đi bộ quá nhiều, nhưng không vì thế mà tôi sinh ốm.
Và anh chịu gian lao một cách dễ dàng.

Thưa ông, đành phải thế.

Ông ta đứng lên, đi lại phía tôi. Ông sờ nắn cánh tay tôi rồi đặt lên bàn tay lên chỗ tim tôi. Cuối cùng ông áp đầu vào ngực tôi, bảo tôi thở mạnh như là đã chạy nhiều: ông lại bảo tôi ho lên.

Làm xong những việc ấy, ông nhìn chăm chú vào mặt tôi một lúc khá lâu.

Chính lúc ấy tôi lại nghĩ rằng ông ta ưa cắn, bởi vì nụ cười của ông ta khiếp quá.

Ông không nói gì với tôi nữa, tiếp tục nói chuyện với bố tôi bằng tiếng Anh. Mấy phút sau, cả hai người đi ra, không đi qua cái cửa trước nhìn ra phố mà qua cửa buồng xép. Còn lại một mình, tôi suy nghĩ không hiểu những câu hỏi của ông khách có ý nghĩa gì. Ông muốn mướn tôi chăng? Thế thì phải xa Mátchia và con Capi! Với lại tôi đã quyết không làm đầy tỏ của một ai hết thảy, không làm đầy tớ của ông khách thượng lưu này mà tôi ghét, cũng không làm đầy tớ một người nào khác dù tôi ưa.

Một lát sau, bố tôi trở về nhà. Ông nói vì phải đi có việc, ông không sai khiến tôi vào công việc dự định trước đây và tôi có thể đi chơi nếu tôi thích. Tôi chả thích đi chơi chút nào, nhưng ở trong cái nhà buồn thiu này thì làm được gì? Thôi, đi dạo chơi còn hơn là ngồi rũ ra buồn chán thế này?

Trời mưa, tôi vào xe lấy tấm da cừu. Tôi ngạc nhiên biết bao nhiêu khi gặp

Mátchia ở đây. Tôi sắp sửa hỏi thì nó đưa tay bịt miệng tôi, rồi nói thầm:

Đi ra mở cửa buồng xép đi! Xong tớ sẽ lặng lẽ chuồn ra sau lưng cậu. Không nên để người ta biết tớ ở trong xe.
Ra tới phố rồi, Mátchia mới chịu nói:

Cậu biết cái ông khách đến gặp bố cậu hồi nãy là ai không? Đó là ông Giem Miligơn, chú của Áctơ bạn cậu.
Tôi đứng ngẩn người ở giữa phố. Nó nắm cánh tay tôi, vừa đi vừa nói tiếp:

Tớ đi dạo một mình trong các phố buồn bã vào cái ngày chủ nhật rầu rĩ này cũng chán, bèn về ngủ quách. Tớ nằm lên giường nhưng chưa ngủ. Bố cậu cùng ông khách thượng lưu đi vào trong buồng xép này. Tớ không cố ý xem, nhưng vẫn nghe lọt câu chuyện họ nói với nhau. Ông khách nói: “Vững như quả núi! Lâm vào cảnh nó thì mười đứa chết cả mười, nó thì chỉ trả lời bằng một cơn sưng phổi thôi!” Bấy giờ tớ tưởng là họ nói về cậu nên lắng tai nghe. Nhưng câu chuyện đã chuyển ngay sang đề tài khác. “Thưa, cháu ngài sức khoẻ thế nào?” – Bố cậu hỏi. – “Khá hơn, lần này nữa nó cũng sẽ thoát nạn. Ba tháng trước đây, tất cả thầy thuốc đều chạy. Lần này nữa, người mẹ quý hóa của nó đã chăm sóc nó tận tình và lại cứu được nó! Ôi chao! Bà Miligơn ấy quả là một từ mẫu!” Cậu tưởng tượng xem nghe đến cái tên ấy tớ vểnh tai thế nào! Bố cậu nói: “Nếu cháu ngài khá lên thì thưa ngài, tất cả sự đề phòng của ngài đều hóa ra hoài công sao?” – “Trước mắt thì có lẽ thế! Nhưng tôi không thừa nhận rằng thằng Áctơ sẽ sống được. Nó mà sống thì là một chuyện mầu nhiệm, mà chuyện mầu nhiệm thì không còn xảy ra ở cái thế giới này nữa! Phải làm thế nào để cái ngày nó chết đi, không thể có ai về làm thiệt hại cho tôi, và người thừa kế duy nhất sẽ là tôi, Giem Miligơn” – “Xin ngài cứ yên lòng, thưa ngài, mọi việc sẽ diễn ra đúng như thế, tôi bảo đảm” – “Tôi trông cậy ở anh”. Người khách nói thế. Rồi ông ta nói thêm một câu mà tớ không hiểu rõ cho lắm. Tớ cứ thử dịch ra xem, mặc dù thấy không có nghĩa: “Lúc bấy giờ, chúng ta sẽ xem nên xử trí cái đó như thế nào”. Thế rồi ông ta đi.

Nghe xong câu chuyện, tôi thoạt có ý nghĩ về ngay nhà hỏi bố tôi chỗ ở của ông Miligơn để được biết tin tức về Áctơ và bà mẹ nó. Nhưng tôi kịp thấy ngay đó là một dự định điên rồ. Ai lại đi hỏi tin cháu ở một ông chú đang nóng đợi giờ phút cháu chết! Lại nữa, về mặt khác, cho ông Miligơn biết là người ta đã nghe hết những lời ông nói, thế có phải là dại dột, nguy hiểm không!
Áctơ vẫn sống. Nó khá hơn trước. Lúc này được cái tin lành ấy cũng đủ vui rồi.

——————–

Cách gửi thư nhờ bưu trạm giữ lại cho người nhận tự đến lấy. – N.D


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.