Mỗi người đều cần những mối quan hệ thân thiết để nâng đỡ mình vượt qua chông gai thử thách. Tuy nhiên, thân thiết với một ai đó không có nghĩa là hòa tan bản sắc cá nhân của mình vì họ.
Sự thân thiết khác xa với việc đánh mất lối sống riêng của mình. Mặc dù từ nơi sâu thẳm tâm hồn, con người luôn khát khao tìm kiếm hình bóng của mình nơi một người khác, nhưng nếu bất chấp mọi thứ để có được điều đó, ta sẽ biến mình thành kẻ lệ thuộc. Thay vì tự quyết định cảm xúc riêng, ta lại chờ đợi người khác bảo ta nên cảm thấy thế nào. Nếu cảm xúc của cả hai đồng điệu và hòa hợp thì đó là điều tốt, nhưng nếu đó chỉ là sự gượng ép thì nên dừng lại.
Kiếm tìm một hình bóng cho mình có thể giúp ta cảm thấy yên tâm và ấm áp hơn. Nhưng đừng quên rằng người duy nhất hoàn toàn thấu hiểu ta và có thể kiểm soát ta chỉ có thể là ta mà thôi. Nếu biết trân trọng bản thân, ta sẽ có được hạnh phúc trọn vẹn.
Tôi mệt mỏi khi phải làm chủ của những tên nô lệ.
Lời cuối của vua Frederick II
Hiểu Biết
Kiến thức và sự hiểu biết của con người là hữu hạn, trong khi đó thế giới lại rộng lớn khôn cùng. Vì thế, chúng ta chẳng thể nào thấu tỏ mọi điều trong cuộc sống. Đôi khi, ta dùng hiểu biết của mình như cái cớ để né tránh sự phẫn nộ và nỗi sợ hãi. Với tôi, từng có một thời tôi mang trong mình khát khao ngông cuồng rằng mình sẽ ôm trùm tất cả, sẽ khám phá ra mọi thứ. Nhưng rồi tôi đã phải trả giá về điều đó. Để thoát khỏi những xáo trộn trong tâm trí, tôi quyết định hành động dựa trên lối suy nghĩ sai lầm rằng chỉ cần hiểu biết hơn chút nữa, tôi sẽ làm được tất cả. Nhưng giờ đây tôi nhận ra rằng nếu trước kia tôi biết chấp nhận những hạn chế của bản thân và bỏ lối suy nghĩ ngông cuồng, có lẽ tôi đã tỉnh táo và hành động đúng đắn hơn. Hoặc ít nhất, tôi cũng giữ được chính mình. Đúng là hiểu biết và sự nhiệt thành là con đường đưa đến thành công nhưng nếu bị lạm dụng, chúng sẽ quay trở lại cầm tù bản thân ta.
Bất hạnh bắt nguồn từ sự quá nhiều hoặc quá ít.
Publilius Syrus
Đổ Lỗi
Ta thường có thói quen đổ lỗi cho người khác khi thấy điều gì đó xảy ra không như mong muốn, cho dù sai lầm có thể bắt nguồn từ chính bản thân mình. Đó là cách giúp ta nhanh chóng giải tỏa nỗi bức xúc trong lòng. Tuy nhiên, khi làm vậy, ta không chỉ tự làm xấu đi hình ảnh mình trong mắt người khác mà còn chẳng giải quyết được vấn đề gì. Bên cạnh đó, thói xấu đổ lỗi còn che mờ sự sáng suốt của ta, khiến ta trở thành kẻ hèn nhát không dám đối diện với chính mình. Nó lôi cuốn ta rơi vào vòng tròn luẩn quẩn để rồi sau đó, ngay bản thân ta cũng không thể nhớ chính xác những cuộc tranh cãi và chỉ trích đó là vì mục đích gì.
Đổ lỗi là cách ta dùng để che đậy lỗi lầm của bản thân. Khi có vấn đề gì đó xảy ra không như mong muốn, bạn hãy ngồi xuống, dành thời gian thấu hiểu những cảm xúc của bản thân và xem xét chúng có ý nghĩa thế nào với bạn trước khi đổ lỗi cho người khác.
Trên đời này, không có gì sáng tỏ bằng nhận thức: thời gian sẽ giúp con người tìm ra chính mình trong trái tim của họ.
Bhagavadgita
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.