John Đi Tìm Hùng

Chương 1



Những tiếng gió gào thét là âm thanh duy nhất trong đêm khuya. Tôi nằm yên đó lắng nghe, tê liệt, những ánh sáng lạ lùng lờn vờn quanh tôi. Tôi chớp mắt để biết chắc mình không nằm mơ. Tôi vẫn đang thức. Người tôi đang sốt, vậy mà tôi lại thấy lạnh như đêm mùa đông ở Hà Nội. Một cơn đau chạy từ đầu ngón tay lên tới đầu, xuống tới từng ngón chân tôi. Như thể tôi mới bị cả một đoàn tàu đâm phải, hay bị ai đó dùng gậy đánh tới bời. Nước mắt chảy thành dòng trên mặt. Tôi đã đi hơn một ngàn kilômét dọc Việt Nam, chỉ rồi bị trúng độc. Tôi đã sợ hãi, sợ hãi như chưa từng thấy. Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi thấy sợ chết.

“John, mày tự gây cho mày thôi. Mày không thuộc về nơi này. Đây không phải đất nước của mày đâu. Mày là người Mĩ”, tôi thầm tự trách bản thân.

“Mày đang cố chứng tỏ cái gì cơ chứ? Giờ thì hết rồi. Cả hành trình. Và đời mày.”

Tôi nằm đó, bất động. Cuộc đời tôi diễn ra trước mặt như thể một bộ phim; tất cả những giây phút hạnh phúc, những hối hận trong quá khứ. Tôi cầu nguyện trong tuyệt vọng mong mình không chết. Tôi mong ước được ôm và hôn mẹ một lần nữa làm sao. Mẹ sẽ vỗ về tôi và an ủi rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn cả. Nhưng sẽ không còn cái ôm nào nữa, không lời từ biệt cuối cùng. Kết thúc đang đến gần. Tôi nhìn thấy khuôn mặt mẹ trong một vầng sáng trắng. Rồi mọi thứ tối sầm lại. Tôi ngất lịm đi.

Để hiểu tại sao tôi tới đây, phải quay ngược trở lại quãng thời gian cuối mùa hè năm 2010. Hà Nội đang chuẩn bị kỉ niệm một ngàn năm tuổi và tôi lần đầu đặt chân tới Việt Nam. Cả cha và mẹ tôi đều sinh ra ở đây, nhà ngoại tôi gốc ở Hải Phòng, nhà nội gốc Sài Gòn. Nhưng tôi thì được sinh ra và lớn lên bên Mĩ. Tôi tới Việt Nam học trong một học kì.

Tôi không biết chút gì về đất nước này. Tôi còn không thể tìm thấy trên bản đồ khi ở trường cấp ba. Tôi không biết tiếng Việt và chỉ hiểu được vài từ. Mẹ và bà bà, tên ở nhà tôi hay gọi bà ngoại, đã cố bắt tôi học. Nhưng tôi từ chối. Trong tâm trí tôi, tôi là người Mĩ, tại sao tôi phải học một thứ tiếng buồn cười như tiếng Việt. Tôi từ chối phần Việt Nam trong tôi. Phong tục và văn hóa của Việt Nam thật kì cục. Và điều đặc biệt duy nhất mà tôi thấy về Tết là những bao đỏ bên trong có tiền. Vậy thì tại sao tôi lại chọn Việt Nam để đi du học? Để hiểu rõ lí do, chúng ta tiếp tục phải quay lại từ thời gian trước nữa.

Năm tôi mười tuổi, thế giới như sụp đổ. Những trận cãi nhau và những tiếng la hét cuối cùng cũng dẫn tới cuộc li hôn buồn của cha mẹ tôi. Mẹ tôi chuyển tới một thành phố khác để tìm một công việc tốt hơn, để lại cho cha tôi căn nhà. Mẹ đã muốn đưa chúng tôi đi cùng. Tôi cầu xin mẹ cho tôi ở lại để học hết tiểu học. Cha chưa bao giờ đề nghị chúng tôi tới sống cùng với ông. Ông thấy cay đắng. Theo lối suy nghĩ rất lạc hậu kiểu Việt Nam, người vợ là tài sản thuộc quyền sỡ hữu của người chồng, sao vợ lại có thể bỏ chồng mà đi. Cha tôi tìm tới rượu và thuốc.

Em trai tôi tới sống cùng bà ngoại, ở nhà của bác tôi. Có tất cả tám người cùng sống trong một căn hộ hai phòng ngủ chật hẹp. Chúng tôi là những người Việt Nam duy nhất trong khu dân cư mà phần lớn là người da đen. Thuốc và bạo lực là những điều quá quen thuộc ở đây. Một buổi tối, tiếng một chiếc ô tô lái ngang qua rít lên, tiếng súng nổ ầm ĩ, bảy viên đạn đã găm vào tường nhà tôi. Một lần khác khi các anh em họ và tôi đang chơi ở sân trước nhà thì đạn bay sượt qua chúng tôi. Tới năm mười một tuổi, tôi đã chứng kiến tất cả ba vụ nổ súng ngay gần nhà.

Một năm trời chúng tôi sống như vậy. Mẹ đi mất hơn một tiếng từ chỗ làm để về thăm chúng tôi khi có thời gian. Trách nhiệm duy nhất của cha là đón chúng tôi từ trường về khi tan học. Nhưng khi ấy ông như một đống lộn xộn. Phần lớn thời gian ông say hoặc phê thuốc tới nỗi ông để quên chúng tôi ở trường. Sau một thời gian, ông thôi không đón chúng tôi nữa. Từ nhiều ngày tới nhiều tuần, rồi nhiều tuần biến thành nhiều tháng, rồi cuối cùng thì tôi không còn gặp lại ông nữa. Ông đã mất kiểm soát. Thậm chí cha còn dọa sẽ giết mẹ tôi.

Tôi mười một tuổi, nước mắt lã chã, tay khư khư nắm đấm, nhìn thẳng vào mắt cha và nói “Nếu có chuyện gì xảy ra với mẹ tôi, tôi sẽ giết ông.” Và tôi thực sự có ý đó. Sau đó, tôi không gặp lại cha nữa. Thi thoảng ông tới để đón em trai tôi. Sau khi đi chơi cùng cha, em trai tôi sẽ trở về cùng quà và nhiều tiền trên tay. Đó là cách ông ấy trả thù tôi và khiến tôi giận dữ. Thậm chí tôi còn từng nghĩ tới việc đổi họ của mình theo họ của mẹ tôi thời con gái: Đậu. Nhưng rồi tôi lấy niềm ấm ức với cha để làm động lực tự lập. Một ngày nào đó, tôi sẽ thành công, và tôi có thể cho cha biết tôi không bao giờ cần ông.

Tôi lớn nhanh và sớm trưởng thành. Tuổi thơ của tôi sớm qua mau. Một năm sau, mẹ đưa chúng tôi đi khỏi khu phố nguy hiểm và chuyển tới một căn hộ nhỏ. Năm mười bốn tuổi, tôi bắt đầu làm việc. Công việc đầu tiên của tôi là làm tiếp tân tại một cửa hàng làm nail vào mùa hè. Các bà, các cô thường lại gần và bấu đôi má phúng phính của tôi. Tôi rất ghét khi họ làm như thế nhưng bù lại họ lại cho tôi tiền boa rất hậu hĩnh. Đó không phải là công việc tôi mơ ước, nhưng tôi muốn lớn lên, trở thành một người lớn. Vì thế trong khi các bạn của tôi tận hưởng mùa hè không lo nghĩ, vô tư sống cuộc sống tuổi thiếu niên, thì tôi phải dậy sớm mỗi ngày để đón xe buýt và đi tàu tới chỗ làm.

Mùa hè tiếp theo tôi làm việc tại một công trường. Đó là công việc đáng mơ ước của cánh đàn ông. Công việc rất thú vị, đặc biệt là phần đập phá. Tôi làm việc cùng nhiều người Mexico nhập cư, họ tới Mĩ một cách trái phép. Mexico là một nước nghèo, lúc nào cũng đầy rẫy bạo lực cực đoan và các băng đảng ma túy. Những người này đã phải đi hàng nghìn kilômét, vượt qua sa mạc để vượt qua biên giới và trốn thoát. Vài người đã thiệt mạng, nhiều người khác bị bắt cóc hay sát hại, nhiều người chạy đi đường khác. Nhưng họ vẫn cố, nước Mĩ là cơ hội cho một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hùng và mẹ

Tôi trở thành bạn tốt với Jose, ba mươi mốt tuổi, một người nhập cư trái phép. Jose đã thử vượt biên ba lần, bị bắt hai lần trước khi anh đến Mĩ. Anh được đưa đi cùng những người khác trong một chiếc xe tải, và phải trốn trong những chiếc hộp. Anh kể cho tôi nghe những câu chuyện về Mexico và nói rằng anh rất nhớ gia đình cùng hai con của anh. Càng dành nhiều thời gian với Jose, tôi càng tò mò về hành trình tới Mĩ của gia đình tôi. Tôi bắt đầu hỏi bà ngoại về Việt Nam, về quê hương của bà.

Đó là năm 1975, bom rơi khắp nơi. Bà ngoại dắt díu theo bốn người con và không hay biết mình đang mang trong bụng một đứa nữa. Cả nhà chờ đợi trong khi đã thấy khoảng ba mươi người bị nhét vào trong khoang thuyền đánh cá nhỏ xíu. Bà quay lại nhìn, mắt đỏ hoe vì khóc. Bà không muốn ra đi. Nhưng chồng đã mất và lại có tới bốn đứa con, bà không còn lựa chọn nào khác. Không có tương laai ở đây, bà ngoại nghĩ thế. Và đó là lần cuối cùng bà nhìn thấy Việt Nam.

Trong suốt bảy ngày đêm sau đó, con thuyền trôi ra biển. Rất nhiều người, cả già và trẻ, đã chết vì bệnh tật và ốm đau. Con thuyền nồng nặc mùi ô uế của những trận nôn mửa, mùi chất thải và mùi của cái chết. Đồ ăn và nước uống được phân phát những chẳng hề đủ. Mối lo ngại lớn nhất là bọn cướp biển, những kẻ sẳn sàng cướp của, cươỡng hiếp phụ nữ và giết người không ghê tay. Mọi người chỉ còn biết hi vọng và cầu nguyện.

Tới ngày thứ bảy, bà ngoại đã nghĩ cả nhà sẽ không thề tới đích. Những người đồng hành trên con thuyền lần lượt gục ngã. Xác người bị vứt khỏi thuyền. Một trong những số đó chính là chị gái của bà ngoại. Mẹ tôi cũng đã rất yếu và mất nhiều nước. Bà ngoại cầu nguyện và cầu nguyện. Cuối cùng, lời cầu khẩn của bà đã được đáp lại. Một tàu hải quân của Mĩ kéo chiếc thuyền nhỏ bé lại và đưa tới đảo Guam. Những người sống sót ở đó cho tới khi người ta tìm được nơi bảo trợ cho họ ở Mĩ.

Bà ngoại kể về Việt Nam với giọng hoài cổ. Bà kể về vùng quê xinh đẹp, về đồ ăn, nhưng hơn cả là về con người. Hoàn cảnh khó khăn và con người thì nghèo khổ. Nhưng luôn luôn có hi vọng. Chẳng ai có gì trong tay nhưng họ vẫn còn nhau. Bà kể cho tôi rằng người dân trong làng sẵn sàng chia đồ ăn và giúp bà vì bà là người nghèo nhất. “Người Việt Nam rất mạnh mẽ và yêu thương nhau, họ có thể cùng nhau chịu đựng và vượt qua tất cả những khó khăn.” Bà từng nói vậy.

Những câu chuyện bà kể cứ tắc trong đầu tôi, nhắc tôi nhớ những gì bà đã phải hi sinh để cho tôi có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi tiếp tục làm việc chăm chỉ và học tốt ở trường. Tính tới năm hai mươi mốt tuổi, tôi đã làm rất nhiều nghề: quản lí nhà hàng ăn, nhân viên ngân hàng, nhân viên nhà đất, làm kinh doanh, và chuẩn bị tốt nghiệp sớm tại một trong những trường đại học hàng đầu Mĩ. Đó là lúc tôi quyết định tới Việt Nam để du học. Những câu chuyện của bà ngoại khơi dậy sự tò mò trong tôi về một đất nước mà nếu không vì chiến tranh thì hẳn tôi đã lớn lên ở đó.

Giờ thì những suy nghĩ của bà về Việt Nam đã đổi khác, như rất nhiều người khác. Nước Mĩ không hoàn toàn như những gì họ đã hi vọng. Giấc mơ về một cuộc sống dễ dàng và giàu có sớm tan đi. Thực tế đến khi họ phải vào ở một trại tập trung dành cho dân nhập cư ở Arkansas. Bà và sáu anh chị em của mình sớm bị chia cắt và đưa tới những nơi khác nhau trên nước Mĩ. Họ bị chia tách và cô đơn trên một miền đất khách, trong lòng chưa nguôi nhớ thương quê nhà.

Vẫn còn quay cuồng vì những trải nghiệm đau đớn và phải thích nghi với thực tế ở nước Mĩ, họ phải vác thêm một gánh nặng nữa lên đôi vai. Họ bị gọi là những kẻ phản bội bởi những người họ bỏ lại sau lưng. Sẽ không bao giờ được chào đón trở lại, họ không còn là người Việt Nam nữa, mà là Việt Kiều. Vậy nhưng gia đình và bạn bè ở cố hương vẫn sẽ liên lạc có thể còn hỏi xin tiền. Có lẽ, trong ý nghĩ của những người ở lại, một khi bạn đang sống ở nước Mĩ thì có nghĩa là bạn giàu có. Dù ông ngoại tôi khi đó đã mất nhưng họ hàng của ông vẫn liên lạc với bà sau nhiều năm. Họ nhắn bà gửi tiền về, mặc dù họ đã đuổi bà ra khỏi nhà khi bà mang bầu. Những hiểu lầm và oán hận đã tạo ra rạn nứt trong quan hệ và suy tư của bà ngoại và những người đã trải qua biến cố đau đớn như bà.

Tôi nhận thấy sự cay đắng trong giọng nói của bà ngoại khi bà ngăn tôi đi: “Việt Nam nghèo, bẩn thỉu và nguy hiềm lắm. Rồi con sẽ bị mắc đủ thứ bệnh. Người ta sẽ lợi dụng con, lừa con hoặc cướp của con vì họ nghĩ con có tiền. Bọn con gái sẽ muốn cưới con hoặc cố tình có bầu để con phải mang chúng nó về Mĩ. Đừng có làm liều con ơi. Đi du học ở Châu Âu đi.”

Hùng và bà ngoại trong lễ tốt nghiệp

Bất chấp lời khuyên ngăn của bà, tôi tới Việt Nam vào tháng Tám năm 2010. Tôi đã lỡ đem lòng yêu Việt Nam và Liên, một cô gái Việt Nam. Tôi phải thừa nhận rằng lúc đầu tôi đã mệt mỏi và nghi ngờ tất cả những người mới gặp. Nhưng một khi tôi chịu mở lòng và sẵn sàng tìm hiểu, mối gắn kết yêu thương ngay tức khắc được hình thành. Thuộc một thế hệ không phải chứng kiến cảnh chiến tranh, tôi thấy biết ơn và trân trọng Việt Nam rất nhiều, không có kí ức đau buồn mà đến bây giờ những thế hệ trước vẫn phải sống cùng. Tôi không phải mang trong mình bất kì gánh nặng hay suy nghĩ tiêu cực nào. Tôi chỉ cảm thấy một mối liên hệ mạnh mẽ và lòng yêu nước dành cho Việt Nam. Việt Nam và con người nơi đây đã cho tôi quá nhiều mà không cần đòi hỏi nhận lại điều gì.

Tôi trở lại đây sau khi tốt nghiệp. Kế hoạch ban đầu là tôi chỉ dành vài tuần thăm lại bạn bè trước khi chuyển tới New York. New York là biểu tượng của nước Mĩ. Những tòa nhà chọc trời, những ánh đèn sáng, cuộc sống hối hả. Đó là môi trường hoàn hảo để tôi phát triển. Bạn thân của tôi, Jonathan Williams, một cầu thủ bóng rổ được săn đón đã nhận một học bổng để chơi bóng ở New York. Một trong những huấn luyện viên nổi tiếng là Bobby Hurley, người tôi đã dõi theo trên ti vi suốt từ khi tôi còn bé tới giờ cũng đã có lời rủ rê rôi. Chỗ ở sẽ được thu xếp cho tôi, tôi chỉ việc đi. Và đó là kế hoạch được vạch ra cho tới khi tôi quay lại Việt Nam và không bao giờ trở lại.

Bà ngoại và mẹ tôi không thích ý tưởng này chút nào. Cả hai không thể hiểu nổi tại sao tôi chọn ở lại Việt Nam trong khi một tương lai sán lạn đang chờ tôi ở Mĩ. Do một đứa con gái, họ nói. Chắc chắn là do một đứa con gái. “Đừng vứt cuộc đời của con đi vì một cô gái” mẹ khuyên can tôi. Bà ngoại thậm chí còn kịch tính hơn: “Bà đã hi sinh rất nhiều để tới Mĩ để cho con cuộc sống tốt hơn. Tại sao con lại muốn quay lại đó?” bà nài nỉ.

Liên là một cô gái tuyệt vời, xinh đẹp cả hình thức lẫn nội tâm. Cô ấy đầy lòng vị tha và đã yêu thương chăm sóc tôi bằng cả trái tim. Nhưng Liên không phải là lí do khiến tôi ở lại. Cô ấy là tình yêu đầu và là bạn gái duy nhất của tôi từ trước tới giờ. Trước đây tôi từng hẹn hò với phần lớn là các cô gái Mĩ da trắng và chưa từng hẹn hò với một cô gái Việt Nam nào. Nhưng chúng tôi đã chia tay khi tôi trở lại Mĩ, khoảng cách là điều khó vượt qua.

Tôi ở lại là vì tôi đã yêu Việt Nam thêm một lần nữa, Vẻ đẹp của  ấy kì diệu, không giống bất cứ thứ gì tôi từng được thấy. Những đường cong quyến rũ, những âm thanh êm ái mời gọi.  ấy tỏa ra thứ mùi hương thơm tuyệt vời. Nhưng  ấy có cách quyến rũ ta rất kì lạ, nhưng ta chẳng thể nào không yêu  ấy: Việt Nam.

Lần thứ hai trở lại, tôi có thể nói nhiều tiếng Việt hơn. Tôi không còn nhìn đất nước với con mắt của một khách nước ngoài nữa. Tôi đi du lịch đó đây và bắt đầu nhận ra vẻ đẹp và sự đa dạng của đất nước này. Những ngọn núi của  ấy đứng cao hiên ngang tự hào, những vùng bình nguyên của  ấy được che phủ bởi lớp cỏ xanh, và những vùng đồng bằng màu mỡ chẳng khác nhau, mỗi nơi đều có giọng điệu, âm thực và văn hóa đặc trưng khác biệt.

Tôi không kiếm được nhiều tiền. Tôi phải sống xa gia đình nhưng tôi được tận hưởng cuộc sống ở đây. Cuộc sống ở đây thoải mái hơn, nó cho phép bạn sống chậm lại và trân trọng nhiều điều hơn. Bạn không cần quá nhiều thứ để có thể có được hạnh phúc. Hạnh phúc được đo bằng tình yêu và văn hóa, không phải bằng tiền và vật chất. Càng ở lâu, tôi càng yêu nhiều hơn. Thêm một tháng rồi lại thêm nhiều tháng nữa, cuối cùng thì tôi ở lại.

Và càng ở lâu, tôi lại thấy mình là người Việt Nam. Khởi đầu là những điều nhẹ nhàng như tôi từ chối nói tiếng Anh, chỉ ăn toàn đồ Việt và giới thiệu tên tôi là Hùng. Nhưng rồi những nỗ lực nhanh chóng bùng cháy thành ngọn lửa lớn khi tôi muốn trở thành người Việt Nam thực thụ chứ không phải chỉ là một anh chàng Việt Kiều. Tôi lại càng thấy ấm ức khi người ta hỏi tôi “Cháu là người nước nào?” “Cháu là người Việt Nam”, tôi luôn trả lời như vậy. “Không phải đâu, cháu là người nước nào?”, họ hỏi thêm lần nữa.

Trong suy nghĩ của tôi, tôi chính là người Việt Nam 100 %. Tôi không thể chọn nơi mình sinh ra, và nếu không phải vì cuộc chiến xưa kia thì có lẽ tôi đã lớn lên trên đất nước hình chữ S cùng các bạn ở đại học này. Có nhiều người đã chấp nhận tôi, nhưng một vài người “cứng đầu” vẫn khăng khăng rằng tôi không phải và không bao giờ trở thành người Việt Nam “nguyên chất”. Người Việt Nam vẫn nổi tiếng về sự hoài nghi này. Nhưng điều đó chỉ đổ thêm dầu và lửa và truyền thêm cảm hứng cho tôi mà thôi.

Cùng các bạn ở đại học

Trong đời, sẽ có những khoảnh khắc làm nên con người của bạn, và có thể sẽ theo bạn suốt cuộc đời. Một trong những khoảnh khắc đó đã đến với tôi. Tôi đã quyết định từ bỏ công việc của một người dẫn chương trình truyền hình đang bắt đầu có chút tiếng tăm, để bắt đầu hành trình xuyên Việt. Chuyến đi này sẽ không giống với bất cứ chuyến đi nào khác. Tôi sẽ đi từ Hà Nội vào Sài Gòn với không một xu dính túi, chỉ đem theo niềm tin rằng lòng tốt của người Việt Nam sẽ đưa tôi tới nơi. Mục đích của tôi rất đơn giản, tôi muốn khám phá đất nước này và tìm cho ra phần “Hùng” trong con người John Hùng của tôi. Có lẽ điều này sẽ giúp chứng tỏ cho tất cả mọi người và cả bản thân tôi rằng: tôi thực sự là người Việt Nam.

Tin tức về chuyến đi sắp tới của tôi đã lan nhanh trên các báo, như lửa cháy trên đồng cỏ khô. Nhiều người ủng hộ tôi, vài người lại hoài nghi, một vài người thậm chí còn nói tôi sẽ chết trên đường. Tại sao một người Mĩ gốc Việt lại muốn từ bỏ một cuộc sống “sung sướng” ở bên Mĩ? Người ta bắt đầu suy đoán, “Anh ta làm thế để được nổi tiếng?”, “Anh ta muốn đi du lịch miễn phí?”, “Anh ta muốn cho thế giới thấy lòng tốt của con người Việt Nam?”… vân vân và vân vân. Ai cũng có ý kiến riêng của họ, không cần biết đúng hay sai. Phần lớn mọi người không tin tôi có thể làm được.

“Đúng là đồ điên. Tôi là người Việt Nam mà tôi còn không muốn thử làm điều như thế. Cậu ta nghĩ người Việt Nam sẽ giúp cậu ta à? Cậu ta đúng là người không hiểu người Việt Nam”, một người đã viết như vậy trên facebook của tôi. Có vẻ suy nghĩ đó khá phổ biến và nhiều người cùng có chung quan điểm như vậy. Tôi không ấm ức với họ nữa mà thấy buồn. Không phải tôi buồn vì người ta không tin tôi, mà vì cảm thấy con người hình như không còn tin tưởng nhau. Con người đã đánh mất niềm tin ở chính những người xung quanh mình.

Nhưng tôi biết phần lớn những người nghi ngờ dự định thực hiện cuộc hành trình của tôi đều chưa bao giờ đi hay thực sự trải nghiệm trên đất Việt. Nhiều người thậm chí còn chưa bước chân ra khỏi vùng quê của mình, thành phố của mình. Họ chỉ tin vào những điều họ được nghe kể hay đọc được trên mạng internet. Họ tập trung nhiều vào suy đoán tiêu cực mà không màng tới sự thật rộng lớn hơn. Cũng giống như những người Việt Nam ở nước ngoài không muốn trở lại Việt Nam không tốt đẹp gì, thì người Việt Nam trong nước cũng không dám thực hiện chuyến đi mà tôi sắp dấn thân vào. Nhưng làm vậy là họ đã để lỡ mất những vẻ đẹp, những cơ hội được nhìn và trải nghiệm những điều mà chúng ta không thể giữ được lâu. Cuộc sống là không lường trước được. Chẳng ai biết được cuộc sống sẽ mang đến cho chúng ta điều gì, nhưng nếu không sống hết mình thì làm sao chúng ta có thể biết câu trả lời.

Chuyến đi trước mắt sẽ rất khó khăn và nhiều thử thách. Nhưng tôi nhớ Martin Luther King Jr[1]đã nói rằng “Người đàn ông được đánh giá không phải trong lúc anh ta được hưởng sự tiện nghi, mà phải là lúc anh ta đối mặt với những khó khăn và gian khổ.” Và những khó khăn, gian khổ sẽ tới rất nhiều lần. Có những lúc tôi đã bị dọa ném vào tù, có khi bị lôi kéo quyến rũ, có lúc lại tự vấn phần “Hùng”trong mình liệu có tồn tại, hay có khi lại đứng chênh vênh giữa sự sống và cái chết.

[1] Martin Luther King Jr (1929 – 1968), mục sư, nhà hoạt động dân quyền người Mỹ gốc Phi đoạt giải Nobel Hòa bình năm 1964. Ông là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử đương đại của phong trào bất bạo động.

Đây là giây phút quyết định. Ba mươi sáu năm trước, bà ngoại tôi dũng cảm rời đến nước Mĩ, đối mặt với những bất trắc, hi vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các con của bà. Ba mươi sáu năm sau, cuộc đời tôi đi một vòng tròn quay lại chính đất nước mà bà đã ra đi. Hành trình của tôi không thể sánh với hành trình bà đã trải qua, nhưng nó cũng rất quan trọng với tôi. Trên tấm hộ chiếu, tôi là người Mĩ, nhưng trong dòng máu chảy thẳng qua tim, tôi là người Việt Nam. Nếu phần “Hùng” trong tôi thực sự tồn tại, tôi sẽ tìm thấy anh ta trên dọc những con đường của Việt Nam. Và nếu đã đi, tôi nhất định tìm ra anh ta, hoặc là bỏ mạng trên đường.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.