John Đi Tìm Hùng

Chương 4 – Phần 2



Chiếc xe máy Honda Wave cũ có vẻ đã đi được khá lâu rồi. Bàn số hơi bị kẹt và tiếng động cơ rất ồn nhưng xe vẫn chạy khỏe. Đã ba tuần không đi xe máy nên tôi cảm thấy hơi lạ lúc đầu, nhưng lại nhanh chóng thấy thân quen. Tôi lái xe loanh quanh vô định, chỉ để tận hưởng những cơn gió nhẹ thổi lướt trên mặt. Tôi đi theo tấm biển ghi Biển Nhật Lệ và lên tới một cây cầu. Tôi dừng lại. Ở cả hai bên là những con tàu lớn màu xanh với những sọc đỏ. Tôi đứng dựa thành cầu, quan sát người trên tàu vận chuyển những túi lớn từ tàu này sang tàu kia.

Tôi luôn ngưỡng mộ những con tàu và đại dương rộng lớn. Có cái gì đó về sự mênh mông của sông nước khiến tôi thích thú, tưởng tượng mình đang trôi nổi trên mặt nước mà không có điểm dừng, thật thú vị. Hẳn là tôi có trong máu niềm vui thích này từ phía bên ngoài. Cụ kị tôi là người Hải Phòng, nhiều thế hệ đã làm nghề chài lưới, bà ngoại nhớ như vậy.

“Bà còn nhớ khi bà bốn tuổi, những con thuyền cập bến là bà chạy tới giúp gỡ những thùng cá to mà thuyền của cha bà mang về”, bà vẫn rất hồ hởi khi kể lại cho tôi nghe. Bà ngoại có rất nhiều kí ức về những con thuyền, đại dương đã lấy mất hai người chồng của bà.

Tôi đi qua cầu và nhanh chóng tới biển Nhật Lệ. Nơi này không giống một bãi biển tắm. Thất vọng, tôi quay đầu, tìm kiếm một điểm đến nào đó thú vị hơn. Vài người chỉ cho tôi tới động Phong Nha. Tôi không biết đường nhưng đi theo những biển chỉ dẫn và hỏi người đi trên đường. Con đường vắng vẻ, trừ vài chiếc xe ô tô và xe khách du lịch đi qua. Tôi đi mất 30 phút trên đoạn đường 37 kilômét đầy những ngọn đồi và núi được bao phủ bởi một lớp cây cỏ xanh ngát, khiến tôi không thể không dừng xe.

Cuối cùng tôi cũng tới nơi, tấm biển gi “Di sản thiên nhiên thế giới – Công viên quốc gia Phong Nha”. Tôi chạy xe dọc con sông, thi thoảng dừng lại để nói chuyện với người dân địa phương. Họ nói rằng có rất nhiều động khác trong khu vực này đáng để xem, ở đó ít người hơn. Nhưng vì không có nhiều thời gian, tôi chọn động Phong Nha. Tôi tới chỗ người bán vé.

“Anh đi có một mình. Anh có định thuê riêng một thuyền không?” cô gái hỏi tôi.

“Anh không có tiền. Anh tưởng vào xem thì miễn phí?” tôi nói. Cô gái cười chỉ vào bảng giá trên đầu. Tôi chán nản quay đi.

“Em đi một mình à?” một người đàn ông đeo kính đen hỏi tôi. Tôi quay lại nhìn,

“Anh là hướng dẫn viên du lịch ở đây, nhóm anh đang thiếu ba người, anh có ba vé thừa. Cho em một cái này” anh nói, đưa cho tôi một vé.

“Cảm ơn anh nhiều.”

“Không có gì. Có một cô cũng đang đi một mình, đi cùng cô ấy đi. Đừng có tách nhau ra là được.”

Động Phong Nha

Cô gái là sinh viên năm cuối. Cô từ Nam Định tới, đang học du lịch nên rất hào hứng khi có được chuyến đi thực tế miễn phí này. Cô gái rất hào hứng khi biết tôi là ai, “Em đã đọc nhiều bài về anh rồi, anh đang được thực hiện ước mơ của em đó”, cô gái nói. Chúng tôi đi theo nhóm khách du lịch lên một con thuyền và đi vào động Phong Nha. Chuyến đi hai giờ đồng hồ hóa ra lại có cảm xúc rất bình thường, khiến tôi thấy mình đã quyết định đúng vì không chi tiền cho việc này. Sau chuyến thăm động, cô sinh viên đề nghị tôi cho cô đi cùng nốt hành trình.

“Mỗi người đều có một con đường riêng để đi. Nếu em đi cùng anh con đường mà anh muốn đi, đó sẽ không phải là điều tốt nhất cho em”, tôi nói. “Nếu em thực sự muốn đi, em sẽ không cần anh. Một ngày nào đó khi em đã sẵn sàng, và em quyết định đi đấy mới là điều em muốn, hãy cứ đi và sống cho chính em.” Cô sinh viên cảm ơn tôi vì đã khích lệ và lên xe khách một mình, trước khi rời đi không quên quay lại vẫy tay tạm biệt tôi.

Tôi vội phóng xe quay trở lại đoạn đường 37 kilômét thật nhanh. Tối hôm đó tôi ăn tối cùng cha mẹ chị Thảo. Bác gái hỏi nhiều và hoài nghi về câu chuyện của tôi. “Con gái bác nói là cháu khá nổi tiếng vì đi dọc Việt Nam”, bác nói với ánh nhìn hoài nghi không che giấu. “Bác không tin. Làm sao mà đi du lịch không cần tiền được?”, bác hỏi lại tôi lần nữa. Tôi nói rằng thật ra cuộc đi diễn ra khá dễ dàng vì người Việt Nam đã giúp tôi rất nhiều. Bác nhìn tôi lần nữa và mỉm cười, “Bác vẫn không tin được”.

Chiều hôm sau, bác gái cùng chị Thảo, người quay phim là chồng chị Thảo, và hai người nữa đi cùng để làm phóng sự về tôi. Chúng tôi đi tới nhà dì của chị Thảo, là em út của mẹ chị. Chúng tôi gặp đôi vợ chồng nông dân và con trai của họ. Họ mời chúng tôi uống vài li. Tôi nhấp bia cho lịch sự, vì sợ mặt tôi sẽ biến màu đỏ. Ở quê, uống rượu bia là việc thể hiện sự tôn trọng, đặc biệt là khi liên quan tới công việc.

Việc ghi hình diễn ra khá nhanh và dễ dàng. Họ muốn tôi làm nhiều việc đồng áng để họ quay vài phút. Tôi thấy không thật chút nào, còn cảm thấy hơi tội lỗi vì có thể các khán giả khi xem chương trình sẽ bị lừa. Nhưng đoàn làm chương trình có vẻ hài lòng với những khung hình và nhanh chóng thu dọn ra về. Tôi muốn được ở lại. Gia đình người nông dân vui vẻ đón tiếp tôi. Mẹ của chị Thảo thì đã nghĩ tôi không thể chống chọi nổi một ngày. Nhưng hóa ra đó lại là một quyết định tuyệt vời của tôi.

Hai ngày hôm sau thật tuyệt. Tôi dành thời gian làm việc thực sự cùng người nông dân và tận hưởng những gì khiến “nhà quê” trở nên đặc biệt. Ở Mĩ, nghĩa của từ “quê” không thực sự cho ta cảm giác đặc biệt tương tự. Bây giờ tôi đã hiểu câu hỏi “Quê bạn ở đâu” lại quan trọng đến vậy. Bạn đến từ đâu, quyết định khá nhiều về tính cách của bạn. Ở Việt Nam, nhiều người nhắc đến quê như đeo một huy chương tự hào. Tôi không mất nhiều thời gian để kết bạn và trở thành một thành viên danh dự của miền quê này.

Sống ở vùng nông thôn khiến ta có cảm giác như thời gian chậm lại, cho bạn tận hưởng những thứ giản đơn trong cuộc sống. Tối hôm đó, sau bữa tối ngon tuyệt, cậu con trai của chị Thảo đang tuổi thiếu niên rủ tôi đi chơi. Điểm dừng đầu tiên của chúng tôi là một cái hố trong làng. Cậu con trai, tôi và một vài đứa bạn đã dừng ở vài nhà để xin chút tiền lẻ. Chúng tôi gom nhiều tiền lại đủ mua đồ uống, thuốc lá và chơi bài. Tôi ngồi xem họ chơi. Mức cá cược không nhiều, nhưng trò chơi pha chút thô tục “đù mẹ mày” khiến có cảm giác như người chơi đang cược rất cao.

Tôi nhận ra các cược là phạm pháp ở Việt Nam, nhưng như vậy không có nghĩa là ít người chơi. Tôi đã từng bị say một lần và được đưa tới một sòng bạc nhỏ. Lúc đó tôi đang uống cùng gia đình một người bạn thì một trong các ông bác đến hỏi tôi có muốn đi xem cá cược ở Việt Nam là như thế nào không. “Chắc chẳn rồi, sao lại không cơ chứ?”, lúc này tôi đã khá ngấm hơi men. Họ bảo tôi cứ uống “rượu thuốc” bao nhiêu cũng được mà không sợ bị say, nhưng họ sai rồi. Khi tôi đã khá say, họ đưa tôi tới một khu nhà được trang bị như một sòng bạc với nhân viên an ninh và hai con chó to.

Có gì đó khiến người Việt Nam và các cược lúc nào cũng đi đôi với nhau. Ở Việt Nam, xổ số rất phổ biến. Ở Mĩ, nhiều người Việt Nam mà tôi biết rất ghiền cá cược và thường xuyên ra vào các sòng bạc. Một, hai cậu của tôi đã từng phá sản vì cá cược. “Với số tiền bị thua, cậu đáng lẽ đã mua được một ngôi nhà”, cậu tôi đã nói như vậy. Thậm chí bà ngoại cũng thích chơi ở các máy giật xèng. Bà chỉ chơi với một ít tiền nhưng có thể ngồi đó hàng giờ đồng hồ. Tôi nghĩ, các lại đáng cược nên bị coi là phạm pháp thì có lẽ cũng là điều tốt cho xã hội.

Sau những trận đánh bài gay cấn, chúng tôi đi bắt chim. Được trang bị với đèn pin và một cái thang, chúng tôi trèo lên những cái cây để ăn trộm chim non. Chúng tôi trúng quả lớn khi tìm thấy một cái tổ với ba con chim xinh đẹp. Lúc này đã là 10 giờ đêm, chúng tôi chạy vội về nhà trong bóng đen, không có đèn chiếu, thỉnh thoảng giẫm phải phân trâu bò sau khi bị một nhóm những người đàn ông say rượu đuổi theo. “Chạy đi. Nếu mà bị bắt là phải uýnh nhau đó”, cậu bé cảnh cáo. Tôi không sợ nhưng tôi chạy vì đã giẫm phải phân bò vài lần trong bóng tối.

Sáng hôm sau, tôi giúp gia đình người nông dân xử lí đống lúa sau khi đã đưa đàn bò đi ăn cỏ. Năm bao lớn nằm dài trong nhà. Người ta đã đem trả lại cho người nông dân sau khi người bán hàng nói với họ rằng chẳng có ai mua lúa cả. Những người buôn bán trung gian chẳng hề thấy thương xót cho những người nông dân. Cuộc sống của người nông dân rất vất vả, những thất bại thế này lại khiến cuộc sống ấy dường như càng khó chịu đựng hơn. Không thể bán được lúa sau một mùa vụ dài có nghĩa là nhà sẽ ít tiền hơn và nhiều hi sinh hơn.

Chúng tôi giúp xay lúa thành gạo, hi vọng họ có thể bán nó cho những người trong vùng để bù được chút lỗ. Sau bữa trưa, bác nông dân nói cho chúng tôi nghỉ buổi chiều. Vài giờ câu cá nhưng chẳng được con nào, chúng tôi đi tìm cuộc mạo hiểm mới, trèo cây để hái một loại quả thơm. Tôi lần mò tìm được đường trèo lên cành cao nhất. Tôi không nhớ nổi tên của loại quả đó nhưng nhất định là nó không giống lại quả nào tôi đã từng ăn trước đây. Không thể nói chính xác là có ngon hay không, nhưng chấm bột canh, loại quả này ăn khá vào miệng. Đó là một thứ quả to cỡ ngón tay cái, có mùi vị thơm thơm, bùi bùi và hơi đắng.

Tôi ăn dè xẻn vì bác nông dân nói sẽ có bữa tối đặc biệt. Đúng như quảng cáo. Nguyên một con vịt được làm thành các món vịt áp chảo, tiết canh, và cháo vịt. Sau bữa tối, bác nông dân, người còn trai và tôi ngồi chơi trước nhà. Chúng tôi nhâm nhi bia lạnh và nói chuyện tới khi không còn chủ đề gì để nói nữa. Nhưng thực ra cũng không cần nói gì nữa. Bụng chúng tôi đã no căng với bia và đồ ăn ngon, không khí mát mẻ đã xoa dịu những cơ bắp đau nhức của chúng tôi. Nhìn vào màn đêm, những con chó nằm im ắng dưới gốc cây, có một sự yên lặng thanh bình như thể nói với ta đừng để những vấn đề của ngày mai trở thành nỗi lo của ngày hôm nay.

Món tiết canh vịt

Ngày hôm sau chúng tôi dành phần lớn thời gian làm những việc tương tự như hôm trước. Buổi chiều, bác nông dân lái xe đưa tôi về thành phố. Chị Thảo muốn tôi quay nốt cảnh phỏng vấn trước khi tôi tiếp tục lên đường. Nhưng việc quan trọng phải làm trước, đó là thứ bảy, có nghĩa là tất cả đám con cháu sẽ về ăn tối ở nhà ông bà. Năm cái chiếu được xếp cạnh nhau trong phòng khách để đủ chỗ cho cả gia đình lớn. Rất nhiều đồ ăn được nấu và một thùng bia sẵn sàng chiêu đãi cơn khát của mọi người. Bỗng nhiên tôi thấy nhớ nhà.

Khoảng 12.000 kilômét phía bên kia Thái Bình Dương, gia đình lớn của tôi cũng đang chuẩn bị cho buổi tụ tập cuối tuần. Sẽ là những món ăn Việt Nam và Mĩ được kết hợp, cùng với bia và rượu. Chúng tôi thường gặp gỡ trong các dịp sinh nhật, kì nghỉ, hoặc chẳng vì dịp gì cả. Gia đình Mĩ thì thường không gặp nhau thường xuyên nhưng có thể nói rằng chúng tôi vẫn giữ được sự gần gũi và ham tiệc tùng của người Việt Nam. Với chín người cậu và dì, cùng hai mươi tám anh em họ, lúc nào các cuộc gặp mặt cũng rất vui.

Tôi không bao giờ muốn thói quen này thay đổi. Đương nhiên chúng tôi có những trận cãi vã, thậm chí có lúc còn đánh nhau, nhưng rút cục chúng tôi vẫn là gia đình và luôn bảo vệ nhau. Mọi người bây giờ đều đã trưởng thành nên mọi chuyện trở nên tốt đẹp hơn. Trước đây khi chúng tôi còn nhỏ, đồ ăn không có nhiều. Mọi người thường hỏi vì sao tôi ăn nhanh thế, tôi lại nhớ lại những buổi tụ họp gia đình khi trước. Không ai bị để đói, nhưng nếu ăn chậm, bạn sẽ chỉ còn lại vụn và đồ không ngon để ăn.

Ngồi đây tận hưởng bữa ăn gia đình, quan sát một vài người thỉnh thoảng trêu đùa chọc tức các anh chị em khiến tôi nhớ gia đình của tôi vô cùng. Trong một năm ở đây, tôi đã bỏ lỡ bao nhiêu tiệc sinh nhật, ngày chào đời của em họ, hai lễ tốt nghiệp, cùng rất nhiều niềm vui và tình yêu thương nữa. Sống ở Việt Nam thỉnh thoảng tôi cũng thấy cô đơn, nhưng đó là việc cần làm. Tôi không lo nhiều cho gia đình tôi vì mọi người có thể chăm sóc lẫn nhau rất tốt. Điều tôi thấy lo lắng hơn là cách Việt Nam đang thay đổi, đánh mất đi những thứ khiến nơi này đặc biệt. Tính cộng đồng và giá trị của gia đình. Ở Hà Nội, tôi đã cảm thấy những thứ đó gần như bị mất hết, đặc biệt là giới trẻ. Đi thăm họ hàng, ông bà, các bác, các cô, cùng bạn bè đến và sẽ đi, bạn sẽ chỉ còn lại gia đình. Đó là nơi bạn bắt đầu và cùng là nơi bạn kết thúc.

Làm ruộng ở Quảng Bình

Đó là đêm cuối cùng của tôi ở đây và tôi đã thực sự cảm thấy như mình thuộc về nơi này. Đã đi tới nhiều vùng quê, tôi biết ở đây, ý niệm về gia đình và cộng đồng vẫn còn tồn tại rất bền vững. Ngay cả mẹ của chị Thảo, người đã hoài nghi và không mấy chào đón tôi lúc đầu thì giờ đã thực sự mở rộng vòng tay với tôi. “Nếu lần tới có dịp đi qua Quảng Bình, nhớ là phải vào thăm nhà bác đó. Mong Tết gặp lại cháu.” Bác nói với tôi trong nụ cười tươi. Sáng hôm sau, bác đánh thức tôi dậy trước khi ra chợ và ôm tạm biệt lần cuối. Bác trai thì chọn cách bắt tay, và chúc tôi một chuyến đi may mắn. Con đường phía trước còn dài nhưng ý nghĩa về nhiều trải nghiệm với con người và gia đình như thế này hơn khiến chặng đường dường như ngắn lại.

Chị Thảo đón tôi và đưa tới quán cà phê cho buổi phỏng vấn cuối cùng. Ngồi đó với người MC, tôi cảm giác như mình nợ tất cả những ai tôi đã gặp điều này. Khi được hỏi về Quảng Bình, về con người và trải nghiệm ở đây, tôi đã trả lời một cách chân thành về những gì đã diễn ra trong vài ngày qua. Một câu trả lời trung thực.

“Người dân Việt Nam, hàng chục triệu người đang sống ở các vùng quê là những người tốt và hiếu khách nhất mà tôi từng gặp. Chuyến đi của tôi cho tới nay thật kì thú và tôi rất mong được trở lại và giúp đỡ họ một ngày không xa. Mặc dù tôi sinh ra ở Mĩ, nhưng tôi có cảm giác như đây là nhà mình, dòng máu chảy trong tôi là dòng máu Việt Nam.”

Đó là những lời nói từ tận trái tim tôi, những lời nói mà tôi đã bắt đầu thực sự cảm nhận được. Còn rất nhiều điều để học nhưng tôi đang tiến bộ dần. Tôi rất vui vì được kết thúc chương viết này của hành trình. Tất cả những gì đã xảy ra với Thanh và được chứng kiến hậu quả của cuộc chiến đã xảy ra từ rất lâu về trước đã vắt kiệt cảm xúc của tôi. Tôi đã sẵn sàng tiếp tục chuyến đi. Ngày cuối ở Quảng Bình khi tôi chuẩn bị đi, cha chồng của chị Thảo vội rời một đám cưới để chạy về gặp tôi.

“Bác đã nghe và đọc về cháu nhiều rồi. Bác chỉ muốn tới bắt tay cháu một cái.” Bác nói và nắm chặt lấy tay tôi. Bác giữ lấy tay tôi và nói “Người trẻ như cháu hiếm quá, không có ai ở tuổi cháu mà lại nghĩ nhiều cho xã hội và đất nước vậy. Thế là có hi vọng rồi. Bác chiến đấu vì tổ quốc. Bác yêu nước với tất cả con tim. Thật là vinh hạnh vì được bắt tay cháu.”

Tôi thật sự rất vui sướng vì những lời nói của bác, nhưng đó là những lời khen mà tôi chưa dám nhận.Tôi chưa làm được điều gì đáng để được bác cảm ơn. Điều mà bác và nhiều người khác đã làm mới thực sự đáng ngưỡng mộ. Họ đã hi sinh và cam chịu quá nhiều cho đất nước của mình.

Trong khi tôi dọn đồ, Thái Hải, một nhà thơ nổi tiếng ở Quảng Bình đã tới tặng tôi hai quyển sách của ông. Ngoài bìa có ghi “Thân yêu tặng Trần Hùng John, một người đặc biệt. Tôi luôn ủng hộ và quý bạn.” Những bài thơ của ông phần lớn là về chiến tranh, điều mà tôi hay bất cứ ai khác tầm tuổi của tôi khó có thể bao giờ hiểu được hết. Điều quan trọng là chúng ta biết và trân trọng những gì người đi trước đã làm. Cuộc chiến sẽ mãi mãi là một kí ức đen tối của Việt Nam, quãng thời gian tuy đã qua nhưng vẫn sẽ không bao giờ quên được.

Tuổi Mười Bảy

Rũ bụi chiến trường vẫn phong trần trận mạc

Đường về quê ngược bước hành quân

Người lính trẻ ngày xưa vẫn trẻ

Mắt búp bê nhấp nháp nắp ba lô

Sau cuộc chiến vẫn đằng sau cuộc chiến

Còn bao thằng nằm lại không về

Ngơ ngác bay cùng bồng bềnh mây trắng

Cùng lời thề tuổi mười bảy, ngàn lau…


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.