John Đi Tìm Hùng

Chương 9 – Phần 1



Trong cuộc sống, chúng ta không thể kiểm soát điều gì sẽ xảy đến. Những gì không thể làm bạn gục ngã chỉ có thể khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn. Vì vậy bạn sống để chiến đấu từng ngày, mạnh mẽ hơn và sáng suốt hơn ngày hôm qua.

Năm 1965, bà ngoại mang thai người con thứ hai, bụng phình to như chiếc bánh bao ngoại cỡ. Sau khi kết hôn, bà phải tới sống cùng gia đình chồng. Tất cả số tiền bà dành dụm được sau bao nhiêu năm tháng làm lụng và một chút ít đồ trang sức, bà dành để mua một chiếc thuyền đánh cá nhỏ.

Vào một ngày, có vật gì rất nặng mắc vào tấm lưới. “Lùi lại, đừng có làm vướng đường”, chồng của bà chỉ đạo. Người chồng của bà và cháu trai của ông ta tới kéo chiếc lưới nặng lên thuyền.

BÙMMM!

Một ánh chớp lóe lên theo sau là tiếng nổ ầm ĩ. Bà ngoại bị thổi bay ra xa. Chiếc thuyền lao đao như một món đồ chơi nhỏ bé. Bà nhìn xuống và thấy máu đang chảy ròng như sáp nóng chảy trên cây nến cháy dở. Bà chạm vào những vết thương bỏng rát trên cổ và trên mặt. Bà sờ thấy những mảnh kim loại sắc nhọn.

Nhưng không có thì giờ để lo cho những vết thương ấy. Bà lập tức chạy xuống dưới khoang tàu, nơi bà để cậu Cảnh tôi lúc đó mới bốn tuổi ngồi. Cậu bị xô ngã nhưng không bị thương. Rồi bà chạy tới chỗ người chồng, bước qua xác người cháu trai đã chết ngay sau vụ nổ. Một đống lộn xộn đầy máu bao quanh chỗ ông tôi nằm. Chồng của bà nằm đó, máu chảy ra rất nhiều từ bụng. Bà ngoại đã cố gắng cầm máu cho ông trong khi một chiếc thuyền đánh cá khác đã vội chạy đến để giúp đưa họ vào bờ.

Điều nực cười là ông tôi qua đời không phải do bị mất quá nhiều máu, mà do bác sĩ kê nhầm đơn thuốc. Nhưng bà ngoại tôi lại bị buộc tội cho cái chết của ông. Người đàn bà bụng mang dạ chửa bị đuổi khỏi nhà. Nhiều thập niên sau, bà lại phải chịu đựng một bi kịch khác. Người chồng thứ hai của bà đã mất ngoài biển trong một chuyến đi đánh cá, chẳng ai tìm thấy xác của ông ấy. Lần này bà một thân một mình ở đất khách quê người, không nghề nghiệp, và mười đứa con cần chăm sóc. Bà khóc hàng tuần liền, nức nở rằng khóc thương chồng thôi cũng đã đủ để giết bà rồi. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn và bà trở nên mạnh mẽ hơn.

Khoảng 3 giờ sáng, tôi dần tỉnh lại. Tôi đã có thể cử động nhưng mọi bộ phận trên cơ thể vẫn đau đớn. Đầu tôi có cảm giác như bị búa bổ vào từng nhát. Không thể đứng được, tôi bò như một đứa trẻ bằng tay và đầu gối, tới chỗ chiếc ba lô để lấy túi đồ cứu thương của tôi. Tôi tìm thấy hai viên thuốc và nhanh chóng nuốt chửng không cần nước.

Cơn đau tệ đến mức tôi lại ngất xỉu lần nữa. tôi ngất đi, tỉnh dậy như vậy vài lần. Cơ thể tôi chuyển từ lạnh run rẩy sang nóng rực và đầm đìa mồ hôi, như thể có một công tắc tắt bật. Tôi không biết đâu là thật, đâu là mơ nữa. Tôi nhìn thấy những chiếc bóng đi lại, có người đang chạm vào tôi. Và có một ánh sáng trắng ở phía cuối giường thúc vào chân tôi. Cảm giác của cái chết tới dần khiến tôi sợ hãi. Tôi nhắm chặt mắt, hi vọng mình không chết.

Rồi tôi cố chịu đựng thêm vài giờ đồng hồ. Chú Hải thức dậy lúc 5 giờ rưỡi. Chú tới phòng tôi và nhìn thấy tôi xanh xao, yếu ớt nằm đó. “Bị sao vậy?” tôi chỉ có thể lắc đầu và rên rỉ yếu đuối. Chú sờ lên trán tôi, “Ôi trời, đầu cháu nóng quá này!” Chú đi đánh thức vợ dậy và kêu cô đi lấy nhiệt kế.

Cô nheo mắt đọc cây đo nhiệt kế. Cô chạy tới và hốt hoảng “Trời đất ơi”. “Sao vậy?” chú Hải hỏi. “Cháu sốt 40 độ rồi nè, phải đưa tới bệnh viện thôi.”

Nhắc tới bệnh viện ở Việt Nam thôi đã khiến tôi hoảng hốt rồi. Tôi từng có kinh nghiệm không mấy tốt đẹp với các bác sĩ ở đây, tôi thật sự không dám tin tưởng họ. “Cháu thấy khá hơn rồi. Cháu không sao đâu, cô chú đừng có lo.” Tôi nói dối. Người vợ nhìn thấy sự e dè của tôi. “Đừng lo chi phí gì hết, cô chú lo cho.” Tôi lắc đầu, cố làm cô yên tâm là tôi không sao hết. Cô nhanh chóng chịu thua.

Xét nghiệm máu ở Quy Nhơn

Tôi kéo chăn lên trùm đầu và ngủ thiếp đi. Điện thoại tôi đổ chuông. Là Huyền, giọng nói gay gắt, the thé của cô gái này càng khiến tôi thấy mệt mỏi hơn. Tôi vẫn chưa ý thức được điều mà cô ấy đã gây ra cho tôi. Vị lạ từ túi sữa đậu nành được hòa với cái gì đó khiến cơ thể tôi đau đớn. Đó hẳn phải là thứ thuốc độc hoặc bùa chú dùng sai cách. Cô ấy đến từ Hòa Bình, nơi tôi đã nghe đồn về những người biết làm bùa ngải đáng sợ. Tôi nhấc máy và nói rằng tôi bị ốm, không thể gặp được. Cô ấy không có vẻ gì là ngạc nhiên. Cô hỏi địa chỉ nơi tôi đang ở để tới thăm nhưng tôi từ chối. Cứ mỗi 5 phút cô ta lại gọi tôi một lần.

Cuối cùng thì tôi chịu thua. Con gái chú Hải đưa tôi tới bệnh viện. Nơi này làm tôi thấy sợ, nhưng những gì tôi nhớ về đêm hôm qua là ý nghĩ về cái chết còn khiến tôi sợ hơn. Con gái chú Hải, Hoa, và tôi quen nhau qua facebook. Chị Hoa hơn tôi hai tuổi. Chị rất tốt bụng, như một người chị gái với tôi. Chị Hoa khá ưa nhìn, vẫn có vẻ ngượng ngịu và ngây thơ. Chị vẫn còn độc thân.

Tôi đặc biệt sợ bệnh viện, kim tiêm và máu. Không phải tôi sợ bị đau vì một cái chích đơn giản, đó là nỗi ám ảnh, là nỗi sợ phi lí. Tôi ngồi chờ trong phòng một y tá, cô ấy rút ra một cây kim tiêm to. Tôi bắt đầu thấy choáng nhẹ, căn phòng bắt đầu chao đảo trước mắt tôi. Sau một vài lần cố gắng không thành, cô ấy cuối cùng cũng lấy được máu từ tay tôi. Phải mất một lúc tôi mới hồi tâm lại được, cố gắng thở chậm lại.

Kết quả như tôi dự đoán, không kết luận được. “Có cái gì đó rất lạ trong máu nhưng không rõ là cái gì.” Cô y tá nhìn có vẻ bối rối, vừa nói vừa đưa mắt đọc tờ kết quả. Bác sĩ muốn làm thêm xét nghiệm, nhưng tôi từ chối dù biết vị bác sĩ có vẻ không vui. “Nghỉ ít nhất một tuần và uống thuốc nha. Cháu không đủ sức làm cái gì hết đâu”, vị bác sĩ căn dặn.

Tôi trở lại ngôi nhà, cảm thấy khỏe hơn nhiều. Chiều muộn, gia đình chú Hải đón tiếp vài vị khách tới thăm. Tôi đã được nghe kể nhiều về Cường. Cậu là con trai của chị gái chú Hải, cậu rõ ràng là niềm tự hào của cả gia đình. Cường đang đi du lịch xuyên Việt cùng hai người bạn trước khi đi du học ở Pháp. Cậu ta đang có một công việc tốt với mức thu nhập 18.000.000 đồng/tháng, mức thu nhập rất cao tại Việt Nam. Tôi cứ nghĩ đó sẽ là một cậu bạn cao, đẹp trai nhưng ngạo mạn. Ấy vậy mà đứng trước tôi lại là một anh chàng kĩ sư trông rất thơ ngây và yếu đuối. Cậu ta rất lịch sự, thân thiện nhưng cũng rất bí hiểm, dè dặt.

Cả gia đình lâu rồi chưa gặp nhau, nhưng Cường có vẻ không chú ý lắm. Cậu ấy im lặng, e dè, không uống chất có cồn và là người ăn kiêng. Vợ của chú Hải đã chuẩn bị một bữa thịnh soạn nhưng Cường gần như không động tới. Cậu ấy từ chối ăn thịt, việc chứng kiến cảnh một người bạn bị tai nạn thương tâm từ năm lớp một đã khiến Cường quyết định như vậy. Bác của Cường cố gắng khích lệ cháu uống, “Tốt cho sức khỏe mà, đàn ông phải biết uống rượu chứ”. Cường không nhượng bộ.

Tôi cảm thấy chóng mặt nên xin phép đi nghỉ trước. Chỗ nằm của tôi được rời lên phía trên để nhường chỗ cho Cường và hai bạn. Tôi không lấy làm phiền, ít ra thì tôi cũng có thêm chút riêng tư. Một lát sau tôi ngủ thiếp đi. Tôi tỉnh dậy lúc 2 giờ sáng với nỗi sợ hãi và cơn đau tồi tệ hơn đêm hôm trước. Đột nhiên tôi có cảm giác muốn ói. Tôi chạy xuống phòng vệ sinh dưới tầng phía bên ngoài nhà. Tôi nôn ra chút thức ăn lúc tối. Cơn đau tệ hại khiến tôi quỵ đầu gối xuống, nước mắt đầm đìa.

Ý nghĩ về cái chết tiếp tục len lỏi vào tâm trí tôi. Chú Hải và vợ tỉnh giấc khi tôi bước lên bậc thang. Họ thay phiên nhau chăm sóc tôi, mang cho tôi khăn lạnh để hạ nhiệt cơ thể đang nóng rực của tôi. Đang là ban đêm nên không tiện tới bệnh viện. Tôi đề xuất cạo gió vì ngày xưa bà ngoại thường làm như vậy khi tôi ốm. Tôi hi vọng và cầu nguyện mình sẽ sớm khỏi ốm. Nếu như đêm trước có cảm giác như tôi bị xe ô tô đâm, thì đêm hôm nay cứ như tôi bị hẳn một chiếc xe buýt chèn qua.

Sáng hôm sau tôi thấy khỏe hơn. Vợ và con gái của chú Hải tiếp tục chăm sóc tôi, mang cho tôi nước cam, chanh và nước dừa. Tôi có cảm giác như mình đang đi viện, có các y tá chăm sóc, lại có cả người tới thăm. Bạn của Cường, Thanh, đi lên thăm hỏi và trò chuyện cùng tôi. Cậu ấy ngồi bên cạnh chiếc giường của tôi, giống hệt đi thăm bệnh nhân. Thanh nhìn không giống người Việt Nam. Đôi mắt một mí khiến cậu giống người Hàn Quốc hơn. Thật trùng hợp, cậu ấy đang đi du học Hàn Quốc.

Thanh nói tiếng Anh rất tốt, không giống như Cường. Vì vậy nên chúng tôi có thể nói chuyện nhiều hơn và sâu sắc hơn. Cậu ấy là một người thông minh và rất hiểu biết về thế giới. Cách suy nghĩ của cậu ấy rất tiến bộ, không giống một số đông các bạn trẻ Việt Nam khác luôn chỉ chấp nhận và tin tưởng tuyệt đối những gì thấy trước mắt. Thanh nói cậu hiểu và biết nhiều chuyện như vậy là do những chuyến du lịch và thời gian sống ở Hàn Quốc. Đi du lịch thực sự giúp chúng ta mở mang đầu óc và làm cuộc sống của bạn thêm phong phú.

Nhà tiên tri người Hồi giáo, Mohammed từng nói “Đừng nói với tôi bạn giỏi như thế nào, hãy kể cho tôi nghe bạn đã đi được những đâu”. Một người đàn ông đi nhiều nơi có nhiều cơ hội nhìn thấy nhiều điều mà không cuốn sách hay bức tranh nào có thể kể được. Những trải nghiệm có thể làm thay đổi một con người.

“Được nhìn và trải nghiệm nhiều điều ở Hàn Quốc, mình thực sự thấy rất thú vị. Nhưng điều lớn nhất mình nhận ra là mình rất muốn quay về để giúp quê hương Việt Nam phát triển hơn.” “Tại sao?”, tôi ngạc nhiên bởi nhiệt huyết trong giọng nói của chàng trai. “Đi nhiều nơi đã thực sự giúp mình được mở mang đầu óc, mình đã được thấy quá nhiều điều tuyệt vời, mình muốn Việt Nam cũng được như vậy. Việt Nam là quê hương đất nước của mình, mình muốn xây dựng nơi này trở thành niềm tự hào của mình.”

Hi vọng chính là đây. Tôi mỉm cười với người bạn trẻ, thực sự thấy vui vì cậu ấy muốn trở lại Việt Nam. Mọi người thường cho rằng ai đã ra nước ngoài sẽ đi luôn, không muốn quay về nữa. Ai cũng biết rằng làm việc ở nước ngoài sẽ kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng liệu có thể đổ lỗi cho họ không khi họ phải có trách nhiệmchu cấp cho vợ, cho con, cho cha mẹ và cả họ hàng nữa? Chắc rằng những người xa xứ cũng nặng lòng khi nhớ tới quê nhà, nhưng sự hi sinh là cần thiết.

Chú Hải cũng đã từng có thời gian sống ở Tiệp Khắc. Chú ấy đã sống năm năm ở nước ngoài. Đêm đầu tiên chúng tôi gặp nhau, chú khoe với tôi những nơi chú từng đến và vốn kiến thức của chú về “thế giới phương Tây”. Chú giữ thói quen ăn đĩa chứ không ăn bát. Thậm chí chú còn dùng dĩa và dao khi chúng tôi dùng bữa. Tôi cố nén cười khi chú vật lộn với việc cắt và chọc đồ ăn, rõ ràng là chú đang định chứng tỏ điều gì đó.

Chú Hải cũng giống như phần lớn đàn ông Việt Nam, rất kiêu hãnh, và chú muốn bạn phải biết điều đó. Trong môn tâm lí học, người ta nói những người như vậy là có hội chứng Napoleon, một triệu chứng tâm lí thường thấy ở những người đàn ông thấp bé. Một vài người có chiều cao khiêm tốn thường có xu hướng hung hãn, độc đoán và thích thu hút sự chú ý, như để bù đắp cho vóc dáng nhỏ con của họ, điều thường bị coi là một trở ngại trong các mối quan hệ xã hội. Chú Hải là một người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé nhưng giọng nói thì thường lại rất to.

Đêm hôm đó tôi nằm trên gác vì mệt, không thể ăn tối cùng gia đình được. Mọi người dưới nhà cười nói và có một buổi tối vui vẻ. “Ừ thằng nhỏ đó yếu, không uống được,” giọng chú Hải đã ngà ngà men rượu. Tôi lắng nghe cẩn thận, không rõ chú đang nói về ai.

“Không sao đâu. Nó không hiểu đâu.” Và rồi tôi hiểu ra chú ấy đang nói về tôi. “Tôi chẳng tin cái việc mà nó đang làm. Thật ngu ngốc hết sức. Nó nói muốn đi để hiểu Việt Nam và nó yêu Việt Nam. Gia đình nó bỏ trốn thì nó yêu đất nước này làm sao được?” Tôi sốc nặng. Đó là những lời nói phát ra từ người đàn ông đã nồng nhiệt chào đón tôi tới nhà và nói rằng đó là một niềm vinh hạnh. Tất cả chỉ là dối trá. Tôi giận sôi máu.

“Nó là người Mĩ, sinh ra ở bên đó. Chẳng bao giờ nó là người Việt Nam được.” Cùng với sự giận dữ còn là nỗi buồn sâu sắc. Từng lời nói của chú Hải khiến tôi đau đớn. Chú không phải là người đầu tiên và có lẽ cũng không phải là người cuối cùng nghĩ như vậy. Có lẽ họ đúng. Tôi không có gia đình ở đây, những người bạn chân thành chứ không phải là người hâm mộ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, và tôi cũng chưa thật sự quyết định lập nghiệp tại đây. Khoảnh khắc của sự yếu đuối khiến tôi nghĩ tới việc quay trở về nhà, không phải Hà Nội mà là nhà ở Mĩ.

Sau bữa tối, chú Hải lên gác để xem tình hình tôi ra sao. Tôi không cố giấu cơn giận và sự khinh ghét của mình với người đàn ông. Tôi nhìn chú giận dữ, thẳng vào đôi mắt, xoáy vào tâm hồn ông ta. Tôi không nhúc nhích, thậm chí còn không chớp mắt. Chú ấy ngồi xuống bên cạnh tôi, đầu hơi cúi, cố gắng nói trong sự xấu hổ. “Cháu hiểu được bao nhiêu phần những điều chú vừa nói?” Chú Hải hỏi. “Cháu đã nghe và hiểu hết. Nếu chú có điều gì muốn nói, chú nên nói thẳng với cháu.” Tôi giận dữ trả lời.

“Chú xin lỗi, nhưng cháu chưa hiểu người Việt Nam đâu. Không ai là tốt hoàn toàn cả. Người nào cũng có hai mặt. Chú đã giúp cháu, cho cháu ở nhờ, đúng không? Nếu cháu mà muốn sống ở Việt Nam thì cháu phải quen dần với việc đó đi.”

Vợ chú Hải cũng xuất hiện và vội vàng đỡ lời cho chồng, nói rằng đó chỉ là câu nói đùa. Tôi không cả muốn lắng nghe họ nữa. Nằm trên giường, từng lời nói của người đàn ông cứ khiến tôi phải suy nghĩ. Tôi bắt đầu nghĩ về những người đã giúp tôi trên đường đi. Liệu họ có nghĩ như chú Hải? Có bao nhiêu người đã nói những lời thực lòng với tôi? Tôi cố ngủ, đầu óc vẫn bị ám ảnh bởi những ý nghĩ và hình ảnh tối tăm.

Như thể hẹn trước, tôi lại tỉnh dậy lúc giữa đêm. Cả ngôi nhà im ắng. Cơn đau, những ảo giác lại quay trở lại. Thứ ánh sáng màu đỏ lờ mờ khiến căn nhà trở nên ma quái và độc ác. Tôi uống thuốc và kéo chăn trùm đầu, cố tìm lại giấc ngủ. Tôi quyết định sẽ không ở lại trongcăn nhà này thêm một ngày nào nữa.

5 giờ 30 phút, tôi tỉnh dậy bởi tiếng động lao xao dưới nhà. “Đi gọi bọn nhỏ dậy. Bảo mấy đứa chuẩn bị mà đi. Đánh thức cả Hùng luôn, nó không được ở đây nữa. Tôi không cần biết nó đi đâu. Không được ở đây nữa.” Vậy là người đàn ông đã đưa ra quyết định. Tôi chưa đủ khỏe, nhưng nhanh chóng dậy và xếp đồ. Vẫn lao đao vì cơn đau, tôi ném quần áo và đồ đạc vào ba lô.

Mọi người đều đã ngồi ở bàn để ăn mì trước khi đi. Sự giận dữ và căng thẳng lan khắp căn phòng khi chú Hải và tôi nhìn nhau trong im lặng. Sự kiêu hãnh của tôi không cho tôi nhận thêm bất cứ gì từ ông ta nữa. Tôi từ chối không ăn.

“Tại sao cậu làm vậy?” Cường vốn im lặng bỗng nhiên nhìn lên và hỏi tôi. “Tại sao cậu thực hiện chuyến đi này?”

“Mình đi cho bản thân thôi. Mình thực sự muốn hiểu hơn về đất nước của mình và con người ở đây. Mình biết nhiều người không tin.” Tôi chậm lại một chút, nhìn nhanh về phía chú Hải. “Nhưng mình không quan tâm họ nghĩ gì. Đây là cuộc đời mình và mình sống theo ý muốn của mình.”

Bất ngờ, Cường reo lên tán thưởng “Wow”. Sự im lặng và dáng vẻ dè dặt của chàng trai biến mất, thay vào đó là sự hứng khởi không kìm chế. “Mình thấy ngưỡng mộ cậu. Sống thế mới là sống chứ.” Anh chàng lao tới bắt tay tôi. “Cậu đúng là một cảm hứng. Cậu giống như là người hùng vậy. Chụp hình cùng mình trước khi đi nhé.”

Chúng tôi ra ngoài chụp vài tấm ảnh. Tôi liếc xuống nhìn Cường, cậu chàng bá chặt lấy vai tôi và nở nụ cười rộng tới tận mang tai. Chàng trai hứng khởi chạy loanh quanh khắp nơi như thể cậu ấy gặp được người hùng của mình.

“Cháu không biết anh chàng đó là ai, nhưng cháu thực sự ngưỡng mộ cậu ta. Cậu ta làm được điều mà không nhiều người dám làm.” Tôi nghe thấy Cường nói với người cậu của mình như vậy. Tôi tới bên và cảm ơn chú Hải, hả hê với chiến thắng của mình. Người cháu trai mà chú ấy luôn tự hào khoe khoang đã khẳng định với chú ấy rằng, tôi là người hùng mà cậu ta ngưỡng mộ.

Tôi bắt đầu đi khỏi Quy Nhơn, nhưng sức lực không kéo dài được lâu. Giờ tôi là một kẻ ốm yếu, tôi vật lộn một cách yếu ớt và hoang mang tới mức phải ghé vào bên đường để nôn. Vài ngày qua tôi chưa ăn gì nhiều, nhưng vẫn cứ nôn ra thứ chất lỏng từ trong bụng, dạ dày co thắt liên tục. Tôi vấp ngã xuống một con kênh nhỏ. Lấy lại cân bằng, tôi lấy tay áo quẹt miệng và ngồi xuống.

Dưới cái nóng của mặt trời, tôi đi bộ thêm vài bước nữa trước khi quỵ gối xuống đất. Tôi nằm đó mất một lúc, mặt áp xuống vỉa hè bỏng rát, không ai dừng lại. Cảm giác như hi vọng đã mất hết, tôi thu hết sức để quay người để lấy chiếc điện thoại đang đổ chuông.

“Xin chào, có phải Trần Hùng John không?”, một giọng nam từ đầu dây bên kia. Anh ta giới thiệu mình là Thuật ở Phú Yên, người đã theo dõi hành trình này qua các bài viết trên trang blog cá nhân của tôi. Tôi nói với anh ta rằng tôi đang trên đường tới Phú Yên, Thuật để nghị tới đón tôi. Lẽ ra tôi đã vui vẻ nhận lời ngay, nhưng Thuật giới thiệu anh ấy làm cho nhà nước. Nhớ lại kỉ niệm không vui vẻ của tôi ở Quảng Nam khi bị dọa tống vào tù, tôi đành từ chối.

Tôi ngồi dậy, phủi bụi trên mặt và quần áo, bước đi chậm chạp. Vài giờ đồng hồ sau tôi lê lết đi thêm được khoảng 4 kilômét nữa. Điện thoại tôi lại đổ chuông.

“Em đang ở đâu? Anh gọi em mấy tiếng rồi mà không được. Anh đang chạy xe lòng vòng mà không thấy em.” Lại là anh Thuật. Tôi vẫn e ngại người đàn ông này, những cơ thể ốm yếu mệt mỏi của tôi từ chối đi thêm bất cứ bước nào nữa. “Em đang ở chỗ một cái biển ghi Tuy Hòa 83 kilômét”, tôi ngồi phịch xuống đất và trả lời.

Vài phút sau anh Thuật xuất hiện với một chiếc xe máy kiểu cũ. Chúng tôi trò chuyện một chút trên đường đi. Tôi dần thấy khá hơn. Chúng tôi dừng lại ăn trưa bên cạnh một dòng nước. Bữa trưa gồm thịt lợn luộc, tôm xào, rau xào và canh chua, rất thịnh soạn, đáng giá năm mươi nghìn đồng/người. Kiệt sức và đói, tôi cố ăn một chút.

Gần tới nhà, anh Thuật chở tôi tới hai nơi. Đầu tiên chúng tôi tới một nhà thờ cổ một trăm ba mươi năm, nằm trong một ngôi làng nhỏ ở An Thạch. Ngôi nhà thờ nhìn như bị đặt nhầm chỗ, nó lẽ ra nên thuộc về một nơi nào ở một đất nước châu Âu cổ kính. Những phiến đá màu xám đen như chạm tới cả bầu trời cũng màu xám. Đám trẻ con mặc đồng phục công giáo đang chơi phía bên ngoài. Chúng tôi đi qua chỗ bọn trẻ và vào trong nhà thờ.

Không gian bên trong tràn ngập sự tĩnh lặng. Những cửa sổ kính màu hai bên nhà thờ khiến chỉ một chút ánh sáng có thể lọt vào bên trong. Đang quỳ gối và đầu cúi gục, một người đàn ông và một phụ nữ đang ngồi hai bên hàng ghế. Tôi không nhìn thấy mặt của họ nhưng tôi hình dung ra họ đang cầu nguyện, cầu nguyện cho gia đình được hạnh phúc hoặc được cứu rỗi.

Tuy từ bé đã là người theo Công giáo, nhưng đã nhiều năm rồi tôi không tới nhà thờ. Tôi đã từ bỏ tôn giáo vì niềm tin vào khoa học và thực tiễn, hơn là tin vào niềm tin mù quáng và những nghi lễ tôn giáo cổ xưa. Tuy vậy, tôi vẫn không khỏi bị choáng ngợp bởi lối kiến trúc lộng lẫy ở nhà thờ và cái cảm giác linh thiêng ở đây. Tinh thần tôi trở nên phấn chấn hơn.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.