John Đi Tìm Hùng

Chương 9 – Phần 2



Đi xe thêm một đoạn nữa, anh Thuật đưa tôi tới Gành Đá Đĩa nổi tiếng, một vách đá rộng chừng 50 mét và vươn xa khoảng hơn 200 mét. Đứng trên cao, những phiến đá đa giác xếp chồng lên nhau nhìn như một cái tổ ong nhiều tầng lớp. Những phiến đá tự nhiên này được hình thành hàng triệu năm trước bởi hoạt động của núi lửa, không phải do nhân tạo như nhiều người có thể sẽ suy đoán. Vài đứa trẻ đứng dàn hàng trên vách đá hình vòng cung rồi nhảy xuống mặt nước màu xanh pha lê phía dưới. Chúng tôi nán lại thêm một chút nữa, bấy nhiêu đó đã đủ để tôi thán phục vẻ đẹp huy hoàng đó.

Nửa tiếng sau chúng tôi tới một thị trấn ven biển rất nhỏ và ấm cúng ở Tuy Hòa. Nhà anh Thuật nằm nép mình trong một con hẻm nhỏ, cách bờ biển khoảng 5 phút đi xe. Căn nhà một tầng với hai phòng ngủ, đủ chỗ cho hai vợ chồng anh và cậu con trai nhỏ chín tuổi. Tôi được xếp ngủ ở phòng của cậu bé Minh. Giống như nhiều đứa trẻ Việt Nam khác, Minh hơi nhút nhát và ngượng ngùng khi có sự xuất hiện của tôi trong căn nhà.

Anh Thuật và vợ đều làm cho ngành viễn thông, một cặp đôi rất tốt bụng và dễ mến. Chị vợ trẻ hơn chồng chỉ năm tuổi, nhưng chị nhìn trẻ hơn rất nhiều sơ với cái tuổi gần ba mươi của chị. Anh Thuật cùng vợ cười và trêu chọc nhau như đôi học trò mới yêu. Tôi rất cảm mến sự nồng hậu của anh chị, hai người tiếp đãi tôi như một đứa em trai chứ không phải như một người nổi tiếng.

Ngày hôm đó chúng tôi gặp gỡ bạn bè của anh chị, cùng ăn tối và đi hát karaoke. Đây là dịp để tôi khoe giọng hát với ba bài hát tiếng Việt rất “sến” mà tôi đã được dạy: Cầu vồng khuyết, Vầng trăng khóc, và Hãy về đây bên anh. Mải chơi vui vẻ, tôi gần như quên mất trải nghiệm đáng sợ ở Quy Nhơn. Cho tới khi điện thoại tôi reo.

Huyền đã thôi không nhắn tin cho tôi nữa nhưng vẫn cố gọi cho tôi cả trăm lần từ vài ngày nay. Càng suy nghĩ, tôi lại càng chắc chắn về điều cô gái ấy đã gây ra cho tôi. Để thuyết phục tôi đi theo đạo của cô ta, Huyền đã cố đầu độc tôi. Tôi đã rất muốn nghe điện thoại để nói chuyện cho rõ ràng với cô ta, để mắng mỏ cô ta vì những cơn đau cô ta đã khiến tôi phải chịu đựng. Nhưng làm vậy cũng chẳng để làm gì. Tôi biết luật nhân quả là thật và nó sẽ xảy đến với cô gái này.

Đêm hôm đó tôi có được giấc ngủ sâu, không mộng mị, không những bóng hình ma quái hay những cơn đau liên tiếp. Sáng hôm sau chúng tôi đi ăn phở và uống cà phê, một thói quen của cả gia đình. Một tách cà phê sữa đá ngoài trời, trên một chiếc ghế sô pha cũ, đúng là cách khởi đầu ngày mới hoàn hảo. Anh Thuật và vợ phải đi làm nên họ giới thiệu tôi với hai người bạn, anh Tuấn và anh Dũng.

Chúng tôi lên chiếc Toyota Camry cũ màu trắng của anh Tuấn. Chiếc xe có vẻ đã đi được nhiều dặm đường lắm rồi. Tuy bên ngoài hơi xộc xệch, bên trong chiếc xe được trang bị một đầu đọc DVD và một màn hình cỡ nhỏ để anh Tuấn có thể xem chương trình Paris by Night.“Anh thích xem chương trình này lắm, nghe nhạc để đi đường xa cho đỡ buồn”, anh Tuấn quay lại cười và nói với tôi.

Sau khi dừng lại để đón cậu cháu trai của anh, chúng tôi đi thêm gần hai tiếng đồng hồ nữa, đi qua hai đường hầm đèo Cả và Cổ Mã. Sau cùng, chúng tôi tới một hòn đảo hai bên đều là nước. Chiếc xe được đỗ bên bờ cát trắng và nhóm bốn người chúng tôi được đón bởi hai người đàn ông trên hai chiếc xe máy. Mỗi xe ba người, chúng tôi được đưa qua những con đường với nhà hai bên, cuối cùng tới được một bờ vịnh lộng lẫy với những ngôi nhà nổi và những chiếc thuyền nằm rải rác xung quanh.

Một người đàn ông chỉ cho chúng tôi tới một chiếc thuyền nhỏ trông giống như một chiếc giỏ đan, to hơn một chút so với loại tôi đã nhìn thấy ở Đà Nẵng. Chúng tôi cởi bỏ dép và cẩn thận leo vào trong chiếc thuyền. Người đàn ông chèo thuyền và đưa chúng tôi tới một chiếc thuyền lớn hơn chạy bằng máy. Vị thuyền trưởng trẻ đẹp trai chào đón chúng tôi lên thuyền. Những ngọn núi bao quanh vịnh khiến tôi có cảm giác chúng tôi đang ở trong một bát súp, những ngôi nhà nằm rải rác giống như những thành phần của món súp đang nổi bập bềnh. Chúng tôi đi tới phía trung tâm của vịnh.

Cắm trại ở Mũi Điện, Đại Lãnh

Nhà nổi ở đây không giống với những nhà nổi tôi đã thấy trước đây, không giống ở Mĩ. Khi còn nhỏ, tôi luôn mơ ước có một ngôi nhà trên mặt nước. Ngôi nhà một phòng không có gì đặc biệt, nhà được xây trên một mảng gỗ lớn giúp cả ngôi nhà có thể nổi trên mặt nước. Phía trước nhà, thay vì những khoảng sân giống như nhà trên mặt đất, thì ở đây là những hồ nước sâu được chia đều thành những khoảng nhỏ như những nút bấm trên bàn phím điện thoại.

Cả đoàn bước lên những tấm gỗ ọp ẹp nhưng được ghép lại với nhau và trở thành lối đi. Mỗi tấm gỗ chỉ to hơn chân người cỡ trung bình một chút, nhiều chỗ còn có tảo biển xanh, trơn trượt và san hô sắc nhọn che phủ. Tôi thấy mình giống như nghệ sĩ xiếc đang đi thăng bằng trên dây, phía dưới là những hố nước sâu được chia ra thành chỗ thả cá. Anh Tuấn đi về phía ngôi nhà để thương thảo với một người đàn ông lớn tuổi đang đung đưa trên chiếc võng.

Những người còn lại trong nhóm tò mò theo dõi khi thấy một cậu thanh niên đi từ trong nhà ra, trên tay cầm một thùng lớn đầy cá. Cậu ta ném đống cá xuống một cái hố nước nhỏ gần tôi. Tôi suýt chút nữa thì mất thăng bằng và rơi xuống nước. Cái hố nước tĩnh lặng bỗng nhiên lao xao ầm ĩ khi lũ cá tranh nhau thức ăn. Những sinh vật to lớn giống cá mập ngoi lên bề mặt và nuốt chửng đám cá trong vài tích tắc.

Wow tôi reo lên thích thú. “Anh không biết ở Việt Nam cũng có cá mập”, tôi nói với cháu trai của anh Tuấn. Cậu ta cười và sửa. “Đó là cá bớp, nhưng cũng hung dữ như cá mập vậy.” “Đừng có ngã xuống kẻo bị ăn thịt luôn đó.” Anh Dũng cảnh báo.

Bước đi cẩn thận hơn, tôi đi qua từng cái hố nước, chăm chú quan sát bên trong lòng hố. Chủ yếu có hai loại cá bớp, một loại to như gần bằng cỡ một người trung bình với cái đầu bẹt đặc biệt to khiến chúng trông giống những con rắn, và một loại giống cá thần tiên nhưng to như cỡ cá bánh xèo, rất đẹp, bơi lội một cách điệu đà với những chiếc vây dài như đôi chân đôi tay của những vũ công ba lê duyên dáng. Tôi chưa thấy loại cá như thế này ở Mĩ, chưa thấy loại to như thế này.

Không cưỡng lại được, tôi nhặt lấy một con cá và ném xuống hố nước. Cuối cùng thì màn ngã giá cũng xong, một trăm con cá bớp mới lớn giá mười triệu đồng, một con cá thường giá một trăm ngàn đồng. Hai chiếc thùng lớn chứa nước biển được đưa ra để chuyển cá vào trong. Tôi nhất quyết muốn giúp bê một thùng lên thuyền nhưng chịu không làm được, chân trái của tôi đứng xuống nước đã cảm thấy lũ cá bớp ngay lập tức lao tới tấn công và cắn. Tôi tránh sang một bên để những người lành nghề làm việc.

Một chiếc máy bơm nước được gắn vào hai chiếc thùng để cung cấp ô xi cho lũ cá. Tôi không quá ngạc nhiên khi thấy vài chiếc pin ô tô cũ kĩ được mạo hiểm dùng làm năng lượng cho chiếc thuyền. Chúng tôi quay lại bờ, nhưng lũ cá không chịu đựng giỏi lắm. Mất mười phút chúng tôi mới tới nơi, gần nửa lũ cá đã chết. Và thế là một trận cãi vã lớn đã nổ ra khi chúng tôi lên tới bờ.

Anh Tuấn lấy lại được một ít tiền và giữ vài con cá bớp đã chết mang về ăn. Chúng tôi chưa quay lại Tuy Hòa ngay, anh Tuấn đưa chúng tôi tới ngôi nhà nổi của bác anh. Đang lúc chờ được xe đón, tôi đi theo cháu của anh Tuấn vào một khu rừng. Một lát sau chúng tôi trở lại với một túi toàn thứ quả màu đem có lông ở vỏ, gọi là quả say. Loại quả nhỏ này có lớp ngoài hơi khô cứng, bên trong có vị chua ngọt như me.

Với một túi đầy cá tươi, quả say, và một thùng bia, chúng tôi chờ trên bờ trong khi chú của anh Tuấn cập bến với một chiếc bè. Chúng tôi xắn quần và trèo lên một chiếc bè nhỏ rộng khoảng 4×2 mét. Người đàn ông trung niên nắm lấy tay quay và tăng tốc chiếc động cơ nhỏ. Một lát sau chúng tôi đã tới ngôi nhà nhỏ của bác. Nhà có một giường nhỏ, có một chiếc giường cỡ nhỡ và hai cái võng, một khoảng không gian mở rộng được dùng để làm chỗ nấu nước và ăn uống.

Đã là chiều muộn, những đám mây đen dữ tợn bắt đầu vần vũ trên bầu trời. Chúng tôi ngồi quanh, khui thêm một vài chai bia nữa trong lúc chờ đợi mấy con cá đang được rửa và chế biến. Một ngọn lửa nhỏ được nhóm lên, chẳng bao lâu sau mùi cá nướng thơm lừng đã lan khắp cả không gian. Những con cá chỉ nhỏ bằng lòng bàn tay và không nhiều thịt lắm, nhưng có lẽ đó là những con cá ngọt và ngon nhất mà tôi từng được ăn. Có rất nhiều cá, một mình tôi ăn hết khoảng tám con.

Anh Tuấn, bác của anh, anh Dũng và tôi đã uống hết gần hai mươi tư lon bia. Hơi bất ngờ, cuộc vui khiến tôi nhớ tới cha mình. Tôi nhớ có lần được đi câu cá trên sông cùng một người bạn Việt Nam của ông. Những con cá mà chúng tôi bắt được đầu có cỡ nhỏ hợp pháp để được ăn. Chúng tôi nướng và nhâm nhi cùng vài lon bia. Đó là một trong số ít những kỉ niệm vui tôi từng có với cha.

Tôi đứng dậy vì phải dùng nhà vệ sinh, căn phòng nằm cạnh bên phòng ngủ. Căn phòng vệ sinh cũng giống như những nơi khác, chỉ khác là nó được dựng trên nước và tường thì chỉ cao bằng vai tôi. Hai tay cầm hai bên khiến việc ngồi xổm kiểu truyền thống dễ dàng hơn đôi chút. Tôi không thể nhịn cười khi nhìn xuống dưới hai chân mình và thấy hàng trăm con cá nhỏ xíu đang tỉa những chất thải của tôi. Xong việc, tôi ngó ra ngoài để biết chắc không ai đang nhìn theo. Không có giấy vệ sinh, tôi cởi áo và nhảy ùm xuống nước để làm sạch bản thân.

Mặc quần vào ngay dưới nước, tôi bơi về phía bên kia của ngôi nhà khi trời đã bắt đầu mưa. Những giọt mưa to và nặng hạt rơi xuống khi chúng tôi đang ngồi dưới mái hiên bằng tôn. Ánh sáng ban ngày nhanh chóng biến mất, anh Tuấn quyết định ngủ lại đây đêm nay. Ban đêm, bầu trời trong veo khiến hàng nghìn ánh sáng lấp lánh lộ rõ trên cao. Tôi nằm trên sàn gỗ ngắm nhìn bầu trời đầy sao, cảm giác mình thật nhỏ bé so với thiên hà bao la.

Sáng sớm hôm sau chúng tôi thức dậy khi bình minh còn chưa tới. Bác của anh Tuấn chở chúng tôi qua vịnh để tới được chỗ chiếc xe ô tô. Chúng tôi nhanh chóng về tới Tuy Hòa và gặp lại anh Thuật và gia đình anh ở hàng cà phê hôm trước. Tôi dành cả ngày nghỉ ngơi ở nhà trong khi anh Thuật và vợ đi làm. Chiếc máy vi tính anh Thuật cho tôi mượn chạy siêu chậm, nhưng anh nói chỉ dùng tạm chiếc đó trong khi chờ lấy lại chiếc máy của anh. Máy vi tính của anh Thuật và vợ bị ăn trộm khi có kẻ đột nhập vào nhà. Công an đã tìm được cho anh chị nhưng đã hơn một tháng vẫn chưa thấy trả lại.

Tối hôm đó chúng tôi tới dự đám cưới con của sếp của vợ anh Thuật. Bữa tiệc hoành trángđược tổ chức trong một phòng tiệc rộng lớn được trang trí thanh nhã cùng nhiều ren và hoa. Có tới gần một trăm chiếc bàn trong căn phòng, một sân khấu chính lớn nằm ở phía đầu trên căn phòng, một chiếc bánh ba tầng vĩ đại. Tôi thấy xấu hổ vô cùng vì không ăn mặc phù hợp. Tôi nhanh chóng lướt qua cô dâu và chú rể đang đón khách ở ngoài cửa.

Hoàng hôn trên biển Mũi Điện

Khi khách đã tới gần đủ, món đầu tiên được đưa ra là một đĩa với những miếng thịt được thái mỏng. Ánh sáng được làm mờ dần và sâu khấu được thắp sáng khi một người MC tiến lên chào khách. Một quý ông lớn tuổi giới thiệu gia đình nhà trai và nhà gái khi hai bên cùng tiến lên sân khấu. Sau đó là màn tuyên bố lễ kết hôn của đôi trai gái với một chiếc giỏ màu đỏ được mang ra sân khấu.

Tiếp theo sau màn giới thiệu hoành tráng là các tiết mục múa hát. Đồ ăn và bia liên tục được mang ra trong khi căn phòng rộn rã tiếng cười và niềm vui. Chú rể, cô dâu và nhóm người theo sau đi từ bàn này qua bàn khác để uống rượu mừng với các vị khách. Đã được dự khá nhiều đám cưới ở Việt Nam, tôi đã quen với phong tục này, và biết cuối cùng chú rể sẽ thường bị say khướt. Khi đoàn người tới bàn của tôi, cả bàn đứng dậy hò reo “Một, hai, ba, dô!” Sau cùng là lễ cắt bánh.

Trên đường lái xe về nhà, cha vợ anh Thuật ngồi ngế trên quay lại hỏi tôi đi dự tiệc có thấy vui không. Tôi cười và trả lời rằng tôi đã rất vui và được ăn những món ngon. Bữa tiệc cưới không giống với bữa tiệc tôi đã tham dự ở Quảng Trị, nhưng đồ ăn, thức uống và không khí vui vẻ thì rất giống. Bữa tiệc rất giống với các bữa tiệc cưới Việt Nam ở bên Mĩ. Thực ra thì cảm giác về sự gần gũi, cùng nhau chúc mừng sự hòa hợp của hai con người thì cũng đều tương tự nhau ở khắp mọi nơi.

Đột nhiên tôi nhận ra. Lần đầu tiên tôi nhận ra người Mĩ gốc Việt và người Việt ở Việt Nam rút cục không hề khác nhau. Bỏ qua những khác biệt về địa lí, họ là những người có rất nhiều điểm chung. Đồ ăn, ngôn ngữ, văn hóa, và cái bản chất của người Việt Nam: thông minh, thích ứng tốt, chăm chỉ, trân trọng giá trị của gia đình đều giống nhau. Từ thế hệ của bà ngoại tôi, những người chăm chỉ làm lụng và luôn bám trụ lấy truyền thống, tới thế hệ của mẹ tôi, một lớp người với những suy nghĩ tân tiến hơn, đứng giữa một bên là cái cũ một bên là cái mới, cho tới thế hệ của tôi, một thế hệ tự lập hơn, năng động hơn với ước muốn tự do bay nhảy nhưng cũng chịu nhiều áp lực của những người lớn tuổi muốn chúng tôi gìn giữ truyền thống.

Đó là giây phút của sự nhận thức khiến tôi gỡ được gánh nặng trên vai về mong muốn được trở nên “Việt Nam hơn”.

Là người Việt Nam thực chất nghĩa là gì? Dù ông bà và cha mẹ muốn chúng ta lớn lên như khuôn mẫu họ mong đợi, nhưng chúng ta là một thế hệ mới, chúng ta là một phần của thế giới chuyển động không ngừng. Chúng ta cần bám lấy những giá trị văn hóa và truyền thống nhưng cùng lúc đó, chúng ta phải thích nghi và phát triển để tìm thấy chỗ đứng cho mình trên thế giới mới.

Giữa buổi chiều thứ bảy, anh Thuật và một nhóm khoảng tám người đàn ông khác đưa gia đình tới Mũi Điện, biển Đại Lãnh. Họ mang theo rất nhiều đồ ăn, hoa quả, và bia để cắm trại qua đêm. Chúng tôi đi qua những đồng lúa để tới một con đường núi ven biển đẹp tuyệt trần. Ngọn núi đất sét màu cam nâu được bao phủ bởi lớp cây xanh trông giống như được lấy ra từ những giấc mơ.

Nhóm người gồm cả đàn ông, phụ nữ và trẻ nhỏ của chúng tôi đỗ xe máy tại một quán cà phê nhỏ và đi bộ xuống bãi biển. Đại dương ở đây đã tạc khắc một khung hình chữ U từ vách núi, tạo nên một dòng nước nhỏ, tàn dư từ một con sông chảy từ trên núi xuống biển. Nhìn ra đại dương bao la, cảnh đẹp hùng vĩ như thể đang hiện ra trên một màn hình ti vi HD cỡ khổng lồ.

Chúng tôi trèo lên ngọn hải đăng, nơi toàn cảnh hiện ra ngoạn mục khi ánh sáng bắt đầu tắt dần. Buổi tối được lấp đầy với những tiếng hát và tiếng cười sảng khoái. Một trại của những khách du lịch khác mở nhạc và chơi trò chơi ầm ĩ, làm huyên náo cả khung cảnh thiên nhiên thanh bình. Chúng tôi không vì thế mà kém vui. Một anh bắc loa lên bắt nhịp cho chúng tôi cùng hát vang. Chúng tôi mua mực tươi của một người đánh cá ngoài biển. Với năm trăm nghìn đồng, chúng tôi có được một túi đầy những con mực to cỡ bằng bắp tay và mang nướng trên ngọn lửa đã được thắp sẵn. Có rất nhiều đồ ăn và đồ uống cho tất cả mọi người. Gần hết đồ ăn thì chúng tôi lại mua thêm cá, cháo và bia từ quán cà phê nơi chúng tôi đỗ xe trước đó.

Vài người quyết định đi về nhà, nhưng bữa tiệc vẫn tiếp tục đến khuya cho tới khi nhiều người đã bắt đầu say. Các bà mẹ cùng bọn trẻ tìm chỗ cát bằng phẳng giữa những mỏm đá để ngủ, vài người tách nhóm để sang góp vui cùng trại của nhóm khách du lịch vẫn đang tiệc tùng say sưa, một vài người ngồi lại bên đống lửa. Buồn ngủ vì uống khá nhiều bia, tôi tìm thấy một cái hang nhỏ dưới một phiến đá để nằm ngủ, tránh những cơn gió lạnh. Tôi cởi bỏ quần bò để làm gối, dùng chiếc áo dài tay để làm chăn.

Buổi đi chơi khiến tôi nhớ tới gia đình mình. Các cậu của tôi cũng tầm tuổi của anh Thuật, cũng thích đi chơi như thế này, mang theo cả gia đình, đồ ăn và bia, đi cắm trại ngoài biển hoặc trên núi. Cậu Long thường pha trò khiến tất cả mọi người cùng cười, trong khi cậu Lộc nếu có đủ men bia vào thì rất có thể sẽ hát hoặc đọc rap ngẫu hứng. Lại một điều nữa khiến tôi thấy sự giống nhau giữa những người Việt Nam ở khắp mọi nơi. Mọi người đều là những người của gia đình, họ làm việc chăm chỉ để nuôi gia đình và yêu thích việc dành thời gian ở bên nhau. Tôi thấy vui khi thấy tuy sống ở bên Mĩ nhưng gia đình tôi vẫn giữ được những giá trị đó. Chúng tôi vẫn luôn giữ lấy văn hóa và thói quen mà người Việt Nam ở đây cũng có. Chúng tôi không mất gốc, chúng tôi chỉ mang chúng đi và trồng ở những nơi khác. Rồi tôi ngủ thiếp đi, trong đầu mơ màng tới buổi tiệc vui với khuôn mặt của anh Thuật và những người bạn thay cho những khuôn mặt thân quen trong gia đình tôi.

Sáng sớm hôm sau tôi thức dậy trước cảnh bình minh lộng lẫy với mặt trời màu tím, cam và đỏ. Chúng tôi dọn dẹp khu cắm trại, xếp đồ và về nhà. Ngày cuối cùng của tôi ở đây, anh Thuật cùng vợ đưa tôi đi quanh Tuy Hòa để ngắm cảnh và thăm khu di tích của người Chăm. Chúng tôi cũng thưởng thức những món ăn ngon tuyệt như bánh canh và cá sống ăn cùng với xì

Di tích của người Chăm ở Tuy Hòa

dầu và mù tạt. Ngày hôm sau anh Thuật nhất quyết nghỉ làm buổi sáng để đưa tôi qua Đèo Cả, nói rằng đi bộ thì rất nguy hiểm. Nghĩ lại, tôi thấy mình đúng là kẻ ngốc khi nghi ngờ người đàn ông tốt bụng và chân thành như anh. Tôi cảm ơn anh mãi không thôi, anh chỉ mỉm cười và cố không nhận thêm lời cảm ơn nào nữa.

“Không có gì. Em đi xa gia đình, anh biết như thế là như thế nào. Gia đình anh rất vui có em tới ở cùng. Em giờ giống thành viên trong nhà rồi. Đến chơi lúc nào cũng được nha.” Tôi sẽ không bao giờ quên được anh Thuật, không chỉ vì lòng tốt của anh mà còn vì anh giúp tôi nhận ra rằng gia đình tôi và rất nhiều người Việt Nam khác, dù họ có ở đâu trên thế giới này thì họ vẫn sẽ mãi là người Việt Nam.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.