John Đi Tìm Hùng

Chương 2 – Phần 1



Xin chào buổi sáng Việt Nam. Vậy là ngày đó cũng tới. Đó là một buổi sáng giữa mùa hè, tôi thức dậy, toàn thân ướt đẫm mồ hôi. Không điều hòa, chỉ có một chiếc quạt nhỏ giúp làm dịu cơn nóng. Tôi đang ở nhờ trong phòng khách của Giang, người bạn thân nhất của tôi trong hơn một tháng qua. Ngôi nhà không tiện nghi như một khách sạn năm sao, nhưng tôi không phải trả tiền thuê và ít nhất là tôi có một cái giường riêng.

Tôi đã nghỉ việc ở đài truyền hình và… không có nhiều tiền lắm. Đó là mặt trái của việc phải sống độc lập, không dựa vào cha hay mẹ. Tôi thực sự đã quen với điều này rồi. Tôi đã phải tự lo cho bản thân trong suốt thời gian đại học, và đã tự trải qua nhiều quãng thời gian khó khăn. Nhưưng tôi không hề được chuẩn bị trước cho những gì đang chờ tôi trước mắt.

Tới giờ tôi đã ở Việt Nam được gần hai năm. Tôi đã làm việc cho đài truyền hình, tiền không đủ để chi tiêu thoải mái và trả món nợ học phí. Tôi gần như chỉ có một mình ở đây. Ba người cô, em của cha tôi, ở Sài Gòn nhưng tôi chưa từng gặp mặt. Tôi cũng có một vài người bạn thân ở đây, trong đó có Liên.

Bây giờ là 5 giờ sáng. Liên sẽ đón tôi và đưa tôi ra tới rìa thành phố, đầu quốc lộ 1A. Tôi nhìn lại túi hành lí của mình để chắc chắn mọi thứ đã ở trong đó. Trong đó là ba bộ quần áo, một hộp cứu thương, một chiếc bản đồ, đèn pin, một con dao nhỏ, một đôi giày, giấy vệ sinh, một chiếc máy điện thoại dự phòng, một chai nước, một đôi dép lê, kem chống nắng, xịt chống muỗi, và một số quyển sổ ghi chép. Tôi cũng mang theo một chiếc lều nhỏ phòng khi tôi không thể tìm được chỗ ngủ.

Máy chụp ảnh, chiếc thẻ của VTV và VTC10, một bài báo về tôi ở trong chiếc túi nhỏ đeo ở thắt lưng. Tôi quyết định không mang theo hộ chiếu vì sợ mất. Không có giấy tờ tùy thân có thể khá nguy hiểm, sau này tôi mới nhận ra điều này. Nhưng tôi đã từng thoát được rất nhiều rắc rối nhờ thẻ từ cơ quan báo chí trước đây nên tôi nghĩ như vậy là đủ. Có những lần bị cảnh sát giao thông dừng xe, tôi rút thẻ ra và xin lỗi và họ sẽ để tôi đi.

Tất cả mọi thứ đã sẵn sàng. Tôi quyết định tắm thêm một lần cuối. Không phải vì tôi cần tắm. Tôi đứng dưới chiếc vòi hoa sen, để nước chảy xuống khắp người. Đột nhiên tôi thấy hoài nghi chính mình. Tôi thường tắm rất nhanh, nhưng lần này lại đứng đấy, hi vọng nước sẽ không bao giờ ngừng chảy. “Chưa quá muộn để quay đầu”, tôi tự nghĩ trong đầu. “Sẽ không ai chỉ trích mày nếu mày không làm được, đằng nào thì rất nhiều người đã nghĩ mày sẽ không làm được rồi. Đó là tự sát”.

Tại sao tôi không thể trở thành một người ngoại quốc bình thường ở Việt Nam? Dạy thứ tiếng Anh nửa vời vài ngày trong tuần rồi nhận lương cao? Tôi có thể trở thành một người Mĩ gốc Việt bình thường? Ở đây có rất nhiều cơ hội cho người như tôi, đặc biệt là trong ngành giải trí. Nhưng nếu tiếng tăm là cái tôi muốn, thì tôi có lẽ đã vẫn làm ở VTV, trong căn phòng mát lạnh có điều hòa và trở thành người nổi tiếng.

Tôi đứng lại dưới vòi tắm một lúc lâu, trước khi cố gắng gạt bỏ những suy nghĩ vẩn vơ trong đầu. Tôi đang mặc quần áo thì nghe tiếng chuông cửa vang lên. Là Liên. Hôm này cô ấy mặc một chiếc váy màu đỏ cam đơn giản, khuôn mặt không trang điểm. Cô ấy hiếm khi trang điểm. Liên nhìn xinh đẹp mọi ngày, nhưng thiếu đi trên khuôn mặt là nụ cười thường trực. “Nếu em chịu cưới anh thì anh sẽ không đi”, tôi đùa. Cô ấy mỉm cười.

Tôi nói lời tạm biệt sau cùng với Giang, lúc này còn đang ngái ngủ. “Chúc may mắn người anh em, đừng để bị giết trên đường đi nhé”, cậu ấy nói. “Anh sẽ cố gắng, nhưng nếu anh bị giết thật thì Giang có thể giữ tất cả đồ của anh ở nhà, đồ đó sẽ đáng giá nhiều tiền hơn khi anh chết”, tôi nói đùa.

Chiếc ba lô của tôi dường như quá to so với chiếc xe máy của Liên. Ba lô của tôi dựng đứng lên thì cao đến ngang hông, nặng khoảng hơn 15 kg một chút. Chúng tôi quyết định là sẽ dễ hơn nếu để Liên lái xe. Cô ấy phải khá vất vả khi chúng tôi lên xe và đi, cố gắng đèo cái khối nặng 90 kg là tôi và chiếc ba lô đằng sau. Thật giống với hồi tôi mới đến Việt Nam. Khi ấy cô ấy đã phải đèo tôi đi khắp nơi trong khoảng hai tháng đầu tiên, kể cả khi chúng tôi đi chơi.

Các con phố vắng tanh, chỉ có vài người già đang tập thể dục. Im ắng, yên bình. Hà Nội chỉ yên ắng như thế này vào dịp Tết, khi những người Hà Nội về đoàn tụ. Đâu là lúc Hà Nội đẹp nhất, như Hà Nội trước công cuộc thành thị hóa. Trước khi hàng triệu người đến đây và phá hủy thành phố, nói theo cách của nhiều người Hà Nội gốc.

Tôi và Liên không nói nhiều với nhau. Chúng tôi hiểu nhau quá rõ nên mọi thứ cần nói đều đã được trao đổi trong im lặng. Tôi không muốn đối mặt với cảm giác tội lỗi. Hình như tôi luốn khiến cô ấy phải chờ đợi. Nhưng Liên không cản tôi. Cô ấy biết đây là điều tôi cần phải làm, vậy nên cô ấy ủng hộ tôi.

Đi được một đoạn, tôi nói cô ấy dừng lại, nếu tôi không nói vậy thì chắc cô ấy sẽ lái thẳng và Sài Gòn mất. “Đừng có cưới ai khác trong khi anh đi nhé!” Cô ấy không cười. Thay vào đó, đôi mắt buồn mà tôi đã có lần nhìn thấy, nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi ôm cô ấy thật chặt một lần cuối và đảm bảo với cô ấy rằng mọi chuyện sẽ ổn cả. Cuối cùng, tôi buông cô ấy ra và bước đi, cố gắng không quay lại nhìn. Hình ảnh cô ấy đứng đó cạnh chiếc xe máy, trong chiếc váy màu đỏ cam, vương vẫn mãi trong tâm trí tôi.

Tôi đi bộ được vài tiếng đồng hồ thì bắt đầu thấy thấm mệt. Đôi vai bị chiếc ba lô nặng kéo vít xuống, hai bàn chân cũng bắt đầu nhói đau. Tôi đã có cả một tháng trời để chuẩn bị cho chuyến đi này. Trong những này luyện tập, chân phải của tôi đã bị thương. Tôi mặc kệ cho cái chân sưng tấy hàng tuần liền. Mãi đến vài ngày trước, tôi vẫn cứ nghĩ sẽ phải hoãn chuyến đi lại vì cái chân này. Cái chân đáng ghét vẫn chưa khỏi hẳn, vậy nên nếu muốn chuyến đi thành công, tôi phải thực hiện nó một cách thông minh.

Tôi chợt nảy ra ý tưởng xin đi nhờ xe dọc đường. Xin đi nhờ xe ở Mĩ dễ lắm. Chỉ việc giơ ngón tay cái bên tay phải lên, thế nào cũng có người dừng lại và cho bạn đi nhờ xe. Nhưng đây là Việt Nam. Mọi người sẽ không dừng xe vì họ sợ bạn là kẻ cướp. Tôi chuyển sang tìm một chiếc xe khách. Vài chiếc chạy qua, mãi sau tôi mới thấy một chiếc xe đi Thái Bình. Tôi hồi hộp bước lên chiếc xe đông đúc, ngồi chen chúc vào chỗ ghế phía sau tài xế. Người đi thu tiền mải nói chuyện với một hành khách về một người bạn chung của hai người, không để ý tới tôi.

Đi qua Phù Lí, tôi bắt đầu hơi lo. Tôi cần phải xuống xe. “Anh ơi, em chưa trả tiền nhưng em không có tiền”, thấy một hành khách xuống xe, tôi vội nói. Tôi với tay lấy tờ bào viết về mình trong túi ra, đưa cho người phụ xe chuyên thu tiền.

“Mày không có tiền sao lại lên xe này?” Người lái xe hét lên.

“Việt Kiều. Anh này là Việt Kiều, đang muốn đi xuyên Việt không cần tiền.” Người thu vé xe cười lớn và đưa cho tài xế xem báo.

Vấn đề được giải quyết. Họ cho tôi đi nốt đoạn đường tới Thái Bình. “Khi nào quay về nhớ trả tiền cho bọn anh nhé”, người phụ xe nói với tôi, không biết đùa hay thật. “Thằng em đúng là điên. Anh không nghĩ là mày đi được tới nơi đâu, nhưng mà chúc may mắn.” Anh tài xế thật thà nói với tôi.

“Xe ôm, cháu đi đâu?”, tôi vừa xuống xe thì những người lái xe ôm đã vây lấy. “Cháu không có tiền”, tôi nói và tiếp tục bước đi. Vẫn còn sớm, tôi quyết định đi tiếp, hi vọng tới được Nam Định. Thế nhưng hàng nhiều giờ sau, tôi thấy mình ở giữa một vùng nông thôn nào đó, bụng đói và người mệt rã rời.

Tôi đi tiếp cho tới khi đến được một thị trấn nhỏ nằm ven đường. Tôi cần theo cuốn sổ có in bản đồ, bước tới chỗ một chú xem ôm, “Chú ơi, cho cháu hỏi hiện cháu đang ở đâu?”, tôi vừa hỏi vừa giở tới trang có bản đồ tỉnh Thái Bình. “Thái Dương,” chú ấy chỉ vào bản đồ và trả lời tôi. “Trời ơi”, tôi thốt lên và đổ sụp người về phía trước, đôi tay chống lấy hai đầu gối để không ngả lăn xuốn đất. Từ bấy giờ hóa ra tôi đã đi nhầm đường. Thay vì đi về phía Nam, tôi đã đi mãi về phía Đông, hướng ra biển. “Cháu đang đi đâu, chú chở đi”, chú ấy cố bắt lấy vị khách là tôi đây. “Không, cảm ơn chú”, tôi trả lời và bước đi, quá mệt mỏi và chán nản để giải thích tiếp. Tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đi.

Các em nhỏ ở Thái Dương

Con phố được lát gạch dần nhỏ lại rồi được nối tiếp bởi một con đường đất. Một bên đường là những ngôi nhà, bên kia là biển lúa màu xanh và vàng. Những người nông dân đang mải mê làm việc trên cánh đồng, họ dừng lại ngẩng lên nhìn người lạ đi qua. Tôi mặc một chiếc áo dài tay rộng màu xám, quần tối màu, đội nón lá, đeo chiếc ba lô lớn màu xanh dương, tôi biết họ hẳn sẽ thấy tôi trông lạ lắm. Đi đi lại lại một lúc nhưng tôi không dám tới gần ai cả. Tôi rất sợ bị từ chối. Cuối cùng thì tôi thấy một bác nông dân cùng hai dáng người nhỏ hơn tiến tới từ phía cánh đồng. Với mái tóc hoa râm và gương mặt cứng rắn, tôi đoán bác ấy khoảng hơn năm mươi tuổi, người phụ nữ đi cùng thì tôi đoán là người vợ, trông trẻ hơn bác đến mười tuổi, và một cậu bé ngượng ngùng đi phía sau hẳn không quá mười lăm tuổi, đó là con trai của họ.

“Chào chú. Tên cháu là Hùng. Cháu đang đi bộ xuyên Việt và không mang theo tiền. Cháu có thể ở lại nhà chú tối nay không? Cháu sẽ làm việc giúp chú để trả ơn”, tôi nài xin một cách tuyệt vọng.

“Thế à? Đi bộ chắc cháu mệt lắm. Tối nay không cần lo, về ở nhà bác” bác nông dân trả lời với nụ cười khấp khểnh.

Bác ấy tên là Hồng, một người dân trong làng. Bác Hồng đã sống ở đây cả cuộc đời, làm việc trên những cánh đồng giống như cha của bác đã từng làm. Bác có hai con trai, người con cả hai mươi mốt tuổi và đang nhờ vào mảnh ruộng nhưng đôi khi cũng phải đi vào thành phố để kiếm thêm việc. “Đối với nông dân thì chẳng có gì chắc chắn cả”, bác nói với tôi, nhưng làm đồng là việc duy nhất mà bác rành và yêu thích.

Ngôi nhà của bác Hồng cách cánh đồng khoảng mười phút đi bộ. Sau khi băng qua một con đường và một cái ao, thứ có vẻ như có ở hầu hết mỗi căn nhà ở đây, chúng tôi đi tới một con đường nhỏ dẫn tới nhà của bác Hồng. “Có việc gì cháu giúp được không” tôi hỏi. “Không, cháu nên đi tắm đi”, bác ấy nói.

Phòng tắm nhỏ chỉ khoảng một mét vuông và không có gì ngoài một chiếc chậu, một chiếc xô, và một cái gáo. “Chịu khó tắm nước lạnh nhé”, bác Hồng nói vọng từ bên ngoài. “Không vấn đề gì, bác!”, tôi nói dối. Ngoài trời vẫn khá ấm áp, nhưng gáo nước đầu tiên dội lên đầu xuống khiến tôi run bắn người và nổi da gà. Tôi cắn chặt môi để khỏi hét tướng lên. Tôi chỉ cố được một vài gáo nước nữa.

Bác Hồng đưa tôi tới ngôi nhà liền kề, nơi cha của bác đang ở. Tôi được gặp hai ông bà cao tuổi, họ đang chăm ba đứa cháu nhỏ, hai đứa bé trai mập mạp lên chín và một cậu bé hơn, sáu tuổi. Một trong hai đứa bé bụ bẫm luôn miệng hỏi nhắng nhít: “Chú là người Mĩ à? Mẹ cháu là cô giáo, chắc là tiếng Anh cũng giỏi như chú”, thằng bé khoe khoang.

Bữa tối gồm có cơm, rau luộc, một ít thịt lợn kho, và canh. Mâm cơm khiêm tốn với rất nhiều thức ăn. Tôi quan sát, trong lòng cảm thấy tội lỗi vì tôi mà họ phải thêm một miệng ăn. Tôi cố gắng ăn chậm, một chiến thuật mà mọi người vẫn tin rằng sẽ giúp chúng ta ăn ít hơn, mặc kệ cái bụng đói đang sôi sục. Mỗi lần nhai lại khiến tôi cảm thấy thêm tội lỗi.

“Bác, cháu không muốn làm phiền, nhưng cháu muốn giúp bác công việc gì đó”.

“Không, cháu đừng quá lo. Cháu cứ ở đây đến khi nào cũng được, cứ ở nhà mà nghỉ.”

“Bác đã cho cháu chỗ ở và đồ ăn rồi, cháu thực sự rất muốn giúp. Hơn nữa cháu cũng muốn sống thử cuộc sống của nông dân Việt Nam mà”.

Bác Hông dừng lại nghĩ ngơi một lúc rồi nhận lời cho tôi giúp.

9 giờ 30 phút tối, đèn trong nhà được tắt hết. “Phải dậy từ 5 giờ để tránh trời nắng nóng. Đi ngủ đi, sáng mai bác gọi dậy”. “Thật không bác?” Tôi hỏi đùa. Sợ bác Hồng sẽ để mặc cho tôi ngủ muộn sáng hôm sau, tôi lần điện thoại để đặt chuông báo thức. Giấc ngủ không đến một cách dễ dàng vì tôi phải vật lộn với cái nóng mùa hè.

Bình minh mới hè, tôi đã tỉnh dậy trong những âm thanh của vùng quê: tiếng gà trống gáy từ phía xa, tiếng chim hót, tiếng người xì xào chuẩn bị cho một ngày làm việc. Mặt trời còn chưa lên hết. Tôi dụi mắt cố rũ bỏ cơn buồn ngủ. “Cháu nên mặc quần áo dài”, bác Hồng báo cho tôi biết. Kì lạ, tại sao mặc quần áo dài trong khi trời sẽ rất nóng? Nhưng tôi nghe theo lời khuyên của bác. Sau bữa ăn sáng gọn nhẹ với mì tôm và lá bạc hà[1]tươi mới hái, mọi người nhanh chóng đi ra đồng.

[1] Rau húng.

Thu hoạch lúa là công việc trong gia đình. Bác Hồng, vợ bác, con trai bác và tôi đẩy xe thồ tới mảnh ruộng của gia đình bác, miếng đất rộng bằng khoảng một sân bóng đá nhỏ. Tôi cởi bỏ đôi dép lê, bùn cao đến mắt cá chân tôi và dính như chè ngô. Côn trùng ở khắp mọi nơi: kiến, nhện, sâu, và những thứ trông kì lạ như thể sinh vật mới đến hành tinh này. Việc đi bộ trong lớp bùn khá mất sức, nhưng dần dần tôi cũng quen. “Làm ở đây bẩn lắm, cháu quay về nhà mà nghỉ”, bác Hồng đề nghị.

Tôi quan sát bác Hồng một lúc rồi cũng hiểu phải làm như thế nào. Tôi cúi người túm lấy thân cây lúa bằng tay trái và vung tay phải đang cầm cái liềm. Xoẹt xoẹt. Vết cắt không sắc lắm nên lần thứ hai tôi cố vung mạnh hơn. Lần này cái liềm cắt khá dễ dàng, theo đà chiếc liềm vung ngược trở lại, thiếu chút nữa thì tôi tự xén vào chân mình. Nhìn tôi rõ ràng là đang vật lộn, bác Hồng lại đề xuất, “Có khi cháu nên về nhà nghỉ đi”. Tôi lắc đầu và hơi thất vọng với bản thân.

Trông tôi làm việc chắc hẳn rất tệ và lúng túng. Bác Hồng dừng việc và tiến tới, “Cháu đang chặt, cháu phải kéo nó cơ”, bác túm lấy một bó lúa và làm mẫu. Bác lướt cái liềm qua thân những cây lúa dễ như đang cắt rau với chiếc dao sắc. Cú cắt của bác tạo nên một âm thanh sắc gọn. Chậm lại một chút, nhưng tôi quyết tâm làm được. Xoẹt. Cắt. Xoẹt. Cắt. Cắt.

Tôi là một cậu chàng thành phố nhưng tôi ở đây để chứng minh khả năng làm nông dân của mình. Điều này quan trọng đối với tôi. Nông nghiệp và lúa nước là xương sống của Việt Nam. Nếu tôi không làm được việc này, làm sao tôi có thể tự gọi mình là người Việt? Tôi nhất định làm cho bằng được. Khoảng mười phút sau, tôi cắt lúa như thể tôi được sinh ra với chiếc liềm sẵn trong tay. Bác Hồng, người vợ, cậu con trai và tôi, mỗi người phụ trách khoảng sáu – tám hàng lúa và thực sự bắt đầu công việc.

Tôi không muốn dừng lại để nghỉ. Chỉ khi nào bác Hồng dừng lại, tôi mới dừng. “Hùng quen gặt lúa rồi à”, bác Hồng tặng tôi một lời khen nhẹ nhàng. Chưa được lành nghề như bác tôi đã tự làm được kha khá.

Khoảng vài giờ đồng hồ trôi qua. Mới chỉ 10 giờ sáng nhưng mặt trời đã bắt đầu thiêu đốt mặt đất và khiến chúng tôi chậm lại. Bác Hồng quyết định dừng công việc. Bác gái và cậu con trai bó gọn đống lúa vào thành từng bó trong khi bác Hồng và tôi chất chúng lên xe. Vác những bó lúa lên xe thồ giống như đi bộ trên sàn nhà trơn tuột với những tảng đá vác trên vai.

Chúng tôi kết thúc công việc và rửa chân tay tại một cái kênh nhỏ. Sự mệt mỏi dần lắng xuống, tôi nhìn xuống đôi tay mình và đếm những vết trầy, hai, ba, bốn… Nhưng một chút đau đớn cũng thật đáng, tôi đã thực sự tự hào với bản thân và cảm thấy thật tuyệt khi được công nhận bởi cả một gia đình nông dân. Cùng đi bộ về nhà, không khí và thái độ của mọi người rõ ràng đã có thay đổi. Công việc đã giúp tôi tới gần hơn được với gia đình bác Hồng.

Trong lúc nghỉ trưa, bác Hồng kéo một chiếc gối ra ngay gần bác và tôi ra nằm cạnh bác trên sàn nhà. Tôi nói với bác tôi không quen ngủ trưa, nhưng bác kiên quyết. Nằm nhìn lên trần nhà, bác Hồng nói với tôi, “Cháu giỏi lắm. Cháu làm nông dân được đấy, có khi mua một miếng đất ở đây. Bác tìm vợ cho, xong rồi ở lại đây.” “Có lẽ thế ạ”, tôi mỉm cười.

Một lúc sau bác Hồng ngủ thiếp đi, tôi nằm đó và cảm nhận thứ tình cảm thật ấm áp. Lớn lên không có cha bên cạnh, tôi chưa từng được nghe cha tôi nói rằng ông tự hào về tôi, dù chỉ một lần. Tôi tưởng tưởng cảm giác này chính là cảm giác khi tôi được ông khen ngợi. Tôi tận hưởng cảm giác ấy thêm một lúc nữa, tôi đứng dậy đi lòng vòng.

Công việc tiếp tục khoảng 3 giờ chiều. Cái nóng buổi chiều gay gắt hơn và những cơn gió nhẹ buổi sáng không còn nữa. Cánh đồng như một mảnh đất hoang cằn cỗi. Mọi người đã đi về hết. Không lâu sau mới bắt đầu, chúng tôi phải chạy đi trốn cái nóng của mặt trời. Chúng tôi nghỉ ngơi dưới một gốc cây bên đường cùng một vài nông dân khác. Một người sai con gái chạy về nhà hái một ít vải mang ra. Tôi nói chuyện với một vài bác nông dân khác trong làng, những người hóa ra đã biết đến tôi trước cả khi tôi kịp biết. “Cô thấy cháu gặt lúa giỏi lắm.” Tôi cười, vui sướng khi được khen.

Công việc buổi chiều lúc làm lúc nghỉ, cứ sau 20 phút làm thì lại phải nghỉ uống nước dưới bóng cây 10 phút. Mỗi khi hết nước, chúng tôi chỉ phải đi tới nhà ai đó gần và xin ít nước giếng của họ. Không cần phải xin phép. Tôi thực sự ngạc nhiên. Ở Mĩ mọi thứ đều có chủ quyền. Bạn bước vào mảnh đất của ai đó, dù là hàng xóm hay không, bạn đều có nguy cơ bị ăn một phát súng hoặc bị cảnh sát hỏi thăm. Tôi nhớ đã từng phạm sai lầm như vậy một lần khi nhảy vào sân nhà hàng xóm để lấy lại quả bóng.

Làm ruộng ở Thái Bình

Người hàng xóm đã mách mẹ tôi và mông của tôi bị đau cả một tuần liền. Tôi đoán ở Việt Nam, người dân ở thành phố không được cởi mở như thế này.

Chúng tôi làm đến năm giờ chiều. Công việc mệt mỏi gấp đôi buổi sáng. Từng centimét trên người tôi đau rã rời. Các vết trầy nhằng nhịt trên tay tôi giống như những châu lục trên bản đồ, các vết xước khắp cánh tay, bàn chân khô cứng dưới lớp bùn. Chưa bao giờ tôi làm việc tới mức kiệt sức như thế này. Đã có vài lần tôi thấy chóng mặt và muốn ngất xỉu. Tôi còn muốn ói nhưng lại vuốt ngược vào trong. Tôi không muốn làm bác Hồng thất vọng. Cuộc sống của nông dân là như vậy, dù mệt hay ốm, nếu không làm việc thì ai làm thay?

Tối hôm đó chúng tôi được ăn thịnh soạn hơn nhiều. Lần này gia đình bác có thời gian chuẩn bị và sự mến khách nổi tiếng của người Việt Nam thực sự được thể hiện. Người Việt Nam luôn làm mọi cách để khách của họ thấy được chào đón. Dù đôi khi họ còn phải cố quá sức của mình. Tôi trân trọng lòng hiếu khách đó, nhưng nếu cố gắng quá thì cũng thật ngốc nghếch. Con vịt mới được mua có thể để cả gia đình ăn trong một tuần. Vả lại, tôi cũng đâu phải vị khách nào quan trọng.

“Cháu có thích sống như nông dân Việt Nam không? Ở đây có khác ở Mĩ không?”, bác Hồng hỏi trong khi tôi đang nhìn cái mâm đầy thức ăn.

“Công việc vất vả quá. Lúc nào cháu cũng nghe thấy người ta nói cuộc sống nông dân rất khổ nhưng làm rồi mới biết, quả là vất vả, nhưng cháu lại rất thích.” Tôi nói, kịp nhận ra đây mới là lần đầu tiên được trải nghiệm đời sống của một nông dân.

“Cháu làm giỏi lắm. Hay là về đây sống đi. Bác tìm vợ cho.” Bác đùa.

“Bà! Sao mọi khi bà không nấu như thế này?”, thằng bé mập chen ngang. “Ở nhà bọn cháu ăn nhiều thịt lắm, thế mà ở đây bà chẳng có thịt gì cả. Cháu không thích ở đây với bà nữa.”

“Ở đây ăn nhiều rau, rau tốt cho sức khỏe”, bà cụ trả lời. “Nhưng mà cháu chỉ thích ăn thịt thôi. Ở đây chán quá”, thằng bé cãi lại. Khuôn mặt bà cụ buồn trông thấy. Thật vô lễ. Tôi muốn vươn tới vỗ vào đầu thằng bé. Thằng bé làm tôi thấy bực mình. Tôi đã thấy sự ngang ngược này rất nhiều lần trước.

Đây là kết quả của việc dạy dỗ chưa tốt từ cha mẹ. Cách mà phần lớn các cha mẹ nuôi dạy con ở Việt Nam rất có hại cho việc phát triển của con cái họ. “Nó vẫn còn trẻ con”, người Việt Nam thường sẽ dùng câu nói này để bảo vệ cho con cái của họ. Nhưng thực ra đó không phải tại đứa trẻ, mà là tại lỗi của cha mẹ chúng. Những cha mẹ Việt Nam điển hình thường bao bọc, chăm chút và kiếm soát con thái quá. Việc này bắt đầu từ khi đứa trẻ còn nhỏ. Trong khi các cha mẹ phương Tây đôi khi sẽ để đứa bé tự bình tĩnh lại và nín khóc, cha mẹ người Việt Nam sẽ chạy tới để đứa bế và vỗ về khi thấy bất cứ biểu hiện nào của sự phụng phịu. Chỉ ở Việt Nam bạn mới thấy cảnh một đứa trẻ sáu tuổi được mẹ bón ăn bằng thìa. Và đến khi đứa con chuẩn bị đi thi vào đại học, cha mẹ sẽ giúp chúng quyết định nên học ngành gì.

Kết quả của việc nuôi dạy con như vậy là những đứa trẻ dù đã lớn nhưng vẫn có tính dựa dẫm, yếu ớt và thụ động. Người trẻ không có khả năng giải quyết các vấn đề của chính họ, và khi gặp khó khăn, phần nhiều trong số họ không biết xoay xở ra sao. Họ sẽ chạy về nương nhờ cha mẹ, những người luôn đợi họ sẵn với vòng tay mở rộng.

Thế hệ ông bà và cha mẹ của chúng ta rất mạnh mẽ, độc lập và chăm chỉ. Đó là kết quả của việc phải sống trong gian khổ, khó khăn. Đến bây giờ, họ vẫn luôn muốn những điều tốt nhất cho con cháu họ. Nhưng tôi nghĩ, sự cưng chiều mà họ đang làm chỉ gây tổn hại thêm lớp người trẻ Việt Nam, tương lai của Việt Nam. Làm sao thế hệ trẻ có thể học cách sống và tự chăm lo cho bản thân nếu cha mẹ họ luôn sẵn sàng túc trực để nâng đỡ khi họ vấp ngã? Và ví dụ, một khi cha mẹ họ mất đi, làm sao họ có thể tự sống sót?

Nhưng không phải tất cả những người trẻ đều như vậy. Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm để làm nốt công việc thu hoạch ngoài cánh đồng. Tôi thật lòng không muốn làm chút nào vì từng phần cơ thể tôi đau buốt mỗi khi tôi cử động. Tôi và con trai bác Hồng, em Sơn, trở nên thân mật hơn khi làm việc cạnh nhau trên cánh đồng. Chưa có lúc nào tôi nghe thấy một lời than vãn từ cậu bé.

“Người em có đau không? Người anh như bị xe ô tô đâm vào”, tôi nói. “Không, em quen rồi. Mùa gặt trước chỉ có em và mẹ. Bố em phải lên thành phố sơn nhà thuê”, Sơn nói. Sơn rất khiêm tốn, em là một đứa trẻ cứng cỏi – sản phẩm của cuộc sống vùng nông thôn. Sơn không bị làm hư bởi sự nuông chiều, vì cha mẹ còn không đủ điều kiện để nuông chiều em.

Khoảng 10 giờ sáng thì chúng tôi làm xong, và thế là có chút thời gian để đi quanh làng thăm thú. Mọi người trong làng đều đã bàn tán về sự có mặt của tôi. Nhiều dân làng tỏ vẻ tò mò và hứng thú về câu chuyện của tôi. “Nghe bảo cháu gặt giỏi lắm”, một bác gái nói với tôi. “Hay ở lại đây, đi làm giúp tất cả các nhà. Cháu phải đến giúp nhà bác đi. Bác cho cháu ở nhờ và ăn. Con gái bác xinh lắm, để bác giới thiệu cho nhé!”, bác ấy nói tiếp.

Một bác gái khác đi ngang qua nghe thấy câu chuyện của chúng tôi và dừng lại, “Cháu là người Mĩ gốc Việt hả?”. Tôi gật đầu. “Đẹp trai thế, có bạn gái chưa?” “Chưa ạ”. “Lấy vợ Việt Nam đi. Người Việt Nam phải lấy người Việt Nam chứ”, bác ấy nói. “Vâng, trong tương lại ạ”, tôi mỉm cười. Tôi càng không thể nhịn cười khi hai bác gái so sánh xem con gái nhà ai hơn.

Bạn của Sơn mau chóng kết thúc công việc và nhập hội cùng chúng tôi. Chúng tôi đi bộ chân trần trên những cánh đồng. Phần lớn các con sông ở Việt Nam đều bị ô nhiễm. Tôi thầm mong con sông chúng tôi đang đi tới không giống như sông Hồng ở Hà Nội. Mấy đứa trẻ kể cho tôi nghe câu chuyện về hai chị em nhà nọ bị chết đuối trên dòng sông này năm ngoái, thú thực là tôi cũng hơi sợ. Bà ngoại từng kể cho tôi nghe những câu chuyện về ma có thể kéo người ta xuống nước. Xuống tới dòng sông, bọn trẻ lại khiến tôi hoảng hốt một lần nữa khi nói rằng ở đó có cá sấu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.