John Đi Tìm Hùng

Chương 5 – Phần 2



Tôi đã học tiếng Việt được gần hai năm. Như phần lớn người Việt Nam ở Mĩ thuộc lớp “thế hệ hai”, tiếng Việt của tôi không tốt lắm. Thực ra là tôi đã không biết chút tiếng Việt nào trước khi đến Việt Nam. Bố mẹ tôi sang Mĩ khi còn rất nhỏ và tiếng Anh là thứ ngôn ngữ duy nhất được sử dụng trong nhà. Mẹ tôi cố gắng bắt tôi học tiếng Việt nhưng tôi thì không thích chút nào. Một cách ngốc nghếch, tôi cứ cho rằng tiếng Anh là đủ rồi. Thế nên tôi đã không thực sự chú tâm học tiếng Việt cho tới khi tôi hai mươi mốt tuổi sang Việt Nam du học.

May mắn là khi lớn lên, tôi được biết đến khá nhiều điều về Việt Nam qua bà ngoại. Tôi thường nghe bà kể chuyện và thi thoảng ngồi xem cải lương cùng bà để bà vui. Nhưng tiếng Việt của bà ngoại chắc không phải là tấm gương tốt nhất, vì thỉnh thoảng bà bị nhầm “L” và “N”. Tôi chỉ có thể mô tả giọng bà là sự lai trộn giữa giọng Hải Phòng và giọng miền Nam. Mẹ tôi nói giọng miền Nam và sau bốn tháng ở Hà Nội, tôi nói giọng Bắc. Bà ngoại thường trêu rằng tôi có giọng nói của người Bắc “Kì”.

Tôi nhớ trong buổi tập trung, chúng tôi phải làm bài kiểm tra phân loại trình độ tiếng Việt để phân lớp. Có ba cấp độ: sơ cấp, chủ yếu cho những người nước ngoài không biết chút gì; trung cấp, cho người Mĩ gốc Việt Nam, những người có thể nói và nghe một chút nhưng không biết viết và đọc; và cao cấp, cho những người đã biết sử dụng khá trôi chảy. Tôi thuộc nhóm sơ cấp. Nhưng vì là người gốc Việt, tôi thấy hơi xấu hổ nếu bị xếp vào lớp với toàn người nước ngoài. Tôi quyết định dùng kiến thức Tâm lí học để tìm cách lên lớp Trung cấp.

Bài thi gồm hai phần, viết và vấn đáp. Một cách hoàn toàn dễ hiểu, tôi trượt bài. Đến bài kiểm tra nói thì tôi thắng lớn. “Chào ba cô, tại sao ba cô đẹp thế?”, tôi cẩn trọng nói câu mà một người bạn đã dạy tôi một tiếng trước khi vào thi. Ba cô giáo cười và sau khi tôi trả lời một vài câu “Có/Không”, mà thực lòng tôi không hiểu nghĩa là gì, tôi được xếp vào lớp Trung cấp.

“Chị phải đi rồi nhưng em có cần tiền không? Để mua nước? Chị không có nhiều nhưng chị cho em năm ngàn đồng để mua chai nước nhé?”, chị Hương nói. Tôi cám ơn chị vì đã đi bộ 2 kilômét cùng tôi và từ chối lời đề nghị.

Đến chiều muộn thì tôi tới thành phố Huế. Thành phố rất xinh đẹp và uy nghiêm. Tôi bất chợt thấy như mình đang ở giữa một nơi mà thời gian như đóng băng, nơi mà các sự vật như đã không bị động tới từ nhiều thế kỉ trước. Nguyên sơ, ngoại trừ một vài người ngoại quốc đi lại. Một vài điểm trắng giữa biển những gương mặt Việt Nam. Một người nước ngoài lướt qua trên một chiếc xe máy, không đội mũ bảo hiểm. Cảnh sát giao thông chỉ đứng nhìn. Nếu đó là người Việt Nam, hẳn anh ta đã phải dừng lại. Ở Việt Nam, tóc vàng, da trắng, hay mắt xanh có nghĩa là bạn sẽ được bỏ qua một số lỗi lầm. Là người ngoại quốc tức là bạn sẽ có những lợi thế về cả kinh tế và xã hội. Nhiều người còn có thể cho rằng bạn giỏi hơn họ. Đó chính là quan niệm ngờ nghệch mà nhiều người Việt Nam vẫn giữ trong đầu, thật đáng buồn. Sau hàng thập kỉ dưới ách đô hộ, rồi cuối cùng giành được độc lập tự do nhờ công lao của Hồ Chí Minh, nhưng rồi người ta lại bị kiểm soát và khuất phục bởi thứ vũ khí mạnh nhất, suy nghĩ và ý thức.

Tôi tiếp tục đi vòng quanh thành phố. Tôi cần một nơi để ở. Từ kinh nghiệm của tôi, ở thành phố thì khó tìm thấy sự hiếu khách hơn ở nông thôn. Người thành phố hơi khó tính, hoài nghi hơn, thường xuyên trong trạng thái cảnh giác. “Phần lớn người thành phố không có nhiều lòng tin. Đó là cách sống ở thành phố. Họ bị lừa nhiều rồi nên khó tin người lắm”. Một người đàn ông ở Hà Nội đã nói với tôi như vậy. Tất cả trở thành tâm lí “ăn hay bị ăn”.

Người nông thôn cũng không miễn nhiễm với sự thực này, tôi đã từng tưởng nhầm. Tôi tưởng rằng sự vô tư của họ trở thành tấm lá chắn bảo vệ lòng tin của họ không bị ảnh hưởng. Nhưng người nông thôn không phải ai cũng ít học, cả tin và dễ bị lừa. Trò chơi “lời nói đường mật” ở Việt Nam, khi người ta cười và nói những điều bạn muốn nghe, cũng hiện hữu ở những vùng nông thôn. “Bạn không thể lừa người Việt Nam, nhưng anh ta thì lại hoàn toàn có thể làm thể khiến bạn trở thành chàng ngốc”, một người từng bảo tôi như vậy.

Nhưng đây là điều mà tôi chưa được biết đến cho tới khi tôi đến Huế, được gặp một vị giáo sư uyên bác tên Vởn. Trong cả một quãng thời gian dài, tôi cứ nghĩ những người nông dân là những nạn nhân. Tôi đã nhìn thấy sự lao lực của họ, nghe những câu chuyện buồn thương của họ. Tôi cứ nghĩ đơn giản rằng nếu họ có tiền và có cơ hội, họ sẽ không phải sống trong cái nghèo như hiện nay. Người Việt Nam rất thông minh, tài năng và chăm chỉ. Ví dụ điển hình là những người Việt Nam ở nước ngoài, nhiều người đã từ những người dân nhập cư nghèo đói mà trở thành những người cực kì thành công trong nhiều lĩnh vực nhiều năm qua. Nhưng cứ có mỗi cá nhân thành công thì lại có rất nhiều những cá thể khác thất bại. Điều này giữ trạng thái cân bằng của tự nhiên được ổn định.

“Nói rằng nông dân là những nạn nhân có nghĩa là ta nói họ không có chút quyền lực hay kiểm soát nào đối với cuộc đời của chính họ. Đó là một quan niệm sai lầm. Vấn đề thực chất phức tạp hơn nhiều”, thầy Vởn nói. Bác Vởn từng là giám đốc của Trường Đại học Nông Lâm Huế. Chỉ mới gặp cũng dễ thấy bác là một người hiểu biết nhiều. Vẻ ngoài thường không thể nói lên được trí tuệ nhưng bác ấy nhìn thực sự giống như một người am hiểu. Bác Vởn có khuôn mặt gầy, dài, nhỏ nhắn và sáng, đeo cặp kính lớn hình ô van. Nhìn bác giống như phiên bản Việt Nam của Albert Einstein hay Thomas Edison. Tôi biết bác Vởn qua một lần vô tình gặp vợ của bác, người cũng là một giảng viên đại học, khi còn ở Thanh Hóa. Bác gái đã cho tôi số điện thoại và nói hãy ghé chơi khi nào tôi tới Huế.

Đi sâu vào trong nội thành, tôi gần vào tới nơi ở của bác. Tôi được vợ bác Vởn tiếp đón ở cổng trước của một ngôi nhà dáng vẻ rất thanh tao. Ngôi nhà chỉ có hai tầng như tất cả các ngôi nhà khác ở đây. Không nhà nào được xây cao hơn cung điện, một quy định đã tồn tại từ rất lâu. Ngôi nhà tao nhã một cách bất ngờ, một lối kiến trúc rất hiện đại, bóng bảy và thực ra là rất “Mĩ”.

Vợ bác Vởn và tôi ngồi trong phòng khách trò chuyện một hồi lâu, nhâm nhi chén trà xanh tuyệt hảo. Gia đình hai bác đã có khá nhiều năm sống bên Mĩ khi bác Vởn đi học sau đại học. “Nhà bác lẽ ra cũng có thể ở lại sống bên đó luôn, nhưng các bác nhớ Việt Nam. Đây là nhà và các bác phải về nhà chứ”. Vợ của bác Vởn là một người phụ nữ có học và cũng rất thông minh. Cách bác ấy cư xử và nói chuyện nhắc tôi nhớ tới một giáo sư tôi từng được học cùng khi còn ở Berkeley. Nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, thông minh nhưng không kiêu ngạo, bác ấy vô cùng phù hợp để làm một giảng viên đại học.

Tôi xin phép đi tắm và nghỉ ngơi. Liền kề với phòng ngủ của tôi là một khoảng sân thượng xinh đẹp với một bên là vườn rau nhỏ và một bên là giàn nho lơ lửng bên trên. Tôi không phải là kiến trúc sư, nhưng phần lớn những ngôi nhà ở Việt Nam trông rất xấu xí, ngay cả khi không gian đã được chia ra rõ ràng. Luôn có cảm giác như bị nghẹt thở, và những tòa nhà cao nhưng hẹp khiến bạn cảm thấy như đang ở trong khách sạn hơn là nhà. Ngôi nhà này không lớn nhưng rất thoáng, nó có kiến trúc tinh tế nhưng vẫn thoải mái và ấm cúng.

Bữa tối, tôi lắng nghe bác Vởn nói về nhiều chủ đề từ Mĩ tới Việt Nam, từ nông nghiệp tới văn hóa. Thỉnh thoảng bác nói tiếng Anh để giải thích những ý tưởng trừu tượng mà tôi không thể hiểu bằng tiếng Việt. Tôi ngưỡng mộ trí tuệ của bác, nhưng tôi trân trọng hơn cả là cách nói chuyện rất duyên dáng của bác. Phần lớn người lớn tuổi Việt Nam nói chuyện với người trẻ tuổi theo cách không mấy tôn trọng, như thể chỉ cần sống được một số năm thì tự nhiên bạn sẽ trở nên thông thái vô cùng. Tôi luôn tôn trọng người lớn tuổi hơn, nhưng không trân trọng sự coi thường và đôi khi là lộng quyền.

Nhà bác Vởn

Bác Vởn khiến bạn suy nghĩ và nhìn mọi thứ từ những khía cạnh khác, những khía cạnh mà thường thì bạn sẽ dễ dàng bỏ qua. “Tại sao?” “Tại sao cháu nghĩ như thế?”, bác ấy hỏi không phải để tìm câu trả lời mà để tôi tự đánh giá bản thân và sự việc. “Có giải pháp nào tốt hơn không hay phía bên kia của cuộc tranh luận thì sao?”. Đây là phong cách giáo dục có thể thấy ở bên Mĩ. Cách dạy học ở Việt Nam thì không như vậy. Ở Mĩ, các đáp án là vô hạn. Nếu cung cấp được bằng chứng, bạn không bao giờ sai. Chúng tôi được dạy để trở thành những người biết suy nghĩ logic và biết tìm giải pháp sáng tạo cho nhiều vấn đề, hay còn gọi là “suy nghĩ ngoài cái hộp” – vượt qua các giới hạn tưởng có để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo, hiệu quả. Vì vậy trong khi người Việt Nam giỏi toán, một môn học có nhiều con số và các đáp án chính xác sẵn có, phần lớn rất yếu các môn học khác.

Tôi bắt đầu đặt câu hỏi và đánh giá lại tất cả những điều đã học được trong một tháng qua. Mọi thứ bắt đầu không còn chỉ là trắng và đen. Sau bữa tối, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện, thi thoảng còn tranh luận.

“Một bác nông dân ở Hà Tĩnh nói với cháu rằng nếu họ có 50 % số tiền lẽ ra họ được nhận, họ đã có thể làm giàu. Họ nghèo và khổ vì họ không được nhận tiền trợ cấp”.

“Hoàn toàn đúng và hoàn toàn sai. Cháu nói rằng những người nông dân nói họ chỉ nhận được 10 % số tiền, đó là một ước tính quá thấp. Nếu họ có nhiều tiền hơn, có người có thể trở nên khá giả hơn nhưng phần lớn sẽ không được như vậy. Cháu phải hiểu bản chất của người Việt Nam. Họ sẽ nói những thứ cháu muốn nghe”.

Và rồi mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Gần như mỗi người mà tôi được gặp đều có những màn độc thoại khá giống nhau về cuộc đời của họ. “Cuộc sống ở Việt Nam khó khăn lắm. Chúng tôi làm cực nhọc nhưng không đủ tiền. Cuộc sống người dân rất khổ”. Chắc chắn là họ phải sống trong khó khăn, nhưng tại sao cứ mãi nhấn mạnh và kể đi kể lại về nó. Tôi đặt ra câu hỏi.

“Việt Nam có một nền văn hóa tập thể, có nghĩa là nó tập trung vào sự phụ thuộc lẫn nhau và hội nhóm có vai trò lớn hơn từng cá thể riêng biệt như ở bên Mĩ. Như vậy, mọi người đều muốn tuân theo cái chung. Việt Nam đang phát triển, vì vậy đất nước còn nghèo, đó là hình ảnh đã được phác họa phổ biến mặc dù chúng ta biết một số người đã rất giàu”.

“Đúng vậy. Nông dân Việt Nam rất chăm làm nhưng nhiều người không có khả năng suy tính. Nếu cho một người nông dân mười ngàn đồng, anh ta rất có thể sẽ tiêu sạch trong vài tuần để ăn chơi, nghỉ ngơi và mua rượu. Cháu cần phải hiểu là nhiều người sống theo cách cho qua ngày, chỉ cần đủ để tồn tại”. Bác Vởn nói. Đó chính là điều mà những người nông dân thành công như bác Liu đã nói ở Hà Tĩnh với tôi. Rất nhiều nông dân Việt Nam không có nhiều kiến thức. Kiến thức không nhất thiết phải có được từ việc tới trường lớp nhưng họ thậm chí không muốn phát huy khả năng tư duy và năng lực trí tuệ để nghĩ tới bức tranh toàn cảnh.

“Cháu phải phân tích vấn đề và bóc tách mọi sự phức tạp. Có nghĩa là cháu phải hiểu và tính đến mọi yếu tố văn hóa và lịch sử. Bác đã từng tham gia nhiều dự án có vốn nước ngoài để giúp đỡ người nông dân, một vài dự án thành công và một vài thất bại thảm hại. Nhiều người nước ngoài tới đây nghĩ rằng mọi thứ sẽ có thể được giải quyết theo cách của họ”.

Bác ấy đưa ra ví dụ về một dự án giúp người dân tộc thiểu số bằng cách cho họ gạo. Khi ấy bác Vởn là một chuyên gia cố vấn của một nhóm chuyên gia người Đức và Hà Lan. Họ nghĩ rằng bằng cách giúp các hộ gia đình có đủ gạo để ăn, người dân sẽ không vào rừng chặt cây nữa. “Bác đưa họ tới gặp nhiều gia đình dân tộc thiểu số. Bác biết dự án sẽ không thành công nhưng bọn họ vẫn muốn làm theo cách của họ. Bọn bác tới thăm nhiều gia đình, họ đều nói trong một năm họ phải vào rừng kiếm ăn khoảng bốn đến sáu tháng nhưng vẫn không đủ ăn. Các chuyên gia nước ngoài bấy giờ cứ nghĩ rằng họ đang làm đúng”.

Bác dừng lại một chút cho nụ cười nhạt trước khi tiếp tục. “Bác hỏi người dân, mỗi ngày uống bao nhiêu rượu. Anh chồng và cô vợ nhìn nhau. ‘Chắc là khoảng một chai mỗi ngày’. Bác hỏi họ cho bác xem chai rượu của họ. Cô vợ đi và mang lại một chai rượu một lít. Bác hỏi họ nói thật, một ngày uống mấy chai. Họ khai thật, trung bình một chai rưỡi đến hai chai. Bác quay lại nhóm chuyên gia và mỉm cười. Bác không cần giải thích cho họ hiểu cần bao nhiêu gạo để làm ra một chai rượu như vậy và bao nhiêu rượu được họ uống mỗi ngày. Các chuyên gia đều là những người có học thức, có chuyên môn cao nên họ có thể tính toán được ngay”.

Tối hôm sau vợ bác Vởn về Thanh Hóa để ăn giỗ cha. Chúng tôi cùng ăn một bữa tối đơn giản và tiếp tục những câu chuyện về lịch sử, văn hóa và các bài học về cuộc sống. “Hãy luôn nhớ rằng không chỉ có một cách để nhìn nhận sự việc trong đời. Cuộc sống có nhiều khía cạnh và thậm chí khi cháu nghĩ cháu đã đúng rồi, cháu vẫn có thể sai. Giống như chuyện thầy bói xem voi”. Bác kể cho tôi nghe câu chuyện dân gian Việt Nam về năm ông thầy bói đi xem voi.

Một lần nữa chúng tôi lại bắt đầu câu chuyện từ trước bữa tối và kéo dài đến tận khuya, thỉnh thoảng dừng lại để bác Vởn xem chương trình yêu thích của bác trên TV. “Một người đàn ông nên luôn giành thời gian để thưởng thức những thú vui của anh ta”, bác nói và cố gắng giải thích cho tôi về chương trình bác đang xem để tôi có thể cùng xem. Cuối buổi, ai đó trong chúng tôi đã nói đến vấn đề tư tưởng và giáo lí chi phối con người. Có lẽ hai tương phản lớn nhất là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa tư bản. Tôi đã cho rằng xã hội tư bản như của Mĩ là một xã hội lí tưởng. Tuy nhiên, nhìn vào tình hình kinh tế suy thoái hiện nay ở nhiều nước phương Tây và các lỗ hổng hệ thống khác, tôi rất sẵn lòng được nghe các lập luận khác.

“Bác đã dành gần một thập niên ở Mĩ và hệ thống đó có lỗ hổng trầm trọng. Nó cho phép sự tham lam và những thói xấu khác trong con người phát triển. Đừng hiểu sai ý bác nhé, chủ nghĩa tư bản đã giúp các quốc gia như Mĩ phát triển, nhưng kết quả cuối cùng vẫn luôn có những khiếm khuyết. Sẽ luôn có sự phân phối của cải không đều và một phần dân số không được thỏa mãn nhu cầu”. Bác Vởn dừng lại một chút.

“Chủ nghĩa cộng sản hay chủ nghĩa xã hội là sự lựa chọn tối ưu. Không phải những ý tưởng đó là sai, trái lại, chúng quá hoàn hảo, quá tốt. Và nhân loại cùng nền văn minh của chúng ta thì vẫn chưa sẵn sàng đón nhận những ý tưởng đó”.

“Theo cháu, con người nói chung quá tham lam và ích kỉ nên những ý tưởng đó sẽ không thành hiện thực được. Trong một thế giới hoàn hảo, nơi mọi người đều hoàn hảo, có lẽ chúng ta sẽ có thể hạn chế đói nghèo và sự bất công, nhưng điều này hơi hão huyền”, tôi tranh luận.

Bác Vởn cười và gật đầu. Cả hai chúng tôi trầm ngâm hồi lâu để đắm mình trong thế giới riêng của mỗi người. Chẳng mấy chốc đã là nửa đêm và cả hai chúng tôi đều mệt.

Ngày hôm sau, bác Vởn dẫn tôi tới một vùng nông thôn xinh đẹp. Là một giáo sư nông nghiệp, bác chỉ cho tôi tại sao nông nghiệp lại là một môn khoa học cần được nghiên cứu cẩn thận. “Lúa chỉ ăn một số chất dinh dưỡng nhất định. Nếu nông dân ở đây chỉ trồng lúa mỗi năm, chất dinh dưỡng trong đất sẽ bị mất đi. Năng suất mỗi vụ sẽ bị giảm hàng năm cho đến khi chẳng còn trồng cái gì ở đây được nữa”.

Chúng tôi dừng xe máy lại và bác chỉ về phía mấy ngọn núi. “Toàn bộ môi trường đóng vai trò quan trọng trong nông nghiệp. Những cái cây trên núi đang bị chặt đi, làm cho nước mưa chảy xuống và làm xói mòn đất. Hành động nào cũng dẫn đến hậu quả”. Chúng tôi lại dừng lại tại một nghĩa trang được trang trí khá cầu kì. Mỗi khu mộ đều to và trang trí nhiều hơn những cái tôi đã nhìn thấy trước đây. “Người Huế đầu tư rất nhiều tiền vào việc xây cất mộ cho gia đình. Nhưng làm như thế này vừa tốn tiền lại tốn đất lẽ ra có thể dùng cho nông nghiệp. Người chết đi lại tốn đất hơn. Vì đây là phong tục, mọi người không dễ thay đổi. Người Việt Nam rất cứng đầu khi phải thay đổi”. Giải pháp để giúp đỡ người dân Việt Nam thực sự phức tạp hơn tôi nghĩ rất nhiều.

Kết thúc chuyến đi, chúng tôi vào một nhà hàng nhỏ bên sông Hương. Tôi nhận ra rằng điều mà tôi muốn đạt được sẽ cần một khoảng thời gian và công sức vô cùng lớn. Sự gặp gỡ với bác Vởn là một phương thuốc thực tế liều mạnh cho tôi. Tôi tới Huế với những kinh nghiệm và hiểu biết về Việt Nam và người dân ở đây, nhưng tôi chưa thực sự hiểu hết thực trạng của nhiều vấn đề. Tôi khá thất vọng với bản thân khi tự cho rằng mọi thứ sẽ dễ thay đổi và được sửa chữa. “Đừng lo. Phần lớn những người tuổi của cháu còn chưa hiểu và nhìn thấy những điều cháu đã thấy. Cháu có trái tim và sự quyết tâm, cháu sẽ giúp được nhiều người”.

Tối hôm đó tôi ăn bữa cuối cùng cùng bác Vởn và con gái bác. Bác Vởn đã chuẩn bị món ăn đặc biệt của bác, món mà bác dành cả vài tiếng đồng hồ để chuẩn bị. Đó là món giò heo nấu kĩ với một loại mắm đặc biệt và gạo đã lên men. Thức ăn ở Huế rất ngon, nhiều gia vị và rất nhiều món cay. Mỗi món lại có một vị cay riêng, điều mà tôi lấy làm rất thích thú. Nhưng món của bác Vởn thì thực sự tuyệt vời, sự hòa trộn kì diệu của các hương vị ăn cùng với bún. Thức ăn đủ cho cả năm người nhưng bác bắt chúng tôi phải ăn hết.

Trong khi con gái của bác rửa chén đĩa, bác Vởn và tôi ngồi trên ghế uống trà. “Cháu là một người rất thông minh và có tài. Cháu hiểu những điều mà nhiều người ở tuổi cháu chưa thực bắt đầu nghĩ đến. Muốn giúp mọi người là rất tốt, nhưng chưa phải lúc. Cháu cần lo cho bản thân mình trước đã. Đi tìm sự nghiệp và hoàn thành mọi mục tiêu của cháu đã. Tốt nhất là nên quay lại Mĩ, làm việc khoảng năm năm để vững về tài chính. Đi khắp thế giới để học hỏi. Cháu còn quá trẻ để suy nghĩ như một ông già đã về hưu”. Bác cười.

“Cháu đang cố thay đổi những điều mà người Việt Nam đã cố gắng thay đổi cả mấy thập kỉ nay. Việc ấy không thể làm trong nay mai được, và một mình cháu không thể làm được. Vấn đề nằm sâu trong văn hóa và bản chất của con người Việt Nam. Từng bước một. Bác hứa với cháu rằng sau khi bác nghỉ hưu trong hai năm nữa, và sau khi cháu đã làm xong những điều bác vừa nói với cháu, bác sẽ ủng hộ và hỗ trợ cháu 100 %. Bất cứ dự án nào cháu muốn làm mà liên quan tới nông nghiệp hay trồng lúa, cháu có thể tin vào bác”.

“Cảm ơn bác nhiều. Cháu chấp nhận lời đề nghị”. Tôi nói và cười tươi tắn. “Cháu cũng nên học thêm tiếng Việt đi”, bác nói nửa đùa nửa thật. “Dạy bảo như thế đủ rồi. Đi ra ngoài uống cà phê với con gái bác đi. Đi làm người trẻ và tận hưởng cuộc sống một chút”. Bác cười lớn.

Tôi nhớ lại điều cậu Quân nói với tôi khi ở Vinh. “Người ta phải có duyên mới gặp được nhau. Có hàng tỉ người trên thế giới, cơ hội hai người gặp nhau là rất ít. Đó là định mệnh rồi”. Và cũng như rất nhiều con người tuyệt vời khác tôi đã gặp trên đường đi, tôi tin rằng định mệnh đã để cho tôi gặp bác Vởn. Bác đã dạy tôi rất nhiều điều trong những ngày qua. Không có gì tồn tại đơn thuần là trắng hay đen. Câu chuyện về năm ông thầy bói mù đi xem voi là một ví dụ đặc sắc. Chúng ta chọn điều vượt qua sự thiếu hiểu biết và những định kiến của chính chúng ta hay không, hoàn toàn do chúng ta lựa chọn.

Vô ưu, nhưng kiến thức là sức mạnh và nó dẫn chúng ta tới sự khai sáng. Bạn có thể chấp nhận bằng lòng với thế giới nhỏ bé của chính bạn hoặc bạn có thể chọn tri thức. Phải biết rằng còn rất nhiều điều chúng ta không biết và cần chủ động học hỏi. Phát triển khả năng nhìn nhận nhiều khía cạnh của sự việc, hiểu bản chất của nó, và thích ứng kiến thức của bạn phù hợp với những thông tin mới, điều đó sẽ giúp bạn không ngừng học hỏi và lớn lên. Chỉ khi đó, bạn mới thực sự có một cuộc sống ý nghĩa và được khai sáng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.