John Đi Tìm Hùng

Chương 11 – Phần 1



Những người tin vào thuyết tâm lí Chủ nghĩa cá nhân thường tranh luận rằng lòng nhân ái là không tồn tại, con người luôn hành động vì quyền lợi bản thân. Họ cho rằng khi con người giúp nhau, chẳng qua họ làm vậy vì lợi ích cá nhân mà họ mong muốn sẽ nhận được. Chúng ta bẩm sinh đã là ích kỉ, một lí thuyết của chú Hải ở Quy Nhơn mà tôi có thể nói là hoàn toàn đồng tình.

“Cháu phải hiểu một điều rất quanh trọng về con người Việt Nam, ai cũng có hai mặt. Không có ai là hoàn toàn tốt. Họ giúp cháu nhưng có lẽ họ đang suy nghĩ hoặc cảm thấy khác. Hoặc có thể họ mong đợi nhận lại điều gì đó.”

Cũng có nhiều người đã khẳng định rằng họ sẵn sàng giúp, vì tôi là người Mĩ gốc Việt. Nhưng vì lí do gì mà họ giúp tôi, một Việt Kiều không có tiền? Họ mời một người lạ vào nhà, cho ăn, cho uống, cho ngủ nhờ mà không lo tới các mối nguy hại và cũng chẳng mong đợi nhận lại phần thưởng gì.

Lòng nhân ái có tồn tại, người ta chỉ phải đến Việt Nam để tận mắt thấy sự hiện diện của nó. Người đạp xích lô tối hôm trước đã giúp đỡ tôi và bạn mà chẳng đòi hỏi lại điều gì. Anh Tiến và anh Thuận cũng không có nghĩa vụ gì với tôi nhưng cũng đã hết lòng giúp đỡ, thậm chí còn đề nghị tặng tôi cả chiếc xe đạp của anh. Nhưng nếu người ta không tin hay không nhìn thấy những việc làm tốt ấy, làm sao họ có thể tin vào sự tồn tại của nó? Nếu một cái cây trong rừng đổ xuống và không ai ở quanh, tiếng đổ của cây liệu có được nghe thấy?

Và bây giờ thì tôi xin tiết lộ một bí mật mà tôi đã mang theo cả chặng đường. Vì tôi nhận ra mình tôi thì không thể làm được gì, tôi muốn chuyến đi của tôi trở thành một phần trong một cuộc thử nghiệm xã hội lớn. Một thí nghiệm với mục đích chứng minh và nhắc nhở mợi người rằng lòng tốt của nhân loại vẫn còn tồn tại và khích lệ mọi người hãy cùng “trả ơn chuyển tiếp”.

Đó là một khái niệm đơn giản nhưng có sức mạnh rất lớn. Hãy tưởng tượng nếu ai đó giúp đỡ bạn và họ chỉ đòi hỏi nhận lại phần thưởng là bạn phải giúp đỡ thêm một hoặc hai người khác. Nếu người bạn giúp thực sự lại đi giúp hai hay ba người nữa, bạn sẽ thấy hiệu ứng dây chuyền nhanh chóng của hành động đẹp đẽ ấy. Những đóng góp của tôi sẽ chẳng thể nào đong đếm được nhưng rồi biết đâu nó sẽ có thể giúp ích trong nỗ lực lấy lại niềm tin về tính nhân văn của người Việt Nam với nhau và tạo nên một tác động tích cực trong cộng đồng. Hãy gieo hạt, chăm sóc nó, rồi chắc chắn nó sẽ này mầm và đâm chồi.

Điều bất ngờ anh Tiến muốn tặng tôi chính là một chiếc xe đạp. Đó không phải là một chiếc xe đạp bình thường bạn hay thấy trên đường. Chiếc xe này hẳn phải rất đắt tiền. Nó có bộ khung trơn bóng màu xám và da cam, bộ số có thể điều chỉnh, và có vẻ chưa được dùng lần nào. Thậm chí ở Mĩ, tôi cũng chưa từng có được một chiếc xe đạp như vậy.

“Em không nhận được đâu, xe của anh chắc nhiều tiền lắm.” Tôi nói với anh Tiến khi chúng tôi đứng ngoài căn hộ nhỏ mà anh thuê để ở. Ngôi nhà khá sạch sẽ và ngăn nắp vì anh Tiến chỉ ở có một mình. Những bức ảnh chị vợ anh đang mỉm cười được treo khắp căn phòng có lẽ là tài sản giá trị nhất. Tôi đã tưởng anh Tiến giàu có nhưng nhìn ngôi nhà khiêm tốn của anh, tôi không thể nào nhận lấy chiếc xe đạp.

“Đừng lo, anh không dùng xe này làm gì cả. Vợ chồng anh mua một chiếc xe đạp này sau khi cưới và chẳng ai dùng đến. Anh muốn em dùng nó cho chuyến đi. Sẽ đỡ tốn nhiều thời gian đi bộ và em có nhiều thì giờ hơn để khám phá ViệtNam. Ước gì anh có thể đi cùng em nhưng mà không có được. Thế nên là nhận đi, đi và trải nghiệm vẻ đẹp của Việt Nam cho cả anh nữa.”

Anh ấy nói đúng. Càng ít thời gian đi bộ thì tôi lại càng có nhiều thời gian để trải nghiệm và khám phá các điều khác. Anh đưa cho tôi một quyển sách trong tuyển tập những câu chuyện đầy cảm hứng, Chicken Noodle soup for the soul, giống như kiểu Hạt giống cho tâm hồn. Đó là bộ sách đã giúp tôi vượt qua những thời điểm khó khăn trong cuộc đời: cuộc li dị của cha mẹ, lần chứng kiến một người bạn bị súng bắn mất mạng, và sự ra đi mãi mãi của em họ Alexa của tôi.

Tôi cảm ơn anh Tiến về mọi điều. Anh chính là bằng chứng sống rằng lòng nhân ái có tồn tại, rằng một cá nhân sẵn sàng giúp đỡ kẻ khác mà không mong muốn lấy lại điều gì. Thậm chí anh ấy cũng ở bên tôi vào buổi sáng Vy bị mất túi và đề nghị cho cô vay tiền cho tới khi nào có thể trả lại anh. Tôi không thể nghĩ ra lí do nào khác cho nghĩa cử đó, ngoài lí do đơn giản: anh thực sự là người tốt.

Sáng sớm hôm sau tôi tỉnh dậy lúc 6 giờ để lên đường tới Đà Lạt. Với chiếc xe đạp trong tay, tôi tính sẽ đi đường TL12 qua đường hầm xuyên núi, sẽ giảm được nửa thời gian đi. “130 kilômét”, tôi đọc tấm biển chỉ đường khi rời khỏi Nha Trang. Buổi sáng ấm áp nhưng âm u. Tôi bắt đầu đạp xe đi từ nhà chị Mai. Buổi sáng nhẹ nhàng với bánh mì chị Mai đã mua từ trước và vài thứ trái cây. Chị còn chuẩn bị sẵn ba bắp ngô cho tôi mang đi đường.

“Phòng khi em đói bụng. Chị lo cho em lắm. Nhưng chị biết em rất dũng cảm và thông minh. Khi nào có thời gian thì quay lại thăm chị nha. Cứ coi chị như chị gái em, còn em là em trai chị.” Chị nói.

“Cám ơn chị. Chị Mai rất tốt bụng. Em hi vọng chị sẽ sớm được gặp chồng. Tình yêu sẽ vượt qua được tất cả chị ạ.” Tôi ôm chị và nói, cảm thấy hơi tội lỗi khi nhận ra mình cũng đã có lúc vô tâm như người chồng của chị.

Đã có lúc tình yêu của tôi dành cho Liên không đủ mạnh. Tôi đã phản bội tình yêu ấy. Chỉ vài tháng sau khi trở lại Mĩ, tôi đã làm hỏng mọi chuyện. Tôi đã nói với cô ấy rằng tôi làm như vậy vì muốn tốt cho cả hai. Nhưng thực sự là tôi đã quá yếu đuối và không thể cưỡng lại những cám dỗ.

Đàn ông không được lập trình giống như phụ nữ, thứ tình yêu mà phụ nữ có rất mạnh mẽ và vững vàng. Mặc dù ở Việt Nam, chị Mai bị cho là quá tuổi để kết hôn, nhưng chị là một phụ nữ xinh đẹp và tốt bụng. Tôi không nghĩ chị không thể tìm thấy một người bạn đời khác phù hợp hơn, nhưng chị vẫn chung thủy với người chồng thậm chí kể cả khi anh không làm được những điều như chị mong đợi. Bà ngoại tôi đã không tái hôn sau cái chết của ông ngoại, mặc dù bà phải một thân một mình vật lộn nuôi nấng mười người con. Và mẹ tôi chịu sống với người đàn ông mà mẹ không yêu suốt một thập niên.

Tôi đạp xe đi, quay lại vẫy tay chào tạm biệt và trong lòng hối hận vì những lời tôi vừa nói. Đáng lẽ ra điều thực tâm mà tôi muốn là “Chị là một người phụ nữ sinh đẹp và tốt bụng. Chị xứng đáng những điều tốt đẹp hơn. Đã đến lúc chị bước tiếp và sống cho bản thân mình rồi đó.” Mặc dù kể cả có nói được những lời đó, tôi không nghĩ chị sẽ làm khác đi, phụ nữ Việt Namluôn sẵn sàng giữ trọn lòng chung thủy một cách không mệt mỏi, đôi khi còn là hơi ngốc nghếch.

Tôi đạp xe đi bên dòng xe cộ buổi sáng, dần làm quen lại với việc điều khiển một chiếc xe đạp. Những làn gió thổi mạnh vào mặt, đám học sinh đi xe vượt lên để chào tôi ”Hello – Xin chào”. Ba lô nặng vẫn đeo sau lưng nhưng tinh thần tôi thấy phấn chấn. Tôi thấy mình lao vun vút. Tự nghĩ bụng tại sao không đi xe đạp ngay từ đầu chứ. Nhưng rồi tôi đã nhanh chóng nhận ra xe đạp cũng có cái bất tiện của nó.

“Lốp xe xịt rồi!”, tôi nghe có tiếng ai nói to đằng sau. Một người đàn ông lớn tuổi ra hiệu cho tôi dừng lại và chỉ xuống chiếc lốp đã lép kẹp của tôi. “Phải đi bơm vào đi không là hỏng luôn cả cái săm đó.” Ông nói.

Ông dẫn tôi tới một cửa hàng bơm vá nhỏ bên đường. “Where you go? – Cháu đi đâu?”, ông hỏi tôi bằng tiếng Anh rồi sau khi nhận ra tôi có thể là người nước ngoài. “Sài Gòn”, tôi cười trả lời. Tôi giải thích cho ông rằng đã đi bộ từ Hà Nội, và mới được một người bạn tặng cho chiếc xe đạp này. Người thợ đang bơm xe bỗng bật cười tỏ ý không tin.

“Thế giờ tính đi đến đâu đó?” người thợ ngẩng lên hỏi. “Đà Lạt.”

“Vậy thì đi nhầm đường rồi. Đường này phải qua núi đó, cháu không đi được đâu.”

“Cháu biết. Nhưng cháu đi được. Cháu khỏe mà. Cháu nghe nói đường này đẹp và nhanh hơn đường cũ.” Tôi trả lời khiến cả hai người đàn ông bật cười khiến những nếp nhăn trên khuôn mặt của họ ngày càng rõ hơn.

Đèo Prenn trên đường tới Di Linh

“Chỉ có người nước ngoài mới đi nổi qua núi. Bởi vì họ to lớn. Cháu là người Việt Nam, người mình nhỏ và chân ngắn như vầy làm sao đi được.” Người đàn ông dứt câu vừa lúc bơm xong chiếc bánh xe.

“Nếu người nước ngoài làm được thì cháu cũng làm được. Cháu đã đi bộ từ Hà Nội vào đây.” Tôi nói, có chút khó chịu khi họ nghĩ người nước ngoài giỏi giang hơn.

“Cháu đi cùng bác được đó. Bác đang tới Diên Khánh, không xa đây lắm nhưng bác không đi cùng cháu tới Đà Lạt được, đi thì bác chết giữa đường mất.” Bác Đạt, người đàn ông tình cờ đồng hành xe đạp với tôi nói vui.

Bác Đạt và tôi đạp xe chầm chậm dọc con đường. Bác Đạt năm nay năm mươi tám tuổi xuân nhưng vẫn khỏe mạnh như thường. Bác từng đi lính thời chiến nên biết một vài câu tiếng Anh, học lỏm được từ lính Mĩ. “You are American, very very good. – Cháu là người Mĩ, tốt tốt,” bác nói với giọng tiếng Anh khá chuẩn và cười lớn. Bác Đạt sống cùng vợ, cặp vợ chồng đã nghỉ hưu tự nuôi nhau với sự đỡ đần của hai người con. Con trai và con gái của bác đang học và làm việc tại Sài Gòn.

“Bác không biết sao người ta sống được ở thành phố. Biết bao nhiêu là người. Rồi ô nhiễm, ầm ĩ và bẩn bụi. Bác thà sống ở quê, đẹp và thanh bình hơn nhiều.” Bác nói.

Sau khoảng một tiếng đồng hồ, chúng tôi về tới nhà bác ở ngoại ô Diên Khánh. Chỉ còn khoảng hơn 100 kilômét nữa là tới Đà Lạt. Tôi tính toán một hồi và tự tin là sẽ tới nơi nhanh chóng, nhiều nhất là 7 giờ đồng hồ. Nhưng chỉ có một vấn đề mà tôi không cho vào phép tính, đó là núi Hòn Giao.

Bác Đạt mời tôi ở lại dùng bữa trưa nhưng tôi từ chối. Tôi muốn tới Đà Lạt trước khi trời tối. Tôi đi tiếp, quá tự tin và háo hức với chiếc xe đạp mới của mình. Con đường phẳng trước mặt nhanh chóng trở nên dốc và dốc hơn nữa. Vài giờ đồng hồ sau tôi dừng lại bên đường vì đói bụng. 85 km nữa, biển chỉ đường nói vậy.

Tôi lôi bắp ngô từ trong ba lô ra, ngồi xuống vệ đường khi những chiếc xe máy vọt qua. Tôi thấy nhiều người nước ngoài lái xe máy, họ vẫy tay chào tôi khi đi ngang qua. Tôi tẽ bắp ngô và giật bắn mình, suýt thì làm rơi cả bắp ngô xuống đất. Những hạt ngô không có màu trắng hoặc vàng như tôi thường thấy, phần lớn các hạt lạ mang màu tím và nâu. Nhưng vì đang rất đói bụng, tôi quyết định không thể lãng phí. Tôi cắn một miếng vào những hạt ngô mọng nước, lòng can đảm của tôi đã được tặng thưởng xứng đáng với vị ngon tuyệt vời mà tôi chưa từng được nếm. Tôi nhanh chóng ăn liền hai bắp.

Tôi nhanh chóng tiếp tục lên đường và không lâu sau thì tôi gặp một người bạn đồng hành. Cậu bé đi cạnh tôi và chẳng nói một lời, mất một lúc tôi mới biết cậu đang ở đó. “Này, anh đang đi đâu?” cậu thiếu niên hỏi tôi.

“Đi tới tận Cà Mau. Em đi cùng không?” tôi nói đùa.

“Em không đi được. Ba mẹ em sẽ không cho em đi đâu, mà em cũng mới chỉ có mười bốn tuổi thôi.” Cậu bé nói. “Tại sao anh đi Cà Mau?”

“Một ngày anh tỉnh dậy và quyết định là anh muốn đi du lịch quanh Việt Nam. Đó là giấc mơ của anh, thế là anh đi thôi. Ước mơ của em là gì?”

“Em muốn được lên ti vi. Nhưng mà người ta cười em khi em nói như vậy.” cậu bé buồn buồn nói.

Suýt chút nữa thì cậu bé ngã xe khi tôi kể với cậu tôi từng dẫn chường trình truyền hình. Cậu nhóc đi theo tôi một đoạn xa hơn, thu hết bình tĩnh hỏi xin tôi một chữ kí. Tôi lấy chiếc bút trong áo ra và kí lên áo cậu. Như một người đàn ông già thông thái, tôi cho cậu những lời khuyên tốt nhất mà tôi có.

“Đi học tiếp và học thật chăm vào. Người ta sẽ không tin là em làm được, nhưng phải nhớ là điều gì cũng có thể trở thành hiện thực nếu bản thân em tin vào nó. Và khi nào thấy khó khăn, em phải tìm cách để vượt qua nó. Không được từ bỏ.”

Tôi tiếp tục đi xe một mình, bị mê hoặc bởi cảnh đẹp của vùng núi với tông màu đất rực rỡ dường như được vẽ bởi một họa sĩ lão luyện. Quả là một kiệt tác siêu thực. Đi qua thị trấn cuối cùng, tôi bắt đầu đạp xe lên dốc lớn. “Đường đèo dốc quanh co, dài 29 kilômét”, tấm biển bên đường ghi. Tôi đã không đi nổi nửa quãng đường.

Dốc quá đứng, tôi không thể đạp nổi xe nên đành xuống và dắt bộ. Đẩy một đoạn tôi lại lên đạp, rồi lại xuống đẩy. Cứ liên tục như vậy. Nhưng cũng chẳng ích gì, mặt trời như đang chạy trốn những đám mây. Một cách tuyệt vọng, tôi cố gắng uống để không bị mất nước, nhưng không lâu sau thì tôi đã uống cạn số nước mang theo. Tôi rẽ vào bên đường, nơi có hai người đang uống những giọt nước đang rỏ xuống từ vách núi. Tôi không suy tính nhiều và cũng uống nước ở đó.

Tôi lại tiếp tục đi tiếp một cách ngu ngốc, không chấp nhận giới hạn của mình. Đoạn đường đi trở thành cuộc đấu tranh về cả thể chất và tâm lí. Những suy nghĩ tiêu cực vây kín tâm trí tôi, những khuôn mặt hoài nghi hiện ra và khuyên tôi hãy từ bỏ, trong đó tôi nhận ra khuôn mặt chú Hải. Đột nhiên tôi cảm thấy nhói đau ở đầu gối trái. Đó là bên đầu gối lẽ ra cần phải phẫu thuật, cái đầu gối đó của tôi đã liên tục đau từ khi tôi mười hai tuổi. Xương bị rạn vẫn chưa lành và dây chằng cũng gặp vấn đề. Tôi cúi xuống để sờ vào đầu gối theo phản xạ.

Rồi tôi mất thăng bằng, nghiêng cả người cả xe về bên tay trái. Tôi cố nghiêng xe về bên tay phải nhưng không kịp. Uỳnh! Chiếc xe ngã xuống đường trước. Đầu và vai tôi đập xuống đường như bị một đô vật quật ngã. Theo đà, tôi bị trượt trên đường một đoạn. Quần bị rách, da tôi bị trầy xước, nhìn như quả cà chua bị mài rách vỏ. Nhưng tôi còn may lắm. Chỉ thêm một vài mét nữa thì có lẽ tôi đã bị rơi khỏi vách núi xuống vài trăm mét vực.

Tôi khập khễnh tới chỗ chiếc xe và kéo vào vệ đường trước khi một chiếc ô tô nào đó kịp đi tới và kết thúc câu chuyện. Chiếc xe đạp giờ chỉ còn đáng giá vài đồng. Cả thân thể cái tôi của tôi đều bị trầy xước. Cảm thấy như bị đánh bại, tôi ngồi phịch xuống đât. Tôi vẫy những chiếc xe ô tô, xe buýt, xe máy đi ngang. Không có ai dừng lại. Tôi biết sẽ lo ai dừng lại giữa đường, đây không phải là bên Mĩ. Nước mắt tôi bắt đầu chảy ra không thể kiểm soát nổi khi tôi bị thực tế đánh một đòn đau. Chuyến đi như vậy là tong đời. Sài Gòn vẫn còn ở quá xa. Tôi như đã suy sụp, sức lực đã cạn hết. Còn lại chỉ là sự tuyệt vọng và cảm giác vô vọng, mọi kí ức buồn chảy ồ ạt về.

Tôi có thể cảm nhận được cái cảm giác hoảng loạn quen thuộc ấy đến khi nhịp thở bắt đầu tăng nhanh. Tôi đã bị chấn động tới hoảng loạn. Tôi thường có thói quen kìm nén cảm xúc, thỉnh thoảng những cảm xúc ấy bị dồn lại quá lâu thì sẽ nổ tung ra. Tôi rất dễ gặp những chấn động về cảm xúc và tinh thần, những chấn động ấy có thể kéo dài hàng giờ hay có khi cả mấy ngày. Đã từng có một lần cơn chấn động xảy đến vô cùng tồi tệ, tôi gần như mất kiểm soát và rơi vào trạng thái hôn mê. Như thể tôi không còn là bản thân mình mà ai đó đang điều khiển cơ thể yếu ớt của tôi cho tới kho tôi không còn nhận thức được gì nữa.

Điện thoại tôi reo.

“Anh có sao không? Anh đang ở đâu?” Cô ấy hỏi, cảm giác có chuyện gì không hay đã xảy ra.

“Anh không làm được nữa. Anh mệt quá rồi. Anh muốn đi về nhà. Anh đang ngồi một mình bên đường và không ai chịu dừng xe. Người anh rất đau. Anh nghĩ mình không còn đủ sức để đi nữa.”

“Không sao đâu anh. Nếu anh muốn quay về, sẽ chẳng ai bị thất vọng, vì anh đã làm được nhiều hơn rất nhiều so với họ nghĩ. Nhưng anh đã gần tới nơi rồi. Anh đã đi được rất xa rồi, quay về thì có lãng phí nỗ lực không?”

“Anh biết, nhưng anh không muốn cố nữa. Anh không thể cố nữa.”

“Anh bình tĩnh, hít thở đều đi. Anh hãy nghĩ tới những người anh đã gặp trên đường, những người anh đã truyền cho họ cảm hứng sống tốt.”

Điều cô ấy nói khiên tôi nhớ lại những lời mình đã khuyên nhủ cậu bé khi nãy, “Khi gặp khó khăn, em phải tìm cách vượt qua nó. Đừng từ bỏ”. “Cố lên!”, người Việt Nam vẫn hay nói vậy. Tôi không thể là một kẻ đạo đức giả được. Nếu tôi từ bỏ bây giờ, thông điệp gì từ câu chuyện của tôi sẽ được gửi tới những người bạn trẻ Việt Nam như tôi mơ ước?

Hành trình của tôi chưa thể kết thúc ở đâyđược. Giây phút yếu lòng đã qua đi. Tôi đã đi quá xa và chiến đấu quá dài để có thể bỏ cuộc một cách đơn giản như vậy. Nhưng chắc chắn tôi phải cân nhắc lại chiến thuật của mình, tôi phải tìm cách khác để vượt đèo Hòn Giao. Tôi lên xe và để nó tự trôi xuống dốc, mặt trời buổi chiều muộn giờ đã bị che khuất khỏi tầm mắt. Tôi tới cuối dốc và rẽ vào trạm dừng chân. Không còn nhiều thời gian, tôi ngay lập tức bắt chuyện với một nhóm thanh niên.

Họ sẵn sàng giúp đỡ tôi. Họ là năm chàng trai với ba chiếc xe máy đang trên đường tới Đà Lạt. Vấn đề còn lại là chiếc xe đạp. Chẳng có chỗ nào để cất tạm chiếc xe, kéo theo qua hầm thì quá nguy hiểm.Tôi đi tới phía một gia đình lái chiếc ô tô SUV với khoang chứa đồ đủ rộng để vừa chiếc xe đạp của tôi nhưng họ từ chối giúp. Một chiếc xe du lịch chở cả khách Việt Nam và nước ngoài còn nửa xe trống cũng từ chối. Không có đồng nào trong người. Tôi đã định bỏ cuộc. Cuối cùng thì hai anh lái xe tải đồng ý cho tôi đi nhờ.

Chúng tôi đưa xe đạp lên phía sau xe. Tôi không dám chắc họ có ý đồ cướp bóc gì không. Giờ thì tôi có chiếc xe đạp, là chút tài sản nhìn có vẻ có giá trị, chiếc xe tốt có thể bán được với giá năm triệu đồng. Nhưng tôi không còn lựa chọn nào khác, tôi bước lên xe với tinh thần cảnh giác cao độ. Chúng tôi trò chuyện một lúc trước khi anh chàng ngồi giữa tôi và lái xe lôi ra một can bia từ dưới ghế. Bia là cứu cánh của bất cứ cuộc trò chuyện ngượng ngùng nào. Bia giúp mang mọi người tới gần nhau hơn. Tôi vui vẻ nhận một cốc, hi vọng sẽ giúp tôi quên đi sự đau đớn hình như đã lan sang cả hai bên đầu gối.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.