John Đi Tìm Hùng
Chương 3 – Phần 2
Trên đường về Vinh, cuối cùng tôi và Thanh cũng nói chuyện với nhau. “Tớ xin lỗi vì đã làm cậu khó chịu. Tớ chưa bao giờ cảm thấy như thế này cả. Sẽ không có lần nữa đâu”, Thanh nói. Khi chúng tôi về nhà, đón chào là vẻ mặt giận dữ của mẹ Thanh vì chúng tôi đi mà không gọi về. Không muốn dính vào cuộc tranh luận, tôi xin phép lên trên gác, mượn máy tính của Thanh để cập nhật blog và kiểm tra hòm thư. Đang upload những bức lên ảnh, tôi chợt nhận ra thư mục trên màn hình có tiêu đề “Người yêu”
Trong thư mục đó là hàng loạt những bức ảnh của Thanh ôm hôm một người đàn ông da đen. “Làm sao chị có thể yêu được em khi đã có người yêu rồi?”, tôi hỏi khi Thanh bước lên. Với một vẻ mặt xấu hổ và tội lỗi, cô khóc. Tôi rất giận nhưng cố gắng an ủi cô. Sau vài phút, Thanh bắt đầu kể chuyện của cô cho tôi nghe. Chị kể về cuộc sống khó khăn khi không có cha, về người giáo viên Mĩ gốc Phi ở trong ảnh là một người đàn ông tốt nhưng chị không xứng đáng với anh ta, về cuộc hôn nhân của chị với một kẻ say sưa rượu chè trước kia.
Câu chuyện rất buồn nhưng tôi vẫn không thể tin cô gái này. Thanh là kiểu phụ nữ mà bà và mẹ đã cảnh báo tôi. Cô thông minh và xinh đẹp, nhưng thứ tài sản lớn nhất của cô là sự ranh mãnh. Cảm xúc của cô, dù là thật hay giả đều rất thuyết phục, giống như một diễn viên tài tình vậy. Thứ cô ấy muốn hẳn không phải là tình yêu. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu người đàn ông đã ngã vào vòng tay cô. Sự nghi ngờ của tôi trước đó đã có hai người đàn ông ngoại quốc tới nhà, một người da đen to lớn “xấu xí” và một người da trắng.
Sáng hôm sau tôi gói ghém đồ đạc, muốn rời đi càng nhanh càng tốt. Tôi chào tạm biệt mẹ Thanh, người vui ra mặt khi thấy tôi rời đi. Thanh đưa tôi ra tới QL1A, nài xin đi cùng thêm lần nữa.
“Để em đi cùng anh. Em biết em hơn tuổi anh nhưng anh là tình yêu thực sự của em. Em sẽ từ bỏ tất cả vì anh, gia đình, công việc, tất cả mọi thứ. Anh chỉ cần nói một câu, em sẽ đi theo anh tới bất cứ chỗ nào.” Thanh cầu xin.
“Chị không theo kịp em đâu”, tôi đùa. “Hơn nữa chị cũng đã có quá nhiều người yêu rồi.” Một sự im lặng kéo dài.
“Em xin lỗi vì đã để mọi việc lại như thế này. Em hi vọng chúng ta vẫn có thể làm bạn.” Tôi nói một cách chân thành.
Tôi không ghét cô gái này. Tất nhiên cô có rất nhiều vấn đề nhưng ai trong chúng ta chẳng như vậy, và tuổi thơ của Thanh lớn lên cũng không dễ dàng gì. Thêm vào đó, Thanh lại là một nghệ sĩ, với cái nghiệp múa mà người phụ nữ được đào tạo để mê hoặc người khác bằng những động tác của cơ thể. Thanh lưỡng lự chào tạm biệt tôi. Kế hoạch quyến rũ một người Mĩ của cô ấy đã thất bại. Tôi cũng đã nghĩ nhiều về Thanh và đó cũng không phải lần cuối cùng tôi sẽ thấy Thanh, ít ra là tôi có linh cảm như thế.
Tôi thực sự thích miền Trung Việt Nam. Điều tôi thích nhất là con người nơi đây. Sự thẳng thắn của họ đem lại cho tôi cảm giác mới mẻ. Họ nói với tôi chính xác những gì họ cảm thấy và nghĩ, không lằng nhằng. Ở Hà Nội, người ta có vẻ không thích bày tỏ cảm xúc thật của mình. Không thể nào biết được họ thực sự đang nghĩ gì. Điều nực cười là chính tôi cũng như vậy. Có vẻ đó là thứ thuộc về miền Bắc mà tôi được thừa hưởng từ trong máu, bà ngoại tôi gốc ở Hải Phòng.
Buổi chiều thì tôi đến Hà Tĩnh. Tôi không phải đi bộ quá xa nhưng nắng miền Trung như thiêu đốt. Nhưng cái nóng khô ở đây vẫn dễ chịu hơn so với sự ẩm thấp của Hà Nội hay Sài Gòn. Tôi gặp Hoàng, một cậu sinh viên đang học ở Sài Gòn, tại một quán cà phê. “Em đã đọc rất nhiều về chuyến đi của anh và thật vinh dự cuối cùng cũng được gặp anh,” cậu nói.
Hoàng đưa tôi về nhà ông bà, nơi cậu đang ở khi nghỉ hè. Tôi nhanh chóng tắm táp cho mát mẻ, xua đi cái nóng gay gắt của mùa hè. Ánh nắng mặt trời khiến da tôi phồng lên vài chỗ. Tôi nằm nghỉ, gần như kiệt sức. Hoàng đem cho tôi một túi sữa đậu nành cùng vài cái bánh ngọt. “Anh nghỉ một chút đi”, cậu khuyên tôi. Tôi nhắm mắt định ngủ được một lát. Trước khi tôi kịp trôi vào giấc ngủ thì một thứ mùi nồng nặc xông thẳng vào mũi tôi. Tôi cảm tưởng như thứ mùi đó là sự kết hợp của sầu riêng và mắm tôm. “Ông có vấn đề rồi”, em gái Hoàng chạy ra từ phòng ngủ và nói.
Tôi nhận được cuộc gọi của mẹ Giang. Tôi trả lời là tôi đã ở Hà Tĩnh. “Tốt. Có một người muốn gặp cháu. Anh ấy làm việc cho một dự án quốc tế để giúp nông dân. Cô muốn cháu gặp anh ý, hi vọng là cháu sẽ học hỏi được nhiều điều.” Cô nói và đưa tôi số điện thoại của người đàn ông.
Mẹ Giang đã thu xếp cho tôi gặp anh Khánh, người đang làm cho IFAD – Qũy quốc tế Phát triển Nông nghiệp. Tôi đã biết đến tổ chức này từ trước vì giám đốc quốc gia trước đây của họ đã từng là khách mời trong một chương trình tọa đàm của tôi. Một người phụ nữ Nhật tuyệt vời, dành cả cuộc đời của cô để giúp đỡ những người nông dân trên toàn thế giới. Cô đến Việt Nam và đã dành vài năm để đi đến vùng nông thôn, sống và làm việc cùng những người nông dân.
“Tôi đã bốn mươi tuổi vẫn độc thân. Ở Việt Nam thì rõ ràng là tôi đã quá già, và không ai muốn để ý tới tôi nữa.” Tôi nhớ lại lời người phụ nữ Nhật. “Nhưng tôi yêu Việt Nam. Nông dân Việt Nam là những người chăm chỉ nhất trên thế giới. Nếu như có cơ hội, John, tôi mong anh sẽ đi và tận mắt chứng kiến”. Với tôi, người phụ nữ Nhật ấy là một trong số ít những người nước ngoài thực sự quan tâm và muốn giúp đỡ Việt Nam.
Anh Khánh dẫn tôi và Hoàng đến văn phòng, và gặp một vài người làm việc ở đó. “Chúng tôi đã nghe rất nhiều về cậu”, một người đàn ông đứng tuổi nói. “Chúng tôi muốn đưa cậu đến vùng nông thôn để thấy được vài dự án triển vọng mà chúng tôi đang làm. Anh Khánh sẽ đưa cậu đến Hương Sơn, cứ ở đến khi nào cậu muốn và các cậu nên khởi hành đi thôi”.
Hoàng đưa tôi về nhà để cất ba lô cùng một vài thứ trước khi chở tôi ra bến xe với anh Khánh. Hoàng có vẻ thất vọng vì tôi không ở lại lâu hơn, nhưng tôi nói với cậu rằng tôi sẽ trở lại để lấy nốt đồ. “Anh chăm sóc anh ấy nhé”, Hoàng nói với anh Khánh, nghe giọng như một bà mẹ đầy lo lắng. Tôi cảm ơn lần nữa trước khi lên xe khách.
Anh Khánh với tôi nói chuyện phiếm trên xe. Tôi chắc chắn rằng sếp của anh bắt anh phải đi với tôi. Thật lòng mà nói thì tôi cũng không có thiện cảm với người đàn ông này lắm. Có điều gì đó trong cử chỉ của anh ta khiến tôi cảm thấy không thoải mái. Khoảng một tiếng sau chúng tôi tới Hương Sơn. Anh gọi xe ôm. Nhưng ngay khi chúng tôi xuống xe, người lái xe đòi thêm tiền. Chỉ là mười ngàn đồng nhưng anh Khánh tranh cãi kịch liệt và nhiếc mắng người đàn ông lớn tuổi hơn. Tôi không thể nhịn cười khi người đàn ông khá lớn tuổi lái xe ôm đó xuống xe, sẵn sàng động chân động tay. Có vẻ sợ, anh Khánh đành nhượng bộ.
Chúng tôi đến thăm nhiều gia đình đang tham gia chương trình IFAD. Ngôi nhà nhà nhỏ đầu tiên có một cặp vợ chồng trẻ. Anh Khánh nói với họ với giọng kẻ cả và trông họ không có gì vui mừng khi chúng tôi đến đây. Cách mà anh Khánh nói với người nông dân giống như một người chủ nói với người làm thuê vậy. “Chú có rượu không?”, anh hỏi người đàn ông. Thật kì lạ khi một người khách lại đi hỏi thay vì được chủ nhà mời. Tôi đành phải uống hai li rượu pha mật ong theo phép lịch sự trước khi xin phép được đi dạo xung quanh.
Tôi thấy chị vợ trong một khu rào nhỏ, đang cho gà ăn. Khoảng ba mươi con gà trông rất béo tốt. Tôi cẩn thận mở cổng đi vào. “Em giúp chị được không”, tôi hỏi người phụ nữ. “Vâng, được ạ”, chị trả lời, có vẻ hơi lo lắng. Tôi giúp chị cho gà ăn, kể với chị về cuộc hành trình của tôi.
“Ồ, em giỏi quá!”, chị nói. Người phụ nữ nhỏ bé, hơi có chút ngượng ngùng cũng nói về cuộc sống của chị. Chị từ Hương Khê, một nơi cũng gần đây. “Trước đây vất vả lắm, nhưng giờ thì đỡ hơn rồi.” Nhà chị cũng có một cô con gái đang học trung học thế nên bọn chị cũng phải làm việc vất vả để có tiền giúp nó đi học đại học”.
Một người hàng xóm đi ngang qua. Chị chủ nhà hào hứng kể về tôi cho người hàng xóm nghe. Người đàn ông mời chúng tôi qua nhà và sai con trai đi lấy rượu ra. “Đã ba năm rồi tôi không uống rượu nhưng vì cậu tôi sẽ uống”, ông nói, mời tôi một chén.
Mặt trời bắt đầu lặn xuống, chúng tôi đi đến ngôi nhà cuối cùng nằm tít trên một đỉnh đồi. Ngôi nhà này rất khác so với số còn lại. Đất đai rộng rãi hơn và có đến gần năm trăm con gà ở đó. Một người đàn ông đứng tuổi đi về phía cửa. Với một vết sẹo bên mặt, một con mắt bị lác, chắc là do tai nạn gì đó, ông trông giống như một tay mafia Ý, tôi chợt nghĩ đùa.
Ông mở cồng để chúng tôi vào. “Đây là bác Liu, có thể nói là người nông dân thành công nhất vùng này” anh Khánh giới thiệu với tôi. Tôi bắt tay ông và chúng tôi ngồi xuống một chiếc bàn ngoài sân. Đã có một người đàn ông ngồi đó, trẻ hơn bác Liu rất nhiều. Anh ta có làn da đen, rất giống một người Mexico, khiến tôi nhớ tới Jose, người bạn bên Mĩ của tôi.
Chúng tôi ngồi và nghe anh Khánh cùng bác Liu nói chuyện về công việc, uống trà và hút thuốc. Bác Liu đã nuôi được một đàn gà rất lớn, có khi lên đến ngàn con. Phải mất bốn, năm tháng để nuôi một con gà từ khi nở đến khi trưởng thành, và một con gà lớn thì bán được một trăm đến một trăm năm mươi ngàn đồng, bởi thế có thể thấy bác Liu cũng tích góp được một số kha khá.
Người đàn ông da ngăm đen, anh Qúy, quay về phía tôi và hỏi về chuyến đi, “Tại sao em lại làm việc này?” Tôi giải thích rằng tôi muốn hiểu hơn về Việt Nam và con người Việt Nam, hiểu họ sống như thế nào và biết đâu có một ngày tôi có thể giúp đỡ họ. “Em biết hơn 70 % người Việt Nam vẫn sống ở vùng nông thôn và có cuộc sống nghèo khổ và khó khăn”.
Đột nhiên anh Khánh nhận được điện thoại. “Tôi phải về nhà, bố vợ tôi vừa mới mất. Hùng, em ở đây với bác Liu, có việc gì cứ gọi anh”, anh Khánh nói, giọng bình thường. “Vâng”, tôi đáp, không biết đó có phải anh kiếm cớ để rời đi không. Tuy vậy, tôi biết không phải chỉ một mình tôi thấy thoải mái khi anh Khánh đi khỏi.
“Anh không thích gã đó chút nào”, anh Qúy thẳng thừng nói. “Nếu em thực sự muốn biết về những người nông dân và những gì chúng tôi phải trải qua, hãy dành vài ngày ở đây với bác Liu và em sẽ hiểu mọi thứ.” Tôi gật đầu, đột nhiên cảm thấy rất hứng thú. “Em không liên quan gì đến IFAD nhưng em không muốn nói bất cứ điều gì trước mặt anh Khánh, cũng vì bác Liu thôi”
Anh Qúy năm nay khoảng ba mươi và đã tốt nghiệp đại học. Anh đã làm việc nhiều nơi nhưng cuối cùng lại trở về để chăm sóc mẹ già sống đơn thân. Là người con độc nhất, đấy cũng là trách nhiệm của anh. Anh Qúy nuôi gà cũng như một vài loài gia cầm khác và kiếm sống từ đó. Bác Liu là người hướng dẫn anh, giúp anh thành công. Tôi thấy những người nông dân như bác Liu và anh Qúy rất hiếm.
Bác Liu ngồi đó, không nói gì mà chỉ quan sát chúng tôi. Anh Qúy thì bắt đầu kể lại những khó khăn của người nông dân cho tôi nghe. Vòng tròn luẩn quẩn của đói nghèo cứ lặp đi lặp lại, từ thế hệ này sang thế hệ khác, giống như bánh xe của một chiếc xe đạp cũ vậy. Anh nhúng ngón tay vào nước và vẽ một vòng tròn vẽ đi vẽ lại, để nhấn mạnh về cái vòng quẩn quanh đó.
“Mọi người nông dân đều tin rằng giáo dục là chìa khóa để thoát khỏi tình cảnh đó. Họ làm việc cật lực và mong mỏi ít nhất có một đứa con học đại học. Một người nông dân trung bình có thu nhập 1.500.000 đồng/ tháng. Không đủ tiền nên các gia đình phải vay mượn anh em, hàng xóm, vay ngân hàng. Sau khi tốt nghiệp với điểm cao thì tìm việc cũng vẫn khó. Ở Việt Nam thì quan hệ rất quan trọng, gia đình em quen ai, em chịu chi bao nhiêu tiền là ra hết vấn đề.”
Bác Liu ngắt lời, “Tôi phải chi hai trăm năm mươi triệu đồng để đứa con gái có thể làm trong ngân hàng đó.” Tôi biết “phong bì” là việc bình thường nhưng số tiền đó khiến tôi không khỏi sốc. Anh Qúy tiếp, “Rất nhiều người nông dân trả tiền để con cái có thể đi làm nhưng cuối cùng là bị lừa. Khi mà một đứa con có thể có việc làm và đến thành phố thì lương khởi điểm cũng vẫn thấp, chỉ tầm 2 – 5.000.000 đồng/tháng. Từng đó là không đủ sống và vì thế người nông dân ở quê lại phải gửi tiền hỗ trợ con cái. Phải mất hàng năm thì chúng mới kiếm được 8 – 10.000.000 đồng/tháng”.
“Còn nữa, cưới xin không phải là dịp vui vẻ hạnh phúc gì. Với con mắt của người nông dân thì một đám cưới đồng nghĩa với việc phải mất nhiều tiền hơn. Rồi sau đám cưới là con cháu nữa. Nuôi con tốn lắm. Thêm nữa là đôi khi người mẹ, người bà lại phải lên thành phố để trông cháu, khiến nhà ở quê mất đi một người lao động”
Anh kết thúc câu chuyện và tôi cũng đã nắm được mọi thứ. Một lúc nào đó, con cái của người nông dân lại phải trở về quê nhà vì không sống nổi ở thành phố. Đó thật là một vòng luẩn quẩn của nợ nần, đói nghèo, khó khăn mà không có điểm dừng. Tôi từng biết đôi chút về vấn đề này, nhưng được giảng giải kĩ như vậy tôi càng hiểu nó nghiêm trọng như thế nào.
Tôi ở nhà bác Liu đêm đó và vài ngày sau thì ở với anh Qúy. Anh sống ở một xã cách nhà bác Liu khoảng 15 phút đi bộ. Trong một ngôi nhà nhỏ, chỉ có hai người ở, là anh Qúy và mẹ của anh. Anh chưa cưới vợ vì muốn đảm bảo về kinh tế trước khi lập gia đình. Anh Qúy là một người tương đối thành công. Chỉ với hai bàn tay trắng, anh đã tạo dựng một trang trại nhỏ ở phía sau nhà với gà, bồ câu, và một vài con vật mà tôi không biết tên gì.
Những người nông dân thành công như anh Qúy không nhiều. “Công việc của anh đơn giản lắm, chỉ là chăm sóc và cho gia cầm ăn thôi. Không mất nhiều công sức như là trồng lúa. Nhưng không phải ai cũng làm được. Giống như mọi thứ khác, em cần phải có kiến thức”. Tôi đứng nhìn anh cho gà con uống thuốc để phòng tránh bệnh. Trong trang trại nhỏ của mình, anh có gần một trăm con gà con cùng ít nhất ba tá gà lớn. Sau khi kiểm tra mọi thứ, anh khóa cửa trại bằng hai chiếc khóa to, mặc dù tôi không nghĩ là cần thiết lắm. Ai lại muốn ăn cắp cơ chứ?
“Cẩn tắc vô ưu”, anh Qúy trả lời câu hỏi của tôi. “Tính xấu nhất của người Việt Nam là ghen ăn tức ở. Nếu như ai đó thấy em thành công họ sẽ tìm cách phá hoại. Anh học được điều đó khi mà có người vào phá trại nhà anh.”
Và đúng như anh nói, tối hôm đó chúng tôi có vài vị khách không mời mà đến. Để tránh nóng, anh Qúy bảo ra ngoài ngủ. Chúng tôi kéo tivi ra sát cửa và nằm xuống chiếu để ngủ. Nhưng đến nửa đêm, bất ngờ chó nhà anh sủa ầm ĩ. Tôi nghe thấy tiếng lạo xạo và tiếng nói, khiến anh Qúy dậy và đuổi theo phía tiếng động với chỉ một chiếc đèn pin.
Tôi không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Tôi lo sợ tự hỏi anh Qúy đi đâu. Sững mình một lúc, tôi cũng dậy và chạy vào trong nhà, tìm một cái gì đó làm vũ khí. Cầm một chiếc gậy lớn, tôi đi ra ngoài. Ở vùng quê thì không có đèn chiếu sáng ban đêm, tất cả những gì tôi thấy chỉ là màn đêm mờ mịt. Tay nắm chắc chiếc gậy, tôi đã sẵn sàng “chiến đấu”. Tôi lớn tiếng gọi anh Qúy nhưng không thấy trả lời. Tôi nhanh chóng đóng cửa và đứng chờ trong nhà.
Mười phút sau tôi nghe thấy tiếng chân đi vào cửa. Tôi đã sẵn sang để vung gậy lên nhưng may mắn đó là anh Qúy, tay cầm một rổ mít lớn. Trông anh có vẻ bực mình, “Không có gì cả đâu, có người muốn ăn trộm mít thôi”. Trộm vặt là điều xảy ra như cơm bữa ở quê.
Ngày hôm sau anh Qúy dẫn tôi đi thăm rất nhiều gia đình nông dân khác để giúp tôi hiểu thêm về cuộc sống của người nông dân. Anh hi vọng có thể giúp tôi kiếm việc gì đó làm nhưng lúa đã gặt xong còn lạc thì cũng thu hoạch rồi. Chúng tôi đi thăm khoảng chục nhà ở trong xã. Mọi người đều mở lòng và sẵn sàng chia sẻ. Và đúng như những gì anh Qúy cùng bác Liu đã nói tôi trước đó, những người nông dân Việt Nam có một cuộc sống khó khăn. Sự thiếu thốn về quản lí và cơ hội khiến họ không thể cải thiện cuộc sống của mình.
Cuối cùng chúng tôi đến thăm nhà bác anh Qúy, ngôi nhà nằm biệt lập trên một ngọn núi cao. Người đàn ông ở tuổi bảy mươi đón chào chúng tôi. Giọng cười to hết mức. Rõ ràng là ông rất hào hứng khi gặp chúng tôi, bởi có lẽ bình thường cũng không có nhiều người thăm ông. Đã mười ba năm kể từ khi ông từ bỏ mọi thứ và sống một mình. Mười ba năm sống trong cô đơn.
“Bác sống ở đây chắc là buồn lắm? Tại sao bác sống một mình ạ?” tôi hỏi.
“Bác có ba con gái đều học đại học. Bác phải cách hỗ trợ chúng nó nhưng lại không thể vào thành phố được. Ở đây bác sống bằng cách chăn nuôi trồng trọt. Bác không cần nhiều, với bác thì đơn giản lắm. Nhìn vậy thôi chứ cũng không cô đơn đâu, bác nuôi nhiều con ở đây mà.”
Người đàn ông mở vài chai bia và mời chúng tôi ăn chuối. Chúng tôi ngồi nghe ông kể chuyện đời. “Mười ba năm trước, bác chẳng có nghề gì và không biết chăm sóc gia đình bằng cách nào. Thế rồi bác đến đây. Bác chẳng có gì ngoài cái rựa này, để chặt bụi cây và dẹp cỏ trên đường đi. Mất mấy tháng bác mới tìm được mảnh đất nhỏ xinh này.”
“Họ muốn trả bác vài trăm triệu cho mảnh đất này nhưng bác không muốn đi đâu cả. Bác sẽ để dành cho các cháu của bác. Cuộc sống của nông dân không dễ dàng gì nhưng bác đã tìm cách thành công được. Tất cả đều nằm ở đây này”, ông nói, tay chỉ vào đầu. “Nhưng thử tưởng tượng xem bác có thể làm gì nếu có nhiều tiền vốn và cơ hội lớn, bác có thể trở thành một người giàu có.
Cuộc sống của người nông dân rất khó khăn, cực khổ. Kể cả với những ai thông minh, sáng tạo thì họ cũng chỉ làm được đến vậy mà thôi. Có một bức tường vô hình chặn họ lại. Không chỉ là anh Qúy, bác của anh, hay bác Liu, họ không thể sống thoải mái được, dù cho có cố gắng đến đâu. Họ là những người nông dân luôn phải vật lộn và dù chỉ một sai lầm nhỏ nhất cũng khiến tất cả trở về số không. Rất nhiều người đã hi vọng rằng mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng thật khó để nông dân Việt Nam có thể thoát khỏi cái vòng tròn đói nghèo.
Trở lại nhà bác Liu, anh Qúy đưa tôi một bức thư anh viết, dài ba trang, nói về cuộc sống của những người nông dân, những điều tôi học được trong ba ngày vừa rồi.
“Nếu có cơ hội, hãy chia sẻ với những người ở đất nước của em cũng như bất cứ ai muốn hiểu về cuộc sống của những người nông dân như bọn anh” – Anh nói.
“Chúng tôi là những nông dân đầy ý tưởng, đầy nghị lực để làm kinh tế, nhưng khốn nỗi lại thiếu vốn, thiếu điều kiện và không có cơ hội, nên mãi vẫn cứ nghèo, vẫn tụt hậu với xã hội và không theo kịp nông nghiệp thế giới. Chúng tôi không biết các bạn làm nông nghiệp trên thế giới có cùng cảnh ngộ như chúng tôi không?”
Trần Mạnh Qúy
Xóm Đông Sơn, Xã Sơn Bằng, Huyện Hương Sơn, Tỉnh Hà Tĩnh.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.