John Đi Tìm Hùng

Chương 8 – Phần 1



Cuộc sống thật ngắn ngủi. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 74. Như vậy có nghĩa là 888 tháng, 3.861 tuần, 27.027 ngày, và 648.670 giờ. Nghe có vẻ nhiều, nhưng thời gian trôi đi rất nhanh. Vì vậy hãy trân trọng những ai đang ở bên bạn. Hãy kiên nhẫn hơn với cha mẹ mình, rộng lượng hơn với bạn bè và yêu thương hơn đối với mọi người xung quanh bạn. Bởi vì mọi thứ có thể sẽ biến mất chỉ trong một cái nháy mắt.

Kétttttttttt! Ầmmmmm!

Một loạt âm thanh đáng sợ xuyên qua tai tôi. Tiếng rít của phanh vang lên, liền ngay sau là tiếng nổ ầm ĩ của kim loại va vào rồi mài vào nhau. Tôi nhìn lên và thấy một đống hỗn độn của hai chiếc xe đã cuốn vào nhau.

Cặp đôi trên chiếc xe máy rên rỉ. Gần đó là một người đàn ông không đội mĩ bảo hiểm, máu chảy khắp mặt, nhìn giống như là sáp nến màu đỏ đang chảy. Anh cố đứng dậy, loạng choạng rồi gục ngã. Đầu anh như thể bị nứt ra. Chắc anh không qua được rồi. Tôi bắt đầu cảm thấy choáng váng. Tôi phải quay sang một bên để ói. Tai nạn giao thông là điều không hiếm gặp trên những con phố nguy hiểm ở Việt Nam. Nhưng tôi chưa từng thấy cảnh tượng nào như thế này, quá gần và ngay trước mắt tôi.

Đám đông chạy tới để giúp, có người chỉ chạy đến để xem. Tôi cố lấy lại bình tĩnh để đi tiếp. Tôi không thể đứng lại để nhìn thêm. Cảnh tượng kinh hãi đã khiến tôi thực sự sốc. Mọi thứ có thể thay đổi chỉ trong một tích tắc, nhanh như một cái chớp mắt. Tôi không lạ lẫm gì với cảnh chết chóc. Tôi đã từng dự nhiều đám tang và thấy cả người chết, nhưng tôi chưa khi nào thực sự suy nghĩ về điều đó.

Cho tới năm ngoái, khi tôi phải vội vã trở về Mĩ. Bà ngoại tôi khi đó mới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư, các bác sĩ đã tìm thấy một khối u trong đầu của bà. Họ không biết bà còn sống được bao lâu nữa. Tôi đã rất suy sụp. Bà ngoại vẫn luôn là lí do khiến cả gia đình tôi gắn kết. Tôi không thể hình dung nổi chúng tôi sẽ mất bà. “Tại sao? Tại sao lại là bà?”, tôi đã nghĩ như vậy. Chúng ta không bao giờ nghĩ điều tồi tệ đó lại xảy đến với những người chúng ta yêu thương, cho tới khi nó thực sự xảy ra.

Tôi cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, tôi vẫn luôn làm như vậy, vì gia đình của tôi. Nhưng trong thâm tâm, tôi thấy như mình đã gục ngã. Khi không có người ở xung quanh, tôi đã khóc. Rất nhiều đêm tôi thức trắng. Tôi cầu nguyện và cầu nguyện tới tất cả những vị chúa, thần mà tôi biết. Tôi biết bà luôn là người rất mạnh mẽ, nhưng tôi đã sẵn sàng đối mặt với điều tồi tệ nhất.

Nhưng rồi bà qua khỏi, tế bào ung thư tự biến mất một cách kì diệu. Bà nói đó là nhờ ơn Chúa, các bác sĩ nói đó là một phép màu, tôi chỉ thấy nhẹ nhõm. Từ đó, tôi đã biết trân trọng sự quý giá của sự sống. Đó là trò kéo co không hồi kết giữa sự sống và cái chết. Suốt buổi sáng hôm đó, tôi đã cầu nguyện cho người đàn ông gặp tai nạn mà tôi đã chứng kiến và gia đình của anh sẽ chiến thắng cái chết.

Tới trưa, tôi đã bình tâm trở lại. Tôi tới ngoại ô Mộ Đức thì hết sạch nước. Dừng chân trước một quán cà phê Trung Nguyên, tôi nghe thấy tiếng la hét. Phía ngôi nhà cách đó vài mét là một nhóm phụ nữ đang tụ tập. Một vài người trong số họ đang vung dao, số khác thì đang cầm cái gì trông giống liềm gặt lúa. “Cút khỏi nhà tao ngay, tao sẽ giết mày!”. Tôi nghe tiếng ai đó đang hét lên. “Giết đi. Giết đi. Tao không có sợ!”, một tiếng hét trở lại. Tôi lắc đầu ngán ngẩm, sau khi đã nhìn thấy sự vô giá của mạng sống mới lúc sáng.

Một nhóm nhỏ đã kịp tụ tập lại để xem từ một khoảng cách an toàn. Ai cũng mải mê xem đến nỗi không để ý tới sự có mặt của tôi. “Có chuyện gì vậy?”, tôi hỏi bâng quơ. “Một bà cãi nhau với con gái của một bà khác, rồi bà đó tới nhà kia để đánh nhau”, ai đó trả lời, không buồn quay đầu lại nhìn. Phụ nữ Việt Nam rất thích tán chuyện và đôi khi họ cũng chẳng ngại bàn tán chuyện của gia đình khác. Thật may, tình hình có vẻ dịu đi. Sau một vài lời dọa dẫm nữa, đám đông giải tán, ai trở về cuộc sống của người nấy.

“Người Hàn Quốc hả?”, một người phụ nữ đậm người với khuôn mặt trang điểm nhẹ hỏi tôi. Tôi nói tôi là người Mĩ gốc Việt, mọi người bất chợt cùng quay lại nhìn tôi.

Một lần nữa tôi lại được yêu cầu kể về hành trình của mình. Người phụ nữ mập mạp, chị Hương, mời tôi ngồi vào quán cà phê. “Tội nghiệp. Thấy thương em quá. Đã ăn gì chưa? Đừng uống nước này, nóng lắm”, chị nói với chất giọng cao vút, nhưng đầy thương cảm dành cho tôi. Trước khi tôi kịp đáp lời, chị đã nói tiếp. “Em muốn uống gì chị mua cho? A, chắc chưa ăn trưa. Ôi, thấy tội quá!”, chị vừa nói vừa cấu má tôi.

“Đi, chị đưa đi kiếm cái gì ăn”. Chị nói. Chúng tôi chạy xe đi ngược lại đoạn đường tôi vừa đi qua khi nãy. Một người đàn ông trên chiếc xe máy bên đường vẫy chị dừng lại. Chị Hương dừng xe gần lại chỗ người đàn ông hói đầu, dáng thô kệch, chừng khoảng bốn mươi tuổi và nói ông này chờ chị.

“Là bạn chị đó. Chị đưa đi ăn trưa, rồi chờ chị một chút. Chị đi với bạn một lát rồi sẽ quay lại đón em nha”. Chị vừa nói vừa đỗ xe vào một quán ăn nhỏ bán bún giò heo, ngay trước cửa một hiệu sửa xe bụi bặm. Quán được dựng đơn giản với một cái nồi, vài chiếc bàn ghế nhựa, và một cái ô lớn.

Chị gọi cho tôi một bát bún và đưa cho tôi năm mươi ngàn đồng. “Ăn xong chờ chị ở đây. Rồi chị đưa về nhà chị ở quê. Em ở đó mà chơi hôm nay”. Chị nói vội trước khi đi. Tôi thong thả ăn bát bún. Món bún giò heo ở quán ăn nhìn khá tồi tàn này lại ngon đến đáng ngạc nhiên. Ở Việt Nam, chính những nơi nhìn cũ bẩn lại là nơi có đồ ăn ngon tuyệt.

Tôi ăn xong và kiên nhẫn đợi. Một giờ đồng hồ trôi qua. Tôi đang gần mất kiên nhẫn thì chị Hương xuất hiện cùng một người phụ nữ nữa. Chị giới thiệu đó là em gái chị. Họ trông không có nét gì giống nhau, nhưng cách ăn mặc thì đều bóng bẩy, gợi cảm với chiếc áo xẻ cổ sâu để lộ cả khe ngực.

“Xin lỗi chị để em chờ lâu quá. Mệt chưa? Muốn nằm nghỉ chưa? Chị thuê cho một phòng ở nhà nghỉ của bạn chị bên kia đường nha. Chị phải đi gặp vài người bạn nữa”, chị nói. Vài phút sau một người đàn ông xuất hiện. Người này không phải người chúng tôi đã gặp trên đường khi nãy. Chị chỉ giới thiệu người này là bạn. Màn tán tỉnh bắt đầu. Chị Hương đưa tay vuốt ve chiếc cà vạt rồi đến chân người đàn ông. Người đàn ông nói điều gì đó để ve vãn nhưng tôi không hiểu. “Đừng có nói bậy trước mặt thằng nhỏ chứ?”, chị Hương cười cợt nói. Rồi tôi nhận ra những “người bạn” của chị chính là những khách hàng. Chị Hương là một cô gái bán hoa. Giờ thì mọi thứ đều dễ hiểu, từ cách chị ăn mặc, trang điểm, cách chị nói và hành động đều là lời mời gọi.

Tôi biết mại dâm là phạm pháp ở Việt Nam. Nhưng chỉ đề cập vấn đề này như là một sự phiền toái bất hợp pháp thì không đủ để phân tích vấn đề phức tạp này. Sự phản bội và nạn mại dâm là một trong những bí mật nhỏ không sạch sẽ ở đây. Nếu không có những khách hàng nam giới sẵn sàng chi tiền, tệ nạn này đã chẳng tồn tại. Phải có một lí do cho sự xuất hiện tràn lan của các nhà nghỉ và cửa hàng mát xa ở Hà Nội, chắc chắn không phải tất cả đều dành cho khách du lịch.

Nạn mại dâm cũng chính là một kết quả của kinh tế xã hội. Nhiều phụ nữ không chọn cho mình lựa chọn này nhưng đó là cách duy nhất họ có thể kiếm tiền để phụ giúp gia đình. Tôi đã từng phỏng vấn nhiều cô gái làm nghề mại dâm cho một dự án trong trường đại học với cái tên “Kiếm ăn”. Phần lớn những cô gái này rất trẻ, đang tuổi vị thành niên hoặc khoảng hai mươi tuổi. Những người đàn ông thường thích những cô gái tầm tuổi đó. Một người phụ nữ lớn tuổi hơn đã mở lòng với tôi. Cô trông khá đẹp nhưng nhìn già và mệt mỏi trong chiếc váy màu đỏ rượu.

“Tại sao cô làm nghề này? Sao không làm nghề nào khác?”, tôi hỏi ngây thơ.

“Làm gì khác được nữa? Tôi không có tiền để đi học và không biết làm việc gì cả. Ai mà thèm thuê con gái nhà quê ngu dốt? Bố mẹ tôi bị ốm. Rồi còn nhiều thứ phải chi trả. Tôi là con cả nên phải đi kiếm tiền. Còn làm gì khác được?”.

Cô ấy trở nên xúc động nhưng không khóc, nước mắt của cô dường như đã khô từ lâu. Tôi có thể nhìn thấy nỗi buồn trong mắt cô. Cô ấy không phải người xấu. Cô đang phải làm điều cô cần làm cho gia đình. Và tôi chẳng thể đổ lỗi cho cô. Đó chỉ là một cái nghề. Tôi đổ lỗi cho những người đàn ông. Khi nào còn khách hàng sẵn sàng trả tiền thì những người phụ nữ này còn tiếp tục bị bóc lột.

Một lát sau, vài người đàn ông dáng thô ráp cũng đến. Họ nhìn như những người nghiện hoặc là những tên tội phạm. Tôi thấy khá căng thẳng. Người đàn ông thấp bé hơn đầu cạo trọc, mặc một chiếc áo ba lỗ để hở những hình xăm chi chít. Anh ta không nói gì nhiều. Người còn lại khoác một chiếc áo da. Anh này đáng ra cũng đẹp trai, nhưng mái tóc lại bù xù và dáng vẻ rất lôi thôi. Có một vết sẹo chạy dài trên má, nhìn như vết thương từ một phát chém.

Người đàn ông khác đã ngồi cùng chúng tôi từ trước như cảm nhận được không khí căng thẳng liền đứng lên xin phép về trước.

“Sao không nhấc máy?”, một người nhìn chằm chằm chị Hương và hỏi.

“Xin lỗi, tôi không nghe thấy”. Chị trả lời, dáng điệu sợ sệt.

“Tao gọi thì phải nghe chứ, có điện thoại để làm gì? Mày là thằng nào?”. Anh ta quay sang tôi hỏi, mắt trái giật giật.

Chị Hương vội giải thích trước khi tôi kịp nói. “Tao không tin. Sao mày biết nó không phải là tội phạm hoặc trộm cướp?”, anh ta vặc lại. “Không phải đâu. Tôi thấy thằng nhỏ đi bộ. Thấy tội quá nên tôi giúp”. Chị giải thích một cách yếu ớt. “Cho tao xem giấy tờ. Chắc mày phải mang thẻ chứng minh đi chứ”.

“Tôi không mang gì đi hết”, tôi trả lời giọng khá khó chịu, bàn tay nắm chặt.

“Thế thì tối nay mày ở đâu?”. Anh ta hỏi tiếp với giọng bớt hung hãn hơn.

“Cậu ấy ở chỗ tôi tối nay”. Chị Hương nói.

“Không được. Mày muốn người ta nghĩ xấu về cô ấy à? Đàn bà độc thân mà đưa trai về nhà ở thì người ta nghĩ sao?”, anh ta cộc cằn hỏi.

“Chẳng làm sao, tôi không quan tâm người ta nghĩ gì”, chị Hương phản bác.

“Cho nó ở cùng tao cũng được”, anh ta nói với một nụ cười trên môi. Anh này chắc có vấn đề về thần kinh thì mới nghĩ tôi sẽ chịu ở cùng.

“Cảm ơn chị, nhưng chắc em đi tiếp”, tôi trả lời, không quan tâm tới lời mời của người đàn ông kia.

“Tao nói là mày ở cùng tao được mà”, người đàn ông cao giọng.

“Không, cám ơn. Tôi phải đi tiếp”. Tôi trả lời, cố giữ giọng bình tĩnh.

Tôi đứng dậy và đi, chị Hương chạy theo sau. “Chị xin lỗi nhiều nhá, bình thường anh ấy tốt lắm. Hay em ở lại đi. Chị không quan tâm người ta nghĩ gì đâu. Nhiều người nói xấu về chị rồi. Chị biết chị không phải là người tốt nhất ở đây, nhưng mà chị muốn giúp em. Nếu em muốn, chị có thể tìm một phòng cho em nghỉ nhờ. Chị thấy thương em quá nên muốn giúp”.

“Chị giúp em nhiều rồi mà. Cám ơn chị”. Chị rút trong túi ra tờ một trăm ngàn đồng. “Cầm lấy đi, ít nhất thì phải cầm lấy cái này. Cần gì thì mua”. Tôi lắc đầu.

“Em nói thật mà, chị giúp em nhiều rồi. Em biết có nhiều người tốt ở Việt Nam. Đừng lo, em biết chị là người tốt. Cám ơn chị”. Chị ôm ghì lấy tôi. Tôi cảm ơn chị lần nữa và tiếp tục bước đi.

Tôi tiếp tục đi đến khoảng chừng 5 giờ. Cần tìm một nơi để nghỉ lại trước khi trời tối. Tôi tiến gần một người đàn ông, khoảng hơn bốn mươi, mặc chiếc áo phông và quần lửng ka ki. Người đàn ông đứng trước cửa một ngôi nhà lớn. Ngôi nhà to gấp đôi những ngôi nhà xung quanh. “Tốt rồi, chắc chú ấy sẽ có chỗ cho mình ở”, tôi nghĩ thầm. Tôi mang bản đồ ra, vờ hỏi người đàn ông vị trí của nơi chúng tôi đang đứng. Người đàn ông chỉ cho tôi và hỏi tôi đang đi đâu. Tôi trả lời rằng tôi đang đi xuyên Việt không mang tiền.

“Ngốc vậy. Sao không đi bằng ô tô? Người nước ngoài nhiều tiền mà. Sao tự dưng tới đất nước nghèo của tôi để sống như thế này?”. Tôi hơi sốc, cố gắng giải thích lí do của tôi nhưng chú ấy từ chối lắng nghe. “Nước Việt Nam và người Việt Nam còn nghèo lắm. Muốn đi xuyên đất nước thì nên đi tới nước khác đi”. Người đàn ông nói rồi bước vào trong cánh cổng. Không ích gì. Tôi thất vọng nhưng không thể làm gì khác ngoài đi tiếp.

Nghỉ chân trên đường đi

Tôi đi tiếp, qua nhà lưu niệm Phạm Văn Đồng. Đã hơn 6 giờ tối và tôi vẫn chưa tìm thấy một nơi để nghỉ qua đêm, chưa khi nào tôi mất nhiều thời gian như vậy. Một người đàn ông đi về phía tôi. Tôi đang không để ý nhưng có thể thấy ông ấy đang cười với tôi. Tôi nhìn lên và thấy một người đàn ông rất ưa nhìn trong chiếc áo may ô trắng, quần soóc, chân không đi giầy. Người đàn ông chừng năm mươi tuổi nhưng vẫn giữ được vóc dáng khỏe mạnh, trẻ trung.

Chúng tôi đi ngang qua nhau nhưng như có nam châm hút lại, cả hai cùng quay lại một lúc.“Travelling Vietnam? Going and stop and rest– Đi du lịch Việt Nam? Đi và dừng lại nghỉ. Chú ấy hỏi tôi với vốn tiếng Anh không ổn lắm. Tôi gật đầu và kể về chuyến đi của mình. Chú cười và gật đầu, lần này nói bằng tiếng Việt. “Có một sinh viên người châu Âu cũng tới đây vài năm trước bằng xe đạp. Cậu ấy cũng dừng lại xin nước. Một anh chàng rất cao. Cháu biết cậu ta không?”.

“Dạ không”, tôi trả lời trong khi chú ấy ra hiệu bảo tôi ngồi xuống phía trước một cửa hàng.

“Nếu muốn thì cháu có thể ngủ ở bưu điện bên kia đường. Lúc trước cậu kia ngủ ở đó. Về ăn tối ở nhà chú rồi đi uống nước”. Một người đàn ông trẻ hơn đi từ trong nhà ra với cây chổi trên tay. “Để cậu ấy ở nhà của ông đi, ông giàu mà. Làm sao bắt người ta ngủ trong bưu điện cũ kĩ đó”. Anh ta đùa. “Nhìn nhà ổng kìa, xe đẹp, nhà lại rộng rãi nữa”, anh này vừa nói vừa chỉ cây chổi về phía ngôi nhà cách đó một quãng ngắn.

Chú dẫn tôi tới cửa hiệu của nhà mình. Tấm biển hiệu ghi “Mua bán quần áo Tường Thảo”. “Đó là tên chú và tên vợ chú”. Ngôi nhà không quá to lớn như người đàn ông kia nói. Trước nhà là cửa hiệu chất đống những quần áo, một cái bàn nhỏ và một máy vi tính, phía sau là hai buồng ngủ. Chú cho tôi dùng nhờ máy vi tính và tự hào khoe là có mạng internet trước khi ra tiếp mấy khách hàng mới đến. Một lát sau chú gọi tôi ra để giới thiệu với vài vị khách. Thực tế là chú ấy giới thiệu tôi với tất cả các hàng xóm và những người đi ngang qua nhà.

Tôi đi tắm và giặt quần áo của mình. Tôi đã chuẩn bị một chút bột giặt từ trước khi lên đường. Lúc trước khi thực hiện chuyến đi này, tôi chỉ toàn giặt quần áo bằng máy. Tôi chẳng thể biết được khi nào thì quần áo đủ sạch. Đành phải thử bằng cách ngửi. Nếu quần áo có mùi dễ ngửi thì là đủ sạch. Dù sao thì tôi cũng không mang theo nhiều quần áo. Thỉnh thoảng đã phải mặc quần áo bẩn vì không giặt được. Những lúc như vậy thì đương nhiên là tôi phải lộn trái đồ lót để có thể mặc tiếp.

Tôi gặp vợ của chú Tường và con trai của hai người. Vợ của chú là một người phụ nữ nhỏ bé và đầy đặn, cô có vóc dáng của một quả lê. Cô không hẳn là quá đẹp, và trông càng kém đẹp hơn khi đứng cạnh người trông đẹp trai. Cậu con trai gầy và cao như bất cứ cậu thanh niên mới lớn nào khác. Cậu bé mới thi đại học và đang chờ kết quả.

Bữa tối, chúng tôi có thịt bò xào với cà chua, rau và món súp rau với thịt bò. Chú Tường bắt tôi uống hết ba cốc bia, vợ chú thì nhồi tôi ăn ba bát cơm. Tôi no căng bụng và bắt đầu bị những cốc bia làm cho buồn ngủ. Con trai chú Tường, em Hậu, rất lặng lẽ và hầu như không nói chuyện gì với tôi.

Sau bữa tối, chú Tường và tôi đi xe máy tới nhà cha mẹ của chú để ngủ. Chú đã quyết định không để tôi phải ngủ ở cái bưu điện cũ kia nữa. Chúng tôi chạy xe đi qua vùng quê tối mù mịt, nguồn ánh sáng duy nhất có thể thấy được là từ một nhà thờ to lớn ở gần đó, trông như được đặt sai chỗ. Những chú chó gầm gừ khi chúng tôi lái xe trên con đường đất dẫn tới ngôi nhà. Ngôi nhà nhỏ có vẻ rất cổ, mọi thứ đều được phủ một lớp bụi bên trên. “Cháu thông cảm nhé, sau khi cha mẹ chú mất, thực sự chưa khi nào quay lại đây để lau dọn được”. Chú Tường đi lau bụi và dọn dẹp một chút. Chúng tôi ngồi uống trà xanh và nói chuyện một lúc thì tôi phải đi ngủ.

Sáng hôm sau chú Tường mời tôi đi ăn sáng trước khi rời đi, chúng tôi ăn mì Quảng. Những sợi mì dày, đậm đà hương vị và những miếng thịt mềm, cho một chút tương ớt cay vào và thế là có một bát mì tuyệt diệu. Không thể ngồi yên được, chú Tường đi quanh kể về câu chuyện của tôi cho bất cứ ai có thể nghe thấy. Không may thay, một vị cán bộ có tuổi trông có vẻ khó tính của khu vực đã nghe thấy. Tôi đọc được bảng tên của ông: Nguyễn Văn Chính.

“Cậu đang làm gì ở đây?”, bác Chính hỏi tôi như thể tôi rất có thể là một tên tội phạm.

“Tôi không tin cậu. Tại sao? Sao cậu lại muốn đi như thế này chứ? Thật là khờ”, bác ấy nói.

“Người nước ngoài người ta hay làm vậy mà bác, văn hóa của họ là vậy”, chú Tường xen ngang.

“Người nước ngoài mà đến đây là tại vì họ không tìm được việc ở nước của họ. Thế nên họ tới đây để làm việc và để chơi. Thế nhưng mà còn cái cậu này thì đang làm cái gì?”, bác cán bộ Chính tranh luận.

“Làm như vậy là khờ dại và không đúng luật. Nếu mà cậu muốn ở nhà của ai đó, thì cậu phải đi báo cáo với chính quyền địa phương. Việc cậu đang làm là sai luật lắm đó, chắc tôi nên cho cả hai người vô tù”.

“Bọn tôi xin lỗi, cháu nó không biết còn tôi thì chỉ muốn giúp thôi”. Chú Tường giải thích.

Bác cán bộ Chính hỏi thêm một số thông tin nữa, bác hỏi cả giấy tờ tùy thân mà tôi thì không mang theo. Tôi nhìn xung quanh thì thấy mọi người đang xem màn kịch đi đến hồi kết. Chú Tường xin lỗi đi xin lỗi lại. Nhìn thấy vậy khiến tôi bực mình vì một người đàn ông tốt bụng đáng kính như chú lại phải đi xin xỏ một ông già khó tính. Nhưng tôi thì làm được gì đây? Chú Tường xin lỗi một lần nữa trước khi chúng tôi đi khỏi.

Chú Tường nói với tôi từ giờ phải cẩn thận hơn. Tôi cứ tưởng đó chỉ là những lời căn dặn không cần thiết nhưng chú bảo có những nơi chính quyền địa phương rất nghiêm và quản lí rất chặt chẽ. Chú kể cho tôi nghe một lần chú cũng suýt chút nữa bị bắt vì đi ăn đám cưới ở xã khác và ngủ lại mà không báo cáo. “Họ thu lại máy ảnh chú dùng để chụp hình và giữ chú một ngày luôn. Có lẽ là cháu nên đi thôi trước khi người ta tới hỏi. Nhớ phải cẩn thận nghe”.

Tôi nhanh chóng thu xếp đồ. Quần áo chưa kịp khô hẳn nhưng cũng phải thu lại, tôi buộc những đồ chưa khô bên hông chiếc ba lô. Khi tôi cám ơn chú Tường và cô vợ vì đã giúp đỡ tôi, cậu con trai của họ vẫn còn đang ngủ. Tôi khẩn trương đi tiếp, thực lòng mong chú Tường không gặp phải vấn đề gì. Tại sao lòng tốt lại bị trả giá bởi hình phạt cơ chứ?

Tôi đi bộ nhanh hơn bởi cơn giận trong người, muốn đi càng xa càng tốt. Tôi qua đêm tại Sa Huỳnh, một bờ biển trống trải tuyệt đẹp trước khi trèo qua đèo Bình Đê vào ngày hôm sau. Đi dọc con đường, tôi tới được một trạm nghỉ chân dành cho khách du lịch. Hai bên đường là hàng dài những cửa hàng bán đồ cho khách qua đường như rượu, đồ uống, đồ ăn vặt.

“Có đúng là bên đó ai cũng có nhà to và xe ô tô không?”, một cặp vợ chồng trung niên hỏi tôi.

“Dạ không. Cũng có nhiều người nghèo, vô gia cư sống ở ngoài phố”.

“Cô chú có người nhà ở Texas. Họ nói sống bên đó cũng cực lắm, không dễ kiếm việc làm. Nhưng mà chắc là không phải vậy đâu. Chắc là cháu giàu lắm hả?”, họ hỏi.

Tôi không thể nhịn nổi cười trước sự ngô nghê ấy. Người phụ nữ mang cho tôi một cốc trà mát và một quả chuối sau khi nghe tôi kể về chuyến đi của mình. Tôi từ chối lời mời dùng bữa trưa. Cám ơn họ và rồi tôi tiếp tục lên đường.

Vì tôi sinh ra ở Mĩ, rất nhiều người phỏng đoán nhiều điều về tôi. Nhiều người muốn làm bạn với tôi cũng chỉ vì điều đó. Nhưng đừng ai nên đánh giá một cuốn sách chỉ vì tờ bìa của nó, hãy đọc nội dung của cuốn sách đó trước. Với con người cũng vậy. Không bao giờ được đánh giá một con người bằng diện mạo của họ vì đó chỉ là những gì ở bề ngoài. Chẳng có điều gì trên đời này chỉ đơn giản như vẻ ngoài của nó.

Lí thuyết là như vậy nhưng bạn vẫn có thể phạm sai lầm đó, ai cũng mắc phải lỗi ấy, kể cả chính bản thân tôi. Lấy những người lái xe ôm làm ví dụ. Tôi từng không thích họ chút nào. Họ là phương tiện giao thông thay thế cho những chiếc xe buýt đông nghịt hay chiếc taxi đắt đỏ. Nhìn quanh bạn sẽ thấy họ ở bất cứ đâu, tại các điểm dừng xe buýt, trước các trường học, hầu như ở bất cứ ngóc ngách nào họ cũng có mặt. Thế nhưng chỉ cần một cái nhìn vào những người đàn ông thô kệch, nồng mùi cồn này là tâm trí đã mách bảo tôi phải chạy đi.

Hãy lên xe đi cùng họ nếu bạn chịu được mối nguy hiểm. Từ kinh nghiệm của bản thân tôi, phần lớn những người lái xe ôm thường uống rượu rất nhiều. Họ uống nhiều rượu, điều này giải thích cho sự vô lo của họ khi chạy xe trên đường. Lượn lách trong dòng xe cộ không chút sợ hãi. Với tôi, những người đàn ông này chỉ dùng công việc của họ làm cái cớ để có thể ngồi uống cả ngày. Họ hầu hết là những người say, dựa vào các bà vợ đi làm và kiếm thu nhập về cho gia đình.

Nhưng trải nghiệm thú vị sắp tới của tôi tại thị trấn Tam Quan, Quảng Ngãi sẽ khiến quan niệm đó phải thay đổi. Đừng bao giờ đánh giá một con người trước khi bạn thật hiểu họ, bài học cuộc sống đích thực.

Korean – Người Hàn Quốc”, một người chạy xe ôm dừng lại và hỏi tôi bằng tiếng Anh. Nghe như một câu khẳng định hơn là một câu hỏi.

“Người Mĩ gốc Việt”, tôi khó chịu trả lời, vẫn tiếp tục bước đi.

“Cậu đang đi đâu?”, ông ta lái xe chầm chậm bám theo tôi và hỏi.

Tôi đi tiếp, phớt lờ câu hỏi.

“Lên xe đi, tôi đưa đi không lấy tiền”.

Nhưng tôi không dễ bị lừa phỉnh. Tôi nhìn ông ta một cách bực dọc và lắc đầu. Tôi đã sẵn sàng để mắng ông này một trận, khi ông ta tiếp tục đề nghị chở tôi miễn phí. Ông ta đi theo tôi tới 100 mét tiếp theo rồi tôi bỏ cuộc và ngồi lên xe.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.