John Đi Tìm Hùng
Chương 11 – Phần 2
Đoạn đường đi rất dài. Con đường có nhiều đoạn rẽ và lên xuống ngọn núi cao, rẽ phải rồi lại quẹo trái, như tàu lượn siêu tốc. Giờ thì tôi biết tại sao mọi người cười không tin khi tôi bày tỏ ý định chinh phục ngọn núi này bằng xe đạp. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ, tận hưởng khung cảnh đẹp tới nghẹt thở. Dọc đường đi, những thác nước nhỏ đổ xuống từ những vách núi lởm chởm, những thân cây cao gầy đứng vươn thẳng tắp. Ba người chúng tôi thay nhau kể chuyện về những người phụ nữ để giết thời gian. Họ đều tò mò muốn biết phụ nữ Mĩ và phụ nữ Việt Nam thì khác nhau điều gì. Tôi nói, một người phụ nữ tốt là một người phụ nữ tốt, chẳng quan trọng cô ấy đến từ đất nước nào, khiến hai anh chàng cười hả hê.
Đã hơn 8 giờ tối khi họ thả tôi xuống thành phố Đà Lạt. Điều đầu tiên khiến tôi chú ý là không khí buổi tối se lạnh ở đây. Tôi hít một hơi sâu qua sống mũi, giữ lấy luồng hơi khô và lạnh trong người một chút. Cái lạnh ở đây không giống như những đêm đông ở Hà Nội. Cái lạnh này hơi giống như khi ở vịnh San Francisco. Tôi nhắm mắt lại, cảm giác gần giống như ở nhà. Tôi lục tìm chiếc áo dài tay ở trong ba lô.
Trời đã tối muộn, các gia đình giờ này đã ăn tối xong, có lẽ đang quây quần bên chiếc ti vi. Từ đầu chuyến đi, tôi đã luôn tìm được một nơi nghỉ đêm trước khi trời kịp tối. Nhưng trời đã muộn thế này, không có ai chịu cho tôi vào nhà, làm như vậy là quá liều lĩnh cho họ. Ngôi nhà đầu tiên tôi tới từ chối một cách lịch sự rằng không có đủ chỗ. Tôi đi tới ngôi nhà thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư, kết quả cũng tương tự. Tôi vẫn chưa hoang mang, giây phút hoảng loạn lúc ở trên ngọn núi đã làm tinh thần tôi đủ mệt mỏi rồi.
Tôi gọi cho những người bạn ở Hà Nội. Cuối cùng thì một cậu bạn cho tôi biết rằng bố cậu có một người bạn thân ở Đà Lạt. Tôi gọi điện cho người ấy, ông ấy cho tôi địa chỉ, nhưng cách khá xa chỗ tôi đang đứng. Tôi cố vắt chút năng lượng còn lại, nhấc đôi chân tê cứng đạp chiếc xe trong trời tối lạnh lẽo. Tôi tới được tòa bưu điện VNPT.
Tôi tới bên cánh cổng đóng chặt của tòa bưu điện to lớn, nơi một người bảo vệ đang ngồi thu lu để cố giữ ấm trong căn phòng nhỏ xíu. Chú nhìn tôi khá ngạc nhiên nhưng vẫn mỉm cười lịch sự. Tôi cho chú biết tên của người đàn ông đã nói là tôi có thể nghỉ đêm tại đây, hóa ra người đó là quản kí của bưu điện. Tôi chờ đợi kiên nhẫn bên ngoài cánh cổng khi người bảo vệ gọi điện cho sếp để khẳng định lại trước khi cho tôi vào trong.
Tôi khóa chiếc xe đạp bên một cái cột. Người bảo vệ đưa tôi tới một tòa nhà rộng, phía sau bưu điện. Tôi cố gắng lắm mới đi được hết hai nhịp cầu thang, gần như phải nắm lấy tay cầm để nhấc người lên. Chú mở cửa cho tôi vào một căn phòng đẹp, đẹp hơn phần lớn các khách sạn ở Việt Nam, với hai giường và một ti vi màn hình phẳng, nhưng đầy mùi ẩm mốc và mùi hôi của thuốc lá.
“Cần gì thì đi xuống bảo tôi. Cậu cần nghỉ ngơi cho khỏe đêm nay.” Chú nói. Tôi khóa cửa và nằm vật xuống giường, không cả kịp tắm gội. Hai ngày sau đó tôi chỉ nằm trên giường, quá đau người tới mức chẳng thể tắm hay đi tìm thức ăn. Tiếng bước chân và tiếng người nói chuyện lao xao bên ngoài trong giờ làm việc bận rộn, nhưng tôi cũng không màng. Không ai tới làm phiền tôi, không ai tới kiểm tra. Tôi chỉ ngủ và ngủ.
Đến ngày thứ ba, cuối cùng tôi cũng tỉnh dậy vì cơn đói cồn cào trong dạ dày. Tôi đi khập khiễng, dùng chân phải để nhảy đi và lết bên chân trái theo sau. Tôi đi chầm chậm xung quanh thành phố để tìm đồ ăn. Thành phố nhỏ xinh đẹp nhiều câu xanh. Các tòa nhà có lối kiến trúc và cái không khí giống như ở đâu đó bên châu Âu cổ kính. Ở trung tâm thành phố là một cái hồ lớn hơn Hồ Hoàn Kiếm ngoài Hà Nội, nơi mọi người vẫn thường tản bộ, các cặp đôi ngồi dưới thảm cỏ, và vài người khác thì kiên nhẫn ngồi câu. Đó là một nơi rất đẹp, rất lãng mạn, nhưng tốt hơn cả là nên đi cùng người bạn yêu thương, không nên đi một mình tới đó.
Tôi không tìm thấy gì để ăn. Tôi đã quá mệt với việc giới thiệu bản thân xin người ta cho đồ ăn. Sự việc trên núi vẫn khiến cả thể xác và tinh thần tôi kiệt quệ. Tôi chấp nhận sự cô độc, chỉ muốn ở một mình, thậm chí sẽ phải trả giá bằng việc không có gì để ăn. Không ai để ý thấy khi tôi lướt qua cánh cổng và bước lên tầng để vào phòng. Lần đầu tiên sau một thời gian khá dài, tôi cảm thấy như người tàng hình và tôi tận hưởng cái thú đó.
Nhưng tới khi trời tối, tôi lại muốn được nói chuyện với ai đó. Tôi đi xuống tầng và ngồi gần người bảo vệ già. Chú rót cho tôi một tách cà phê để chúng tôi nhâm nhi khi trò chuyện. Chú Bắc là người gốc Đà Lạt, đã có vợ và ba đứa con, năm đứa cháu, ở khắp các nơi trong miền Nam Việt Nam. Chú kể về quá khứ khi cuộc sống khó nhọc hơn bây giờ, và con người có vẻ gần gũi và gắn bó với nhau hơn.
“Không ai ghen tị với những thứ người khác có, bởi vì hồi đó chẳng ai có cái gì hết. Bây giờ người ta chỉ nghĩ tới việc kiếm được nhiều tiền và tậu được nhiều đồ. Chẳng ai quan tâm tới ai nữa.”
“Nhưng vẫn còn nhiều người tốt, rất nhiều người đã giúp cháu trên đường tới đây. Mọi người chỉ là không để ý tới những điều tích cực nữa, mà hay tập trung vào những điều tiêu cực. Cái gì đã thay đổi? Cái gì khiến mọi người mất niềm tin ở nhau và trở nên đa nghi?” tôi hỏi.
“Có lẽ là tiền và lòng tham. Nhiều tiền hơn cũng có nghĩa là nhiều điều tồi tệ hơn, trộm cắp và lừa đảo. Mọi người nghe những câu chuyện tiêu cực và rồi nghĩ rằng ở đâu cũng có tiêu cực.” Chú nói, đưa tay vào trong túi. Chú đưa tôi một chiếc hộp nhỏ. “Bôi vào chân đi, chú thấy cháu đi tập tà tập tễnh. Cái này tốt lắm đó. Hôm rồi chú về nhà và đọc báo thấy cháu. Cảm ơn cháu. Chú chưa làm được gì nhiều cho đất nước, nhưng cháu, mặc dù sinh ra ở Mĩ, nhưng lại muốn giúp Việt Nam.”
Chú Bắc lại lục tay vào túi, lôi ra vài tờ tiền. Chú đếm nắm tiền thấy được hai trăm năm mươi ngàn đồng và đưa cho tôi. Tôi lắc đầu không nhận. “Chú không có nhiều, nhưng chú muốn cháu nhận lấy. Chú biết có thể cháu không cần dùng đến, nhưng hãy đưa chỗ tiền này cho ai cháu gặp trên đường, ai mà cháu thấy họ thực sự cần tới nó. Nói với họ là chú gửi tặng, và rằng khi họ có thể, họ cũng nên giúp đỡ một ai đó khó khăn hơn.”
Tôi nhận lấy xấp giấy bạc nhăn nhúm và mỉm cười. “Ở Mỹ, có một câu người ta hay nói là “trả ơn chuyển tiếp”, còn có cả một bộ phim về chuyện đó nữa chú ạ.” Tôi nói, cố gắng giải thích khái niệm cho chú hiểu. “Khi chú giúp một ai đó, và điều duy nhất chú muốn nhận lại là họ hãy đi giúp thêm hai hay ba người nữa. Giúp đỡ không chỉ về tiền bạc, nó có thể là bất cứ việc gì, từ nhỏ cho tới lớn.”
Chú Bắc và tôi ngồi trò chuyện tiếp suốt đêm, khiến tôi quên cả cái đói. Chiếc hộp nhỏ chú đưa cho tôi là một loại kem xoa bóp gì đó, tôi bôi vào đầu gối và vai. Nó làm dịu cơn đau. Nhưng điều tuyệt vời hơn là chú đã giúp tôi thấy có thêm niềm tin và lấy lại tinh thần. Tôi đã sẵn sàng tiếp tục hành trình của mình, ngày mai tôi sẽ vượt 85 kilômét để tới Di Linh.
Mẹ tôi đã cùng ở với chú Eddie nhiều năm nay mặc dù họ chưa chính thức kết hôn. Tôi có thể thấy mẹ rất hạnh phúc. Lúc đầu tôi ghét điều đó, tôi thậm chí ghét cả chú ấy. Nhiều năm bị bỏ quên bởi người cha ruột của mình đã khiến tôi ghét những người đàn ông và lúc nào cũng chỉ muốn bảo vệ mẹ. Tên tiếng Việt của chú Eddie là Phong. Chú ấy được sinh ra ở Việt Nam và cũng tới Mĩ từ nhỏ. Không giống như gia đình của mẹ, gia đình chú ấy ở Việt Nam đã từng rất giàu có cho tới khi kết thúc cuộc chiến và mọi thứ bị lấy mất.
Eddie là một người tốt và chú ấy đã chăm sóc mẹ tôi rất tốt. Chắc hẳn chú ấy rất yêu mẹ tôi, thì mới có thể đón nhận cả hai đứa trẻ không phải máu mủ gì đối với chú ấy. Nhưng mối quan hệ của chúng tôi đã từng rất căng thẳng trong những năm đầu tiên. Là một cậu thiếu niên mới lớn, tôi luôn làm mọi việc để khiến chú ấy nhớ rằng chú ấy không phải cha của tôi, và sẽ không bao giờ trở thành cha của tôi. Nhưng thực sự Eddie đã là một người cha đối với tôi còn hơn người cha ruột của tôi. Chú ấy đưa tôi đi cắm trại, đến xem trận bóng rổ của tôi, chú ấy luôn ở bên khi tôi cần. Nhìn lại, tôi nghĩ chúng tôi thật may mắn khi mẹ và Eddie tìm thấy nhau.
Gia đình Eddie đã chấp nhận chúng tôi. Mẹ của chú ấy khi đó không có cháu, bà đã coi chúng tôi như cháu của mình. Tôi gọi bà là “bà” vì sự tôn trọng, nhưng chúng tôi đã trở nên thân thiết hơn từ sau chuyến đi đầu tiên của tôi tới Việt Nam, khi đó bà đã thường xuyên tới thăm tôi. Bà đã nghỉ hưu, giờ bà chuyển lại cửa hàng làm móng tay rất thành công của mình cho các con gái của bà. Vài tháng trước bà có tới Hà Nội thăm tôi.
Bà là một người phụ nữ rất dịu dàng và tốt bụng, nhưng cũng rất thông minh và làm kinh doanh giỏi. Bà cũng đã từng tưởng tôi quay lại Việt Nam vì một cô gái nào đó và khi bà biết tôi tới đây vì muốn xây dựng đất nước thì bà lắc đầu. “Về nhà và đi làm đi con. Con thấy mẹ con đi làm vất vả không? Về nhà chăm sóc mẹ đi. Sao con lại chịu đi cái chuyến đi điên rồ này?” bà hỏi. Bà là người suy nghĩ rất tiến bộ, nhưng vẫn giữ một suy nghĩ rất truyền thống Việt Nam rằng con cái nên tìm một công việc ổn định và ở gần nhà.
Nhưng bà cũng đã giúp tôi trong chuyến đi này. Bà nhất quyết muốn tôi tới thăm Di Linh, nơi bà có một ngôi nhà và đồn điền cà phê. Giống như những người Mĩ gốc Việt có đất hoặc công việc kinh doanh ở Việt Nam khác, bà nhờ họ hàng chăm nom công việc ở đây trong khi bà ở bên Mĩ. Vì vậy tôi quyết định chọn đường đi Đà Lạt để tới Di Linh chứ không đi theo đường QL1A.
Tới Di Linh phải đi 85 km, đoạn đường đầu tiên đi xuống đèo Prenn đẹp vô cùng và rất dễ đi. Tôi không phải đạp xe nhiều mà chỉ cần thả nó tự trôi xuống núi. Xung quanh đầy những hàng cây cao và mảnh, làm tôi nhớ tới những khu rừng ở California. Nhưng con đường xuyên núi rừng dẫn tới một đoạn đường đồi đầy sỏi đá, khiến đầu gối tôi lại nhói đau mỗi khi đạp về phía trước.
Những hạt mưa bắt đầu rơi xuống. Cơn mưa bụi mau trở nên nặng hạt hơn khiến tôi phải dừng lại mặc áo mưa. Nhưng tôi vẫn cố đạp xe về phía trước, dồn sức vào cái chân phải để đạp vì chân trái đã bắt đầu đau hơn. Lốp xe sau lại bị xịt. Tôi tìm thấy một quán nhỏ gần đường, họ bơm xe miễn phí. Nhưng lần này người thợ phát hiện một lỗ hổng trên xăm xe khiến hơi xì ra ngoài.
Không ai có đủ đồ nghề để vá chiếc xăm, tôi đành đi tiếp, vừa đi vừa dừng để bơm xe. Nhưng làm vây chỉ khiến chiếc lốp xe mau hỏng hơn. Không lâu sau tôi đã phải xuống dắt bộ. Tôi gọi điện cho anh Thua, một người họ hàng của bà, để anh ra đón tôi. Tôi chạy xe máy, còn anh ngồi đằng sau kéo theo chiếc xe. Trước khi tới Di Linh, chúng tôi bị công an gọi lại vì tội không đội mũ bảo hiểm và vì kéo theo chiếc xe đạp cồng kềnh. Tôi lập tức đưa ra chiếc thẻ VTV tôi có từ khi còn làm việc ở đó và họ để tôi đi, không cần hỏi gì nhiều.
Di Linh rất đẹp, nơi này khiến tôi bất ngờ hơn cả Đà Lạt. Những ngọn đồi và ngọn núi tỏa sáng với thứ màu xanh lá cây đậm từ những cây cà phê và cây chè. Vùng đất nằm thấp hơn phía dưới thì lại lấp lánh với màu xanh sáng hơn của những đồng lúa quen thuộc. Điều khiến tôi ngạc nhiên hơn là rất nhiều người dân tộc thiểu số đi lại trong bộ trang phục truyền thống của họ và những chiếc giỏ đan[1] đeo sau lưng.
[1] Chiếc gùi.
“Người K’Ho”, anh Thua nói khi chúng tôi đi ngang qua một nhóm các phụ nữ trẻ đang mỉm cười. “Phần lớn người Kinh ở đây làm cà phê hoặc chè và người dân tộc thì thu hoạch lúa”, anh nói.
“Họ nhìn rất hạnh phúc. Mọi người ở đây có vẻ sống hòa thuận với nhau.” Tôi nói, khá tò mò về cuộc sống của người dân tộc ở đây.
“Ừ, có nhiều người dân tộc thiểu số ở đây giàu lắm, giàu hơn cả người Kinh”, anh nói và chỉ về phía ngôi nhà to, cao màu trắng ở phía xa. “Người chủ căn nhà đó là người K’Ho, cả hai con đều đang học bên Mĩ đó. Ổng giàu lắm.”
Đương nhiên cũng vẫn có nhiều người ở đây rất nghèo. Ngày hôm sau anh Thua đưa tôi đi quanh vùng, có rất nhiều gia đình người dân tộc vẫn sống trong những túp lều rách nát. Tôi dừng lại và nói chuyện với một người đàn ông, anh ấy không thôi than phiền về nhiều việc. Nhưng ở đây khác ở Nghệ An, nơi cộng đồng người dân tộc thiểu số sống tách biệt, ở đây người Kinh và người K’Ho sống cùng nhau rất hòa thuận.
Những ngày sau tôi được thưởng thức nhiều món ăn ngon và không khí gia đình vui vẻ ở Di Linh. Mọi người đều rất tốt với tôi, coi tôi như một đứa cháu nổi tiếng mà họ luôn mong được gặp. Bà đã kể cho họ nghe nhiều về tôi, và một vài đứa trẻ đã tìm thông tin của tôi trên mạng và xem chương trình của tôi. Gia đình ở đây có rất nhiều anh chị em, cùng nhau kinh doanh cà phê. Những hạt cà phê xanh chưa chín hẳn nên chưa có nhiều việc phải làm. Chúng tôi quây quần ăn trưa và ăn tối, đi thăm thú vùng quê xinh đẹp. Họ đưa tôi tới nơi trồng cà phê và đến thăm ngôi nhà xinh đẹp, ấm cúng của bà.
Nhưng vẻ đẹp của Di Linh cũng không tránh khỏi vài tì vết xấu xí. Chú Nhựt lái xe đưa tôi lên một ngọn núi với cảnh đẹp hùng vĩ. Chú chỉ cho tôi những phần bề mặt trống trơn của ngọn núi, không có lấy một bóng cây. “Buồn lắm, mỗi năm người ta lại chặt nhiều cây tự nhiên hơn để trồng cà phê. Những cái cây đó đã ở đây hàng trăm năm rồi và không thể trồng lại được. Khi nào các con chú có con cháu, chắc ở đây hết sạch cây cổ thụ rồi.”
Tôi lại càng ngạc nhiên và buồn hơn nữa khi được nghe thêm. “Cháu biết đây là cái gì không?” chú hỏi tôi, ngắt vài chiếc lá cho tôi ngửi. Tôi lắc đầu và nhìn xuống bụi cây nhỏ thưa thớt, đoán già đoán non lúc trước hẳn nó đã cho ra loại quả nào đó.
“Đây là cây trà xanh. Chắc là cây này được thu hoạch vụ cuối rồi. Miếng đất này là của người Nhật Bản. Họ thuê người Việt Nam chăm nom đồi chè, rồi họ tới mang chè về bên Nhật.”
Tôi thấy giận khi nghĩ tới việc người Nhật Bản lợi dụng người Việt Nam để kiếm tiền, vì chè của họ được cả thế giới biết đến. Chè của Việt Nam chỉ tồn tại trong nước, chè của Nhật Bản mới được ưa chuộng và mọi người đều chọn uống. Chè của Nhật khá đắt, có loại phải từ 1 – 2.000.000 đồng cho một nửa kilôgam chè. Thật đáng buồn khi một số công ty Nhật Bản lấy chè được trồng bởi bàn tay chăm chỉ của nông dân Việt Nam, để đem về dán nhãn và biến nó thành của mình.
Nếu Việt Nam muốn thực sự phát triển, con đường đi đúng đắn theo tôi phải là nông nghiệp. Việt Nam sẽ không bao giờ là thiên đường công nghệ như thung lũng Silicon hay trung tâm tài chính như Hồng Kông. Nhưng bù lại, đất nước này được ban tặng nguồn tài nguyên quý giá mà không ở đâu khác có được. Lại nói đến chuyện tự hào dân tộc và lần này rõ ràng là lỗi của chúng ta. Bản thân chúng ta phải vượt qua được lối suy nghĩ ngắn hạn và kiếm tiền chộp giật, để chúng ta có thể nhìn thấy bức tranh toàn cảnh. Không chỉ là chè, còn nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, đó là văn hóa của chúng ta, là kế sinh nhai của chúng ta. Không được để bị người khác lợi dụng và kiếm tiền trên sức lực của chúng ta. Đến lúc phải xây dựng đất nước, xây dựng một quốc gia để con chúng ta, cháu chúng ta khi nhắc đến có thể thật sự tự hào về quê hương mình.
Đương nhiên không phải người nước ngoài nào ở Việt Nam cũng xấu. Những ấn tượng tốt và xấu nhất của tôi ở Di Linh đều là do người nước ngoài, “Khu điều trị phong Di Linh”, được biết đến bởi rất nhiều du khách Pháp khi tới Việt Nam. Đó là một trại phong dành cho người bị nhiễm bệnh, cũng là nơi an nghỉ cuối cùng của cha xứ Jean Cassaigne[1]. Jean, tên kiểu Pháp của cái tên John, Cassaigne là một cái tên mà tôi sẽ không bao giờ quên được. Câu chuyện về người đàn ông này cùng những di sản mà ông để lại chính là bằng chứng tinh túy cho sự tồn tại của lòng bác ái.
[1] Đức cha Jean Cassaigne (1895 – 1973), người Pháp, người sáng lập Trại phong Di Linh (Đà Lạt)
Tôi đứng trước mộ của vị cha xứ, nhìn lên ngôi đền thờ nhỏ nhỏ được dành tặng cho Jean Cassaigne. Jean đến Sài Gòn năm 1925 với nhiệm vụ giúp giáo dân. Trong khi đi băng qua một khu rừng của vùng núi thẳm, ông gặp một nhóm người đang hoảng loạn với nhiều vết thương trên khắp cơ thể. Đã được nghe nhiều về lòng tốt của cha Jean, nhóm người thực chất đã đi tìm cha. Bị bỏ rơi bởi gia đình cho tới chết, họ cầu khẩn xin ông giúp đỡ.
Vậy là vào năm 1927, khi những kì thị với bệnh phong khiến người ta cho rằng người bị mắc bệnh là do ở bẩn, dễ lây lan khi va chạm và không được ở cùng người bình thương, cha Jean đã cho mở cửa trung tâm để chữa trị cho các bệnh nhân. Ông được tất cả mọi người kính yêu và trân trọng bởi những gì ông đã giúp đỡ rất nhiều người. Một người nữ bệnh nhân trước khi chết đã nói với ông rằng bà sẽ không bao giờ quên được ơn của ông khi bà lên tới thiên đàng. Jean đã cống hiến cả cuộc đời mình ở Việt Namvà gọi đây là nhà của mình.
Thăm bệnh nhân trại phong
Tôi đi quanh khu trại, nói chuyện với mọi người. Đột nhiên một người đàn ông tới gần tôi. Những dị tật trên người khiến anh đi lại khập khễnh khó khăn. Anh nói gì khó có thể nghe thấy được, chỉ là những tiếng rên rỉ và tiếng ồn vu vơ. Anh đưa tay ra bắt, bàn tay ấy xoắn lại với nhau. Anh Thua nhìn lo sợ khuyên tôi không nên đi theo. Tôi lại thấy rất thoải mái, chỉ thấy trước mắt mình một anh bạn thân thiện. Anh dẫn tôi đi xung quanh trại, luôn miệng cười. Tôi cảm thấy xúc động vô cùng khi nghĩ đến việc cha Jean đã cảm nhận như thế nào trong thời gian ông ở lại đây. Ông đã bỏ qua hình ảnh đáng sợ bề ngoài và nhìn thấy vẻ đẹp bên trong của những con người bệnh tật. Tôi chụp ảnh cùng người đàn ông và cuối cùng anh ấy đưa tôi quay trở lại khu mộ của cha Jean Cassaigne, chỉ vào những dòng chữ được khắc trên bia đá.
“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi không giúp đỡ được gì, hãy tha lỗi cho tôi.”
“Tôi xin những người nào, mà khi còn sống, tôi đã nêu gương xấu, hãy tha lỗi cho tôi.”
Tôi biết tôi còn quá trẻ để nghĩ tới những gì tôi sẽ để lại cho con cháu. Nhưng tôi không thể không suy nghĩ về hai mươi lăm, năm mươi năm nữa, và khi tôi mất đi rồi, người đời sẽ nhớ đến tôi vì cái gì? Chính lúc đó, tại nơi đó, tôi đã quyết định rằng khi thời điểm thích hợp, tôi chắc chắn sẽ làm gì đó để giúp mọi người và giúp cải thiện cuộc sống quanh tôi. “Khi ra đi, hãy để lại một thế giới tốt đẹp hơn thế giới khi bạn đến”, là châm ngôn mà tôi vẫn luôn tuân theo để sống.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.