John Đi Tìm Hùng
Chương 12 – Phần 1
Trong cuộc chiến, nhiều người Việt Nam đã rời khỏi đất nước, rất ít người sau đó quay trở về. Tại sao họ phải trở về? Trong khi những kí ức còn lại của họ về Việt Nam toàn là sự đói nghèo, tàn phá và chịu đựng. Mẹ tôi chỉ có thể nhớ được hình ảnh người phụ nữ với đôi chân bị cắt lìa vì bom nổ, bò lê lết dưới đất bằng đôi tay. Những người lớn tuổi đã trải qua quá khứ đau buồn đó thường khuyên con cháu đừng nên quay về, hãy quên Việt Nam đi.
Thế nhưng họ không biết Việt Nam đã thay đổi như thế nào. Họ nghĩ Việt Nam vẫn trì trệ và không thay đổi là mấy từ khi họ ra đi. Họ không biết đất nước này đã được hàn gắn, đã bắt đầu tái xây dựng. Việt Nam có những vấn đề riêng, đất nước nào mà không có những vấn đề? Nhưng đã từ rất lâu rồi,Việt Nam đã không còn là một đất nước bị chiến tranh giằng xé và hủy hoại như ngày nào nữa.
Những người đã trở về cảm nhận thấy mối liên hệ thân thương và gần gũi. Bạn sẽ không bao giờ quên được gốc rễ của bạn, dù bạn có đi xa tới đâu đi chăng nữa. Quê hương là nơi trái tim ở lại. Trong khi cả mẹ tôi hay chú Eddie đều chưa có dịp quay về, chị gái của chú Eddie. Cô Yến, đã trở về đây.
Suốt hai thế kỉ họ đi khỏi Việt Nam, cô Yến là một trong ít người trở về để tìm lại gốc gác của mình. Cô đã tìm lại được những người bạn cũ. Tôi có thể hình dung được cảm giác tuyệt vời khi họ tìm thấy nhau, sau một trận chiến đã chia cắt họ hàng nghìn dặm và hàng chục năm trời, không biết người kia liệu có còn sống.
Tôi tới Bảo Lộc để gặp một người bạn cùng lớp cũ của cô. Nơi đó cách Di Linh 40 kilômét. Và cuộc đi bộ mệt hơn tôi nghĩ. Mười hai tiếng đồng hồ đi bộ và tôi phải dừng liên tục vì cái chân đau. Tôi đã nói lời tạm biệt từ sáng sớm, uống một tách cà phê cuối cùng với chú Nhựt và rời đi lúc 6 giờ hơn.
Tới buổi trưa, tôi đang đi thì gặp một người đàn ông lạ mặt. Trông ông giống một nhân vật bước ra từ một bộ phim cũ phương Tây. Người này ngồi trên chiếc xe máy Honda, lạnh lùng, đầu đội chiếc mũ cao bồi, mình mặc áo da, nhìn về phía tôi.
“Cậu chắc là Trần Hùng John. Lên xe đi, tôi mời dùng bữa trưa.” Ông nói với nụ cười rộng dưới hàng ria với hàm răng trắng muốt. Như thể ông ấy đã đợi tôi ở đó từ bao giờ.
Có điều gì đó trong dáng vẻ rất phong cách của người này khiến tôi không thấy lo lắng gì hết. Ông chỉnh lại túi đồ buộc sau xe máy để tôi nhảy lên, không hỏi han thêm câu nào. Chúng tôi lái chầm chậm để chú tìm một chỗ ăn trưa. Người đàn ông dừng xe tại một nhà hàng khá khang trang và rất đông khách.
“Cháu có thể gọi tôi là chú. Chú đã đọc nhiều bài báo về cháu rồi, chú là fan hâm mộ điên cuồng của cháu đó nha.” Chú với sang để bắt tay tôi. Tôi nhìn xuống và thấy một chiếc nhẫn lớn màu đen có biểu tượng đại bàng. “Chú là trinh sát. Chú làm trinh sát được hai mươi lăm năm rồi”, chú nói khi gặp đôi mắt tò mò của tôi. Tôi không hiểu lắm khi chú nói đến từ “trinh sát”, đoán rằng đó hẳn phải là khái niệm gì đó thuộc về một tổ chức huynh đệ nào đó.
“Chú vừa tới Sài Gòn vì chuyện làm ăn, rồi cố quay về Di Linh để gặp cháu. Nhà chú ở đây, chú cũng biết bà của cháu. Thật vui là chúng ta lại vô tình nhau.” Chú nói trong khi chờ người phục vụ ra cho chúng tôi gọi món.
Một lát sau, người phục vụ mang đồ ăn cho chúng tôi, có cơm, thịt gà xào, rau muống và canh. Tôi tò mò theo dõi người đàn ông hỏi xin khăn ăn, gập lại rồi trải dưới lòng. Chú nhắm mắt và cúi đầu xuống, một lát sau ngẩng lên và làm dấu thánh trước ngực. Chú ấy là người Công giáo.
“Ăn đi. Vừa ăn vừa nói chuyện.” Chú vừa nói vừa lấy con dao và cái dĩa về đĩa của mình. Tôi đã quen dùng đũa, vừa ăn vừa nhìn người đàn ông. Chú ăn cẩn thận từng miếng một cách khéo léo, cung cách cầu kì theo một kiểu rất Mĩ, khiến tôi nhớ tới một vị giáo sư đại học tinh tế và uyên thâm.
Chú vừa ăn vừa hỏi han tôi rất nhiều. Chú hỏi về gia đình, về chuyến đi của tôi. Tôi từ tốn trả lời, cẩn thận chọn lựa từng từ trước khi nói, tự dưng có cảm giác cần phải gây ấn tượng với người này. “Sao mình lại phải như vậy nhỉ”, tôi tự nghĩ trong đầu, cố tìm ra điều gì ở người đàn ông này khiến tôi có cảm giác như mình là một thằng nhóc đang được gặp người hùng mà nó vẫn hâm mộ từ nhỏ.
“Cháu là một cậu bạn rất ấn tượng đó. Chú đã đọc nhiều bài cháu viết. Còn trẻ vậy mà hiểu biết nhiều ghê. Không nhiều người nghĩ được như cháu đâu, kể cả những người ở tuổi của chú”, lời khen của chú khiến tôi khá phấn khởi.
Bữa trưa của chúng tôi kết thúc sau hơn 15 phút, nhanh chóng một cách không bình thường đối với người Việt Nam. Tôi sợ được mời ăn bởi các bữa ăn thường kéo dài tới hơn một tiếng đồng hồ. Tôi quen với cách ăn ở Mĩ hơn, ăn nhanh, kết thúc, rồi đi làm việc khác.
“Chú biết cháu đang trên đường đi nên không muốn làm mất nhiều thời gian của cháu. Khi nào quay lại Di Linh thì tới thăm và ở lại nhà chú nha. Cứ hỏi tên chú, mọi người ở đây đều biết cả đó.” Chú nói khi chúng tôi đứng dậy chuẩn bị rời đi. Ra ngoài cửa, chú rút chiếc điện thoại Blackberry ra khỏi túi và đề nghị tôi chụp cùng một bức ảnh. Chú cầm cao chiếc điện thoại bằng một tay và tự chụp. Tôi cũng liền lôi chiếc máy ảnh của mình ra và chụp.
“Chú tin là ở đời ai cũng có một con đường riêng để đi. Đó là định mệnh của mỗi người. Con đường của cháu đã được chọn sẵn cho riêng cháu, và một ngày nào đó cháu sẽ biết con đường đó là gì”, chú bắt tay tôi, ôm chặt và nói. Chú không phải là một người đàn ông cao lớn, nhưng tôi cảm thấy mình nhỏ bé trong vòng tay của chú. Chúng tôi tạm biệt lần cuối rồi đi về hai hướng.
Một lát sau trên đường đi, tôi nhận được hai cuộc điện thoại, một của chú Nhực và một của một cô ở Di Linh. Tôi cứ nghĩ chắc họ gọi cho tôi vì đã biết về bữa trưa của tôi với người đàn ông bí hiểm. Đột nhiên, tôi không thể nhớ được tên của chú ấy. Tôi cố gắng tả lại người đàn ông, nhưng cả chú Nhực và cô đều không biết đó là ai. “Chiếc nhẫn màu đen”, tôi cố miêu tả chiếc nhẫn đại bàng rất đặc biệt trên ngón tay người đàn ông. Cả hai người đều nói họ không biết ông ấy là ai, và chỉ gọi để xem tôi có ổn không. Nhưng làm sao người đàn ông biết mà đợi tôi ở bên đường.
Người đàn ông bí hiểm lại càng trở nên bí hiểm hơn. Bất chợt tôi có cảm giác như câu chuyện chưa từng diễn ra, như thể người đàn ông ấy không hề tồn tại. Chẳng nhẽ ông là ma, hay chỉ là sự tưởng tượng của tôi? Không, tôi vừa ăn trưa cùng ông ấy mà, và tôi còn có cả bằng chứng nữa đây. Tôi lôi chiếc máy ảnh ra khỏi bao và lần tìm bức ảnh. Tìm mãi không thấy bức ảnh đâu. Có lẽ nó chưa bao giờ có ở trong đó cả. Đó là một ngày ấm áp, nhưng ý nghĩ khiến tôi lạnh cả sống lưng.
Phần còn lại của quãng đường đi không còn làm tôi hứng khởi nữa. Đã quá 5 giờ khi tôi tới được ngoại ô Bảo Lộc. Dọc bên đường có một chiếc xe ô tô Camry hơi cũ với cửa xe ở chỗ ngồi tài xế đang mở. Tôi nhận ra biển số xe Hà Nội. Người lái xe vẫy tay khi tôi đi ngang qua.
“Đang đi đâu thế?”, anh ta hỏi, rút ra bao thuốc lá từ trong túi.
“Thành phố Bảo Lộc. Anh có biết còn bao nhiêu km nữa không?”
“Còn hơn 10 kilômét nữa cơ”, anh ta nói và mời tôi một điếu thuốc. Tôi nhận lấy một điếu, hi vọng nó có thể giúp là dịu cơn đau và sự mệt mỏi. Tôi đặt ba lô xuống đất và đứng dựa vào thành xe.
“Anh ở đâu tới? Biển xe của anh là của Hà Nội đúng không?”, tôi nghiêng người xin lửa và hỏi.
“Ừ anh từ Hà Nội đến, nhưng giờ anh đang sống ở Bảo Lộc. Ở Hà Nội không tìm được việc, với lại đông người từ quê ra quá. Giờ anh ở đây, dạy lái xe.” Anh lục tìm một chiếc danh thiếp để đưa cho tôi.
“Em cũng ở Hà Nội tới. Thực ra em từ Mĩ sang, nhưng mà em đang sống ở Hà Nội. Anh có định quay về đó không?”
“Đi đâu thì rồi cũng phải quay về nơi mình bắt đầu. Người Việt Nam là thế, phải về với nhà, với quê. Vì thế nên em cũng mới quay về ViệtNam phải không?”
Đường tới Bảo Lộc
Tôi gật đầu, quyết định không nói cho anh ấy biết tôi được sinh ra và lớn lên ở Mĩ. Nhưng, đột nhiên tôi nhớ tới bà ngoại. Nếu điều anh này nói là đúng, thì giờ bà đang cảm thấy thế nào? Bà chưa từng trở lại đây kể từ sau khi ra đi, nhưng cũng chưa khi nào nói tới việc muốn trở về ViệtNam. Thực ra là bà từng nói bà sợ quay về đây.
“Nguy hiểm lắm. Lúc nào bà cũng đọc tin tức về Việt Nam. Người chết rồi phạm tội khắp nơi. Với lại Việt Nam còn nghèo, mà bà thì không có tiền để cho họ hàng. Họ sẽ nói xấu về bà mất thôi.” Bà tôi vẫn luôn có ý nghĩ như hầu hết những người Việt Nam sống ở nước ngoài quá lâu.
Nhưng cái cách bà kể về mảnh đất quê hương mình muôn trong sự hoài cổ: đồ ăn, trái cây tươi, những con người, những vùng quê xinh đẹp đã khiến tôi biết bà vẫn âm thầm mong tới ngày được đặt chân lên đất Việt Nam. Khi mẹ tôi cho bà đọc các bài báo tôi đã viết trên đường đi, mẹ nói bà đã khóc. Những bài viết của tôi khiến bà nhớ Việt Nam. Việt Nam là quê hương của bà, nơi bà đã sống nửa đời người, không thể nào bà không nhớ. Nhưng với sức khỏe không ổn định của bà và sự đe dọa của căn bệnh ung thư, tôi không chắc bà có cơ hội được quay về đây. Nghĩ đến đó khiến tôi buồn sâu sắc.
“Em không sao chứ?” người đàn ông hỏi, có lẽ do thấy thái độ của tôi đột ngột thay đổi. Tôi gật đầu. “Em muốn đi nhờ không? Anh không đi được xa, nhà anh chỉ cách đây vài kilômét thôi nhưng anh sẽ cho đi nhờ tới đó.”
Vài phút sau chúng tôi đi ra tới con đường rộng ba làn, tôi xuống xe. Những suy nghĩ về bà ngoại vẫn luôn luẩn quẩn trong đầu. Tôi cảm thấy tội lỗi. Tội lỗi bởi vì tôi ước gì bà đang ở đây và cũng được trải qua những điều tuyệt vời như tôi. Việt Nam đã khác xưa, không còn là một đất nước chìm trong chiến tranh và sự tuyệt vọng như thời của bà nữa. Tôi muốn cho bà xem Việt Nam đã thay đổi như thế nào và rằng những điều tốt đẹp vẫn ở lại đây. Những vùng quê vẫn có biển lúa màu xanh bát ngát, những trái chôm chôm và quả thanh long vẫn ngọt và mọng nước, món phở thơm ngon mời gọi và con người vẫn tốt bụng và hiếu khách. Tôi ước gì bà được biết đến tất cả những điều đó một lần trước khi bà ra đi.
Đã gần 7 giờ tối, cuối cùng tôi cũng gặp được chú Bảo và cô Thu, một đôi vợ chồng tốt bụng và đáng mến. Họ có hai con trai, một cậu bằng tuổi tôi – Pepsi – và một cậu đang tuổi thiếu niên nhưng rất to lớn – Coca. Pepsi và Coca! Cô Yến đặt tên ở nhà cho hai con như vậy từ nhỏ, và thế là thành quen. Chú Bảo là bạn học cùng lớp của cô Yến. Hai người là bạn từ khi còn nhỏ. Chú Bảo là kĩ sư giao thông và quản lí dự án, thường xuyên phải đi khắp Việt Nam để làm nhiều dự án xây dựng cầu đường. Cô Thu và cậu con trai cả, Pepsi, đang cùng làm ăn, họ sản xuất và bán đồ gỗ ở cửa hàng tại gia.
Tôi ở đây ba ngày, cho đôi chân “ông già” của tôi được nghỉ ngơi. Tôi ăn rất nhiều. Đồ ăn ngon luôn khiến tôi vui, tôi vẫn hay nói đùa đó là tình yêu đầu của tôi. Tôi đã từng rất mập trong một thời gian rất dài. Đã có lúc tôi nặng 93 kilôgam, to gần bằng cậu bé Coca. Những đứa trẻ mập như cậu bé đúng là của hiếm ở Việt Nam, tôi có thể hình dung cậu thường là tâm điểm của những trò đùa của bọn trẻ ác ý. Đáng ngạc nhiên là tôi chưa từng bị trêu chọc nhiều, nhưng trong thâm tâm tôi đã từng bị cân nặng của chính mình làm ảnh hưởng tới tâm lí khá nặng nề.
Với nỗ lực giảm 25 kilôgam, tôi đã tập thể dục một cách điên cuồng và mắc chứng rối loạn ăn uống. Khi đó tôi tập thể dục ba lần một ngày, mỗi lần một tiếng đồng hồ. Sau khi ăn, thỉnh thoảng tôi đi vào phòng vệ sinh để nôn ra. Đã phải mất rất lâu tôi mới vượt qua được và đến bây giờ thì tôi luôn thận trọng với hình ảnh của bản thân. Tôi biết thừa cân thì khổ thế nào, và thế là tôi bắt đầu quan tâm tới những đứa trẻ mập mạp hơn, luôn sẵn sàng bảo vệ chúng.
Ba ngày tôi ở đó, cô Thu và Pepsi rất bận rộn. Họ có một đơn đặt hàng khổng lồ từ Sài Gòn tới cần phải hoàn thành trong một thời gian ngắn, trong khi vẫn phải phục vụ các khách hàng khác nữa. Pepsi chia đôi thời gian trong cửa hàng và xưởng sản xuất, nơi các đồ gỗ được làm ra. Hầu như cậu ấy không được ngủ trong thời gian tôi ở đó. Cậu ta là một người thông minh, chăm làm và nhạy bén trong kinh doanh. Nhưng cậu ấy có lí do để trưởng thành sớm, Pepsi đã kết hôn và chuẩn bị có con.
Pepsi đã từng đi học đại học ở Sài Gòn, nơi cậu gặp vợ của mình. Cô vợ trẻ hơn vài tuổi và giờ đang sống cùng họ ở Bảo Lộc. Pepsi rất nhẹ nhàng và chiều vợ, có thể thấy là họ thực sự yêu thương nhau. Nhưng cậu ấy chỉ bằng tuổi tôi, tôi vẫn chưa từng có ý nghĩ nào về hôn nhân.
“Ừ, cũng khó khăn. Không còn tự do nữa.” Pepsi chỉ vào chiếc nhẫn trên ngón tay và nói một cách hài hước. Chúng tôi mới chơi xong trò cá ngựa, đây là lần đầu tiên tôi chơi trò này. Đó là một tối hiếm hoi mà Pepsi làm xong việc sớm. Coca và vợ của Pepsi đã đi ngủ từ trước, bố mẹ của họ cũng đang ngủ ở dưới cửa hàng, chỉ còn hai thằng chúng tôi ngồi tâm sự với nhau. Chúng tôi nhanh chóng trở nên thân mật hơn, Pepsi biết nói tiếng Anh nên cũng dễ hơn nhiều, chúng tôi nói chuyện bằng cả hai thứ tiếng.
“Này cậu, thật là điên rồ, tớ không biết sao cậu lại làm được. Sao lại cưới khi còn trẻ thế?” tôi hỏi.
“Ừ thì mọi chuyện đến không ngờ, nhưng tớ yêu cô ấy thật lòng”, Pepsi giải thích chuyện nằm ngoài kế hoạch. “Nếu được thì tớ cũng đi luôn cùng cậu rồi. Phải hi sinh nhiều điều, nhưng bây giờ tớ tập trung hơn và thực sự trưởng thành. Tớ phải làm việc chăm chỉ để sau này thành công và khi con tớ lớn lên, tớ sẽ có thời gian để làm mọi việc tớ muốn mà giờ tớ chưa thể làm.”
“Cậu là một người rất tốt, cậu có thể làm được điều đó. Cứ nhìn mẹ tớ đó. Bà sinh tớ khi mới mười tám tuổi và rồi đến em trai tớ. Cha mẹ tớ li dị khi tớ lên mười và mẹ tớ nuôi hai anh em một mình. Nhiều năm khó khăn trôi qua, bây giờ thì mẹ tớ đã rất thành đạt rồi.”
Cuộc sống là không thể đoán được. Dọc đường đời, nhiều sự kiện trọng đại sẽ xảy đến mà chúng ta có thể hoặc không thể kiểm soát được. Chúng ta trưởng thành hay gục ngã từ đó, phụ thuộc và cách chúng ta đón nhận những sự kiện đó. “Khi cuộc sống cho bạn những quả chanh chua, bạn dùng nó để làm nước chanh”, là một câu nói phổ biến của Mĩ. Câu nói có ẩn ý rằng bạn luôn có cơ hội để thay đổi mọi việc, “làm nước chanh”, ngay cả khi cuộc sống đưa cho bạn “những quả chanh chua“ hay có ý là những việc không suôn sẻ không mong đợi.
Cuộc sống không bao giờ dừng lại, vạn sự thay đổi không ngừng và bạn phải thích nghi với nó. Cô Thu đã làm được điều đó. Cô từng là một y tá như cô Yến trước khi chuyển sang làm kinh doanh. Cô là một người cứng rắn nhưng cũng lại rất tốt bụng và nhẹ nhàng, giúp cô làm kinh doanh rất giỏi. Cô thường đi lại một cách duyên dáng trưng cửa hàng, dành thời gian với từng khách hàng, đảm bảo dịch vụ khách hàng được thực hiện tốt, một điều phổ biến ở Mĩ nhưng lại hiếm thấy ở đây. Nhưng điều làm tôi ngưỡng mộ nhất là cách cô chăm sóc các nhân viên của mình, luôn đảm bảo họ được trả lương tốt, đúng hạn và được quan tâm.
Một buổi chiều, chúng tôi ngồi trong bếp nói chuyện trong khi cô là cho tôi một li cà phê đá. Một trong những người làm thuê ở nhà kho, một cậu bạn trẻ chỉ khoảng hai mươi tuổi, đi vào bếp để lấy nước cho các nhân viên khác.
“Hôm nay công việc thế nào?”, cô hỏi.
“Tốt ạ. Công việc hôm nay tốt lắm, nhưng mà bận.” Cậu bạn trẻ rụt rè trả lời.
“Mấy đứa đã ăn trưa chưa?” cô Thu hỏi, lấy đá trong tủ lạnh cho cậu bạn. Cậu nhân viên gật đầu. Cô tiến tới chiếc tủ nhỏ, lấy ra vài đồ ăn nhẹ và đút vào trong túi chàng trai. “Mang cái này đi khi nào mấy đứa đói thì ăn. Lát nữa cô bảo thằng Pepsi đi mua bánh mì cho mấy đứa nha.”
Cậu nhân viên ở lại một lúc khi cô Thu hỏi thăm về gia đình và cuộc sống của cậu, cô hỏi một cách cặn kẽ như thể cô đã có thời gian tìm hiểu và biết rõ về gia cảnh nhà cậu ta. Cô hỏi về chi tiêu hàng tháng, rồi hỏi xem tháng này cậu có đủ tiền để trang trải không. Cậu thanh niên trả lời một cách lịch sự và lễ phép, như thể cậu đang nói chuyện với người mẹ của mình.
Tôi ngồi nhìn trong sự ngạc nhiên, không tin vào mắt mình. Tôi đã từng nhìn thấy nhiều môi trường làm việc ở Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một khung cảnh như vậy. “Người làm là người làm, phải cho họ vào kỉ luật nếu không là họ lại lười biếng và không chịu làm việc ngay”, tôi nhớ một người chủ doanh nghiệp từng nói với tôi như vậy. Ở Việt Nam, phần lớn là như vậy. Mối quan hệ giữa chủ và nhân viên được xác định rõ một cách nghiêm khắc.
“Cô là chủ nhưng mà cô không muốn đối xử với họ như là kẻ dưới. Cô đối xử với họ như người nhà thôi”, cô Thu nói với tôi. Từng làm việc ở vị trí quản lí, tôi hiểu và trân trọng cách quản lí rất nhân văn đầy tình người của cô Thu. “Khi nhân viên được chăm sóc tốt thì họ sẽ vui, họ sẽ muốn làm việc thật tốt cho mình”, tôi gật gù hoàn toàn đồng ý với cô Thu.
Vì một vài lí do nào đó, gia đình này rất khác biệt, rất tân tiến theo nhiều cách. Có thể là so người đàn ông trong gia đình. Tôi dành phần lớn thời gian ở đây với chú Bảo trong khi mọi người đều bận làm việc và Coca thì phải đi học. Chú Bảo là một người đàn ông Việt Nam rất khác, một người đàn ông thực sự tình cảm và ấm áp, một người đàn ông của gia đình. Khi chú không phải đi công tác xa, chú giúp đỡ vợ con nhưng không can thiệp vào việc kinh doanh. Chú dễ tính và rất thoải mái. Chú không nghiện rượu, tật xấu duy nhất của chú là thuốc lá và uống quá nhiều cà phê. Bạn thân của chú là một người Mĩ già đang sống ở Bảo Lộc và đã chọn một lối sống rất Việt Nam. Chú thường nghe những bài hát cũ của Mĩ, phần lớn là những bài từ những năm 1980, chú còn hát theo khi bật nhạc trong cửa hàng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.