Bích Huyết Kiếm

Hồi 8: Lòng nhu mì dẹp tan chí tàn sát



Ôn Nghi tiếp tục kể:

– Có lẽ vì sợ tôi tự tử nữa, nên hai ngày đầu, y cứ lẩn quẩn ở trong hang canh gác tôi, và thổi nấu cho tôi ăn uống. Nhưng tôi cứ khóc lóc, không ăn uống và cũng không nói năng với y nửa lời. Đến ngày thứ tư, có lẽ thấy tôi gầy còm ốm yếu quá nên y nấu một bát canh thịt rồi nhẹ nhàng khuyên tôi uống. Tôi vẫn cứ mặc kệ chẳng nói chẳng rằng. Y bỗng ôm chặt lấy tôi, bóp mũi đổ nước thịt cho tôi uống. Như vậy, y đã cưỡng bách tôi uống được nửa bát. Khi y vừa buông tôi ra, tôi cố ý phun nước thịt vào mặt y để chọc cho y tức giận mà chém tôi một nhát chết đi cho rảnh, khỏi bị y hãm hiếp rồi bị bán làm đĩ điếm như hai chị dâu hồi nào.

Ngờ đâu y không tức giận, chỉ tươi cười lấy tay áo lau mặt và ngẩn người nhìn tôi miệng cứ thở dài. Đêm hôm đó, y nằm ngủ ngoài cửa hàng và nói với tôi rằng:

– Tôi ca một bài để cô nghe nhé?

– Tôi không nghe! Thấy tôi trả lời, y sung sướng nhảy nhót và nói:

– Tôi cứ tưởng cô câm, nay thấy cô nói, tôi mới yên tâm.

Tôi bật cười, rồi lại nghiêm nét mặt mắng y ngay:

– Ai làm người câm nào? Thấy ngươi bất lương nên tôi không thèm nói đấy chứ! Không nói gì nữa, y cất tiếng hát, cho tới nửa đêm, y vẫn còn ca. Từ bé đến giờ, tôi chỉ sống trong đại gia đình, nào có bao giờ được nghe những bài ca tình tứ như thế đâu?

Nam Dương bỗng quát lớn:

– Cô sợ nghe nhưng lại thích nghe nó hát, phải thế không? Ai mà thèm nghe kể lại những chuyện xấu xa ấy cơ chứ! Nói xong, Nam Dương rảo bước đi thẳng. Thanh Thanh nói:

– Thế nào bác ấy cũng đi ton hót cho các ông biết đấy! Ôn Nghi nói:

– Các ông biết sao? Má không sợ!

– Má kể nốt cho con nghe đi!

– Sau đó, tôi ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi không thấy y nữa. Tôi định bỏ trốn về nhà. Ngờ đâu, hang đó ở trên đỉnh núi cao chót vót, bốn bề không có đường lối nào đi xuống cả, phải có khinh công giỏi như y mới có thể lên xuống được.

Đến giữa trưa, y lại trở về, đem rất nhiều đồ trang sức và phấn sáp cho tôi. Tôi vứt cả xuống thung lũng. Y vẫn không tức giận, vẫn tươi cười như thường. Tối đến, y lại hát cho tôi nghe. Một hôm, y đêm rất nhiều đồi chơi về, nào là gà con, mèo con, rùa con… Y biết tôi không dám nhẫn tâm vứt những con vật sống ấy đi. Thế là suốt ngày, y rủ tôi đùa giỡn với mèo con, gà con để giải buồn, tối đến lại ca cho tôi nghe. Thấy không xâm phạm đến người tôi, tôi mới yên trí và chịu ăn uống. Tuy vậy, hơn một tháng trời, tôi không nói chuyện với y nửa lời. Đối với tôi, lúc nào y cũng hòa nhã. Y thương và quý tôi còn hơn cả người nhà. Có một hôm y bỗng vênh váo, giận dữ nhìn thẳng vào mặt tôi. Tôi sợ quá, khóa òa lên. Y thở dài một tiếng, rồi lại vỗ về tôi, bảo tôi đừng khóc nữa. Đêm hôm ấy, y vẫn núp ngoài cửa hang, khóc lóc thảm thương vô cùng. Lát lâu trời mưa to, thấy y vẫn đứng nguyên chỗ cũ, tôi không đành tâm, liền ra gọi y vào tránh cho khỏi ướt nhưng y không chịu vào. Tôi hỏi tại sao? Y trả lời: “Ngày mai là ngày kị của cha mẹ, anh chị tôi đã bị người nhà cô hạ sát. Vậy ngày mai, ít nhất tôi phải giết chết một người trong gia đình cô. Hiện giờ nhà cô phòng vệ nghiêm cẩn lắm. Ngoài ra lại còn mời Lý Triết đạo nhân phái Nga Mi và Thanh Minh thiền sư phái Thiếu Lâm đến bảo vệ. Nói thật, tôi không sợ hai người đó…” Nói tới đây, y bỏ đi liền. Chiều ngày hôm sau, vẫn chưa thấy y về. Tôi có vẻ nhớ nhung, ngấm ngầm cầu khẩn cho y được bình yên vô sự.

Ôn Nghi nói tới đây, Thanh Thanh đưa mắt nhìn trộm Thừa Chí, xem chàng có tỏ vẻ gì khinh khi không? Thấy y vẫn cung kính ngồi yên lặng lắng tai nghe, nàng mừng thầm.

Ôn Nghi lại kể tiếp:

– Trời sắp tối hẳn, tôi ra cửa hang ngóng trông mấy lần. Đến lần thứ tư, thấy trên đỉnh ngọn núi trước mặt có bốn cái bóng người đuổi nhau, thân pháp nhanh nhẹn vô cùng, tôi nhìn kĩ mới nhận ra người đi đầu chính là y. Theo sau y một đạo sĩ, một hòa thượng, và người đuổi sau cùng là cha tôi. Y cầm Kim Xà kiếm, một mình địch ba người, tình thế có vẻ nguy cấp lắm. Một lát sau, thấy vị hòa thượng quật ngang cây thiền trượng, tưởng y không sao thắng nổi chiếc đòn đó, tôi sợ quá la lên một tiếng.

Ngờ đâu, y dùng Kim Xà kiếm gạt mạnh, thế là cây thiền trượng bị chặt đứt ngay một khúc. Nghe thấy tiếng kêu la, cha tôi quay lại, trông thấy tôi, liền chạy sang bên đỉnh núi chỗ tôi ở. Thấy thế, y nóng lòng. Chỉ hai miếng kiếm, y đã đẩy lui hòa thượng và đạo nhân, rồi đuổi theo cha tôi. Không bao lâu, cha tôi chạy trước, y theo sau, sau nữa là đạo nhân và hòa thượng, cả bốn người đã sang tới thung lũng phía núi bên này, y phóng lên trước, quay lại cản cha tôi. Đấu được vài hiệp, đạo nhân và hòa thượng chạy tới, nhảy vào vây đánh. Nhờ vậy, cha tôi liền phóng thẳng lên núi. Y lại bỏ hai người kia, đuổi theo để ngăn cản cha tôi. Vừa đánh, vừa chạy, vừa đuổi như thế, không bao lâu, cả bốn người đã lên tới đỉnh núi. Tôi mừng quá, gọi ầm lên:

– Cha ơi! Mau tới đây! Nghe thấy tôi kêu gọi cha tôi, y nhảy xổ lại như điên như cuồng “soạt, soạt, soạt” đâm liền ba kiếm, đẩy lùi cha tôi về phía sau. Trong lúc nguy cấp, thấy cha tôi địch không nổi y, tôi định chạy ra cứu. Nhưng đạo sĩ và hòa thượng đã đuổi tới nơi rồi. Cha tôi lên tiếng gọi:

– Nghi! Con có sao không?

Tôi trả lời:

– Cha cứ yên tâm, con vẫn được mạnh như thường.

– Hay lắm, để chúng ta giải quyết xong tên gian tặc này rồi sẽ cứu con sau.

Thế là ba người lại vây đánh y. Đạo nhân nọ nói:

– Kim Xà Lang Quân! Phái Nga Mi chúng ta không có thù oán gì với ngươi cả, nhưng thấy ngươi làm nhiều điều quá đáng, nên ta mới tới đây. Ta không giúp bên nào hết. Nếu ngươi bằng lòng từ nay không đến nhà họ Ôn quấy nhiễu nữa thì câu chuyện ngày hôm nay coi như được giải quyết một cách hòa bình.

Y nghiến răng trả lời:

– Cấm ta không đến nhà họ Ôn nữa? Vậy cha, mẹ, anh, chị ta bị chúng giết thì ai sẽ trả thù thay ta?

Vị hòa thượng nói:

– Ngươi đã giết chết bấy nhiêu người cũng đủ rồi chứ? Khuyên ngươi nên nể mặt đạo trưởng và sãi gia đây, từ nay hãy ngừng tay đừng nên giết chóc nữa! Y bỗng nổi đóa, đâm luôn hòa thượng một kiếm. Thế là bốn người lại bắt đầu ác chiến. Khí giới của đạo nhân rất lạ lùng, và võ nghệ cũng rất cao cường. Hòa thượng múa thiền trượng kín đáo vô cùng, chỉ nghe thấy tiếng gió vù vù bên tai. Càng đánh, tôi thấy trán y vã mồ hôi. Bỗng loạn choạng một cái, y suýt bị ngã. Cây trượng của hòa thượng đánh xuống, y né mình tránh được. Nhờ cái né mình đó, y trông thấy mặt tôi. Y liền bảo cho tôi biết rằng y đã mỏi mệt nhừ cả xương cốt. Nhưng từ lúc trông thấy vẻ mặt lo lắng của tôi, sức khỏe y bỗng dồi dào hẳn lên, kiếm pháp của y càng lợi hại hơn trước nhiều. Sau khi thấy tôi tỏ vẻ lo sợ cho y, y liền nói:

– Ôn cô nương đừng sợ, coi đây này! Tôi không trông thấy tay y động đậy gì cả mà hòa thượng nọ bỗng hét lên một tiếng ngã lăn xuống núi.

Trước khi lăn xuống sườn núi, tôi trông thấy giữa đỉnh đầu trọc lông lốc của hòa thượng có một mũi Kim Xà Chủy chắm ngập cán. Cha tôi và đạo nhân đều giật mình sợ hãi. Trong lúc y đâm cha tôi, đạo nhân liền thừa cơ tấn công phía sau lưng y. Ngờ đâu, y quát lớn một tiếng dùng hai ngón tay trái nhanh như điện chớp đâm vào mắt đạo nhân. Vì cúi đầu tránh miếng móc mắt của y, nên đạo nhân đã để hở cả nửa mình. Nhanh như cắt, y quay kiếm lại phạt ngang lưng thế là đạo nhân bị chém đứt làm hai khúc, té xuống mặt đất.

Nghe tới đây, Thanh Thanh bỗng kêu lên: “Ối chà!” Ôn Nghi lại nói tiếp:

– Rồi y lại quay kiếm trở lại đâm cha tôi một nhát. Thấy hai tay giúp mình, võ nghệ cao cường đến thế mà còn bị y hạ sát cả, cha tôi sợ đến nỗi mặt tái mét, chiếc gậy bằng gang đã múa loạn xạ, không thành thế võ gì nữa. Tôi vội chạy ra ngoài cửa hang, lớn tiếng gọi:

– Hãy khoan tay! Hãy khoan tay! Nghe thấy tiếng gọi của tôi, y liền ngừng tay lại. Tôi nói luôn:

– Cha tôi đấy! Y hậm hực lườm cha tôi rồi nói:

– Ông đi ngay đi! Tha cho ông khỏi chết! Ngạc nhiên vô cùng, cha tôi quay mình định đi. Vì suốt ngày chưa được ăn tí gì nên tôi đói quá, sợ hãi vì những trận đánh kinh người, may thấy y tha chết cho cha tôi, tôi mừng quá, bỗng ngã lăn ra đất. Lúc nào, y cũng chú ý đến tôi, nên vừa thấy tôi ngã, y vội vàng chạy lại đỡ tôi dậy. Đầu tựa trên vai y, tôi trông thấy mắt cha tôi chứa đầy vẻ căm hờn, hung ác.

Cha tôi bỗng giơ cao gậy gang đập mạnh xuống lưng y. Vì chỉ nhất tâm lo sợ tôi có bị thương hay không, y không ngờ cha tôi lại đánh trộm như vậy. Không thể chịu được nữa, tôi vội kêu lên:

– Cẩn thận! Giật mình, y muốn tránh nhưng không kịp, y đàng phải né đầu sang một bên, lấy vai chịu đựng chiếc gậy gang của cha tôi. Và thuận tay, y cướp luôn chiếc gậy, quăng xuống thung lũng. Rồi y dùng song chưởng đánh cha tôi. Biết không thể địch nổi, cha tôi đành nhắm mắt chờ chết. Nhưng y quay đầu lại, trông thấy vẻ mặt lo lắng của tôi liền thở dài một tiếng rồi bảo cha tôi rằng:

– Ông nên đi ngay đi! Bằng không tôi tức tối hồi tâm chuyển ý sẽ không tha thứ cho ông nữa đâu! Không dám nói nửa lời, cha tôi chạy thẳng xuống chân núi. Vai y chịu một đòn của cha tôi, vết thương đó khá nặng, nên khi cha tôi vừa đi khỏi, y phun ngay ra một đống máu tươi bắn cả vào ngực tôi.

Thanh Thanh “hừ” một tiếng rồi nói:

– Thật ông Ba không biết xấu hổ là gì! Trước mặt không đủ tài đánh người ta, lại giở cái trò hèn đánh trộm như thế! Ôn Nghi thở dài nói:

– Theo đúng lí mà nói, thì y là kẻ thù lớn của nhà ta, liên tiếp giết chết người nhà ta, già trẻ lớn bé, tất cả mấy chục người. Nhưng thấy y bị người vây đánh, và còn bị đánh lén đánh trộm, lòng tôi mới đổi ra bênh vực y. Đó cũng là oan nghiệp từ kiếp trước cũng nên. Y đi loạng choạng vào trong hang, móc túi lấy thuốc đả thương ra nuốt, rồi lại loạng choạng phun máu rơi cả thuốc ra ngoài, tôi sợ quá oà khóc. Tuy bị thương nhưng vẻ mặt vẫn hớn hở, y hỏi tôi:

– Tại sao em lại khóc?

Tôi vừa mếu máo vừa trả lời:

– Thấy anh bị thương nặng quá.

Y cười, hỏi:

– Thế ra vì anh mà em khóc đấy?

Chỉ cảm thấy lòng đau vô cùng, chứ tôi không làm sao trả lời được. Lát lâu sau y lại nói:

– Từ khi cả nhà tôi bị chú Sáu em hạ sát đến giờ, chưa có người nào quan tâm đến tôi. Ngày hôm nay, tôi giết chết một người anh họ của em. Như vậy, trước sau, anh đã giết tất cả 40 người rồi. Chính ra, tôi còn định giết thêm mười người nữa. Nhưng vì nể những giọt nước mắt chảy trên mặt em, tôi quyết ngừng tay, không giết thêm nữa.

Tôi vẫn cứ khóc, không nói nửa lời. Y lại nói:

– Tôi cũng không hãm hại những người đàn bà trong gia đình của em nữa. Chờ khi nào vết thương này được lành mạnh rồi, anh sẽ đưa em về nhà. Trong lòng tôi lúc bấy giờ, không phân biệt vui mừng hay đau khổ, chỉ thấy y nhận lời không giết người nữa là tôi khoan khoái lắm rồi.

Từ đó, mấy ngày liền, tôi nấu nước thổi cơm, tận tâm hầu hạ y. Có một hôm, y năm mê man suốt cả ngày. Tới chiều tối, bệnh y trở nên trầm trọng quá, sắp chết đến nơi. Tôi khóc sưng húp cả hai mắt. Bỗng mở mắt ra nhìn tôi, y cười gượng, rồi bảo:

– Không sao, ta không chết đâu mà em sợ! Qua hai ngày sau, quả nhiên bệnh y đã có phần giảm bớt. Một đêm nọ, y nói với tôi rằng, y bị trúng đòn của cha ta lẽ ra không thể nào sống được. Nhưng nghĩ đến sau khi y chết đi, tôi ở trên đỉnh núi này một mình lên xuống không được còn người nhà tôi thì sợ y, không dám tới kiếm, như vậy thế nào tôi cũng bị chết đói mất. Bởi lẽ ấy, y phải cố gắng tranh đấu với tử thần để được sống bên cạnh tôi.

Thanh Thanh nói xen vào:

– Má! Ông ta tử tế với má quá! Kể ra ông ta cũng là người có lương tâm lắm đấy chứ?

Nói xong, nàng đưa mắt nhìn Thừa Chí với một vẻ mặt giận dữ. Thừa Chí mặt đỏ bừng, quay đầu nhìn sang phía khác.

Ôn Nghi lại kể tiếp:

– Bệnh y thuyên giảm dần. Một hôm, y kể cho tôi nghe hồi y còn nhỏ được cha mẹ nuông chiều lắm, cả anh chị cũng thương yêu y vô cùng. Có một lần, y bị bệnh, mẹ y trông nom săn sóc liền ba ngày đêm không ngủ. Ngờ đâu, đến hôm thứ ba, chú Sáu tới giết chết cả nhà y. Lúc bấy giờ, tôi nhận thấy bề ngoài thì y có vẻ rất ác độc, nhưng mỗi khi nhắc tới chuyện người nhà thì y lại nhu mì hiền lành lắm. Y lấy ra cái yếm vải che ngực màu đỏ có thêu hoa, đưa cho tôi xem. Y bảo cái yếm đó tự tay mẹ y thêu và tặng cho y ngày ăn mừng đầy năm.

Nói tới đây, Ôn Nghi móc túi lấy cái yếm đỏ ra, để lên trên bàn. Thừa Chí trông thấy cái yếm đó bằng đoan màu đỏ, trên có thêu một đứa bé trần truồng năm trên tầu lá chuối. Nét thêu rất khéo, rất đẹp, đủ biết lúc thêu yếm này, người mẹ thương yêu con xiết bao. Mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, nay trông thấy cái yếm vải nọ, Thừa Chí chợt nghĩ tới thân thế của mình, chàng không sao cầm được giọt lệ. Ôn Nghi tiếp tục nói:

– Y vẫn ca hát những bài dân ca cho tôi nghe, và còn lấy gỗ chuốt rất nhiều đồ chơi cho tôi giải buồn. Y bảo tôi là một cô gái ngây thơ. Sau đó ít ngày, vết thương của y đã lành mạnh hẳn, nhưng càng ngày tôi thấy y càng thêm rầu rĩ. Tôi hỏi tại sao? Y trả lời là không nỡ rời khỏi tôi. Tôi nói: “Nếu vậy, em cứ ở đây với anh nhé?” Thấy tôi nói thế, y mừng quá leo lên trên đỉnh núi, trèo lên hai cây cao rồi lại nhảy xuống, không khác gì một con vượn vậy. Y nói với tôi rằng: “Y tình cờ nhặt được một bản đồ kho tàng, trong đó có rất nhiều vàng bạc châu báu. Nghe nói số vàng bạc châu báu ấy là Vua Kiến Văn, khi bị chú là Yến Vương cưới ngôi, liền bỏ chạy, rồi đem của cải chôn giấu ở nơi đó.”

Đến lúc Yến Vương vào chiếm đóng thành Nam Kinh, vội cho người đi tìm kiếm số của cải đó, nhưng lục soát cả thành phố mà vẫn không sao tìm thấy. Yến Vương đã mấy lần sai Thái giám Tam bảo xuống các tiêu quốc ở Nam Vương cho người đi tìm kiếm Kiến Văn để làm gì mà gấp thế? Đề nghị trả lại ngai vàng cho cháu chăng?

Không phải, mục đích là bắt Kiến Văn phải chỉ tra nơi đã chôn giấu kho tàng mà thôi. Thừa Chí ngấm ngầm gật đầu, trong lòng nghĩ thầm: “Thì ra tờ bản đồ đó ta tìm thấy trong Kim Xà Bí kíp lại là bản đồ ghi rõ nơi chôn cất những của cải kếch sù đó.” Ôn Nghi lại nói:

– Y nói, suốt đời Vua Thành Tổ tức Yến Vương, không sao kiếm cho ra tờ bản đồ đó. Không ngờ, mấy trăm năm sau, vô tình y lại lượm được. Bây giờ, thù lớn đã báo được rồi, y sắp sửa đi tìm kiếm số của cải đó. Chờ khi nào y tìm thấy kho châu báu ấy rồi, sẽ về đây đón tôi. Bây giờ y hãy đưa tôi về nhà trước.

Nói tới đây, Ôn Nghi đổi sang giọng hậm hực:

– Sau khi trở về nhà, ai nấy đều khi thị tôi làm tôi tức giận vô cùng. Họ đã bất tài không sao bảo vệ nổi con cháu đáng lẽ phải an ủi tôi khi trở về còn giữ được tấm thân trinh bạch. Trái lại mọi người còn bêu xấu bêu hổ tôi. Mặc kệ họ nói gì thì nói, tôi cứ lẳng lặng làm thinh.

Thanh Thanh vội đỡ lời:

– Má xử sự như thế rất phải.

Ôn Nghi nói:

– Tôi ở nhà chờ đợi được ba tháng. Một đêm, bỗng có tiếng ca nổi lên ở phía ngoài cửa sổ. Nghe tiếng ca, tôi biết y đã tới liền ra mở cửa sổ cho y vào. Chúng tôi gặp nhau đều vui mừng quá. Ngay hôm đó, tôi giao hợp với y, vì thế mới sinh ra con bé này (vừa nói, vừa chỉ vào Thanh Thanh). Đó là tự ý tôi muốn vì tôi đã yêu hắn thật lòng. Và đến tận bây giờ, tôi cũng không thấy ân hận chút nào cả. Người ta đồn bậy là y cưỡng hiếp tôi, có phải thế đâu? Thanh Thanh, cha con thương má lắm, và má cũng yêu cha con. Lúc nào cha con cũng tôn trọng má, chứ không bao giờ cưỡng bách má cả.

Thừa Chí phục thầm lòng dũng cảm của Ôn Nghi. Nghe thấy nàng nói tới mối tình một cách tha thiết, Thừa Chí phải động lòng thương cảm.

Thanh Thanh, bỗng cúi đầu khẽ hát câu: “Đàn Nhạn từ phía Nam bay tới. Có những con bay cặp đôi, cũng có con bay lẻ loi một mình. Đôi Nhạn bay trước vui vẻ kêu hót, con sau lẻ loi cúi đầu, bay không nổi. Mặc những con cặp đôi, ta chỉ để ý con lẻ loi kia thôi! Vì tấm lòng đau thương của mi, cũng y như ta đang cô đơn rầu rĩ vậy!” Ôn Nghi với giọng nghẹn ngào nói:

– Con nhỏ này mồ côi cha từ thuở còn thơ. Bài ca vừa rồi tôi vẫn thường hát để ru nó ngủ. Bởi nghe quen tai nên nó thuộc lòng! Thừa Chí nói:

– Chắc lần sau, Hạ lão tiền bối đến thăm bà, ông ta đã tìm thấy kho tàng của báu rồi?

Ôn Nghi gật đầu:

– Anh ta nói, tuy chưa tìm thấy, nhưng đã có chút manh mối có thể kiếm ra được.

Chúng tôi bàn định, sáng sớm ngày hôm sau sẽ cùng nhau lén trốn ra đi. Ngờ đâu, lời nói của chúng tôi đã có người nghe trộm được. Sáng sớm hôm sau, tôi thu xếp quần áo xong, viết một lá thư để lại cho cha tôi, đang định lên đường thì bỗng có người gõ cửa.

Tôi sợ hãi quá, nhưng anh ta khuyên tôi nên bình tĩnh, dù có thiên quân vạn mã đến vây bắt, anh ta cũng có thể đánh thoát ra khỏi vòng vây được. Anh ta mở cửa, thấy cha tôi, bác Cả và bác Hai, ba người. Cả ba cùng mặc lễ phục và không mang khí giới.

Chúng tôi ngạc nhiên quá! Cha tôi nói:

– Việc của hai người, chúng ta biết hết cả rồi. Điều đó cũng là do oan trái từ kiếp trước đã định. Từ nay, chúng ta đã trở nên thân gia, không ai còn được giở đao thương ra đối xử với nhau nữa.

Anh ta tưởng cha tôi sợ anh ta lại đến để giết người liền vội vã phân trần:

– Cụ cứ yên trí, tôi đã nhận lời với em Nghi là không giết người nhà các cụ nữa! Cha tôi lại nói:

– Hai người lén lút với nhau như thế này không được. Thế nào cũng phải có cưới xin hẳn hòi.

Nghe thấy cha tôi nói thế anh ta mừng quá. Nhưng có biết đâu vì thế mà anh ta bị mắc lừa cha.

Thừa Chí nói:

– Chắc cụ ông đánh lừa ông ta, chứ không thật tâm bằng lòng gả bà cho ông ta phải không?

Ôn Nghi gật đầu, rồi nói:

– Rồi cha tôi để cho anh ta ở căn phòng bên và cho sửa soạn lễ cưới. Anh ta cũng khôn lắm, những thức ăn uống rượu chè mà người nhà bưng lên, anh ta đều cho chó thử trước. Tuy vậy, anh ta vẫn không dám ăn uống một tí gì. Đêm đến anh ta đem những thức mua ăn riêng. Có một đêm, mẹ tôi bưng một bát chè hạt sen vào và nói với tôi rằng:

– Con đưa cho nhà con ăn đi! Tôi chả biết một tí gì, tưởng mẹ tôi thương anh ta thật. Tôi hớn hở bưng bát chè vào trong phòng. Thấy tự tay tôi đem vào, anh ta không ngờ vực gì cả, cầm lấy ăn luôn mấy thìa. Đang vừa ăn vừa trò chuyện với tôi, bỗng thấy sắc mặt anh ta thay đổi hẳn rồi anh ta đứng dậy kêu lên:

– Em Nghi, sao lòng em độc địa như thế?

Tôi sợ hãi quá vội hỏi:

– Sao thế anh?

– Sao em lại đầu độc anh?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.