Bích Huyết Kiếm

Hồi 9: (tiếp)



Hoàng Chân cười nói:

– Nếu số vàng này là của riêng của tiểu đệ thì dù bây giờ làm ăn khó khăn vì thiên hạ loạn lạc, đệ cũng xin biếu cả, quý hồ các bạn cần tiền xài tới. Nhưng lão huynh cũng nên rõ hộ cho, số vàng này là quân lương của Sấm Vương, do tên đồ đệ bất tài của đệ phụ trách áp tải, đã bị người thủ hạ của lão huynh lượm được! Như vậy, đệ biết làm sao bây giờ?

Ôn Minh Nghĩa nổi giận:

– Bạn muốn lấy cả số vàng này cũng được! Nhưng phải có hai điều kiện! Vẫn một giọng hài hước, Hoàng Chân ung dung đáp:

– Cứ việc cho giá cả đi! Điều đó dễ thương lượng lắm! Muốn nói thách tới đâu, đệ cũng có thể trả giá được. Cứ việc nói đi, để chúng đệ thong thả bàn tính sau! Ôn Minh Nghĩa nói:

– Không phải bàn tính gì cả. Điều thứ nhất là: Ngài phải đem lễ vật đến để trao đổi các thoi vàng. Lễ vật ấy không bắt buộc là bao nhiêu. Đó là lệ luật của phái chúng tôi, một khi tài vật đã đến tay, quyết không trả lại cho thất chủ một cách quá dễ dàng.

Biết rõ họ cho điều kiện đó cốt để lấy lại chút sĩ diện thôi, Hoàng Chân nhận thấy phái Thạch Lương đã ưng thuận trả lại số vàng đó rồi. Ông ta nghĩ thầm: “Nếu vậy ta cũng không nên gây thù oán với họ làm gì!” Nghĩ đoạn, Hoàng Chân nghiêm ngay nét mặt lại, trả lời bằng một giọng rất đứng đắn:

– Năm vị Ôn gia đã nói như vậy, đệ xin tuân lệnh. Sáng sớm mai, đệ vào thành Từ Châu sửa soạn một phần trọng lễ rồi sẽ thân hành đem tới. Đệ cũng sẽ cho đặt mấy mâm rượu, mời vài người bạn ở địa phương này đến hầu rượu quý vị.

Thấy ông ta nói hợp tình hợp lí quá, Minh Nghĩa liền trả lời:

– Như thế cũng được. Còn điều kiện thứ hai là: Phải để anh bạnh trẻ họ Viên này lại cho chúng tôi.

Hoàng Chân ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Vì các người chịu trả lại số vàng, ta mới quá nể, để cho mọi người được bảo toàn thể diện rồi, hà tất còn phải đòi hỏi thêm chi tiết nữa?” Ông ta đâu biết việc rất quan hệ và rất phức tạp, như việc Thừa Chí biết rõ hết chuyện bí ẩn giữa Ôn Nghi và Kim Xà Lang Quân. Như vậy Ngũ lão thế nào cũng phải giết cho kì được Thừa Chí họ mới can tâm. Còn tờ “bản đồ” của Kim Xà Lang Quân, họ yên trí là Thừa Chí đã thấy được, nên họ phải cố giữ Thừa Chí lại để đòi cho kì được bức bản đồ ấy. Họ vẫn biết võ nghệ của Thừa Chí rất cao cường, nhưng họ tin tượng rằng với trận Ngũ hành này thì làm gì mà không thắng được chàng.

Hoàng Chân nói:

– Đáng lẽ tôi hoan nghênh lắm nhưng chỉ sợ chú ấy ở độ một năm hay sáu tháng thì quý vị lỗ vốn nhiều lắm, chịu không nổi đâu.

Hy Mẫn biết rõ tính nết sư phụ của chàng, hễ lúc nào nói bông đùa là ông ta đã nổi cơn tức giận rồi. Đoán chắc hai bên lại sắp đánh nhau, chàng liền cầm khí giới chăm chú nhìn vào kẻ địch.

Minh Đạt cười nhạt một tiếng rồi nói:

– Chú em họ Viên này sẵn vừa rồi đã mách nước cho ngài thoát ra khỏi trận Ngũ hành của chúng tôi. Như vậy chắc chú ấy đã hiểu hết bí quyết của trận đó, nên chúng tôi muốn mời chú ấy phá thử xem! Thì ra trận Ngũ hành của họ có những năm trận pháp. Vừa rồi, đối với Hoàng Chân, anh em họ Ôn sử dụng trận pháp thứ hai là ất Mộc trận pháp, nhưng còn rất nhiều võ thuật biến hóa kì lạ họ chưa sử dụng tới, nên họ mới thi tài thách thức Thừa Chí phá trận là thế! Đã được nếm mùi trận pháp đó rồi, Hoàng Chân nghĩ thầm: “Ta có mấy chục năm công lực mà không thoát ra được, tuy chú Thừa Chí đã chỉ cho ta thoát ra khỏi trận, nhưng người đứng ngoài bao giờ cũng sáng suốt hơn là người trong trận, chỉ sợ chú ấy đối phó không nổi.” Nghĩ xong, ông ta liền nói:

– Trận pháp của quý vị lợi hại lắm! Vừa rồi tôi đã được lĩnh giáo rồi. Còn tiểu đệ, tuổi chỉ bằng con cháu của quý Ngài, quý Ngài hà tất phải xử khó dễ với hắn làm gì? Nếu quý Ngài thấy hắn chướng tai gai mắt, thì chỉ một vị trong quý huynh đệ ra dạy bảo qua loa là được rồi. Lời nói của Hoàng Chân bề ngoài hình như có vẻ sợ sệt, nhưng sự thật thì dồn Ngũ lão vào chỗ bí phải “một chọi một”. Vì ông ta nghĩ rằng nếu Thừa Chí đấu với từng người một, vị tất đã thua anh em họ. Ôn Minh Sơn cười nhạt:

– Phái Hoa Sơn đã lừng tên tuổi khắp chốn giang hồ từ bao lâu nay, không lẽ vừa mới thấy cái trận Ngũ hành nho nhỏ này lại sợ đến nỗi phải rụt đầu rụt cổ lại! Nếu vậy, từ nay xin quý phái đừng có xưng tên hiệu trên chốn giang hồ nữa nhé.

Thôi Hy Mẫn cả giận, ở phía sau Hoàng Chân xông ra, la lớn:

– Ai bảo phái Hoa Sơn chúng ta sợ các ngươi?

Ôn Minh Sơn cười nói:

– Vậy thì ra đây thử coi nào! Không biết nặng nhẹ sống chết là gì cả, Hy Mẫn nhảy ra định đánh, Thừa Chí kéo hắn lại và khẽ nói:

– Thôi đại ca! Để tôi ra trước! Khi nào sắp thua, đại ca hãy ra giúp tôi! Hy Mẫn gật đầu nói:

– Hay lắm, khi nào chú cần tôi giúp, cứ gọi ngay “Hy Mẫn” là tôi xông vào liền. Xin chú đừng có gọi “Thôi đại ca, Thôi đại ca” lôi thôi phiền phức như thế nữa! Thừa Chí gật đầu. Tiểu Tuệ đứng bên cạnh nghe thấy bật phì cười. Hy Mẫn trợn mắt nhìn rồi hỏi:

– Cô cười cái gì?

Tiểu Tuệ vẫn không nín cười:

– Tôi có cười gì anh đâu? Bỗng tự dưng buồng cười thì tôi cười chơi đấy chứ! Hy Mẫn định hỏi vặn thêm thì Thừa Chí đã nhảy ra rồi. Tay vẫn cầm ngọc trâm, chàng nói:

– Ngũ hành trận của phái Thạch Lương lợi lại lắm! Quả thật tiểu bối chưa hề thấy bao giờ! Minh Nghĩa quát lớn:

– Ngươi chưa sạch hơi sữa, có nhiều cái vật tầm thường nhà ngươi còn chưa thấy qua, huống hồ trận Ngũ Hành anh em mỗ gia thì làm sao ngươi thấy được! Thừa Chí vẫn điềm tĩnh trả lời:

– Nếu các cụ định giữ tôi ở lại, thì thật quả đúng với ước mong của tôi quá, vì tôi cũng muốn nhân dịp này lĩnh giáo những bí quyết huyền ảo về trận Ngũ hành của mình.

Hy Mẫn không nhịn được vội nói:

– Tiểu sư thúc! Họ giữ chú ở lại định hãm hại chú đấy! Tiểu Tuệ lại bật phì cười. Thừa Chí quay đầu lại nhìn Hy Mẫn vừa cười vừa nói:

– Các cụ ấy là người có tuổi, không bao giờ bắt nạt những tiểu đầu! Thôi đại ca cứ yên tâm. Xong chàng quay lại nói với Ngũ lão:

– Tôi ra hầu các cụ. Xin các cụ nhẹ tay cho! Nghe lời nói của chàng rất khiêm tốn, rõ ràng là khiếp sợ, đến khi thấy chàng bước ra, ung dung thư thả, không có vẻ núng cả, ai nấy đều không hiểu ý định của chàng ra sao.

Năm anh em họ Ôn đều thử qua tài chàng rồi, nên không nào dám khinh thường chàng cả. Họ cùng giơ tay ra hiệu, Minh Nghĩa và Minh Sơn nhảy sang bên phải, Minh Thi và Minh đại vòng sang phía trái. Chỉ trong nháy mắt, anh em họ đã bố kín đáo rồi. Thừa Chí làm như vẫn không hay biết gì cả, tay chào rồi hỏi:

– Chúng ta đấu ngay ở chỗ đất bằng này ư?

– Ừ, không cần phải bày mai hoa thung chi cho mệt – các cụ là tiền bối của chú Thanh, tôi không dám vô lễ mà động tới đao thương. Tôi chỉ dùng cái trâm ngọc này để xin lĩnh giáo các cụ vài miếng.

Chàng vừa nói xong, ai nấy đều giật mình kinh ngạc vì lẽ nhận thấy chàng nói như thế thật là ngông cuồng quá lẽ. Chiếc trâm bằng ngọc chưa chắc đã giết nổi con cánh cam (tức con quýt), chỉ khẽ đụng vào là gãy, thì va chạm sao được với đao kiếm bằng thép của Ngũ Lão.

Hoàng Chân biết lúc bấy giờ có nói cũng vô dụng, đành phải cầm sẵn bàn tính và bút, chờ khi nào sư đệ lâm nguy là nhảy ngay vào cứu giúp. Tiến lại gần Hy Mẫn và Tiểu Tuệ, Hoàng Chân khẽ căn dặn:

– Bên địch mạnh và nhiều người hơn ta. Lát nữa, khi nào ta bảo các con chạy, là cứ việc nhảy lên trên mái nhà tẩu luôn. Đã có ta và Viên sư đệ đoạn hậu, dù hai ta có bị lâm vào tình thế nguy hiểm nguy đến đâu, các con cũng đừng có quay trở lại giúp đỡ chúng ta.

Hy Mẫn và Tiểu Tuệ đều xin vâng lời. Hoàng Chân tự tin sức mình và Thừa Chí có thể kiếm cách thoát thân được, chỉ cần Hy Mẫn và Tiểu Tuệ thoát được thì sau đó chàn kéo thêm mấy người nữa đến phá trận thì thế nào cũng phá vỡ trận đó ngay. Mấy người mà Hoàng Chân tính mời tới phá trận là: vợ chồng Nhị sư đệ Nông Quy Thân ở núi Bàn Thạch, Phổ Thiện đại sư ở chùa Hoa Nghiêm tỉnh Hà Bắc, và thêm sư phụ ông ta là Mộc Nhân Thanh hoặc Mộc Tang đạo nhân cũng được. Bốn người nói trên và ông ta là năm, mỗi người phụ trách đánh một trong Ngũ lão, khiến anh em họ bị tản mát, không thể cứu giúp được nhau, Ngũ hành trận tất nhiên phải tan vỡ. Nếu một chọi một thì năm anh em họ Ôn không phải là địch thủ của những người nói trên.

Là người có tính hay pha trò nói bông, Hoàng Chân lại còn là con người mưu tính rất giỏi. Trong số năm người ông ta định mời đến đánh anh em họ Ôn không thấy có tên Thừa Chí là vì chàng cho tiểu sư đệ còn thiếu kinh nghiệm để làm hư việc lớn. Như vậy đủ thấy chàng tính toán cẩn thận biết bao! Thừa Chí lại lên tiếng:

– Các cụ đã thành tâm chỉ giáo cho, sao lại rút bớt đi một thế trận, khiến tiểu bối không học được đủ toàn bộ! Minh Đạt ngạc nhiên hỏi:

– Cái gì là toàn bộ hay không toàn bộ?

Thừa Chí trả lời:

– Ngoài trận Ngũ hành này, các cụ còn Bát Quái trận để phò tá. Sao các cụ không bày cả ra, để tiểu bối được thêm sáng mắt?

Minh Nghĩa quát lớn:

– Đó là nhà ngươi tự đòi lấy cái chết, chứ đừng có oán hận gì nữa đấy nhé?

Nói xong, Minh Nghĩa quay lại bảo Ôn Nam Dương:

– Nam Dương! Gọi các em lại đây! Nam Dương là lãnh tụ đời thứ hai của phái Thạch Lương. Chàng phẩy tay một cái, mười lăm người đều nhảy ra, Hoàng Chân thấy bọn người đó, có nam có nữ, lại có cả hai vị hòa thượng nữa. Sau khi thấy hiệu lệnh của Nam Dương, mười sáu người chạy quanh Ngũ lão, trông thật đẹp mắt. Thừa Chí đứng ở giữa, Ngũ lão vây xung quanh như bàn thạch, bên ngoài lại có thêm 16 người chạy đi chạy lại. Có một điều lạ nhất là không hề nghe thấy tiếng chân của bọn họ. Dù là người giàu kiến thức, Hoàng Chân thấy tình thế này cũng phải sợ hãi.

Hoàng Chân nghĩ thầm: “Viên sư đệ rõ thật còn trẻ người non dạ thật! Nếu y chỉ đấu riêng với Ngũ lão thôi, để lúc gặp nguy hiểm ta còn có thể xông vào cứu y được. Bây giờ lại có thêm mười sáu người cản trở, mọi chỗ hổng đều bị họ bịt kín hết cả thế này, đến con ruồi con muỗi cũng không thể bay lọt vào được, huống chi là con người!” Thừa Chí dùng ngón tay trỏ và ngón tay cái bên phải cầm chiếc ngọc trâm, còn tay trái phẩy một cái, co chân phải lên, lấy chân trái làm trục, người chàng bỗng quay đi bốn năm vòng. Thấy chàng cử động, Ngũ lão họ Ôn lập tức thúc đẩy trận thế, và cũng chăm nhìn xem chàng cử động ra sao. Nhưng Thừa Chí chỉ chuyển động ở chỗ cũ thôi chứ không ra tay đánh.

Thì ra, trước kia Kim Xà Lang Quân đánh với Ngũ lão không may thất thủ bị bắt. Sau khi trốn được về ở trong hang động trên đỉnh núi Hoa Sơn, chàng khổ công nghĩ ngợi rút cuộc đã khám phá được mọi bí quyết huyền ảo của trận Ngũ hành và nghiên cứu ra những chỗ kì diệu của trận đó là: Bất cứ kẻ địch xông xáo hay tấn công thế nào, năm anh em họ Ôn đều dùng những miếng võ rất lợi hại phản kích lại. Một người ra tay đánh, bốn người kia liên tiếp đánh theo, cho tới khi nào kẻ địch bị bắt mới thôi.

Tuy đã tìm kiếm ra mọi sự bí mật nhưng làm cách nào mà phá nổi trận thế? Hạ Tuyết Nghi vẫn chưa tìm được cách giải quyết. Suốt mấy năm liền, ông ta đã nghĩ nát óc, nhưng kết quả chẳng tìm ra phương pháp nào có hiệu quả, trong một lần đi dạo núi ông bỗng gặp một con cạp nong (một loại rắn rất độc) đang bò ở trong đám cỏ. Trông thấy bóng người, nó quấn tròn lại, ngẩng đầu lên không hề cử động.

Sở dĩ Hạ Tuyết Nghi được người ta đặt cho biệt hiệu là Kim Xà Lang Quân cố nhiên bởi ngoài những hành động lanh lẹ, hiểm độc, hung ác, ông ta thích nuôi rắn độc, để lấy nọc độc làm thuốc bôi trên đầu những ám khí. Năm nọ, vợ Ôn Minh Lộc, em dâu của anh em họ Ôn bị trúng phải tên độc chết ngay tại chỗ. Thuốc độc trên đầu những mũi tên đó đều là nọc rắn độc cả. Ông ta rất thạo thuộc tính nết của các loại rắn, biết rằng khi rắn quay tròn ngẩng đầu lên, là nó chờ đợi kẻ địch ra tay trước. Khi kẻ địch tấn công, rắn nọ lập tức thực hư mà cản lại. Nếu địch đứng yên, nó ít khi tấn công trước. Vì chưa biết rõ thực hư của địch ra sao, nếu tấn công trước, thường thường hay bị thiệt thòi. Xúc động linh cơ, Hạ Tuyết Nghi nhìn qua, vừa nhảy vừa kêu la, lộn mấy vòng trên bãi cỏ. Chiến lược phá Ngũ hành trận được hết định ngay từ đấy. Nghĩa là căn cứ bốn chữ: “Hậu phát chế nhân” (đánh sau nhưng lại kìm chế địch trước). Trong võ thuật, người ta chú trọng vào sức mạnh và sự nhanh nhẹn. Chính sách “Hậu phát chế nhân” của ông lại trái ngược hẳn.

Đã có thủ đoạn để giải quyết vấn đề nên mọi việc đều thông suốt ngay. Không đầy một tháng, ông ta đã sáng tạo xong toàn bộ phương pháp phá trận Ngũ hành. Rồi ông ta ghi chép ngay vào trong cuốn “Kim Xà Bí kíp.” Ông ta còn hoài nghi, chưa chắc cuốn Bí kíp đó đã có người tìm thấy! Ví dụ có người kiếm được, chỉ sợ lúc đó đã qua hàng nghìn, hàng trăm năm sau và khi ấy, xác của anh em họ Ôn đã hóa ra cát bụi lâu rồi! Tuy vậy, thù oán bị anh em họ Ôn cắt đứt mất gân chân, trở thành một phế nhân, ông ta đời nào chịu để yên. Vả lại, ông ta nghĩ rằng: “Dù anh em họ Ôn đã chết rồi, nhưng Ngũ hành trận của họ vẫn lưu truyền lại cho con cháu. Sau này, nếu không phá nổi trận đó, có phải Thạch Lương được xưng hùng xưng bá ở thiên hạ không?” Cho nên, ông cất công viết hết cách phá trận vào trong Bí kíp để nhờ người nhặt được cuốn Bí kíp báo thù hộ cho. Mặc dù chuyện đó viễn vông thật, nhưng ông ta vẫn yên trí thế nào cũng sẽ được toại nguyện.

Thừa Chí đang sử dụng chính sách “Hậu phát chế nhân” mới quay được vài vòng, đã thúc đẩy Ngũ hành Bát Quái trận phát động toàn bộ rồi.

Ngũ lão phải chờ cho chàng ra tay rồi mới thừa thế nhảy xô vào, nhưng thấy chàng quay càng chậm, không có vẻ gì là muốn tấn công cả. Sau cùng, chàng lại ngồi xuống, hai tay để lên trên đầu gối, mặt tươi tỉnh mỉm cười.

Nhưng người đứng xem đều ngơ ngác không hiểu và nghĩ thầm rằng: “Trước mặt kẻ địch sao chàng lại đùa giỡn như thế?” Nhưng họ có biết đâu đó là kế “mạn quân” của Thừa Chí, một mặt dụ địch tấn công, còn một mặt nữa là làm cho địch nóng lòng sốt ruột, không thể nào giữ sự trầm tĩnh được nữa. Thấy chàng ngồi xuống, quả nhiên Ôn Minh Nghĩa không sao nhịn được liền vỗ tay một cái, định tấn công phía sau lưng chàng. Ôn Minh Ngô vội cản lại:

– Nhị ca đừng làm loạn trận pháp! Ôn Minh Nghĩa đành phải ngừng lại. Ngũ lão càng chạy càng nhanh cứ tiếp tục quay vòng quanh như trước, chỉ chờ chàng ra tay là họ cũng ùa vào ngay. Vì khi tấn công, mục đích của mình chỉ chăm chú vào công việc kích đối phương, toàn thân sẽ có vô số chỗ để hở ngay. Ngũ hành trận cần dùng một người hấp dẫn đối phương tấn công, bốn người kia thì nhằm chỗ hở của địch mà tập kích. Lí thuyết “tương sinh tương khắc” sự thật có ý nghĩa ấy. Bây giờ Thừa Chí không động đậy gì cả, như vậy toàn thân chàng chỗ nào cũng phòng bị chu đáo, Ngũ lão đành chịu bó tay không làm gì nổi chàng.

Lại qua một lát nữa, Thừa Chí bỗng ngáp ngủ, nằm ngửa xuống đất, lấy hai tay làm gối kê dưới đầu, dáng nằm trông rất khoan thai. Mười sáu đệ tử giàn trận Bát Quái bên ngoài, chạy vòng quanh đã nửa ngày, mà càng chạy càng phải nhanh hơn, nên tên nào hơi kém công lực một chút đã thấy mồ hôi đầy đầu đầy trán, hơi thở hồng hộc, Ngũ lão vẫn còn chịu đựng được, nên vẫn chưa muốn ra tay trước, Thừa Chí nghĩ thầm: “Mấy tên già này kể cũng có tài nhẫn nại thật đấy!” Chàng bỗng quay lưng lên trời, úpmặt vào trong lòng hai bàn tay, miệng ngáy khò khò. Từ xưa có thế võ như chàng, nằm úp mình như vậy, có khác gì để cho người ta ta hồ tùng xẻo mình hay không.

Hy Mẫn, Tiểu Tuệ, Thanh Thanh và Ôn Nghi đều tức cười, nhưng lại lo ngại hộ cho chàng. Hoàng Chân thấy chàng hết ngồi lại nằm như vậy đã hiểu ngay chính sách đối địch của chàng. Ông ta chịu phục chàng thông minh và táo bạo. Nhưng đến khi thấy chàng nằm úp, không phòng bị như vậy, ông ta phải kêu thầm: “Nguy to!” Vì ông ta nhận thấy, lúc này, trong Ngũ lão, bất cứ người nào ra tay, đột kích sau lưng chàng thì dù chàng là thần tiên trên trời cũng không sao tránh kịp. Không chịu bỏ lỡ thời cơ, Ôn Minh Đạt liền ra hiệu, tay trái phẩy sang bên phải một cái, rồi lại chỉ xuống đất một cái. Thế là bốn chiếc phi đao của Minh Thi nhắm giữa lưng Thừa Chí phóng xuống, đi nhanh như chớp. Sự đột kích bất ngờ ngay giữa lưng Thừa Chí làm mọi người anh em đều khiếp sợ kêu lớn lên vì thấy bốn con phi đao đều cắm trúng vào lưng Thừa Chí. Đau lòng và sợ hãi quá, Ôn Nghi quay đầu ôm mặt, không dám trông thấy thảm cảnh ấy nữa.

Các người bên phái Thạch Lương đều hoan hỉ reo mừng, ồn ào như tiếng sấm vang động. Trong số mười sáu người dàn trận Bát Quái, đã có bảy, tám người ngừng bước. Giữa lúc ấy, Thừa Chí bỗng nhổm dậy, bốn con dao trên lưng chàng đều bị rũ rơi xuống đất, người chàng tựa như mũi tên bắn vọt lên. Chỉ nghe thấy “bộp” một tiếng, Ôn Nam Dương đã bị chàng nện một quyền vào lưng, mồm phun máu tươi, còn người y thì bị chàng nhấc bổng lên, ném ra khỏi trận Ngũ hành.

Mọi người không thấy rõ Thừa Chí làm cách nào mà luồn ra khỏi trận Ngũ Hành, chỉ thấy mười sáu tên đệ tử bên ngoài bị chàng lần lượt đấm đá, điểm huyệt, và tung vào trận Ngũ hành. Trong bọn đó, ông câm giỏi võ hơn cả cũng chỉ chịu nổi được hai ba miếng của chàng là bị đánh ngã liền. Thế là Ngũ Hành Bát Quái trận đại loạn, trong trận không thấy kẻ địch đâu, mà kẻ ra người vào toàn là người nhà cả. Mọi người không ai ngờ Thừa Chí mặc chiếc áo cánh sợi vàng của Mộc Tang tặng cho, nên phi đao sao đâm thủng lưng chàng được. Lợi dụng sự bất ngờ đó chàng đã phá tan trận Bát Quái rồi.

Năm anh em họ Ôn kêu rú luôn mồm và hai tay bận tíu tít tiếp đỡ các đệ tử do Thừa Chí ném vào. Không để cho họ có thì giờ bố trí lại trận Ngũ hành, Thừa Chí tiến lê ba bước dùng ngay ngón tay trái điểm thẳng vào huyệt đạo của Minh Thi. Thấy phi đao không làm gì được chàng. Minh Thi vốn đã sợ hãi, nay lại thấy chàng tấn công tới, cuống lên ông ta cầm cả bốn chiếc phi đao ném vào ngực chàng. Không tránh không đỡ, Thừa Chí cứ nhằm “Hoàn cơ huyệt” ở dưới yết hầu của ông ta mà điểm. Chỉ nghe thấy “coong, coong” mấy tiếng, phi đao vừa đụng tới ngực chàng là rơi xuống liền.

Chính lúc đó, ba ngón tay của chàng vừa điểm trúng huyệt đạo của Minh Thi. Ở phía sau, thấy em Tư bị lâm nguy, Minh Sơn vụt luôn một trượng vào đùi bên phải của Thừa Chí. Chàng vừa cười vừa nói:

– Cây quài trượng bảo bối này, hôm nọ đã bị vứt lên khỏi nóc nhà, bây giờ cụ lại nhặt nó về đấy à?

Miệng nói, tay không ngừng, chàng nhấc bỗng một tên đệ tử của trận Bát Quái giơ lên đỡ chiếc quài trượng đó. Minh Sơn sợ quá. Vụ trượng đó, tuy không mong đánh trúng người Thừa Chí, nhưng ông ta suy tính, lúc ấy Thừa Chí không thể nào tránh trước né sau được, bắt buộc chàng ta phải dùng khí giới để chống đỡ, mà khí giới của chàng lại là một chiếc trâm bằng ngọc, chỉ khẽ chạm vào chiếc quài trượng bằng thép là vỡ tan tành ngay. Không ngờ chàng lại kéo luôn một tên đệ tử của phái Thạch Lương để chống đỡ. Nếu cây quài trượng này mà đánh trúng thì tên đệ tử ấy sẽ bị gãy xương đứt gân tức thì. Cũng may võ nghệ của Minh Sơn đã tới chỗ tuyệt mức, trong lúc nguy cấp này, ông ta phải nhảy lên, dùng tay trái đè đầu cây trượng xuống, một mặt kêu gọi Minh Đạt đề phòng:

– Đại ca, cẩn thận! Ông ta vừa nói dứt lời, cây quài trượng theo đà, đã đánh thẳng xuống người Minh Đạt. Ông ta tin tưởng rằng người anh cả của ông ta có thể tránh được cây quài trượng đó. Quả nhiên Minh Đạt giơ ngang song kích lên đỡ. Chỉ nghe thấy “coong” một tiếng thật lớn, sao lửa bắn tứ tung, quài trượng và đoản kích đều bay trở lại. Thừa cơ đó, Thừa Chí tấn công luôn Minh Ngô. Chàng dùng bàn tay trái bổ mạnh xuống và tay phải câm ngọc trâm cứ nhằm mắt địch mà đâm. Minh Ngô vừa tránh vừa lui, múa roi da để phong tỏa khắp người. Nhưng thế công của Thừa Chí mạnh và nhanh lắm, ông ta phong tỏa làm sao nổi. Trong giây lát, ông ta đã bị Thừa Chí liên tiếp tấn công sáu, bảy đợt. Thấy chiếc ngọc trâm cứ lập lờ theo sát đôi mắt ông ta, và đã bị hai chiếc đó chạm tới mí mắt rồi, Minh Ngô sợ hãi mất cả hồn vía, lúc đó mới nhận biết cây trâm ấy lợi hại ngần nào.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.