Bích Huyết Kiếm

Hồi 25: (tiếp)



Chàng đang ngạc nhiên thì bỗng thấy Thiết Toán Bàn Hoàng Chân cả cười đi tới. Thôi Hy Mẫn la lớn:

– Sư phụ, không ngờ sư phụ tới trước.

Vừa rồi, chàng vừa chạy tới quỳ xuống vái ba cái. Chàng là người trực tính, khi nào trong lòng hớn hở là lúc vái lạy đầu gõ xuống mặt đất rất mạnh, nên lúc đứng dậy, trán chàng vì va mạnh và mặt đá đã có hai ba chỗ sưng húp. Vừa thương vừa bực tức, Tiểu Tuệ khẽ trách nhẹ chàng. Chàng chỉ nhe răng cười khì, trông rất ngô nghê, ngốc nghếch. Thừa Chí cũng vội tiếng lên chào. Vì nhớ Thanh Thanh, chàng vội hỏi Hoàng Chân có trông thấy tung tích của Thanh Thanh ở đâu không? Hoàng Chân chưa nói gì thì bỗng hai con đười ươi đột nhiên kêu la loạn xạ, rồi cứ cắm đầu chạy thẳng lên trên sườn núi.

Thôi Hy Mẫn nói:

– Nguy to, hai con đười ươi chạy mất rồi! Nói đoạn, chàng cất cẳng đuổi theo liền, Thừa Chí nói:

– Nơi đây là cố hương của chúng, về tới chốn cũ, tất nhiên chúng phải vui mừng chạy nhảy chứ? Thôi, cứ để mặc chúng! Nhưng đôi súc vật này nuôi đã khá lâu rồi, sao lúc đi chúng không có vẻ gì luyến tiếc cả? Ai nấy đều ngạc nhiên về điểm ấy.

Hai con đười ươi càng lên càng cao. Thừa Chí đang nhìn theo bỗng trông thấy trên vách núi có làn khói đen phun ra, mà nơi đó lại là thạch động chôn hài cốt Kim Xà Lang Quân, và cũng là nơi mình đã tìm được vật báu. Chàng đang ngạc nhiên chưa hiểu tại sao thì thấy hai con đười ươi ở phía trên con cứ chỉ trỏ ra hiệu, hình như gọi mình lên trên ấy vậy. Tiểu Tuệ cũng trông thấy liền nói:

– Thừa Chí đại ca, hình như hai con đười ươi không phải bôn tẩu đâu. Chúng đang gọi anh đấy.

Thừa Chí trả lời:

– Đúng thế.

Chàng giơ tay ra hiệu, chàng câm hiểu ý gật đầu liền chạy về thạch thất lấy đuốc và thừng ra, rồi cùng mọi người leo lên triền núi.

Thừa Chí nói:

– Đường lối đi lên trên động chỉ có tôi thuộc hơn hết, vậy để mình tôi đi thôi.

Nói đoạn, chàng xé vạt áo chia ra làm hai mảnh nhét vào lỗ mũi, đốt đuốc đâu đấy, rồi thả dây thừng leo xuống. Hai con đười ươi đứng trên sườn núi và nhảy nhót kêu là loạn xạ, gãi đầu gãi cổ hình như nóng lòng sốt ruột vô cùng.

Thừa Chí chui vào cửa động, thấy khói mù xông ra, vội nhịn hơi nín thở, từ từ đi vào bên trong, quả nhiên trông thấy một người nằm ngang dưới đất. Chàng tới gần xem mới hay là Thanh Thanh. Vừa mừng vừa sợ, chàng để tay vào mũi nàng, không thấy thở, rờ vào ngực nghe trái tim còn đập rất yếu. Lúc ấy trong động vẫn còn ánh sáng lửa, chàng trông thấy một người nữa nằm ở đó, định vào cứu đột nhiên thấy đầu óc choáng váng, chân tay bủn rủn, biết ngay khói mù có hơi độc rất mạnh, vội vã bồng Thanh Thanh ra ngoài cửa động, giật mạnh dây thừng lên một cái. Chàng câm và Hồng Thắng Hải ở trên đỉnh núi vội kéo dây thừng lên. Lúc đang kéo lên Thừa Chí thấy xung quanh không có hơi độc, mới dám hít mạnh vài hơi, bỗng nghe trong bụng khó chịu vô cùng, không sao chịu được, nôn ọc ra một đống thật lớn. Mọi người đều lo ngại, chỉ sợ chàng bị nội thương cáng đáng không nổi, tuột tay một cái là cả hai người đều bị rơi xuống dưới thung lũng. Hồng Thắng Hải và chàng câm vừa kéo vừa lo sợ.

Hai chú cháu Thôi Thu Sơn vội vàng chạy lại phụ giúp.

Khi Thừa Chí và Thanh Thanh sắp lên tới đỉnh núi thì trong động bỗng có tiếng nổ thật lớn, khói bốc lên mù mịt, đá vụn bắn tứ tung. Mọi người đều giật mình kinh hãi. Hồng Thắng Hải suýt buột tay, may chàng câm vì tai điếc nên không nghe gì, vẫn bình tĩnh kéo dây lên, lại thêm sức khỏe hơn người, mới cứu được Thừa Chí và Thanh Thanh khỏi nguy.

Lên tới đỉnh núi, hai chân bủn rủn, Thừa Chí đứng không vững ngã quỵ xuống.

Mộc Tang đạo nhân vội xoa bóp cho chàng. Lúc ấy trong động vẫn còn tiếng nổ phát ra liên tiếp, ai nấy không hiểu tại sao trong lại có lắm thuốc nổ như vậy? Và cũng không hiểu ai ở trong ấy quấy nhiễu như thế, đều ngơ ngác nhìn nhau. Một lát sau, Thừa Chí từ từ tỉnh dậy, vẫn còn thấy mỏi mệt vô cùng liền nói:

– Hiểm thật! Một lúc sau, Thanh Thanh cũng tỉnh lại, trông thấy Thừa Chí vội òa lên khóc. Thấy hai người đã thoát khỏi nguy hiểm, mọi người mới được yên trí. Tất cả ở trên đỉnh núi nghỉ ngơi một hồi lâu, không nghe tiếng nổ nữa. Thôi Hy Mẫn xin leo xuống điều tra xem. Thôi Thu Sơn buộc dây vào lưng chàng, để nhỡ gặp nguy là kéo lên ngay. Khi thòng xuống tới động, Thôi Hy Mẫn kiếm mãi không thấy cửa động đâu cả. Vì những đá vụn ở trong động bắn ra đã lấp kín mất cửa động rồi. Chàng đành phải ra hiệu cho bên trên kéo lên. Khi tỉnh táo lại như thường, Thanh Thanh mới từ từ kể hết chuyện đã xảy ra ở trong động cho mọi người nghe. Mộc Tang đạo nhân than thở nói:

– Năm xưa bần đạo thấy Kim Xà Lang Quân đặt nhiều tên nhỏ trong hộp sắt để bẫy người, đã cho là khôn khéo lắm rồi, ngờ đâu lại còn hơn thế nữa.

Hoàng Chân nói:

– Có ngờ đâu, ông ta lại còn tự lấy thuốc độc vào xương cốt nữa.

Tròn xoe đôi mắt, Thôi Hy Mẫn ngạc nhiên hỏi:

– Sư phụ, ông ta làm thế nào mà tự cấy thuốc độc vào trong xương cốt được? Người ta khi chết rồi đã trở nên bộ xương khô, làm sao còn bỏ thuốc độc vào trong xương cuả mình như thế được?

Hoàng Chân vừa cười vừa mắng:

– Chờ khi nào mày quy thiên rồi, mày thử bỏ thuốc độc vào trong cốt ngu ngốc của mày xem.

Mọi người đều cười ồ. Thôi Hy Mẫn phùng mồm bĩu môi nói:

– Người ta không biết mới hỏi chứ! Thừa Chí nói:

– Hạ lão sư Kim Xà Lang Quân là người đa mưu túc kế, giỏi tính toán. Ông ta tự biết bình sinh kết nhiều thù oán, sau khi chết tất có người tới hủy hoại di hài của ông ta để cho đỡ tức. Ông ta đã thiện sử dụng chất độc, nên lúc hấp hối ông ta đã uống một thứ thuốc độc thật mạnh để ngấm vào xương cốt.

Lúc này mới vỡ lẽ, Thôi Hy Mẫn vỗ đùi đến “đét” một cái, rồi la lớn:

– Tôi biết rồi, nếu có ai tới đốt xương cốt của ông ta, khói độc bốc lên có thể giết chết được kẻ thù… Nhưng tại sao trong động có nhiều tiếng nổ lớn như thế? Chẳng lẽ ông ta còn cho cả thuốc nổ vào trong xương tủy chăng?

Tiểu Tuệ nói:

– Cho làm sao thuốc nổ vào trong xương tủy được? Tôi chắc ông ta chôn thuốc nổ ở dưới đất.

Thừa Chí nét mặt buồn rầu thở dài đáp:

– Bà mẹ của chú Thanh có trối lại muốn được chôn cùng với ông ta. Hiện giờ hài cốt của hai người tuy đã hóa ra tro nhưng cũng đã được hợp táng một nơi một chốn rồi.

Thôi Hy Mẫn lè lưỡi ra, tỏ vẻ vô cùng kinh hãi rồi nói tiếp:

– Có thể đối phó với kẻ thù của mình được. Mụ ác phu Ngũ Độc Giáo bị chết như thế cũng đáng kiếp lắm.

Thừa Chí nói:

– Tuy oán độc quá nỗi, nhưng bà ta si tình như vậy, kể cũng tội nghiệp thật! Luôn tay vuốt ve hai con đười ươi, Tiểu Tuệ nói:

– Nếu không nhờ hai con thú này phát giác thì chỉ chậm một tí nữa không những chị Thanh Thanh không ra được, mà cả anh Thừa Chí cũng bị chôn vùi trong động vì thuốc nổ mất.

Mọi người đều nhận thấy lời nói của Tiểu Tuệ là đúng. Như vậy đủ thấy súc sinh tinh khôn có khi còn hơn loài người. Mọi người vừa trò chuyện vừa đi lên núi.

An đại nương và Tiểu Tuệ đỡ Thanh Thanh vào trong thạch thất, rửa mặt và thay áo quần cho nàng xong, đỡ nàng lên giường nằm nghỉ.

Trúng độc khá nặng, Thanh Thanh đã uống thuốc giải độc linh đơn của Mộc Tang rồi, nhưng thuốc độc của Kim Xà Lang Quân chế theo đơn bí truyền của Ngũ Độc Giáo nên thuốc giải độc thường không sao chữa khỏi được.

Sáng ngày hôm sau, tuy ngủ được một đêm, mặt nàng đầy những hắc khí, bệnh càng trầm trọng thêm, có lúc mê mẩn, có khi khóc lóc kêu la, nói mê nói sảng, cứ trách Thừa Chí phụ bạc. Thấy Thừa Chí ngượng nghịu, mọi người vừa buồn cười, vừa lo ngại, thấy chàng không vui, đều lẳng lặng rút ra bên ngoài.

Thừa Chí an ủi Thanh Thanh, thề không phụ bạc, không yêu người khác. Mặt Thanh Thanh lúc này hồng hào, khi thì xám đen, mồm cứ mãi ộc ra nước đen. Thấy vậy, Thừa Chí cuống cả chân tay, đành phải thúc thủ nằm cạnh nàng khóc thầm.

Mọi người ở bên ngoài bàn tán xôn xao, đều trách Kim Xà Lang Quân dụng tâm quá độc, mới hại người hại khiến con gái bị liên lụy như vậy. Ai nấy chán nản không còn tâm trí đâu mà ăn cơm nữa.

Hoàng hôn sắp tới, hai con đười ươi kêu la om sòm, bên ngoài có tiếng người ồn ào, thì ra vợ chồng Quy Tân Thụ dẫn Mai Kiếm Hòa, Lưu Bội Sinh, và Tôn Trọng Quân, tất cả sáu người đã tới. Nghe nói Thanh Thanh trúng độc, Quy Nhị nương liền lấy Phục Linh Thủ Ô hoàn của con uống thừa cho nàng uống. Nhờ vậy nàng mới ngủ yên một giấc.

Một lát sau, đệ tử của Hoàng Chân dẫn tám sư đệ và hai đứa con tới, liền tiến lên vái chào Mộc Tang đạo nhân trước rồi vái chào sư phụ vợ chồng nhị sư thúc. Y thấy Thừa Chí nhỏ tuổi hơn cả đứa con lớn, khi quỳ lạy có vẻ không muốn, nên chỉ chào một tiếng:

– Sư thúc! Giọng nói của y rất ngượng ngạo. Thừa Chí thấy người sư điệt đó bốn mươi tuổi, dáng người to lớn vạm vỡ, gân cốt cứng như gang thép, cao hơn mình một đầu, trong lòng khen thầm, liền nghĩ: “Đại sư huynh anh hùng như vậy, phải có nhân tài xuất chúng như người này mới đáng là đệ tử chưởng môn của anh ta. Thôi Hy Mẫn võ công đã kém người lại lỗ mãng, so sánh với người này thật kém xa quá.” Chàng đang nghĩ thầm, thấy người nọ sắp quỳ xuống vội giơ tay ra cản, và xua tay bảo chín đệ tử kia rằng:

– Tất cả khỏi phải lễ phép như thế nữa! Thôi Hy Mẫn đứng cạnh đó liền giới thiệu:

– Sư thúc, vị đại sư huynh của cháu đây họ Phùng tên là Nan Địch, các giới giang hồ ban cho anh ta biệt hiệu là Bát Diện Oai Phong (oai phong tám mặt).

Thừa Chí hỏi:

– Chắc Phùng huynh đã học được hết chân truyền của đại sư ca rồi?

Hoàng Chân biết Phùng Nan Địch không muốn quỳ trước một sư thúc còn ít tuổi như vậy, vì y là người có tên tuổi trên chốn giang hồ, cần phải giữ sĩ diện, nên ông ta cũng không muốn cưỡng ép y làm gì. Hơn nữa tính ông ta hay vui đùa, không bao giờ chú trọng đến lễ nghi phiền phức cả, cho nên chỉ cười một hồi rồi thôi. Phùng Nan Địch nói vài câu khiêm tốn khách sáo, rồi sai con lớn Phùng Bất Phá, con thứ Phùng Bất Thôi, vái chào mọi người.

Phùng Bất Phá năm nay đã hai mươi mốt tuổi, Phùng Bất Thôi thì mười bảy, cả hai anh em đều nhờ tên tuổi lừng lẫy của cha mà các anh hùng hào kiệt ở miền Tây Lương đều phải kiêng nể, và anh em y cũng có đôi chút võ nghệ thật sự. Chúng thấy Thừa Chí tuổi mới có đôi mươi đã là sư thúc tổ, cao hơn chúng những hai bậc, tuy phải miễn cưỡng quỳ lạy, trong lòng vẫn không phục tí nào, lại thấy đôi mắt của Thừa Chí vừa sưng vừa đỏ ngầu, lúc ra tiếp khách nước mắt chưa ráo hẳn. Hai anh em chúng đều nghĩ: “Con người chưa hết hôi sữa như thế này chắc võ nghệ cũng tầm thường thôi.” Anh em y biết Tôn Trọng Quân là người rất hiếu thắng, võ nghệ lại cao cường nên đêm hôm ấy, chúng bàn tán định xúc xiểm Tôn Trọng Quân sư cô đấu võ với tên tiểu sư thúc tổ, để cho mất hết sĩ diện một phen chơi.

Chúng nghĩ dù cha chúng và sư tổ hay chuyện cũng không thể nào trách cứ được.

Vì vậy sáng sớm ngày hôm sau, hai anh em dậy thật sớm đi kiếm Tôn Trọng Quân, ngờ đâu lại gặp bác sư thúc Thạch Tuấn. Chúng biết Thạch Tuấn cũng là người ít tuổi hiếu thắng, võ nghệ cũng giỏi như chúng, vì mặt bên phải có vết máu, người ta ban cho cái tên là Thanh Diện Thần. Thấy anh em họ Phùng có vẻ đang đi kiếm người, y liền quát hỏi:

– Này, anh em cậu định làm trò quỷ gì thế?

Phùng Bất Thôi cười đáp:

– Chúng tôi đi kiếm Tôn sư cô. Nghe nói cô ta ở Sơn Đông hạ rất nhiều anh tài của phái Bột Hải, chúng tôi định yêu cầu cô ấy kể lại những chuyện đó cho nghe đấy.

Thạch Tuấn cười nói:

– Thế à. Vừa rồi tôi trông thấy cô ta luyện võ với Mã sư huynh ở phía sau núi kia.

Ba người hớn hở chạy tới phía sau núi. Anh em họ Phùng vừa đi vừa nghĩ kế xúi giục Tôn Trọng Quân đi kiếm Viên tiểu sư thúc để đấu võ.

Phùng Bất Thôi khẽ nói:

– Nếu Tôn sư cô còn luyện kiếm ở đó thì anh em ta nói tên họ Viên bảo những đường kiếm của nàng sai bét.

Phùng Bất Thôi cười gật đầu tỏ ý tán thành. Ba người vừa đi tới sơn hậu đã nghe tấy tiếng quát mắng của Tôn Trọng Quân, đều ngạc nhiên vô cùng. Phùng Bất Thôi liền tiến lên xem, thấy Tôn Trọng Quân tay cầm cái móc đang đuổi một người. Người đó trạc độ ba mươi tuổi, vẻ mặt phẫn uất, vừa chạy vừa chửi:

– Con giặc cái, con ác phụ… Y lại múa đao quay lại đấu với Tôn Trọng Quân, nhưng võ nghệ y kém hơn cho nên đánh một hồi lại bỏ chạy, có điều lạ là y không chạy xuống núi, chỉ kiếm các nơi hẻo lánh mà chạy quanh thôi, hễ có cơ hội may là y lại quay lại đánh.

Phùng Bất Thôi nói:

– Chúng ta tiến lên đón đường tên nọ đừng để cho nó tẩu thoát.

Thạch Tuấn nói:

– Tôn sư tỉ không thích người ta giúp sức đâu. Vả lại nàng dư sức thắng tên nọ.

Lúc ấy người nọ kêu la om sòm:

– Mi giết chết vợ ta và ba đứa con thơ thì thôi chứ? Tại sao mi lại còn đang tâm giết cả bà mẹ trên bảy mươi của ta?

Mặt Tôn Trọng Quân lạnh lùng như sương tuyết, quát lớn:

– Ngươi là côn đồ vô sỉ, nhà người còn thêm vài người nữa ta cũng giết tất! Hai người càng đấu càng kịch liệt, Phùng Bất Phá nói:

– Tại sao Tôn sư cô không dùng kiếm? Cái đơn câu này hình như cô không hợp sử dụng thì phải?

Thạch Tuấn và Phùng Bất Thôi cũng thấy khí giới của nàng không hợp dùng thực.

Thạch Tuấn liền rút luôn thanh kiếm của mình ra, quay đầu kiếm ném cho nàng và gọi:

– Tôn sư tỉ, tiếp lấy kiếm này.

Thanh kiếm đó đang nhằm phía Tôn Trọng Quân bay sang, ngờ đâu vừa tới quãng giữa, bỗng có một người ở trong bụi rậm nhảy ra bắt luôn kiếm đó. Ba người giật mình kinh hãi, thấy khinh công của người ấy vừa nhanh chóng vừa đẹp đẽ, đều phải khen thầm. Chờ tới khi người đó đứng yên, nhìn rõ mặt, mọi người mới hay là Mạt Ảnh Tử Mai Kiếm Hòa, đại đệ tử của Quy sư thúc.

Thạch Tuấn liền kêu gọi:

– Mai sư huynh! Mai Kiếm Hòa gật đầu chào, rồi ném kiếm trả lại Thạch Tuấn và nói:

– Tôn sư muội luyệt tập sử dụng khí giới khác, không dùng kiếm nữa.

Lúc này Thạch Tuấn mới vỡ lẽ nhưng chàng không hiểu Tôn Trọng Quân vì lạm sát những người lương thiện bị Mộc lão tổ sư cấm chị sử sụng kiếm.

Lúc này người nọ đấu với Tôn Trọng Quân đang hăng hái nhưng vì võ nghệ kém hơn, không bao lâu bị Trọng Quân đá trúng cổ tay, con đao của y rời khỏi tay bắn ra đằng xa. Tiếp theo đó, Trọng Quân dí luôn đoản câu vào ngực tên nọ, đang định đưa mạnh một cái là tên nọ thủng hông và chết ngay, Mai Kiếm Hòa vội lên tiếng gọi:

– Hãy khoan!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.