Bích Huyết Kiếm
Hồi 8: (tiếp)
Minh Đạt liền nói:
– Lão Vinh! Nếu cháu gái tôi làm điều gì không nên không phải, chúng tôi quyết không bênh vực. Cháu nó giết người thì phải thường mạng, còn nợ nần thì trả tiền, như thế lão đã bằng lòng chưa? Vinh Thái ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Lão già này vốn tính xưa nay rất kiêu ngạo, sao hôm nay lại ăn nói dịu dàng đến thế? Hay là y sợ Lã Nhị Tiên sinh quá mà nên chăng?” Y đưa mắt nhìn khắp nơi trong Võ Sảnh bỗng trông thấy đứng ở đó, y ngạc nhiên, nghĩ thầm: “Không ngờ, họ đã có một tay sừng sỏ tới đây giúp đỡ, vậy chưa chắc Lã Nhị Tiên sinh đã thắng nổi. Chi bằng, nhân lúc họ nể sợ, ta hãy tạm ngừng tay xem sao đã!” Nghĩ xong, y nói:
– Bang Long Du chúng tôi cùng với quý phái xưa nay đôi bên vẫn giao hảo với nhau. Nay chúng tôi nể mặt các quý vị lão gia, nên không nói tới cái chết của Sa Lão Đại nữa. Chúng tôi chả dám oán trách bởi tài nghệ của y kém cỏi nên mới bị thiệt thòi đến thân thôi! Nhưng còn số vàng này…
Nói tới đây, y đưa mắt nhìn các thoi vàng bày la liệt dưới đất, rồi nói tiếp:
– Chúng tôi theo dõi số vàng này từ lâu rồi đã đi theo mấy trăm dặm đường, tốn rất nhiều tâm huyết, và còn có người mất mạng vì nó nữa. Chúng ta cùng ở trên giang hồ kiếm ăn…
Thấy Vinh Thái nói tới đây không nói tiếp nữa, Minh Đạt biết ngay họ tới đây vì tiền tài chứ không phải vù thù hằn chi nên nói:
– Đó, số vàng còn cả đây! Vinh lão huynh muốn lấy thì cứ việc đem cả đi! Bỗng thấy Nhất Tổ nói một cách khí khái như vậy, Vinh Thái lại tưởng lầm rằng Minh Đạt muốn nói bông đùa để giễu cợt cho nhưng xem kĩ sắc mặt thì Minh Đạt không có một ác ý gì cả. Vinh Thái liền hỏi:
– Nếu Ôn đại gia vui lòng ban cho đệ phân nửa số vàng để chữa chạy cho mấy anh em bị thương và làm tiền tử tuất cho mấy chú em bị thiệt mạng thì anh em chúng cũng cảm ơn vô cùng rồi…
Ôn Minh Sơn nói:
– Mời lão huynh cứ tự tiện lấy đem đi! Vinh Thái chắp tay vái lạy rồi nói:
– Như vậy chúng tôi xin cảm ơn vô cùng.
Nói xong, y ra hiệu cho hai tên đại hán đứng sau cúi xuống nhặt những thoi vàng.
Hai tên đó tay vừa mó tới thoi vàng, bỗng có người khẽ đẩy vai một cái, cảm thấy một sức mạnh đẩy lùi lại. Rồi cả hai cùng bị bắn ra phía sau mấy bước. Chúng ngẩng đầu lên đã thấy Thừa Chí đứng sững trước mặt.
Thừa Chí nói:
– Vinh lão gia! Số vàng này là lương bổng của quân đội Sấm Vương. Lão gia lấy đi không được đâu Danh tiếng của Sấm Vương chỉ trấn át nổi Võ lâm miền Bắc thôi chứ anh em giang hồ ở vùng Giang Nam chưa từng biết tiếng mấy. Vinh Thái quay lại vừa cười vừa nói với Lã Nhị:
– Y đem tiếng tăm của Sấm Vương ra dọa nạt chúng ta đấy! Lã Nhị tiên sinh tay cầm ống điếu đồng, hít mạnh một hơi thuốc, ung dung thở khói ra, rồi thong thả đưa mắt lên ngắm nhìn Thừa Chí. Thấy vẻ kiêu ngạo và ra cái điều đây người già cả của Lã Nhị, Thừa Chí đã nổi giận rồi. Nhưng thấy Lã Nhị đôi mắt có thần và sắc mặt hồng hào, Thừa Chí đoán y cũng là một hảo thủ tên tuổi ở Võ lâm nên chàng không dám khinh thường, liền cúi chào và nói:
– Tiền bối có phải họ Lã không? Hãy tha thứ cho tiểu bối, vì mới tới Giang Nam nên chưa được biết quý đại danh! Lã Nhị không thèm trả lời, phun hơi khói vào mặt chàng. Y lại hút thêm một hơi thuốc, nhưng lần này y dùng mũi phun khói vào mặt chàng phen nữa. Thấy Thừa Chí chưa tỏ vẻ gì, Thanh Thanh không nhịn được định lên tiếng nhưng Ôn Nghi đã nắm cánh tay nàng bóp khẽ một cái. Quay đầu lại, thấy mẹ lắc đầu ra hiệu, Thanh Thanh đành chịu làm thinh. Lã Nhị gõ đầu ống điếu xuống mặt gạch để đổ tàn thuốc ra. Tiếng kêu “tốc tốc” một hồi. Đổ hết tàn ra, y lại nhồi thuốc vào điếu. Lúc ấy, chính anh em họ Ôn cũng không thể nhịn được, nhưng họ nể Lã Nhị đã lừng danh khắp chốn giang hồ mấy chục năm trời nay. Nghe nói năm xưa, y chỉ cậy có thế võ “Hạc Hình Quyền” mà khắp Giang Nam và Giang Bắc không ai địch nổi. Vả lại ống điếu đồng của y là món khí giới lạ, có thể điểm huyệt, hoặc đoạt được vũ khí của địch. Nhưng sự thật, tài nghệ của y giỏi tới mức nào, chưa ai được trông thấy.
Bởi thế, anh em họ Ôn chỉ mong y giao chiến với Thừa Chí. Nếu y chiến thắng thì càng hay, bằng không, ít ra cũng có thể làm giảm mất phần nào hơi sức của Thừa Chí.
Trong khi Lã Nhị lấy đá lửa và bật ra đánh lửa để châm thuốc hút, thì bỗng trên đỉnh nóc nhà có tiếng người thét lên rằng:
– Mau trả lại số vàng cho chúng ta! Rồi một thiếu nữ và một thiếu niên tráng kiện nhảy xuống, theo sau hai người ấy còn có một người trạc độ năm mươi tuổi, ăn mặc như một nhà buôn, tay trái cầm bàn toán, tay phải cầm cây bút, trông rất ngộ nghĩnh.
Thấy thiếu nữ đó là Tiểu Tuệ, Thừa Chí vừa mừng vừa lo. Chàng mừng vì có người tới giúp đỡ. Nhưng còn hai người kia võ nghệ ra sao, chàng không rõ? Bây giờ, kẻ địch ngoài phái Thạch Lương lại còn thêm bọn Long Du và Lã Nhị tiên sinh. Hơn nữa, mẹ con Thanh Thanh đang ở trong hoàn cảnh rất nguy hiểm, thế nào cũng phải cứu họ tẩu thoát khỏi nơi này mới được. Nếu hai người mới tới kia võ nghệ chỉ ngang với Tiểu Tuệ thôi thì mình còn phải mất công bảo vệ họ, như vậy có phải nguy to không? Lúc bấy giờ, trong đệ tử của anh em họ Ôn đã có người chạy ra ngăn cản và quát hỏi mấy người kia. Người thiếu niên nọ lớn tiếng nói:
– Mau trả lại số vàng kia cho chúng ta! Thấy vàng để lăn lóc dưới đất, y nói xong cúi xuống nhặt liền. Thừa Chí cau mày nghĩ thầm: “Người này lỗ mãng như thế, không thể nào làm nổi việc lớn.” Ôn Nam Dương thấy thiếu niên nọ đang cắm cúi nhặt vàng, liền phi chân nhắm cánh tay hắn mà đá. Tiểu Tuệ vội gọi:
– Thôi sư huynh hãy đề phòng! Tuy tính nết thô lỗ nhưng võ nghệ của y cũng khá. Nghe thấy Tiểu Tuệ gọi, y né mình tránh cái đá ấy rồi thuận chân sấn lại gần Nam Dương, dùng song chưởng bổ xuống luôn. Không kịp lùi để tránh, Nam Dương phải giơ song chưởng đỡ. Tứ chưởng vừa va chạm, cả hai đều lùi lại vài bước. Thiếu niên nọ định tiến lên nhưng người ăn mặc lối nhà buôn vội gọi ngay:
– Hãy khoan Hy Mẫn! Thừa Chí sực nhớ đến bữa nọ Tiểu Tuệ có nói rằng: “Nàng cùng một người họ Thôi đi hộ tống số vàng. Vì có sự xích mích, nên hai người cãi lộn, rồi giữa đường chia tay. Bởi vậy số vàng mới bị Thanh Thanh xuất kì bất ý cướp mất. Như vậy, người thiếu niên này tất là cháu của Thôi Thu Sơn tức là Ngọc Diện Kim Cương Thôi Hy Mẫn không sai rồi. Còn người thương gia này có lẽ là Đại sư huynh của mình tên là Đồng Bút Thiết Toán Bàn Hoàng Chân chắc?” Chàng nhìn kĩ lại, thấy tay phải người thương gia ấy cầm cái bút lập lòe chói lọi, quả nhiên lúc đó bằng đồng rồi. Mừng quá, chàng nhảy tới trước mặt người nọ, quỳ xuống lạy và nói:
– Tiểu đệ Viên Thừa Chí xin kính chào đại sư huynh.
Hoàng Chân vội đỡ chàng dậy, ngắm nhìn giây phút, rồi hớn hở nói:
– Sư đệ, không ngờ chú còn trẻ tuổi thế này! May mắn làm sao anh em mình lại gặp gỡ nhau ở nơi đây! Tiểu Tuệ tới gần nói:
– Thừa Chí đại ca! Em xin giới thiệu Thôi sư huynh của em.
Thừa Chí gật đầu chào Thôi Hy Mẫn. Thấy trên lưng Thừa Chí có ít cỏ khô, Tiểu Tuệ khẽ phủi đi cho chàng. Thừa Chí mỉm cười tỏ vẻ cám ơn. Thấy vậy, Hy Mẫn cau mày ngụ ý không bằng lòng. Hoàng Chân trông thấy mắng liền:
– Hy Mẫn, sao con vô lễ đến thế? Có mau mau quỳ xuống lạy sư thúc đi không?
Nhận thấy Thừa Chí còn kém mình mấy tuổi, Hy Mẫn trong lòng không phục, liền từ từ đi tới, làm điệu sắp quỳ. Thừa Chí vội cản lại:
– Tôi không dám! Chàng giơ hai tay ra đỡ, Hy Mẫn liền đứng dậy ngay. Y chỉ gật đầu chào một cái rồi nói:
– Tiểu sư thúc! Hoàng Chân mắng ngay:
– Cái gì là tiểu sư thúc, đại sư thúc? Dù tuổi mày lớn hơn chú ấy thật, nhưng chú ấy vẫn là bề trên của mày! Thừa Chí vừa cười vừa hỏi Hy Mẫn:
– Chú anh có mạnh không? Đã lâu tôi không nhận được tin của ông ấy, tôi nhớ lắm.
– Cám ơn sư thúc. Chú tôi nhờ trời vẫn được mạnh khỏe.
Lã Nhị tiên sinh thấy họ chào hỏi nhau sư huynh, sư đệ, sư thúc, sư điệt tíu tít cả lên, chẳng coi ai ra gì, nên không nén nổi tức giận, liền xách ngược, ngẩng đầu nhìn lên trên trần nhà, rồi hỏi:
– Hai người mới tới là những tên nào? Y vừa lên tiếng, ai nấy đều giật mình thất kinh. Vì tiếng nói của y giống hệt tiếng chim cú kêu nghe rất ghê tai, và còn pha thêm giọng khàn khàn như thanh la bể, nên không ai nghe thấy y nói gì cả. Bước lên một bước, Hy Mẫn nói:
– Số vàng này của chúng ta đã bị các người lấy trộm mà. Hiện giờ thầy trò tay đến đây lấy lại số vàng này! Lã Nhị tiên sinh vẫn nhìn ngược lên trần nhà, miệng phun khói thuốc, đột nhiên “khà, khà” cười nhạt hai tiếng.
Thấy y cứ giở mãi cái điệu già cả, tỏ vẻ khinh thường hết thảy mọi người, Hy Mẫn nổi xung, hất hàm hỏi:
– Chẳng hay đây người có chịu trả lại số vàng này không? Ông cứ việc nói thẳng ra đi! Nếu ông không có quyền giải quyết vấn đề này thì mời người nào có thể chủ chốt hãy ra đây nói chuyện.
Lã Nhị tiên sinh lại cười gằn hai tiếng, rồi quay lại nói với Vinh Thái:
– Anh nói lại cho tụi nhãi con này biết, tôi là hạng người thế nào! Vinh Thái quát lớn:
– Vị này là Lã Nhị tiên sinh tiếng tăm lừng lẫy xưa nay. Các ngươi chớ có run sợ thất kính vội, hãy cho ta biết: Tại sao tuổi trẻ như thế lại dám vô lễ với bậc tiền bối như vậy?
Thật tình Hy Mẫn không biết Lã Nhị tiên sinh là ai, chàng cũng lớn tiếng trả lời:
– Mặc các ngươi là cái gì tiên sinh, ta không cần biết! Ta chỉ biết đến đây lấy lại số vàng thôi! Ôn Nam Dương vừa giao chiến với chàng chưa phân thắng bại, đang nóng lòng sốt ruột, liền nhảy ra trả lời:
– Lấy lại số vàng, có phải là chuyện dễ đâu? Ngươi có tài, hãy thắng nổi ta đã rồi mới được nói tới chuyện những thoi vàng này! Vừa nói xong, y không chờ đối phương trả lời, đã nhảy xổ lại đấm luôn một quyền. Không kịp đề phòng, bị một đấm vào vai, Hy Mẫn nổi giận, múa ta trái nhanh như gió, trả đũa luôn một quyền vào bụng Ôn Nam Dương nghe đánh “bục” một tiếng.
Hai người cùng bị đau đều nhảy lùi lại, trợn mắt nhìn nhau.
Rồi lại cùng xông vào đánh luôn. Cả hai đều tấn công rất mạnh và phòng hờ lại rất sơ hở nên chưa đầy một hiệp, đánh đấm “bình bình, bộp bộp” làm điếc tai mọi người. Cả hai cùng bị đánh trúng đầu, vai ngực bụng đến mấy chục lần.
Thừa Chí thở dài và nghĩ thầm: “Tại sao sư huynh ta lại dạy thứ đồ đệ bất tài thế kia? Nếu gặp phải một hảo thủ, y chịu sao nổi một hai quyền của người ta? Tại sao Thôi thúc thúc không chỉ dẫn cho y một vài miếng?” Thì ra Hy Mẫn tuy rất chính trực nhưng tính lại nóng nảy. Lúc học võ, y rất lười biếng. Đã gia nhập môn trong bao lâu y vẫn chưa học được nổi một phần tài nghệ của Hoàng Chân. Nhờ được thân hình vạm vỡ và có đôi chút sức khỏe, y có thể chịu đựng nổi một vài đòn.
Trong lúc hỗn chiến, y dùng tay phải đấm hở một cái, Ôn Nam Dương tránh sang bên phải, y giơ tay trái đón sẳn, đấm luôn một quyền cước, trúng ngay cằm của NamDương nghe đánh “bộp” một cái. Cả một thân hình to lớn như trái núi nhỏ của Nam Dương ngã lăn xuống đất rồi chết giấc liền. Tỏ vẻ khoái chí, Hy Mẫn đưa mắt nhìn sư phụ, tin tưởng thế nào cũng được ban khen. Ngờ đâu, thấy sư phụ có vẻ giận dữ, chàng không hiểu tại sao? Chàng nghĩ thầm: “Ta đã đánh thắng, sư phụ không khen thì chớ, trái lại còn tỏ vẻ trách mắng ta như vậy?” Thấy môi và mồm chàng bị đánh sưng lên, tai bên phải máu tươi nhỏ giọt xuống. Tiểu Tuệ lấy khăn tay khẽ lau chùi cho chàng và nói nhỏ:
– Tại sao anh không tránh những miếng đấm của y mà cứ đánh loạn xạ như thế làm gì?
– Tránh cái gì? Nếu tránh, tôi đánh trúng y sao được?
Lã Nhị tiên sinh lại lên tiếng quái dị nói:
– Ngươi tưởng đánh ngã một người như thế đã tự cho là đắc chí lắm sao? Ngươi có muốn lấy lại số vàng không?
Vừa nói dứt lời, y nhảy lên đứng trên hai thoi vàng. Tay phải giơ cái điếu cày điểm một thoi vàng khác nói:
– Tha hồ ngươi dùng đấm hay đá, quý hồ lấy được ba thoi vàng này ra, ta sẽ trả tất cả số vàng ở đây cho ngươi.
Ai nấy nghe thấy Lã Nhị tiên sinh nói vậy đều cho y tự phụ và ngông cuồng quá.
Dù võ nghệ của Hy Mẫn có kém y đi nữa nhưng y chỉ dùng điếu cày điểm thoi vàng như vậy, mà dám coi thường Hy Mẫn không lấy ra được! Thôi Hy Mẫn nổi giận:
– “Quân tử nhất ngôn” ngươi không được hối hận và nuốt lời nhé?
Lã Nhị tiên sinh ngẩng mặt lên trời cả cười, rồi nói với Vinh Thái:
– Anh nghe thấy chưa? Nó sợ tôi hối hận đấy! Vinh Thái đành phải gượng gạo cười theo. Hy Mẫn lại nói:
– Hay lắm! Coi tài của ta! Tiến lên ba bước ngắm đúng thoi vàng nằm dưới điếu cày, chàng vận sức bên chân phải, dùng miếng “Tảo đường cước” đá tạt ngang một cái.
Thừa Chí đứng cạnh trông thấy rõ ràng, ước lượng cái đá đó ít ra có hai ba trăm cân hơi sức, công lực của Lã Nhị tiên sinh có giỏi hơn Hy Mẫn thật nhưng cũng không thể nào dùng đầu cái điếu cày để giữ nổi thoi vàng kia, trừ phi y có pháp thuật quái dị thì khó nói.
Chân của Hy Mẫn sắp đụng tới điếu cày và thoi vàng. Lã Nhị bỗng hất cái điếu cày lên, điểm vào huyệt đầu gối của chàng. Cả cái chân của Hy Mẫn bị tê liệt tức thì, đầu gối bên phải khịu xuống và quỳ ngay tại chỗ. Lã Nhị chắp tay vái lia lịa, cả cười một hồi rồi nói:
– Tôi không dám.
Sợ hãi quá, Tiểu Tuệ vội chạy tới đỡ Hy Mẫn dậy, đến trước mặt Hoàng Chân rồi nói:
– Hoàng sư bá, y gian trá, sư bá dạy ngay cho y một bài học. Hy Mẫn lớn tiếng chửi rủa:
– Ngươi giở thủ đoạn đê hèn như vậy, còn tự xưng là anh hùng hảo hán cái thế gì?
Hoàng Chân chìa tay xoa bóp lưng Hy Mẫn đoạn dùng ngón tay đâm vào đùi chàng ta một cái, giải ngay chỗ huyệt bị bế tắc rồi khẽ nói:
– Sau này mày có lỗ mãng như thế nữa không?
Hoàng Chân thấy Lã Nhị điểm huyệt nhanh nhẹn như vậy cũng phải kinh ngạc thầm và nghĩ rằng: “Tại sao nơi hẻo lánh này lại có tay đả huyệt lợi đến thế?” Khí giới bên tay trái của Hoàng Chân là cái bàn toán. Còn bên tay phải của chàng là cái bút đồng. Tất nhiên chàng cũng là một danh thủ đả huyệt. Giơ bàn tính lên, lấy tay gạt một cái, chàng nói:
– Món nợ này ta đã ghi vào sổ rồi.
Giơ thẳng bút đồng, chàng định bước lên lấy lại sĩ diện cho đệ tử. Thừa Chí nghĩ thầm: “Sư huynh là đại đệ tử phái Hoa Sơn, ta là sư đệ nên xuất trận trước mới phải lẽ!” Nghĩ đoạn, chàng lên tiếng ngay:
– Đại sư huynh cho phép tiểu đệ lên trước. Nếu tiểu đệ thất bại lúc đó sư huynh hãy tiếp tay.
Thấy chàng còn ít tuổi quá, Hoàng Chân nghĩ thầm: “Dù sư phụ có truyền hết võ nghệ cho y, nhưng vẫn còn thiếu kinh nghiệm. Chỉ sợ địch không nổi Lã Nhị lỡ y có gì suy suyển, có phải là đau lòng sư phụ không?” Còn Hoàng Chân sở dĩ để cho Hy Mẫn đánh trận đầu là vì chàng biết tên đồ đệ ấy lỗ mãng tự đại quá, cần phải cho y chịu chút đau khổ, mới giảm bớt được tính nết kiêu ngạo của y. Như vậy, sau này y mới biết thân mà khiêm tốn học hỏi. Nghĩ xong, chàng khẽ bảo Thừa Chí:
– Sư đệ, để anh đối phó cho! Thừa Chí cũng hạ thấp giọng trả lời:
– Đại sư huynh, bên họ còn nhiều hảo thủ và còn có trận ngũ hành rất lợi hại. Lát nữa, còn một phen ác chiến, anh là chủ trương của chúng tôi, anh không nên ra trận vội! Tuy thấy Thừa Chí cố chấp đòi đánh trước nhưng Hoàng Chân nhận biết chàng ta muốn tôn trọng mình liền nói:
– Nếu vậy, sư đệ nên cẩn thận một chút nhé! Thừa Chí gật đầu, tiến một bước nói với Lã Nhị rằng:
– Chẳng hay ông có bằng lòng cho tôi đá thử một cái không?
Lã Nhị, phái Thạch Lương và bang Long Du tất cả mọi người đều ngạc nhiên và nghĩ thầm: “Vừa rồi tên thiếu niên vạm vỡ hùng dũng thế kia còn bị thiệt thòi đau khổ! Tại sao y còn không biết sống chết, dám xin thử thách như vậy!” Thấy chàng còn trẻ hơn Hy Mẫn, Lã Nhị càng coi thường, vừa cười vừa nói:
– Cũng được! Nhưng ta cần phải dặn trước, nếu cậu cũng tái diễn cái trò quỳ lạy, tôi không dám nhận đâu nhé?
Vừa nói, y vừa gác điếu cày lên trên thoi vàng. Thừa Chí cũng bắt chước Hy Mẫn, tiến lên ba bước, giơ chân phải, phạt ngang một cái. Đứng cạnh trông, thấy chàng sắp bị như mình, Hy Mẫn lo quá kêu lên:
– Tiểu sư thúc, đừng đá như thế, nó sẽ điểm huyệt đấy! Năm anh em họ Ôn đã giao chiến với Thừa Chí, biết chàng tuy tuổi còn trẻ nhưng võ nghệ cao siêu khôn lường. Bây giờ thấy chàng lại sa vào hố của Hy Mẫn, cả năm anh em đều lấy làm lạ. Họ nghĩ thầm: “Chẳng lẽ chàng biết tự bế huyệt đạo, không sợ người ta điểm huyệt nữa chăng? Như vậy thật buồn cười quá, không ai có thể tin được.”
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.