Bích Huyết Kiếm

Hồi 11: Trượng kiếm giải thù hận, cướp thư thấy gian mưu [A]



Thở dài một tiếng, Tiêu Công Lễ kể hết đầu đuôi câu chuyện kết thù xưa kia cho các đồ đệ nghe.

Công Lễ nói:

– Năm đó, ta đang làm tướng cướp ở Song Long Cương. Nghe các em báo cáo: Có quan Đạo Đài rất giàu có về hưu, đưa gia quyến đi qua chân núi Song Long Cương này.

Nghề của giới lục lâm là cướp bóc, và nhất là gặp những tham quan ô lại càng hay. Vì tham quan bóc lột của dân chúng nhiều. Cướp tiền bạc của một tên tham quan còn hơn cướp của cả trăm khách thương. Hơn nữa tiền bạc của tham quan là bất nghĩa chí tài.

Cướp được tiền bạc đó yên trí và không tổn hại âm đức. Các em ta đã thám thính rõ ràng, tên Đạo Đài đó họ Khấu. Nhưng có điều đáng ngại là tên tham quan đó mướn Tế Nam Phủ Hội Hữu Tiêu Cục, Tổng Tiêu Đầu Mẫn Tử Diệp bảo tiêu. Người đó tức là anh cả của Mẫn Tử Hoa…

Nghe tới đây, Thừa Chí và Thanh Thanh đã biết rõ nguyên nhân của câu chuyện rồi, nghĩ thầm: “Thì ra mối thù của họ do thế mà nên. Tiêu Công Lễ định cướp của, Mẫn Tử Diệp là Tiêu Đầu tất phải bảo vệ. Hai bên vì thế mà đánh nhau, Mẫn Tử Diệp địch không nổi bị giết.” Tai nghe Công Lễ nói, mắt Thừa Chí vẫn để ý hành động của Vạn Phương và Trọng Quân. Lúc ấy Trọng Quân giơ tay về phía sau, bỗng nhảy phắt lên, phát giác bảo kiếm bị rút mất, sợ quá, vội rủ Vạn Phương vượt tường chạy luôn.

Thừa Chí bấm bụng cười thầm, rồi lại để ý nghe Công Lễ kể. Công Lễ nói:

– … Mẫn Tử Diệp ở giang hồ cũng có chút danh vọng, là cao thủ của phái Võ Đang…

Thừa Chí gật đầu nghĩ thầm: “Phải rồi, anh em Mẫu Tử Hoa thuộc phái Võ Đang. Sư phụ ta nói phái Võ Đang là phái Chính Tông của thiên hạ, người chưởng môn phái đó vẫn liên lạc với các môn các phái luôn. Cho nên Mẫn Tử Hoa mới mời được nhiều người giỏi đến giúp như vậy.” Tiêu Công Lễ nói tiếp:

– Hay tin ấy, ta không dám ra lệnh hành đồng ngay. Đêm hôm đó, ta thân hành xuống núi dò xét, đến chỗ họ ngủ trọ là khách điếm nọ. Ta trông thấy một chuyện có thể tức vỡ bụng ngay được. Có ai ngờ, Mẫn Tử Diệp là kẻ tham hoa hiếu sắc, thấy nhị Tiểu thư của quan Khấu Đạo Đài xinh đẹp liền lập ngay mưu kế, y hẹn Trương trại chủ ở Phi Hổ Trại. Chờ khi đi qua chân núi trại đó, Trương trại chủ xuống cướp, y giả vờ kháng cự, giả vờ thua chạy, để Trương trại chủ cướp hết của cải, giết hết gia đình Khấu Đạo Đài, và bắt sống Nhị tiểu thư thoát hiểm. Lúc ấy Nhị tiểu thư trơ trọi một mình, lại có người cứu thoát khỏi tay giặc, tất phải bằng lòng lấy y. Tham được của cải lớn, và lấy được lòng Tử Diệp, Trương trại chủ vui lòng nhận lời ngay. Hai người đang bàn tán ở trong phòng ngủ, không ngờ bị ta nghe hết. Giận quá ta trở về sơn trại đem hết lâu la đến cạnh Phi Hổ Trại mai phục. Tới giờ hẹn ước, quả nhiên nhóm người Khấu Đạo Đài đi tới…

Nghe tới đây, Thừa Chí và Thanh Thanh mới biết vừa rồi đã đoán sai câu chuyện.

Công Lễ lại nói tiếp:

– Ta nén không nỗi lòng tức giận, trong lòng nghĩ rằng: “Chúng ta người trong võ lâm, vì đói rách quá mới phải lập sơn trại để làm nghề không vốn liếng này. Nhưng nói tới chữ sắc thì thế nào cũng phải đường đường chính chính, mới khỏi mất tư cách con người hảo hán. Ngờ đâu, Mẫn Tử Diệp lại vô liêm sỉ đến thế? Là một tiêu đầu, y lại có hành vi hèn mạt như vậy?” Lúc ấy, ta giận quá không nhịn được, nhảy ra đánh luôn.

Kiếm pháp của y cũng lợi hại. Chính thật ra, ta không địch nổi y đâu. Nhưng vì ta nói toạc mưu kế của y ra khiến y tối cả mặt mày, mới thất cơ bị ta chém chết.

Một tên đồ đệ nói:

– Thưa sư phụ, con người như thế đáng giết lắm rồi. Chúng ta hà tất phải sợ chúng? Chờ ngày mai chúng tới nơi, sư phụ nói rõ đầu đuôi câu chuyện, thì dù em y có muốn trả thù những người khác chưa chắc đã chịu a dua, không phân biệt thị phi, mà ra tay giúp em y.

Thừa Chí nghĩ: “Phải đấy. Nếu vì bất bình mà tên họ Tiêu này giết chết Mẫn Tử Diệp, võ lâm phải có công luận. Nhưng chỉ sợ còn có ẩn tình khác thì trong đó, chưa biết chừng?” Lại nghe Công Lễ thở dài, và tiếp tục nói:

– Sau khi giết chết Mẫn Tử Diệp, ta biết đã mang họa lớn vào thân rồi. Vì y là người có địa vị ở phái Võ Đang, thầy y là Hoàng Mộc đạo nhân và các sư huynh đệ y kiếm ta trả thù, ta địch sao nổi. Cũng may đàn em của ta chặn giữ Trương trại chủ lại.

Rồi ta bắt y viết hết gian mưu của Mẫn Tử Diệp vào một tờ giấy, và còn bắt hai tiêu đầu có mặt tại đó kí vào làm chứng cho ta. Quan Khấu Đạo cũng viết giấy cảm ơn và có nhắc cả mưu mô của Tử Diệp vào trong đó, tặng ta. Hai tiêu đầu biết rõ chuyện Tổng tiêu đầu của họ làm bậy mà bị giết, không những không thù ta mà còn cảm ơn và xin làm bạn với ta. Sau vụ đó, ta biết không thể sống ở trong lục lâm được nữa, liền giải tán đàn em. Rồi ta cầm hai tờ giấy nói trên lên núi Võ Đang kiếm Hoàng Mộc đạo nhân để tường trần mọi lẽ. Nhưng các môn hạ phái Võ Đang đã hay tin, rủ nhau xuống núi đón đường giết ta. May có một vị giang hồ phái hiệp cứu giúp, bảo vệ ta lên tận núi Võ Đang và được gặp Hoàng Mộc đạo nhân nữa.

Hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện rồi, Hoàng Mộc đạo nhân liền ra lệnh cho các đồ đệ không được gây thù gây hấn với ta. Nhưng vì thanh danh của phái họ, Hoàng Mộc đạo nhân bão ta không được đem chuyện này ra phô trương bên ngoài. Ta cũng nhận lời ngay. Từ đó trở đi, ta không hề nói tới chuyện đó nữa nên trên giang hồ rất ít người biết tới. Lúc ấy, Mẫn Tử Hoa hãy còn nhỏ, nên không biết anh y tại sao mà chết.

Một môn đồ hỏi:

– Thưa sư phụ chẳng hay hai lá thư đó sư phụ có còn giữ được không?

Tiêu Công Lễ trả lời:

– Điều này chỉ trách ta “có mắt không ngươi”, không biết phân biệt người tốt kẻ xấu. Mùa thu năm ngoái, có người bạn của ta cho hay, em ruột Mẫn Tử Diệp đã khổ công luyện tập võ nghệ, và nay đã thành tài, và biết ta là người giết chết anh y, nên định kiếm ta để báo thù. Sau ta dò la biết Trường Bạch Tam Anh, bạn cũ của ta, có quen biết Mẫn Tử Hoa, ta liền đi kiếm anh em họ Sử trong nhóm Tam Anh… Một môn đồ nói xen vào:

– Thảo nào! Cuối năm ngoái sư phụ đi Liêu Đông, qua Tết năm nay mới về, chuyến đó sư phụ chỉ vì việc này mà đi chắc?

– Phải, ta đi Liêu Đông thăm anh em họ Sử, yên trí năm hết Tết đến, thế nào anh em y cũng có nhà. Ngờ đâu, anh em y được Cửu vương gia ở Kiến Châu Vệ triệu đi. Ở đó, chờ đợi ngót tháng trời, ta mới thấy anh em y trở về. Ta liền đem câu chuyện này nói cho anh em y hay, Sử lão đại vỗ ngực bảo đảm với ta là chuyện này thế nào cũng xong. Ta nhờ y đưa hai lá thư đó cho Mẫn Tử Hoa xem qua. Y bão làm như thế Tử Hoa không mặt nào dám kiếm ta báo thù nữa. Chưa chừng, Tử Hoa còn nhờ người đến xin lỗi ta và yêu cầu ta đừng đem chuyện xấu đó tuyên dương ra ngoài là khác. Thấy anh em tiếp đã tử tế quá, ta lại dễ dãi, Sử lão đại bỗng nói với ta rằng: “Vận nước của Triều đình nhà Minh sắp tận đến nơi. Anh em ta đều là người có tài. Tại sao chúng ta không nhân cơ hội này bầu Minh chủ, để mong được phong thê án tử, làm một vị khai quốc công thần?” Ta ngẩn người giây lát, mới hỏi y có phải định đi đầu quân Sấm Vương đấy không? Y cười ha hả một hồi mới nói:

– Sấm Vương là giặc cỏ, trở nên vua chúa sao được? Bây giờ chỉ có quân Thanh, binh tinh nhuệ, lương đầy đủ, sắp đánh vào trong Quan ải. Nếu Tiêu huynh bằng lòng phò chúa Thanh, anh em tôi xin bảo đảm với Cửu Vương gia là xong ngay.

Nghe y nói như vậy, ta nổi giận, bão y là người vong quốc vong bản, sẽ đắc lợi muôn thuở với nòi giống! Thấy Tiêu Công Lễ có khí tiết như vậy, Thừa Chí cũng phải tấm tắc ngợi khen thầm.

Tiếp theo đó, Tiêu Công Lễ lại nói:

– Sau đó ta cãi nhau với anh em y một trận thật kịch liệt.

Nhưng sáng ngày hôm sau, anh em y vẫn ân cần tiếp đãi như trước. Và Sử lão đại còn xin lỗi ta, vì hôm trước y quá say lỡ lời nói bậy bạ. Tình bạn hữu quen biết lâu năm, ta cũng vui lòng bỏ qua chuyện đó. Ngờ đâu, sau khi ta về tới đây, anh em họ Sử thật chó má quá, không giải thích cho Mẫn Tử Hoa hiểu thì thôi, anh em y còn đặt điều xúi giục, mời người ra tay giúp sức, chuẩn bị ngót nửa năm trời. Ta không hay biết một tí gì. Đột nhiên, thấy rất nhiều hảo thủ giang hồ đến cả Nam Kinh, ta ngạc nhiên quá.

Ta hỏi ra mới hay, hai anh em tên chó má kia đã thiêu huỷ hai lá thư nọ, để cho ta mất hết chứng cớ biện bạch. Xét hiện tình, hình như anh em họ Sử vì vụ cãi lộn nọ, định dồn ta vào con đường diệt vong cũng nên?

Các đệ tử nghe Công Lễ nói rõ đầu đuôi sự thể, đều chủ trương thí mạng với anh em họ Sử.

Tiêu Công Lễ xua tay nói:

– Các con cả ngoài kia, Câu chuyện ta vừa nói, cấm các con tiết lộ ra ngoài. Đành rằng, chúng vô nghĩa, chứ ta không chịu mang tiếng là đã nói rồi mà bất tín.

Nói tới đó, y thở dài một tiếng rồi bảo các môn đồ gọi con gái và con trai vào.

Các môn đồ hậm hực đi ra. Chúng vừa đi khỏi, một thiếu nữ 16, 17 tuổi và một em nhỏ 8, 9 tuổi vén màn cửa bước vào. Thiếu nữ mắt còn ngấn lệ, cất tiếng gọi “cha”, rồi gục đầu xuống dưới chân Tiêu Công Lễ. Em nhỏ nọ trố mắt nhìn cha nức nở khóc. Công Lễ hỏi thiếu nữ:

– Má con đã sửa soạn xong chưa?

Thiếu nữ gật đầu, Công Lễ nói tiếp:

– Ra khỏi nơi đây, con phải lãnh trách nhiệm nuôi nấng, dạy bảo em con. Con bắt nó học sách, cày cấy. Nhưng con đừng cho nó đi thi cử, và cũng không được học võ nữa.

Thiếu nữ nọ nói:

– Thưa cha, phải để cho em nó học võ. Sau này nó mới báo thù cho cha được.

Tiêu Công Lễ nổi giận quát lớn:

– Mày muốn chọc tức tao trước phải không?

Một lát lâu, ông ta lại ôn tồn nói:

– Trong làng võ, oan oan tương báo, bao giờ mới kết liễu? Thà làm một người dân lương thiện, ta sống yên ổn cho tới ngày mãn kiếp có hơn không? Sức vóc của em con kém lắm. Có cho võ giỏi lắm nó chỉ bằng nửa ta thôi. Dù nó giỏi bằng ta đi chăng nữa cũng vô ích. Như ngày hôm nay đây, con không thấy người đến hà hiếp ta hay sao? Rốt cuộc, ta cũng không tránh khỏi… hà! Duy có điều ta không được trông thấy con thành gia thất là ta ân hận mà thôi… Con ra dặn bảo các sư huynh đệ rằng: Khi ta chết, tất cả anh em phải tuân theo mạng lệnh của phó bang chủ Cao thúc thúc, vì ta đã giao phó tất cả công việc của Kim Long bang này cho chú Cao rồi.

Thừa Chí giật mình nghĩ thầm: “Chuyến này ta xuống miền Nam, đã được nghe khách giang hồ đồn đại, Kim Long bang là một bang hội lớn. Không ngờ, Tiêu Công Lễ lại là Bang chủ của bang đó. Họ người nhiều thế mạnh như thế, lại chịu lép vế như vậy?” Chàng lại nghe thiếu nữ nọ nói:

– Vâng, con xin đi mời Cao thúc thúc ngay.

Công Lễ quát lớn:

– Tại sao con còn chưa biết ý nghĩ của ta? Con mời chú Cao đến làm gì? Tính nóng như lửa, khi nào chú ấy chịu để yên cho người khác huy động anh em để đối phó.

Như vậy, ít ra cũng sẽ phải chết không biết bao nhiêu nhân mạng mới kết liễu nổi vụ này. Dù ta thoát được chết đi chăng nữa mà để cho mấy chục hay mấy trăm anh em thiệt mạng vì ta, thì ta phải nhẫn tâm sao được? Thôi, con đi mau lên! Thiếu nữ nọ ủ rũ dắt em đi ra.

Thừa Chí ra hiệu bão Thanh Thanh đi theo mình. Cả hai cùng đi tới vườn hoa lớn.

Thấy không có người, Thừa Chí bỗng phi thân tiến lên và nói:

– Tiêu cô nương, cô không nghĩ cách cứu cha cô hay sao?

Thiếu nữ nọ ngẩn người giây lát, đột nhiên rút kiếm ra quát hỏi:

– Ngươi là ai?

Thừa Chí đáp:

– Cô muốn cứu cha cô, thì phải theo tôi! Nói xong, chàng nháy mắt ra ngoài tường. Thanh Thanh nhảy liền ba cái mới qua được bờ tường. Không ngờ khinh công của chàng giỏi đến thế, thiếu nữ nọ ngẩn người ra rồi cũng xách kiếm phi theo.

Được một quãng đường, thiếu nữ nọ thấy Thừa Chí đi nhanh quá, trong lòng sinh nghi, định quay trở về. Ngờ đâu, nàng vừa quay mình, bỗng có một luồng gió lướt qua, vải áo bay lên, cổ tay tê liệt, và thanh kiếm của nàng lọt vào tay Thừa Chí rồi. Khí giới bị tước, đường rút lui bị cản trở, thiếu nữ nọ sợ hãi quá. Thừa Chí liền nói:

– Cô nương đừng sợ. Tôi muốn giết cô, thật dễ như trở bàn tay. Như thế, cô đã đủ hiểu tôi là bạn chứ không phải thù. Vậy, cô phải nghe theo những lời của tôi sau đây.

Thiếu nữ gật đầu. Thấy nàng vẫn còn bán tín bán nghi, Thừa Chí liền nói:

– Cha cô hiện đang có nạn lớn. Chẳng hay cô có chịu mạo hiểm để cứu cha cô không?

Thiếu nữ:

– Cứu cha tôi thoát nạn, dù phải thịt nát xương tan tôi cũng vui lòng! Thừa Chí nói:

– Cha cô tốt bụng lắm! Đành hi sinh tính mạng của mình chứ cha cô không muốn giao tranh chết chóc nhiều. Người như cha cô thật hiếm có, tôi đã quyết định giúp một tay.

Trong lúc vô kế khả thi, bỗng thấy có người chịu ra tay cứu cha mình, thiếu nữ khi nào lại bỏ lỡ dịp may mắn ấy, liền quỳ ngay xuống van lạy. Thừa Chí nói:

– Xin cô nương bình thân và chớ ngại. Sự thể thành công hay không, tôi chưa dám chắc.

Thấy cánh tay phải bị người ta khẽ đỡ, tựa như một sức mạnh nâng mình lên, nàng không thể quỳ được nữa. Nên nàng mới tin tưởng chàng nọ có thể giúp cha mình.

Thừa Chí lại nói:

– Cô làm ơn dẫn chúng tôi đến thư phòng để tôi viết mấy chữ cho cha cô.

– Hai vị đã biết đại danh? Hai vị đích thân vào khuyên cha tôi có hơn không?

– Cô cứ yên trí. Thấy thư của tôi, cha cô không tự tử nữa đâu. Thôi, cô đưa chúng tôi đi ngay. Việc này chậm trễ một tí là hỏng hết.

Không hiểu tại sao, Tiêu cô nương lại chịu nghe lời Thừa Chí đến thế! Thấy Thừa Chí nói vậy, nàng liền đáp:

– Mời hai vị đi theo tôi! Thừa Chí lại dặn bão:

– Việc này phải giữ bí mật, cô đừng để cho ai trông thấy! Tiêu cô nương gật đầu. Ba người lại vượt qua tường vào bên trong. Nàng dẫn hai người vào một thư phòng nhỏ, lấy giấy, bút, mực ra, rồi ngồi một bên xem. Chỉ trong giây phút, Thừa Chí đã viết xong rồi. Thanh Thanh đứng cạnh tỏ vẻ kinh ngạc. Bỏ lá thư vào phong bì, dán kín, Thừa Chí đưa lá thư đó cho nàng và nói:

– Cô đưa ngay lá thư này cho cha cô, và cô phải y theo lời tôi sau đây.

– Xin nhị vị cứ dạy.

– Bất cứ cha cô hỏi thế nào, cô cũng đừng tả hình dạng của tôi cho cha cô hay.

Tiêu cô nương ngơ ngác hỏi:

– Tại sao thế?

– Nếu cô nói ra, tôi không giúp cô nữa.

– Vâng, tôi xin vâng lời.

Thừa Chí kéo tay Thanh Thanh nói:

– Thôi chúng ta đi về.

Thấy hai người nhảy ra ngoài tường, nhanh như chim cắt, Tiêu cô nương trong lòng phân vân, không biết cát hung ra sao, vội chạy tới phòng của cha. Thấy cửa phòng đóng kín, nàng gõ mấy tiếng không thấy Tiêu Công Lễ trả lời, sợ quá nàng vòng ra ngoài cửa sổ, đập vỡ cửa kính, nhảy vào trong phòng.

Thấy cha nàng chén rượu để vào tới môi, nàng hãi sợ vô cùng, la lớn:

– Cha! Cha hãy coi lá thư này trước đã! Thấy Tiêu Công Lễ ngẩn người không nói năng gì cả, Tiêu cô nương vội bóc lá thư chìa vào mặt cho cha coi. Thấy trên thư vẽ một thanh bảo kiếm, Công Lễ mừng quá đánh rơi chén rượu bể tan tành, Tiêu cô nương giật mình hoảng sợ nhưng thấy cha vui vẻ, hai tay hơi run, liền hỏi:

– Gì thế hở cha?

Tiêu Công Lễ hớn hở quay lại hỏi con:

– Cái thư này ở đâu tới? Ai đưa cho con? Ông ta lại tới đấy ư? Có thật không?

Tiêu cô nương đến cạnh cha xem, thấy lá thư đó không có chữ, chỉ vẽ một cây kiếm đầu rắn. Nàng không biết cây kiếm ở trên tờ giấy có ý nghĩa gì khiến cha nàng mừng rỡ như vậy liền hỏi lớn:

– Cái gì thế cha?

Tiêu Công Lễ đáp:

– Ông ta tới, cha sẽ khỏi chết. Con đã gặp ông ta đấy à?

– Ai hở cha?

– Kim Xà Lang Quân!

– Nhưng cha đã nghe Kim Xà Lang Quân chết rồi, sao bây giờ lại còn sống là thế nào?

Tiêu cô nương nhớ lại lá thư Thừa Chí trao cho nàng, trong lòng cảm thấy lo ngại không yên, vì trong thư chỉ vẽ một con rắn ngoài ra không một dòng chữ nào cả.

Nhưng nhớ lời dặn của Thừa Chí nên thiếu nữ đứng yên không nói năng gì nữa cả.

***

Thừa Chí sang phòng Thanh Thanh cất tiếng gọi:

– Chú Thanh! Chú đi với tôi.

Thanh Thanh đang nằm nghe gọi nhổm người lên:

– Đi đâu thế anh?

– Chúng ta đến nhà Tiêu Công Lễ.

Thanh Thanh hỏi:

– Để thăm Tiêu cô nương à?

– Chú Thanh lạ thật. Chúng ta đã hứa giúp đỡ cho Tiêu Công Lễ rồi đâu thể nuốt lời.

– Nhưng đại huynh đi giờ này để làm gì?

– Tôi muốn biết lời của lão Tiêu Công Lễ nói có thật hay không?

– Vậy đại huynh tới đó bàn bạc với Tiêu cô nương đủ rồi, cần chi đến tiểu muội.

– Tiêu cô nương là người ngoài, còn tôi với chú là tình bằng hữu chi giao, không có chú tôi không hăng hái gì cả.

– Anh nói có thật không?

– Tôi dối chú làm gì.

– Thôi cũng được, tiểu muội đi với đại huynh đây.

Hai người ra khỏi khách điếm thẳng tới toà bão trang của Tiêu Công Lễ. Trong nhà còn thức nên thấy ánh sáng đèn lọt qua cánh cửa sổ.

– Chúng ta đi ngả này! Thừa Chí nắm tay Thanh Thanh cho nàng nương sức rồi cùng phóng qua tường lọt vào trong.

Thừa Chí và Thanh Thanh tiến ngay lại cánh cửa sổ khép hờ, phóng mình vào trong.

Chợt nghe phía bên trong có tiếng nói của Tiêu Công Lễ:

– Không hiểu Kim Xà Lang Quân có còn sống thật không sao, cha nghi quá con ạ! Giọng nói của Tiêu cô nương nổi lên:

– Thật mà, cũng chắc chắn Kim Xà Lang Quân sẽ tới đây can thiệp, không thất hứa đâu.

Thì ra Tiêu Công Lễ vẫn còn hoài nghi trong lá thư Thừa Chí đã gửi.

(Thiếu: chỗ này đúng ra phải có mấy trang nữa để nói về chuyện Thừa Chí và Thanh Thanh đột nhập nhà của Mẫn Tử Hoa để lấy những đồ vật trong tay anh em họ Sử.)

Thanh Thanh bão:

– Chúng ta đi thôi! Thừa Chí giật lại:

– Hãy khoan đã! Nói xong, chàng dùng ngón tay trỏ viết lên bàn sáu chữ: “Đệ Tiêu Công Lễ bách bái”. Những chữ sâu lõm vào mặt bàn chừng hai, ba phân. Viết xong, hai người nhảy ra ngoài cửa sổ. Thấy có làn gió đưa tới, một thanh kiếm đã đâm đến trước ngực, Thừa Chí giơ cánh tay ra bắt luôn cổ tay kẻ địch. Kiếm pháp địch cũng nhanh. Lúc ấy mũi kiếm đã đâm trúng ngực chàng rồi. Nhờ có áo lót sợi vàng của Mộc Tang đạo nhân mà chàng mặc bên trong, nên không bị mảy may.

Thấy kiếm đã đâm trúng ngực đối phương rồi, nhưng không sao xuyên được vào da thịt, kẻ địch sợ hãi vô cùng, cổ tay bị nắm như kềm sắt kẹp. Đồng thời, thấy chưởng phong nổi lên, một chưởng đã đánh tới mặt, y vội bỏ kiếm giằng co. Đối phương không muốn giết y, rút chưởng cướp luôn thanh kiếm, vượt tường nhảy ra ngoài.

Thì ra người ở ngoài cửa sổ phục kích Thừa Chí và Thanh Thanh, là Truy Phong Kiếm Vạn Phương. Y được Tử Hoa nhờ vả đến nhà Tiêu Công Lễ thám thính. Không ngờ Phi Thiên Ma Nữ Tôn Trọng Quân hiếu thắng vô cùng, cũng lén lút theo tới. Hai người mới nghe trộm được vài câu, kiếm của Trọng Quân bị người lấy trộm lúc nào không biết. Cả hai cùng hoảng sợ liền bỏ về ngay. Vừa mới ra tay đã bị thất thế, cả hai cùng xấu hổ và tức giận. Nhất là Vạn Phương, suốt đêm không ngủ được, ra ngoài vườn bách bộ, thấy trong phòng anh em họ Sử có ánh sáng, biết có kẻ địch tới, liền đến trước cửa sổ đợi chờ phục kích. Khi thấy kẻ địch nhảy ra, y tưởng một kiếm tất phải thành công, ngờ đâu bảo kiếm lại bị đối phương cướp đi. Y là đệ nhất cao thủ của phái Điểm Tang. Sáu mươi tư miếng Truy Phong Kiếm đã xuất thần nhập hoá, oai trấn trời Nam, võ công của y giỏi hơn cả chưởng môn phái Điểm Tang Long Trực, là đại sư huynh của y. Ngờ đâu tối hôm nay, y liên tiếp bị thất thế, trong lòng nghĩ thầm:

“Chẳng lẽ người đó là quỷ quái hay sao mà đao kiếm đâm không lọt.” Nghĩ đoạn, y vội vỗ tay báo cho các người biết.

Hãy nói Thừa Chí và Thanh Thanh vượt tường nhảy ra bên ngoài nghe tiếng vỗ tay nổi lên tứ phía, biết kẻ địch bố trí khá cẩn mật, liền nằm yên dưới chân tường ẩn núp, chỉ nghe trên mái nhà có tiếng chân người đi lại tuần tiễu.

Thanh Thanh bỗng nói:

– Anh thử rờ xem cái này là cái gì?

Nói đoạn, nàng kéo tay Thừa Chí đến chỗ chân tường mà nàng đang phục. Thừa Chí rờ thấy chân tường bằng đá có khắc chữ. Chữ đầu là chữ “Đệ”, chữ thứ hai là “Tứ”, thứ ba là “Công”, thứ tư là “Quốc”, thứ năm là “Ô Nguỵ”, đọc ngược trở lại là “Ô Nguỵ Quốc Công Tứ Đệ”. Ngờ đâu tìm kiếm mười mấy ngày không sao kiếm thấy nơi Ngụy Quốc Công Phủ, mà bây giờ tình cờ lại kiếm ra được, hai người hớn hở vô cùng. Thanh Thanh vui mừng múa chân múa tay, Thừa Chí vội kéo nàng xuống khẽ bảo:

– Hãy yên lặng! Kẻ địch đã đến kìa! Vừa dứt lời, đã thấy bóng ba người vượt tường nhảy vào trong nhà, Thừa Chí vội nói:

– Đi thôi! Hai người giở khinh công chạy thẳng một mạch về khách điếm, lúc ấy đã canh tư, trong khách điếm, ai nấy đều yên ngủ cả. Thanh Thanh thắp nến lên, Thừa Chí lấy giấy tờ ra xem. Trước hết, chàng lấy hai lá thư cũ nhất ra xem, quả nhiên một tờ là giấy nhận lỗi của Trương trại chủ và một lá thư cảm ơn của Khấu Đạo Đài.

Thanh Thanh vừa cười vừa nói:

– Phen này anh cứu cha nàng thoát chết, không biết nàng lấy gì tạ ơn anh nhỉ?

Thừa Chí ngạc nhiên hỏi:

– Nàng nào cơ chứ?

– Đại tiểu thư của Tiêu Công Lễ ấy mà! Biết nàng nói chơi, Thừa Chí không trả lời, cúi đầu đọc kĩ hai lá thư, rồi nói:

– Lời nói của Tiêu Công Lễ là sự thật cả. Nếu ông ta có chút nào bịa đặt là anh khoanh tay không cứu giúp nữa, khỏi phải gây thù gây hận với các tiền bối trong giang hồ. Huống hồ trong bọn họ lại còn các đệ tử của nhị sư ca.

Thanh Thanh nửa đùa nửa thật nói:

– Cái cô tên là Phi Thiên Ma Nữ gì đó đẹp đấy nhỉ?

Thừa Chí đáp:

– Người đó có thủ đoạn độc ác, làm việc không suy nghĩ, bỗng dưng chặt đứt một cánh tay người ta. Nếu không nể vị sư, anh đã ra tay trừng trị nó rồi. Cũng vị sợ mất lòng sư huynh mà anh phải hẹn Tiêu cô nương đến đây kiếm anh để khỏi lộ tông tích của chúng ta.

Thấy chàng nói rất hợp tình hợp lí, Thanh Thanh không đùa nữa. Lại mở tiếp mấy thư khác ra coi, không nén nổi tức giận, Thừa Chí lớn tiếng nói:

– Chú xem coi! Chưa thấy chàng tức giận như thế này bao giơ, Thanh Thanh kinh ngạc, vội chạy lại giở những lá thư đó ra xem. Thì ra những thư đó là mật thư của Cửu Vương Đa Nhĩ Cổn nước Mãn Châu gửi cho anh em họ Sử. Trong thư dặn anh em y giết Tiêu Công Lễ xong, thừa cơ đoạt lấy bang Kim Long, để làm nội ứng cho Mãn Thanh. Công việc đầu tiên là anh em y phải dò thám tin tức, liên lạc giang hồ hảo hán, rồi chờ quân Thanh đánh vào Quan ải, là khởi binh nổi loạn liền. Thấy vậy Thanh Thanh cũng ngẩn người ra, không nói được nửa lời. Tuy nàng còn ít tuổi hay tinh nghịch, nhưng dù sao nàng vẫn là con người biết yêu nước, yêu nòi. Nên khi xem xong, cơn giận nổi lên, nàng định xé nát các giấy tờ đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.