Bích Huyết Kiếm

Hồi 13: Cố tìm vật báu, tình cờ gặp cố nhân



Thanh Thanh không biết đánh cờ vây, đứng cạnh xem giây lát nản chí ngay, lại thêm trên vai bị thương, tinh thần mỏi mệt, liền gục xuống bàn ngủ thiếp đi.

Mộc Tang đạo nhân bảo Uyển Nhi rằng:

– Tiêu đại nương đỡ y vào phòng cô ngủ đi.

Mặt đỏ bừng, Uyển Nhi giả vờ không nghe, nghĩ thầm: “Vị trưởng này điên rồi chắc?” Mộc Tang ha hả cười và nói:

– Y là con gái đấy, cô sợ cái gì?

Uyển Nhi hỏi Thừa Chí rằng:

– Viên tướng công, có thật thế không?

Thừa Chí vừa cười vừa trả lời:

– Nàng mặc giả trai để đi lại bên ngoài cho tiện.

Uyển Nhi mỉm cười, đỡ Thanh Thanh vào trong nhà. Thanh Thanh gượng nói:

– Tôi không mệt, tôi còn muốn xem.

Lúc ấy, tuy nói vậy, nhưng nàn đã buồn ngủ, mắt đã híp lại rồi. Uyển Nhi tuy ít tuổi nhưng giàu kinh nghiệm, liền một mặt an ủi nàng:

– Chị muốn xem cũng được, hãy vào nghỉ một chốc, lát lại ra xem.

Uyển Nhi đỡ Thanh Thanh về phòng mình cởi khăn đầu ra, quả nhiên thấy nàng là con gái thật. Trên đầu còn cắm hai chiếc ngọc trâm.

Một mặt đánh cờ, một mặt nghĩ tới cuộc hẹn ước đêm mai của vợ chồng nhị sư huynh, Thừa Chí tâm thần bất định, đi nhầm liền hai nước, trấn định lại tinh thần sực nghĩ đến câu chuyện vừa rồi, liền cất tiếng hỏi:

– Tại sao đạo trưởng biết nàng là gái?

Mộc Tang ha hả cười nói:

– Tôi với Thôi thúc thúc năm hôm trước đã gặp cậu rồi, muốn dò xét xem võ nghệ và nhân phẩm của cậu ra sao, cho nên cứ lén lút như vậy. Này, cẩn thận tôi ăn quân đây này… Võ công của cậu đã giỏi lắm rồi. Tuy cậu chưa chắc đã thắng nổi sư phụ, nhưng đối với tôi, tôi tất phải thua.

Thừa Chí vội đứng dậy khiêm tốn và cảm tạ rằng:

– Nhờ ơn của đạo trưởng mới được như vậy. Mấy ngày gần đây nếu đạo trưởng rỗi rãi, xin chỉ giáo thêm cho cháu ít tí võ nữa.

Mộc Tang cười nói:

– Cậu đánh cờ với tôi, có bao giờ mất công đánh không đâu. Nhưng bây giờ, võ nghệ của tôi cậu đã học hết rồi. Và còn giỏi hơn tôi là khác. Có lẽ tôi phải nhờ cậu dạy vài miếng thì đúng hơn. Ha, ha, tôi bị xâm nhập góc này rồi… Học giỏi võ tất nhiên là khó rồi, mà nhân phẩm của cậu mới thật là hiếm có. Một người thiếu niên tuổi trẻ ngày đêm gần một thiếu nữ xinh đẹp, lúc nào cậu cũng giữ tư cách đứng đắn và lễ phép nên tôi với Thôi thúc thúc không những thâm tâm khen ngợi cậu, mà còn chịu phục cậu là khác.

Thừa Chí mặt đỏ bừng, trong lòng nghĩ thầm: “Nếu mình có gì xấu xa có phải là nguy không. Ông ta theo dõi mấy ngày liền mà mình không hay biết tí gì. Như vậy, đủ thấy khinh công của ông ta cao siêu như thế nào?” Lúc ấy, bỗng nghe bên ngoài có tiếng động nho nhỏ, biết có người tới rình mò, thấy Mộc Tang làm thinh, Thừa Chí cũng để mặc, tiếp tục đánh cờ. Mộc Tang nói:

– Lúc nãy cử động của Nhị sư tẩu cậu, ta đều trông thấy hết. Cậu cứ yên trí, ngày mai ta sẽ giúp cậu đối phó với vợ chồng họ.

Thừa Chí nói:

– Đệ tử không muốn đấu với anh chị ấy. Xin đạo trưởng giảng hòa hộ cho thì hơn.

Mộc Tang lại nói:

– Sợ gì? Cậu cứ việc ra tay đánh đi. Sau này sư phụ cậu có khiển trách, thì cậu cứ nói là tôi bảo cậu đánh đấy! Nói tới đây, trên mái nhà lại có bốn người nhảy xuống. Cộng với ba bóng người lúc trước là bảy người.

Một luồn gió mạnh đưa tới, bốn chiếc phi tiêu nhắm Mộc Tang và Thừa Chí phi tới. Mộc Tang quơ tay lên chộp hết bốn ám khí đó để lên mặt bàn, mắt vẫn nhìn vào bàn cờ coi như không có việc gì xảy ra cả. Những người ở bên ngoài nổi giận, cả bảy người do cửa giữa xồng xộc tiến vào, ai nấy trong tay đều có khí giới. Mộc Tang cười nói:

– Cậu có thể một lúc ăn hết bảy quân của tôi không?

Thừa Chí hiểu ý trả lời rằng:

– Đệ tử thử xem đã.

Lúc ấy hai người đi đầu cúi mình xuống đỡ đồng bọn đang nằm dưới đất. Còn năm người kia thì hùng hổ xông lại chém Mộc Tang và Thừa Chí. Nắm một số quân cờ ném ra, Thừa Chí tung mạnh ra chỉ nghe mấy tiếng, kẻ địch đều bị quân cờ ném trúng yếu huyệt, bọn này buông đao kiếm rơi xuống mặt gạch kêu “loảng xoảng”. Thanh Thanh ngủ xong, nghe tiếng động liền nhanh lẹ chạy ra thấy Thừa Chí và Mộc Tang đánh cờ, có quân cờ nằm trên mặt đất lại có bảy tên đại hán. Sợ ảnh hưởng đến nước cờ của Mộc Tang và Thừa Chí, Thanh Thanh chẳng dám lên tiếng hỏi, chỉ vỗ tay ba cái, mọi người trong nhà chạy ra. Uyển Nhi sai tất cả vây chặt bảy tên đại hán vào chính giữa tấn công ào ạt… Nửa tiếng sau, Thừa Chí thua ba quân. Mộc Tang cười nói:

– Võ công của cậu đã tiến khá xa, còn chuyện đánh cờ thì không thấy cao tí nào cả.

Thừa Chí đáp:

– Nước cờ của đạo trưởng kì diệu quá, đệ tử không sao đỡ nổi.

Mộc Tang quay đầu lại nói với Uyển Nhi rằng:

– Cô cho người khám xét trong người chúng xem.

Uyển Nhi ra lệnh, bọn gia đinh liền cúi xuống khám xét mười tên gian đồ. Thấy trong người chúng, ngoài chút ít tiền bạc, vài thứ ám khí ra, còn có mấy phong thư và mấy cuốn sổ tay ghi chú những ám hiệu (tiếng lóng để nói riêng cho nhau hiểu). Có một phong thư của Đa Nhĩ Cổn viết cho Thái giám Tào Háo Thuần. Trong thư nói rõ vì Sơn Hải quan khám xét nghiêm ngặt quá, Đa Nhĩ Cổn phải sai sứ giả đi vòng qua đường bể tới và dặn Thái giám họ Tào cứ việc định các điều cơ mật với sứ Hồng Thắng Hải, vân vân…

Mộc Tang cả giận la lớn:

– Những quân gian tặc này càng ngày càng to gan lớn mật. Trước mắt trong tay tay mà chúng còn đòi muốn cứu đi! Liền đó ông ta giơ chân phải đá một cái, một tên gian nhào lộn, Mộc Tang định đá nữa, thấy vậy Thừa Chí vội ngăn lại:

– Thưa đạo trưởng, xin để chúng lại. Đệ tử xử lí đủ rồi.

Trong khi giận Mộc Tang còn muốn xé mấy lá thư, nhưng Thừa Chí đã cản lại, liền nói:

– Vậy ta cũng nghe theo nhưng ngày mai, ngươi đến đây gặp bần đạo.

Dù vậy vẫn còn hứng thú, hai người đánh liền mười ván đến mới chịu thôi.

Còn thức một mình, Thừa Chí suy tính trong lòng day dứt, thù cha ta chưa báo được. Những thư từ và tín vật này có lẽ là trời ban cho ta dịp may để ta được lén vào trong cung trả thù cho cha ta. Nghĩ đoạn, chàng giải huyệt cho một người tỉnh dậy, hỏi y xem ai là Hồng Thắng Hải. Thì thấy người đó mặt mũi tuấn tú, ngoài ba mươi tuổi. Thừa Chí tới gần giải huyệt cho y tỉnh dậy, xét hỏi mọi điều, Hồng Thắng Hải bướng bỉnh nhất định không chịu nói. Thừa Chí nghĩ thầm: “Y ở trước mặt đồng đảng, mới không chịu xưng như vậy.” Thừa Chí sai gia đinh dẫn y vào trong thư phòng liền hỏi:

– Anh là sứ giả của Cửu Vương, chắc phải là một tay hảo hán. Bây giờ tôi hỏi anh điều gì, anh trả lời điều đó. Nếu anh không nói thật, tôi sẽ làm anh phải đau đớn và chết dần.

Hồng Thắng Hải nổi giận nói:

– Tên yêu đạo kia, ngươi muốn sử dụng tà pháp. Dù có chết ta cũng không phục.

Thừa Chí nói:

– Thế ra anh cho anh võ nghệ tinh cường lắm phải không. Tôi nói để anh rõ: Anh là người Hán mà chịu làm tôi tớ Phiên bang thật là nhục nhã và đáng chết lắm, anh còn kêu oan gì nữa. Nếu anh không phục, tôi vui lòng để cho anh đấu võ lại, nhược bằng anh thua, tôi hỏi gì anh phải thành thật mà trả lời.

Thừa Chí biết tên đó võ nghệ cũng khá, muốn thu phục để sau này phục vụ cho mình. Hồng Thắng Hải cả mừng nghĩ thầm: “Vừa rồi không hiểu tại sao yếu huyệt của mình bị tê một cái là ngã lăn đùng. Tất là tên yêu đạo sử dụng pháp thuật. Bây giờ tên yêu đạo kia đã vắng mặt. Tên thiếu niên này địch ta sao nổi? Dại gì ta lại không nhận lời y nhỉ?” Nghĩ đoạn, y liền trả lời:

– Được, nếu ta thua, ngươi muốn hỏi gì ta trả lời ngay.

Thừa Chí đi đến cạnh y, hay tay cầm dây thừng, chỉ khẽ dùng sức, dây thừng trói chân Hồng Thắng Hải đứt liền. Hồng Thắng Hải rất ngạc nhiên vì dây thừng trói chân tay y là dây gai rất chắc. Y đã dùng sức cựa thử mà không thấy suy suyển tí nào. Ngờ đâu Thừa Chí chỉ khẽ giật một cái, cả sợi dây thừng đứt làm mấy đoạn ngay. Trong lòng khinh nhờn thấy vậy sợ hãi ngay, Hồng Thắng Hải liền nói:

– Ngươi muốn đấu như thế nào? Chúng ta ra ngoài kia đấu quyền hay đấu khí giới cũng được.

Thừa Chí cười nói:

– Ta dùng quân cờ ném trúng yếu huyệt của anh mà anh lại tưởng sử dụng yêu pháp. Thật là buồn cười! Coi thân pháp của anh nhảy vào sảnh này, tôi đã biết anh có học qua nội công.

Hồng Thắng Hải lại giật mình kinh hãi, trong lòng nghĩ thầm: “Quái lạ, khi ta nhảy vào trong sảnh, thấy mắt hai người cứ nhìn vào bàn cờ, hình như không biết gì cả. Ngờ đâu hành động của mình đều lọt hết vào mắt của họ.” Nghĩ xong, y gật đầu.

Thừa Chí lại nói:

– Nếu vậy chúng ta cứ thử sức ở đây nhé.

Hồng Thắng Hải đáp:

– Vâng, chẳng hay các hạ quý tính đại danh là gì?

Thừa Chí cười nói:

– Chờ lúc nào anh thắng, tôi sẽ cho hay sau.

Hồng Thắng Hải liền đứng thế chờ Thừa Chí đứng dậy. Thừa Chí cứ ngồi yên, mài mực cầm bút, trải tờ giấy trắng ra, rồi nói:

– Tôi ở đây viết, viết cái gì nhỉ? à, viết bài Đường thơ “Binh Xa Hành” của “Đỗ Công Bộ” vậy.

Thấy chàng bảo tỉ võ mà lại ngồi viết thơ, Hồng Thắng Hải ngạc nhiên vô cùng, cũng ngồi xuống xem.

Thừa Chí nói:

– Anh đừng ngồi! Chàng giơ bàn tay trái ra nói tiếp:

– Nếu anh đẩy được tôi di chuyển mà những chữ tôi đang viết đây có nét nào cong queo là coi như anh thắng, tôi tha anh ra khỏi đây ngay. Nếu tôi viết xong bài thơ mà anh không làm gì nổi tôi, thì tôi hỏi điều gì anh phải thành thật trả lời, chứ không được giấu giếm nửa câu.

Hồng Thắng Hải cả cười nghĩ thầm: “Thằng nhỏ này mới ra đời, không biết trời cao đất rộng là gì có khác. Nó tự thị võ nghệ cao cường, mà dám khinh ta đến thế. Ừ! Phải đấy, có lẽ nó thấy ta mi thanh mục tú tưởng ta không có chút bản lĩnh nào mới bảo ta thử tài như vậy.” Y liền nói:

– Đấu như thế này không được công bằng. Thừa Chí cười nói:

– Không sao. Tôi đã bắt đầu viết đây, anh cứ ra tay đi! Thừa Chí viết được ba chữ, Hồng Thắng Hải đã vận sức vào bàn tay, song chưởng dùng thế “Bài Sơn Đảo Hải” đẩy mạnh tay trái của Thừa Chí, Thừa Chí khẽ chếch bàn tay vào bàn để cho sức của đối phương lướt đi. Thấy thế đầu không làm gì nổi Thừa Chí, Hồng Thắng Hải liền dùng bàn tay phải đè xuống, bàn tay trái nâng lên, kẹp cánh tay đối phương vào giữa. Y tưởng chỉ dùng sức một cái là cánh tay của Thừa Chí phải gãy đôi. Thừa Chí vẫn viết thơ như thường, miệng nói:

– Thế này là “Thăng thiên Nhập địa” là một thế võ tuyệt tác của phái “Bột Hải” tỉnh Sơn Đông. Vậy anh là môn phái “Bột Hải” phải không.

Một mặt nói, chàng một mặt rút cánh tay lại, tựa như con cá chui ở trong hai bàn tay Hồng Thắng Hải ra. Chỉ nghe “bộp” một tiếng, Hồng Thắng Hải không kịp thu hai tay lại, đã tự tát vào mình một cái rồi. Y cả giận, giở hết tuyệt học của phái “Bột Hải” ra tấn công. Thừa Chí tay phải vẫn viết thơ không ngừng, tay trái ung dung đỡ hết các thế võ của đối phương. Chỉ thấy cánh tay trái chàng giơ ra co vào, mắt chàng chăm chú vào bài thơ đang viết, người vẫn ngồi yên như tượng đá như thế cho tới thế võ cuối cùng của Hồng Thắng Hải là “Trảm Giao Quyền” sắp sử dụng xong. Chàng mới lên tiếng nói:

– Thế võ “Trảm Giao Quyền” của anh còn chín miếng nữa mà bài thơ của tôi sắp viết xong. Thôi được, để tôi chờ anh. Bây giờ anh đánh một miếng là tôi viết một chữ vậy.

Hồng Thắng Hải giật mình sợ hãi, nghĩ thầm: “Sao y lại thuộc quyền pháp của ta đến thế? Nhưng ta chưa hề thấy chưởng pháp của y bao giờ. Nếu bảo y là người đồng môn lại không đúng!” Nghĩ xong, y xử nốt chín miếng quyền kia. Lúc này y không mong đánh đổ được Thừa Chí, chỉ hi vọng làm cho Thừa Chí nhích người và nét chữ cong queo là y có thể thoát thân được. Nhưng sử dụng đến miếng thứ bảy vẫn không làm gì nổi Thừa Chí. Hồng Thắng Hải vắt hai tay lên đầu, húc mạnh vào người Thừa Chí. Y tưởng võ công của đối phương có giỏi chịu nổi cái húc này, nhưng còn cái ghết tất nhiên phải chuyển động. Ngờ đâu, y càng cáu kỉnh, càng dùng quá sức, đã phạm điều tối kị trong võ phái vì làm như thế y muốn ngừng tay hay kềm hãm sức lại không được nữa.

Quả nhiên, y thấy khuỷu tay bị đối phương nâng lên, rồi không biết một sức mạnh ở đâu tới, không đứng vững được nữa, cả người ngả ngửa về phía sau và bay bổng lên trên không, lộn liền ba vòng. Chỉ nghe “thình” một tiếng, y đã ngã ngồi xuống đất, tối tăm cả mặt mũi. Mấy phút sau y mới định thần đứng dậy được.

Lúc ấy Tiêu Uyển Nhi bưng một ấm chè mới pha bước vào và nói rằng:

– Viên tướng công, chè Long Tĩnh mới pha, mời tướng công xơi cho đỡ khát.

Thừa Chí uống một ngụm trà, cất tiếng khen ngon, rồi đưa bài thơ vừa viết xong cho Uyển Nhi xem và hỏi:

– Tiêu cô nương làm ơn xem hộ bài thơ này có chữ nào viết hư và có nét nào cong hay không?

Uyển Nhi cầm bài thơ lên xem một lát rồi cười nói:

– Viên tướng công quả thật là văn võ toàn tài. Chẳng hay tướng công có vui lòng cho tôi bài thơ này hay không?

Thừa Chí trả lời:

– Chữ tôi xấu lắm. Bài thơ này là tôi đánh cuộc với anh bạn kia mà viết ra đó thôi. Xin cô nương đừng cho người khác trông thấy, khỏi người ta chê cười.

Uyển Nhi cám ơn, gấp bài thơ đó bỏ vào túi rồi đi vào nhà trong.

Thừa Chí hỏi Hồng Thắng Hải rằng:

– Cửu Vương cử anh đến liên lạc với Tào Háo Thuần để thương lượng việc chi?

Hồng Thắng Hải ú ớ không dám nói. Thừa Chí lại nói:

– Vừa rồi chúng ta đã đánh cuộc, và anh có thắng tôi đâu?

Hồng Thắng Hải cúi đầu khẽ đáp:

– Võ nghệ của tướng công quả thật kinh người. Từ nhỏ tới giờ chưa hề thấy qua, và cũng chưa hề nghe qua.

Thừa Chí nói:

– Anh thử rờ vào xương sườn thứ hai ở phía dưới vú bên trái thử xem?

Hồng Thắng Hải nghe lời rờ vào chỗ đó, giật mình sợ hãi và nói:

– Chỗ đó tê liệt không thấy đớn đau gì cả?

Thừa Chí lại nói:

– Anh lại rờ phía lưng bên phải xem?

Hồng Thắng Hải vừa đụng tay vào chỗ đó bỗng rú lên một tiếng rồi nói làm sao bên này lại đau thế?

Thừa Chí mỉm cười nói:

– Thế thì phải rồi.

Chàng rót một chén nước vừa uống, giở một cuốn sách trên bàn ra đọc, bỏ mặc Hồng Thắng Hải, không thèm ngó ngàng gì đến. Lúc này Hồng Thắng Hải khó nghĩ quá, muốn ở, không phải, muốn đi cũng không dám, thật là tiến thoái lưỡng nan. Một lát sau, Thừa Chí mới ngẩng đầu lên nói:

– Anh vẫn còn chưa đi ư?

Hồng Thắng Hải mừng quá liền hỏi:

– Tướng công tha tôi đấy à?

Thừa Chí nói:

– Anh tự đến không do tôi mời anh, vậy nay anh đi tôi cũng không giữ anh đâu.

Hồng Thắng Hải cả mừng, liền đứng dậy và nói:

– Tôi không dám quên ơn tướng công.

Thừa Chí gật đầu, lại cúi xuống tiếp tục đọc sách như thường. Y sợ đi ra cửa giữa có người cản trở, nên đẩy cửa sổ phi thân ra ngoài, quay đầu lại nhìn, thấy Thừa Chívẫn đọc sách, không có vẻ theo đuổi, trong lòng mới yên tâm, nhảy lên mái nhà chạy thẳng.

Thấy Thừa Chí cứu cha mình thoát khỏi tai nạn, Uyển Nhi cảm động vô cùng. Lúc ấy, trời đã sắp sáng, nàng vẫn còn thức, thấy trong sảnh có ánh sáng đèn, biết Thừa Chí chưa đi ngủ, liền sai tì nữ làm mấy món điểm tâm rồi nàng bưng vào cho chàng ăn. Thấy Thừa Chí đang đọc cuốn Hán thư, nàng nói:

– Viên tướng công còn chưa đi nghỉ ư? Xin dùng chút điểm tâm này.

Thừa Chí đứng dậy cám ơn và nói:

– Cô nương đi nghỉ đi, đừng tiếp tôi nữa. Tôi còn phải ở lại đây chờ đợi một người…

Vừa nói tới đây, đã có một người nhảy qua cửa sổ vào, Uyển Nhi giật mình nhìn kĩ mới hay người đó là Hồng Thắng Hải. Cúi đầu chào Uyển Nhi xong, Hồng Thắng Hải tiến đến trước mặt Thừa Chí quỳ xuống và nói:

– Viên anh hùng, tiểu nhân đã biết lỗi rồi. Xin anh hùng cứu vớt cho tiểu nhân khỏi chết! Thừa Chí giơ tay ra đỡ, Hồng Thắng Hải cứ quỳ không chịu đứng dậy, rồi khẩn khoản nói:

– Từ nay trở đi, tiểu nhân nhất định hối cải. Xin Viên anh hùng xá lỗi cho.

Uyển Nhi đứng cạnh trố mắt lên nhìn, ngạc nhiên không hiểu. Chỉ thấy Thừa Chí hay tay dùng sức hất lên một cái, Hồng Thắng Hải lộn ngược về phía sau một vòng.

“Đùng” một tiếng, y đã ngồi phệt xuống đất, rồi rờ tay vào sườn bên trái và phía sau lưng, vẻ mặt hớn hở. Y lại ấn mạnh vào giữa ngực, bỗng cau mày buồn rầu.

Thừa Chí nói:

– Anh có hiểu không?

Có là người thông minh lanh lẹ, Hồng Thắng Hải mới được Cửu Vương cho là sứ giả, thấy Thừa Chí nói như vậy, y sực nghĩ lại, hiểu ngay tức thì, liền nói:

– Viên anh hùng muốn hỏi điều gì, tiểu nhân xin nói thật ngay.

Biết hai người nói chuyện cơ mật đại sự, Uyển Nhi vội cáo lui. Thì ra, Hồng Thắng Hải rời khỏi nhà họ Tiêu, chạy thẳng về khách sạn, cởi áo ra xem, thấy trước ngực có một dấu vết đỏ, to bằng đồng tiền, rờ mó vào không thấy đau đớn gì cả. Còn chỗ dưới nách có ba điểm đen bằng hạt đậu thì đau đớn vô cùng. Lúc ấy, y mới hay, khi đấu sức bị đối phương đánh bị thương mà không hay. Y liền ngồi xếp bằng tròn, điều khí phản nguyên, vận dụng nội công. Ngờ đâu, y vừa nhịn hơi một cái, dưới nách đã đau như dao cắt, vội nằm thẳng xuống, mới thấy đỡ đau. Thử liền ba lần, đều đau như thế cả, y mới sực nhớ ra trong võ thuật có gọi là Hỗn Thiên Công.

Thứ võ này có thể mượn sức kẻ địch đánh lại khiến kẻ địch bị thương không hay biết gì. Nếu kẻ địch để yên không chữa, chỉ trong một trăm ngày là vết thương sưng lên chết liền. Y càng sợ, liền nghĩ thầm: “Ngoài Thừa Chí ra, không ai có thể cứu nổi.” Vì vậy, y lại phải quay trở lại.

Thừa Chí nói:

– Người anh đã bị thương hai chỗ. Chỗ thấy đau đớn, tôi đã chữa khỏi cho rồi. Còn một chỗ không đau, ba tháng sau, vết thương tê đó lan rộng đến trái tim, anh sẽ hết thọ! Hồng Thắng Hải vái lạy đầu chạm đất “cồm cộp”, Thừa Chí nghiêm nét mặt nói:

– Anh nối giáo cho giặc, nhận kẻ thù làm cha, tội đó không sao dung thứ được. Tôi muốn hỏi anh có muốn đái tội lập công không?

Hồng Thắng Hải ứa nước mắt nói:

– Từ khi tiểu nhân làm việc này có lúc đêm khuya tự vấn lương tâm, cũng cảm thấy có lỗi với tiền nhân, nhục mạ tổ tiên. Chỉ vì một việc năm nọ, dồn tiểu nhân vào đường cùng mới chịu làm như vậy.

Thừa Chí thấy y có vẻ hối lỗi ăn năn thật, mới hỏi:

– Anh hãy đứng dậy, ngồi xuống ghế thong thả mà nói. Ai dồn anh vào con đường cùng?

Hồng Thắng Hải đáp:

– Là Phi Thiên Ma Nữ Tôn Trọng Quân và Quy Nhị Nương của phái Hoa Sơn.

Thấy y nói như vậy, Thừa Chí ngạc nhiên vô cùng, vội hỏi:

– Cái gì? Là thầy trò chị ta ư?

Hồng Thắng Hải biến sắc mặt hỏi:

– Viên anh hùng quen biết thầy trò nó hay sao?

Thừa Chí đáp:

– Vừa rồi tôi còn đấu với họ nữa.

Nghe chàng nói như vậy, Hồng Thắng Hải vừa mừng vừa lo. Y lo vì hay tin người đó ở Nam Kinh, chỉ sợ gặp gỡ dọc đường là nguy hiểm đến tính mạng ngay. Y mừng là Thừa Chí một người bản lĩnh cao cường như vậy, lại là địch thủ của kẻ thù mình. Y liền nói:

– Hai mụ đó bản lĩnh cao cường lắm nhưng tôi quyết chúng không phải là địch thủ của Viên anh hùng đâu. Thầy trò nói thủ đoạn độc ác lắm. Việc gì chúng cũng dám làm. Viên anh hùng nên cẩn thận thì hơn.

Hừ một tiếng, Thừa Chí lại hỏi:

– Tại sao thầy trò chúng lại áp bức anh như vậy?

Hồng Thắng Hải trầm ngâm giây phút trả lời:

– Tiểu nhân không dám nói dối. Tiểu nhân vốn dĩ làm giặc bể ở ngoài khơi tỉnh Sơn Đông. Có một người anh em kết nghĩa mê sắc đẹp của Tôn Trọng Quân. Nhờ người đánh tiếng, nó không nhận lời người ta thì thôi, chẳng nói chẳng rằng, đến cắt hai tai nghĩa huynh tôi. Tiểu nhân thấy vậy trong lòng phẫn uất, hẹn cùng mấy chục anh em bắc cóc nó về, định ép nó lấy nghĩa huynh tiểu nhân. Ngờ đâu, sư mẫu nó Quy Nhị Nương đuổi theo tới, giết chết nghĩa huynh tiểu nhân cùng tất cả các bạn khác. May tiểu nhân nhanh chân mới thoát khỏi tai ách. Thừa Chí nói:

– Họa ấy tự anh gây nên đấy chứ.

Hồng Thắng Hải đáp:

– Tiểu nhân cũng biết việc đó làm lỗ mãng quá, mới gây nên họa lớn nên thoát thân khỏi chết, tiểu nhân cũng không dám lộ diện. Hai mụ đó không biết ai cho chúng hay tin quê quán của tiểu nhân, chúng đến nơi giết chết bà mẹ tiểu nhân đã ngoài bảy mươi và còn giết cả vợ lẫn hai đứa con của tiểu nhân. Nghĩa là chúng giết sạch toàn gia của tiểu nhân.

Thấy y vừa kể vừa khóc, Thừa Chí biết y nói thật, gật đầu vài cái, tỏ vẻ đã tin.

Hồng Thắng Hải nói tiếp:

– Nếu đánh thì tiểu nhân không đánh nổi thầy trò nó. Nhưng mối thù này không trả được thì chịu sao nổi… Vì vậy tiểu nhân hết cách mới lên Liêu Đông phò Cửu Vương…

Nói tới đây, y vừa phẫn uất, vừa đau lòng, Thừa Chí nói:

– Họ giết mẹ, vợ, và con anh tuy hơi quá đáng thật nhưng cũng tự anh mà nên trước. Vả lạ việc đó là tư thù, sao anh lại có thể đầu hàng Phiên Bang cam chịu làm Hán gian như thế?

Hồng Thắng Hải đáp:

– Bây giờ tiểu nhân chỉ cầu Viên anh hùng trả hộ mối thù đó cho, muốn sai tiểu nhân làm gì, tiểu nhân vui lòng tuân theo.

Thừa Chí nói:

– Báo thù ư? Đời này anh khỏi mong. Vì Quy Nhị Nương võ công rất giỏi. Tôi cũng không phải địch thủ của nàng. Anh mau mau hối cải, làm lại một người lương thiện. Còn việc Cửu Vương sai anh đi gặp Tào Thái giám làm gì.

Lúc này, Hồng Thắng Hải không dám giấu giếm nữa, kể hết sự thể cho Thừa Chí nghe. Thì ra Đa Nhĩ Cổn hẹn Tào Thái giám làm nội ứng và khi quân Thanh đánh tới cửa thành Bắc Kinh, Tào Thái giám phải mở cửa thàn ra hiến thành. Nghe y kể xong, Thừa Chí mừng thầm liền hỏi:

– Anh muốn cải tà quy chính không? Hay là đành chịu ba tháng sau chết vì vết thương nọ.

Hồng Thắng Hải đáp:

– Viên anh hùng điềm chỉ cho tiểu nhân một con đường đi, có khác gì phụ mẫu tái sinh của tiểu nhân.

Thừa Chí nói:

– Thôi được. Vậy anh hãy theo tôi làm tùy tòng cho tôi.

Hồng Thắng Hải cả mừng, quỳ sụp xuống đất lạy ba lạy. Thừa Chí nói:

– Từ giờ trở đi, anh đừng có gọi tôi là anh hùng hảo hán nữa.

Hồng Thắng Hải đáp:

– Vâng, tôi xin kêu ngài là tướng công.

Nói xong, y mừng thầm, bụng nghĩ: “Ta cứ theo hầu người. Bây giờ không còn sợ Quy Nhị Nương và Tôn Trọng Quân đến hãm hại nữa. Ba tháng sau, vết thương của ta có làm nguy tất nhiên ngươi cũng phải chữa cho ta.” Nghĩ đoạn, y cảm thấy trong người khoan khoái và tỉnh táo hơn lúc làm Hán gian nhiều.

Bận suốt một đêm trường, Thừa Chí đã thấy mệt liền vào nhà trong đi ngủ và còn cho Hồng Thắng Hải ngủ chung một phòng. Thấy Thừa Chí tín nhiệm mình như vậy, Hồng Thắng Hải lại càng cảm động thêm. Ngủ đến giữa trưa, Thừa Chí mới thức dậy, vừa rửa mặt xong, đã thấy Mộc Tang cầm bàn cờ, Thanh Thanh bưng quân cờ bước vào. Thanh Thanh cười nói:

– Đến lúc này anh mới dậy. Đạo trưởng chờ anh đã lâu lắm rồi. Nào mau đánh cờ đi.

Thừa Chí đưa mắt nhìn Thanh Thanh bỗng nhiên cười khì. Thừa Chí vừa cười vừa hỏi:

– Anh cười cái gì thế?

Thừa Chí vừa cười vừa đáp:

– Chắc đạo trưởng đã nhận lời cho chú cái gì phải không, chú mới chịu khó như vậy và tìm tôi đánh cờ thay chú phải không?

Thanh Thanh cười nói:

– Đạo trưởng chỉ dạy em có môn võ thôi nhưng môn võ đó thần diệu lắm. Người khác đấm mình một quyền, đá mình một cước, mình có thể theo đuôi họ khiến họ không sao đá và đánh trúng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.