Bích Huyết Kiếm
Hồi 24: Sấm Vương vào cung điện, một kiếm diệt Tào công
Các người trong nhà đều lên cả đại sảnh. Hồng Thắng Hải ở bên ngoài chạy vào, kêu lớn:
– Quân của Sấm Vương đã tới.
Lúc ấy tiếng đại bác lại nổ, trong thành ánh lửa rực trời, tiếng hò reo dậy đất, đại quân của Sấm Vương đã đánh tới ngoài thành Bắc Kinh.
Thừa Chí nói với Đồng Huyền rằng:
– Đạo trưởng, nàng đã bái tôi làm sư rồi, việc của tôn sư hãy thong thả…
Hà Thiết Thủ nhanh mồm nói liền:
– Hoàng Mộc đạo nhân bị cô tôi nhốt ở trong Độc Long động tại huyện Đại Lý tỉnh Vân Nam. Hai vị đem cái này đi tới đó để cứu ông ta. Nói xong, nàng đưa cái còi bằng sắt đen, hình con rắn, cho hai người. Đồng Huyền và Mẫn Tử Hoa hay tin sư phụ vô sự, mừng rỡ vô cùng, vội cám ơn nàng và nhận lấy cái còi. Hà Thiết Thủ nói tiếp:
– Cái còi này là lệnh phù của tôi. Hai vị phải đi ngay, quý hồ tới trước bọn giáo chúng ở đây về là cứu được tôn sư ngay, vì giáo chúng ở đó vẫn chưa hay tin tôi đã phản giáo phái, chúng thấy lệnh phù này tự nhiên tha lệnh tôn sư ngay.
Đồng Huyền và Mẫn Tử Hoa vội vàng đi luôn.
Hai người đi không lâu, các nơi hào kiệt đều tới nghe hiệu lệnh của Thừa Chí khởi sự làm nội ứng cho Sấm Vương. Phân phát cho ai phóng hỏa, ai tiếp ứng, Thừa Chí đã có sẵn kế hoạch đâu vào đấy cả. Chàng lại cho người tới chân thành thám thính. Không bao lâu, một tên đầu hạ của Chế Tướng quân Lý Nham sai tới trà trộn vào trong thành để đưa thư. Chàng cả mừng, liền cho người đi các nơi hành sự ngay. Buổi chiều hôm đó, các người đã đem ca dao đi truyền bá khắp mọi nơi. Ở thành Tây, chúng trẻ đều ca rằng:
“Buổi sáng nguyện cầu thăng, buổi chiều nguyện cầu hợp. Gần đay kẻ nghèo khó sinh tồn, sáng sáng mở cửa vái Sấm Vương. Già trẻ lớn bé được phước hưởng.” Quân Minh ở trong thành đã đại loạn, còn ai ngăn cấm dân chúng hát những bài ca dao ấy nữa. Ở miền Nam đêm lên mười hòm châu báu, Thừa Chí đã bán hết lấy tiền để cho nhân viên đắc lực hối lộ các quan binh giữ thành.
Ngày hôm sau là ngày 18 tháng 3, Thừa Chí và Thanh Thanh, Hà Thích Thủ, Trình Thanh Trúc, Sa Thiên Quảng, vân vân, hóa trang làm quân Minh đều lên trên đầu thành trông xuống, chỉ thấy mấy chục vạn quân của Sấm Vương mặc áo vàng, giáp vàng, như là mây vàng phủ khắp cánh đồng. Đại bác cứ bắn vào trong thành. Trận thế của quân thủ thành đã loạn thì địch sao nổi. Những quan binh ăn hối lộ chỉ bắn tên lên trời, và đại bác chỉ bắn thuốc súng không thôi. Tường thành Bắc Kinh tuy dày thật nhưng chỉ một, hai ngày là bị hạ ngay.
Bọn Thừa Chí cả mừng, trưa ngày hôm đó liền chỉ huy mọi người phóng hỏa khắp các nơi, đón đường chém giết quan binh. Dân nghèo khắp mọi nơi đều nổi lên hưởng ứng, trong thành loạn lạc tứ tung. Quần hùng đang hò reo tác chiến với quan binh, Thừa Chí bỗng trông thấy một đội quan binh ủng vệ một Cẩm Y Thái giám vừa đi vừa hò hét. Dưới ánh sáng lửa, Thừa Chí nhận ngay ra tên Thái giám đó là Tào Hóa Thuần.
Thừa Chí cả mừng kêu gọi:
– Tất cả anh em theo tôi lại đây bắt tên gian tặc kia.
Thiết La Hán cùng Hà Thích Thủ mở đường đi trước, xông thẳng sang. Quần hùng đều là những nhân vật cừ khôi trong võ lâm cả thì những quan binh thường cản trở sao nổi. Thấy tình thế bất lợi, Tào Hóa Thuần vội quay đầu ngựa định chạy, Thừa Chí nhảy tới trước mặt, túm lấy chân tên gian tặc ấy lôi ngay xuống dưới đất. Nhận thấy kẻ địch là Thừa Chí, Tào Hóa Thuần sợ hãi quá. Thừa Chí quát lớn:
– Ngươi định chạy đi đâu?
Tào Hóa Thuần đáp:
– Hoàng… hoàng… thượng, sai… tiểu nhân ra cửa thành Trương Nghĩa đốc chiến.
Thừa Chí nói:
– Được, đi tới Trương Nghĩa môn ngay.
Quần hùng quây quần theo Tào Hóa Thuần lên thẳng trên đầu thành, xa xa trông thấy cờ bay phất phới, dưới lá cờ lớn nhất có một người đầu đội nón lá, cưỡi trên ngựa ô, đi lại đốc chiến, người đó tức là Sấm Vương Lý Tự Thành. Thừa Chí lớn tiếng kêu gọi:
– Mau mở cửa thành ra nghênh đón Sấm Vương.
Nói xong, chàng dùng sức bóp mạnh một cái, Tào Hóa Thuần đau đến nỗi chết giấc tại chỗ. Tính mạng đã nằm trong tay người, y đâu dám cưỡng lệnh, huống hồ đã thấy đại thể sụp đổ rồi, y đành phải xoay lại ngay, định đầu hàng Sấm Vương, để được ra nghênh đón tân chủ, may ra vẫn được ở chức cũ. Nghĩ đoạn, y liền ra lệnh cho mở cửa lớn Trương Nghĩa môn. Quân lính của Sấm Vương ở ngoài thành. Thừa Chí dẫn mọi người theo bọn tàn binh của nhà Minh lui vào nội thành.
Trong nội thành cũng có khá nhiều binh sĩ canh gác, lại thêm những tàn binh ở ngoài thành rút lui và đứng chật ních cả tường thành. Lúc ấy trời đã chiều tối, nghĩa quân ở ngoại thành gõ chiêng thu binh để nghỉ ngơi. Bọn Thừa Chí cũng trở về nhà ăn uống nghỉ ngơi. Dưới chân thành tiếng trống và tiếng hò reo vẫn còn ồn ào. Các Thống binh và tướng ta, có người đang đứng tên tường thành đốc chiến và cũng có người bỏ chạy mất dạng rồi, không ai để ý tới bọn Thừa Chí cả.
Về tới nhà, mọi người tắm rửa, thay quần áo và cơm nước xong, đều lên cả nóc nhà xem thấy trong nội thành đâu đâu cũng có ánh sáng lửa. Thừa Chí mừng nói:
– Sáng sớm ngày mai, Sấm Vương có thể tấn công vào nội thành rồi, tối hôm này là lúc ta giết kẻ thù trả thù cho ta đấy.
Mọi người biết chàng định đi hành thích vua Sùng Trinh để báo thù cho cha, ai nấy đều muốn đi theo vào trong thâm cung.
Thừa Chí nói:
– Quý vị đã vất vả một ngày rồi, tối hôm nay còn nhiều việc lớn phải làm. Trong lúc loạn lạn này, trong cung thế nào cũng giới nghiêm kém ngày thường, hành thích hôn quân dễ như trở bàng tay, một mình tôi đi cũng dư sức rồi.
Mọi người nghĩ: “Chàng võ nghệ tuyệt thế như vậy, muốn giết người xưa nay vẫn tự xưng Cô gia quả nhân, hơn nữa trong lúc loạn li, các thị vệ có lẽ đã bỏ chạy hết sạch, thật dễ như trở bàn tay.” Vì vậy, ai nấy đều nghe lời ở lại. Thừa Chí dặn Thanh Thanh lập một bài vị viết “Tiền quân cố Binh Bộ Thượng thư Kế Liêu Đốc soái Viên” và thắp sẵn hương nến, chờ chàng chặt đầu Sùng Trinh đem về tế lễ cha mình, rồi mới đem ra đầu thành treo lên để bêu riếu. Lúc ấy chỉ đứng trên cao hô lên một tiếng là cả thủ quân trong nội thành phải tan rã ngay. Chàng đem theo một cái túi da để đựng đầu lâu nhà vua, lưng giấu một con dao nhọn dài hơn thước, rồi rảo cẳng đi về phía hoàng cung.
Suốt dọc dường ánh sáng đuốc và nến chiếu rạng, tàn binh bại tướng tới đâu là cướp phá đấy. Thừa Chí vào thẳng hoàng cung, Vệ binh và Thái giám canh gác đã đào tẩu đi đâu rồi. Thấy trong cung lạnh lùng yên tĩnh như tờ, Thừa Chí cũng phải giật mình kinh hãi, nghĩ thầm: “Nếu Sùng Trinh trốn núp một nơi nào thì công của ta thành dã tràng.” Nghĩ đoạn, chàng đi thẳng tới thâm cung, vừa ra tới ngoài cửa đã nghe thấy tiếng một người đàn bà đang lớn tiếng mắng chửi. Thừa Chí đứng núp bên cạnh cửa, ngó vào bên trong, trong lòng hớn hở, thì ra Sùng Trinh đang ngồi yên trên ghế, một người đàn bà mặc y phục hoàng hậu đang chỉ tay chửi:
– Nếu mười mấy năm nay ông chịu nghe lời tôi thì đâu đến nỗi có chuyện ngày này. Ông đã làm cho tôn miếu xã tắc trầm luân vào tay giặc, còn mặt mũi nào gặp các cụ tổ dưới âm.
Sùng Trinh cúi đầu không nói. Hoàng hậu mắng chửi một hồi, hai tay ôm mặt chạy ra. Thừa Chí đang định nhảy vào hạ thủ, bỗng nhiên thấy đâu bên cạnh có bóng người nhảy ra, một thiếu nữ tay cầm bảo kiếm đi tới trước mặt Sùng Trinh kêu gọi:
– Phụ hoàng, thời thế đã khẩn cấp lắm rồi, mau mau ra khỏi cung đi.
Thiếu nữ đó là Trường Bình Công chúa – A Chín. Nàng quay lại nói với một tên Thái giám:
– Vương công công làm ơn hầu hạ cẩn thận một chút.
Thái giám đó là Vương Thừa Ân, ứa mắt nói:
– Dạ. Công chúa cùng chạy với bộ hạ và hạ thần đấy ư?
A Chín đáp:
– Không tôi còn phải ở trong cung này một lát.
Vương Thừa n nói:
– Chỉ trong chớp mắt, nội thành sẽ bị phá tan, Công chúa ở lại trong cung nguy hiểm lắm.
A Chín nói:
– Tôi còn phải chờ đợi một người.
Sùng Trinh biến sắc mặt hỏi:
– Con muốn chờ con trai của Viên Sùng Hoán phải không?
A Chín mặt đỏ đáp:
– Vâng, thần nhi ngày hôm nay xin cáo biệt bệ hạ.
Sùng Trinh hỏi:
– Con chờ y làm gì?
A Chín đáp:
– Anh ta đã nhận lời, thế nào cũng tới đây với con.
Sùng Trinh nói:
– Con đưa thanh kiếm cho trẫm.
Sùng Trinh cầm lấy thanh kiếm Kim Xà, bỗng nhanh tay chém luôn một cái, bổ xuống đầu A Chín.
A Chín sợ hãi thét lên một tiếng tránh sang bên. Thừa Chí kinh hãi. Chàng không ngờ Sùng Trinh lại nhẫn tâm chém giết con gái mình như vậy, cách hai người xa quá, thấy tình thế nguy ngập, vội nhảy xổ vào cứu. Vừa tới giữa đường, chàng đã trông thấy A Chín ngã lăn ra đất rồi. Sùng Trinh giơ kiếm định chém nữa, Thừa Chí giơ tay ra bắt lấy thanh kiếm, tay trái vẫn nắm chặt cổ tay kẻ thù, quay lại thấy A Chín đang nằm trong vũng máu, cánh tay trái của nàng đã bị chém đứt. Thừa Chí cả giận quát lớn:
– Tên hôn quân kia, giết chết cha ta, hôm nay ta tới lấy mạng mi đây! Thấy là Thừa Chí, Sùng Trinh thở dài một tiếng rồi nói:
– Phải, trẫm tự là Hưng Trường Thành, ngày hôm nay hối bất cập nhà ngươi cứ việc ra tay đi.
Nói xong, nhà vua nhắm nghiền mắt lại. Hai tên Nội giám chạy lại muốn kéo tay Thừa Chí, bị đá luôn một cái. Cả hai đều bắn thẳng ra xa.
Phẩy tay phải một cái, Thừa Chí múa thanh kiếm đang định chém vào đầu Sùng Trinh, A Chín mở mắt trông thấy, cố gượng hế sức bình sinh, nhảy lại ôm chặt lấy Sùng Trinh, la lớn:
– Anh muốn giết phụ hoàng, xin giết em trước…
Hai mắt nhìn Thừa Chí tỏ vẻ khẩn cầu. Nàng chưa nói dứt lời đã chết giấc, nằm lăn ra đất. Thấy cánh tay nàng máu chảy ra rất nhiều trong lòng bất nhẫn, tay trái khẽ đẩy một cái, Sùng Trinh ngã ngửa bắn ra đằng xa. Thừa Chí ẵm luôn A Chín dậy, điểm luôn mấy chỗ yếu huyệt có liên can tới cánh tay bị thương, để cầm máu lại. Nhờ vậy, máu tươi không phun ra nữa. Chàng móc túi lấy thuốc Kim Thương Chỉ Huyết ra rịt cho nàng, và xé vạt áo bọc chỗ vết thương. A Chín dần dần tỉnh dậy. Vương Thừa Ân và mấy tên Nội giám đỡ Sùng Trinh dậy, chạy thẳng ra ngoài cửa.
Thừa Chí quát lớn:
– Chạy đi đâu?
Chàng định đặt A Chín xuống, đuổi theo. A Chín ôm chặt lấy cổ chàng, khóc van lơn:
– Đừng giết cha em, đừng giết cha em! Thừa Chí nghĩ lại, thành đã bị phá tới nơi, chắc Sùng Trinh không toàn tính mạng, tuy không phải chính tay ta giết, nhưng thù cha cũng như báo đền rồi. Nàng bị thương nặng ta không nên để nàng đau lòng thêm, nghĩ xong, chàng liền gật đầu đáp:
– Cũng được.
A Chín yên trí một lát, lại chết giấc liền.
Thấy các nơi trong cung đều đại loạn, Thừa Chí nghĩ: “A Chín bị thương nặng không ai trông nom cho, tất phải toi mạng, bây giờ ta đành phải ẵm nàng đem về nhà hãy hay.” Chàng liên ẵm nàng ra khỏi hoàng cung.
Lúc ấy đã sang canh ba, chàng ngẩng đầu lên nhìn thấy nửa góc trời sáng rực như ban ngày, đâu đâu cũng có tiếng khóc than, chắc quân Minh tàn bại, thừa cơ cướp bóc của dân chúng. Khi về tới đường Chính Điền Tử, mọi người đang ngồi chờ đợi. Thanh Thanh trông thấy Thừa Chí lại ẵm một người con gái về, tỏ vẻ không vui, tiến tới gần mới hay là A Chín, vênh váo hỏi:
– Thủ cấp của hoàng đế đâu?
Thừa Chí nói:
– Anh không giết y. Tiêu cô nương làm ơn trông nom nàng hộ.
Uyển Nhi nhận lời ẵm A Chín vào trong nhà trong. Thanh Thanh lại hỏi:
– Tại sao anh không giết?
Tần ngần giây phút, Thừa Chí chỉ tay vào bên trong nói:
– Nàng yêu cầu anh đừng giết.
Thanh Thanh nổi giận nói:
– Nàng, nàng là ai? Tại sao anh lại nghe lời nàng?
Thừa Chí chưa trả lời, Hà Thích Thủ cười nói:
– Một cô con gái đẹp đẽ như thế, tại sao lại què tay như vậy? Sư phụ, bức hình nàng họa đâu? Có đem theo đây không?
Thừa Chí đưa mắt ra hiệu lia lịa. Hà Thích Thủ còn muốn đùa nữa nhưng thấy sắc mặt của Thanh Thanh và chàng đều trịnh trọng vô cùng liền lè lưỡi ra, câm miệng không dám nói nữa.
Thanh Thanh liền hỏi:
– Bức hình gì thế?
Hà Thích Thủ cười nói:
– Cô nương ấy vẽ giỏi lắm. Tôi đã được trông thấy tấm hình của nàng vẽ ấy rồi, thực là đẹp vô cùng.
Thanh Thanh xếch mắt lên hỏi:
– Có thật không?
Nói xong, nàng đi vào nhà trong. Hà Thích Thủ nhìn Thừa Chí thè lưỡi lắc đầu.
Thừa Chí về phòng nghỉ ngơi giây lát. Lúc trời sắp sáng tỏ, Hồng Thắng Hải hấp tấp chạy vào trong kêu gọi:
– Viên tướng công, Sa trại chủ bắt được Thái giám Vương Tướng Nghiên, đã dẫn binh đi mở cửa Tuyên Võ Môn rồi.
Thừa Chí nhảy lên, vội hỏi:
– Nghĩa quân đã vào thành chưa?
Hồng Thắng Hải đáp:
– Lưu Tôn Mẫn tướng quân đã vào rồi.
Thừa Chí nói:
– Hay lắm, chúng ta ra nghênh đón đi.
Hai người đi ra ngoài khách sảnh. Hà Thích Thủ nói:
– Sư phụ cứ yên trí, về việc trông nom các cô nương ở nhà đã có đồ đệ phụ trách.
Thừa Chí gật đầu tỏ vẻ bằng lòng. Trước kia Thị vệ trưởng của Sùng Trinh, trong khi Thừa Chí điều động người tiếp ứng Sấm Vương, Trình Thanh Trúc không hề tham gia tới, suốt ngày chỉ khóa trái cửa phòng ngồi một mình bên trong không nghe và cũng không hỏi han tới các tin tức.
Thấy y còn nhớ một chút ơn đức của chủ cũ, Thừa Chí cũng không miễn cưỡng bắt phụ trách công việc gì. Lúc ấy, Sa Thiên Quảng và Thiết La Hán chưa về. Thừa Chí dẫn chàng câm, Hồ Quế Nam, Hồng Thắng Hải bốn người đi ra ngoài Đại Minh Môn, trên trời mây đen phủ kín, tuyết bay phấp phới, trên đường tàn binh bại tối chạy tán loạn khắp nơi. Bỗng có một người chạy qua la lớn:
– Chính Dương Môn, Tề Hoa Môn, Đồng Trực Môn đều mở phanh ra rồi.
Năm người đi được một quãng đường, càng ngày càng thấy bại binh thưa thớt dần. Ngoài cửa các nhà bách tính đều dán giấy viết:
“Vĩnh Xương nguyên niên Thuận đại vương vạn vạn tuế”. Dân chúng tay cầm hương hoa đứng trực ở hai bên lề đường, tiếng hoan hô vang lên như sấm động. Có nhà còn bày rượu và thịt ra cửa để ủy lạo nghĩa quân.
Thừa Chí nói với Hồ Quế Nam rằng:
– Nhân tâm như vầy, làm sao Sấm Vương không thành công cơ chứ?
Lại đi được một lúc nữa, phía trước tiếng tù và vang dội, mấy nghìn người dồn dập đi tới, Sa Thiên Quảng và Thiết La Hán đi đầu, đằng sau là các anh hùng hào kiệt ở trong nội thành Bắc Kinh, đi tới đâu là đón đánh quân Minh tới đó, trông thấy Thừa Chí, ai nấy đều hoan hô.
Thiết La Hán nói:
– Sấm Vương sắp tới nơi rồi! Vừa dứt lời, phía trước đã có mấy người cưỡi ngựa phi tới. Một tên binh tốt của nghĩa quân tay cầm lá cờ lớn, trên đề “Chế Tướng Quân Lý”, bốn chữ thật lớn.
Lý Nham mặc áo màu vàng, phi ngựa tới. Thừa Chí cả mừng kêu to:
– Đại ca! Rồi chàng nhảy ngay tới phía trước ngựa. Lý Nham giật mình nhưng khi nhìn thấy mặt chàng, bèn nhảy ngay xuống đất, cười nói:
– Chú Hai, chú là người đứng đầu công phá vỡ thành này đấy! Thừa Chí nói:
– Đại quân của Sấm Vương đánh tới, quân Minh đều hãi sợ đầu hàng, tiểu đệ có công lao gì về việc ấy đâu?
Hai người nắm tay nhau trò chuyện được vài câu đã thấy Lưu Nhất Hổ, ngày trước từng gặp chàng ở trên núi Lão Nhà và Thôi Thu Sơn, Thôi Hy Mẫn, An đại nương và An Tiểu Tuệ cùng đi tới nơi. Ai nấy đều tay bặt mặt mừng. Mọi người đang hàn huyên vui vẻ, bỗng nghe có tiếng tù và vang động và tất cả quan binh hô lớn:
– Đại Vương đã tới. Đại Vương đã tới! Thừa Chí đứng sang một bên, thấy hơn trăm kị binh đi đầu mở đường. Lý Tự Thành đầu đội nón lá, mình khoác áo tơi, cưỡi con ngựa ô, từ cửa Đắc Thắng Môn đi tới.
Lý Nham tiến lên khẽ nói mấy lời.
Lý Tự Thành cười nói:
– Hay lắm, mời chú em họ Viên lại đây.
Lý Nham vẫy tay gọi. Thừa Chí đi tới trước mặt hai người.
Lý Tự Thành cười nói:
– Chú Viên, chú lập công càng lớn! Sao không có ngựa ư?
Nói xong, Sấm Vương nhảy xuống đất nhường cương nhường ngựa cho Thừa Chí.
Chàng vội vàng cảm tạ. Mọi người đều hoan hô vạn tuế. Lý Tự Thành cưỡi con ngựa khác. Rồi mọi người hộ vệ Sấm Vương đi thẳng về phía Thừa Thiên Môn. Sấm Vương quay đầu lại nói với Thừa Chí:
– Chú noi theo ý chí của thân phụ. Tôi thừa lệnh của Trời! Nói đoạn, Sấm Vương lắp tên, giương cung, nhắm chữ Thiên trên cổng thành, bắn luôn một phát trúng liền. Thần lực của Sấm Vương kinh người, mũi tên đó xuyên ngập bức tường thành. Quần hùng lại hoan hô lần nữa. Khi tới Đắc Thắng Môn, Thái giám Vương Đức Hoa đã dẫn ba trăm tên nội giám phủ phục nghênh đón.
Sấm Vương vút roi xuống đất, cả cười rồi nói với Thừa Chí rằng:
– Chú Viên, hồi năm ngoái chú gặp tôi ở Thiểm Tây, chú có ngờ tới ngày hôm nay không?
Thừa Chí đáp:
– Đại Vương khắc thành đại nghiệp, các nhân sĩ thức thời đều đã sớm biết có ngày nay rồi. Họ chỉ không ngờ sao lại nhanh chóng đến thế mà thôi.
Lý Tự Thành vỗ tay cả cười, bỗng có một người chạy tới báo cáo:
– Bẩm đại vương, có một tên Thái giám nói, y đã trông thấy Sùng Trinh chạy về phía núi Mai Sơn.
Lý Tự Thành quay đầu lại nói với Thừa Chí:
– Chú Viên, chú đem người đi tróc nã Sùng Trinh về đây.
Thừa Chí đáp:
– Tuân lệnh.
Chàng vẫy tay một cái, bọn Hồ Quế Nam vội đi theo liền.
Sự thật Mai Sơn chỉ là một ngọn đồi nhỏ. Thừa Chí cùng các vị hào kiệt khi lên tới đỉnh đồi đều giật mình kinh hãi, vì thấy dưới cành cây cổ thụ, có hai người treo cổ lơ lững. Một người tóc xõa xuống phủ lấp cả mặt mũi, mình mặc bào trắng, áo cánh lam, quần nhiễu trắng, chân trái không đi giày, chân phải xỏ chiếc giầy mũi vuông màu hồng. Lật tóc ra xem, Thừa Chí nhận thấy người đó đúng là vua Sùng Trinh, trước ngực ông ta có viết mấy dòng chữ bằng máu như sau: “Trẫm từ ngày đăng quang tới giờ đã mười bảy năm, bị địch quân xâm nhập nội địa bốn bên, rồi nghịch tặc lại đánh tới kinh sư. Trẫm tuy đức bạc, mang tội với trời nhưng cũng do quần thần làm lỡ việc mà nên. Trẫm chết rồi, còn mặt mũi nào gặp chư vị tổ tiên dưới âm phủ nên trẫm phải bỏ vương mão, phủ tóc xuống che mặt, phó mặc cho giặc phân thây trẫm nhưng xin đừng làm tổn thương đến một người dân nào.” Thừa Chí cầm tờ huyết thư lên đọc trong lòng rất đỗi hoang mang. Chàng nghĩ thầm: “Đại thù từ hai mươi năm nay, bây giờ mới được dịp báo phục, đáng lẽ ta phải vui mừng mới phải nhưng thấy kẻ thù chết một cách bi thảm như vậy ta cũng thấy bồi hồi xúc động trong lòng.” Chàng thở dài rồi nói:
– Sao bây giờ ông lại nói đạo đức quá, khuyên đừng làm tổn thương đến một người dân nào! Nếu ông sớm biết thương tiếc bá tính, không để cho thiên hạ lầm than đói rét, thì đâu đến nỗi xảy ra cơ sự như ngày nay.
Hồng Thắng Hải nói:
– Viên tướng công, người treo cổ ở bên góc kia là một viên Thái giám đấy.
Thừa Chí nói:
– Hoàng đế này lúc chết chỉ có một Thái giám hầu cạnh, thật là cột “giậu đổ bìm leo” có khác! Chúng phản thiên lí, không còn một người nào hết lòng trung thành lúc này! Anh Thắng Hải, khiêng cái xác này ra ngoài kia, đừng để cho người khác xâm phạm và làm nhục.
Hồng Thắng Hải vâng lời làm theo liền. Thừa Chí phi ngựa trở về báo cáo cho Sấm Vương hay.
Lý Tự Thành đã vào trong cung. Chàng tới cửa cung, bọn cận vệ nhận được, cung kính đưa chàng vào nội cung. Lúc ấy Lý Tự Thành đang ngồi trên ghế. Một thiếu niên áo mũ chỉnh tề đứng cạnh. Thấy Thừa Chí vào, Lý Tự Thành vội hỏi:
– Chú Viên đã về đấy à? Nhà vua đâu? Đưa y vào đây?
Thừa Chí nói:
– Vua Sùng Trinh đã tự ải rồi ạ.
Ngẩn người ra giây lát, Tự Thành liền cầm lấy di chiếu của Sùng Trinh lên xem. Người thiếu niên đứng cạnh bỗng phục xuống đất khóc lóc suýt chết giấc tại chỗ.
Tự Thành nói:
– Thái tử đấy.
Thừa Chí vội vực Thái tử dậy. Tự Thành lại nói:
– Thái tử có biết tại sao nhà vua mất thiên hạ không?
Thái tử đáp:
– Vì phụ hoàng tôi dùng lầm bọn gian thần, như Chu Diện Nho chẳng hạn.
Lý Tự Thành cười nói:
– Ta cũng biết lắm.
Nói xong, Sấm Vương lại nghiêm nét mặt nói tiếp:
– Nói cho cậu biết, phụ hoàng của cậu vừa hồ đồ vừa tàn nhẫn khiến nhân dân thiên hạ đau khổ biết bao. Ngày hôm nay, phụ hoàng cậu chết treo như vậy rất bi đát.
Nhưng y lại vì mười bảy năm trời có biết hàng nghìn hàng vạn nhân bị áp bức mà phải chết treo, lại càng bi đát hơn nữa.
Thái tử cúi đầu ngẫm nghĩ một lát lâu, mới nói:
– Nếu vậy, ông đem tôi ra xử trảm đi! Thấy thái tử cứng cổ như vậy, Thừa Chí cũng phải lo ngại thay. Tự Thành nói:
– Cậu còn nhỏ, không làm nên tội trạng gì. Ta không vô cớ giết người.
Thái tử nói:
– Nếu vậy, tôi xin ông mấy điều này.
Tự Thành đáp:
– Cậu thử nói cho ta xem.
Thái tử nói:
– Xin ông đừng kinh động tới lăng tẩm tổ tiên tôi, và chôn cất phụ hoàng cùng mẫu thân tôi được tươm tất.
Tự Thành đáp:
– Những điều đó, cậu không xin, ta cũng sẽ làm như thế.
Thái tử lại nói:
– Còn một điều nữa, xin ông đừng có chém giết bừa những dân chúng vô tội.
Tự Thành lớn tiếng cười một hồi mới nói:
– Cậu là trẻ con có khác. Không hiểu một tí gì! Cậu có biết ta là hạng người gì không? Ta đây cũng là dân chúng và chính chúng ta dân chúng đây đã công phá kinh thành, cậu có biết không?
Thái tử đáp:
– Như vậy, ông không bao giờ giết chóc nhân dân phải không?
Tự Thành bỗng cởi áo ra, đưa vai cho mọi người xem những vết thẹo bị đòn vọt trông rất rùng sợ, rồi mới kể cho thái tử nghe:
– Ta vốn dĩ là một người dân lành bị tham quan ô lại đánh đập đến chết đi sống lại, hễ trông thấy những vết thương này là phẫn uất không sao nhịn được, mới nổi lên phản loạn. Hừ, cha của cậu giả nhân giả nghĩa, mở miệng là thương mến nhân dân mà trong quân đội ta, ai ai cũng là nạn nhân của cha cậu đấy.
Thái tử cúi đầu không dám trả lời. Mặc áo vào, Tự Thành lại nói:
– Cậu đi ra đi. Thấy cậu là thái tử của tiên hoàng đế, ta vẫn vui lòng phong cho cậu vương tước để cậu biết chúng ta, nhân dân khoan hồng như thế nào? Bây giờ biết phong cho cậu vương tước gì nhỉ? A, cha cậu đã hiến giang sơn cho ta thì phong cho làm Tống Vương vậy.
Thái giám Tào Hóa Thuần đứng cạnh nói:
– Mau quỳ xuống tạ ơn Bệ hạ đi.
Thái tử giận dữ nhìn, bỗng quay tay tát một cái thật mạnh. Mặt Tào Hóa Thuần hiện ngay năm vết ngón tay, Tự Thành cả cười nói:
– Hay lắm, gian tặc bất trung bất nghĩa đáng ăn tát lắm! Bây đâu, đem tên phản tặc này ra trảm ngay! Sợ hãi đến nỗi sắc mặt tái mét đi, Tào Hóa Thuần quỳ ngay xuống, vái lia lịa, đầu rập xuống thềm, trán chảy máu rất nhiều. Tự Thành đá lộn một vòng, quát lớn:
– Bước ra ngoài kia, từ nay ta còn bắt gặp sẽ mổ bụng banh xác ngươi ngay! Tào Hóa Thuần giọng nói run bây bảy đáp:
– Dạ, dạ…
Y lại vái mấy cái, vội lùi ra ngay. Thái tử nghêng ngang đi theo ra.
Tự Thành vừa cười vừa nói với Thừa Chí rằng:
– Thằng bé ấy khá cứng cỏi đấy. Ta thích những đứa trẻ có cốt khí như thế.
Sấm Vương lại quay về phía sau nói với quân sư lùn Tống Hiến Sách rằng:
– Nghe nói Sùng Trinh có còn một vị công chúa, sao ta không thấy mặt nàng.
Thừa Chí vội đỡ lời:
– Hoàng đế đã chặt đứt một cánh tay của nàng rồi. Khi nào lành mạnh, em sẽ dẫn nàng tới đây vấn an đại vương.
Tự Thành cười nói:
– Được, được, công lao của chú rất lớn, ta đang nghĩ không biết lấy gì để tặng cho chú mới xứng đáng, thì tiện đây ta thưởng luôn Công chúa cho chú đấy.
Thừa Chí xấu hổ, ấp úng đáp:
– Không, không… em…
Tống Hiến Sách cười nói:
– Có thế mà chú Viên đã xấu hổ rồi. Hà, hà, dù sao anh hùng vẫn là giới thiếu niên. Lưu tướng quân và mấy vị nữa công lao cũng lớn lắm mà đại vương chỉ thưởng cho mỗi người một nàng cung nữ thôi.
Nghe lời nói của quân sư lùn hình như có vẻ châm biếm mình, Thừa Chí ngạc nhiên, đưa mắt nhìn Hiến Sách, thấy y cao không đầy ba thước, chân phải thọt, nên đi khập khiễng, tay y cầm một cây gậy, mặt hơi dài và nhỏ, đôi mắt tinh khôn nhìn mình mỉm cười. Đang lúc Lý Nham ở ngoài hấp tấp chạy vào lớn tiếng nói:
– Đại Vương, Lưu tướng quân cùng mấy người nữa làm quá lắm.
Tự Thành hỏi:
– Việc gì thế?
Lý Nham đáp:
– Lưu tướng quân và mấy người nữa đi bắt bớ các quan phú hộ, đem về tra tấn, bắt gia đình nạn nhân phải đêm tiền bạc tới chuộc, có một số người quá nghèo chuộc không nổi đã bị các vị ấy xử trảm rồi.
Tống Hiến Sách cười nói:
– Các anh ấy ra sống vào chết, hi sinh rất nhiều mới cướp được giang sơn này, dù có làm bậy kiếm chút tiền để tiêu pha, cũng không phải là quá đáng! Lý Nham nổi giận nói:
– Không thể để cho các anh ấy làm bậy như thế được. Hiện giờ Giang Nam chưa ổn định, Sơn Hải Quan tướng Ngô Tam Quế chưa đầu hàng, lòng dân hoang mang mà người cầm quân chỉ muốn phát tài cướp của như thế sao được?
Tống Hiến Sách cười nhạt nói:
– Họ muốn phát tài một tí có làm sao đâu? Chỉ sợ những người mới quy hàng mà vẫn ôm ấp lòng phản trắc mới là mối nguy đáng ngại nhất.
Gân mặt run động mấy cái, Tự Thành đưa mắt lườm Lý Nham, không nói nửa lời.
Lý Nham phẫn uất nói:
– Chúng ta sở dĩ được thành đại sự, chẳng phải nhờ lòng dân quy hưởng, bá tính ủng hộ là gì?
Thấy hai người càng cãi càng lớn tiếng, Thừa Chí nghĩ mình không phải là người cũ của Sấm Vương, không tiện dây dưa vào trong đó làm gì. Nghĩ đoạn, chàng cúi chào Tự Thành, rút lui ra khỏi hoàng cung.
Vừa đi ra tới cửa cung, chàng thấy một người chạy tới kêu gọi:
– Tiểu sư thúc, cháu đang tìm kiếm chú đấy!
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.