Bích Huyết Kiếm
Hồi 4: Quanh năm luyện quyền kiếm
Dưới ánh mặt trời, trường kiếm lại càng lóng lánh chói lọi. Trong lúc múa kiếm, chỉ thấy luồng bạch khí lăn đi lộn lại. Thừa Chí theo sư phụ học kiếm trong ba năm liền tài ba đã khác xưa nhiều. Nhưng mỗi khi Mục Nhân Thanh múa kiếm tới lúc thật nhanh, cậu vẫn không sao nhận rõ bộ pháp và thân pháp của sư phụ như thế nào, chỉ thấy một luồng gió hoặc như một tòa núi vậy thôi.
Múa tới miếng sau cùng bỗng nghe thấy Nhân Thanh hét lên một tiếng thanh kiếm rời khỏi tay như một tia chớp đã cắm ngập hai phần ba vào thân một cây cổ thụ cách đó hơn trượng, thấy sức lực của sư phụ mạnh lạ lùng, Thừa Chí kinh ngạc, há hốc mồm và ngẩn người ra. Bỗng nhiên nghe thấy sau lưng có tiếng người la lớn: “Giỏi lắm,” cậu ngạc nhiên vì ở trên núi mấy năm nay, ngoài tiếng của sư phụ ra, không bao giờ họ nghe thấy tiếng nói của người thứ hai. Cậu quay đầu lại, thấy một đạo nhân đang vuốt râu, mỉm cười.
Đạo nhân đó mặc áo đạo bào màu vàng, sắc mặt hồng hào, tóc nhắm như sợi bạc.
– Mười mấy năm nay không thấy chú dùng kiếm, không ngờ bây giờ chú lại tiến bộ đến thế.
Nhân Thanh cả cười, trả lời:
– Kìa, Mộc Tang đạo huynh! Không hiểu cơn gió nào đã thổi đạo huynh tới nơi đây thế! Thừa Chí, con mau ra lạy chào đạo trưởng đi.
Nghe lời thầy, Thừa Chí chạy nhanh lại quỳ xuống lạy. Mộc Tăng đại nhân cười nói:
– Thôi không dám.
Rồi đưa tay đỡ Thừa Chí dậy. Phàm người học võ, hễ gặp ngoại lực áp bức, tự nhiên phản công lại ngay. Thấy Mộc Tang đạo nhân kéo mình mạnh quá, dĩ nhiên Thừa Chí phải dùng hai tay bị nắm kéo dằn lại. Chỉ có thế, Một Tang đạo nhân đã thử được tài nghệ cậu ta ra sao rồi. Thử xong, đạo nhân vừa cười vừa nói với Mục Nhân Thanh:
– Lão Mộc đã mấy năm nay không gặp chú, tưởng chú đi chu du tận đâu đâu, thì ra chú ẩn nấp ở đây lén lút dạy võ cho đồ đệ. Kể ra số của chú cũng may mắn lắm đấy! Sắp chết đến nơi mà còn kiếm được một nhân tài như vậy! Hai người vẫn thường nói bông đùa nhau quen rồi, nay thấy bạn khen đồ đệ mình, Mục Nhân Thanh có vẻ khoái chí, tự đắc lắm.
Mộc Tang đạo nhân lại nói:
– Ố chà! Hôm nay bác không sẵn tiền để tặng “lì xì” cho cháu. Nhưng bây giờ đã trót nhận mấy cái vái của cháu rồi, biết làm thế nào bây giờ?
Nghe thấy đạo nhân nói vậy, Mục Nhân Thanh xúc động linh cơ nghĩ thầm: “Lão quỷ đạo nhân này tài ba độc đáo, chốn giang hồ phải tặng anh ta biệt hiệu là “Quỷ ảnh tử” (cái bóng ma). Nếu y bằng lòng dạy cho Thừa Chí một vài đường, kể cũng hân hạnh cho nó lắm rồi. Nhưng vốn dĩ y không chịu thu nhận đồ đệ, ta phải nghĩ cách nói khích thì y mới chịu dạy.” Nghĩ đoạn, Nhân Thanh nói liền:
– Thừa Chí, đạo trưởng đã nhận lời chỉ bảo cho con, vậy con mau mau quỳ lạy tạ ơn đi! Thừa Chí thông minh vô cùng, thấy sư phụ vừa nói dứt lời liền quỳ xuống vái lạy.
Mộc Tang đạo nhân lớn tiếng cười ha hả:
– Thôi! Thôi! Thôi! Ta chịu thầy trò ngươi rồi. Thầy nào trò nấy có khác! Sư phụ không biết xấu hổ, mà đồ đệ cũng chả ra cái quái gì! Này, bé con, cháu hãy nghe ta nói, cháu nên làm người chân chính thì hơn, đừng học cái trò mặt dày như sư phụ cháu. Chưa biết ta định cho cháu cái gì, sư phụ cháu đã đòi ta dạy võ cho cháu ngay! Thôi được, ta đã nhận lời thì đây, ta cho cháu cái này vậy.
Nói xong, Mộc Tang đạo nhân móc túi vải đeo sau lưng, lấy ra một chiếc áo cánh đen thui thủi và nặng chình chịch đưa cho Thừa Chí.” Áo đó không phải bằng tơ hay lụa, không hiểu làm bằng cái quái gì nhỉ?” Cậu đang ngẫm nghĩ thì Mục Nhân Thanh đã nói ngay:
– Đạo huynh đừng đùa giỡn trẻ con nữa! Vật quý báu như thế, cho nó sao được! Thấy sư phụ nói như vậy, Thừa Chí mới biết cái áo cánh đó là một bảo vật kì lạ, liền trao trả cho Mộc Tang đạo nhân. Lão đạo sĩ xua tay nói:
– Ta có hạ tiện như sư phụ cháu đâu. Ta đã cho là cho, cháu cứ ngoan ngoãn nhận lấy mà dùng.
Thừa Chí chưa dám nhận, nhìn sư phụ như thầm hỏi ý kiến. Mục Nhân Thanh liền nghiêm trang nói:
– Nếu vậy con tạ ơn đạo trưởng đi! Thừa Chí được lệnh của sư phụ, liền nói mấy lời cảm tạ lão sư. Mục Nhân Thanh lại nói tiếp:
– Cái áo này đạo trưởng đã tốn biết bao tâm huyết và phải thập tử nhất sinh mới lấy được báu vật ấy để hộ thân, vậy con mặc luôn áo vào đi.
Cậu nghe lời, mặc ngay cái áo cánh đó vào người. Mục Nhân Thanh nhảy tới cạnh cây cổ thụ, dùng hai ngón tay khẽ gắp thanh kiếm ngập sâu ở thân cây ra, rồi nói tiếp:
– Cái áo này đan bằng sợi bạch kim lẫn với tóc và lông của con vượn lông vàng. Bất cứ khí giới nào, dù sắc bén đến đâu, cũng không thể đâm thủng nó được.
Vừa nói dứt lời, ông ta đâm ngay một mũi kiếm vào vai đồ đệ. Nhát kiếm đó nhanh như chớp nhoáng, Thừa Chí không sao tránh kịp, vừa giật mình thì mũi kiếm đã trúng ngay vào vai cậu.
Nhưng nhờ có chiếc áo đó che chở, thanh kiếm bị bật trở lại và cậu không hề bị thương mảy may. Mừng quá, cậu quỳ ngay xuống vái lạy Mộc Tang đạo nhân.
Đạo nhân vừa cười vừa nói:
– Lúc đầu, nhìn thấy cái áo xấu xí, dù cháu có cảm ơn ta, nhưng trong lòng chắc không ưng tí nào cả. Đến bây giờ cháu mới bằng lòng thật sự phải không?
Thừa Chí xấu hổ, đến nỗi đỏ mặt tía tai. Mộc Tang đạo nhân lại nói:
– Cái áo này đã cứu bác mấy lần khỏi chết. Nhưng bây giờ, nếu sư phụ cháu không làm khó dễ bác, thì cũng không cần phải mặc cái của quý này làm gì nữa. Vì xét trong thiên hạ hiện nay chưa thấy ai có thể đánh nổi bác bị thương được.
Nói xong, đạo nhân lớn tiếng cười ha hả, có vẻ tự phụ. Mục Nhân Thanh vừa cười vừa nói:
– Lão đạo sĩ, ở trước mặt tiểu bối đừng nên nói khoác nói lác nhé! Võ nghệ của tôi có được bằng lão huynh đâu? Vả lại đời này thiếu gì người giỏi! Phải biết, ngoài từng trời này lại có từng trời khác, mình giỏi có người giỏi hơn…
Mộc Tang mỉm cười trả lời:
– Lại đây! Lại đây! Anh em ta không tiện giở đao giở kiếm ra đối địch, chi bằng…
– Chi bằng phân thắng bại trên bàn cờ phải không?
– Đúng lắm! Đúng lắm! Chú là con sâu nằm trong bụng tôi có khác!
– Nếu lão huynh chưa phải lúc lên cơn nghiện đánh cờ chắc cũng chưa thèm đến nơi thâm sơn này kiếm đệ phải không. Thế cái trò cúng cơm ấy lão huynh có đem theo không?
Mộc Tang đạo nhân hớn hở, móc túi vải lấy đủ bộ, cả bàn lẫn quân cờ ra. Chàng câm vội khiêng bàn ghế ra vườn. Hai đạo sĩ cùng ngồi dưới bóng cây phân tài cao hạ.
Vì Thừa Chí không hiểu chơi cờ ra sao cả, nên vừa đánh, Mộc Tang vừa dạy cậu, đồng thời, ông ta muốn khoe khoang nước cờ của mình cao hơn Mục Nhân Thanh. Mặc cho Mộc Tang nói dóc, Nhân Thanh cứ lẳng lặng nghĩ nước đi. Cờ hai vị đang chơi là cờ vây, dễ biết đi mà khó tinh xảo, chỉ xem một ván là Thừa Chí biết đi ngay. Quả nhiên, ván đầu Mộc Tang thắng 2 quân cờ. Hai người đánh cho tới mặt trời lặn mới xong 3 ván. Rút cuộc Mộc Tang thắng hai thua một mà vẫn đòi đánh nữa, nhưng Nhân Thanh từ chối vì mỏi mệt, nên ông ta mới chịu thôi. Tuy vậy trong lòng ông ta vẫn còn luyến tiếc.
Trong ba ngày liền, Mộc Tang đạo nhân cứ níu lấy Nhân Thanh đòi đánh cờ. Sáng sớm ngày thứ tư, Mục Nhân Thanh phải nói trước rằng:
– Ngày hôm nay, xin tạm nghỉ đánh cờ, để đệ còn phải dạy kiếm pháp cho đồ đệ.
Thấy là công việc chính đáng, nên Mộc Tang không tiện phản đối. Ngồi chờ mãi sốt ruột vừa mới thấy Nhân Thanh truyền kiếm pháp cho Thừa Chí xong, ông ta chạy ngay lại vừa kéo Nhân Thanh vừa nói:
– Nào, lại đây! Chúng ta đánh 3 ván.
Dạy kiếm ngót nửa ngày, Mục Nhân Thanh đã cảm thấy mỏi mệt rồi. Nhưng biết Mộc Tang nghiện cờ lắm, nếu ông ta không nhận lời đánh vài ván thì Mộc Tang ngủ không yên. Vì miễn cưỡng ngồi đánh, nước cờ của Nhân Thanh càng thấp kém vô cùng. Đi được mười nước, dàn trận chưa xong, quân cờ của ông ta đã bị bao vây tứ phía rồi. Nước cờ đã lâm và ngõ bí, ông ta phải miễn cưỡng đặt quân cờ của mình làm mắt để mong gỡ thoát, nhưng tứ phía yếu điểm đều sắp bị đối phương chiếm cả. Ông ta tay cầm quân cờ, ngẫm nghĩ mãi vẫn do dự, chưa dám đặt xuống. Thừa Chí đứng cạnh xem, nhịn không nổi liền mách nước:
– Sư phụ đặt quân cờ ấy xuống đây, thế nào sư bá cũng tìm nước gỡ rồi sư phụ lại đặt nốt quân kia ở chỗ này, phải sẽ thoát khỏi vòng vây không?
Nước cờ Thừa Chí vừa mách quả thật thần diệu vô cùng. Nhân Thanh vốn không có tính tự phụ như Mộc Tang, thấy đồ đệ nói phải nghe liền. Quả nhiên bên quân đen xông ra khỏi vòng vây và trái lại còn hãm chết một số quân cờ trắng. Đáng lẽ ván cờ đó Nhân Thanh phải đại bại, nhưng nhờ có Thừa Chí mách nước, kết cuộc có thua ba quân cờ thôi.
Mộc Tang khen ngợi Thừa Chí thông minh và khôn ngoan, rồi chấp sáu quân, ép cậu ta ngồi đánh một ván. Hình như Thừa Chí có thiên tài về đánh cờ vậy. Tính cậu lại hiếu thắng chứ không nhường nhịn như Nhân Thanh. Vì vậy ván cờ đó, tuy Mộc Tang thắng nhưng không dễ dàng như đạo nhân tưởng. Ngày hôm sau mới tảng sáng, Mộc Tang đã bắt Thừa Chí đánh cờ, nhưng không ngờ cậu bé thắng hai ván liền. Thế rồi từ chấp 6 quân cờ rút xuống chấp 5 và chưa đầy 10 ngày, nước cờ của Thừa Chí đã cao lắm. Mộc Tang chỉ dám chấp một quân, hai bên mới có thắng bại.
Thừa Chí để tâm trí vào cờ dần dần xao lãng học tập võ nghệ. Vì nể Mộc Tang nên lúc đầu Nhân Thanh không nói gì cả. Sau thấy một già một trẻ, suốt ngày quên ăn quên ngủ cứ mải mê đánh cờ, nên ông phải dặn ngầm Thừa Chí mỗi ngày chỉ được phép đánh một ván cờ với Mộc Tang thôi, còn thời giờ phải dành cho việc luyện tập võ nghệ. Thấy sư phụ nhắc nhở, Thừa Chí cũng bỏ phí mất mười mấy ngày không tập tành gì cả, nên cậu cũng tự xấu hổ vô cùng. Sau đó hai ngày liền, hễ Mộc Tang gọi đánh cờ thì Thừa Chí thoái thác còn bận việc tập luyện kiếm thuật, không có thời giờ rỗi rãi.
Mộc Tang nói:
– Cháu cứ đánh cờ với bác đi! Đánh xong, bác sẽ dạy cháu một thế võ này, thế nào sư phụ cháu cũng hài lòng.
– Vâng, xin phép bác cho cháu hỏi qua sư phụ cháu đã.
– Được, cháu cứ đi hỏi đi Thừa Chí liền chạy ra hỏi ý kiến sư phụ, Nhân Thanh mừng lắm, vì hiểu rõ Mộc Tang đạo nhân, được mệnh danh là “Quỷ ảnh tử”, võ nghệ biệt lập một phái, nhưng tính nết rất cổ quái, không chịu thu nhận đồ đệ, nay ông ta bằng lòng dạy võ cho Thừa Chí, chắc cũng vì sự nghiệp cờ quá mà nên, Nhân Thanh liền dẫn cậu tới trước mặt Mộc Tang, cúi chào và nói rằng:
– Đại huynh đã vui lòng đã giúp cho tiểu đồ thành tài, đệ xin cám ơn trước.
Nói đoạn, ông ta gọi Thừa Chí cúi lạy Mộc Tang, làm lễ bái sư. Thấy vậy, Mộc Tang nhảy lên hai tay xua lia lịa và nói rằng:
– Tôi không nhận đồ đệ đâu. Nếu cháu nó muốn tôi dạy nó thì phải thử tài xem nó có hạ tôi được không đã.
– Đại huynh nói nó hạ thì hạ về môn gì cơ chứ?
– Quyền pháp và kiếm pháp của chú trong thiên hạ đã khét tiếng là một không hai rồi, ngay như lão đây cũng xin bái phục. Thằng bé này tuy chỉ học được 2, 3 phần của chú, nhưng ở chốn giang hồ cũng khó gặp người địch thủ rồi, nhưng nói tới ám khí và khinh công thì phải nhường cho lão đạo này đôi chút.
– Vâng, ai mà chẳng biết bản lĩnh xuất quỷ nhập thần của Quỷ ảnh tử, cái đó không cần huynh phải tự khen nữa.
– Chú cứ tưởng đã là môn phái tôn sư thì cái gì cũng cần phải quang minh chính đại, còn khinh công và ám khí thì không cần để ý tới! Nếu vậy chú cứ để cho cháu nó mỗi ngày đánh với tôi hai ván cờ. Nếu tôi thắng nó thì thôi, nhược bằng nó thắng tôi một ván, tôi sẽ dạy nó một món khinh công. Nó được tôi liền hai ván, thì ngoài món khinh công, tôi còn dạy thêm nó một môn ám khí nữa. Chú xem như vậy có công bằng không?
Nhân Thanh nghĩ thầm: “Lão đạo sĩ này cũng ưa châm biếm hài hước thật! Nhưng cứ biết, y đã nói thì không khi nào thay đổi.” Nghĩ đoạn, Nhân Thanh nói:
– Được. Xin cứ theo những lời huynh mà thi hành. Chính ra tôi không sợ Thừa Chí mải đánh cờ mà lỡ hết sự tập luyện võ nghệ. Nhưng bây giờ đã có dịp như vậy thì mỗi ngày huynh muốn đánh mười ván hay tám ván cũng mặc.
Mộc Tang và Thừa Chí nghe nói đều hớn hở vô cùng. Tiếp theo đó, hai người lại ngồi vào đánh cờ. Ngày hôm đó Mộc Tang một thắng một bại. Đánh cờ xong, ông liền bảo Thừa Chí rằng:
– Hôm nay bác dạy cháu một kiểu khinh công. Tuy chỉ là một kiểu, nhưng nếu cháu chịu khó luyện tập, cũng đủ cho cháu dùng suốt đời. Đây cháu hãy nhìn kĩ xem! Vừa nói xong, mới thấy ông ta nhún mình một cái đã ngồi vắt vẻo trên ngọn cây rồi và lộn ngược một vòng ông ta đã đứng trước mặt Thừa Chí. Cậu bé ngẩn người há hốc miệng vỗ tay khen giỏi. Mộc Tang đem kiểu khinh công “Phân vân thừa long” (vịn mây cưỡi rồng) dạy cho cậu. Tuy chỉ là một kiểu nhưng sức mạnh của lưng và đùi bộ pháp và thân pháp, đều rất tinh xảo ủy diệu.
Ngày thứ hai, Thừa Chí thua liền hai ván, hôm đó cậu không được học một môn võ nào cả.
Ngày thứ ba, cậu phải xuất kì binh bố hết biên giới chiếm hết phúc địa ở trung ương quả nhiên thắng liền hai ván. Mộc Tang không chịu phục đòi đánh hai ván nữa, kết cuộc một thắng một bại, thế là hôm đó Mộc Tang phải dạy cho Thừa Chí ba miếng.
Sau đã dạy xong hai kiểu khinh công, Mộc Tang hỏi:
– Cháu có biết, khi đánh với kẻ địch, bác dùng binh khí gì không?
Thừa Chí lắc đầu, Mộc Tang vừa cười vừa cầm bàn cờ lên, nói rằng:
– Tức là cái này.
Thừa Chí cũng biết bàn cờ đó làm bằng thép, nhưng không ngờ lại là khí giới hộ thân của ông ta. Mộc Tang vốc một nắm quân cờ vừa cười vừa nói:
– Đây là ám khí của ta.
Thuận tay, ông ta tung lên một cái, mấy chục quân cờ đều bay lên trời.
Mộc Tang đạo nhân đưa bàn cờ ra hứng, chỉ nghe thấy “coong” một tiếng thật lớn, mấy chục quân cờ đều rơi xuống giữa bàn cờ. Thừa Chí chịu phục, đều nổi lè lưỡi ra hồi lâu mà không sao nói được nửa lời. Thì ra mấy chục quân cờ ném lên trên không, lúc xuống thì nào cũng quân trước quân sau, và tiếng động phải là “kinh kinh coong coong” loạn xạ một hồi, chứ không như vừa rồi mấy chục quân cùng rơi xuống một lúc vào đúng giữa bàn cờ. Như vậy đủ thấy ném lên, sức quân bình của bàn tay phải cân đối lắm mới được, và như thế, làm gì Thừa Chí chẳng phục sát đất. Còn sự lạ hơn nữa là những quân cờ rơi xuống bàn cờ không thấy bắn tung ra, chỉ thấy Mộc Tang đạo nhân khẽ hạ thấp cánh tay để dùng giảm sức giáng xuống của các quân cờ, thế là quân nào quân nấy như có bàn tay xếp xuống bàn cờ vậy. Mộc Tang cười nói:
– Ném ám khí thì phải luyện sức trước đã rồi mới luyện trúng đích sau. Khi ném ra, ta có thể muốn nặng muốn nhẹ tùy ý, rồi sau mới luyện tới việc ngắm ném trúng đích.
Nói đoạn, ông ta đem tâm pháp dùng sức lấy gân ném quân cờ lại cho Thừa Chí luyện tập.
Mộc Tang đạo nhân ở chơi trên núi Hoa Sơn thắm thoát cả nửa năm, chiều chiều đánh cờ, sung sướng quá nên quên cả ngày về. Những môn khinh công và ném quân cờ, tuyệt kĩ, ông ta đều tận tâm dạy hết cho Thừa Chí không giấu giếm nửa miếng võ nào. Lúc đó đang là mùa hè nóng nực, buổi sáng Thừa Chí tập luyện kiếm và quyền thuật, buổi chiều đánh cờ với Mộc Tang đạo nhân ở dưới bóng cây. Cờ của cậu cao hơn sư bá một nước, nhưng Mộc Tang đạo nhân vốn tính hiếu thắng, lần nào cũng lấy quân trắng nhường cho Thừa Chí quân đen đi trước. Như vậy ông ta được càng ít, thua càng nhiều. Một hôm, Mộc Tang tiếp tục dạy Thừa Chí môn ném ám khí thủ pháp “Mãn thiên hoa vũ” (mưa hoa đầy trời) một lúc ném ra mười mấy quân cờ, nhưng quân công thượng thặng này không phải một sớm một chiều có thể học nên. Với môn này, Thừa Chí đã khổ tâm luyện tập bốn tháng trời nay, nhưng một lúc ném ra 3, 4 quân cờ chỉ có thể trúng một, hai quân thôi. Mộc Tang đại nhân phải đóng một tấm bảng gỗ trên có vẽ một hình nhân, gọi chàng câm cầm lấy tấm gỗ ấy chạy, rồi ông ta ra hiệu:
– Thiên Tôn, Kim Tinh, Ngọc Trẫm! Thừa Chí liền ném luôn ba quân cờ vào hình nhân trên bảng gỗ. Cậu chỉ ném trúng Thiên Tôn và Ngọc Trẫm hai huyệt, còn huyệt Kim Tinh thì hơi chệch một ít.
Mộc Tang lại ra hiệu:
– Quan Nguyên, Thần Phong, Đại Hách! Chàng câm một mặt chạy, một mặt làm rung động tấm bảng gỗ, Thừa Chí giở khinh công ra đuổi theo, tay phẩy một cái, nhưng Mộc Tang đã la lớn:
– Huyệt Quan Nguyên không trúng.
Ông ta đang định la nữa bỗng thấy Thừa Chí thất kinh, thét lên một tiếng, và nhanh tay kéo chàng câm trở lại. Chàng câm không hiểu gì cả, ngơ ngác quay đầu nhìn phía trước, mới thấy một con đười ươi đang định vồ mình. Chàng vội giơ bảng gỗ lên nhắm trúng đầu con thú đập xuống, nhưng chàng câm bỗng thấy một sức mạnh đỡ lấy tay mình, thì ra đã bị Mộc Tang kéo trở lại. Rồi đạo nhân lên tiếng bảo:
– Thừa Chí, cháu đối phó với con chó này đi! Cậu hiểu sư bá muốn thử bản lĩnh của mình, xem đã tiến bộ tới đâu. Cậu vâng lời, giơ hai tay, khẽ nhảy tới trước mặt con đười ươi, con thú thấy bóng người quay mình xuống chạy. Thừa Chí lấy sức tạt vào lưng con vật một cái thật mạnh. Con đười ươi đau quá kêu rống lên, đoạn quay trở lại vươn hai tay dài ra để cào. Thấy chỗ hở của con thú để đánh. Bỗng nghe sau lưng có tiếng gió hình như có kẻ địch đánh tập kích, cậu không kịp quay đầu lại xem, vội nhún chân trái nhảy lên không. Người chưa rơi xuống đất, cậu đã thấy rõ kẻ đánh trộm phía sau mình là một con đười ươi khác lớn hơn. Lên núi Hoa Sơn học võ mấy năm trường, Thừa Chí chưa hề đối địch thực sự với ai cả. Hai con đười ươi tuy hung ác thật, nhưng cậu không thấy sợ hãi chúng tí nào. Cậu liền giở ngay “Phục Hổ Chưởng” đấu hai con thú nọ. Nghe thấy tiếng hò hét, Mục Nhân Thanh ở trong nhà chạy ra thấy Thừa Chí đang ra sức đấu với hai con đười ươi. Hễ bàn tay cậu đụng tới mình con thú nào là con ấy bị đau, kêu la om sòm, thấy đồ đệ tiến nhanh như vậy, ông ta rất mừng, nghĩ thầm rằng:
“Nó được tiến bộ như thế cũng không uổng công trình đã dạy nó bấy lâu nay.” Hai con đười ươi bị đánh nhiều quá không dám đến gần Thừa Chí như lúc đầu nữa. Nhân Thanh hiểu biết võ nghệ của Thừa Chí cũng thừa sức thắng 2 con ác thứ nhưng hiềm một nổi cậu chưa đủ công lực nên một cái tát nào cũng vậy, chỉ có thể đánh chúng đau thôi, chứ không đánh chúng bị thương được, vì sức mạnh của bàn tay cần phải luyện tập lâu năm mới được.
Nghĩ đoạn, ông ta vào lấy kiếm ra, ném cho Thừa Chí và gọi:
– Tiếp nhanh thanh kiếm! Thừa Chí nhảy lên, giơ tay phải ra bắt thanh kiếm. Kiếm đã vào tay cậu như hổ thêm cánh. Chưa xuống tới mặt đất, cậu đã sử dụng ngay miếng “Xuyên trẫm dẫn tuyết”, đâm tránh. Thanh kiếm của cậu múa lên, hơi lạnh thấu người. Tức thời hai con thú bị bao vây trong vòng tỏa ánh sáng kiếm của cậu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.