Bích Huyết Kiếm

Hồi 4: (tiếp)



Lúc này Thừa Chí mới hay hộp đó có hai từng, giơ hộp lên lắc thử, quả nhiên trong có đựng một vật gì. Cậu nghĩ thầm: “Ta thương hại hài cốt ông ta bị vứt bỏ nơi hoang sơn mà xuống đây chôn cất hộ chứ ta có tham vọng hưởng những bảo vật của ông ta đâu!” Nghĩ đoạn, cậu bóc phong bì nói về cách chôn cất hài cốt ra xem, thấy một tờ giấy trắng trên đó có viết: “Nếu ông thành tâm chôn cất hài cốt của tôi, thì xin đao sâu thêm ba thước hãy mai táng, để tôi nằm sâu dưới đất, khỏi bị mối kiến nó đục hại.” Thừa Chí tự bảo thầm: “Đã làm phước thì làm phước cho trót, ta cứ theo lời dặn của ông ta mà theo đúng như vậy.”

Cậu lại tiếp tục đào sâu, nhưng lần này đất cứng rắn hơn thỉnh thoảng lại có đá cục, nên tốn nhiều hơi sức lắm. Lúc này mặc dầu đã hơn trước nhiều, nhưng cũng mệt đến đổ mồ hôi ướt đẫm cả, khi cậu đào sâu tới mức sâu ba thước, lại bới ra được một hộp sắt nữa, nhưng hộp này nhỏ hơn, chỉ độ một thước bề ngang thôi. Thừa Chí lại nghĩ thầm: “Vị quái hiệp này kì lạ thật! Không biết trong hộp này lại đựng cái gì đây?” Cậu mở hộp ra xem, lại thấy có một lá thư. Đọc xong, cậu sợ hãi đến toát mồ hôi lạnh. Thì ra trong thư có viết: “Ông thật là người nhân đức trung hậu đã chôn cất hài cốt tôi xong, tất phải được hưởng vật báu để đền bù công khó nhọc. Hộp sắt lớn là hộp giả, ai mở là bị trúng tên độc ở trong bắn ra, những sách vở và địa đồ trong đó đều giả cả, trên sách giấy lại có chất độc rất mạnh để trừng trị những kẻ tham lam bất lương. Còn những thứ thật thì ở trong hộp nhỏ này.” Không dám xem nhiều, cậu để hai cái hộp sang một bên, rồi đặt hài cốt của Kim Xà Lang Quân xuống hố, lấp đất lên vái mấy vái xong, liền ôm hộp sắt quay trở ra. Lúc này cậu mới nhận rõ cửa động xây bằng đá, chắc khi còn sống, Kim Xà Lang Quân vẫn thường lui tới động ấy nên mới cẩn thận lấy đá phong tỏa như vậy. Cậu xếp dọn những hòn đá lớn sang một bên, mở rộng cửa động, để mời sư phụ và Mộc Tang xuống xem xét.

Ra khỏi động, chàng câm vội kéo Thừa Chí lên. Cậu bưng hộp sắt về để trình sư phụ định đoạt.

Mục Nhân Thanh và Mộc Tang đang đánh cờ thấy Thừa Chí trở về, liền ngưng ngay để nghe đồ đệ kể chuyện.

Đọc qua mấy lá thư, Mộc Tang cũng phải kinh hãi. Khi đạo trưởng bóc lá thư đề “Cách mở hộp” ra, thấy trong thư viết: “Hai bên hộp đều có chốt máy, hai tay bưng hộp, đồng thời dùng sức kéo lên, là mở được nắp ngay.” Mộc Tang nhìn Nhân Thanh, lè lưỡi vài cái rồi mới nói:

– Bõ thật hú vía! Tính mạng của cháu Thừa Chí có thể nói là vừa mới nhặt được đem về! Nếu nó có lòng tham một chút, không chôn cất di hài cho tử tế, cứ vội vã mở ngay hộp để kiếm vật báu thì những mũi tên độc không tha thứ cho nó đâu! Nói đoạn, Mộc Tang đạo nhân gọi chàng câm đi kiếm một cái thùng gỗ tới, gần đáy thùng cho đục hai cái lỗ, mở nắp hộp sắt ra, rồi để vào trong thùng gỗ, lấy tấm ván đậy nắp thùng lại, thọc hai cái gậy vào hai cái lỗ rồi mới đục. Đạo nhân cầm một chiếc gậy, còn chiếc kia bảo Thừa Chí cầm, rồi cả hai cùng thọt mạnh, hai chiếc gậy cùng một lúc, bỗng nghe thấy “két” một tiếng. Mọi người đoán cái nắp hộp bên trong đã mở rồi, theo đó có tiếng “soẹt, soẹt”, “tung, tung” liên tiếp, thùng gỗ hơi bị rung chuyển. Nghe thấy tiếng tên độc bắn ra đã ngừng rồi, Thừa Chí định mở tấm ván đậy nắp lên xem. Nhân Thanh vội cản lại quát lớn:

– Hãy chờ một lát đã! Chưa dứt lời lại nghe thấy mấy tiếng “soẹt, soẹt”. Chờ thêm một lát, không thấy có tiếng động nữa, Mục Nhân Thanh mới cho mở tấm ván ra. Quả nhiên trong thùng và cả tấm ván đậy nắp cũng đều có mấy chục mũi tên ngắn cắm sâu vào. Nhân Thanh phải dùng kềm chứ không dám lấy tay nhổ những mũi tên đó. Mộc Tang than rằng:

– Người ấy cũng thâm độc đa kế thật, sợ xếp đặt một lần ám khí bắn không chết kẻ mãnh tâm, mà phải đặt những hai lần như vậy! Lấy hộp sắt ra, thấy nắp thứ hai đã mở, bên trong có những lò xo đóng chằng chịt, chắc đó là những máy móc đặt tên độc, Mộc Tang tháo hết những lò xo đó ra và cầm cuốn sách để bên dưới lên. Thấy trên bìa sách viết mấy chữ “Kim Xà bí kíp” (kíp là vũ sách làm bằng tre). Mộc Tang đạo nhân dùng kềm mở thử mấy trang, thấy viết bằng những hàng chữ nhỏ li ti và có rất nhiều họa đồ, có trang thì vẽ hình địa đồ, có trang vẽ các thế võ, và cũng có trang vẽ khí giới máy móc. Khi mở hộp nhỏ ra xem, bên trong cũng có một cuốn sách cùng một khuôn khổ như cuốn trước và chữ viết, cách đóng, chẳng khác một tí nào, riêng có nội dung là không giống thôi.

Mục Nhân Thanh nói:

– Để đối phó với những kẻ không chôn cất thi hài ông ta cho tử tế, Kim Xà Lang Quân đã không tiếc công, mất thời giờ, viết một cuốn sách giả, rồi đặt vô số tên độc.

Nhưng sự thật thì một người đã chết rồi, còn tính toán tới chuyện người ngoài đối xử với mình tốt hay xấu làm gì! Mộc Tang nói:

– Cũng chỉ vì hắn quá hẹp lượng, nên mới có kết quả bi đát như thế! Mục Nhân Thanh gật đầu than thở, bảo Thừa Chí cất hai hộp sắt ấy đi rồi nói:

– Hành vi của Kim Xà Lang Quân thật quái dị, dù có đọc sách của y cũng vô ích.

Thừa Chí vâng lời, sau vụ đó, cậu luyện võ càng thêm chăm chỉ.

Mộc Tang dạy tất cả các môn khinh công, ám khí cho cậu ta xong đâu đấy mới hạ sơn đi nơi khác.

Thời gian trôi chảy rất chóng, thấm thoát đã mấy năm. Lúc ấy đã là năm thứ 16 của vua Sùng Trinh, Viên Thừa Chí đã 20 tuổi.

Chàng đã được Mục Nhân Thanh, chưởng môn phái Hoa Sơn, quyền kiếm thiên hạ vô song, dạy bảo mười mấy năm tất nhiên võ công phải tuyệt phi phàm. Chàng lại được thêm Mộc Tang đạo nhân chỉ bảo khinh công tới mức tuyệt đỉnh. Chống ám khí độc đáo, và cậu cũng có bản lĩnh về đánh cờ. Một mình chàng học được võ công thượng thặng của hai môn phái, đã là một nhân vật hiếm có trong giới võ lâm. Nhưng trong mười mấy năm học tập, chàng chưa từng đặt chân xuống núi một bước, tất nhiên không biết thế sự là gì cả. Và khắp chốn giang hồ cũng chưa một ai biết phái Hoa Sơn đã có một tay vạn năng hảo thủ như vậy.

Hôm đó là ngày Xuân, Thừa Chí cùng Đại Oai và Tiểu Quái, hai con đười ươi luyện võ. Chàng câm ở trong nhà bước ra giơ tay ra hiệu. Thừa Chí biết là sư phụ cho gọi, liền vào ngay trong nhà, thấy có hai đại hán đứng cạnh sư phụ. Chàng ngạc nhiên vô cùng, vì ở trên núi Hoa Sơn này, trừ Mộc Tang ra, chưa có người khách thứ hai tới thăm. Mục Nhân Thanh nói:

– Thừa Chí, con lại chào Vương đại ca và Cao đại ca đi.

Tưởng là bạn của sư phụ, chàng vái chào và miệng gọi “sư thúc”, hai người nọ vội vàng quỳ xuống lạy và nói:

– Mời Viên sư thúc bình thân. Chúng cháu đâu dám nhận lễ của sư thúc.

Thấy gọi mình là sư thúc, chàng ngơ ngác không hiểu. Mục Nhân Thanh cả cười một hồi rồi mới nói:

– Thôi! Đứng dậy cả đi! Thừa Chí vội đứng thẳng lên. Chàng thấy hai người nọ ăn mặc lối quê mùa, trông cũng có vẻ nhanh nhẹn và oai hùng, Nhân Thanh cười nói:

– Con chưa theo thầy xuống núi bao giờ nên không biết vai vế của con ra sao? Thôi đừng khách sáo nữa, và ai cũng đừng gọi ai là sư thúc gì cả. Cứ căn cứ vào tuổi hơn kém mà gọi nhau là huynh đệ thì hơn.

Thì ra hai sư huynh đệ họ Vương và họ Cao kia, theo vai vế thì sư phụ của họ phải gọi Mục Nhân Thanh là sư thúc. Họ tuy lớn tuổi, nhưng phải gọi Thừa Chí là sư thúc mới phải. Mục Nhân Thanh lại nói:

– Hai vị sư huynh này thừa lệnh Lý Tự Thành tướng quân ở tỉnh Sơn Tây tới, muốn mời thầy xuống bàn tán một việc quan trọng, vậy ngày mai thầy phải xuống núi.

Thừa Chí nói:

– Thưa sư phụ, lần này sư phụ cho phép con đi theo để thăm Thôi thúc thúc.

Chàng ở trên núi mãi cũng thấy buồn, mấy lần muốn theo sư phụ hạ sơn đều không được phép. Lần này chàng lại xin thì Nhân Thanh mỉm cười. Hai người kia biết thầy trò chàng có chuyện muốn bàn tán liền cáo lui ra bên ngoài.

***

Mục Nhân Thanh nói:

– Hiện giờ thân thế nghĩa quân đang bành trướng rất mạn. Hai tỉnh Tân, Tấn sắp vào tay quân ta. Đây cũng là dịp may con báo thù cha. Bấy lâu nay con cứ xin thầy cho phép con đi hành thích vua Sùng Trinh, nhưng thầy nhất định không nghe, con có biết tại sao không?

Thừa Chí trả lời:

– Thưa thầy, có phải vì con chưa học thành tài không?

– Điều đó cũng là một nguyên nhân, nhưng còn một điều nữa quan trọng hơn. Con hãy ngồi xuống thầy nói cho con nghe.

Thừa Chí ngoan ngoãn ngồi xuống, Nhân Thanh nói tiếp:

– Mấy năm nay, tình thế ngoài quan ải khẩn trương lắm. Dã tâm của người Mãn Châu không lường, ngày nào cũng muốn xâm lấn vào trong quan ải. Mặc dầu vua Sùng Trinh hay đa nghi và thiếu ý chí cương quyết, nhưng còn sáng suốt hơn các vua trước, như vua Gia Tinh, vua Thiên Khải nhiều. Nếu cho phép con vào trong cung hành thích Sùng Trinh để trả tư thù sẽ có hại, vì thái tử còn nhỏ nếu lên nối ngôi, quyền hành thế nào cũng lọt vào tay bọn gian thần quan hoạn. Thầy chỉ sợ chúng sẽ làm mất giang sơn của người Hán mình ngay. Như vậy, có phải con là một người có tội với thiên hạ không?

Thân phụ con suốt đời phản kháng quân Mãn, quyết chí thu phục đất Liêu Đông, nay thấy con bất trung bất hiếu như vậy, thì ông ta dù ở thế giới bên kia cũng không được yên tâm chút nào! Thấy sư phụ nói như vậy, Thừa Chí toát mồ hôi. Mục Nhân Thanh lại nói:

– Quốc sự là một việc lớn, tư thù là việc nhỏ, sở dĩ thầy không cho con đi báo thù vì lẽ đó. Nhưng tình hình bây giờ lại khác hẳn. Sấm Vương Lý Tự Thành đã chiếm Tân, Tấn hai tỉnh, và chỉ trong một hai năm là có thể tiến tới Bắc Kinh. Lúc ấy đã có ông ta chủ trì đại cuộc, toàn quốc trên dưới một lòng, thì còn sợ gì Liêu Đông, Mãn Châu vào xâm chiếm nữa.

Càng nghe, Thừa Chí càng thấy phấn khởi. Nhân Thanh lại nói tiếp:

– Võ nghệ của con bây giờ đã có căn cơ. Tuy võ học không có bờ bến, nhưng tài năng của ta đã truyền lại hết cả cho con. Sau này, con chỉ chăm chỉ học tập lấy đủ được rồi, mai thầy xuống núi, con cứ ở lại chờ một tháng sau, con hãy hạ sơn, đến tỉnh Sơn Tây vào trại quân đội Sấm Vương kiếm thầy.

Thấy thầy cho phép xuống núi, Thừa Chí hớn hở vô cùng. Lúc thường Mục Nhân Thanh đã dạy cho chàng biết các điều cấm kị và các luật lệ của các môn phái trên chốn giang hồ rồi. Lúc này, ông ta nhắc lại những điều quan trọng cho chàng nghe.

Sau cùng lại dặn rằng:

– Con là người cẩn thận chính trực, ta yên trí lắm. Nhưng còn chữ “sắc”, con đặc biệt đề phòng. Có rất nhiều đại anh hùng, đại hào kiệt đã sa ngã bởi chữ sắc đó, đến rồi tiêu tan sự nghiệp, trở nên thân tàn ma dại. Con phải nhớ kĩ lời nói đó của thầy.

Ngày hôm sau, trời chưa sáng tỏ, Thừa Chí đã thức dậy giúp chàng câm đun nước, thổi cơm, xong đâu đấy, mới vào phòng sư phụ thỉnh an. Không ngờ Mục Nhân Thanh và hai người khách lạ kia đã hạ sơn từ lúc nửa đêm rồi. Ngẩn người giây lát, Thừa Chí nghĩ tới việc mình sắp hạ sơn đến nơi rồi, liền chỉ trỏ ra hiệu cho chàng câm hay. Chàng câm có vẻ không vui, quay mình đi ra. Hai người ăn ở với nhau hơn mười năm trời, tình thân hơn anh em ruột thịt, nên chàng biết chàng câm không nỡ chia tay với mình.

Thấm thoát đã qua được bảy tám ngày, Thừa Chí vẫn luyện tập như thường. Nghĩ tới sắp phải rời khỏi nơi đây, chàng bắt đầu luyến tiếc từng cánh cây, cái cỏ. Hôm đó, ăn cơm tối xong, chàng lấy sách sư phụ ra đọc một thời gian khá lâu. Đang định tắt đèn đi ngủ, bỗng thấy chàng câm vào chỉ trỏ ra hiệu cho chàng ra để xem xét, nhưng chàng câm níu lại, và cho hay rằng, đã khám xét rồi, không thấy tung tích người nào cả. Thừa Chí vẫn không yên tâm lắm, dắt hai con đười ươi đi khám xét lại phía trước lẫn phía sau núi. Quả nhiên, không thấy có điều gì khả nghi cả, chàng mới trở về phòng ngủ. Ngủ tới nửa đêm, chàng nghe thấy Đại Oai và Tiểu Quái ở phòng ngoài kêu la ầm ĩ. Chàng ngồi dậy lắng tai nghe, bỗng có mùi thơm xông lên mũi, vội nín hơi thở ra, ngờ đâu hai chân mềm nhũn, loạng choạng suýt ngã. Lúc ấy, cửa phòng bỗng mở toang, một cái bóng đen nhảy vào, và giơ đao chém ngay vào đầu chàng. Tuy cảm thấy đầu nặng trĩu, nhưng chàng rất tinh thông võ nghệ, có thể cố gượng được, vội né sang bên trái, rồi tay phải, đánh ngược một chưởng.

Người nọ muốn chém vào tay Thừa Chí nhưng gặp phải cường địch, khi nào lại chịu để cho đối phương có thể giơ tay. Trong bóng tối, chỉ có cách nghe hơi gió để nhận đính mọi cử động của địch thủ, Thừa Chí tiến lên một bước, dùng bàn tay trái chặt vào vai người đó. Chưởng đó chàng đã dùng cả mười phần sức lực. Người nọ không ngờ chàng đã bị thuốc mê rồi mà còn có công lực như vậy. Vai bị đau, người nọ bị đánh tung ra cửa. Bên ngoài, có một người bèn đỡ lấy người nọ và nói:

– Cái điểm móng cứng lắm! (Đây là tiếng lóng của người giang hồ. Cái điểm là tên kia, móng là tài nghệ, cứng lắm là giỏi lắm). Thừa Chí định nhảy ra, bỗng thấy đầu choáng váng rồi mê man bất tỉnh. Cách không biết bao nhiêu lâu, chàng mới tỉnh dậy, thấy tay chân và mình mẩy đều mỏi mệt. Vừa cựa quậy tay chân, chàng hoảng sợ vì thấy mình mẩy đã bị trói chặt bằng dây thừng. Trong phòng đèn đuốc sáng choang, hai người lạ mặt đang lục lợi hòm siểng khắp nơi.

Chàng đã biết bị người hãm phải, tự trách mình là kẻ vô dụng, sư phụ vừa hạ sơn được vài ngày mà mình đã bị người ta lên tận núi bắt trói. Như vậy, còn mong mỏi gì đặt chân vào chốn giang hồ và báo thù cho cha nữa. Chàng giả tảng chưa hồi tỉnh, hé mắt nhìn trộm, thấy một người gầy gò, trạc độ ngoài 50, mặt khô khan. Còn một người nữa là hòa thượng, vừa to vừa béo xem thân hình đúng là người vừa đánh nhau với mình.

Chàng nghĩ thầm: “Lạ quá! Trên núi, có cái gì quý báu đâu mất công đến tận đây trộm cướp? Tiền của thì chỉ độc có 50 lạng bạc sư phụ để lại cho để làm lộ phí thôi! Nhưng họ nhất định không phải là giặc cướp thường. Tên hòa thượng này võ công khá lắm, và người gầy gò kia cũng không phải là tay xoàng xĩnh. Nếu bảo họ tới đây để báo thù, tại sao lại không giết mình mà cứ đi lục lọi khám xét đồ đạc thế kia.” Vừa nghĩ ngợ, chàng vừa vận nội công để làm đứt dây thừng đang trói chặt người chàng.

Nào ngờ đâu kẻ địch lại là những tay lão luyện, biết chàng giỏi võ nên lúc trói họ cắm một mẩu tre vào giữa hai tay, hễ chàng lấy sức là mẩu tre vỡ trước, và gây ra tiếng động tức thì. Khi chàng vừa lấy sức định bứt sợi dây thì phát giác ngay mưu kế đó, nên ngừng ngay lại và không cựa quậy nữa. Trong lúc chàng đang nghĩ kế thoát thân, thì nghe thấy tên hòa thượng mừng rỡ kêu lên:

– Đây rồi! Hòa thượng kéo chiếc hộp sắt dưới gầm giường ra, đó là cái hộp của Kim Xà Lang Quân.

Người gầy gò tỏ vẻ hân hoan, cùng hòa thượng ngồi cạnh bàn mở hộp sắt, lấy cuốn Kim Xà bí kíp ra xem. Hòa thượng cả cười nói:

– Quả nhiên nó ở đây rồi. Sư huynh này, bây giờ mới bõ công tìm kiếm 15 năm của anh em mình! Mở cuốn bí kíp ra xem, thấy bên trong có vẽ rất nhiều họa đồ, và những hàng chữ nhỏ, y khoái chí gãi đầu, xoa tay mừng rỡ vô cùng.

Người gầy gò bỗng nói:

– Kìa, tên kia đã tẩu thoát.

Vừa nói, y vừa chỉ về phía Thừa Chí. Hòa thượng quay đầu xem có thật không.

Nhanh như chớp, tên gầy gò đâm luôn một nhát dao găm vào giữa sống lưng hòa thượng, sâu ngập tới cán rồi y nhảy cách xa vài thước, rút trường kiếm ra đề phòng sự phản ứng. Hòa thượng ngạc nhiên, bỗng phá ra cười một cách chua chát rồi nói:

– Anh em mình cố gắng tìm kiếm suốt 15 năm trời, ngày nay mới tìm thấy vật báu. Không ngờ anh lại muốn chiếm lấy một mình mà hạ độc thủ như vậy… Hà… hà… hà… hà…

Trong đêm khuya tĩnh mịch, tiếng cười của y lại càng bi đát rùng rợn thêm đến nỗi Thừa Chí nghe thấy cũng phải sờn lòng. Y định đưa tay về phía sau rút thanh đao ra, nhưng không được. Bỗng y thét lên một tiếng, ngã gục xuống, giãy giụa rồi tắt thở liền.

Người gầy gò sợ hòa thượng chưa chết, hắn liền tiến lên đâm bồi thêm mấy nhát kiếm nữa. Thấy y tàn sát sư đệ như vậy, Thừa Chí cũng phải rùng mình ghê gớm. Tên ấy “hừ” một tiếng rồi nói:

– Ta không giết ngươi thì ngươi cũng sẽ hại ta! Nói xong, y còn đá vào xác hòa thượng mấy cái.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.