John Đi Tìm Hùng

Chương 5 – Phần 1



Người ta nói vô tâm thì vô lo, những gì bạn không biết thì không thể làm hại bạn. Chúng ta thường chỉ muốn thu mình trong cái thế giới nhỏ nhoi của ta, tránh xa những gánh nặng mà sự thật có thể đem lại. Người mù đâu thể nhìn thấy cái xấu, người điếc chẳng thể nghe điều tệ hại, còn người vô tâm thậm chí không có khái niệm gì cả.

Lựa chọn vô tâm khiến cuộc sống dễ thở hơn. Tuy vậy, kiến thức lại chính là sức mạnh. Thứ sức mạnh giúp ta có thể thay đổi. Vậy chúng ta đơn giản chọn một nửa của sự thật hoặc các phiên bản sự thật của riêng chúng ta? Hay ta chọn khám phá và kiến thức? Bạn có toàn quyền lựa chọn.

Thay vì chỉ đơn giản là chấp nhận thu mình trong một chiếc bong bóng, tôi tìm đến sự tự do. Tôi đi đến Việt Nam và chọn chuyến hành trình này. Tôi biết tôi có thể nhìn, cảm nhận, trải nghiệm những điều mà nếu làm ngược lại không bao giờ tôi biết được. Tôi ép buộc bản thân phải đối mặt, phải tìm đến những điều trái ngược với những thứ mà tôi đã từng tin tưởng trong một thời gian dài.

Cũng giống như nước Mĩ. Nước Mĩ không phải là một quốc gia hoàn hảo, thậm chí không phải là đất nước tốt nhất như tôi từng nhận thức. Tiền ư, tiền không thể giải quyết mọi thứ. Và thế giới không chỉ có trắng và đen. Những điều tôi nhìn thấy thay đổi cách tôi suy nghĩ. Và đó là bài học của cuộc sống, một chuyến hành trình không ngừng học hỏi khiến ta được đến gần hơn với sự khai sáng.

Tôi rời Đồng Hới và tiếp tục hành trình tới tỉnh Quảng Trị. Chị Thảo và chồng đã giúp đưa tôi đến bến xe khách. Họ lo tôi sẽ bị ốm nếu đi bộ dưới thời tiết nóng nực. Hai người còn cho tôi một túi đồ ăn khô: xúc xích, lương khô cùng vài thứ ăn vặt khác. Nhưng tôi từ chối nhận tiền.

Chuyến xe đến Đông Hà, Quảng Trị gợi cho tôi nhiều thứ thân quen khi xe đi qua cây cầu đã từng chia đôi Việt Nam. Đã có lần tôi đến nơi này, tôi còn nhớ đã nhìn những tượng đài, những dấu tích gợi nhớ về chiến tranh. Đây từng là nơi chịu những đợt bom rải thảm khủng khiếp nhất của quân Mĩ. Số lượng bom từng đổ xuống vùng đất này có sức công phá bằng sáu quả bom nguyên tử. Đây là những điều về nước Mĩ mà tôi không muốn nhìn thấy, không muốn tin. Tôi trưởng thành với ý niệm nước Mĩ là hoàn hảo và tất cả những gì nước Mĩ làm là vì công lí và sự bình đẳng. Một cảm giác kì lạ bao trùm cả xe khi chúng tôi đi qua cầu, mọi người đều im lặng. Bỗng nhiên tôi thấy nỗi buồn ập đến. Có thể đó là nỗi buồn khi tôi phải chấp nhận những điều mà người Mĩ từng gây ra hay thậm chí là một điều gì đó mơ hồ hơn.

Đến Đông Hà, tôi dừng lại ở chợ Quảng Trị. Một người bạn quen qua facebook đã nói rằng anh sẽ giúp tôi đi khám phá Quảng Trị. Thực ra không hẳn là một người bạn, vì chúng tôi chưa gặp nhau bao giờ. Chỉ là một người nào đó trên facebook. Thật buồn cười khi mạng internet và công nghệ đang khiến chúng ta lười biếng và làm sai lệch đi định nghĩa về tình bạn. Nhiều người Việt Nam coi những người họ nói chuyện trên facebook hay Yahoo là bạn, nhưng nếu như chưa bao giờ thực sự gặp, bạn không thể coi họ là bạn được. Thật dễ dàng khi giấu mặt sau chiếc máy tính và tôi có vẻ hơi cả tin quá.

“Chào bạn, mình là Tuấn, bạn là John Trần phải không?”. Người bạn facebook hỏi và nhảy xuống xe, bắt tay tôi. Một chàng thanh niên gầy gò và cao, dáng vẻ của một vận động viên bóng chuyền. Tôi gật đầu, cảm thấy nhẹ nhõm vì anh trông có vẻ rất chân thật. “Mình đợi bạn suốt buổi sáng”, anh nói khi chở tôi đi. Chúng tôi dừng lại một chút ở một quán karaoke, nơi Tuấn mang tôi ra khoe với vài người bạn trước khi đi về nhà Tuấn.

Đài tưởng niệm ở Quảng Trị

Về nhà Tuấn, tôi gặp mẹ của anh, một phụ nữ trẻ và khá đẹp. Không có người chồng ở nhà nên tôi đoán chú ấy đã qua đời. Đây là gia đình thứ tư tôi đến mà không có sự hiện diện của người cha. Chiến tranh thực sự đã lấy đi nhiều thứ. Cô không nói nhiều, chúng tôi chỉ nói chuyện khi tôi hỏi han cô về việc nấu ăn. Bữa ăn nhẹ nhàng, không phải là bữa ngon tuyệt như Tuấn giới thiệu. Tất nhiên, tôi không nhận xét gì. Làm vậy sẽ giống như việc nói với một đứa trẻ rằng ông già Noel không tồn tại.

Sau bữa tối chúng tôi chạy xe dọc con đường ẩm ướt sau cơn mưa. Đi một đoạn thì chúng tôi dừng lại trước một ngôi nhà nhỏ, trông giống một khu trọ sinh viên. Tôi gặp bạn của Tuấn, cậu bạn ăn mặc như thể sắp đi dự đám cưới với quần âu, áo sơ mi cao cổ và giầy Tây. “You speak Vietnamese? – Cậu nói tiếng Việt?, anh hỏi tôi với thứ tiếng Anh bồi. Tôi thấy không hài lòng khi ai đó nghĩ rằng tôi không biết tiếng Việt. “Có, mình có thể nói tiếng Việt”, tôi đáp. “Không thể ăn mặc như thế này được”, bạn của Tuấn nói, ném cho tôi một chiếc áo sơ mi cộc tay.

Chúng tôi chạy xe 10 phút, ra tới một đoạn đường gồ ghề, bụi bẩn dẫn tới vùng nông thôn. Chúng tôi đang tới dự một đám cưới, thực ra là bữa tiệc trước đám cưới. Tiệc cưới thật là ngày mai nhưng ở đây người ta tổ chức đám cưới trong nhiều ngày liền. Thêm nhiều người đến hơn, buổi tiệc được bắt đầu. Có vài món ăn nhẹ, và tôi thì vui vẻ nhón lấy vài thứ sau bữa tối không đặc biệt cho lắm. Trong khi đồ ăn thì không nhiều, rượu lại có kha khá. Có vẻ đó là văn hóa Việt Nam, chú rể sẽ phải say trong buổi hôm nay.

Ngồi với một đám khoảng chục thanh niên khác, cứ năm phút là rượu lại được rót. Năm chén qua đi như thể họ đang uống trà vậy. Tôi nghĩ đã đến lúc mình nên dừng uống. Sau khi bị ép uống quá nhiều ở Việt Nam, tôi tự tạo cho mình một chiến thuật để vừa giữ được sự tôn trọng mà vẫn tỉnh táo. Khi không ai nhìn, tôi đổ rượu xuống đâu đó. Không có gì hại cho tôi cả, mà tôi vẫn giữ được phép lịch sự. Tôi đã từng nhìn thấy việc uống quá nhiều có hại cho gan bạn thế nào. Khoảng 9 giờ thì chúng tôi rời bữa tiệc trong khi mọi người có vẻ còn tiếp tục đến tận khuya, lí do duy nhất khiến vùng quê vốn yên tĩnh bỗng hôm nay trở nên náo nhiệt.

Nhưng buổi tối của chúng tôi chưa dừng lại ở đó, chúng tôi gặp một vài người bạn khác của Tuấn rồi ngồi ăn ngoài phố. Những con chim quay cùng rau tươi giòn đích thực là những thứ tôi cần cho dạ dày của mình lúc này. Một chai Vodka được gọi ra nhưng tôi từ chối không uống trong khi Tuấn và một cô gái khác thì “xử lí” hết, chỉ hai người họ. Cô gái còn lại thì không uống, quay sang tán tỉnh tôi nhưng tôi thì không thấy hứng thú gì hết. Lúc đầu cô nghĩ tôi là người Việt Nam nên cũng chẳng thấy thích thú gì. Nhưng khi tôi cất tiếng nói thì thái độ cô gái thay đổi hoàn toàn. Tôi giả vờ nghịch điện thoại khi ăn để khỏi phải nói chuyện với cô gái.

Sau bữa ăn ngon lành, chúng tôi về nhà nhưng lại phải quay lại vì tôi để quên điện thoại. Tôi đã dám chắc rằng sẽ mất điện thoại. May mắn thay vì điện thoại của tôi vẫn còn đó và cô bán hàng vui vẻ đưa trả lại cho tôi. “Cháu quên gì à?”, cô hỏi với nụ cười thật dễ chịu. Tôi khá là ngạc nhiên khi nhận chiếc điện thoại kèm một nụ cười thay vì lời cằn nhằn. Tôi hay quên, thường để quên các thứ khá nhiều lần trước đó. Nhưng ở Hà Nội, mỗi khi tôi quay lại để lấy, “chào đón” tôi là những khuôn mặt giận dữ, thậm chí quát tháo, không tin rằng tôi có thể mắc một lỗi lầm rất bình thường như thế.

Chúng tôi về nhà khi mẹ Tuấn đã đi ngủ. Tôi lên gác mái để đi nằm. “Nghỉ một chút đi, ngày mai có lẽ là phải đi sớm đấy”, Tuấn nói với tôi trước khi tắt đèn. “Mình sẽ đưa cậu đến ngoài rìa thị trấn rồi đi làm”. Cót két. Tuấn bước trở xuống dưới nhà. Tôi cố gắng nằm ngủ nhưng không sao ngủ được, cứ có cảm giác như đang bị theo dõi.

“Rắc, rắc”, tiếng cửa kẽo kẹt. Tôi bật ngồi dậy, nghĩ rằng Tuấn lên. Nhưng không có ai ở đó cả. Trời đã ngừng mưa nhưng những cơn gió vẫn hú hét ngoài đêm tối sâu thẳm. Tôi nhảy khỏi giường để tắt đèn. Tôi nằm trong chiếc giường trong góc, góc còn lại chỉ có một chiếc tủ gỗ nhỏ. Chiếc bóng đèn trong treo lơ lửng trên đầu soi bóng xuống căn phòng. Như thế trong phòng không chỉ có mình tôi.

Tôi lớn lên trong những câu chuyện ma của bà, thường xảy ra ở Việt Nam. Bà tôi cảnh báo với tôi trước khi đến Việt Nam rằng có rất nhiều linh hồn dọc khắp đất nước này. Những người da trắng không tin vào linh hồn hay ma quỷ. Ở Mĩ, ma chỉ xuất hiện trong phim hay những câu chuyện hù dọa trẻ em. Nhưng ma là có thật. Người ta hay nói rằng những ai chết đi không đúng lúc hay không được chôn cất tử tế sẽ vẫn lang thang đâu đó trên mặt đất. Quảng Trị từng là nơi bị dính bom nhiều nhất trong chiến tranh, bởi vậy, không có lí gì lại không có những con ma như thế cả.

Chợt tôi có cảm giác như mình nhìn thấy một bóng đen bay qua. Quá nhanh để tôi có thể chắc chắn, nhưng tóc gáy tôi dựng đứng. Tôi ngồi dậy, sẵn sàng chạy thẳng xuống tầng dưới. Độp… độp… độp. Những tiếng đập nhẹ phát ra từ trên trần nhà. Tôi nhìn lên. Chẳng có gì. Đột nhiên một mùi nước hoa ngọt kì lạ phảng phất xung quanh. Một hình ảnh mờ ảo của một cô gái trẻ hiện lên trong tâm trí tôi. Khuôn mặt dài, mềm mại như khói hiện lên rõ dần như thể tôi đang thực sự nhìn thấy cô ấy. Đêm hôm đó tôi không tài nào ngủ ngon bởi những cơn ác mộng liên tục làm phiền.

Trời sáng, tôi thấy mệt nhưng thở phào vì cuối cùng cũng có thể rời khỏi ngôi nhà. Cơn mưa và mây mù bao phủ đã nhường lối cho cái nóng dữ dội của miền Trung. Mẹ của Tuấn đã đi làm từ sáng sớm nhưng còn kịp chuẩn bị cho chúng tôi nồi bún bò nóng thơm ngon. Chúng tôi kết thúc bữa sáng nhanh chóng. Tôi ngoái lại nhìn ngôi nhà khi Tuấn chở tôi đi trên chiếc xe máy. Phía chiếc cửa sổ nhỏ trên tầng, một cái bóng trắng nhìn giống như một người phụ nữ.

Tuấn thả tôi xuống cuối thị trấn. Có một tấm biển ghi: Huế – 75 km. Chắc là tôi không thể đi tới Huế trong một ngày. Mới chỉ 9 giờ sáng mà cảm giác như tôi đang ngồi trong phòng xông hơi. Tôi đội chiếc mũ bóng chày lên. Chồng của chị Thảo cho tôi cái mũ ấy. Đây là cái mũ thứ ba của tôi, sau khi tôi làm mất hai chiếc nón lúc trước. Chiếc mũ này không thể che nhiều như nón, nhưng có còn hơn không. Tôi bịt mặt bằng một chiếc khăn, đeo kính chống nắng và bắt đầu bước đi.

Tôi đi rất chậm. Bình thường khi bắt đầu hành trình trong ngày, tôi thường có thể đi bộ 5 – 6 kilômét/giờ và trung bình là khoảng 4 – 5 kilômét/giờ. Nhưng dưới ánh nắng mặt trời như tra tấn này, tôi còn không thể đi được 4 kilômét/giờ. Tôi lê chân trên con đường nhiều sỏi đá, uống nước một cách dè xẻn để bổ sung lượng nước đã mất trong cơ thể. Nhiều người đang tránh nắng trong ngóng ra ngoài, nhìn chằm chằm vào kẻ lạ mặt đang đi dưới trời nắng một cách ngu ngốc. Tôi thấy như mình đang đi bộ trên một sa mạc nào đó ở Châu Phi, chứ không phải ở Việt Nam. Sau một vài giờ, tôi đến được Ai Tu, một căn cứ không quân cũ của quân đội Mĩ. Tôi không còn đủ nước và năng lượng để tiếp tục nữa.

Tạp hóa Duy Anh. Tôi tiến đến chỗ một người phụ nữ đang đứng trong một cửa hàng nhỏ và hỏi bác ấy tôi có thể dừng chân nghỉ nhờ một lúc không. “Được chứ”, bác ấy trả lời, còn chưa ngẩng lên nhìn tôi. Tôi ngồi phịch xuống một cái ghế nhựa đỏ, gục đầu xuống cái bàn thấp. “Cháu uống nước không?”, bác chợt hỏi làm tôi giật mình. Tôi gật đầu. Bác ấy nhìn xuống chai nước trống rỗng của tôi rồi đi đâu đó và quay trở lại với một ấm nước.

“Cháu không có tiền để trả bác đâu”, tôi nói với người phụ nữ đứng tuổi nhỏ bé trông có vẻ yếu ớt. Khuôn mặt của bác đầy những nếp nhăn, khó tìm thấy một nụ cười nào, chỉ thấy một vẻ buồn rầu dường như đã ở đó từ lâu như một phần cố hữu của gương mặt. “Không sao”, bác nói, gần giống như lầm bầm với một chất giọng trầm. “Sao trời nóng thế này lại đi bộ?”, bác hỏi. Tôi kể với bác ấy rằng tôi đang đi từ Hà Nội vào Sài Gòn và không mang theo tiền. Gương mặt bác ấy nhăn nhó.

“Cháu là người ở đâu?” – “Cháu ở bên Mĩ”, tôi trả lời và chợt chững lại. Thoáng có vẻ gì hơi sợ hãi hiện lên trên khuôn mặt người phụ nữ. Bác ấy đứng ngây ra một lúc, như thể đang hồi tưởng lại một kí ức không vui nào đó.

Hai đứa trẻ nhỏ, một trai, một gái chạy lại nghịch mấy thứ đồ của tôi. Đứa bé trai đeo đôi kính râm của tôi rồi tự chỉ vào ngực và hét lên: “Siêu nhân!”. “Trả lại ngay, làm hỏng bây giờ đó”, thằng bé bị bác rầy la. Thái độ người phụ nữ thay đổi. Có điều gì đó khiến tôi thấy bác ấy không thoải mái khi biết tôi là người Mĩ. Tôi ngay lập tức giải thích rằng cha mẹ tôi là người Việt Nam.

Người phụ nữ lớn tuổi đi ngang qua tôi rồi ngồi xuống ở một khoảng cách khá xa. Bác nhìn xa xăm và bắt đầu nói. “Bác năm nay đã bảy mươi hai tuổi rồi. Bác sống ở đây một mình với hai đứa cháu. Bác sinh được ba đứa con, giờ chỉ còn hai, cả hai đứa đều sống xa. Con gái bác với chồng nó bị tai nạn xe máy chết ba năm trước. Bây giờ bác phải nuôi hai đứa này. Tội bọn nhỏ, phải lớn lên không có cha mẹ ở cạnh. Ngày nào bác cũng bán hàng, nhưng mà cũng chẳng đủ. Không đủ được. Khó sống lắm”. Bác dừng lại, như thể để ngẫm lại câu chuyện của chính mình.

Tôi nhìn hai đứa trẻ đang mải nghịch chiếc điện thoại của tôi, lũ trẻ đùa nghịch và cười nói hồn nhiên, trẻ con thật hạnh phúc và ngốc nghếch. Chúng còn quá nhỏ để nhận thức được thực tế. Ở tuổi này, bọn trẻ vẫn được hưởng niềm hạnh phúc của sự vô tư. Chúng chưa hiểu được những điều bà ngoại chúng đã và đang phải trải qua. Với tuổi già và sức nặng đang đè lên trái tim như vậy, tôi không nghĩ bác gái ấy sẽ sống được thêm lâu nữa. Chắc hẳn chính việc phải chăm lo cho hai đứa cháu đã giúp bác tiếp tục tồn tại cho đến hôm nay. Nhưng liệu điều gì sẽ xảy ra khi bác ấy không còn tiếp tục được nữa, điều gì sẽ đến với bọn trẻ. Tôi không thể chịu nổi ý nghĩ ấy. Nhưng đó là thực tế, sống trong hoàn cảnh mà bạn buộc phải lớn lên thật nhanh.

“Cuộc sống khó lắm. Bác phải làm lại nhà sáu lần rồi, vì lũ. Chồng bác ốm chết nhiều năm trước, nhưng bác không đi bước nữa nên giờ sống một mình với hai đứa cháu. Cũng khổ lắm. Nhưng còn sướng hơn hồi chiến tranh. Hồi ấy cực ghê lắm. Người Mĩ khi ấy bắt dân ở đây phải theo lệnh giới nghiêm. Không được đi đâu mà không có phép. Vài người lính thì cũng tốt nhưng nhiều người ác lắm, rầy dân suốt. Dân sống mà như đi tù. Bom nổ rồi súng bắn, nghe cả ngày”.

“Sau chiến tranh cũng không có nhiều thay đổi. Nhà bác vẫn chẳng có gì. Không đủ thức ăn. Nhà bác không có đủ gạo. Rồi chồng bác mất, bác ở một mình. Có đôi lần bác chán sống quá rồi. Bác chẳng muốn tiếp tục nữa. Nhưng nhìn đám con cháu, bác lại sống đến tận giờ”, bác kết thúc câu chuyện. Tôi nhìn bác hồi lâu, không thể dời mắt khỏi đôi mắt ướt không còn khóc được nữa. Ánh nhìn ấy thật quen thuộc. Đó là vẻ mặt tôi đã thấy ở hai người phụ nữ tôi yêu quý nhất đời. Vẻ mặt ấy nói rằng họ đã cho đi tất cả những gì họ có khi phải đối mặt với nghịch cảnh cùng cực và tự hỏi phải làm gì để có thể tiếp tục tồn tại.

Bà ngoại của tôi phải một mình nuôi mười đứa con, không hề có sự giúp đỡ hay hỗ trợ nào, trên một đất nước không phải nơi bà sinh ra và lớn lên. Bà nhận tiền trợ cấp từ chính phủ và bán hạt giống rau để trồng. Nhưng chưa bao giờ có đủ tiền. Các cậu và các dì của tôi ngốc nghếch và vô tâm khi họ còn trẻ. Một vài cậu của tôi đã từng tham gia các băng nhóm, một người trong số đó đã phải ngồi tù một thời gian ngắn. Hai dì của tôi mỗi người có tới năm đứa con với hai người đàn ông khác nhau. Bà ngoại ngày trước thường xuyên “phát điên”, chúng tôi đã nhiều lần nghe thấy tiếng bà la hét và khóc lóc, “Tao không muốn sống nữa. Chúng bay làm tao đau đớn quá!”.

Còn mẹ tôi thì đã từng thường xuyên chứng kiến cảnh tôi và em trai mâu thuẫn với nhau. Tôi và em trai cách nhau hai tuổi, vậy nên chúng tôi rất hay ganh nhau trong bất cứ việc gì. Chúng tôi khi ấy giống như hai đối thủ không đội trời chung hơn là anh em ruột. Thường xuyên la hét và đánh lộn cho đến khi có đứa chảy máu. Trước khi li hôn, cha tôi cũng chẳng bao giờ có mặt. Mẹ phải giải quyết tất cả. Tôi còn nhớ có lần mẹ không thể chịu đựng thêm nữa và dọa sẽ tự tử. “Mẹ không thể hiểu nổi. Các con là anh em nhưng sao đối xử với nhau như kẻ thù như thế?”, mẹ vừa khóc vừa nói. Không phải chỉ vì anh em tôi khi đó không thương yêu nhau, mẹ tôi nói, đó là hậu quả cộng hưởng của tất cả những gì mẹ phải trải qua trong suốt một thời gian dài.

Với những người phụ nữ này, những người phải chịu đựng và trải qua nhiều khó khăn hơn phần lớn những người khác, họ cũng có những giây phút mềm yếu. Những giây phút bạn cảm thấy như bạn không thể cố gắng thêm được nữa và giải phóng bản thân khỏi những gánh nặng tưởng như là lựa chọn duy nhất bạn có. Không được như bà và mẹ tôi, người phụ nữ này không có cơ hội để cải thiện cuộc sống và bác ấy chỉ còn cách duy nhất là bám trụ.

Tôi ở lại khoảng một tiếng để ăn trưa cùng ba bà cháu. Bác muốn đưa cho tôi ít tiền, nhưng tôi không dám nhận. Nhưng tôi xin nhận cốc nước mát trong tủ lạnh. Rồi tôi rời đi, càng thêm hiểu và tôn trọng những người phụ nữ Việt Nam mạnh mẽ phi thường. Làm thế nào mà chiến tranh, sự ra đi của những người thân yêu, hay bất cứ thứ gì khác vẫn không thể giết chết sức mạnh để tiếp tục sống và chăm lo cho gia đình của những người phụ nữ này? Tất cả những gì tôi có thể làm là không ngừng thán phục và tôn trọng sâu sắc ý chí phi thường đó.

Nếu họ có thể vượt qua từng ấy cùng cực, mọi khó khăn của tôi trở nên thật nhỏ bé, giống như hạt bụi giữa sa mạc rộng lớn. Tôi cố đi tiếp và tới được “Thành cổ Quảng Trị”.

Tới cổng, tôi nhìn thấy hai người đàn ông đang nói chuyện. “Chào hai chú”, tôi hỏi xin ngồi vào chỗ trống cạnh họ. “Cháu đang đi du lịch đến đâu?”, người mặc áo đồng phục màu xanh hỏi tôi. “Cháu đang đi xuyên Việt”.

“Đi bộ thì nóng lắm. Cháu giống mấy thằng Tây ba lô. Chú thấy mấy người đi qua đây cũng đeo ba lô như thế này rồi”, người còn lại nói. “Không, không phải Tây ba lô. Cháu sống ở Việt Nam. Cháu đang đi để hiểu Việt Nam hơn”.

“Việt Kiều. Cháu là Việt Kiều rồi, nghe giọng là biết ngay”. “Dạ vâng, cháu sinh ra ở bên Mĩ. Bố mẹ cháu đều là người Việt Nam. Đây là đâu ạ?”.

“Ồ không biết à? Đây là một pháo đài cổ và một trận chiến cực lớn diễn ra ở đây. Rất nhiều người bị chết. Cha và một chú của chú cũng chết ở đây. Nhưng mà họ đánh cho hai bên khác nhau. Hồi hết chiến tranh chú mới đang mười mấy tuổi. May mà hết chiến tranh, chả cần biết ai thắng, hết chiến tranh là may rồi”. Người đàn ông im lặng một lúc. “Cháu thích thì vào mà xem”.

“Không. Cháu không muốn nhắc lại những việc khủng khiếp mà người Mĩ đã làm”, tôi nói cay đắng.

“Sao mấy người lại cứ ghét đất nước của mình? Mấy cái người biểu tình trên ti vi đó. Chú mà được sống ở Mĩ thì thích lắm, bọn bay được ở đó quá dễ rồi. Thật chẳng hiểu sao!”.

“Cháu không nghĩ là nhiều người Mĩ ghét nước Mĩ. Chỉ là một vài người tự do quá và họ không trân trọng điều đó”, tôi thật thà nói với người đàn ông. Đúng là như vậy, chúng ta thường không biết chúng ta có cái gì cho đến khi chúng ta đánh mất nó. Một trong hai người đàn ông mời tôi tới nghỉ ở nhà. Tôi lịch sự từ chối lời mời. Đến lúc phải đi tiếp, kết thúc sự bi quan và tập trung vào sự lạc quan.

Trở lại quốc lộ 1A bây giờ song song với con đường lớn, tôi đi dọc con đường cho tới gần 5 giờ chiều. Đã đến lúc tìm một nơi để dừng chân. Bạn không muốn xuất hiện quá sớm vì mọi người còn phải làm việc và nếu quá muộn, gần như sẽ chẳng thể tìm được nơi để tá túc.

Chỉ có một vài ngôi nhà dọc con đường, một bên đường là đường ray xe lửa còn một bên là ruộng lúa. Tôi rẽ trái, đi vào một con đường đất mà tôi đoán là sẽ dẫn tới một vài ngôi nhà. Tôi đang có tâm trạng khá tốt nên sau khi một người đàn ông từ chối, tôi không lo lắng lắm. “Nhà tôi có mẹ già và bà đang bị ốm. Xin lỗi không giúp được gì”. Người đàn ông chỉ cho tôi hướng tới nơi có thể có người sẽ giúp tôi.

Cuối cùng tôi cũng tìm thấy một ngôi nhà, đã 6 giờ tối và mặt trời đã bắt đầu lặn. Một vài người nông dân già đang ngồi uống trà và hút thuốc. “Cho cháu xin một cốc trà được không ạ?”. Bí quyết là phải nói chuyện làm quen trước khi hỏi xin nhờ điều gì. Phải thiết lập được một mối liên hệ. Mối liên hệ sẽ tạo ra mối quan hệ, điều sẽ khiến họ khó từ chối giúp đỡ bạn. Càng biết nhiều về ai đó, mối quan hệ sẽ càng sâu sắc và trách nhiệm giúp đỡ cũng sẽ nhiều hơn.

Người đàn ông chủ nhà đồng ý cho tôi nghỉ nhờ qua đêm. Ông có vẻ đang rất vui vẻ, thoải mái. Họ đang chuẩn bị đám cưới cho con trai. Tối hôm đó chúng tôi ăn một bữa ngon với những món ăn thường thấy trong các đám cưới: xôi, bánh cốm, và thịt lợn. Mọi người hát múa và uống rất nhiều. Họ còn mời tôi lên hát một bài hát tiếng Anh, tôi không nghĩ là họ hiểu tôi đang hát gì, nhưng những tràng pháo tay vẫn nổi lên ầm ĩ. Một vài cô cố gắng giới thiệu tôi cho con gái của họ.

Bữa tiệc mừng kéo dài đến cả đêm, nhưng đến 11 giờ cơn buồn ngủ đã réo gọi tên tôi. Người nông dân già dẫn tôi vào nhà và chỉ cho tôi chiếc giường. “Tối nay nằm chung giường với ông không ngại nhé!”. Dạ dày tôi đã được lấp đầy với thức ăn ngon và đồ uống, tôi đã sẵn sàng nằm xuống và ngủ ở bất cứ đâu. Nằm trên giường nghe những tiếng nói và cười lớn bên ngoài, tôi nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.

Sáng hôm sau tôi còn hơi chuếnh choáng nhưng vẫn tiếp tục lên đường tới Huế. 38 kilômét. Đoạn đường đi tới Huế vô cùng dễ chịu. Nhiều người tò mò dừng lại và hỏi han tôi trên đường đi. Người dân ở đây có vẻ thân thiện và cởi mở hơn, họ tò mò muốn biết về người lữ hành lạ mặt trên đường. Tới một cây cầu, một người phụ nữ khoảng ba mươi đang đi xe đạp và chở theo sau cái gì đó nhìn giống như là những miếng bìa các tông bỗng dừng lại trước tôi vài mét. Tôi bước tới và băn khoăn không biết cô ấy có cần giúp đỡ gì không. “Đi đâu đó?”, cô ấy hỏi tôi. Tôi trả lời rằng tôi chỉ đang đi bộ trong chuyến đi xuyên Việt. “Đi bộ nóng lắm đó. Nhìn em không giống người ở đây nhưng mà nói tiếng Việt giỏi ghê”.

Tôi gật đầu và cười. Chị ấy xuống xe và chúng tôi đi bộ cùng nhau. Tôi thấy vui vì có bạn đồng hành, đi bộ một mình đôi khi rất cô đơn và tôi chỉ biết hát hết bài này tới bài khác cho đỡ buồn. Người phụ nữ tên là Hương, đã có chồng, có hai con. Chị làm nghề nông, nhưng hiện giờ không phải mùa lúa nên chị ấy phải tìm việc khác để kiếm tiền. Giọng Huế của chị hơi khó hiểu nhưng nghe rất hay.

Một người đàn ông ở đám cưới đêm hôm trước đã hỏi tôi: “Giọng con gái ở vùng nào nghe ngọt nhất? Họ có thể làm cho cháu yêu luôn chỉ bằng cách nói chuyện, nên phải cẩn thận đấy nhé”. Tôi suy nghĩ một lúc. Giọng Bắc nghe hơi nặng và đanh nên chắc không phải, giọng miền Nam thì nhẹ nhàng nhưng đôi khi hơi nhõng nhẽo, và miền Trung thì khá là khó hiểu. “Miền Tây”, tôi đoán bừa. “Sai. Là giọng Huế. Cẩn thận đó, có khi cháu chỉ đi tới Huế được thôi là dừng lại, không tới thành phố Hồ Chí Minh được đâu”.

Tiếng Việt thật quá đa dạng. Tôi thấy chẳng có ngôn ngữ nào trên thế giới giống như tiếng Việt. Từ sự chuẩn xác của miền Bắc tới sự đa dạng của miền Trung và sự thoải mái của giọng miền Nam, đi đâu bạn cũng sẽ nghe thấy những âm điệu độc đáo và tươi đẹp. Hơn thế, ở mỗi nơi mọi người lại dùng những từ khác nhau. Nếu bạn hỏi xin một chiếc “bát” thay vì “tô” khi ở trong miền Nam thì người ta sẽ đem cho bạn một cái ấm lớn. Để thực sự làm chủ được một ngôn ngữ, chắc phải mất cả đời để học.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.