John Đi Tìm Hùng

Chương 8 – Phần 2



Chúng tôi đi khoảng 5 km thì tới trung tâm thị trấn Tam Quan và người lái xe ôm dừng lại trước cửa một hiệu thuốc. “Đây là nhà tôi”, ông nói và dựng xe. Ông mời tôi ngồi xuống uống nước mía ở gần đó. Người lái xe ôm tên là Trịnh Hồ, một cựu chiến binh biết chút tiếng Anh. Người đàn ông khăng khăng muốn xưng hô với tôi là anh em. Nói chuyện được chút xíu thì tôi hiểu ra lí do tôi được cho đi nhờ miễn phí.

Theo như anh Trịnh Hồ kể thì con trai của anh đã học tập và làm việc trong một thời gian rất dài và từng được hứa là sẽ có cơ hội đi du học ở Mĩ. Một vị bác sĩ người Mĩ đã nói sẽ tìm cách giúp anh con trai đi học ở bên đó. Lời hứa không được thực hiện khiến giấc mơ của cậu sinh viên tan vỡ.

“Không biết em có giúp được không nhưng mà nếu em làm được gì để giúp nó tìm được một việc hoặc giúp nó đi du học được thì anh biết ơn cả đời”, người đàn ông nói gần như cầu xin.

“Em không biết phải làm thế nào. Em sẽ cố thử giúp”. Tôi trả lời, cố gắng không hứa hẹn gì.

“Ở Việt Nam chỉ có con nhà giàu và có quan hệ mới đi du học được, nhưng mà con trai anh xứng đáng được đi. Nó học hành chăm chỉ lắm và rất ngoan ngoãn. Nhưng mà cha nó chỉ là ông lái xe ôm già nghèo khó”.

“Hồi năm nhất đại học thì anh nhập ngũ. Hồi đó phải đi không còn lựa chọn nào khác. Chắc khi đó cái được duy nhất là anh học được tiếng Anh. Anh học lỏm được trong khi học võ Taekwondo từ người Hàn Quốc. Sau khi hết chiến tranh, đáng ra anh cũng đã đi học lại”. Người lái xe ôm nói với giọng tiếc nuối.

“Nhưng mà nếu anh đi học tiếp thì em trai anh sẽ phải sống khổ. Cả hai không thể cùng đi học được, gia đình không đủ tiền nuôi. Thế nên là anh trai cả thì anh phải hi sinh. Giờ em trai anh là bác sĩ rồi, nhưng mà nó không thông minh bằng anh, đi học chưa khi nào giỏi được bằng anh”. Nhìn thấy được trong đôi mắt người đàn ông là sự tiếc nuối, là giấc mơ không bao giờ thành hiện thực. Chú dừng lại hút một hơi thuốc thật sâu. Chú mời tôi một điếu, hiệu Đà Lạt không có đầu lọc. Chú Hồ không nói nhưng tôi biết chú đang nghĩ gì. Nếu như có cơ hội làm lại, có lẽ chú sẽ làm khác đi. Nhưng đó là bản chất của cuộc sống, bạn chỉ có thể sống một lần duy nhất.

Chú Hồ mời tôi nghỉ lại qua đêm tại nhà chú. Trời vẫn còn sớm, mới chỉ khoảng 3 giờ chiều nhưng tôi nhận lời. Nhà của chú nhỏ và chật chội. Chỉ có chú và vợ sống ở đây, nhưng ngôi nhà dường như vẫn không đủ không gian. Tôi không thể tưởng tượng nổi làm sao họ cùng hai người con trai có thể cùng sống ở đây. Cả ngày còn lại chúng tôi lái xe đi lòng vòng. Chú đưa tôi tới Đồi số 9 và kể cho tôi nghe về trận đánh kinh hoàng từng diễn ra ở đây. Chú Hồ từng là lính cứu thương trong chiến tranh. Mặc dù không thể trở thành một bác sĩ, đó là vị trí xa gần với nghề mơ ước nhất mà chú từng đạt được.

“Chiến tranh thực sự làm thay đổi cả một con người. Hồi mới nhập ngũ anh chỉ là một thằng bé. Em chắc không hình dung nổi những gì anh đã nhìn thấy. Quá nhiều chết chóc và máu. Anh vẫn nhớ từng cố giúp một người chảy máu tới chết. Một quả bom phát nổ ngay trước anh ta và máu trào ra. Anh nhìn thấy cả bên trong ổ bụng của anh ấy. Sau khi nhìn thấy những cảnh đó thì ai cũng sẽ phải trưởng thành nhanh chóng”.

Kí ức duy nhất còn lại của mẹ tôi về Việt Nam cũng đầy máu như vậy. Khi ra đi mẹ tôi mới chỉ bốn tuổi. “Điều duy nhất mẹ còn nhớ là mẹ cầm tay bà ngoại và chạy. Tiếng la hét và khóc lóc ở khắp nơi. Chỉ có tiếng bom đạn nổ là to hơn tiếng khóc. Mẹ nhớ còn nhìn thấy một người phụ nữ bò dưới đất bằng hai tay vì phần dưới của cơ thể đã bị cắt rời”. Nghĩ lại lời của mẹ khiến tôi rợn sống lưng.

Sau bữa tối, tôi hỏi chú. “Tại sao anh chạy xe ôm mà không làm nghề gì khác?”. Tuy biết chú ấy là một người lái xe ôm, tôi vẫn không thể thôi nghĩ về những người làm nghề này với hình ảnh một người đàn ông lười nhác, lôi thôi. “Anh chọn làm xe ôm để kiếm sống. Anh biết có người không thích cảnh lái xe ôm, nhưng công việc là công việc. Anh không lừa đảo hay cướp của ai cả. Không phải công việc trong mơ nhưng cũng vẫn là một cái nghề”.

“Nhưng tại sao không làm cái gì đó khác mà có thể kiếm được nhiều tiền hơn?”, tôi hỏi tiếp.

“Anh có được học đâu. Anh không học cao và lại còn có cái chân đau. Lúc trước anh bị ngã và chân này bị thương khá nặng, rồi nó không bao giờ được như trước nữa. Lái xe máy khắp nơi tìm khách cả ngày cũng không thích thú gì, nhưng mà anh nuôi được các con. Anh từng muốn làm bác sĩ. Thấy con trai được làm bác sĩ ở bệnh viện anh cũng thấy buồn. Nó được sống cuộc sống anh mơ ước, anh đã cho nó giấc mơ của anh”.

Chú nói tiếp với giọng nhẹ nhàng hơn, chỉ về phía sườn một tòa nhà. “Khi trời mưa thì anh đợi ở góc này, mặc áo mưa. Kể cả ngập cũng vậy. Ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng tới khuya anh cũng ở đây. Anh không muốn các con phải sống như anh. Khi nào có gia đình em sẽ hiểu, phải có ai đó chấp nhận hi sinh”.

Những ngày sau tôi đi tiếp và bám lấy đường QL1A, con đường gần như chạy song song với đường tàu hỏa. Ở bên Mĩ, đôi khi người vô gia cư nhảy tàu để đi nhờ, nhưng tôi không dám thử vận may của mình. Tôi gặp may vì thi thoảng có người cho đi quá giang một đoạn ngắn. Đặc biệt khi đi qua đèo Phú Cũ và đèo Nhông. So với đèo Hải Vân thì hai con đèo khá mờ nhạt, nhưng đoạn đường thì cũng nguy hiểm như nhau. Ở Bình Dương, tôi may mắn gặp được hai người lái xe tải trẻ tuổi cho tôi đi nhờ tới tận Quy Nhơn. Tôi nói đùa xin được lái và rằng đã có chút kinh nghiệm lái xe.

Trên đường đi tôi nhận được một cuộc điện thoại. Nhận được điện thoại từ một người lạ không phải là điều lạ với tôi, sau khi một phóng viên của Vnexpress đã để số điện thoại của tôi trên một bài báo. Tôi nhận ra số máy vì người này đã gửi cho tôi những tin nhắn khá kì lạ bằng tiếng Anh. “In a world of lies, you are the truth– Trong một thế giới đầy gian dối, bạn là sự thật và “In this life people will doubt you but I will always be behind you – Trong cuộc sống sẽ có nhiều người nghi ngờ bạn nhưng tôi sẽ luôn tin tưởng bạn”. Một giọng nữ ở phía đầu dây bên kia nghe như của một người phụ nữ có tuổi đã hút thuốc nhiều năm. Cô ấy giới thiệu mình tên là Huyền, một sinh viên từ Hòa Bình.

“Mình biết bạn đang ở Bình Định. Mình cũng vậy. Mình đang theo học một thầy ở một ngôi chùa trong thành phố Bình Định. Mình gặp bạn có được không?”. Tôi hơi e ngại việc cô bạn này biết tôi đang ở đâu, nhưng rồi lại nghĩ mọi người ai cũng có thể lên mạng và tìm hiểu. Tôi nói với cô gái rằng tôi chưa có lịch trình cụ thể nhưng tôi sẽ sớm tới Quy Nhơn. “Tốt quá, khi nào tới nơi thì cho mình biết, thầy của mình và mình rất muốn gặp bạn”.

“Ai đó? Người yêu hả?”, một người lái xe hỏi đùa. Tôi nhún vai. Tôi chịu không thể biết đó là ai. Họ thả tôi xuống Quy Nhơn vào lúc sáng sớm. Tôi cám ơn họ vì chuyến đi và rồi đi về phía bờ biển. Tôi phải dừng lại ở một cửa hàng để xin nước. Hai phụ nữ có vẻ rất vui vể giúp tôi. “Anh đẹp trai thế”, họ nói. Lời khen ngợi khiến tôi thấy vui, tôi cứ tưởng da đen thì bị coi là xấu ở Việt Nam. “Người Mĩ gốc Việt các anh đẹp trai thiệt”, một cô nói. Thật kì cục, tôi biết rất nhiều người Mĩ gốc Việt xấu xí.

Thời tiết mát mẻ và có nhiều mây, đúng loại thời tiết yêu thích của tôi khi ở biển. Trước đây tôi đã từng tới Quy Nhơn và ở khách sạn Seagull. Điều đáng nhớ là chuyến đi thăm khu trị bệnh phong, nơi có ngôi mộ của nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử. Thật đáng tiếc là ông đã qua đời quá sớm, dường như những con người vĩ đại thì thường ra đi ở tuổi đời rất trẻ.

“Chào anh. Em tên là Dũng”, một anh chàng tới giới thiệu khi tôi đang ngồi trên bậc thang dẫn xuống bãi cát.

Anh chàng vận bộ quần áo bó chặt với một vài đồ trang sức bằng vàng. Chúng tôi trò chuyện một chút. Tôi kể cho cậu bạn về chuyến đi, nhưng có vẻ cậu ta không mấy hứng thú. Hẳn là cậu ta muốn điều gì khác.

“Hôm nay em được nghỉ. Để em đưa anh đi chơi bằng xe máy nhé?”.

Tôi suy nghĩ một lúc, không biết nên nhận lời hay không.

“Anh đẹp trai quá, rất ưa nhìn. Chắc người anh cũng đẹp lắm. Đi nhiều vậy chân anh chắc khỏe lắm nhỉ, nhưng mà chắc anh mệt rồi”, cậu ta vừa nói vừa bóp chặt đùi tôi.

“Anh có bạn gái không?” – “Không”, tôi đáp. Một câu trả lời sai.

Đôi mắt anh chàng mở to. Rồi cậu ta bắt đầu nói nhiều chuyện về người đồng tính, kể rằng có rất nhiều người như vậy ở Sài Gòn. Rồi hỏi tôi có biết người đồng tính nào không. Tôi trả lời rằng tôi có rất nhiều bạn là người đồng tính. Ở Mĩ, đó là điều rất bình thường, đặc biệt là ở San Francisco. Đó là một thành phố lớn gần nhà tôi, ở đó hàng năm đều có một cuộc diễu hành lớn của người đồng tính. Với tôi việc đó không có gì to tát, chúng tôi được dạy để chấp nhận và cởi mở với tất cả mọi người.

“Thế các bạn đồng tính của anh có bao giờ tán tỉnh anh không? Anh đẹp trai vậy mà”.

Anh chàng lặp lại câu hỏi một lần nữa. “Các bạn đồng tính của anh có khi nào đụng chạm vào anh chưa?”. Khi tôi nhận ra Dũng đang tán tỉnh tôi thì đã quá muộn. Cậu ta vươn tay vào giữa hai chân của tôi và nhanh chóng chạm nhẹ vào khu vực nhạy cảm. Ôi trời ơi, không phù hợp chút nào. Tôi vươn người tỏ thái độ từ chối những cố gắng của anh chàng. Tôi không giận lắm nhưng thực sự sốc và bất ngờ. Chưa bao giờ có ai động chạm như vậy vào người tôi, đặc biệt là nam giới. Tôi đứng dậy và bỏ đi.

Dọc vỉa hè có rất nhiều người bán hàng rong bán đồ uống và đồ ăn vặt. Các nhiếp ảnh gia nghiệp dư đi xung quanh hỏi han xem có ai cần chụp ảnh thuê. Tôi ngồi xuống một chiếc ghế nhựa của một gánh hàng để xin nước. Gánh hàng có vẻ là của một gia đình. Có một người bà, hai phụ nữ trung tuổi, một cậu thanh niên và một bé gái. Không khí lúc đầu hơi ngượng ngùng, tất cả mọi người đều dồn ánh mắt về phía người lạ với chiếc ba lô màu xanh to lớn.

“Xin lỗi bà, cho cháu xin một cốc nước được không?”, tôi ngại ngần hỏi. Bà chần chừ một lúc, hỏi tôi từ đâu tới. Tôi thật thà kể lại mọi chuyện. Rồi bà mang cho tôi một cốc nước. “Cháu xin lỗi vì không có tiền để trả bà”, tôi nói. Rồi sự thân quen giữa tất cả chúng tôi nhanh chóng được hình thành. Đầu tiên họ mời tôi ở lại ăn trưa. Mai, cô bé tám tuổi và tôi cùng ăn cơm với một bát nhỏ thức ăn là thịt lợn chua ngọt. Mai cao gầy, da rám nắng, và có một nụ cười rất trong trẻo. Cô bé hóm hỉnh, nhanh nhẹn và thông minh khủng khiếp.

Chẳng còn biết đi đâu khác, tôi ngồi cùng gia đình cho đến cuối ngày. Tôi nói chuyện với các vị khách khi mọi người biết về câu chuyện của tôi. Một nhóm khách trẻ tuổi tặng cho tôi một chùm chôm chôm. Buổi chiều chỗ này trở nên đông đúc hơn vì nhiều gánh hàng rong cũng đến bán. Tới chiều muộn, một người đàn ông say rượu cùng cậu con trai nhỏ đi ngang qua chỗ chúng tôi. Ông ta chê bai tất cả mọi người và khoe khoang về sự giàu có của mình. Mọi người chẳng có ai có vẻ quan tâm.

Một người trong số các cô ở đó, cô Bé, mọi người gọi cô như vậy, mời tôi về nghỉ cùng gia đình cô. “Nhà cô ở cách đây khoảng 18 kilômét cháu đến ở với nhà cô vài ngày”. Người đàn ông say rượu xen ngang và cười thành tiếng. “Ai lại muốn về nhà cô ở nông thôn. Về ở nhà chú, nhà chú giàu hơn. Đã nhìn thấy mấy ngọn đèn và công viên nước ở trung tâm thành phố chưa? Của chú đó. Đến ở với chú rồi chú đưa đi chơi vui vẻ. Con gái ở Quy Nhơn là nhất đó”.

Cô Bé chẳng buồn phản đối và còn khích lệ tôi tới ở nhà người đàn ông kia. “Đi thôi chú chỉ chỗ cho”, ông ta nói. Tôi để lại đồ của mình ở chỗ gia đình nọ, cảm thấy để đó sẽ an toàn và rồi tôi cùng đi với người đàn ông. Chúng tôi nhanh chóng tới được công viên nước. Quy Nhơn là một thành phố nhỏ. Người đàn ông mời tôi tới nghỉ ở một nhà khách nhỏ, nơi có giường và một chiếc ti vi. Đó là một lời mời hấp dẫn nhưng cuối cùng tôi quyết định tới ở nhờ gia đình lúc trước. Người đàn ông như không tin vào quyết định của tôi. “Tùy cháu, nhưng nếu đổi ý và muốn chơi vui thì gọi chú”.

Tôi ở với gia đình nọ vài ngày. Họ sống ở một vùng quê bên ngoài Quy Nhơn. Ngôi nhà của họ thật nhỏ và không có chút riếng tư nào, nhưng tôi đã có một quãng thời gian tốt đẹp ở đây. Họ là những người vô cùng tốt bụng và những bữa ăn đều vô cùng ngon. Tôi dành thời gian dạy Mai tiếng Anh. Cô bé học rất nhanh.

“Ở bao lâu cũng được, cháu giúp bà bán thêm được nhiều hàng”, người bà nói đùa với tôi. Tôi có một người bạn quen trên mạng facebook đang sống ở Quy Nhơn. Tôi quyết định tới đó ở một tối trước khi tiếp tục lên đường vào sáng hôm sau. Chiều hôm đó tôi lại nhận một cuộc gọi từ cô gái lạ lùng tên Huyền. Tôi không tin nổi cô ấy là sinh viên đại học qua giọng nói khàn và thô trong điện thoại. Cô gái nói mình đang ở Bình Định, tự nhận là nguồn động viên lớn nhất của tôi và xin được gặp mặt. Tôi đồng ý gặp và chờ cô gái ở ngoài biển.

Trong lúc chờ đợi cô gái lạ kì, tôi trò chuyện với một cậu sinh viên đang theo học ở trường đại học gần đó. Cậu ta đã nghe về hành trình của tôi và rất bất ngờ khi gặp tôi ở đây. “Anh giống như là người nổi tiếng vậy”, cậu chàng nói với nụ cười thật rộng. “Không, chỉ là người bình thường thôi”. Chàng trai này là người Hà Tĩnh, tôi đã từng đi qua xã của cậu.

30 phút sau, một chiếc xe máy đỗ trước mặt chúng tôi. Một người đàn ông trung tuổi ăn vận bình thường, đeo kính râm, bước xuống xe. Trông không có vẻ gì là một vị thầy tu. Mái tóc ông ta rất mỏng và người này cao hơn bình thường so với một người Việt Nam tầm thước. Nhìn vẻ ngoài của người đàn ông này hơi đáng sợ với khuôn mặt lạnh như đá. Phía sau ông ta là một cô gái chỉ to bằng một nửa. Cô gái thấp bé, chắc nịch và không hề ưa nhìn. Nổi bật hơn cả là cái nốt ruồi to trên mũi của cô ta, khiến tôi nhớ tới một nhân vật phù thủy trong những bộ phim kinh dị.

Chúng tôi chào nhau một cách lúng túng. Huyền đến và ngồi gần chúng tôi, vị thầy đứng trước mặt.

“Làm sao chị biết anh John?”, cậu sinh viên hỏi Huyền.

“Chị đi cùng anh John mà”, cô gái nói với giọng cười bí hiểm. “Em tưởng anh đi một mình?”, cậu sinh viên quay sang hỏi tôi. “Anh vẫn đi một mình từ trước mà. Đây là lần đầu tiên anh gặp bạn này”. Tôi trả lời với chút khó chịu. Chúng tôi cùng lúc quay sang phía cô gái, cô ấy nói tiếp với chàng trai, “Ừ, chị đi theo anh ấy”, cô ấy nói một lần nữa với điệu cười kì lạ.

Tôi nhìn qua phía vị thầy đang quan sát tôi. Huyền đề nghị mọi người cùng đi tới một quán cà phê để nói chuyện. Cậu sinh viên rõ ràng là không muốn đi cùng, viện một cái cớ gì đó rất ngốc nghếch. Đi tới quán cà phê gần đó, Huyền rút trong túi ra một túi ni lông nhỏ. “Mình mua túi sữa đậu nành này cho bạn uống, vì thế nên mình tới muộn”. Cô gái nói với nụ cười rộng ngoác.

Lẽ ra tôi phải biết từ lúc đó. Tại sao lại mất những 30 phút tới muộn chỉ để đi mua một túi sữa đậu nành? Cô ấy tới từ Hòa Bình, và nếu thầy của cô ấy tới từ Bình Định thì làm sao họ biết chỗ bán sữa đậu nành lúc 4 giờ chiều? Lẽ ra tôi đã phải đặt những câu hỏi này ngay từ lúc đó.

“Chắc lát nữa mình uống”, tôi trả lời, tay nhận lấy cái túi và nhìn cô gái dò xét. Cho tới tận khi chúng tôi đã ngồi xuống, người đàn ông vẫn không nói gì nhiều với tôi. Huyền hào hứng giới thiệu về bản thân. Cô ấy nói rằng hiện đang theo học vị sư thầy trong ngôi đền của ông. Cô ấy mải mê kể về những gì đã học được và rằng tôi cũng nên tới học cùng. “Đến học cùng với mình trong đền vài ngày hoặc một tuần cũng được. Bạn sẽ thấy nó tuyệt vời thế nào”.

Ngạc nhiên thay, vị thầy gọi vài cốc bia cho chúng tôi. Các vị sư thì không uống bia rượu. Ông ta nói về đạo của mình và những việc ông ta đã giúp mọi người ra sao. Người đàn ông khẳng định mình có khả năng chữa trị những căn bệnh hiểm ác cho mọi người. Ông ta không hề có thái độ ngạo mạn, nhưng rõ ràng ông muốn khẳng định rằng mình có khả năng làm ra những điều kì diệu. Cô gái kì lạ với điệu cười hơi đáng sợ cùng nốt ruồi to trên khuôn mặt cũng đồng tình và liên tục gật đầu. Mọi thứ trở nên rõ ràng hơn, họ muốn tôi theo đạo của họ.

Cô gái khăng khăng mời tôi tới xem tận mắt. Tôi là một người suy nghĩ rất thoáng nhưng tôi không muốn tham gia bất cứ nhóm hội mê tín tôn giáo nào. Họ mời tôi tới qua đêm ở chỗ của họ. Tôi từ chối một cách lịch sự và biết rằng mình nên đi. Tôi nhắn tin cho người bạn nhờ tới đón. Huyền và thầy của cô ấy vẫn tiếp tục thuyết phục tôi, nghe gần như rất tuyệt vọng. Tôi nói dối rằng có thể sẽ tới thăm vào ngày hôm sau. Rồi để giữ phép lịch sự, tôi uống hết túi sữa đậu nành họ đã mua cho tôi trước đó. Túi nước có vị rất lạ. “Chắc là do uống bia lúc trước đó”, vị thầy nói với tôi.

“Nhớ nhé John, mình và thầy sẽ đón bạn sớm ngày mai để tới thăm đền”. Huyền nói với tôi khi người bạn kia tới nơi. Tôi thật lòng không đồng ý, nhưng đành nói dối. “Ừ, gặp bạn ngày mai. Có gì thì gọi cho mình”. Chúng tôi nhanh chóng rời đi sau khi khéo léo không để lại địa chỉ nơi ở của người bạn này.

Đêm hôm đó tôi thức trắng, toàn thân gần như tê liệt. Tôi không sao cử động được. Tim tôi đập nhanh, như thể tôi mới chạy việt dã. Tôi nhìn lên vệt sáng màu đỏ kì lạ trong phòng, vệt sáng mờ ảo lay động như những hình bóng đang nhảy múa. Những hình bóng nhỏ màu đỏ như thể muốn mang tôi đi. Tiếng gió rít bên ngoài, cánh cửa sổ đang mở bị gió thổi đóng sập lại. Tôi thấy sợ. Có sức mạnh vô hình nào đó cứ níu tôi xuống, ảo giác tiếp tục hành hạ tôi.

Toàn thân tôi ướt đầm mồ hôi một cách khác thường. Tôi cố gắng lau mồ hôi đang nhỏ giọt như vòi nước trên trán, nhưng tôi không thể di chuyển đôi tay. Tôi thấy rất lạnh, rất rất lạnh. Đó là cái cảm giác lạnh lạ kì mà tôi chưa từng trải qua ở đất nước nhiệt đới này. Toàn thân tôi run rẩy. Tay tôi nổi da gà, tôi cảm thấy rợn sống lưng.

Có gì đó không ổn. Tôi có thể cảm nhận điều gì đó rất không ổn. Đây không thể là thật được, tôi tự nghĩ như vậy, có lẽ tôi đang mơ. Đó là cái cảm giác khi bạn mới thức dậy sau một giấc mơ. Giống như bạn mơ thấy mình đang bị rơi xuống. Cảm giác rất thật y như vậy. Bạn sẽ cảm nhận được cả luồng gió thổi át cơ thể bạn khi bạn rơi xuống. Sâu trong dạ dày bạn cảm thấy cảm giác co giật, giống cảm giác bạn thường có khi máy bay cất cánh.

Bạn lo sợ, nhưng chưa tới mức hoảng loạn. Các ý nghĩ vụt qua trong tâm trí bạn. Tại sao mình lại ở đây? Tại sao mình đang rơi xuống? Nhưng bạn không thể biết được câu trả lời. Chẳng thể biết được tại sao bạn bị rơi và bạn rơi xuống từ đâu. Bạn chỉ thể biết rằng khi bạn ở trong trạng thái rơi tự do, bạn biết điều gì sẽ đến và bạn tự ôm chặt lấy bản thân mình. Sự kết thúc.

Chỉ có thể có một kết cục. Và trong khoảng khắc ngắn ngủi khi rơi xuống, mọi thứ trở nên rõ ràng. Bạn thấy cuộc đời của mình chạy qua trước mắt như một bộ phim, tất cả những khoảng khắc hạnh phúc, những nuối tiếc và những nổi loạn. Không chừa điều gì, bạn sống lại tất cả những khoảng khắc đó một lần nữa, trong khi chờ đợi hồi kết. Bạn không nhìn thấy được mặt đất, chỉ là một vực thẳm không cùng, nhưng bạn biết sự kết thúc đang tới gần. Rồi đột nhiên bạn tỉnh giấc và trong khi hồi tỉnh, cơ thể và tâm trí bạn rơi vào trạng thái sốc.

Loại giấc mơ này mới chỉ xảy đến với tôi một lần khi cha mẹ tôi li dị mười ba năm trước. Vào thời điểm đó, cuộc sống của tôi trải qua một bước ngoặt lớn. Khi ấy tôi mười tuổi và cảm giác như cả thế giới xung quanh đang sụp đổ. Những giấc mơ, như họ nói, đều là kết quả của tiềm thức khi nó muốn nhắn gửi tới bạn những điều mà tâm trí của bạn không muốn chấp nhận. Với một số người, những giấc mơ lại có thể là khoảng không gian nơi họ có thể giao tiếp với thế giới tâm linh, nơi những linh hồn có thể cho chúng ta biết những hiểu biết về thế giới và vũ trụ. Họ chia sẻ với chúng ta những bí mật, những điều mà chúng ta còn chưa biết.

Giấc mơ mười ba năm trước của tôi chắc chắn là do ảnh hưởng của cuộc sống của tôi lúc bấy giờ, nhưng giấc mơ này thì khác. Trong giấc mơ lần này, ý niệm về cái chết hiện ra rõ ràng hơn. Khi tôi rơi xuống trong giấc mơ, tôi cảm thấy sợ. Tôi sợ sự kết thúc sẽ đến. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy sợ chết. Và khi tỉnh dậy, nỗi sợ hãi vẫn ở đó. Có lẽ tôi sắp chết thật.

Từ đầu chuyến đi cho tới giờ, mọi thứ đều rất trôi chảy. Tôi chưa khi nào bị ốm hay đau bụng. Mọi thứ đều tốt cả, sức khỏe và tinh thần của tôi đều rất ổn. Trận ốm này thật sự rất bất ngờ và quá mạnh. Đầu và cơ thể của tôi đau đớn vô cùng. Tôi nằm đó, muốn hét lên để đánh thức gia đình người bạn đã cho tôi ở nhờ. Tôi muốn ai đó tới vỗ về tôi. Nhưng tôi chỉ có một mình. Tôi bắt đầu nghĩ về gia đình và những người bạn của tôi. Tôi mong được gặp họ ngay bây giờ. Trong thâm tâm, tôi cầu xin được giúp đỡ. Tôi không cầu nguyện mà chỉ mong ai đó có thể tới giúp tôi, ai cũng được. Rồi bất chợt mọi thứ tối sầm.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.