Không Gia Đình

11. TRÊN THUYỀN



Tôi trở về quán trọ, lòng buồn bã, hai mắt đỏ ngầu. Lão chủ quán đứng ở cửa ngoài nhìn tôi lâu lắm. Tôi định đi qua cửa để vào nhà với mấy con chó thì lão ngăn tôi lại, hỏi:

Thế nào, còn chủ mày?

Ông cụ bị án.

Án bao nhiêu?

Hai tháng tù ngồi.

Thế còn tiền phạt nhiều ít?

Một trăm phờrăng.

Hai tháng, một trăm phờrăng – lão nhắc đi nhắc lại ba bốn lượt. Tôi muốn đi thẳng nhưng lão ngăn tôi lại lần nữa.
Thế thì mày định làm ăn ra sao trong hai tháng ấy?

Thưa ông, cháu không biết.

À! Mày không biết. Mày có tiền để mà sống và nuôi máy con chó, con khỉ của mày chứ?
Thưa ông không ạ.

Thế ra mày định trông vào tao để nuôi chứa lũ chúng mày phỏng?

Ồ thưa ông không, cháu không trông vào ai cả.

Này, bé con, mày nói có lý đấy! Chủ mày đã nợ tao nhiều rồi. Tao không thể cho mày ăn chịu những hai tháng trời mà không biết rồi rốt cuộc có được trang trải hay không. Thôi mày phải đi đi.
Đi! Nhưng mà cháu biết đi đâu bây giờ, thưa ông!

Cái đó đâu phải việc của tao! Tao không phải là bố mày! Tao cũng không phải là chủ mày! Tại sao mày lại muốn tao cho mày ở đây?
Tôi đứng sững sờ một lúc lâu. Biết nói làm sao bây giờ! Lão ta nói đúng. Tại sao lão lại phải chứa tôi? Đối với lão, tôi chỉ là một của nợ.

Này bé con, mang chó và khỉ ra rồi xéo! Dĩ nhiên là mày phải để cái xắc của chủ mày lại. Chủ mày mãn hạn tù sẽ lại lấy xắc và tính toán công nợ với tao.
Câu nói đó gợi cho tôi một ý kiến. Tôi tin là đã tìm ra kế để ở lại quán trọ.

Ông chắc là đến lúc đó sẽ đòi được nợ, thế thì ông hãy cho cháu ở lại tới ngày ấy? Rồi ông sẽ tính gộp tiền trọ của cháu vào với khoản nợ của chủ cháu.
Mày nói như thật ấy nhỉ! Chủ mày có thể trả dăm ba ngày tiền trọ chứ hai tháng thì lại là chuyện khác.
Cháu sẽ ăn rất ít, ông muốn cho bao nhiêu cũng được.

Thế còn những con thú của mày? Không được đâu, mày thấy chứ, phải đi đi thôi! Vào xóm làng chắc mày tìm được việc làm để kiếm ăn đấy!
Nhưng thưa ông, thế đến khi chủ cháu mãn hạn tù thì biết đằng nào mà tìm cháu? Chắc ông cụ chỉ đến đây thôi.
Đến ngày đó mày cứ việc trở lại đây. Từ nay đến lúc ấy, mày hãy đi dạo trong hai tháng ở xung quanh vùng này, ở các tỉnh có suối nước nóng chữa bệnh. Ở Banhe, Côtơrê, ở Luýtdơ dễ kiếm tiền đấy chứ!

Ngộ chủ cháu viết thư cho cháu?

Tao sẽ giữ hộ cho.

Như thế thì cháu không viết trả lời cho ông cụ được.

Dào ôi! Mày làm tao phát ngấy lên rồi đấy! Tao đã bảo mày là phải xéo đi. Phải bước ngay ra khỏi nơi này. Mau mau lên với! Tao hẹn cho mày năm phút để mà xéo. Khi tao trở ra sân mà còn thấy cái mặt mày thì đừng có trách tao.
Tôi cảm thấy có van nài nữa cũng vô ích. Đúng như lời lão chủ quán nói: phải bước ngay ra khỏi nơi này thôi! Tôi vào chuồng ngựa tháo mấy con chó và con Giôlicơ ra. Tôi cài xắc lại, khoác đàn lên vai rồi rời khỏi quán trọ. Lão chủ quán đứng
cửa để nom chừng tôi. Lão nói với theo:

Nếu có thư đến tao sẽ giữ lại cho.

Tôi vội đi nhanh ra khỏi thành phố vì chó của tôi không buộc mõm. Nếu như gặp cảnh sát thì biết liệu làm sao mà trả lời? Trả lời là tôi không có tiền để mua rọ mõm à? Sự thực là như thế. Sau khi tính kỹ thì tôi cũng chỉ còn vẻn vẹn mười một đồng xu trong túi, không đủ để mua thứ đó. Có thể là họ bắt tôi nốt. Chủ tôi đi tù, tôi cũng đi tù thì mấy con chó và con khỉ Giôlicơ sẽ ra sao? Cái đứa trẻ không gia đình này đã trở thành chủ gánh hát, người chủ gia đình. Tôi bỗng thấy trách nhiệm của mình.

Mấy con chó vừa đi nhanh vừa ngẩng đầu nhìn tôi. Không cần lời nói, cái nhìn ấy đủ làm cho tôi hiểu rằng chúng nó đói. Con Giôlicơ ngồi vắt vẻo trên xắc tôi.
Thỉnh thoảng nó kéo tai tôi để tôi quay đầu lại, và nó lấy tay xát xát trên bụng, cử chỉ ấy cùng có ý nghĩa chẳng kém gì cái nhìn của mấy con chó. Cũng như chúng nó, tôi muốn gào lên là tôi đói, bởi vì tôi cũng không ăn trưa như lũ chúng nó chứ có hơn gì đâu! Nhưng mà nói ra có ích lợi gì!

Mười một đồng xu không đủ cho chúng tôi ăn cả bữa trưa và bữa tối. Chúng tôi đành sẽ ăn một bữa thôi, ăn vào quãng giữa ngày, như vậy thay thế được cả hai bữa.

Cái quán trọ vừa xua chúng tôi đi ở ngoại ô Xanh Misen, trên đường đi Môngpenliê. Tất nhiên là chúng tôi đi theo con đường này. Trong lúc vội vã đi nhanh cho ra khỏi thành phố vì sợ gặp cảnh sát, tôi cũng chẳng kịp hỏi đường ấy đi về đâu. Tôi chỉ mong muốn con đường ấy đưa tôi đi cho xa thành phố Tuludơ mà thôi, ngoài ra không cần gì nữa. Đi tỉnh này hay tỉnh khác đối với tôi không quan trọng. Vấn đề ở thì rất thứ yếu! Hồi đó vào mùa nóng, chúng tôi có thể ở ngoài trời, tựa vào bụi cây, một bức tường nào đó.

Nhưng còn ăn?

Đi có dễ ngót hai tiếng đồng hồ mà tôi chưa dám dừng chân lại. Mấy con chó vẫn thường nhìn tôi mỗi lúc một van lơn tha thiết hơn. Còn con Giôlicơ thì kéo tai tôi và xát bụng nó càng mạnh. Cuối cùng tôi chắc đã ở khá xa thành phố Tuludơ để khỏi phải lo ngại nữa. Tôi tin rằng ở đây nếu người ta có bắt tôi buộc mõm chó thì ít ra tôi cũng có thể khất đến mai. Tôi vào ngay cửa hàng bánh mì tôi tìm thấy đầu tiên. Tôi bảo người ta bán cho một cân(1) rưỡi bánh. Bà bán hàng nói:

Em lấy luôn một cái bánh hai cân thì hơn. Với tất cả đoàn thú của em, chừng ấy cũng không nhiều quá đâu! Tội nghiệp những con thú này, phải cho chúng nó ăn chứ!
Một cái bánh mì hai cân kể ra cũng không là quá nhiều đối với bầy thú của tôi!

Dù không kể con Giôlicơ nó ăn chẳng hết bao nhiêu thì mỗi đứa chúng tôi cũng chỉ được có nửa cân thôi. Nhưng đối với túi tiền của tôi thì như thế cũng là quá nhiều. Giá bánh hồi bấy giờ năm xu một cân, nếu tôi mua hai cân thì mất mười xu, như vậy chỉ còn một xu. Ngày mai chưa biết thế nào mà hôm nay lại tiêu hoang như thế là không biết phòng xa. Mua một cân rưỡi bánh chỉ mất bảy xu và ba xăng tim(2) thôi, như thế thì ngày hôm sau vẫn còn được ba xu hai xăng tim, nghĩa là đủ để khỏi chết đói mà chờ cơ hội kiếm ít tiền.

Trong một thoáng tôi đã suy tính như vậy, rồi cố làm ra vẻ chững chạc, tôi bảo bà hàng bánh rằng tôi chỉ cần một cân rưỡi là đủ, bà không phải cắt nhiều hơn nữa.

– Được rồi, được rồi. – Bà ta trả lời.

Bà lấy ra một cái bánh sáu cân thật to, một cái bánh mà chắc chúng tôi có thể ngốn trọn; bà cắt ra một khúc đặt lên cân và đập sẽ vào cân một cái.
– Tươi quá rồi đấy! – Bà nói – Thế là đủ bù chỗ hai đồng xăng tim thừa.

Thế là bà tao vứt tám đồng xu vào trong ngăn. kéo. Tôi đã từng thấy có người đẩy lui những đồng xăng tim lẻ người ta trả lại cho mình và bảo rằng họ chẳng biết dùng làm gì. Riêng tôi thì chắc không từ chối. Tuy thế tôi cũng không dám hỏi và lủi thủi đi ra, miếng bánh kẹp chặt trong tay. Ba con chó sung sướng nhảy cỡn quanh tôi. Con Giôlicơ vừa kêu khe khẽ vừa dứt tóc tôi.

Chúng tôi không đi xa lắm. Đến gốc cây đầu tiên gặp trên đường cái, tôi dựa đàn vào thân cây và ngồi duỗi dài trên cỏ. Bầy chó ngồi trước mặt tôi: con Capi ở giữa, một bên là con Đônxơ, bên kia là con Décbinô. Còn con Giôlicơ, nó không mệt mỏi gì thì đứng để rình đánh cắp những miếng bánh nó thích.

Cắt chia bánh là một việc khó! Tôi chia ra năm phần cố cho thật đều. Để cho khỏi phí phạm, tôi cắt mỗi phần ra từng lát nhỏ lần lượt phát cho mỗi con một miếng y như là ở trại lính. Trong bọn chúng tôi có con Giôlicơ là ăn ít hơn cả, cho nên chia như vậy có lợi cho nó hơn ai hết. Trong lúc chúng tôi còn đói thì nó đã no rồi. Tôi lấy phần nó ba lát bánh cất vào trong xắc để dành cho mấy con chó sau này. Còn được bốn lát, chúng tôi chia nhau mỗi đứa một lát. Đó là món ăn thêm của chúng tôi và cũng là món ăn tráng miệng.
Bữa tiệc đó chẳng phải là loại tiệc kích thích người ta đọc diễn văn. Tuy vậy tôi

thấy cần phải nói với các bạn tôi một vài lời. Tất nhiên tôi tự coi tôi là thủ lĩnh của chúng nó. Nhưng tôi cũng không tự cho mình cách biệt chúng nó quá, đến mức độ không cần phải báo cáo cho chúng nó biết là cả bọn đang lâm vào tình thế nghiêm trọng. Chắc con Capi đoán ra được ý định của tôi nên nó nhìn chòng chọc vào mắt tôi. Tôi nói:

Phải rồi, bạn Capi ạ, phải rồi các bạn Đônxơ, Décbinô và Giôlicơ ạ, phải rồi, các bạn thân mến ạ, tôi có một tin buồn cần báo để các bạn biết; chủ của chúng ta phải xa chúng ta hai tháng.
Oa! – Con Capi kêu lên.

Trước hết việc đó làm cho chủ chúng ta buồn. Rồi đến chúng ta cũng buồn. Chủ chúng ta nuôi sống chúng ta. Trong khi chủ chúng ta vắng mặt thì chúng ta sẽ ở vào tình thế khủng khiếp đấy. Chúng ta không có tiền.
Nói đến tiền con Capi hiểu ngay. Nó đứng kiễng lên hai chân sau rồi đi vòng tròn như thể đi xin tiền trong hàng “chư vị khán giả”.
Cậu muốn chúng ta biểu diễn à. – Tôi nói tiếp. – Ý kiến hay đấy. Nhưng mà liệu có thu được tiền không cơ chứ? Tất cả vấn đề là ở chỗ đó. Tôi phải báo trước với các bạn là nếu ta không thành công thì tất cả gia tài của chúng ta chỉ có ba xu thôi đấy. Ta phải thắt lưng buộc bụng. Sự việc là như vậy. Tôi mong các bạn hiểu cho rõ tình hình nghiêm trọng đến bực nào để đừng có giở quẻ, trái lại nên mang tất cả tâm trí ra phục vụ đoàn. Tôi đề nghị các bạn phải biết phục tùng, biết dè xẻn và dũng cảm. Chúng ta hãy xiết chặt hàng ngũ. Các bạn hãy tin ở tôi cùng như tôi tin ở các bạn.

Tôi không dám nói quyết là các bạn tôi hiểu hết những cái hay trong bài diễn văn ứng khẩu đó. Nhưng chắc là chúng đã tiếp thu đại ý. Chúng nó biết rằng vắng mặt ông chủ tất là có điều gì nghiêm trọng xảy đến và chúng chờ đợi tôi giải thích. Nếu chúng không hiểu hết những lời tôi nói thì ít ra cũng hài lòng về cách xử sự của tôi đối với chúng. Chúng đã chứng tỏ sự hài lòng đó bằng sự chú ý.

Khi nói chú ý tôi chỉ nói về những con chó thôi. Đến như con Giôlicơ thì không tài nào bắt nó tập trung trí lực vào một vấn đề được. Đoạn đầu bài diễn văn nó lắng nghe hết sức chăm chú. Nghe được độ vài câu thì nó nhảy tót lên cái cây đang tỏa cành lá trên đầu chúng tôi, rồi nó đánh đu, đùa giỡn, nhảy từ cành này sang cành khác.

Nếu con Capi mà láo xược với tôi như vậy sẽ làm tôi phật ý lắm, nhưng đối với con Giôlicơ thì không hành động gì của nó làm tôi ngạc nhiên cả. Nó chỉ là một đứa xốc nổi không đầu, không óc. Dù sao chăng nữa nó thích đùa giỡn một tí cũng là tự nhiên thôi. Tôi xin thú thực rằng tôi cũng sẵn lòng làm như nó, đánh đu khoái trá như nó, nếu có thể. Nhưng mà chức vụ quan trọng và địa vị của tôi không cho phép tôi giải trí như thế.

Nghỉ được một lúc, tôi ra hiệu lên đường. Chúng tôi cần phải kiếm tiền để trả tiền trọ. Mà dù có phần chắc là chúng tôi sẽ ngủ ngoài trời và tiết kiệm được khoản ấy, thì bề nào cái khoản ăn sáng ngày mai cũng không tránh khỏi. Đi được chừng một tiếng đồng hồ, chúng tôi nom thấy một làng ở đằng xa, làng có vẻ nghèo khổ, tiền thu nhập chắc sẽ ít ỏi. Nhưng mà điều đó không làm cho tôi ngã lòng. Tôi còn tính là làng càng bé bao nhiêu thì càng ít gặp rủi ro, ít gặp cảnh sát bấy nhiêu.

Tôi mặc quần áo cho các diễn viên rồi cố xếp hàng thật đẹp, chúng tôi đi vào trong làng. Nhưng rủi thay chúng tôi không có ống tiêu của cụ Vitali và cái vẻ uy nghi của ông cụ. Y như một viên đội trưởng quân nhạc bao giờ ông cụ cũng làm cho người ta nhìn mình. Tôi không có những cái ưu thế của ông cụ như tầm vóc cao lớn, mặt mày linh hoạt. Trái lại người tôi bé nhỏ, mảnh khảnh và nét mặt tôi lại tỏ vẻ âu lo hơn là vững tin ở mình. Vừa đi tôi vừa nhìn ngang nhìn ngửa để xem có gây được ảnh hưởng gì không. Ảnh hưởng thật là xoàng xĩnh: người ta ngẩng đầu lên rồi người ta cúi đầu xuống, chẳng ai đi theo đoàn chúng tôi.

Đi đến một khoảng đất nhỏ, ở giữa có bể nước, có cây ngô đồng che bóng mát, tôi lấy thụ cầm ra đánh một điệu nhạc “vanxơ”. Bản nhạc vui tươi, mấy ngón tay tôi nhẹ nhàng thoăn thoắt nhưng mà lòng tôi lại buồn phiền. Tôi thấy bên vai như có một gánh nặng nghìn cân. Tôi bảo con Décbinô và con Đônxơ nhảy “vanxơ”, chúng nó vâng lời ngay và quay tròn theo nhịp.

Nhưng chẳng có ai hoài công đến nhìn chúng tôi cả, mặc dù ở các bậc cửa có vô số các bà đương đan áo, hoặc nói chuyện.
Tôi tiếp tục đánh đàn. Con Décbinô và Đônxơ tiếp tục nhảy “vanxơ”. May chăng sẽ có một người nào đó đến xem chúng tôi. Có một người đến thì sẽ có người thứ hai, rồi thì có mười người, hai mươi người khác nữa. Nhưng mà tha hồ cho tôi đánh đàn, tha hồ cho con Décbinô và con Đônxơ cứ việc mà quay tròn, người ta vẫn cứ ở lì trong nhà. Rồi họ cũng chẳng buồn nhìn về phía chúng tôi nữa.

Bỗng nhiên một em bé, một em bé nhỏ xíu chừng như mới biết đi chập chững, rời bậc cửa nhà em và tiến lại chỗ chúng tôi. Có lẽ mẹ em sẽ theo em rồi thì sau bà mẹ sẽ có một bà bạn. Thế là chứng tôi sẽ thu được tiền. Tôi đánh đàn nhẹ tay hơn để cho em bé khỏi sợ, nói là để nhử em bé lại gần thì đúng hơn.

Em dang hai tay, đi núng na núng nính, từ từ tiến lại. Em đến rồi. Chỉ vài bước nữa là em đến chỗ chúng tôi.
Lúc ấy bà mẹ ngẩng đầu lên. Có lẽ bà đã cảm thấy đứa con không còn ở cạnh mình nữa. Bà trông thấy nó ở chỗ chúng tôi. Nhưng đáng lẽ chạy theo nó như chúng tôi mong mỏi thì bà chỉ ngồi yên mà gọi nó thôi. Đứa bé ngoan ngoãn trở về với mẹ.

Có lẽ những người này không thích múa chăng? Có thể lắm. Tôi bảo con Décbinô và con Đônxơ nằm xuống và tôi hát bài dân ca quen thuộc của tôi. Chắc hẳn là chưa bao giờ tôi hát chăm chú và nhiệt tình như thế.

Tôi bắt đầu hát sang đoạn thứ hai thì bỗng thấy một người mặc áo ngắn đội mũ dạ đi lại chỗ chúng tôi. Có thế chứ! Tôi tự nhủ thế rồi càng hát say sưa hơn.
Thằng kia! – Người đó thét lên. – Mày làm gì ở đây hả, thằng ranh con mất

dạy này?

Tôi ngừng lại, rất đỗi kinh ngạc về câu hỏi đó. Tôi đứng sững, mồm há hốc nhìn người đó đi lại chỗ tôi. Hắn hỏi:
Thế nào, mày có trả lời không?

Thưa ông, đấy ông xem, cháu đang hát.

Mày có giấy phép để hát ở nơi công cộng làng chúng tao không?

Thưa ông không.

Thế thì bước đi cho mau nêu mày không muốn tao đưa mày ra tòa!

Thưa ông, nhưng…

Hãy gọi tao là ông tuần phiên, rồi thì xéo đi cho nhanh, quân ăn mày khốn kiếp!

Một tuần phiên! Nhờ bài học kinh nghiệm của chủ tôi, tôi hiểu rằng chống đối lại với bọn cảnh sát và bọn tuần phiên nguy hại như thế nào. Tôi không để cho hắn nhắc lại lần thứ hai. Theo lệnh hắn tôi vội vàng quay trở lại lối cũ.
“Quân ăn mày!”. Câu chửi đó chẳng đúng tí nào. Nào tôi có ăn xin bao giờ!

Tôi hát, tôi nhảy múa, đó là cách lao động của tôi chứ tôi có làm điều gì sai trái!

Chỉ cần năm phút là tôi đã ra khỏi làng ấy. Cái làng không niềm nở với khách qua đường nhưng lại được canh gác chu đáo thay! Mấy con chó bước theo tôi, dáng ủ dột. Chắc chúng hiểu rằng đoàn ta đã gặp một sự không may. Thỉnh thoảng con Capi lại vượt lên trước tôi. Nó ngoảnh lại tò mò nhìn tôi với đòi mắt thông minh của nó. Ở vào địa vị ấy, bất kỳ con chó nào khác tất cũng đã hỏi tôi. Nhưng Capi là một con chó có giáo dục, có kỷ luật nên nó không dám tự tiện đặt câu hỏi tọc mạch. Nó chỉ biểu lộ sự tò mò ham biết của nó mà thôi. Tôi thấy hàm nó rung rung vì nó muốn sủa mà phải cố gắng nhịn sủa.

Khi chúng tôi đi đã khá xa để khỏi lo tên tuần phiên đột ngột xuất hiện, thì tôi giơ tay ra hiệu. Tức thì ba con chó vây quanh tôi. Con Capi đứng giữa lặng yên không nhúc nhích, mắt nó dán vào mắt tôi. Đã đến lúc giải thích cho chúng nó cái điều mà chúng nó mong đợi. Tôi nói:

Chúng ta không có giấy phép biểu diễn, họ đuổi chúng ta đi.

“Thế rồi sao?” – Con Capi bắt đầu hỏi.

Thế rồi chúng ta sẽ ngủ ngoài trời, bất cứ chỗ nào và nhịn ăn bữa tối.

Nghe nói đến “bữa ăn tối”, cả bọn kêu lên một tiếng càu nhàu. Tôi chìa ba đồng xu ra:
Các bạn biết là chúng ta chỉ còn có thế. Nếu tối nay chúng ta tiêu hết ba xu này thì đến mai không có tiền mà ăn bữa trưa đâu! Hôm nay chúng ta đã được ăn rồi. Vậy nên để dành đến ngày mai mới là khôn ngoan.
Thế rồi tôi bỏ ba đồng xu vào túi. Con Capi và con Đônxơ cúi đầu xuống một cách nhẫn nhục. Con Décbinô vốn xấu tính và tham ăn cứ càu nhàu hoài. Tôi nghiêm khắc nhìn nó nhưng không bảo nó im mồm đi được. Tôi ngoảnh lại phía con Capi:
Capi hãy giải thích cho Décbinô cái điều mà nó không muốn hiểu. Hôm nay chúng ta phải nhịn bữa ăn thứ hai nếu muốn ngày mai cũng được ăn một bữa.
Tức khắc con Capi lấy cẳng đánh bạn một cái, và một cuộc tranh cãi diễn ra giữa hai con chó.

Con Capi bảo con Décbinô cái gì tôi không nghe thấy, vì chó thì hiểu được ngôn ngữ của người chứ người thì không hiểu được ngôn ngữ của chó. Tôi chỉ thấy con Décbinô không chịu nghe lẽ phải và đòi tiêu ngay tức khắc ba đồng xu kia. Con Capi phải nổi nóng lên và nhe bộ nanh ra. Con Décbinô vốn không can đảm gì cho lắm đành chịu im không kỳ kèo nữa. Vấn đề bữa tối thế là được giải quyết. Bây giờ còn vấn đề ngủ.

Cũng may là trời đẹp, ban ngày nóng nên ngủ ở ngoài trời về tiết này cũng chẳng có gì đáng ngại lắm. Chỉ cần bố trí thế nào để khỏi làm mồi cho chó sói, nếu vùng này có chó sói, cần hơn nữa là phải tránh bọn tuần phiên, bọn này còn nguy hiểm hơn bội phần. Đối với chúng tôi, con người vậy mà còn đáng sợ hơn muông sói!

Vậy thì cứ việc tiến thẳng về phía trước mặt, trên con đường trắng xóa, cho đến lúc nào gặp chỗ trú. Chúng tôi làm như vậy. Con đường dài dằng dặc, hết cây số này đến cây số khác nối tiếp nhau. Những tia ánh hồng của mặt trời lặn đã biến mất trên nền trời mà chúng tôi vẫn chưa tìm thấy chỗ trú. Dù thế nào cũng phải định liệu thôi.

Khi tôi quyết định dừng lại để nghỉ đêm thì chúng tôi đang ở trong một khu rừng đó đây có những khoảng trống trơ trụi. Ở giữa các khoảng trống ấy có những khối đá hoa cương dựng đứng. Nơi này thật là buồn, thật là hiu quạnh. Nhưng chúng tôi không thể chọn chỗ nào hơn được. Tôi nghĩ rằng ở giữa những khối đá hoa cương ấy, chúng tôi có thể tìm được một chỗ trú ẩn để tránh khí lạnh vào ban đêm. Tôi nói “chúng tôi” là nói con Giôlicơ và tôi. Đối với mấy con chó thì không phải lo lắng gì cho chúng nó cả. Để chúng nó ngủ ngoài trời chẳng sợ chúng nó lên cơn sốt đâu! Nhưng riêng tôi thì phải giữ gìn vì tôi biết trách nhiệm của mình rất nặng. Nếu tôi đau ốm thì gánh hát sẽ ra sao? Và bản thân tôi ra sao, nếu phải nuôi con Giôlicơ ốm?

Chúng tôi rời đường cái, đi vào giữa các khối đá. Lát sau tôi trông thấy một phiến đá hoa cương lớn nằm nghiêng, tạo thành một cái hốc dưới chân phiến đá và một cái ở trên chóp. Trong cái hốc đó, gió đã vun lá thông khô lại thành một lớp dày. Không còn kiếm ra chỗ nào hơn thế nữa: một cái nệm để nằm, một cái mái để nấp. Chỉ thiếu một miếng bánh để ăn bữa tối nữa thôi. Phải cố gắng đừng nghĩ đến chuyện đó nữa.

Trước khi ngủ tôi giảng giải cho con Capi nghe là tôi trông cậy ở nó về việc canh phòng cho cả bọn. Thế là đáng lẽ cũng vào nằm trên đống lá thông với chúng tôi, con vật ngoan ngoãn ấy lại đứng ở ngoài để canh gác. Tôi có thể yên tâm. Tôi chắc không ai có thể đến gần chúng tôi mà tôi không được báo trước. Tuy rằng tôi đã yên lòng về điểm đó nhưng nằm xuống đống lá thông tôi chưa ngủ ngay được. Con Giôlicơ nằm sát cạnh tôi, trùm chiếc áo ngắn của tôi. Con Décbinô và con Đônxơ nằm khoanh tròn ở dưới chân tôi.

Tôi mệt mỏi lắm nhưng nỗi lo lắng còn lớn hơn là sự mệt mỏi. Ngày hôm đó, ngày đầu cuộc hành trình của chúng tôi, là một ngày xấu. Ngày mai đây sẽ ra sao nhỉ? Tôi đói, tôi khát mà tôi chỉ còn có ba xu thôi. Tự nhiên tôi thò tay vào túi sờ nắn mấy đồng xu, nhưng có sờ nắn bao nhiêu cũng vô ích thôi, chúng chẳng đẻ thêm ra đồng nào nữa: một này, hai này, ba này, bao giờ cũng vậy, đếm đến con số ấy là tôi dừng lại.

Làm thế nào nuôi gánh xiếc? Làm thế nào mà nuôi chính bản thân mình, nếu ngày mai đây và những ngày sau đó, tôi không biểu diễn được? Nào là rọ mõm cho chó, nào là lấy giấy phép đi hát rong, biết đào những thứ ấy ở đâu ra? cả bọn phải chết đói ở một xó rừng nào đó, hoặc là chết bờ chết bụi chăng? Vừa đặt đi đặt lại những câu hỏi bứt rứt ấy tôi vừa nhìn những vì sao lấp lánh trên đầu trong vòm trời mờ mịt.

Không một tí gió. Khắp nơi đều yên lặng. Không một tiếng lá xào xạc. Không một tiếng chim kêu. Trên đường cái không một tiếng xe lăn bánh. Phóng hết tầm con mắt trong cõi xanh xanh sâu thẳm, cũng chỉ thấy khoảng không trống rỗng. Chúng tôi thật cô đơn và trơ trọi!

Tôi cảm thấy nước mắt trào lên giàn giụa rồi bỗng dưng tôi khóc nức nở: tội nghiệp má Bácbơranh! Tội nghiệp cụ Vitali.
Tôi nằm sấp, hai bàn tay úp vào mặt khóc tấm tức không tài nào nín được. Bỗng tôi thấy một hơi thở âm ấm luồn qua tóc. Tôi vùng quay lại, một cái lưỡi mềm mại và nóng hổi liếm vào mặt tôi. Đó là con Capi, nó đã nghe thấy tôi khóc nên lại an ủi tôi như nó đã đến giúp đỡ tôi đêm đầu tiên tôi lên đường. Tôi choàng hai cánh tay ôm cổ nó, hôn cái mõm ẩm uớt của nó. Thế là nó rên lên mấy tiếng khe khẽ dường như nó cùng khóc với tôi.

Khi tôi thức giấc thì trời đã sáng rõ. Con Capi ngồi trước mặt nhìn tôi. Trên cành, chim hót ríu rít. Ở xa, ở tận nơi xa tít, vọng lại tiếng chuông báo giờ cầu kinh buổi sáng. Mặt trời đã lên cao tỏa ra những tia nắng làm ấm người và ấm cả lòng nữa.
Công việc điểm trang chải chuốt buổi sáng của chúng tôi chỉ một thoáng là xong, và thế là chúng tôi lên đường, đi về phía có tiếng chuông gióng giả. Ở đấy chắc có làng xóm, ở đấy chắc có cửa hàng bánh mì. Khi người ta đi ngủ không ăn bữa trưa và bữa tối thì cái đói nó lên tiếng ngay từ sáng sớm rồi.

Tôi đã nhất quyết: cứ tiêu hết ba đồng xu còn lại đó rồi sau sẽ hay.

Vào làng tôi chẳng cần phải hỏi thăm cửa hàng bánh mì ở đâu. Mùi chúng tôi đã đưa chúng tôi tới đó một cách chắc chắn. Gì chứ để đánh hơi thấy mùi bánh nóng thơm ngon từ xa thì mũi tôi cũng thính chẳng kém gì mũi mấy con chó kia. Ba xu bánh mì khi giá bánh năm xu một cân thì mỗi phần chỉ được một miếng nhỏ. Do đó, chúng tôi ăn xong bữa sáng rất nhanh.

Đã đến lúc phải xem xét, phải nghĩ cách thế nào để kiếm tiền trong ngày hôm đó. Tôi bèn di khắp làng để tìm chỗ nào thuận lợi nhất để biểu diễn và cũng để dò xét vẻ mặt mọi người đoán xem họ sẽ là bạn hay thù. Ý tôi không phải là biểu diễn ngay tức khắc vì giờ này không thuận tiện. Mục đích của tôi là nghiên cứu vùng này chọn lấy một chỗ tốt nhất để đến trưa thì trở lại đó thử thời vận xem sao.

Tôi đang mải mê với ý nghĩ ấy bỗng nghe thấy tiếng la hét ở phía sau. Tôi vội ngoảnh lại thì thấy con Décbinô chạy tới và một bà già đang đuổi theo nó. Thoáng qua cũng đủ hiểu tại sao có cuộc đuổi bắt và tiếng kêu la ấy. Lợi dụng lúc tôi lơ đễnh, con Décbinô đã rời tôi lẻn vào nhà người ta đánh cắp một miếng thịt mang đi.

– Quân ăn trộm! – Bà già la to. – Bắt lấy nó, bắt lấy tất cả bọn chúng nó!

Nghe mấy tiếng cuối cùng ấy, tôi thấy mình có lỗi, hay ít ra cũng phải chịu trách nhiệm về sự sai trái của con chó của mình. Vì thế, tôi cũng chạy nốt.
Biết trả lời làm sao nếu bà già kia bắt tôi bồi thường miếng thịt nó đánh cắp? Lấy gì mà trả? Không trả thì họ bắt lại và đã bắt thì họ giữ lại chứ chẳng chơi.
Thấy tôi chạy, con Capi và con Đônxơ cũng không chịu tụt lại sau. Chúng nó theo sát gót tôi. Còn con Giôlicơ ngồi trên vai tôi thì bám chặt lấy cổ tôi để khỏi rơi xuống đất.

Tôi không sợ người ta đuổi kịp nhưng sợ người ta đón đầu ở quãng nào đó.

Quả nhiên có hai ba người chừng như có ý định ấy đang chặn đường chúng tôi.

May sao có một ngõ nhỏ đâm ngang ra đường cái trước khi đến chỗ họ. Tôi cùng với mấy con chó nhảy xổ vào trong ngõ và chạy thục mạng. Chẳng mấy chốc chúng tôi đã ra đến giữa đồng. Tôi chạy cho đến khi gần đứt hơi mới dừng lại, nghĩa là tôi đã chạy ngót hai cây số là ít.

Bây giờ tôi mới dám ngoảnh lại để nhìn về phía sau, không có người nào đuổi theo chúng tôi cả. Con Capi và con Đônxơ vẫn bám sát gót tôi. Còn con Décbinô thì từ xa đi tới. Có lẽ nó đã dừng lại ở giữa đường để ăn miếng thịt.

Tôi gọi nó, nhưng nó biết là nó đáng bị trừng phạt nặng nên không đến với tôi.

Nó dừng lại rồi đâm đầu chạy trốn.

Đành rằng con Décbinô đánh cắp miếng thịt vì đói, nhưng mà tôi không thể vin vào lý do đó để tha thứ. Một vụ trộm cắp đã xảy ra. Kẻ có lỗi phải chịu phạt. Nếu không thì chẳng còn kỷ luật gì trong gánh xiếc của tôi nữa. Đến làng sau, con Đônxơ sẽ bắt chước bạn nó, rồi tới cả con Capi nữa cũng sẽ bị cám dỗ nốt. Vậy thì tôi phải trừng phạt công khai con Décbinô mới được. Nhưng muốn thế thì tự nó phải đến trước mặt tôi.

Chuyện đó không phải dễ dàng. Tôi phải cậy con Capi.

– Đi tìm con Décbinô cho tao.

Nó đi ngay để thi hành nhiệm vụ tôi giao phó. Tuy nhiên nó nhận việc này không sốt sắng như thường lệ. Trong cái nhìn của nó trước khi đi, tôi nhận thấy như là nó muốn làm người bào chữa cho con Décbinô hơn là làm tên sen đầm cho tôi.

Thế là tôi chỉ còn việc đợi con Capi điệu tên tù của nó về. Chắc phải chờ khá lâu vì hẳn là con Décbinô không chịu để lôi về ngay đâu. Dù phải chờ đợi thế nào tôi cũng không lấy làm khó chịu lắm. Chúng tôi đã ở cách làng xóm khá xa, không còn lo người đuổi theo nữa. Mặt khác tôi chạy đã mệt rồi và cũng muốn được nghỉ ngơi một lát. vả lại vội vã mà làm gì? Có vội cũng chưa biết đi đâu và cũng chẳng có việc gì làm kia mà!

Chính cái chỗ tôi dừng lại là một nơi tuyệt diệu để đợi chờ và nghỉ ngơi. Số là trong lúc tôi chạy thục mạng chẳng biết là chạy đi đâu thì lại đến ngay trên bờ con kênh Nam. Từ khi rời thành phố Tuludơ, tôi đã đi qua những cánh đồng mù mịt bụi. Giờ đây tôi mới đến một miền vừa xanh tươi vừa mát mẻ, có những kẽ của một tảng đá to phủ đầy cây nhỏ, và những cây ấy buông xuống thành những thác hoa xuôi chiều dòng nước. Thật thú vị. Ngồi đó đợi hai con chó trở về thì tuyệt.

Một giờ trôi qua. Không thấy con nào về cả. Tôi bắt đầu lo ngại thì bỗng thấy con Capi lủi thủi trở về một mình.
– Con Décbinô đâu?

Con Capi nằm xuống, dáng điệu sợ sệt. Nhìn nó tôi thấy bên tai có vấy máu, Chẳng cần phải giải thích tôi cũng hiểu câu chuyện xảy ra thế nào: Con Décbinô chống cự lại. Còn con Capi thì có lẽ nó chấp hành miễn cưỡng một mệnh lệnh mà nó cho là khắc nghiệt quá nên nó đành chịu thua. Có nên mắng mỏ nó và trừng phạt cả nó nữa không? Tôi không đủ can đảm làm thế. Tôi không muốn làm phiền lòng người khác vì chính mình cũng đang nẫu ruột về nỗi sầu riêng.

Công việc giao cho con Capi làm không có kết quả, tôi chỉ còn có cách đợi cho con Déobinô vui lòng trở về thôi. Tôi biết nó lắm. Cái hành động phản kháng lúc ban đầu qua rồi thì nó đành chịu phạt và chắc là tôi sẽ thấy nó hối hận trở về. Tôi nằm xuống bên một gốc cây, tay giữ con Giôlicơ đã xích lại vì sợ nó lại cao hứng bỏ theo con Décbinô. Còn con Capi và con Đônxơ thì nằm dưới chân tôi. Thời gian trôi qua, con Décbinô vẫn không về. Giấc ngủ đến với tôi lúc nào không biết và tôi thiếp đi.

Khi tôi thức giấc thì mặt trời lên tới đỉnh đầu và khá nhiều giờ khắc đã trôi qua. Không cần có mặt trời tôi cũng biết là đã trưa vì dạ dày của tôi kêu lên rằng tôi đã ngốn mẩu bánh cuối cùng từ lâu lắm rồi. Về phần mấy con chó và con khỉ Giôlicơ, chúng nó cũng tỏ ra rất đói. Con Capi và con Đônxơ kêu đói bằng vẻ mặt thiểu não, con Giôlicơ thì nhăn nhó.

Vẫn không thấy bóng vía con Décbinô đâu cả.

Tôi kêu tên nó, tôi huýt sáo gọi nó. Đều vô ích! Nó không về. Nó ăn bữa sáng no nê rồi, bây giờ nó rúc vào bờ bụi nào đó để yên ổn tiêu hóa thức ăn.
Tình thế trở nên khó xử. Nếu tôi đi thì con chó sẽ lạc đàn không trở về với chúng tôi được. Nếu tôi ở lại thì không có cơ hội kiếm được dăm ba xu để có cái ăn.

Và đúng là nhu cầu về ăn càng lâu càng trở thành cấp thiết. Mắt của hai con chó nhìn chòng chọc vào mắt tôi, nhìn một cách tuyệt vọng. Con khỉ Giôlicơ thì vừa xoa bụng vừa kêu khe khẽ những tiếng đầy oán thán. Thời gian trôi qua, con Décbinô vẫn không trở về. Tôi lại phái con Capi đi tìm một lần nữa. Nhưng nửa giờ sau nó trở về có một mình và cho tôi biết là không tìm thấy.

Làm thế nào bây giờ?

Dù cho con Décbinô đã phạm lỗi, dù nó còn đặt chúng tôi vào một tình thế ghê gớm nữa, tôi cũng không thể tính đến việc bỏ rơi nó. Cụ chủ tôi sẽ nói sao nếu tôi không mang đủ ba con chó về. Vả lại dù sao đi nữa, tôi vẫn yêu thương nó, cái con Décbinô chết tiệt này! Tôi quyết tâm đợi nó đến chiều tối.

Nhưng không thể nào cứ ngồi yên không hoạt động để nghe dạ dày van đói. Những tiếng kêu ấy nghe càng bội phần thống thiết vì chỉ có nó nhoi nhói bên tai, không lúc nào nghỉ ngơi, và cũng không có cái gì chen vào để làm cho ta có thể xao nhãng.

Phải nghĩ ra trò gì để bốn chúng tôi có việc làm cho khuây khỏa. Nếu có thể quên đi không nghĩ rằng mình đang đói thì tất nhiên sẽ ít thấy đói hơn. Nhưng làm gì bây giờ?

Mải loay hoay về câu hỏi ấy, tôi chợt nhớ cụ Vitali có kể cho tôi nghe rằng trong chiến tranh, khi một binh đoàn hành quân mệt nhọc thì người ta bảo cử nhạc. Nghe thấy những điệu nhạc vui vẻ và lôi cuốn, binh sĩ sẽ quên hết mệt mỏi.

Nếu tôi chơi một bản nhạc vui có lẽ cả bọn sẽ quên đói! Dù thế nào đi nữa, tôi bận chơi nhạc và mấy con chó bận nhảy múa với con Giôlicơ thì thời giờ sẽ đi nhanh hơn. Tôi vớ lấy cây đàn dựng ở gốc cây. Sau khi sắp xếp chỗ đứng cho các diễn viên, tôi quay lưng lại con sông đào và bắt đầu chơi một điệu múa và sau đó một điệu “vanxơ”.

Thoạt tiên thì dường như mấy tài tử của tôi không sẵn lòng nhảy múa. Giá có bánh mì để cho mỗi chú một khoanh thì tất nhiên ổn hơn đấy. Nhưng dần dần nhờ có tác dụng tự nhiên của âm nhạc, chúng nó phấn chấn lên. Chúng tôi quên cả lát bánh đang thèm mà chẳng có. Tôi chỉ nghĩ đến nhảy múa.

Thình lình tôi nghe một giọng nói trong trẻo, một giọng trẻ con reo lên: “Hoan hô!”. Giọng nói đó từ đằng sau vọng tới. Tôi vội vàng ngoảnh lại.

Một con thuyền đỗ ở dưới sông, mũi thuyền quay về bên bờ tôi đứng. Hai con ngựa kéo thuyền dừng lại nghỉ ở bờ bên kia. Đó là một con thuyền lạ lùng chưa bao giờ tôi trông thấy. Nó ngắn hơn những chiếc xà lan thường đi trên sông đào. Trên sàn thuyền dựng một cái hành lang lắp kính, Phía trước hành lang kính là một mái hiên có cây leo che mát. Cành lá bám rải rác vào đường răng cưa ở mái nhà và rủ xuống từng nơi từng chỗ như những thác nước màu xanh lục. Dưới mái hiên có hai người: một người đàn bà còn trẻ đang đứng, vẻ tao nhã buồn và một chú bé, một đứa con trai trạc tuổi tôi trông như đang nằm.

Có lẽ chính thằng bé này vừa reo: “Hoan hô” đây. Con thuyền kia xuất hiện bất ngờ nhưng không có vẻ gì đáng sợ cả. Vừa hết ngạc nhiên thì tôi ngả mũ cảm ơn người vừa hoan hô tôi. Người đàn bà hỏi tôi với giọng lơ lớ của một người ngoại quốc?

Em diễn trò để tiêu khiển đấy à?

Để tập luyện cho diễn viên của cháu và cũng để… giải trí.

Chú bé ra hiệu cho bà ta và bà cúi sát xuống mặt nó. Rồi bà ngẩng lên hỏi tôi:

– Em có vui lòng biểu diễn một lúc nữa không?

Có, tôi vui lòng biểu diễn lắm chứ! Biểu diễn trước một cử tọa đến đúng lúc thế này. Tôi không đợi người ta nài. Tôi hỏi:
Bà muốn xem một điệu vũ hay một vở kịch?

Ồ! Một vở kịch! – Đứa bé reo lên.

Điệu vũ thì ngắn ngủi quá!

Sau điệu vũ, nếu chư vị khán giả thích thì chúng tôi có thể biểu diễn nhiều tiết mục “y hệt những tiết mục ở các rạp xiếc của thành phố Pari”.
Đó là một câu quen thuộc của chủ tôi. Tôi cố gắng đọc nó với cái giọng tao nhã của ông cụ. Nghĩ cho kỹ thì họ từ chối vở kịch hóa ra lại làm cho tôi hài lòng. Vì rằng tổ chức kịch mà thiếu mất con Décbinô và quần áo, dụng cụ cần thiết thì tôi còn biết xoay xở làm sao?
Thế là tôi vớ cây thụ cầm và bắt đầu chơi một điệu vanxơ. Tức khắc con Capi lấy hai chân ôm ngang lưng con Đônxơ và chúng quay theo nhịp. Rồi đến con Giôlicơ một mình nhảy một điệu vũ. Tiếp đó chúng tôi lần lượt biểu diễn hết cả chương trình của mình, không thấy mệt mỏi. Chắc mấy diễn viên của tôi hiểu rằng chúng sẽ được thù lao bằng một bữa ăn, cho nên chúng nó cũng như tôi, đều không tiếc gì công sức.

Giữa một tiết mục tôi thấy con Décbinô thình lình ở trong một bụi cây chui ra.

Khi các bạn nó tới gần nó thì nó trâng tráo len vào và đóng vai trò của mình.

Vừa biểu diễn, vừa trông nom các diễn viên, thỉnh thoảng tôi vừa liếc mắt nhìn chú bé. Điều kỳ dị là tuy xem trò của chúng tôi, nó có vẻ thích thú, nhưng nó vẫn không cử động. Nó nằm dài ngay đơ chỉ động đậy hai tay để vỗ tán thưởng chúng tôi.

Nó bị liệt chăng? Hình như nó bị buộc vào một tấm gỗ.

Gió đẩy dần con thuyền vào sát bờ lúc nào không biết. Bây giờ thì tôi nhìn thấy thằng bé rõ như tôi đang đứng ở trên thuyền gần ngay cạnh nó. Tóc nó vàng, mặt nó tái nhợt, tái đến nỗi người ta trông thấy rõ những đường gân xanh trên trán dưới làn da trong suốt, nét mặt nó hiền dịu âu sầu và có cái gì như là dấu hiệu của bệnh tật. Bà chủ thuyền hỏi tôi:

Em diễn như thế, bao nhiêu một chỗ xem?

Người ta trả tùy lòng, tùy theo sự vui thích của người ta.

Mẹ ơi, thế thì phải trả thật đắt đấy. – Thằng bé nói.

Rồi nó nói thêm mấy câu bằng một thứ tiếng mà tôi không hiểu. Sau đó bà mẹ nói với tôi:
– Áctơ nó muốn nhìn gần các diễn viên của em đấy.

Tôi ra hiệu. Con Capi lấy đà nhảy vọt xuống thuyền. Áctơ hỏi:

– Thế còn những con kia?

Hai con Décbinô và Đônxơ nhảy theo bạn.

– Còn con khỉ nữa!

Con Giôlicơ có thể nhảy xuống một cách dễ dàng nhưng tôi không bao giờ tin nó. Một khi lên thuyền, nó có thể bày ra những trò tinh nghịch không vừa ý bà chủ. Bà chủ hỏi:

Nó có dữ không?

Thưa bà không, nhưng có lúc nó không vâng lời. Cháu sợ xuống thuyền nó không ngoan.

– Thế thì cháu cứ xuống với nó.

Vừa nói bà vừa ra hiệu cho một người đàn ông đứng ở sau lái. Lập tức người này đi lên phía trước bắc một tấm ván lên bờ. Nhờ cái cầu bắc như thế nên tôi xuống thuyền khỏi phải nhảy bạt mạng. Tôi trịnh trọng bước vào trong thuyền, vai đeo đàn, tay bế con Giôlicơ. Áctơ reo lên:

– Con khỉ! Con khỉ đây!

Tôi tiến đến sát chú bé. Trong lúc nó vuốt ve, vỗ về con Giôlicơ, tôi tha hồ ngắm nghía nó. Thật là kỳ lạ! Đúng là nó bị buộc vào một tấm gỗ như tôi đã dự đoán. Bà chủ hỏi tôi:

Cháu có bố cháu đấy chứ, có phải không?

Thưa có, nhưng hiện nay cháu sống một mình.

Sống một mình có lâu không?

Hai tháng.

Hai tháng! Ồ tội nghiệp cho cháu! Thế nào? Bằng ấy tuổi mà đã phải sống một mình lâu như thế ư?
Thưa bà biết làm thế nào được!

Hết hai tháng này có lẽ chủ cháu bắt cháu phải mang về cho ông ấy một số tiền phải không?
Thưa bà không. Chủ cháu không bắt buộc cháu cái gì cả. Miễn là làm sao cháu sống được và nuôi sống được gánh xiếc thế là đủ.
Cho tới nay cháu vẫn kiếm được đủ sống à?

Tôi ngập ngừng trước khi trả lời. Tôi chưa thấy một bà nào làm cho tôi kính nể như bà ấy. Thế mà, bà nói năng hiền từ, giọng bà dịu dàng, cái nhìn của bà ân cần, sốt sắng đến nỗi tôi quyết định nói thực, vả lại tại sao lại không nói chứ?

Tôi kể cho bà nghe tại sao tôi phải xa lìa cụ Vitali, ông cụ bị tù vì đã bảo vệ tôi như thế nào, và làm sao từ khi rời thành phố Tuludơ tôi chưa hề kiếm được một xu.

Trong lúc tôi nói thì thằng Áctơ chơi đùa với mấy con chó. Tuy vậy nó vẫn chú ý nghe tất cả những lời tôi kể lể. Nó kêu:
– Các bạn chắc đói lắm nhỉ?

Nghe đến cái tiếng đói quen thuộc ấy, mấy con chó sủa vang lên và con

Giôlicơ thì xoa bụng rối rít. Áctơ kêu lên:

– Ồ! Mẹ ơi!

Nghe thấy tiếng gọi, bà hiểu ngay. Bà nói mấy câu bằng tiếng ngoại quốc với một người đàn bà vừa thò đầu ra sau cánh cửa hé mở. Hầu như tức khắc sau đó, người đàn bà này bưng ra một chiếc bàn nhỏ bày thức ăn. Bà chủ thuyền bảo tôi:

– Ngồi ăn đi cháu.

Tôi không đợi bảo nhiều lần. Tôi đặt cây đàn xuống và ngồi ngay vào bàn.

Tức thì mấy con chó xếp hàng quanh tôi và con Giôlicơ ngồi lên đầu gối tôi. Áctơ hỏi:

Chó của anh có ăn bánh mì không?

Chúng nó ăn mạnh chứ! Tôi cho mỗi con một miếng chúng ngốn hết ngay. Áctơ lại hỏi:
Còn con khỉ nữa?

Nhưng cũng chẳng cần săn sóc đến con Giôlicơ. Trong khi tôi cho chó ăn thì nó đã vớ lấy một miếng ba tê chui xuống gầm bàn ngồi tọng đến nghẹn cổ.
Xong đến lượt tôi, tôi cũng cầm một khoanh bánh.

Tôi không đến nỗi tọng cho nghẹn hầu nghẹn họng như con Giôlicơ nhưng cũng ăn ngấu ăn nghiến không kém nó. Bà chủ rót đầy cốc rượu nho cho tôi và nói:
– Tội nghiệp cháu bé!

Còn Áctơ không nói gì cả. Nó giương mắt nhìn chúng tôi. Thấy chúng tôi ăn ngon miệng như thế, chắc là nó phải kinh ngạc lắm, vì trong cả bọn chúng tôi, đứa nào cũng háu ăn như đứa nào. Ngay cả con Décbinô cũng vậy, tuy rằng nó cũng đã khá no bụng với miếng thịt đánh cắp. Áctơ hỏi:

Thế tối nay anh và các con vật định ăn ở đâu nếu không gặp chúng tôi?

Chắc là chúng tôi không ăn tối.

Thế ngày mai ăn ở đâu?

Có lẽ ngày mai chúng tôi lại may mắn gặp được người tốt như hôm nay. Không tiếp chuyện tôi nữa, Áctơ ngoảnh lại phía mẹ và hai người lại trao đổi
với nhau rất lâu bằng thứ tiếng ngoại quốc mà tôi đã nghe thấy vừa rồi. Hình như nó muốn xin cái gì mà mẹ nó không muốn cho, hay ít ra cũng nêu nhiều điều trở ngại.

Bỗng nhiên nó quay đầu lại phía tôi vì thân mình nó không cử động được. Nó nói:

– Anh ở lại đây với chúng tôi nhé?

Tôi nhìn nó không trả lời. Câu hỏi đột ngột quá.

Con tôi nó hỏi cháu có vui lòng ở lại đây với chúng tôi không?

Trên chiếc thuyền này?

Phải, trên chiếc thuyền này. Con tôi nó ốm. Thầy thuốc bắt phải buộc nó trên một tấm gỗ như cháu thấy đấy. Để cho nó khỏi buồn chán, tôi đưa nó đi chơi trên chiếc thuyền này. Cháu sẽ ở lại đây với chúng tôi. Lũ chó và con khỉ của cháu sẽ biểu diễn cho Áctơ xem. Nó sẽ là khán giả của những con vật ấy đây. Còn cháu, nếu cháu vui lòng thì cháu sẽ đánh thụ cầm cho mẹ con chúng tôi nghe. Như vậy cháu sẽ giúp ích cho chúng tôi và về phía chúng tôi thì có lẽ chúng tôi cũng có ích cho cháu. Hàng ngày cháu sẽ khỏi phải đi kiếm khách xem. Cái đó không phải là một chuyện dễ dàng đối với một đứa trẻ vào lứa tuổi cháu.

Đi thuyền! Tôi chưa hề được đi thuyền bao giờ và được đi thuyền là điều mong ước lớn của tôi. Tôi sẽ được sống trên thuyền, trên mặt nước, sung sướng làm sao! Đó là ý nghĩ đầu tiên bừng lên trong trí tôi và làm cho óc sáng hẳn lên.
Giấc mơ thú vị quá! Chỉ cần suy nghĩ vài giây tôi đủ thấy lời đề nghị kia rất có lợi cho tôi và người đề nghị đó quả là hào hiệp.
Tôi cầm tay bà ta mà hôn.

Hình như bà cảm kích về cách tỏ lòng biết ơn đó. Thân ái và gần như âu yếm, bà lấy tay xoa đầu tôi mấy lần và nói:
Tội nghiệp cháu bé!

Người ta đã có ý muốn tôi gẩy đàn cho nghe thì tôi tưởng nên làm hài lòng người ta ngay chứ không nên trì hoãn. Sự sốt sắng là một cách chứng tỏ phần nào thiện chí và lòng biết ơn của mình. Tôi cầm cây đàn, đi mãi tận đằng mũi thuyền và bắt đầu gảy.

Lúc đó bà chủ đặt lên môi một chiếc còi nhỏ bằng bạc và huýt lên một tiếng lanh lảnh.
Tôi vội ngừng gảy đàn và tự hỏi tại sao bà ta thổi còi như thế. Phải chăng bà thổi còi vì tôi chơi đàn dở hay bà muốn bảo tôi ra đi?

Vốn để ý tới tất cả mọi việc xung quanh. Áctơ đoán được mối băn khoăn của tôi. Nó nói:
– Mẹ tôi thổi còi để cho ngựa tiếp tục đi đấy!

Thật vậy, con thuyền có ngựa kéo rời khỏi bờ và bắt đầu lướt trên mặt nước yên lặng của con sông đào. Nước vỗ róc rách vào mạn thuyền. Cây cối ở hai bên bờ chạy lùi về phía sau chúng tôi dưới tia nắng xiên khoai của mặt trời. Áctơ bảo:

– Anh đánh đàn đi!

Nó lấy đầu ra hiệu gọi mẹ nó lại gần. Nó cầm tay bà lên, giữ thật chặt trong hai bàn tay nó suốt thài gian tôi chơi những bản nhạc mà thầy tôi đã dạy.

———————–

Nguyên văn là livre: đơn vị trọng lượng xưa ở Châu Âu, bằng nửa kilogram.

Xăng tim (centimét): phần trăm của một đồng phờ răng: 5 xăng tim bằng một xu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.