Không Gia Đình
17. MỘT ÔNG “BẦU GÁNH” TRẺ CON Ở PHỐ LUỐCXIN
Dù mọi vật xung quanh tôi đều có vẻ ghê tởm, tôi vẫn trố mắt nhìn. Tôi hình như quên tình cảnh đáng lo của mình để nhìn ngó xung quanh.
Càng đi sâu vào Pari, những điều trông thấy càng xa lạ đối với những mộng tưởng ngây thơ, những mơ huyền ước hão của tôi. Mấy rãnh nước vẫn đóng băng. Bùn trộn lẫn tuyết với băng vụn, càng đi sâu vào thành phố càng thấy đen ngòm. Những chỗ nào lầy ướt thì khi xe cộ đi qua bùn bắn phền phệt lên từng mảng dày, chập vào mặt kính các cửa hàng tồi tàn và dơ bẩn.
Rõ ràng là Pari không bì được với Boócđô.
Chúng tôi đi đến một đường phố đông có vẻ khá hơn phố vừa đi qua. Càng đi thì càng thấy các cửa hiệu to hơn, đẹp hơn. Đi một lúc lâu thì cụ Vitali rẽ bên phải và thế là chúng tôi đi vào một khu phố hết sức nghèo khổ. Những ngôi nhà cao và đen xì mái tiếp mái trông như liền nhau. Một dòng nước không đóng băng chảy giữa đường phố và bất chấp hôi thối, một đám người đông đặc giẫm lên nền đường nhầy nhụa mà đi. Tôi chưa bao giờ thấy những gương mặt xanh xao vàng võ như gương mặt họ. Cũng chưa bao giờ tôi thấy trẻ con táo bạo như những đứa trẻ đang đi đi lại lại giữa những người khách qua đường này. Quán rượu khá nhiều. Có nhiều người đàn ông đàn bà đứng uống rượu và gào thét inh ỏi trước mấy quầy hàng bọc thiếc.
Tôi đọc được cái tên phố Luốcxin ở góc tường một ngôi nhà.
Hình như cụ Vitali đã có ý định sẽ đi tới chỗ này. Cụ đưa tay ẩy nhẹ nhàng người vướng lối cụ. Tôi theo sát cụ. Cụ bảo: “Coi chừng kẻo lạc ông đấy”. Nhưng lời dặn bảo ấy cũng bằng thừa. Tôi luôn luôn sát gót cụ và muốn cho chắc chắn hơn, tôi nắm chặt áo cụ.
Thầy trò chúng tôi đi qua một cái sân rộng và một lối đi, rồi đến một thứ hang sâu mập mờ, xanh xanh, có lẽ ở đấy ánh nắng không bao giờ lọt vào. Cái chỗ này còn xấu xí, còn dễ sợ hơn tất cả những gì mà tôi đã thấy cho tới đây. Một người đương soi đèn lồng để mắc những miếng tá rách lên tường. Cụ Vitali hỏi hắn:
Garôphôli có nhà không?
Không biết, cụ cứ lên xem. Cụ biết hắn ở đâu rồi chứ? Đi hết thang gác thì thấy cửa ngay trước mặt.
Garôphôli là người bầu mà ông đã nói chuyện với cháu. Hắn ở đây.
Cụ Vitali vừa nói thế vừa chỉ thang gác cho tôi; các bậc thang tường như khoét vào trong lớp đất sét ướt vậy, bởi vì nó bết một lớp đất cứng, trơn tuột. Đường phố, ngôi nhà, cái thang gác, chẳng có chút gì làm cho tôi yên lòng cả. Vậy còn ông chủ thì ra sao?
Thang gác có bốn tầng. Lên đến đầu cầu thang thì cụ Vitali xô cái cửa ở trước mặt và thế là thầy trò chúng tôi bước vào một gian phòng lớn, hay nói cho đúng, một thứ vừa chứa khá rộng, ở giữa phòng có một khoảng trống lớn, bốn bên kê khoảng mươi cái gường. Tường và trần nhà không thể nói là màu gì: ngày xưa thì trắng đấy, nhưng rồi khói ám vào và bụi bặm cáu bẩn đủ thứ đính lên làm cho lớp vôi tô ngoài hóa đen đi và lỗ chỗ từng mảng bị tróc ra hay bị thủng hẳn. Trên tường, bên cạnh hình một cái đầu người vẽ bằng than có nhiều hoa và chim khắc chìm.
Cụ Vitali vừa bước vào vừa hỏi:
Garôphôli, anh ở xó nào thế? Sao không thấy ai cả? Lên tiếng đi, anh! Già Vitali đang gọi anh đấy.
Dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu hỏa treo trên tường, gian phòng có vẻ vắng người thật. Tuy vậy, sau tiếng cụ chủ tôi gọi, có một giọng yếu ớt, uể oải, một giọng trẻ con cất lên trả lời:
Ngài Garôphôli không có nhà. Hai tiếng đồng hồ nữa ngài mới về.
Đồng thời cái người trả lời chúng tôi cũng ló mặt ra: đó là một chú bé độ mươi tuổi. Chú lê chân về phía chúng tôi. Hình thù của chú đột nhiên đập mạnh vào giác quan của tôi, đến nỗi ngày nay tôi vẫn như nhìn thấy chú trước mặt. Nói cho đúng thì chú không có thân mình: một cái đầu to tướng không cân xứng với con người, cái đầu ấy tưởng chừng như gắn liền với đôi chân như các bức biếm họa được ưa chuộng mấy năm trước đây. Cái đầu mang một vẻ đau thương, một vẻ dịu hiền sâu sắc; trong đôi mắt có ẩn niềm nhẫn nại và toàn thân con người nói lên nỗi ngao ngán chán chường. Hình thù như thế tất nhiên là không đẹp. Nhưng không hiểu sao nó gây cảm tình, nó bắt ta phải nhìn, phải ngắm chứ không nỡ quay mặt đi, vì ở đôi mắt to, ươn ướt, âu yếm như mắt một con chó, ở cặp môi mấp máy như luôn luôn muốn thổ lộ tâm tình ấy, có một sức gì quyến rũ chúng ta. Cụ Vitali hỏi:
Cháu có chắc rằng trong hai tiếng nữa, ông chủ sẽ có nhà không?
Thưa cụ, chắc lắm. Hai tiếng nữa là đến giờ ăn, mà ngoài ngài ra thì không có ai phân phát bữa ăn đâu.
Thế thì nếu ông ấy có về sớm hơn; cháu thưa rằng có ông Vitali đến, hẹn hai tiếng nữa sẽ trở lại.
Hai tiếng nữa, vâng thưa cụ.
Cháu hãy ở đây. – Cụ nói. – Cháu nghỉ ngơi một lát rồi ông trở lại đây. Thấy tôi tỏ vẻ hoảng hốt, cụ nói thêm:
Cam đoan với cháu là ông sẽ trở lại.
Dù mệt mỏi, tôi cũng cứ muốn đi theo cụ Vitali hơn. Nhưng tôi đã quen tuân lệnh khi cụ bảo, nên đành ở lại vậy.
Tiếng chân bước nặng nề của cụ Vitali trên các bậc thang dội lên tới chỗ chúng tôi. Chú bé nghiêng tai về phía của nghe ngóng. Khi không nghe thấy gì nữa, chú quay lại hỏi tôi bằng tiếng Italia:
– Anh là người đồng hương à?
Từ khi theo cụ Vitali, tôi đã học võ vẽ mấy câu Italia gọi là tạm đủ để nghe người ta nói chuyện bằng thứ tiếng ấy.
Nhưng nói thì còn tồi lắm nên tôi ít thích dùng. Tôi trả lời bằng tiếng Pháp:
Không phải.
Ồ! – Chú bé buột miệng kêu lên một tiếng buồn rầu và đôi mắt to của chú nhìn tôi chòng chọc. – Cũng không sao! Giá anh là người cùng quê thì thích hơn.
Cùng quê là quê nào?
Lúcca. Giá anh là người Lúcca thì tôi được biết tin tức quê nhà.
Tôi là người Pháp.
A! Thế càng hay.
Anh ưa người Pháp hơn người Italia à?
Không. Tôi nói “càng hay” không phải vì tôi mà vì anh. Bởi vì nếu anh là người Italia thì anh đến đây chắc là để làm việc với ngài Garôphôli. Mà người ta không nói “càng hay” với những ai định vào làm việc với ông bầu này.
Những lời ấy làm cho tôi không yên tâm tí nào.
Ngài ác lắm hay sao?
Chú bé không trả lời câu hỏi trực tiếp ấy mà chỉ nhìn tôi; nhưng cái nhìn kia lại có ý nghĩa rõ ràng ghê gớm hơn bao nhiêu lời nói. Rồi như không muốn kéo dài câu chuyện ấy, chú quay lại, đi về phía cái lò sưởi lớn ở cuối phòng. trong lò ấy một bếp lửa lớn nhóm bằng những thanh gỗ dỡ nhà đang cháy ngùn ngụt. Trên lửa có một cái nồi gang to đương sôi sùng sục.
Đi lại gần lò để sưởi cho ấm, tôi nhận thấy cái nồi kia có những điều đặc biệt mà thoạt đầu tôi không để ý: một bên vung dính chặt vào nồi bằng bản lề và bên kia thì có khóa; trên vung có gắn một cái ống nhỏ để cho hơi trong nồi thoát ra.
Thái độ của chú bé đủ làm tôi hiểu rằng tôi không nên hỏi tò mò về ngài Garôphôli. Nhưng còn về cái nồi này thì sao?…
– Tại sao phải khóa nồi lại?
– Để tôi khỏi múc nước xúp mà ăn. Tôi có nhiệm vụ nấu xúp, nhưng ông chủ không tin tôi.
Tôi không giấu nổi một nụ cười.
– Anh cười! – Chú bé buồn bã nói tiếp. – Phải rồi, anh cười vì anh tưởng tôi tham ăn. Nhưng ở vào cảnh tôi, có lẽ anh cũng sẽ tham ăn không kém. Thực ra thì tôi không phải là một thằng tham ăn mà là một thằng đói rạc, mùi xúp bốc lên từ cái ống này càng làm cho cái dạ dày lép kẹp của tôi cồn cào dữ dội.
– Ngài Garôphôli để anh chết đói như thế à?
– Nếu anh vào làm việc với ngài ấy, thì anh sẽ biết rằng ở đây, người ta không chết đói, người ta chỉ khổ vì đói thôi. Nhất là tôi, vì tôi bị trừng phạt.
– Đúng đấy! Tôi có thể kể cho anh nghe chuyện ấy. Nếu ngài Garôphôli sẽ là chủ anh thì anh có thể lấy câu chuyện của tôi làm gương để giữ mình. Ngài Garôphôli là cậu tôi và ngài nuôi tôi làm phúc đấy. Phải nói cho anh biết mẹ tôi là một bà góa và có lẽ anh cũng đoán là bà cũng chẳng giầu có gì. Năm ngoái, khi Garôphôli đến vùng
tôi tìm trẻ con thì ông ta nói với mẹ tôi để cho ông mang tôi đi. Mẹ tôi không đành lìa tôi, nhưng anh hiểu cho, tình thế bắt buộc phải như vậy thì biết làm thế nào khác được. Tôi nói tình thế bắt buộc bởi vì ở nhà, anh em chúng tôi lúc nhúc những sáu đứa mà tôi là lớn. Garôphôli thích bắt thằng Lêônácđô hơn, thằng em kế tôi ấy, bởi vì nó khôi ngô còn tôi thì xấu xí. Muốn kiếm ra tiền thì không được xấu xí. Những đứa xấu xí chỉ kiếm ra đòn vọt và những lời chửi rủa mà thôi. Nhưng mẹ tôi không cho Lêônácđô đi. Bà nói: “Đành phải cho một đứa đi thì Mátchia là lớn, Mátchia phải đi. Chúa phúc đức đã chỉ định trước như vậy tôi đâu dám trái ý Chúa”.Thế là tôi theo cậu tôi. Chao ôi! Cái cảnh chia ly thật là cay đắng: anh biết chứ, phải rời bỏ ngôi nhà thân yêu, phải xa lìa bà mẹ tôi đang khóc lóc, còn em bé Cơrítxtina, nó trìu mến tôi hết sức bởi vì nó là út và tôi luôn luôn bồng bế nó trên tay; rồi còn các em khác của tôi, còn các bè bạn, còn làng quê.
Tôi cũng từng nếm mùi cay đắng của cảnh chia ly và tôi không quên nỗi đau thắt ruột thắt gan khi nhìn thấy lần cuối cùng cái khăn trùm màu trắng của má Bácbơranh.
Chú bé Mátchia kể tiếp:
Lúc rời khỏi nhà chỉ có mình tôi với Garôphôli, nhưng tám ngày sau, đoàn trẻ con chúng tôi lên đến mười hai đứa. Và chúng tôi lên đường đi Pháp. Ôi! Con đường mới dài làm sao đối với tôi và các bạn cùng đi! Cả tôi lẫn các bạn đều buồn rười rượi. Nhưng rồi chúng tôi cũng đến Pari. Lúc bấy giờ chúng tôi chỉ còn lại mười một đứa vì một đứa đã nằm lại ở nhà thương Đigiông. Đến Pari, ông chủ chọn lọc phân loại chúng tôi ra: đứa khoẻ mạnh thì cho đi làm công với thợ lò, hay thợ cả trong nghề nạo ống khói, đứa nào cơ thể yếu chưa làm nghề được thì đi hát rong, đàn rong ngoài phố. Dĩ nhiên là tôi không đủ sức khỏe để làm nghề, và hình như tôi cũng xấu xí quá, có đi đánh đàn dạo cũng không kiếm được nhiều. Vì vậy Garôphôli giao cho tôi hai con chuột bạch để tôi mang đi diễu trước các cửa nhà, trong các lối đi cho người ta xem và định mức cho tôi mỗi ngày là ba mươi xu. Ngài nói: “Chiều về, thiếu bao nhiêu xu thì lĩnh bấy nhiêu roi đó”. Kiếm cho ra ba mươi xu thì thật là khổ, nhưng ăn đòn thì lại càng khổ hơn, nhất là ngón đòn do tay Garôphôli quật. Bởi vậy tôi dốc hết sức ra để cóp nhặt cho đủ số tiền. Mặc dù khó nhọc, vất vả hết sức, thường thường tôi vẫn không kiếm được đủ số. Các bạn khác hầu như luôn luôn kiếm đủ, tôi thì luôn luôn hụt mức. Cái đó làm cho Garôphôli giận dữ. Lão kêu: “Cái thằng ngốc Mátchia này, không biết nó làm ăn thế nào ấy!” Có một đứa bé khác cũng mang chuột bạch đi diễu như tôi. Định mức cho nó đến bốn mươi xu mà chiều nào nó cũng mang về đủ số. Nhiều khi tôi đi cặp kè với nó để xem thử nó làm ăn ra sao, nó khéo léo tài tình hơn tôi ở chỗ nào. Nhờ vậy tôi hiểu tại sao nó kiếm bốn mươi xu dễ dàng, còn tôi chỉ ba mươi xu mà quá đỗi chật vật. Khi có một ông hay bà sang trọng nào cho tiền chúng tôi thì bao giờ bà ấy cũng nói: “Cho cái em dễ thương đó, không cho cái thằng ma lem kia đâu”. Cái thằng ma lem đó là tôi. Tôi không thèm đi cặp với thằng bạn ấy nữa, về nhà bị đánh đòn thì thật đáng buồn nhưng ra đường bị người ta nói những câu nhục mạ trước mặt mọi người thì lại càng tội hơn. Anh thì anh không biết cái khổ ấy đâu, bởi vì không bao giờ người ta bảo anh là xấu xí, nhưng tôi… Cuối cùng thấy rằng đánh đập không ăn thua gì, Garôphôli bèn dùng một phương pháp khác. Lão nói: “Từ giờ mà đi, mày đem về thiếu một xu thì tao trừ một củ khoai trong bữa ăn tối, nghe chưa? Da mày già chịu đòn nhưng có lẽ dạ mày non chịu đói!”. Này anh, có khi nào vì bị đe dọa mà anh làm được việc không anh?
Ồ! Cái đó tùy.
Tôi thì không bao giờ, vả lại tôi cũng không thể làm hơn cái mức tôi làm cho đến lúc ấy. Mà khi chìa tay ra xin tiền, tôi cũng không thể nói với người khách: “Nếu ông không cho tôi một xu thì tối nay tôi không có khoai ăn”. Những người bỏ tiền ra cho bọn trẻ con thì lại không bỏ ra vì những lý do như thế.
Thế thì họ bỏ ra vì lý do gì? Họ cho tiền là để cho mình được vui lòng chứ?
Ôi chà! Anh còn non trẻ ngây thơ quá! Người ta cho trước hết là để cho vui lòng người ta. Người ta cũng cho tiền một đứa trẻ vì trông nó xinh xắn dễ thương, và đó là lý do xác đáng nhất. Người ta cho vì nhớ tới đứa con người ta đã bỏ hay nghĩ tới đứa con người ta ước có. Người ta còn cho trẻ con tiền vì người ta mặc ấm, còn nó thì đứng run lập cập dưới cổng một nhà xe; đó là lòng trắc ẩn. Ồ! Tôi biết hết những câu chuyện bố thí ấy, tôi đã có đủ thì giờ để nhận xét.
Sống cái kiểu luôn luôn bị ăn bớt như thế được năm sáu tuần gì đó thì người tôi gầy rạc. Tôi hóa ra xanh xao vàng võ, xanh đến nỗi quanh tôi người ta cứ nói: “Coi kìa, cái thằng bé kia nó chết đói đến nơi”.
Lúc ấy thì sự đau thương đã làm được cái việc mà mặt mày tôi không làm nổi, nó làm cho mắt tôi sáng ngời và người tôi hóa ra đáng được chú ý. Người trong khu phố đâm ra thương hại tôi, cho nên tuy không kiếm được nhiều xu hơn trước là mấy, nhưng tôi lại kiếm được khi thì mẩu bánh mì, khi thì một đĩa xúp. Đó là cái thời sung sướng của tôi. Tôi không bị ăn đòn nhiều nữa. Và dù bữa tối có bị cúp khoai thì cũng không đến nỗi nào, vì bữa trưa tôi đã liếm láp được chút ít ở ngoài phố rồi. Nhưng một hôm, lão Garôphôli bắt gặp tôi đương ăn một đĩa xúp ở nhà bà hàng rau quả. Lão hiểu vì sao tôi bị cúp khoai mà không thấy kêu rên. Thế là lão quyết định bắt tôi ở nhà nấu xúp và dọn dẹp quét tước chứ không được đi ra ngoài nữa. Nhưng nấu xúp thì tôi có thể ăn vụng, cho nên lão chế ra kiểu nồi này. Mỗi buổi sớm trước khi ra đi lão bỏ thịt và rau củ vào nồi, đậy vung khóa lại, và tôi chỉ có việc đun. Tôi chỉ hít được mùi nước xúp mà thôi. Còn múc thì anh cũng thấy rằng không thể nào múc qua cái ống tí xíu ấy được. Tôi mà xanh như tàu lá thế này là từ lúc tôi phải làm bếp đấy. Mùi xúp không nuôi ai được, nó chỉ làm cho đói cồn cào lên, thế thôi. Này, tôi xanh xao lắm có phải không? Vì tôi không ra phố nữa, cho nên tôi không được nghe người ta bảo cho biết mà ở đây thì không có gương soi.
Thuở ấy tôi chưa phải là người từng trải, nhưng tôi biết không nên nói với người ốm rằng họ ốm để họ phải lo sợ. Tôi đáp:
Không, tôi thấy anh cũng thường thôi, chả xanh gì hơn kẻ khác.
Tôi biết anh nói thế để an ủi tôi. Nhưng càng biết mình xanh xao, tôi càng thấy thú, vì như thế có nghĩa là tôi ốm nặng, mà tôi thì muốn mình ốm hẳn, ốm liệt ra.
Tôi sửng sốt nhìn nó. Thằng bé mỉm cười, nói:
Anh không hiểu ý tôi. Đơn giản lắm. Hễ mình ốm hẳn thì người ta chạy chữa, hoặc người ta bỏ mặc cho chết. Nếu họ bỏ tôi chết thì xong hết tất cả mọi việc: hết khổ vì đói, hết khổ vì đòn. Với lại người ta nói người chết được lên ở trên trời. Thế thì lúc ấy ở trên trời, tôi sẽ nhìn xuống thấy mẹ tôi ở quê nhà. Ngược lại, nếu họ chăm sóc cho tôi thì họ sẽ đưa tôi đi bệnh viện. Đi bệnh viện thì thích lắm.
Tôi vốn sợ bệnh viện, sợ một cách tự nhiên. Nhiều khi đi đường mệt quá thấy trong người nao nao khó chịu như sắp ốm thì chỉ cần nghĩ tới bệnh viện là tôi hồi sức, bước đi lên được ngay. Nghe Mátchia nói thế, tôi kinh ngạc khôn xiết. Nó nói tiếp:
Chắc anh không biết ở bệnh viện người ta sung sướng như thế nào! Tôi đã nằm ở bệnh viện Xanhtơgiêni. Ở đấy có một ông bác sĩ người cao lớn, tóc vàng, lúc nào cũng có kẹo mạch trong túi áo. Kẹo vụn thôi, kẹo mạch vụn rẻ tiền, nhưng cũng không phải vì vụn mà nó không ngon. Rồi thì các dì phước ấy, họ nói năng với mình dịu ngọt làm sao! “Làm thế này con ạ. Tội nghiệp! Con thè lưỡi xem sao…” Tôi ấy à, tôi chỉ thích người ta nói ngọt với tôi thôi. Nghe những lời dịu ngọt, tôi cảm động đến ứa nước mắt và chính lúc ấy là lúc tôi sung sướng đấy. Ngốc quá, phải không anh? Chỉ vì mẹ tôi luôn luôn dịu ngọt với tôi. Các dì phước cũng dịu ngọt như vậy, lời thì khác đấy, nhưng giọng thì chả khác gì, cũng êm như ru vậy. Rồi khi bệnh đã đỡ thì có xúp ngon và rượu vang nữa. Ở đây, khi tôi bắt đầu thấy kiệt sức vì thiếu ăn, thì tôi thích chí lắm. Tôi tự nhủ: “Ta sắp ốm rồi và Garôphôli sẽ đưa ta đi bệnh viện”, ừ phải! Ốm rồi. Ốm đủ đã thấy đau đớn ê ẩm trong người, nhưng chưa đủ để làm bận lão Garôphôli cho nên lão vẫn giữ tôi ở nhà. Không biết sao mà những người cùng khổ khó chết thế! Cũng may là lão chưa mất thói quen phạt đòn tôi cũng như phạt những đứa khác, cho nên cách đây tám ngày, lão đã nện vào đầu tôi một gậy nên thân. Lần này thì có lẽ chắc chuyện rồi đây. Đầu tôi sưng lên. Hẳn anh thấy cái u to trắng trọt này đấy chứ? Hôm qua lão nói có lẽ đó là một cái bướu. Tôi không biết bướu là cái quái gì, nhưng xem cái điệu lão nói thì hình như nặng lắm. Hẵng biết rằng tôi đau đớn ghê quá. Tôi thấy nhói tận dưới chân tóc, hơn cả khi đau răng nữa. Đầu tôi nặng như quả tạ trăm cân. Có những phút tôi mờ mắt, choáng váng người và đêm đến, trong giấc ngủ, tôi không thể không rên, không la. Như vậy tôi tin rằng nội trong vài ba ngày nữa, lão sẽ phải đưa tôi đi bệnh viện. Anh hiểu không? Ban đêm mà có một thằng nhãi kêu la thì phiền cho những người khác, mà Garôphôli thì lão không thích bị làm phiền đầu! Lão nện tôi cái gậy là phúc quá! Này anh nói thật đi, tôi đã xanh xao lắm chưa?
Nói thế rồi đến đứng trước mặt tôi, mắt nó nhìn thẳng vào mắt tôi. Tôi không lý do gì nữa để không nói thật. Tuy vậy tôi cũng không dám nói thẳng tuột cái cảm giác khủng khiếp của tôi khi nhìn đôi mắt to sáng như lửa cháy, hai má sâu lõm và cặp môi nhợt nhạt của nó.
Tôi thấy anh ốm như thế là đáng đi bệnh viện rồi đấy!
Có thế chứ!
Nó quỳ cái chân mà nó thường kéo lê xuống, nghiêng mình chào tôi. Rồi tức thời sau đó, nó chạy đến bàn ăn, bắt đầu lau chùi.
Nói chuyện thế đủ rồi, – nó nói. – Garôphôli sắp về, không khéo thì chưa xong đâu vào đâu cả! Anh cho rằng tôi đã nhận đủ số đòn vọt để vào bệnh viện thì có nhặt thêm ít nữa cũng không ích gì, hoài của đi thôi, có phải không anh? Ấy bây giờ tôi cảm thấy đau đớn hơn mấy tháng trước nhiều! Những ai nói rằng việc gì rồi cũng quen đi cả là những người nhân từ, họ muốn vỗ về an ủi kẻ khổ thôi.
Chú bé vừa nói chuyện vừa chân cao chân thấp đi khập khiễng quanh bàn để xếp đĩa và thìa, nĩa. Tôi đếm thấy hai mươi cái đĩa: thế có nghĩa là Garôphôli cai quản hai mươi đứa trẻ. Nhưng giường chỉ có mười hai chiếc, chắc là hai đứa ngủ một giường. Giường mới khổ làm sao! Không có vải phủ giường, chỉ có những chiếc chăn màu hung hung, có lẽ mua lại ở một chuồng ngựa nào đó, khi nó đã quá sờn, đắp cho ngựa không đủ ấm nữa. Tôi kinh hãi hỏi Mátchia:
Ở đâu đâu cũng đều thế cả à?
Đâu đâu là đâu chứ?
Ở đâu mà có những ông bầu mướn trẻ con như thế này ấy!
Tôi biết đâu đấy! Tôi chưa hề đi chỗ nào khác. Còn anh thì cố gắng tìm chỗ khác đi!
Chỗ nào bây giờ?
Tôi không biết, ở đâu cũng được, cũng còn khá hơn ở đây.
“Ở đâu cũng được” thì mơ hồ quá, vả lại tôi biết làm thế nào để thay đổi ý định của cụ Vitali?
Tôi đương nghĩ ngợi lung tung, chưa tìm ra kế gì hết thì cánh cửa bật mở rồi một chú bé bước vào. Một tay chú cắp cây vĩ cầm, tay kia chú bê một khúc gỗ dỡ nhà to tướng. Khúc này giống những khúc chụm vào lò bếp. Nhìn thấy khúc gỗ, tôi biết Garôphôli lấy củi ở đâu và tiêu tốn gì về khoản ấy. Mátchia đón chú bé, bảo:
– Đưa khúc gỗ cho tao.
Chú này đã không đưa củi, lại còn giấu sau lưng. Chú nói:
Ồ! Không đâu!
Đưa đây. Để đun nồi xúp cho thật nhừ, ngon hơn.
Mày tưởng tao mang về để đun xúp đấy à? Tao làm chỉ được có ba mươi sáu xu. Tao trông vào khúc củi này để lão Garôphôli nhẹ tay phần nào trong khi hỏi tội tao về khoản bốn xu thiếu hụt.
Chả có củi cành nào mà đỡ được. Mày phải trả bằng đòn thôi. Hết phiên thằng này đến phiên thằng khác.
Mátchia có vẻ rất ác ý khi nói mấy câu ấy. Tưởng như nó lấy làm thích chí về cái hình phạt đương chờ bạn nó. Tôi lấy làm ngạc nhiên về cái nét đanh ác thoáng hiện trên gương mặt hiền hậu đó. Sau này tôi mới biết rằng sống chung với người độc ác lâu ngày thì người ta cũng có thể hóa nên tàn nhẫn.
Giờ này là giờ tề tựu của lũ trẻ nhà Garôphôli. Sau đứa bé bê củi, một đứa khác về và sau đó là mười thằng khác. Mỗi đứa vào phòng đều mang theo nhạc cụ của mình đến treo ở một cái đanh đóng lên tường, phía trên giường nằm: thằng này thì cái vĩ cầm, thằng kia cái thụ cầm, thằng nọ cái ống sáo hay cái kèn bị(1). Những đứa chỉ mang thú đi diễn chứ không phải là nhạc sĩ thì giúi những con chuột túi, chuột bạch vào trong một cái lồng.
Có tiếng chân nặng hơn đi lên thang gác. Linh tính báo cho tôi biết đó là Garôphôli.
Một người đi vào. Người ấy lùn thấp bước đi loạng choạng, vẻ mặt hốc hác. Hắn không mặc quần áo kiểu Italia, hắn mặc một cái áo bành tô xám. Cái nhìn đầu tiên của hắn hướng về phía tôi. Một cái nhìn làm cho tôi thấy lạnh gáy. Hắn hỏi:
Cái thằng nhãi này ở đâu ra?
Mátchia vội vàng lễ phép thưa với hắn những điều cụ Vitali dặn. Hắn hỏi:
À! Vitali đến Pari. Lão ấy tìm tao làm gì?
Cháu không biết. – Mátchia đáp.
Tao không hỏi mày! Tao hỏi thằng kia! Tôi không dám nói thật. Tôi bảo:
Cụ chủ tôi sắp đến. Cụ sẽ tự nói cho ông biết cụ muốn gì.
Thằng bé này ăn nói kiêng dè đấy! Mày là người Italia phỏng?
– Không, tôi là người Pháp.
Khi Garôphôli vừa vào phòng thì có hai đứa bé đến đứng ngay bên cạnh, chờ cho hắn ngừng nói. Chúng nó muốn gì với lão chủ? Tôi tò mò tự hỏi như vậy và được giải đáp ngay sau đó.
Một thằng cất cái mũ dạ trên đầu Garôphôli rồi đem lại để nhẹ nhàng trên giường; thằng kia vội vã mang ghế đến cho lão. Chúng nó làm những việc thông thường ấy một cách quá nghiêm trang, kính cẩn, khiến cho người ta tưởng đó là hai chú hầu hương đương thành kính giúp linh mục hành lễ. Qua những việc ấy, tôi thấy các chú bé sợ Garôphôli đến chừng nào, bởi vì chắc chắn là chúng nó làm thế không phải vì trìu mến.
Khi Garôphôli vừa ngồi xuống thì một chú bé khác nhanh nhẹn mang lại cho hắn một chiếc tẩu lèn đây thuốc lá, đồng thời một chú thứ tư đánh diêm đưa cho hắn. Hắn cầm que diêm vừa dí lên miệng ống điếu thì thét:
– Sặc mùi lưu hoàng, đồ chó chết! – Và vứt ngay que diêm vào lò bếp.
Chú bé có tội vội vã chuộc lỗi: chú đánh một que khác, chờ cho nó cháy khá lâu mới dâng cho chủ.
Nhưng lão chủ không cầm. Lão nói: “Không cần mày, thằng ngu!” và lão đẩy mạnh nó ra. Rồi lão quay lại một thằng bé khác, mỉm cười với nó. Nụ cười ấy chắc là một ân huệ đặc biệt:
Diêm đây, Ricácđô, bé yêu! Bé yêu vội vàng tuân lệnh.
Khi Garôphôli đã ngồi yên và tẩu của lão ngún cháy thì lão phán:
Các chú tiên đồng của ta ơi, bây giờ thì ta tính toán thôi nhé! Mátchia mang sổ ra đây!
Garôphôli hạ cố mở miệng là vì lão phúc đức mà thôi, chứ có cần gì lão phải nói. Lũ trẻ cứ chằm chằm rình những ý muốn của lão, đến nỗi chúng đoán được hết trước khi lão lên tiếng. Lão chưa hỏi dứt câu thì Mátchia đã đặt ra trước mặt lão một quyển sổ nhỏ đầy ghét bẩn. Lão ra hiệu, tức thời thằng bé đưa diêm chưa hết mùi lưu hoàng lúc nãy tiền lại gần.
Mày còn thiếu tao một xu hôm qua. Mày hứa hôm nay sẽ trả bù. Thế mày mang về bao nhiêu?
Chú bé ấp úng một lúc lâu. Mặt chú tái mét lại. Chú nói:
Cháu thiếu một xu.
À! mày vẫn thiếu đồng xu ấy, thế mà mày cứ nhơn nhởn như không vậy!
Không phải đồng xu hôm qua. Cháu nói một đồng xu về khoản hôm nay.
Thế là hai xu phải không? Mày biết không, tao chưa thấy ai như mày.
Không phải lỗi tại cháu.
Đừng giả ngây giả dại nữa. Mày biết cái lệ rồi: cởi áo ra! Hai roi về đồng xu hôm qua, hai roi về đồng xu hôm nay. Ngoài ra, cúp khoai về cái tội táo tợn của mày. Ricácđô, bé yêu, con ngoan lắm, con đáng được thưởng cái trò giải trí này. Lấy roi đây.
Ricácđô là đứa trẻ đã vội vã mang que diêm vừa ý đến cho lão lúc nãy. Nó với lấy cái roi treo trên vách, một cái roi ngắn, có dính hai băng da thắt nhiều nút lớn. Trong lúc đó, chú bé thiếu một xu cởi áo ngoài và trật sơ mi ra, để mình trần từ vai đến thắt lưng. Garôphôli mỉm cười nham hiểm, nói:
Hãy đợi chút. Có lẽ mày không bị lẻ loi đâu. Cái gì mà có đôi có bạn thì cũng thú cả. Với lại Ricácđô cũng khỏi nhọc công làm việc nhiều lần.
Bọn trẻ đứng yên lặng trước mặt ông chủ, nghe câu bông đùa tàn nhẫn ấy thì phá lên cười một lượt. Tiếng cười thật gượng gạo.
Garôphôli nói:
Đứa nào cười to nhất, chắc đứa ấy thiếu nhiều nhất. Đứa nào cười to dữ vậy? Tất cả đều chỉ đứa bé mang khúc củi gỗ đã về trước tiên. Garôphôli hỏi:
Này thằng kia, mày thiếu bao nhiêu?
Không phải lỗi tại cháu.
Từ nay đứa nào trả lời: “Không phải lỗi tại cháu” sẽ được ăn thêm một hèo ngoài số mà nó có quyền được hưởng. Mày hụt bao nhiêu?
Cháu mang về một khúc củi, khúc củi to tướng kia.
Ừ, cũng không phải là tồi. Nhưng mày thử mang lại thằng cha bán bánh mì, bảo nó đổi bánh cho mày, xem nó có đổi không?
Mày thiếu mấy xu? Thế nào, nói đi chứ?
Cháu kiếm được ba mươi sáu xu.
Mày thiếu bốn xu, thằng khốn nạn, thằng chết vằm! Những bốn xu! Thế mà mày còn dám dẫn xác về đây, dám nhìn mặt tao!
Ricácđô, bé yêu, con tốt phúc lắm, con sẽ được giải trí ra trò, cởi áo ra!
Còn khúc củi?
Cho mày để xơi trưa.
Câu khôi hài ngu xuẩn ấy làm cho tất cả đám trẻ không bị phạt cười rộ lên. Trong lúc Garôphôli tra hỏi thằng bé ấy thì có độ chục đứa khác về. Chúng lần lượt báo cáo khoản thu nhập của chúng. Ngoài hai đứa bị xử phạt roi vừa rồi, có ba đứa nữa hụt mức. Garôphôli rên rỉ kêu lên:
Chúng nó là năm thằng cướp, nó cướp của tôi, nó phá nhà tôi. Ấy, rộng lượng quá thì như thế đấy. Thử hỏi bọn mày, tao làm thế nào mà mua được thịt ngon khoai bở cho chúng mày ăn nếu chúng mày không chịu làm việc? Bọn mày chỉ thích rong chơi. Đáng lẽ phải đi khóc lóc với những khách cả tin thì bọn mày lại thích cười cợt với nhau hơn. Chúng mày tưởng vờ khóc trong khi chìa tay ra xin tiền thì không bằng khóc thực sự khi đưa lưng ra chịu đòn hay sao? Thôi, bỏ áo ra!
Ricácđô cầm roi trong tay, còn năm tội nhân thì được xếp hàng bên cạnh. Garôphôli nói:
Con biết chứ, Ricácđô. Ta không nhìn con vì những hình phạt ấy làm cho ta đau lòng. Ta không nhìn con nhưng ta nghe con. Nghe tiếng roi vút, ta biết được ngọn roi quật mạnh hay yếu. Bé yêu ơi! Hãy rắn sức mà vụt, con làm việc vì miếng ăn của con đấy.
Nói xong, hắn quay mặt vào lò sưởi, làm như không thể nhìn được cái nhục ấy. Còn tôi, bị bỏ quên trong một xó, tôi rùng mình vì căm phẫn và cũng vì ghê sợ. Con người ấy sẽ là chủ của tôi ư? Hắn sẽ tự định mức cho tôi ba mươi hay bốn
mươi xu, nếu tôi không mang về đủ số thì tôi phải đưa lưng cho thằng Ricácđô vụt. Ôi! Đến bây giờ tôi mới hiểu tại sao thằng Mátchia nói đến chuyện chết một cách bình tĩnh như thế! Không những bình tĩnh mà lại còn ao ước thầm nữa kia!
Tiếng roi đầu tiên đét lên da thịt làm cho tôi trào nước mắt. Tôi tưởng người ta không để ý đến tôi, nên tôi không giữ gìn. Nhưng tôi nhầm. Garôphôli vẫn liếc mắt nhìn trộm tôi. Lát sau, khi hắn nói về tôi, tôi mới biết. Hắn đưa một ngón tay chỉ tôi, nói:
Thằng bé này tốt bụng. Hắn không như lũ kẻ cướp chúng bay, cứ cười đùa trên nước mắt của bạn, cười cả trên sự buồn phiền của tao. Ước gì nó là bạn của chúng mày để làm gương cho chúng mày thì tốt quá.
“Là bạn của chúng mày”, mấy tiếng ấy làm cho toàn thân tôi run lẩy bẩy.
Đến roi thứ hai, nạn nhân kêu lên một tiếng thê thảm, roi thứ ba, tiếng thét của nó xé ruột xé gan.
Garôphôli đưa tay lên, tức thời Ricácđô dừng tay lại, ngọn roi vẫn giơ cao. Tôi tưởng thằng chủ muốn tha, nhưng không phải. Hắn vẫn ngọt ngào nói với nạn nhân của hắn:
Mày hẳn biết những tiếng kêu rên làm cho tao đau ruột chừng nào! Roi xé da mày nhưng tiếng thét thì xé lòng tao, mày cũng biết chứ? Vậy tao báo cho mày biết thét mỗi tiếng thì tao thêm một roi và đó là lỗi tại mày. Liệu đừng làm tao ốm vì buồn. Nếu mày có một chút tình thương, một chút lòng biết ơn đối với tao thì mày cắn răng ngậm miệng mà chịu. Nào Ricácđô!
Ricácđô vung tay và hai cái băng da lại quật xuống lưng thằng bé khốn khổ. Nó kêu:
Mẹ ơi! Mẹ!
May sao tôi không phải chứng kiến nhiều hơn nữa, vì lúc ấy cụ Vitali đẩy cửa bước vào. Tiếng kêu thét vọng xuống thang gác đã mách cho cụ biết cái gì, nên thoáng nhìn, cụ đã hiểu hết. Cụ xông đến giật ngọn roi trên tay thằng Ricácđô, rồi quay phắt lại Garôphôli, cụ khoanh tay đứng sừng sững trước mặt hắn.
Mọi việc xảy ra như chớp nhoáng, làm cho Garôphôli sững sờ. Nhưng sau đó, hắn trấn tĩnh, lấy lại nụ cười ngọt xót thường lệ, mà nói:
Cụ thấy có gớm không? Cái thằng bé rõ ác!
Thật là một sự nhục nhã! – Cụ Vitali thét.
Ấy tôi cũng bảo thế!
Thôi đừng có nhăn nhó vờ vịt nữa. – Cụ chủ tôi dằn mạnh. – Anh thừa biết là tôi không nói với thằng bé ấy, mà nói với anh. Ừ! Dày vò hành hạ một lũ trẻ bất lực như thế này thì quả là nhục nhã, hèn nhát!
Garôphôli đổi giọng:
Ông già điên rồi kìa, việc gì đến ông?
Đến lắm chứ! Đến cả sở cảnh sát nữa chứ lị!
Cảnh sát? – Garôphôli thét lớn và đứng dậy. – Ông, ông đòi đưa tôi ra cảnh sát à?
– Ừ, ta đấy. – Cụ chủ tôi trả lời.
Sự giận dữ của tên bầu không làm ông chủ lùi bước. Thằng Garôphôli dịu giọng và mỉa mai:
Này cụ Vitali đừng có lên mặt hăm dọa phát giác tôi, tôi cũng có chuyện để phát giác. Rồi xem ai sẽ nhọc lòng nào? Tất nhiên là tôi không đi báo với cảnh sát; công việc của cụ không liên quan gì đến sở cảnh sát. Nhưng có những người khác người ta chú ý. Nếu tôi chỉ đến mách với họ cái điều tôi biết nếu tôi chỉ nói ra một cái tên, một cái tên thôi, thì ai sẽ phải tìm chỗ chôn vùi sự nhục nhã của mình nhỉ?
Cụ chủ tôi lặng người một lúc, không trả lời. Cụ cũng có làm một chuyện nhục nhã ư? Tôi sững sốt. Tôi chưa hết kinh ngạc về những câu kỳ quái của thằng Garôphôli thì cụ đã nắm tay tôi:
Đi theo ông.
Cụ nói thế rồi lôi tôi theo ra phía cửa. Thằng Garôphôli vừa cười vừa nói:
Này, này! Bỏ qua đi thôi cụ nhé, cụ định đến nói với tôi việc gì nào?
Ta không có gì nói với anh nữa.
Và, không thêm một tiếng, không ngoảnh lại, cụ đi xuống thang gác, tay vẫn dắt tay tôi. Tôi bước theo cụ, người thấy nhẹ nhõm một cách lạ lùng… Thế là lối thoát cái nạn thằng Garôphôli! Tôi muốn ôm hôn cụ Vitali, nhưng không dám.
——————————
Một thứ kèn có đèo một rùi da – N.D
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.