Không Gia Đình
2. NGƯỜI BỐ NUÔI
Tôi tiến lại gần ông ta, định ôm ông ta, nhưng ông ta lấy đầu gậy cản tôi lại:
Cái thằng này là thằng nào?
Thằng Rêmi đấy!
Má nó có nói với tôi là…
Ờ…vâng, nhưng mà…không phải, bởi vì rằng…
À, không phải, không phải!…
Ông ta giơ cao chiếc gậy, đi lại chỗ tôi. Tự nhiên tôi lùi lại.
Nào tôi đã làm gì sai trái? Tôi có tội tình gì? Tại sao lại đối xử với tôi như thế khi tôi chạy đến định ôm hôn ông? Tôi chưa kịp suy nghĩ về những câu hỏi như vậy đang dồn dập trong đầu óc rối beng của tôi thì đã nghe ông ta nói:
Các người đang chuẩn bị ăn mặn ngày thứ ba đây. Thật là đúng lúc vì tớ đang đói ngấu. Ăn tối có gì?
Tôi đang làm bánh kẹp.
Tôi biết. Nhưng mà má nó định cho một người mang mười dặm đường trên đôi chân ăn bánh kẹp à?
Nhà chẳng còn gì cả: tôi có biết ông về đâu?
Sao? Không còn gì à? Không có gì ăn tối à?
Ông ta đưa mắt nhìn quanh nhà:
– Có bơ đây này.
Ông lại đưa mắt lên trần nhà nhìn vào chỗ xưa kia vẫn treo mỡ lợn. Nhưng đã từ lâu các nóc treo trống trơ không có gì cả, chỉ có mấy túm hành và tỏi lủng lẳng ở xà nhà. Ông ta lấy gậy chọc cho một túm hành rơi xuống và nói:
Hành đây! Bốn năm củ hành, một miếng bơ, thế là có một nồi xúp ngon. Má nó hãy bỏ bánh kẹp ra và cho hành vào chảo phi đi.
Bỏ bánh kẹp ở chảo ra! Má Bácbơranh không cãi lại. Chẳng những thế, bà còn vội vã làm theo lời chồng trong lúc ông ta ngồi trên chiếc ghế dài ở cạnh lò sưởi.
Tôi không dám rời khỏi chỗ mà cái gậy của ông ta đã đẩy tôi lùi đến. Tôi đứng tựa vào chiếc bàn, để ý ngắm con người ông. Ông ta tuổi độ năm mươi, vẻ mặt cục mịch, dáng người nghiệt ngã. Thương tích đã làm cho đầu ông lệch về bên phải và cái tật đó càng khiến cho người ta thấy chờn chợn khi nhìn thấy ông. Má tôi lại bắc chảo lên bếp. Ông Bácbơranh nói:
Thế má nó định nấu xúp với chút xíu bơ thế kia à. Rồi tự tay ông cầm đĩa bơ chút sạch vào chảo.
Thế là đi đời bơ, và cố nhiên cũng đi đời bánh kẹp!
Giá như vào lúc khác thì chắc chắn cái tai họa ấy đã làm cho tôi xúc động lắm.
Nhưng khi đó tôi chẳng còn bụng dạ nào mà nghĩ đến bánh kẹp và bánh rán nữa. Tôi chỉ còn băn khoăn về mỗi một việc: chính cái con người nghiệt ngã ấy lại là ba tôi.
“Ba tôi! Ba tôi!”. Đó là mấy tiếng mà tự nhiên tôi lắp đi lắp lại như cái máy. Chưa bao giờ tôi hình dung rõ rệt như thế nào là một người cha. Tôi tưởng
tượng lờ mờ rằng người cha chẳng qua chỉ là một người mẹ có giọng nói ồ ồ mà thôi. Đến nay, khi nhìn thấy người cha ở đâu trên trời rơi xuống cho tôi đó, tôi cảm
thấy đau đớn hãi hùng. Vừa rồi tôi muốn ôm hôn cha tôi, nhưng cha tôi đã lấy đầu gậy đẩy tôi ra. Tại sao vậy? Khi tôi hôn má Bácbơranh chẳng bao giờ má đẩy tôi ra cả, trái lại má còn bế xốc tôi lên, ôm chặt tôi vào lòng.
Ông ta bảo tôi:
– Đừng cứ sừng sững như trời trồng ấy, mau mà dọn bát đĩa ra bàn đi chứ!
Tôi vội vàng tuân lệnh. Xúp đã chín, má Bácbơranh múc ra đĩa. Thế là từ bên lò sưởi, ông ta đứng dậy đi lại bàn ngồi xuống và bắt đầu ăn. Thỉnh thoảng ông chỉ ngừng lại để nhìn tôi. Tôi không tài nào nuốt được, vì bối rối, lo ngại. Tôi cũng nhìn ông ta nhưng chỉ đám nhìn trộm. Khi gặp đôi mắt ông ta thì tôi lại cúi mặt xuống. Đột nhiên ông cầm thìa chỉ vào tôi:
Thường ngày thằng này nó ăn có khỏe hơn bữa nay không?
Ồ, nó ăn được lắm chứ!
Mặc xác nó! Ít ăn, ít uống thì còn được!
Tất nhiên là tôi chẳng muốn nói gì và cả má Bácbơranh cũng không muốn bắt chuyện. Má đi đi lại lại quanh bàn, chăm chú phục dịch ông chồng. Ông ta lại hỏi tôi:
– Mày không đói à?
Không.
Thế thì đi ngủ đi, và cố ngủ ngay nhé, không thì tao nổi giận lên đấy!
Má Bácbơranh đưa mắt nhìn tôi, ý muốn bảo tôi vâng lời đi, đừng có cãi lại.
Nhưng lời dặn dò đó cũng thừa vì tôi không hề có ý chống đối.
Như ở phần lớn nhà nông dân, nhà bếp của chúng tôi cũng dùng làm buồng ngủ. Cái bàn, cái thùng gỗ, cái tủ đựng bát đĩa, nói chung những đồ đạc được dùng cho việc dọn ăn đều kê cạnh lò sưởi. Ở phía bên kia là giường ngủ. Giường của tôi ở xung quanh có chăng diềm vải đỏ.
Tôi vội vàng cởi áo lên nằm. Nhưng không sao ngủ được.
Người ta không ngủ theo mệnh lệnh. Người ta chỉ ngủ khi buồn ngủ và khi trong lòng yên tĩnh. Vậy mà tôi lại không buồn ngủ và trong lòng tôi cũng không yên tĩnh. Trái lại tôi rất băn khoăn, hơn nữa còn đau khổ.
Cái người ấy mà là cha mình ư? Là cha thì tại sao ông ta lại đối xử với mình tàn nhẫn thế?
Úp mặt vào tường, tôi cố gắng xua đuổi những ý nghĩ ấy và mong ngủ thiếp đi theo lệnh của ông ta. Nhưng không tài nào nhắm mắt được. Giấc ngủ không đến và chưa bao giờ tôi lại thấy tỉnh táo như lần này.
Một lúc sau, không biết chừng bao nhiêu lâu, tôi nghe thấy có người lại gần giường tôi. Nghe bước chân đó chậm chạp, nặng nề, kéo lê chân, tôi biết ngay không phải là má Bácbơranh. Một hơi thở nóng hổi bay qua trên tóc tôi. Có tiếng thầm thì hỏi:
– Mày ngủ chưa?
Tôi nhất định không trả lời vì mấy tiếng: “tao nổi giận lên” vẫn còn văng vẳng bên tai tôi.
Nó ngủ rồi đấy! – Má Bácbơranh nói – Hễ nằm xuống là ngủ ngay, nó quen thế rồi. Ông cứ nói, không sợ nó nghe thấy đâu.
Đáng lẽ tôi phải nói tôi chưa ngủ, nhưng tôi không dám. Người ta đã ra lệnh cho tôi ngủ, tôi không ngủ là có lỗi.
Má Bácbơranh hỏi:
Việc kiện tụng của ông đến đâu rồi?
Thua rồi! Quan tòa xử tôi bị nạn là lỗi tại tôi tự dưng đứng dưới giàn giáo, chủ thầu không phải đền đồng nào cả.
Đến đấy, ông ta đấm bàn đánh thình một cái rồi lầu bầu chửi rủa, không nói được một câu tử tế. Ngay sau đó, ông ta lại tiếp:
Thua kiện, tiền mất, tật mang, nghèo đói, thế đấy! Thế mà còn chưa đủ đâu! Bước chân về đến nhà lại còn thấy người ta cưu mang một đứa trẻ. Má nó hãy nói rõ tôi nghe tại sao má nó không làm theo lời tôi dặn?
Vì tôi không làm được!
Không mang nó đi trại trẻ rơi nổi à?
Một đứa bé nuôi bằng sữa mình và mình thương yêu thì sao đành lòng vứt bỏ đi như thế được?
Có phải con đẻ của má nó đâu!
Ấy, tôi cũng muốn làm theo lời ông bảo nhưng chính lúc đó nó lại ốm.
Ốm à?
Phải, nó ốm, mang nó đến trại trẻ rơi như thế là không phải lúc, phải không ông? Mang đến thì cũng bằng giết nó đi ấy.
Thế khi nó đã khỏi ốm rồi thì sao?
Nào nó có khỏi ngay cho đâu! Hết trận ốm này lại đến trận ốm khác: nó ho, tội nghiệp thằng bé, nó ho nghe mà xót ruột. Ấy thằng Nicôla nhà ta mất đi cũng vì thế. Tôi cảm thấy đưa thằng này ra tỉnh thì nó cũng đến chết như thằng bé ấy thôi.
Thế còn sau đó?
Ngày tháng qua đi. Tôi đã cố công lần nữa đến lúc đó thì tôi tưởng tốn ít nữa chẳng sao.
Hiện giờ nó bao nhiêu tuổi rồi?
Lên tám.
Thế thì năm nay lên tám, nó sẽ về cái chỗ mà đáng lẽ xưa kia nó phải về, và như thế nó lại càng cảm thấy khó chịu hơn. Ấy làm như bà ngày trước chỉ tổ hại nó thôi.
Ôi, ông Giêrôm ơi, ông đừng làm thế!
Đừng làm thế! Ai cấm đoán tôi? Má nó tưởng nhà ta giữ nó mãi được đấy à?
Một lúc im lặng, Từ nãy tôi xúc động quá, cứ thấy nghẹn tắc ở cổ, bây giờ mới thở được. Giây lát sau má Bácbơranh nói tiếp:
Chao ôi! Thành phố Pari đã làm cho tính tình ông thay đổi đi nhiều quá! Trước kia chưa lên Pari ông không ăn nói như thế.
Cũng có lẽ. Có điều này chắc chắn: Pari có làm cho tôi đổi tính thì nó cũng làm cho tôi què quặt nữa. Bây giờ làm thế nào nuôi được miệng bà, miệng tôi? Hết sạch cả tiền! Con bò sữa bán mất rồi. Mình đã chẳng có cái gì bỏ vào mồm, lại còn đi nuôi báo cô một thằng bé không phải là con mình nữa hay sao?
Nó là con tôi!
Chẳng phải là con bà mà cũng không phải là con tôi. Nó không phải cái hạng con nông dân. Trong lúc ăn tối tôi ngắm nó mãi: nó là một thằng bé ẻo lả, gầy còm, tay chân lẻo khẻo.
Nó xinh nhất vùng đấy!
Tôi có nói chuyện xấu đẹp đâu! Xinh mà làm quái gì! Chỉ cần khỏe thôi! Người ta có bẻ cái xinh ra mà ăn đâu! Cứ nhìn đôi vai nó mà xem, có phải là con nhà lao động không? Nó là con nhà thành thị, ở đây chúng ta không cần cái ngữ ấy.
Tôi cam đoan với ông nó là một đứa trẻ ngoan, nó tinh khôn như một con mèo, và lại tốt bụng nữa. Nó sẽ làm lụng cho mình.
Trong lúc chờ đợi nó làm cho mình thì mình hãy làm cho nó đã! Mà tôi thì tôi không làm được nữa.
Thế đến khi bố mẹ nó đòi nó về thì ông nói sao?
Bố mẹ nó à! Nó có bố mẹ không đã chứ? Nếu có thì từ tám năm nay, tất bố mẹ nó đã đi tìm nó và gặp nó rồi! Ôi chao! Tôi thật là ngu xuẩn, cứ tin chắc là nó có bố mẹ, một ngày kia bố mẹ nó sẽ đến xin nó và đền công bấy lâu mình nuôi nấng nó. Chẳng qua mình là một thằng ngây, một thằng ngốc. Đừng tưởng rằng tã nó sang, có viền ren, thì tất bố mẹ nó sẽ đi tìm nó… Có lẽ bố mẹ nó chết cả rồi cũng nên.
Nếu bố mẹ nó chưa chết, và một ngày kia họ đến hỏi chúng ta thì thế nào? Tôi thì tôi tin chắc là họ sẽ đến.
Đàn bà thật là khó nói, đã muốn cái gì thì cứ giữ khư khư!
Nhưng mà nếu họ đến thì thế nào cơ chứ?
Thì mình bảo họ lại trại trẻ rơi mà hỏi. Thôi nói thế đủ rồi. Câu chuyện này làm tôi bực mình lắm. Ngày mai tôi sẽ dẫn nó đến ông xã trưởng. Bây giờ tôi lại thăm bác Phơrăngxoa một chút, chừng một tiếng tôi về.
Cánh cửa mở ra rồi đóng lại. Ông ta đi rồi. Tôi vùng dậy và gọi má Bácbơranh:
Ôi! Má ơi!
Má không để con đi trại trẻ rơi, phải không hả má?
Không Rêmi của má ạ, không đâu!
Và má ôm chặt tôi vào lòng, hôn tôi âu yếm. Sự vuốt ve của má làm tôi hởi dạ, nước mắt ngừng chảy. Má dịu ngọt hỏi:
Thế con không ngủ à?
Nào phải tại con!
Má không mắng con đâu. Thế ông Giêrôm nói gì, con nghe hết cả chứ?
Vâng, con nghe nói má không phải là mẹ đẻ của con, mà ông ấy cũng không phải là cha đẻ của con.
Tôi nói câu ấy với hai giọng khác nhau: tôi đau buồn nhận thấy má không phải là mẹ đẻ tôi, nhưng tôi lại thấy sung sướng, gần như tự hào vì ông ta không phải là cha tôi. Hai tình cảm trái ngược nhau bộc lộ qua giọng nói. Nhưng má Bácbơranh hình như không chú ý gì đến cái đó. Má nói:
Đáng lẽ ra má phải nói thật với con từ trước kia. Nhưng con ăn ở với má, con đẻ cũng không bằng, cho nên má không đành lòng bỗng dưng nói cho con biết má không phải là mẹ đẻ của con! Con ơi! Con đã nghe thấy đấy, không ai biết mẹ đẻ của con cả. Bà ấy còn sống hay đã chết rồi, nào ai hay? Vào một buổi sáng Pari, ông Giêrôm đi làm, qua một phố rộng rãi có trồng cây, phố Bơrơtơi, thì bỗng nghe có tiếng trẻ con khóc. Tiếng khóc hình như từ trong hốc cổng khu vườn vọng ra. Hôm đó vào tháng hai, lúc trời tang tảng sáng. Ông bèn đi lại gần cửa và trông thấy một đứa trẻ nhỏ nằm ở trên bục cửa. Ông nhìn ra chung quanh xem có ai không để gọi thì chợt thấy một người đàn ông ở đằng sau một gốc cây to chạy ra rồi biến mất. Chắc hẳn là người đó đã giấu đứa trẻ ở khung cửa và đứng rình xem có ai nhặt nó không. Thế là ông Giêrôm đâm ra lúng túng vì đứa nhỏ la hét ầm lên. Hình như nó hiểu là có người đến cứu nó, nên nó không muốn bỏ lỡ dịp này. Trong lúc ông Giêrôm còn chưa biết xử trí ra sao thì nhiều người thợ khác cũng vừa đến và mọi người bàn là phải đem đến trình ông cảnh sát trưởng. Thằng bé thì vẫn cứ la hét. Người ta tưởng nó rét. Nhưng khi vào phòng giấy của ông cảnh sát trưởng, phòng nóng ấm thế mà nó vẫn cứ kêu, thì người ta đoán là nó đói. Người ta chạy đi tìm một bà hàng xóm cho nó bú. Nó vồ ngay lấy vú. Quả là nó đang đói ngấu. Rồi người ta đem nó đến trước lò sưởi cởi áo nó ra. Nó là một đứa bé trai độ năm sáu tháng, nước da hồng, to béo, thật kháu khỉnh. Cứ nhìn những tã đùm bọc nó cũng đủ biết nó là con nhà giàu. Chắc nó là một đứa trẻ người ta đánh cắp rồi đem vứt bỏ. Đó là lời giải thích của ông cảnh sát trưởng. Thế bây giờ đem nó đi đâu? Sau khi chép lời khai của ông Giêrôm và ghi vào giấy hình dạng đứa trẻ cùng với mấy cái tã không có dấu hiệu, ông cảnh sát trưởng tuyên bố sẽ đưa nó lại trại trẻ rơi, nếu trong số người có mặt không có ai nhận nó mang về nuôi. Đứa trẻ trông xinh xắn lành mạnh, chắc là bố mẹ nó sẽ tìm ra và sẽ trọng thưởng người nuôi nấng nó. Thế là ông Giêrôm tiến lên và nhận nuôi đứa trẻ và người ta giao nó cho ông ta. Hồi đó chính má cũng có một đứa con cùng lứa tuổi với nó. Đối với má thì nuôi cả hai đứa má cũng chẳng ngại! Do đó má đã trở thành mẹ của con vậy.
Ôi má! Má ơi!
Được ba tháng thì má bỏ mất đứa con của má, do đó má lại càng quý con hơn nữa. Má quên hẳn con không phải là con đẻ. Nhưng khốn thay, ông Giêrôm thì ông ấy lại không quên. Sau ba năm không thấy bố mẹ con đi tìm kiếm con – hoặc là có tìm mà không gặp – thì ông ấy định cho con vào trại trẻ rơi. Vừa rồi, con đã nghe rõ tại sao má không vâng theo lời ông ấy.
Tối bíu chặt lấy má, kêu lên:
Chao ôi! Con không đi trại đâu! Má Bácbơranh ơi, con van má, má đừng đưa con đi trại trẻ rơi.
Không đâu, con của má ạ, con không phải đi trại đâu. Má sẽ thu xếp xong. Ông Giêrôm không phải là người độc ác, để rồi xem. Chỉ vì buồn phiền, vì sợ lâm vào cảnh cùng quẫn nên ông ấy gắt gỏng. Ông ấy và má sẽ lo làm ăn và con cũng vậy.
Vâng, muốn gì con cũng xin vâng, nhưng đừng có đi trại.
Con không phải đi trại, nhưng với điều kiện là con phải ngủ ngay đi. Không được để cho ông ấy khi về vẫn thấy con còn thức.
Sau khi hôn tôi, má nâng đầu tôi lên, cho quay mặt vào tường. Tôi muốn ngủ ngay, nhưng lòng xao xuyến và xúc động quá, khó mà ngủ được. Vậy ra má Bácbơranh, má tốt với tôi thế, âu yếm tôi thế, mà lại không phải là mẹ thật của tôi! Thế thì một người mẹ thật sẽ như thế nào nhỉ? Ồ! Không, không thể có như thế được. Nhưng mà theo tôi hiểu và cảm thấy rõ ràng, thì một người cha đẻ tất không khắc nghiệt như ông Giêrôm và không đời nào lại giơ gậy lên và nhìn tôi bằng con mắt lạnh lùng như thế. Ông ta muốn đưa tôi vào trại trẻ rơi, liệu má Bácbơranh có giữ nổi không? Trại trẻ rơi là cái gì?
trong làng có hai đứa trẻ người ta thường gọi là “trẻ trại”. Mỗi đứa đeo ở cổ một cái thẻ bằng chì có khắc chữ số. Chúng nó dơ bẩn và ăn mặc lôi thôi. Người ta chế nhạo chúng, có khi đánh đập nữa. Những trẻ khác thường hay nghịch ác, đuổi chúng như đuổi chó chạy lạc để chơi, vì một con chó lạc thì không ai bênh vực. Chao ôi! Tôi không muốn như những đứa trẻ con ấy một tí nào cả. Tôi không muốn người ta đuổi theo tôi mà la ó: “Đi về trại đi! Đi về trại!”. Chỉ nghĩ đến bấy nhiêu thôi cũng đủ làm cho tôi lạnh toát cả người, hai hàm răng đập vào nhau lập cập.
Tôi vẫn chưa ngủ được. Mà ông Bácbơranh thì sắp về rồi. May thay ông ta không về sớm như ông ta đã báo trước và tôi đã ngủ thiếp đi trước khi ông ấy về.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.