Không Gia Đình

20. TÔI LÀM VƯỜN



Người ta định sáng hôm sau thì chôn cất cụ Vitali và ông bố Lidơ hứa sẽ dắt tôi đi đưa đám cụ.
Nhưng ngày hôm sau, thật ức quá! Tôi không dậy được vì trong đêm tối đã lên một cơn sốt nặng. Thoạt đầu tôi rùng mình ớn lạnh trong người, sau đó thấy nóng bừng. Tôi cảm thấy như có lửa nung trong ngực. Tôi nghĩ rằng tôi đã mắc bệnh y như con Giôlicơ sau cái đêm nó ngủ trên cây, dưới mưa tuyết.

Thật vậy, tôi sưng phổi nặng do bị cảm lạnh trong cái đêm mà cụ chủ đáng thương của tôi bỏ mạng. Chính trận sưng phổi ấy làm cho tôi nhận rõ lòng tử tế của gia đình ông Acanh, nhất là sự tận tâm của Êchiênnét.

Mặc dù thường thường những người nghèo không ưa mời thầy thuốc mấy, nhưng vì tôi lên cơn kịch liệt quá, khủng khiếp quá, nên lần này nhà bác Acanh phải phá bỏ lệ cũ. Người thầy thuốc được mời đến không phải mất công khám nghiệm lâu, không cần hỏi triệu chứng chi tiết, cũng nhận ra chứng bệnh tôi. Ông bảo ngay là phải đưa tôi đi bệnh viện. Cách đó thì tiện lợi và đỡ phiền phức. Tuy vậy ông Acanh không đồng ý. Ông nói:

Thằng bé đã đến ngã trước cửa nhà chúng tôi chứ có phải trước cửa nhà thương làm phúc đâu. Bởi vậy chúng tôi phải giữ nó ở đây để chạy chữa cho nó.
Ông thầy thuốc dùng nhiều lời lẽ ân cần để đánh đổ cách lập luận theo thuyết tiền định ấy; nhưng những lời lẽ ấy không làm cho ông chủ vườn lung lay. Ông bảo nhất định phải giữ tôi ở nhà và ông đã giữ tôi ở nhà. Thế là ngoài công việc thường ngày, Êchiênnét lại nhận thêm cái việc chăm sóc người bệnh. Chị dịu dàng và chăm sóc có phương pháp, luôn luôn kiên nhẫn và chu đáo. Khi chị phải rời giường tôi để làm việc nhà thì Lidơ thay thế cho chị; lắm khi trong lúc sốt tôi trông thấy em ngồi ở cuối giường mở đôi mắt to nhìn tôi lo ngại. Tinh thần hoảng loạn vì mê sảng; tôi tưởng em là thần hộ mệnh của tôi. Tôi nói với em những ước mơ, những ham muốn của tôi như nói với thiên thần. Cũng từ lúc ấy mà đi, tôi quen coi em như một nhân vật thần kỳ, rạng ánh hào quang; tôi lấy làm ngạc nhiên thấy em sống như chúng tôi, ở giữa chúng tôi và tôi chờ cái phút mà em bay bổng lên với đôi cánh trắng to rộng.

Bệnh tình của tôi kéo dài và làm cho tôi đau đớn vật vã đêm ngày, đôi lúc lại đột ngột trở nặng. Cứ tình hình ấy dù là cha mẹ đẻ đi nữa cũng phải ngã lòng. Thế mà chị Êchiênnét thì không hề bớt kiên nhẫn, bớt tận tâm. Nhiều đêm người nhà phải thức trông tôi bởi vì ngực tôi nặng đến nỗi lúc nào cũng tưởng sắp bị nghẹt thở. Những lúc ấy, Alơxi và Bănggiamanh thay phiên nhau ngồi bên giường.

Cuối cùng tôi cũng bước vào giai đoạn bình phục. Nhưng vì bệnh kéo dài và hay trở chứng cho nên phải chờ cho đến khi mùa xuân trở về làm xanh những đồng cỏ khu Gơlaxixe, tôi mới dám bước chân ra khỏi nhà. Bấy giờ thì em Lidơ thay thế cho chị Êchiênnét, vì em không phải làm lụng. Chính em đưa tôi đi dạo trên bờ sông Bievơrơ. Khoảng trưa, khi mặt trời ấm nhất thì chúng tôi ra đi. Tay nắm tay, Lidơ và tôi thong thả đi bước một, con Capi theo sau. Năm ấy mùa xuân êm đềm và đẹp đẽ lạ. Cũng có lẽ sự thật không hoàn toàn như thế, nhưng cái cảm tưởng mà tôi giữ lại về mùa xuân ấy là thế thì có khác gì.

Cái khu nằm giữa tòa Nhà trắng và đồng Gơlaxie người Pari ít biết đến. Người ta chỉ biết mơ màng đâu ở chốn ấy có một thung lũng nhỏ mà thôi. Vì con sông chảy qua thung lũng là sông Bievơrơ ở đoạn nó chảy qua khu công nghiệp Xanh Mácxen chứ không phải trên bộ mặt tự nhiên của nó, khi nó chảy qua Varie hay Rongít.

Không biết bây giờ thì thế nào chứ thưở ấy thì sông Bievơrơ chảy dưới hai hàng liễu và bạch dương rậm rạp. Ở hai bên bờ, những đồng cỏ xanh trải ra thoai thoải cho đến tận chân mấy ngọn đồi nhỏ đằng xa, trên ấy nhà cửa chen với vườn tược. Mùa xuân cỏ tươi lên ngồn ngộn, và đây đó trên tấm thảm bích ngọc, hoa cúc dại điểm những nụ trắng hình sao. Trên những cành liễu đương trổ lá, trong các cây bạch dương đầy lộc ứ nhựa dẻo, lũ chim sáo, chim bạc má, chim mai hoa bay liệng chập chờn. Tiếng hát líu lo của chim chóc chứng tỏ rằng đây còn ở thôn quê chứ chưa vào thành thị.

Đấy, tôi nhìn thấy cái thung lũng ấy như thế đây, và hình ảnh ấy mãi mãi về sau trong ký ức tôi vẫn còn tươi mới như thưở ban đầu. Nếu tôi là họa sĩ, tôi sẽ vẽ cho các bạn xem rặng bạch dương không sót một cây nào, cùng với những cây liễu to có những cây phúc bồn tử gai góc, rễ bám vào thân liễu cỗi, lá vườn xanh rờn trên đầu ngọn liễu. Tôi sẽ vẽ những bờ nghiêng của mấy công sự, trên ấy chúng tôi co một chân và trượt một cách say sưa.
Tôi sẽ vẽ cái Đồi chim giẽ với chiếc cối xay gió, cái sân Xanhtêlen với các chị thợ giặt, những xưởng thuộc đã làm hôi bẩn nước sông và cái trại tá điền Xanhtannơ; những người điên dại đáng thương trồng trọt ở trại này thường đi qua một bên chúng tôi với nụ cười ngớ ngẩn, đôi tay buông xuôi, mặt mày nhăn nhó, đầu lưỡi thò ra ngoài cái miệng để hở.

Trong những cuộc đi chơi ấy, Lidơ không nói năng gì, dĩ nhiên. Cái lạ là đến tôi cũng đâm ra không nói gì nốt, vì chúng tôi không cần nói nên lời, chỉ đọc trong mắt nhau thôi cũng đủ hiểu nhau, lâu dần thành quen.

Sức khỏe của tôi dần dần hồi phục, và đã đến lúc tôi làm vườn được. Bấy nay tôi sốt ruột trông cho mau đến cái ngày đó bởi vì tôi muốn mau chóng được làm bù lại cho người ta những cái người ta đã làm cho mình! Tôi muốn làm việc cho họ, cố gắng làm được chừng nào hay chừng ấy để đền đáp những cái họ đã cho tôi. Từ trước tới nay tôi chưa lao động bao giờ. Đi những đoạn đường dài cũng thật là mệt nhọc đấy, nhưng đó không phải là một thứ công việc liên tục đòi hỏi người ta phải bền bỉ và chăm chỉ. Tuy thế tôi vẫn tin rằng tôi sẽ lao động giỏi, hay ít nhất cũng dũng cảm lao động như những người chung quanh tôi.

Tiết này là tiết hoa yên chi bắt đầu được bày bán ở các chợ trong thành phố Pari. Bác Acanh tiết này cũng trồng yên chi đầy vườn; thứ thì hoa đỏ, thứ hoa trắng, thứ hoa tím. Mỗi loại cùng nhau trồng thành từng khoảng cách dưới lồng kính, thành thử có những luống trắng lốp bên cạnh những luống đỏ rực trông rất đẹp mắt. Buổi chiều, khi chưa đậy lồng kính thì không khí ngan ngát mùi hoa.

Người ta đã liệu cắt cho tôi một công việc vừa với sức yếu của tôi. Đó là việc giở những tấm cửa kính lên, buổi sớm khi sương giá đã tan, đậy lại buổi chiều khi sương giá sắp xuống, và khi nắng lên thì lấy rơm rải lên mặt kính để che cho yên chi khỏi bị nắng hun. Cái công việc ấy không khó, cũng không nhọc lắm, duy mất nhiều thời giờ vì có những mấy trăm tấm cửa phải đóng mở hàng ngày và phải coi chừng luôn để che cho mát hay dỡ cho quang tùy lúc nắng gắt hay dịu.

Trong khi tôi làm những việc ấy thì Lidơ ở bên cái guồng múc nước tưới: Con ngựa già Côcốt mang mặt nạ da che mắt đi vòng quanh mãi cũng có lúc đâm chán, nên bước chậm lại; mỗi lần như thế thì Lidơ vút cây roi da dê giục nó. Một trong hai anh của Lidơ nghiêng gàu trút nước, những gàu nước do guồng máy kéo lên, còn anh kia thì giúp bố. Như vậy mỗi người đều có một phần việc và không ai để uổng phí thì giờ.

Tôi đã thấy người nông dân ở làng tôi làm việc nhưng tôi chưa hề tưởng tượng những người làm vườn vùng lân cận Pari dũng cảm và cần mẫn như thế nào. Họ thức dậy trước khi mặt trời mọc, đi ngủ sau khi mặt trời lặn rất lâu, cả một ngày dài đằng đẵng như thế, họ luôn luôn làm việc không tiếc sức, còn làm được chừng nào thì cứ làm. Tôi cũng từng thấy người ta trồng trọt từ lâu rồi, nhưng rồi tôi chưa hề lường được sản lượng của đất đai khi người ta làm việc không ngừng tay, không để cho đất nghỉ. Ở với bác Acanh tôi học tập được những điều ấy.

Người ta không bắt tôi phải mãi mãi chăm lo các lồng kính. Càng ngày tôi càng khỏe ra. Đã đến lúc tôi cũng được gieo trồng một cái gì xuống đất, điều ấy làm cho tôi rất vui sướng, càng vui sướng hơn nữa khi thấy những cây tôi gieo mọc lên. Cây ấy là công trình, là sự nghiệp, là kết quả sáng tạo của tôi, tôi kiêu hãnh vì nó. Thế là tôi cũng được việc đấy chứ, tôi cũng có ích đấy chứ! Tôi đã chứng thực điều ấy, hơn nữa tôi cảm thấy như thế, và tôi tự hào lạ! Đúng thế các bạn ạ, cái cảm giác ấy làm cho mình quên hết bao nỗi khó nhọc.

Cách sống mới này tuy có nhọc nhằn hơn trước, tôi cũng chóng quen. Cảnh sống bây giờ khác hẳn với cái đời lang thang của người xiếc rong ngày trước. Ngày trước tôi chạy nhảy tự do không phải làm lụng khó nhọc gì ngoài việc xăm xăm đi tới phía trước, trên các nẻo đường dài. Bây giờ phải ở trong vườn giữa bốn bức tường, phải làm việc vất vả từ sáng đến tối, áo đẫm mồ hôi, hai tay xách hai thùng tưới nặng, chân giẫm trên các lối đi nhầy nhụa những bùn lầy. Nhưng mà xung quanh tôi, ai cũng làm việc vất vả như thế cả. Thùng tưới của ông bố nặng hơn thùng tôi, áo ông cũng ướt mồ hôi hơn áo chúng tôi. Gian khổ mà cùng chung chịu thì cũng thấy đỡ gian khổ đi nhiều, vả lại ở đây, tôi được sống cái không khí gia đình êm ấm đã tưởng không bao giờ được hưởng. Tôi không còn lẻ loi, không phải là đứa trẻ bị vứt bỏ nữa. Tôi có giường riêng của tôi, tôi có chỗ ngồi của tôi ở bàn ăn gia đình. Cũng có đôi khi trong lúc làm việc, Alơxi hay Bănggiamanh bớp tôi một cái. Tay chúng buông xuống thì tôi cũng quên ngay, không giận gì chúng, cũng như chúng nó, chúng nó không nhớ không thù những cú đánh trả. Và buổi tối chung quanh nồi xúp nóng, chúng tôi lại là bạn, là anh em.

Nói cho đúng thì không phải lúc nào cũng chỉ có lao động vất vả. Chúng tôi cũng có những giờ phút nghỉ ngơi và giải trí, ngắn thì quả là ngắn, nhưng càng ngắn càng thú vị.

Ngày chủ nhật, xế trưa, chúng tôi quây quần dưới giàn nho kế tiếp hiên nhà. Tôi đi lấy cây đàn treo trên đanh và đánh cho bốn chị em Lidơ nhảy, cả bốn người đều không học khiêu vũ. Nhưng Alơxi và Bănggiamanh đã dự một buổi dạ vũ sau lễ cưới khách sạn Thiên Trụ và nhớ lõm bõm mấy bước. Chúng dựa trên trí nhớ, mày mò dựng lại bài vũ. Nhảy chán thì chúng yêu cầu tôi hát những bài hát quen thuộc của tôi. Khi ấy, khúc hát miền Naplơ lại làm cho Lidơ cảm xúc, trăm lần như một.

Cửa sổ thấp… mà chủ lầu khắc nghiệt.

Không bao giờ tôi hát đến đoạn cuối cùng mà Lidơ không ứa nước mắt. Thế là tôi diễn một hài kịch với con Capi để làm cho em khuây khỏa. Đối với con Capi cũng thế, những ngày chủ nhật ấy là những ngày hội. Những ngày ấy đưa nó trở về cái thời hoạt động năm xưa, cho nên khi đóng xong vai trò của nó một lần rồi thì nó chỉ chực đóng lại lần nữa.

Đối với tôi, những ngày chủ nhật ấy cũng là những ngày tưởng nhớ tới cụ Vitali. Tôi đánh đàn tôi hát y như có cụ ở bên tôi. Ôi! Cụ Vitali kính yêu! Tôi càng lớn lên càng kính mộ vong linh cụ, càng hiểu rõ công ơn của cụ đối với tôi.
Hai năm tròn đã trôi qua như thế. Bác Acanh thường dẫn tôi đi chợ, đi bến Hàng Hoa, nhà thờ Mađờlen, lầu chứa nước, hoặc đi lại các cửa hàng của những chị hàng hoa trong thành phố để mang cây cảnh đến cho họ, dần dà tôi biết Pari. Tôi thấy rằng Pari không phải là thành phố vàng và cẩm thạch như tôi tưởng tượng khi chưa đến, nhưng nó cũng không phải là một thành phố bùn lầy như tôi đã vội hình dung ra khi đi vào từ phía Sarăngtông, qua khu phố Muphơta. Tôi trông thấy nhiều công trình kiến trúc. Tôi đã đi vào xem một số những lâu đài ấy. Tôi đi chơi dọc bờ sông, trên các đại lộ, trong vườn Luyxăngbua; và vườn của cung điện Tuylơri ở quảng trường Săng Êlydê. Tôi được xem nhiều pho tượng. Thấy dòng người cuồn cuộn như thác chảy, tôi khôn xiết kính phục. Tôi bắt đầu cố ý niệm về cuộc sống của một thủ đô lớn.

Tôi học bằng mắt trong lúc có công việc cần phải đi hay trong những cuộc đi chơi phiếm. Nhưng việc giáo dục của tôi, may thay, không phải chỉ có thế.
Trước khi tự mình làm cái vườn của mình, – bác Acanh đã làm việc ở khu ươm cây vườn bách thảo. Ở đấy bác được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học, nhiều người nghiên cứu. Sự gần gũi ấy làm cho bác cũng hóa ra có chí ham đọc sách, ham học hỏi. Năm này qua năm khác, bác dành tiền để mua sách và dùng thì giờ rỗi rãi để đọc sách. Khi bác lập gia đình và sinh con đẻ cái, cái thời giờ rảnh rang trở nên hiếm lắm. Trước hết phải lo chạy bữa cho vợ con. Bởi vậy bác không đọc sách nữa, nhưng không để mất cũng không bán đi. Bác cất lại trong một cái tủ. Mùa đông đầu tiên của tôi trong gia đình ấy dài lắm; mùa này công việc vườn tược trong vòng mấy tháng tuy không gác hẳn nhưng cũng thưa đi. Để dùng thì giờ những buổi tối ngồi quanh lò sưởi, bác Acanh rút những quyển sách ngày xưa ở trong tủ ra, đem phân phát cho chúng tôi. Sách ấy phần lớn là sách về thực vật học, về lịch sử cây cỏ, cùng với dăm ba quyển du ký.

Alơxi và Bănggiamanh không nối trí ham học của bố. Tối nào cũng vậy, giở đọc đến trang thứ ba thứ tư là các cậu ngủ gà ngủ gật trên trang sách bỏ dở. Phần tôi, ít mê ngủ hơn và cũng ham hiểu biết hơn, tôi đọc mãi cho đến giờ cả nhà đi ngủ. Những bài vỡ lòng tôi học với cụ Vitali thật đã không uổng phí, tôi tự nhủ như thế khi ngã lưng xuống giường và tôi nghĩ đến cụ với lòng trìu mến vô hạn.

Thấy tôi ham học như thế, bác Acanh tưởng nhớ lại thời bác bớt hai xu vào tiền bữa ăn trưa để mua sách. Bởi vậy, thêm vào số sách sẵn có trong tủ, thỉnh thoảng bác mua một vài quyền trên phố mang về cho tôi. Gặp dịp, hoặc thấy tên sách hay hay thì bác mua chứ bác cũng chả lựa chọn gì. Tuy vậy, nó vẫn là sách và dù thưở ấy có nó làm cho đầu óc không phương hướng của tôi ngổn ngang bề bộn đi nữa, thì sau này sự bề bộn cũng mất đi, và những cái hay cái tốt trong sách thì còn lại và còn mãi tới nay. Đúng đọc sách là bao giờ cũng có lợi.

Lidơ không biết đọc. Nhưng thấy tôi rảnh giờ nào là cặm cụi đọc sách giờ ấy, em tò mò muốn biết cái gì trong sách làm cho tôi thích thú đến thế. Ban đầu, em muốn thu mấy quyển sách ấy, vì nó không để cho tôi chơi đùa với em. Nhưng thấy làm thế nào tôi cũng trở lại với sách, em bảo tôi đọc cho em nghe, rồi bày cho em đọc. Em bị câm, nhưng được cái thông minh, nhờ vậy tôi có thể dùng mắt thay thế cho tai để kiểm tra em và cũng đi đến kết quả. Tuy thế em vẫn thích tôi lên tiếng đọc to, làm cho cả hai người cùng làm việc. Thế là thêm một sợi dây ràng buộc chúng tôi với nhau. Tư tưởng mải quay vào cuộc sống bên trong, trí óc luôn luôn chờ làm việc, không vướng bận những cái phù phiếm trong đời, những sự chuyện trò lăng nhăng nhảm nhí, Lidơ hẳn đã tìm thấy một cách giải trí, một món ăn tinh thần.

Chúng tôi đã sống với nhau bao nhiêu thời khắc như vậy: tôi thì đọc còn em thì ngồi trước mặt tôi nghe, mắt không rời tôi. Nhiều khi gặp những chữ, những đoạn tôi không hiểu thì tôi dừng lại nhìn em. Thế là cả hai chúng tôi cố sức tìm hiểu, một đôi khi mất khá nhiều thì giờ.

Khi nào tìm mãi vẫn không hiểu ra thì em lấy tay ra hiệu bảo tôi đọc tiếp và cố ý nói: “Sau này hẵng hay”.
Tôi cũng dạy cho em học vẽ nữa, hay nói cho đúng, làm cái việc mà tôi gọi là vẽ. Việc ấy mất nhiều thì giờ và khá gay go nhưng rồi cũng đạt kết quả. Đành rằng cái anh thầy này chả ra vẻ thầy gì, nhưng bù lại thì thầy và trò hiểu nhau sâu sắc: sự ăn ý giữa thầy và trò nhiều khi lại được việc gấp mấy tài năng. Thật vui biết bao nhiêu khi qua mấy nét quệt ra, mọi người nhận được em muốn hình dung cái gì! Bác Acanh ôm tôi vào lòng, cười và nói: “Này, này bác nhận cháu thế mà hóa ra khôn đấy! Thôi để sau này em Lidơ sẽ đền ơn cháu”.

“Sau này” có nghĩa là lúc Lidơ nói được, bởi vì trong nhà không hề bỏ cái ý định chữa chạy cho em nói được. Duy thầy thuốc họ nói rằng hiện nay thì còn đành phải chịu và đợi đến lúc có xảy ra một sự biến động nào đó ở nơi con bệnh.

“Sau này” cũng là cái ý mà bàn tay Lidơ rầu rầu bảo với tôi những lúc tôi hát cho em nghe. Lidơ muốn học đánh thụ cầm và mấy ngón tay em bắt chước tay tôi một cách mau chóng. Em lại muốn học hát nữa, nhưng dĩ nhiên là không được, vì thế em uất ức lắm. Đã bao lần thấy mắt em ứa lệ, tôi biết là em buồn khổ. Nhưng bản tính em thuần hậu, dịu dàng nên em không sầu não triền miên. Em gạt nước mắt mỉm cười nhẫn nại và đưa tay ra hiệu bảo: sau này.

Được làm con nuôi bác Acanh, được con cái bác coi như anh em ruột, hẳn tôi đã ở đấy mãi mãi nếu không xảy ra một tai họa làm cho cuộc đời của tôi phải thay đổi một lần nữa. Lúc tôi đã chắc mẩm là được bình yên hơn hết thì cũng là lúc mà tôi sắp bị ném trả trở lại cuộc đời phiêu lưu vô định, bởi những biến cố ở ngoài ý chí tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.