Không Gia Đình

21. GIA ĐÌNH TAN TÁC



…Tôi đã nói là bác Acanh giồng hoa yên chi. Giồng thứ hoa ấy không khó lắm, những người giồng hoa quanh Pari đều giồng hoa yên chi rất tốt, bằng chứng là mỗi năm cứ đến tháng ba tháng tư, họ mang ra chợ những cây cảnh sum xuê phủ đầy hoa từ gốc đến ngọn. Người giồng vườn chỉ cần nắm cho được kỹ thuật chọn cây hoa kép, vì khách hàng không mua hoa đơn. Hạt giống gieo xuống thường thường một nửa mọc cây hoa kép, một nửa mọc cây hoa đơn, cho nên nếu biết giữ lại rất những cây sẽ trổ hoa kép thì có lợi lớn. Không thế thì đành phải phí công của chăm nom cho một số cây bằng nữa tổng số, rồi đến khi cây bắt đầu trổ hoa thì phải vứt đi, nghĩa là sau một năm trời chăm bón. Người ta phân biệt cây hoa kép và cây hoa đơn bằng cách quan sát mấy đặc tính trên lá và trên dáng cây, ít người chủ vườn biết cách chọn lọc ấy; hơn thế, đó là một bí quyết lưu truyền riêng trong một số gia đình. Khi người làm vườn cần lọc cây hoa kép thì họ nhờ những bạn đồng nghiệp có nắm bí quyết ấy giúp đỡ, vì thế, đến tiết lọc yên chi thì những bác này được chỗ này mời, chỗ kia rước đèn để hỏi ý kiến, y như một bác sĩ hay một chuyên viên.

Bác Acanh là một trong những người lọc yên chi sành nhất thành Pari. Bởi vậy, đến mùa lọc hoa, bác đi cả ngày. Những ngày ấy là những ngày buồn của chúng tôi, nhất là đối với chị Êchiênnét. Giữa bạn đồng nghiệp làm vườn, không bao giờ người ta đi đến với nhau mà không cùng nhau đánh cạn một chai lít, có khi cả hai ba chai nữa kia. Thành thử khi ông bố đã đến nhà vài ba ông bạn thì y như là lúc về, mặt ông đỏ gay, tay run rẩy, giọng nói lè nhè.

Đêm đêm, hễ ông bố chưa về thì chị Êchiênnét chưa đi ngủ, dù có khuya đến mấy cũng thế. Lúc ấy, nếu tôi còn thức, hay tôi tỉnh giấc dậy vì tiếng khua động của ông, thì nằm trong buồng tôi nghe rõ tiếng hai cha con họ nói chuyện với nhau. Ông bố hỏi:

Sao con chưa đi ngủ đi con?

Con chờ xem bố có cần gì không!

À, ra cô cảnh sát theo dõi tôi đấy!

Con không thức đợi bố thì bố biết chuyện trò với ai?

Con muốn coi thử bố đi đứng có thẳng người không chứ gì? Thế thì coi đây này! Bố cược với con rằng bố đi từ đây lại buồng lũ nhỏ mà không bước chệch ra ngoài hàng gạch lát kia cho mà xem.
Tôi nghe có tiếng giày khập khiễng bước cao bước thấp vang lên ở phía nhà bếp, và sau đó thì yên lặng. Rồi tiếng ông bố lại hỏi:
Em Lidơ có chơi không?

Có! Em ngủ ngon. Bố chịu khó đừng làm ồn, em nó giật mình!

Bố có làm ồn đầu, bố đi ngay ngắn thế mà! Bố phải đi bước đi ngay ngắn chứ, vì mấy đứa con gái bố chỉ chực buộc tội bố thôi mà! Khi thấy bố không về ăn cơm tối thì bé Lidơ bảo gì nào?
Không bảo gì cả! Em nó chỉ nhìn cái ghế bỏ trống của bố!

A! Nó nhìn cái ghế của bố?

Vâng.

Nhiều lần à? Nó có nhìn ghế của bố nhiều lần không?

Nhiều.

Rồi nó nói thế nào?

Đôi mắt em nói rằng bố không về.

Rồi thì em nó hỏi con vì sao bố không về và con nói với nó rằng bố ở chơi nhà mấy ông bạn, phải không?
Không, em nó không hỏi gì con hết, và con cũng không nói gì với em hết! Em nó biết rõ là bố ở đâu.
Nó biết ư? Nó biết rằng… Bé đã vào buồng ngủ ngoan chứ?

Không đâu! Mãi nó mới ngủ, cách đây mười lăm phút thôi! Nó cứ muốn thức đợi bố.

Còn con, con muốn gì?

Con muốn em nó đừng thấy cái lúc bố về.

Êchiênnét, con có hiếu lắm! Này nhé, mai bố đến bác Luidơ, để rồi con xem! Bố hứa với con, con nghe chưa? Bố hứa từ nay bố sẽ về ăn tối với các con. Bố không muốn con phải chờ bố nữa, và bố cũng không muốn em Lidơ của con vật vã khi ngủ. Nhưng những lời nguyền lời hứa không phải lúc nào cũng có hiệu lực và ông Acanh lại cứ về muộn mỗi khi ông nhận uống một cốc vang; ở nhà thì ông chiều Lidơ nhất nhất, ra đi thì ông quên nó. Ông nói:

“Con biết không, không tiện từ chối bè bạn, người ta uống một cốc, không lấy làm nhiều cho lắm. Đã uống cốc thứ nhất thì lại uống cốc thứ hai, và lúc ấy bố đã kiên quyết không uống cốc thứ ba, nhưng chén trong kéo chén ngoài, đã uống thì càng thấy khát, vả lại rượu bốc lên đầu, đã ngà ngà thì quên hết ưu phiền, quên cả chủ nó. Mọi việc đều sáng sủa. Người ta thoát xác để đi chơi ở một thế giới khác, thế giới mong muốn. Và thế là người ta lại uống. Nó thế đấy.”

Cũng phải nói rằng chuyện ấy không xảy ra thường xuyên. Vả lại mùa lọc yên chi cũng ngắn thôi, mùa qua rồi thì bác Acanh không vắng nhà nữa vì không có chuyện gì phải đi. Ông không phải là người la cà quán rượu, lười biếng tìm cách giết thời giờ.

Mãn mùa yên chi thì chúng tôi chuẩn bị những loại hoa khác. Lệ của người làm vườn là không để một tấc đất trống: thứ cây này vừa đánh lên bán thì cây khác phải thay ngay vào.

Cái thuật của người trồng hoa bán chợ là ở chỗ mang hoa đến chợ đúng lúc cao giá nhất. Đó là lúc có những ngày lễ lớn trong năm: lễ Thánh Pie, lễ Thánh Mari, lễ Thánh Lui. Những người đặt tên là Pie, là Mari, là Lui hay Luidơ thì nhiều lắm, cho nên số bó hoa, chậu hoa bán trong những ngày lễ đó để cho người ta mang đi chúc mừng bạn bè thân thuộc cũng không kể xiết. Mọi người đều thấy hôm trước ngày lễ trên các đường phố Pari tràn ngập những hoa, không những ở hàng hoa, ở chợ, mà còn ở vỉa hè, ở góc phố, ở bậc tam cấp các thềm nhà, ở nơi nào có thể bày bán được.

Sau mùa yên chi thì chúng tôi lo hoa cho các ngày lễ tháng bảy và tháng tám, nhất là tháng tám, trong đó có lễ thánh Mari và Thánh Lui. Chúng tôi sửa soạn hàng nghìn gốc cúc đại đóa, lục lạc, trúc đào, hễ lồng kính vườn nhà chứa được bao nhiêu thì trồng bấy nhiêu. Những gốc cây ấy phải ra hoa đúng hạn, nếu sớm quá thì tàn trước khi bán, muộn quá thì không nở kịp ngày lễ. Vì thế mà nghề trồng hoa đòi hỏi người ta phải có tài, bởi vì ai làm chủ được thời tiết nắng mưa? Bác Acanh là bậc thầy

trong nghề hoa: không bao giờ hoa của bác nở trước hay nở sau dịp lễ. Nhưng muốn được thế, phải tốn biết bao công sức và mồ hôi!
Năm ấy, mùa hoa xem chừng thuận lắm. Bấy giờ là ngày mùng năm tháng tám, các loại hoa của chúng tôi đều đã đến kỹ. Ở giữa trời, cúc đại đóa hé nụ để chực nở và dưới các mặt kính đã quét vôi rất đều để làm dịu bớt ánh sáng, lục lạc cũng bắt đầu trổ hoa. Nom các cây ấy giống như những bụi rậm hay những hình tháp điểm đầy nụ từ trên xuống dưới: cảnh tượng trông đến đẹp mắt. Chốc chốc ông bố lại xoa tay đắc ý. Ông nói với hai cậu con: “Mùa hoa này tốt ra phết!” Và vừa mỉm cười ông vừa tính nhẩm số tiền bán lứa hoa kia.

Để đạt kết quả như vậy, chúng tôi đã phải vất vả bao nhiêu, phải làm việc luôn tay, không nghĩ một giờ một khắc nào, kể cả ngày chủ nhật. Bây giờ thì mọi việc đều làm đến nơi đến chốn, đâu vào đấy cả rồi. Để thưởng công cho chúng tôi bác Acanh quyết định ngày chủ nhật mồng năm tháng tám ấy thì cho cả nhà đi chơi và ăn tối ở nhà ông bạn của bác cũng làm vườn ở Áccơi. Cả con Capi cũng được dự. Chúng tôi sẽ làm việc đến ba bốn giờ chiều, xong đâu đấy thì chúng tôi sẽ khóa trái cửa cổng lại và vui vẻ lên đường. Như thế khoảng năm sáu giờ chiều, chúng tôi đến Áccơi. Ăn cơm xong sẽ quay về ngay để khỏi phải đi ngủ quá khuya. Vì ngày thứ hai phải dậy sớm, phải tươi tỉnh bắt tay vào công việc.

Vui này còn vui nào hơn?

Mọi việc tiến hành như đã định và đến bốn giờ kém vài phút thì ông bố khóa cửa lớn, phởn phơ nói:
Nào tất cả chúng ta! Lên đường đi thôi.

Capi tiến lên.

Tôi hô thế rồi dắt tay Lidơ chạy lên, con Capi chạy theo nhảy nhót quanh chúng tôi vừa sủa oang oang đắc chí. Có lẽ nó tưởng rằng chúng tôi sẽ đi lang thang lâu dài, nó thích cái đó hơn là cứ ở nhà mãi. Ở nhà, nó chán, nó buồn, bởi vì tôi không thể săn sóc nó luôn, mà nó thì ưng được săn sóc hơn hết.

Cả bọn chúng tôi đểu ăn mặc như ngày hội, đều bảnh bao trong những bộ quần áo đi ăn cỗ. Khách qua đường có kẻ ngoảnh đầu lại nhìn theo. Tôi thì tôi không biết hình dáng mình như thế nào, chứ còn Lidơ đội mũ rơm, mặc áo dài xanh, mang giày vải xám, Lidơ quả thật là cô bé đẹp nhất, linh hoạt nhất trên đời này. Đôi mắt, cái mũi phập phồng, hai vai, hai tay tất cả người em đều nói lên sự vui sướng.
Thì giờ đi qua nhanh đến nỗi tôi không thấy nó trôi qua. Chỉ biết rằng cuối bữa tiệc, một đứa trong bọn chúng tôi nhận thấy về phía tây, trời ùn lên nhiều đám mây đen. Vì bàn ăn bày giữa trời dưới tán là một cây dứt, chúng tôi nhận thấy ngay là có cơn dông sắp kéo tới. Bác Acanh bảo:

Các con, nhanh lên để về khu Gờlaxie. Nghe thế, cả bọn chúng tôi buột miệng:

Phải về rồi ư?

Lidơ không nói được nhưng ra hiệu chối từ và phản kháng. Ông bố nói:

– Gió mà thổi mạnh lên nữa thì có thể làm đổ cửa kính mất. Về đi thôi.

Rõ ràng là không có cách gì khự nự lôi thôi nữa. Chúng tôi đều biết rằng cửa kính là tất cả gia sản của người chủ vườn, nếu gió làm vỡ cửa kính thì sạt nghiệp. Bác Acanh nói:

Bố đi trước. Bănggiamanh, con đi với bố, và cả con nữa, Alơxi. Bố con mình phải rảo bước đi nhanh. Rêmi và Êchiênnét thì đi sau với Lidơ.
Rồi không nói thêm gì nữa, cha con họ ba chân bốn cẳng rảo bước đi. Còn chúng tôi thì đi theo sau, chậm hơn, vì chị Êchiênnét và tôi phải bước thong thả để Lidơ theo kịp. Chuyện này đâu phải là chuyện đùa, bởi vậy chúng tôi không chạy nhảy tung tăng nữa.
Trời mỗi lúc một mờ mịt thêm. Gió mỗi lúc một mạnh, cuốn bụi lên mù mịt, báo hiệu cơn dông đương đến rất nhanh. Mỗi khi bị cuốn vào một đám bụi lốc ấy, chúng tôi phải dừng lại, quay lưng về phía gió, lấy hai bàn tay bịt mắt vì bụi làm mờ cả mắt; cũng phải nín thở nữa, nếu thở thì trong miệng thấy như có cả cát. Sấm rền từng hồi ở nơi xa và chuyển đến gần nhanh lắm, tiếng rền lẫn với những tiếng nổ inh tai.

Chị Êchiênnét và tôi nắm tay Lidơ kéo đi. Nhưng em phải khó nhọc lắm mới theo kịp cho nên chúng tôi không đi nhanh được như ý muốn.
Chúng tôi có kịp về đến nhà trước cơn mưa hay không? Nhất là ông bố và Bănggiamanh, Alơxi có về kịp hay không? Đối với họ vấn đề có về kịp hay không quan trọng hơn đối với chúng tôi nhiều. Đối với chúng tôi, về kịp thì chỉ là khỏi ướt. Đối với họ, về kịp là cứu lồng kính khỏi bị hủy hoại. Vấn đề là chỗ đóng các cửa kính lại để gió khỏi luồn vào phía dưới và lật đổ các lồng.

Bấy giờ, sấm sét nổ liên hồi, và mây kéo dày đến nỗi trông như trời đã tối. Thỉnh thoảng gió xé mây đi để lộ ra đây đó vài mảnh trời sâu thẫm màu đồng đỏ giữa các đám mây đen. Rõ ràng là những đám mây ấy sắp vỡ toạc ra trong giây lát.

Có một điều rất lạ: giữa tiếng sấm sét, chúng tôi nhận thấy có tiếng ầm ầm không rõ là tiếng gì đương xô về phía chúng tôi, nghe như tiếng vó ngựa của cả một trung đoàn kị binh chạy cơn dông. Nhưng đoán thế thì vô lý quá: kị binh kéo đến khu phố này làm gì chứ!

Thình lình mưa đổ xuống. Thoạt đầu, vài hạt nhỏ đập vào mặt chúng tôi, rồi hầu như tiếp ngay theo đó là cả một trận rào rào như đá chạy. Chúng tôi ù té núp vào dưới một cái cửa lớn.

Trận mưa đá rào rào này kinh khủng không thể tưởng tượng. Chỉ trong chốc lát đường phố bị phủ trắng như giữa mùa đông. Đá to như trứng bồ câu, rơi xuống ào ào nghe choáng cả tai; giữa tiếng ào ào ấy thỉnh thoảng chen những tiếng kính vỡ loảng xoảng. Những hòn đá rơi trên mái nhà rồi mới tuột xuống thì mang theo đủ thứ linh tinh, nào là mảnh ngói, mảnh gạch, vôi vữa vụn, nào là mảnh đá lợp vỡ, nhất là đá lợp vỡ, làm thành từng đống đen sì trên mặt trắng của những hạt mưa đá. Chị Êchiênnét kêu:

– Thôi rồi! Còn gì lồng kính!

Tôi cũng nghĩ đến điều đó. Tôi nói:

Có lẽ bố đã về kịp.

Có về đến nhà trước khi mưa xuống thì cũng không đủ thì giờ mang tranh ra đậy các lồng kính. Phen này thì không còn gì nữa.
Người ta nói mưa đá chỉ rơi trong từng khoảng.

Nhà ta gần đây quá, chắc không thoát khỏi. Nếu ở vườn nhà mà cũng có mưa nặng như ở đây thì bố chúng ta sạt nghiệp mất. Ôi, trời ơi! Bố trông ở món tiền bán hoa biết chừng nào, bố cần số tiền đó lắm.
Tôi không biết rõ giá trị các thứ, nhưng tôi có nghe nói rằng mỗi một trăm cửa kính phải mua mất nghìn rưỡi hay nghìn tám trăm phờrăng.

Vì vậy tôi hiểu ngay rằng nếu mưa đá làm vỡ hết năm hay sáu trăm cửa kính của chúng tôi thì đó là một tai họa ghê gớm khó lòng cứu vãn, chưa kể những khung lồng và số cây hoa. Tôi muốn hỏi chị Êchiênnét, nhưng tiếng đá rơi ầm ầm inh tai, nghe được nhau rất khó, vả lại hình như chị Êchiênnét cũng không còn bụng dạ nào để chuyện trò. Chị nhìn mưa rơi vẻ mặt rầu rầu thất vọng, như người cháy nhà đương trông thấy nhà cửa của mình bị thiêu ra tro.

Cơn mưa rào khủng khiếp ấy đâu chỉ trong năm sáu phút thôi chứ không kéo dài. Nó dứt cũng đột ngột như nó đến. Mây bay về phía thành phố. Chúng tôi rời bỏ chỗ núp. Trên đường về, những hạt đá còn cứng lăn sào sạo dưới chân như đá cuội ở bờ bể. Lớp đá dày quá đến nỗi chân đi ngập đến mắt cá. Lidơ mang giày vải nên không đi trên những hòn đá lạnh ngắt ấy được, tôi phải cõng em. Gương mặt em lúc đi tươi vui là thế mà bây giờ thì trông ảo não, nước mắt ứa đầy tròng.

Một lát sau, chúng tôi về đến nhà, cổng vẫn để ngỏ. Chúng tôi chạy ngay vào vườn.

Quang cảnh mới thảm hại làm sao! Cái gì cũng vỡ hết, nát hết. Nào là cửa kính, nào hoa, nào mảnh thuỷ tinh, nào hạt mưa đá, tất cả làm thành một bãi những thứ hỗn hợp trông ngổn ngang, không ra hình thù gì cả. Cái vườn buổi sớm nay phong phú, đẹp đẽ là như thế mà bây giờ chỉ còn là những thứ đổ nát không biết gọi là gì.

Còn bác Acanh thì ở đâu nhỉ?

Không thấy bác, chúng tôi chạy đi tìm và đến bên cái cổng lớn không còn một miếng kính nào nguyên vẹn. Bác ngồi ủ rũ trên một chiếc ghế đẩu, giữa cảnh vườn đổ nát. Alơxi và Bănggiamanh đứng bên cạnh, lặng yên. Nghe tiếng kính vụn kêu rào rào dưới gót giày, biết là chúng tôi đến, bác ngẩng đầu lên. Bác kêu:

Chao ôi! Các con ôi! Chao ôi! Các con đáng thương của ta ơi! Rồi bác ôm em Lidơ mà khóc sướt mướt không nói gì nữa.
Nói gì bây giờ? Rõ ràng đây là một tai họa. Nhưng tai họa trước mắt dù thế nào cũng chưa khủng khiếp bằng hậu quả của nó.

Chị Êchiênnét và các cậu em nói ngay cho tôi biết rõ vì sao ông bố tuyệt vọng đến thế. Ông đã mua khu vườn và dựng ngôi nhà này mười năm về trước. Chủ vườn đã cho ông vay vốn để mua công cụ trồng hoa. Tiền mua vườn cũng như tiền vay phải trả góp trong mười lăm năm. Cho tới lúc này, nhờ làm nhiều mà ăn tiêu dè xẻn, năm nào ông cũng trả đủ và đúng kỳ hạn. Điều đó hết sức cần, là vì chủ nợ chỉ chờ một cơ hội, nghĩa là chờ ông chậm trả để lấy luôn vườn, nhà, công cụ, và tất nhiên vẫn giữ số tiền trả mười năm qua. Chắc hẳn đó là thủ đoạn làm tiền của hắn: hắn tính rằng trong mười lăm năm đằng đẵng, ắt cũng có một năm nào đó bác Acanh không thanh toán nổi, nên hắn mới bỏ vốn ra như thế. Trong sự mua bán này, tên chủ nợ nắm chắc đằng chuôi, còn người khách nợ bị đe dọa luôn luôn.

Cái ngày mà tên chủ nợ ao ước đã đến với trận mưa đá. Sự việc rồi sẽ ra như thế nào đây?
Chúng tôi không phải mất thì giờ băn khoăn cho lắm. Sau cái ngày kỳ hạn trả nợ một hôm thì một ông vận đồ đen đến nhà chúng tôi. Tôi trông ông không ra vẻ người thanh nhã lắm. Ông đem ra một tờ giấy có dán tem, viết mấy chữ trên dòng còn để trống rồi đưa ra cho chúng tôi.

Đó là một viên mõ tòa.

Tối hôm đó mà đi, ông ấy cứ đến mãi, đến nỗi biết hết cả tên chúng tôi. Mỗi lần đến, ông ta nói: “Chào chú Rêmi, chào chú Alơxi. Mạnh khỏe chứ cô Êchiênnét?” Rồi ông ta đưa tờ giấy có dấu và mỉm cười như đối với người bạn:

Thôi chào các cô chú!

Mời ông… xéo đi!

Bác Acanh không hay ở nhà nữa. Bác đi phố luôn. Đi đâu, tôi không biết, vì khác với trước kia bác thường cởi mở, bây giờ bác chẳng nói nửa lời. Có lẽ bác đi tìm những người thừa biện, hay là ra tòa án.

Nghĩ đến ra tòa mà tôi phát sợ. Cụ Vitali cũng đã từng ra tòa và tôi đã được biết hậu quả thế nào rồi.
Đối với bác Acanh thì kết quả phải chờ lâu hơn nhiều. Một phần mùa đông đã trôi qua trong tình cảnh ấy. Tất nhiên là chúng tôi không chữa lồng, chữa khung, lắp mặt kính mới được; vì thế chúng tôi trồng rau củ và những thứ hoa không cần che đậy. Những thứ hoa ấy bán chả được mấy đồng. Nhưng làm thế cũng còn hơn ngồi không. Vả lại có công việc động tay động chân là tốt rồi.

Một tối nọ, bác Acanh về nhà, trông vẻ người lại càng buồn nản hơn những hôm trước. Bác nói:
– Các con! Thế là hết.

Tôi toan bước ra ngoài, vì tôi biết sắp có việc nghiêm trọng mà ông bố đã gọi con mà nói, thì có lẽ tôi không nên nghe. Nhưng ông đã đưa tay giữ tôi lại:
Cháu không phải là người nhà à? Kể ra thì cháu còn bé quá chưa đáng nghe việc này, nhưng cháu đã nếm đủ mùi cay đắng, chắc cháu đã hiểu. Các con ạ, bố sắp xa các con đây!
Cả bọn chúng tôi đều buột miệng kêu lên một tiếng đau đớn. Lidơ nhảy vào lòng bố, vừa hôn ông vừa khóc.
Chao ôi! Các con hẳn biết rằng không phải tự ý bố muốn rời bỏ những đứa con ngoan như các con đây, rời bỏ đứa con cưng như Lidơ của bố.
Ông nói đến đó thì ôm chặt Lidơ vào lòng.

Tòa xử bố phải trả nợ, nhưng vì bố không có tiền nên người ta sắp phát mại tất. Thế cũng chưa đủ nên người ta sẽ bỏ tù bố.
Bố phải ngồi tù năm năm. Không có tiền để trả nợ thì phải đem thân bố, đem sự tự do của bố mà trả.
Chúng tôi khóc ầm lên.

Ừ, cái việc ấy đáng buồn thật, nhưng biết làm sao bây giờ? Đó là luật pháp. Năm năm! Trong năm năm ấy thì các con sẽ ra sao? Ấy, đó là điều đáng lo nhất!
Yên lặng. Sau đó ông nói tiếp:

Các con chắc cũng đoán biết rằng bố hằng nghĩ đến điều đó. Bởi vậy đây là điều bố định làm để cho các con khỏi bị bơ vơ thất thểu sau khi bố bị bắt.
Nghe thế tôi thấy lóe lên một chút hy vọng.

Rêmi sẽ viết thư cho cô của các con, cô Catơrin Xuyriô ở Đơrơđi, quận Nievơrơ. Nó sẽ trình bày tình cảnh chúng ta và yêu cầu cô đến. Cô Catơrin của các con đầu óc tỉnh táo lắm và cô thạo việc, bố và cô ấy sẽ bàn cách giải quyết ổn nhất cho các con.
Tôi viết thư lần này là lần đầu; lần đầu tiên viết thư mà phải viết những chuyện buồn như thế này thì khổ tâm thật.

Mặc dù ông bố nói mập mờ, chúng tôi cũng thấy có hy vọng. Trong tình cảnh chúng tôi mà còn có hy vọng thì cũng đã là nhiều lắm. Hy vọng gì? Chúng tôi chả biết, nhưng chúng tôi có hy vọng. Cô Catơrin sắp đến, cô Catơrin tính toán công việc giỏi, thế là đủ để hy vọng. Có cần gì hơn đối với những đứa trẻ dại dột, dốt nát như chúng tôi. Đối với những người tháo vát như cô Catơrin thì ở đời này có gì là khó?

Tuy vậy, cô Catơrin không đến sớm như chúng tôi tưởng, và bọn lính tòa án thương mại, nghĩa là bọn đi bắt con nợ, đã đến trước cô.
Hôm đó, bác Acanh định đến nhà một ông bạn. Tôi theo bác. Vừa ra đường thì gặp ngay bọn lính tòa, chúng vây quanh chúng tôi tức khắc. Bác Acanh không có ý định chạy trốn. Bác tái mặt đi, y như sắp chết. Giọng yếu ớt, bác yêu cầu bọn lính để cho bác hôn con. Một tên lính nói:

Đừng có sầu thảm qua đi như thế, ông bạn ạ. Ở tù nợ thì cũng chẳng đến nỗi khổ tâm lắm đâu! Ở đấy có những người tốt đấy!
Chúng tôi quay lại, có bọn lính đi kèm. Tôi ra gọi hai anh con trai của bác Acanh lúc ấy đang ở ngoài vườn. Khi ba chúng tôi vào nhà thì thấy ông bố đã ôm Lidơ trong lòng và em khóc sướt mướt.
Bấy giờ một người lính ghé miệng vào tai ông nói cái gì tôi không nghe rõ. Chỉ thấy ông bô đáp: “Vâng, ông nói đúng. Đành phải thế!”
Đột nhiên ông đứng lên và nhấc em Lidơ để xuống. Lidơ bám chặt lấy ông, không chịu buông tay ông. Ông hôn Êchiênnét, Alơxi, và Bănggiamanh. Tôi đứng trong một góc phòng, mắt nhòa lệ. Ông gọi tôi: “Còn cháu Rêmi, sao cháu không lại hôn bác? Cháu không là con bác à?”
Cả mấy đứa chúng tôi đều như mất hồn. Giọng cứng rắn, báo Acanh nói:

Cứ ở yên đấy! Lệnh của ông bố là như thế đấy!

Thế rồi bác gỡ bàn tay Lidơ đặt vào tay chị Êchiênnét và bước nhanh ra cửa. Tôi định đi theo bác nên bước lại phía cửa, nhưng chị Êchiênnét khoát tay bảo tôi dừng lại.

Theo bác để đi đâu? Và rồi để làm gì?

Chúng tôi đứng ngẩn người giữa nhà bếp, cả mấy đứa đều khóc, không đứa nào nói lên một lời.

Nói lời gì nữa chứ?

Chúng tôi đều biết sớm muộn ông Acanh cũng bị bắt, nhưng chúng tôi tưởng lúc đó thì đã có cô Catơrin. Cô Catơrin là sự chở che, sự đùm bọc. Nhưng cô không đến.

Ông Acanh đi độ một tiếng đồng hồ, cô mới đến. Cô tìm thấy chúng tôi tụm hết dưới nhà bếp, không nói không rằng. Cái người bấy lâu nay nâng đỡ chúng tôi giờ đây cũng tê liệt rồi: chị Êchiênnét cứng cỏi, kiên cường là thế mà giờ phút này cũng trở nên yếu đuối như chúng tôi. Chị không cổ vũ chúng tôi nữa. Yếu mềm không phương hướng, chìm đắm trong đau thương, chị chỉ gắng gượng để vỗ về em Lidơ thôi. Người hoa tiêu đã ngã xuống biển, con tàu không người lái, không hải đăng chỉ đường, không có gì để đưa vào bến. Mà biết có bến không? Chúng tôi là một lũ bé con lạc lối giữa biển đời bát ngát, lênh đênh theo chiều gió, không biết hành động thế nào, không có một ý định gì, trí hoang mang, lòng tuyệt vọng.

Cô Catơrin quả là một người đàn bà cừ, một người đầy sáng kiến và nghị lực. Cô đã từng làm vú sữa ở Pari năm lần. Cô biết các khó khăn trong cuộc sống, và cô cũng biết chống đỡ như cô nói.

Được cô chỉ huy, được làm theo lệnh cô, chúng tôi có phần nào yên dạ. Chúng tôi đã có người dìu dắt, đầu gối hết khuỵu.
Đối với một phụ nữ nông dân nghèo vô học thì đây là một trách nhiệm nặng nề có thể làm sờn gan những người quả cảm nhất. Một tốp trẻ mồ côi đứa đầu chưa tới mười bảy, đứa út thì câm! Xếp đặt chúng nó thế nào đây? Làm sao nuôi chúng nổi khi chính mình cũng phải vất vả bao nhiêu mới kiếm đủ cái sống hàng ngày.

Cô đã từng nuôi con cho một viên quản khế. Cô đến hỏi ý kiến ông ta và bàn bạc cùng ông ta để định đoạt về chúng tôi. Sau đó, cô đến bàn với bác Acanh ở nhà lao. Đến Pari tám hôm mà cô không hề nói với chúng tôi ý định và hoạt động của cô. Đến hôm thứ chín, cô cho chúng tôi biết những điều đã quyết định.

Vì chúng tôi còn bé quá không thể tự làm ăn một mình nên mỗi đứa phải đi về với những cô, bác nào sẵn lòng cáng đáng. Lidơ sẽ về ở với cô Catơrin ở miền Moócvăng. Alơxi về nơi ông chú làm thợ mỏ ở Vácxơ trong vùng núi Xêven.

Bănggiamanh thì về với một ông chú làm vườn ở Xanh Căngtanh. Chị Êchiênnét đến với bà cô có chồng ở vùng biển tỉnh Sarăngtơ, làng Étxơnăng. Tôi chăm chú nghe nói về những sự xếp đặt ấy, đợi đến lượt mình. Nhưng vì cô Catơrin không nói nữa, tôi bước tới hỏi:
Còn cháu thì thế nào, thưa cô?

Cháu à, cháu có phải là người trong gia đình đâu!

Cháu sẽ đi làm cho cô.

Cháu không phải là con cái trong nhà.

Cô thử hỏi Alơxi, hỏi Bănggiamanh xem cháu làm việc có hăng không?

Và ăn cũng hăng đúng không?

Đúng, đúng. – Tất cả các anh chị Lidơ đồng thanh nói. – Rêmi là anh em trong nhà.
Lidơ bước tới trước mặt cô Catơrin, chắp tay lại. Cái chắp tay ấy hùng hồn hơn bao nhiêu lời van xin kể lể.
Cháu bé tội nghiệp của cô ơi, – cô Catơrin nói, – cô hiểu ý cháu lắm, cháu muốn anh ấy đi với cháu. Nhưng cháu biết không, ở đời đâu có dễ muốn thế nào thì làm được thế ấy. Cháu là cháu ruột của cô, khi về nhà nếu chú ấy có nói tiếng gì không phải, hoặc có sa mày sa mặt lúc ngồi vào bàn ăn thì cô nói: “Nó là ruột rà của tôi, nếu vợ chồng mình không thương thì ai thương?” Đó, chỉ nói một câu ấy là đủ. Và cái chuyện đó giữa vợ chồng nhà cô thì ở ông chú tại Xanh Căngtanh, ông chú tại Vácxơ hay bà cô tại Étxơnăng cũng y hệt. Người ta nhận con cháu, người ta không nhận người dưng. Nội gia đình nhà người ta thôi cái ăn cũng đã khó khăn lắm rồi có đâu để cho mọi người.

Tôi cảm thấy rằng không có cách gì, không nói thêm được gì nữa. Cái việc cô ấy nói đúng quá. Tôi không phải ruột thịt trong nhà, tôi không có quyền đòi hỏi gì! Vật nài nữa chẳng hóa ra ăn xin ư? Tuy nhiên, dù có là ruột thịt chăng nữa, dễ tôi có thể thương yêu họ hơn thế này hay sao? Alơxi, Bănggiamanh dễ không là anh em ruột của tôi ư? Còn Êchiênnét và Lidơ chưa phải là chị và em ruột tôi sao? Tôi chưa yêu họ đúng mức chăng? Hay là Lidơ chưa yêu quý tôi ngang với Bănggiamanh và Alơxi?

Hễ đã quyết định cái gì thì cô Catơrin thi hành ngay, không để trì hoãn. Cô báo cho chúng tôi biết là ngay ngày hôm sau chúng tôi phải chia tay nhau, thế rồi cô bảo chúng tôi đi ngủ. Vừa về tới phòng riêng của chúng tôi thì mọi người xúm xít quanh tôi, còn Lidơ bá cổ tôi mà khóc. Tôi hiểu rằng tuy họ buồn sắp phải xa nhau, nhưng họ nghĩ đến tôi hơn hết, họ ái ngại vì tôi. Điều đó làm cho tôi cảm thấy rằng họ coi tôi là anh em trong gia đình. Bấy giờ, trong đầu óc rối ren của tôi bỗng nảy ra một sáng kiến. Nói cho đúng – hay dở gì thì cũng đều nên nói ra – vì sáng kiến ấy xuất phát từ con tim rồi mới dâng lên khối óc. Tôi nói:

Này, các anh chị ơi, tôi biết rõ rồi, tôi biết rằng mặc dù các cô chú không bằng lòng nhận tôi, các anh chị vẫn coi tôi như ruột thịt.
Đúng rồi, – Cả ba đều nói một lượt, – Rêmi mãi mãi là anh em của chúng tôi. Lidơ không nói được thì siết chặt tay tôi tỏ ý đồng tình và nhìn tôi bằng đôi
mắt vời vợi làm cho tôi cảm động tràn nước mắt.

Thế thì vâng! Tôi sẽ làm em của các anh các chị, và tôi sẽ chứng tỏ điều đó.

Cậu định xin làm ở đâu? – Bănggiamanh hỏi.

Ở đằng ông Pécnuy có một chân khuyết. – Chị Êchiênnét nói. – Em có muốn, sáng mai chị đến xin chỗ ấy cho em không?
Em không muốn làm mướn. Có chỗ làm thì phải ở lại Pari, không gặp mấy anh chị và em Lidơ nữa. Em định lấy chiếc thụ cầm xuống, khoác lại tấm áo da cừu, đi từ Xanh Căngtanh đến Vácxơ, rồi từ Vácxơ đến Étxơnăng và từ Étxơnăng đi Đơrơđi. Thế là em sẽ được gặp lại tất cả các anh chị, lần lượt hết người này đến người khác, và qua em anh chị cũng như là sum họp với nhau. Em vẫn chưa quên những bài hát, những điệu nhảy. Thế là em sinh sống được rồi.

Nhìn thấy vẻ mặt hân hoan của mọi người, tôi biết rằng sáng kiến của tôi thể hiện cả mơ ước của họ nữa, và trong cảnh buồn rầu tôi vẫn cảm thấy phấn khởi.
Chúng tôi nói chuyện với nhau mãi về dự định ấy, chuyện chia phôi, sum họp, về dĩ vãng, về tương lai. Rồi chị Êchiênnét buộc mọi người đi ngủ. Nhưng đêm ấy không ai ngủ yên cả, ai cũng thao thức, tôi lại càng thao thức hơn.
Ngày hôm sau, vừa tang tảng sáng, Lidơ đã rủ tôi ra vườn. Tôi biết em muốn nói gì.

Em muốn nói chuyện với anh à?

Lidơ gật đầu.

Em buồn vì chúng ta phải xa nhau chứ gì? Điều ấy Lidơ không cần nói, anh đã đọc thấy mắt em và cũng nghe thấy trong tim anh.
Em ra hiệu bảo rằng không phải em muốn nói điều ấy.

Chỉ nửa tháng nữa sẽ có anh ở Đơrơđi.

Lidơ lắc đầu.

– Lidơ không muốn anh về Đơrơđi à?

Thường thường tôi mò ý em bằng câu hỏi và em trả lời bằng cách ra hiệu, đúng thì ra hiệu bảo đúng, sai thì bảo sai.
Lidơ ra hiệu rằng em thích tôi đến Đơrơđi. Nhưng lại chỉ tay về ba hướng khác nhau, em cho tôi biết rằng, tôi phải đến ba anh chị của em trước.
Em muốn anh đi Vácxơ, Étnăngxơ và Xanh Căngtanh trước? Em cười sung sướng vì tôi đã hiểu được ý em.
Tại sao vậy? Anh, anh muốn đi thăm em trước.

Tức thời em dùng tay, dùng môi, nhất là dùng đôi mắt hùng biện, em đã làm cho tôi hiểu lý do tại sao em lại yêu cầu như thế. Tôi xin thuật lại lời giải thích của em như thế này:

Để em được biết tin tức của chị Êchiênnét, anh Alơxi, và anh Bănggiamanh, thì anh hãy đi thăm các anh chị ấy trước. Sau đó anh sẽ đến Đơrơđi để thuật lại cho em nghe những điều anh trông thấy và những điều các anh chị ấy nói với anh.
Ôi! Lidơ yêu quý!

Cô Catơrin định tám giờ sáng thì chị em Êchiênnét lên đường. Cô đã thuê một cỗ xe ngựa lớn để đưa họ cùng đi chào ông bố một lượt ở nhà lao. Sau đó, xe sẽ đưa từng người một cùng hành lý đến nhà ga nào cần phải đến để lên tàu về nơi dự định.
Lúc bảy giờ sáng chị Êchiênnét cũng gọi tôi ra vườn. Chị nói:

Chị em ta sắp phải xa nhau. Chị muốn tặng em một vật kỉ niệm. Em hãy giữ cái hộp khâu này trong ấy có kim, chỉ và một cái kéo của chị do người cha đỡ đầu của chị cho. Dọc đường, em cần các thứ đó bởi vì em có toạc một miếng quần hay đứt một cái cúc thì cũng không có chị ở đó để vá lại, đính lại cho em đâu. Em dùng kéo của chị, em sẽ nhớ đến mấy chị em nhà này.

Trong khi chị Êchiênnét nói chuyện với tôi thì Alơxi lảng vảng quanh đấy. Chị ấy vào nhà rồi, tôi còn dừng lại ngoài vườn chưa hết cảm động thì Alơxi đã đến bên tôi, nói:

– Mình có hai đồng năm phờrăng, nếu cậu vui lòng nhận lấy một thì mình thú lắm.

Trong năm đứa chúng tôi, chỉ có Alơxi là chú ý tới tiền bạc, chúng tôi luôn chế nhạo anh ấy về tật ky cóp.
Anh chắt chiu từng xu và coi việc dành dụm được những đồng hào mới tinh là một hạnh phúc. Anh cứ mang theo những đồng hào mới của anh ra đếm đi đếm lại trong bàn tay để cho nó lấp lánh dưới ánh mặt trời, để nghe những tiếng leng keng một cách lý thú.

Đề nghị của Alơxi làm cho tôi xúc động lạ thường. Tôi muốn từ chối nhưng anh năn nỉ mãi và giúi vào tay tôi một đồng năm phờrăng sáng loáng. Qua cử chỉ ấy tôi biết rằng cảm tình của Alơxi đối với tôi rất sâu sắc bởi vì nó đã thắng sự thiết tha của anh đối với cái kho của nho nhỏ kia.

Bănggiamanh cũng không quên tôi. Anh ấy cũng muốn cho tôi một món quà. Anh cho tôi con dao của anh nhưng bắt tôi phải trả một xu để cho có vẻ mua bán, bởi vì bạn bè không tặng dao cho nhau, sợ “dao cắt đứt tình bạn”.

Thời gian đi nhanh quá! Chỉ còn mười lăm phút nữa thôi! Rồi thì năm phút. Chỉ còn năm phút nữa là chúng tôi chia tay nhau. Rồi ra Lidơ còn có nhớ đến tôi không?

Lúc nghe thấy tiếng xe ngựa ầm ầm chạy tôi thì Lidơ ở trong buồng cô Catơrin chạy ra và ra hiệu cho tôi theo em ra vườn.
– Lidơ! – Cô Catơrin gọi.

Lidơ không đáp. Em cứ việc đi nhưng bước nhanh hơn.

Trong vườn những người trồng hoa, trồng rau củ, cái gì cũng không bằng cái ích lợi thực tế: người ta không chừa chỗ cho cây cảnh đâu!
Tuy vậy trong vườn chúng tôi có một cây hồng bănggan không bị nhổ đi vì mọc ở một xó.
Lidơ xăm xăm đi tới cây hồng cắt lấy một cành rồi quay lại tôi, em cắt cành ấy làm hai nhánh mỗi bên có một nụ hoa hàm tiếu và đưa cho tôi một.

Ôi! Cái thứ ngôn ngữ của miệng lưỡi có nghĩa lý gì đâu bên cạnh cái ngôn ngữ của khóe mắt! Ôi! Những lời những tiếng so với cái trông cái nhìn bây giờ tôi mới thấy nó nhạt nhẽo, trống rỗng làm sao?

Bà cô gọi: “Lidơ ơi! Lidơ!”

Hành lý đã đưa lên xe cả rồi.

Tôi với lấy cây đàn và gọi con Capi. Con Capi mừng rỡ nhảy cỡn lên khí thấy cây đàn và bộ đồ nghệ sĩ du phương của tôi ngày xưa. Bộ đồ ấy đối với nó quen thuộc lắm. Có lẽ nó hiểu rằng nó với tôi sẽ lên đường đi lang thang trở lại và như thế là nó được chạy nhảy tự do, cái ấy thích hơn là ở lỳ trong bốn bức tường.

Giờ phút chia tay đã đến. Cô Catơrin không để cho nó kéo dài. Cô bảo chị Êchiênnét lên xe rồi Alơxi, Bănggiamanh. Đến lượt Lidơ, cô bảo tôi đỡ em lên đùi cô.

Rồi, vì tôi đứng ngẩn người, cô ấy nhẹ tôi và đóng cửa xe.

Tôi thét:

Các anh chị hãy hôn bác hộ cho tôi với, vì…

Nói đến đó tôi ấm ức nghẹn lời. Cô Catơrin bảo:
Ta đi đi thôi.

Và cỗ xe chạy đi.

Cửa kính hạ thấp. Qua màn nước mắt, tôi nhìn thấy Lidơ thò đầu ra ngoài vừa đưa tay gửi cho tôi một cái hôn. Thế rồi cỗ xe nhanh chóng rẽ vào con đường ngoặt và tôi chỉ còn thấy một đám bụi tung trời.

Thế là hết.

Tựa vào cây đàn, con chó Capi ở bên chân, tôi thẫn thờ nhìn làn bụi từ từ rơi xuống đường.
Một người hàng xóm đến nhận chìa khóa, đóng cửa nhà lại và giữ chìa khóa hộ chủ nhà. Người ấy kéo tôi ra khỏi tình trạng thẫn thờ, đưa tôi về với thực tại.
Ông ta hỏi:

Chú bé định đứng đây mãi à?

Không, tôi đi đây.

Đi đâu?

Cứ đi tới phía trước, đến đâu hay đó.

Nếu chú muốn ở lại đây thì tôi sẽ nuôi chú, nhưng không tiền công bởi vì chú hãy còn chưa đủ sức. Sau này thì khác.
Tôi từ chối. Ông nói:

Tùy thích chú. Tôi nói đó là vì muốn giúp ích cho chú thôi. Thôi chú lên đường mạnh khoẻ.
Rồi ông ta đi mất.

Xe đi rồi. Nhà cũng đóng cửa.

Tôi choàng cái dây đeo đàn qua vai, cử chỉ ấy, ngày xưa con Capi trông đã quen mắt lắm nên bây giờ nó chú ý. Nó đứng lên đưa cặp mắt sáng ngời nhìn tôi.
“Ta đi đi thôi! Capi!”

Capi đã hiểu. Nó vừa nhảy lên, vừa sủa oang oang trước mặt tôi.

Tôi quay mặt đi để khỏi nhìn cái nhà tôi đã ở hai năm và tưởng là sẽ ở mãi. Tôi trông thẳng về phía trước.
Mặt trời đã lên cao. Trời rất trong, thời tiết nắng ấm. Cảnh này khác xa cái đêm giá buốt mà tôi ngã xuống kiệt sức và đói lả ở chính chân tường kia.
Hóa ra hai năm qua chỉ là một chặng thời gian đỗ tạm. Bây giờ lại đến lúc lên đường.

Nhưng thời gian đỗ tạm này đã có ích cho tôi. Nhờ nó tôi đã khỏe lên. Và có cái đáng quý hơn sự rắn chắc của chân tay nữa, đó là cái tình yêu thương tôi cảm thấy
trong lòng.

Tôi không lẻ loi ở trên đời nữa.

Đời tôi đã có mục đích: giúp ích những người yêu thương mình và được mình yêu thương và làm vui lòng họ.
Một cuộc đời mới mẻ đang mở ra trước mắt tôi. Tôi hồi tưởng hình ảnh cụ Vitali và tôi tự nhủ: “Nào! Hãy tiến lên!”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.