Không Gia Đình

3. GÁNH XIẾC CỦA ÔNG CỤ VITALI



Chắc chắn là suốt đêm tôi đã ngủ chập chờn trong nỗi ưu phiền và sợ hãi, cho nên sáng dậy, cử động đầu tiên của tôi là sờ cái giường và nhìn xung quanh để yên trí là người ta chưa đem tôi đi chỗ khác.

Suốt buổi sáng ông Bácbơranh không nói gì với tôi cả. Tôi những tưởng người ta đã bỏ cái dự định đem gửi tôi vào trại trẻ rơi rồi. Hẳn là má Bácbơranh đã khuyên nhủ ông ấy cho nên ông ấy giữ tôi lại. Nhưng khi nghe thấy tiếng đồng hồ báo mười hai giờ trưa, ông Bácbơranh bảo tôi đội mũ cát két đi theo ông ta. Sợ quá, tôi đưa mắt nhìn má Bácbơranh để cầu cứu, nhưng má kín đáo ra hiệu bảo tôi phải tuân theo. Đồng thời má khoa tay như để bảo tôi cứ yên lòng: không có việc gì đâu mà sợ hãi. Thế là không một lời cãi lại, tôi đi theo ông Bácbơranh.

Từ nhà chúng tôi đi tới xã, đường khá xa, đi phải mất ngót một tiếng đồng hồ. Trong lúc đi đường, ông Bácbơranh không nói với tôi nửa lời. Ông đi trước, chân bước nhè nhẹ, khập khà khập khiễng, đầu không nhúc nhích. Thỉnh thoảng ông quay cả người lại để xem tôi có đi theo ông không.

Không biết ông ấy định đưa mình đi đâu thế này?

Câu hỏi đó làm tôi lo ngại, mặc dù má Bácbơranh đã ra hiệu cho tôi vững dạ. Tôi có cảm giác sẽ có tai họa gì đến với tôi đây, nên tôi định trốn đi cho xong. Do đó, tôi cố đi chậm lại sau, định rằng khi đã cách xa ông ta khá xa tôi sẽ nhảy ngay vào cái hào bên đường. Hẳn ông ta khó lòng mà đuổi kịp.

Ban đầu ông ta chỉ bảo tôi theo sau gót ông thôi. Nhưng rồi chừng như đoán được ý định của tôi, ông nắm lấy cổ tay tôi kéo đi. Thế là đành phải tuân theo ông ta. Chúng tôi cứ thế đi trong làng. Đi đến đâu ai cũng ngoảnh cổ lại nhìn vì tôi có vẻ một con chó cắn càn bị người ta nắm xích lôi đi.

Khi chúng tôi đi qua quán cà phê, một người đứng ở bục cửa gọi ông Bácbơranh và mời ông ta vào. Ông ta kéo tay tôi, đẩy tôi vào trước, tự mình theo sau rồi đóng cửa lại. Trong lúc ông Bácbơranh ngồi vào một cái bàn cùng với lão chủ quán đã mời ông ta, thì tôi đến bên gần lò sưởi, đưa mắt nhìn chung quanh.

góc đối diện với góc tôi có một cụ già cao lớn, râu tóc bạc, mặc bộ quần áo kỳ quặc tôi chưa từng thấy bao giờ. Một chiếc mũ cao bằng dạ có cắm lông chim xanh đỏ chụp trên mớ tóc lòa xòa từng món dài phủ vai ông cụ. Một tấm áo da cừu bó chặt người ông cụ, mặt có lông quay vào trong. Tấm áo da đó không có ống tay. Nó chỉ có hai cái lỗ khoét trên vai, từ đó thò ra hai cánh tay mặc áo nhung, thứ nhung trước kia có lẽ màu xanh lơ. Chân ông cụ đi đôi ủng bằng len cao đến tận đầu gối; quanh ủng có những dây bàng đỏ quấn chéo chằng chịt.

Ông cụ ngồi duỗi dài trên ghế, cằm tì vào lòng bàn tay phải, một chân co lại, khuỷu tay đặt trên đầu gối. Tôi chưa bao giờ trông thấy một người có dáng ngồi bình tĩnh như thế. Ông cụ giống hệt một tượng thánh bằng gỗ ở nhà thờ làng.
Gần ông cụ có ba con chó rúc dưới ghế. Chúng mải mê sưởi lửa, không động đậy. Một con chó xù trắng, một con chó cụp tai lông đen, một con chó cái lông xám vẻ khôn ngoan và hiền lành. Con chó xù lông trắng đội một chiếc mũ lính cũ có dây da quàng xuống dưới cổ.
Trong lúc tôi đang tò mò và kinh sợ ngắm nhìn ông cụ thì ông Bácbơranh và lão chủ quán nói chuyện với nhau. Tôi nghe thấy họ nói chuyện về tôi. Ông Bácbơranh nói rằng ông đưa tôi tới xã để gặp ông xã trưởng can thiệp với trại trẻ rơi hàng tháng cấp cho ông ta một khoản tiền để nuôi tôi. Hóa ra má Bácbơranh đã nói cho ông ta chịu nhận cách giải quyết đó. Tôi hiểu ngay là nếu ông Bácbơranh thấy giữ tôi lại mà có lợi thì tôi chẳng có gì đáng lo ngại cả.

Cụ già vẫn theo dõi câu chuyện; tuy không có vẻ để ý. Bỗng ông cụ giơ tay về phía tôi và hỏi ông Bácbơranh với giọng lơ lớ của người ngoại quốc:
– Ông lúng túng vì chú bé này đấy à? – Chính nó đấy!
– Thế ông tưởng rằng ban quản trị trại tế bần hàng tháng sẽ cấp cho ông một khoản tiền vú em để nuôi nó à.
– Hẳn chứ, nó không có bố mẹ mà tôi nuôi nó thì cũng phải có người bỏ tiền ra cho nó chứ! Tôi tưởng cái đó công bằng.
– Nào tôi có bảo là không đâu! Nhưng anh tưởng ở đời này cái gì công bằng thì đều thực hiện được cả hay sao?

Ồ, cái đó tất nhiên là không rồi.

Này, tôi chắc rằng chẳng bao giờ ông xin được tiều trợ cấp hàng tháng cho nó đâu!

Thế thì vào trại trẻ rơi vậy, chẳng có luật pháp nào bắt buộc tôi phải nuôi nó nhà tôi, nếu tôi không muốn chứa nó.

Trước kia ông đã bằng lòng nhận nó đem về nhà nuôi, thế có nghĩa là ông đã cam kết giữ nó.
Tôi sẽ không giữ nó nữa! Ví dù phải đuổi nó ra ngoài đường thì tôi cũng sẽ tống cổ nó ra, không ngần ngại!
Sau một lúc suy nghĩ, cụ già nói tiếp.

Cũng có cách tống cổ nó ngay bây giờ được; hơn thế, tống đi mà còn kiếm được chút ít nữa kia!
Nếu cụ bảo cho tôi cách ấy, tôi sẽ đãi cụ một chai rượu, đãi một cách vui lòng.

Ông hãy gọi rượu đi rồi việc của ông xong ngay cho mà coi.

Chắc không?

Chắc!

Ông cụ rời chiếc ghế, lại ngồi trước mặt ông Bácbơranh. Thật lạ lùng, tôi không hiểu tại sao khi ông cụ đứng dậy thì ở dưới tấm da cừu có một chỗ động đậy và nhô lên. Hình như ông cụ có kẹp một con chó ở dưới cánh tay trái thì phải.

Ông cụ sắp nói gì? Việc gì sắp xảy ra đây? Tôi nhìn theo ông cụ mà lòng thắt lại.

Điều ông mong muốn là thằng bé này đừng có ăn bám vào ông nữa, hoặc giả nó cứ tiếp tục ăn thì phải có người chịu cho ông, có phải thế không?
Đúng thế, bởi vì rằng…

Ồ, lý do vì sao tôi không cần biết, cái đó không can gì đến tôi. Tôi chỉ cần biết ông không muốn nuôi nó nữa. Nếu quả như vậy thì ông cho quách tôi, tôi sẽ gánh vác đỡ ông.
Cho cụ!

Chà! chà! Thế không phải ông muốn tống cổ nó đi là gì?

Một đứa trẻ như thằng bé này mà đem cho đi à? Một thằng bé xinh xắn thế! Quả là nó xinh, cụ thử nhìn nó mà xem.
Tôi đã nhìn nó rồi!

Rêmi lại đây.

Nào nào! Đừng sợ, cháu.

Cụ nhìn nó xem, – ông Bácbơranh nói tiếp.

Nào tôi có bảo nó là một thằng bé xấu xí đâu! Nếu thằng bé xấu xí, tôi đã chả thèm. Những của quái thai thì việc gì mà tôi chuốc lấy!
Ôi chao! Giá nó là một con quái hai đầu, hoặc chỉ là một thằng lùn thôi, thì…

Thì ông đã chẳng nói đến chuyện cho nó vào trại! Chắc ông cũng thừa biết là một con quái lại rất có giá trị, vì người ta có thể dùng nó để kiếm tiền bằng cách cho thuê hoặc chính mình kinh doanh. Nhưng mà cái thằng bé này nó lại chẳng phải là một thằng lùn, mà cũng không phải là một con quái. Nó bình thường như mọi người khác, chẳng được tích sự gì!

Được chứ, nó làm được!

Trông nó yếu lắm.

Nó mà yếu à? Thôi xin cụ! Nó khỏe như người lớn ấy, và rắn chắc, không có bệnh tật gì. Này cụ hãy thử nhìn bộ giò mà coi, cụ đã thấy bộ giò nào thẳng như thế chưa?
Ông Bácbơranh vén quần tôi lên. Ông già nói:

Mảnh khảnh quá!

Ông Bácbơranh nói tiếp:

Lại còn tay nó!

Tay nó cũng như chân thôi. Tàm tạm dùng được, nhưng mà chẳng chịu nổi mệt nhọc và nghèo khổ đâu!
Nó mà không chịu đựng được à? Cụ cứ thử nắn đi xem nào!

Ông cụ đưa bàn tay gầy guộc sờ nắn chân tôi, lắc đầu và bĩu môi. Tôi đã được chứng kiến một cảnh giống như thế khi lái đến mua con bò của chúng tôi. Lão lái cũng lắc đầu, cũng bĩu môi, chê con bò cái không tốt, không bán lại được. Thế nhưng rồi lão cũng mua và dắt bò đi. Ông cụ này có mua tôi không? Ôi má Bácbơranh ơi!

Má Bácbơranh ơi!

Khốn thay, má không có ở đây để che chở cho tôi!

Nếu tôi không sợ thì tôi đã nói toạc ngay ra rằng vừa mới hôm qua ông Bácbơranh chê tôi là ẻo lả, chân tay gầy còm. Nhưng tôi biết rằng có ngắt lời ông ta cũng không đi đến đâu, mà chắc chắn là ăn đòn, nên tôi cứ ngồi im. Cụ già nói:

Nó là một đứa trẻ bình thường như vô số đứa trẻ con khác, sự thực là thế. Nhưng mà nó là một đứa trẻ thành thị. Do đó mà về công việc đồng áng chắc chắn là nó không làm được gì đâu! Hãy thử để cho nó đánh bò cho người ta cày rồi xem nó làm như vậy được bao lâu!
Mười năm!

Chả được một tháng!

Nhưng mà cụ hãy cứ nhìn nó xem đã!

Ông cứ nhìn lấy!

Tôi đứng ở đầu bàn, giữa ông Bácbơranh và ông cụ già, hết bị ông này đẩy qua rồi bị ông kia xô lại.
Thôi được! – Ông cụ nói – Mặc dầu nó thế nào tôi cũng cứ nhận. Nhưng mà tất nhiên tôi không mua nó đâu, tôi chỉ mướn nó thôi. Tôi trả ông hai mươi phờrăng một năm.
Hai mươi phờrăng! Hừ!

Thế là được giá đấy! Tôi lại trả tiền trước! Ông đã được bốn đồng bạc năm đồng, mà còn đẩy được thằng bé đi nữa.
Nhưng mà nếu tôi giữ nó lại thì trại trẻ rơi sẽ trả cho tôi mỗi tháng những trên mười phờrăng cơ!
Ta hãy nói là bảy hoặc tám thì đúng hơn, tôi biết rõ giá cả mà! Bảy, tám đồng nhưng ông phải nuôi nó.
Nó sẽ làm việc chứ!

Nếu ông tin là nó làm lụng được thì ông đã chẳng muốn tống cổ nó đi. Người ta nhận trẻ con ở trại về nuôi không phải là để trông vào số tiền trợ cấp hàng tháng về nó, mà để nó làm cho mình. Người ta dùng nó làm đầy tớ, một thứ đầy tớ có trả tiền ăn cho mình mà mình khỏi phải trả công. Một lần nữa: có phải nếu thằng bé này nó giúp ích được gì cho ông thì ông đã giữ nó lại, phải không nào?
Gì đi nữa tôi vẫn cứ được mười phờrăng…

Nếu trái lại, trại trẻ rơi không giao nó cho ông mà giao cho người khác thì ông chẳng được hưởng xơ múi gì. Với tôi thì không có gì bấp bênh cả. Ông chỉ việc chìa tay ra là có tiền ngay.
Cụ già móc áo lấy ra một cái túi đựng bạc bằng da, moi bốn đồng xỉa lên bàn kêu loong coong. Ông Bácbơranh kêu to:
Cụ cứ tin rằng rồi tất có ngày thằng bé này tìm thấy bố mẹ nó.

Cái đó ích gì?

Sao lại không? Người nào nuôi nó sẽ có lợi chứ! Nếu tôi không tính toán về khoản đó thì tôi đã chẳng rước nó về làm gì.
Câu nói của ông Bácbơranh “nếu tôi không tính toán về khoản đó thì tôi đã chẳng rước nó về làm gì” làm cho tôi ghét ông ta thêm chút nữa. Con người mới xấu xa làm sao! Cụ già nói:
Và bây giờ chính vì ông chẳng còn trông mong gì vào bố mẹ nó nữa cho nên ông mới đuổi cổ nó đi. Giả thử một ngày kia bố mẹ nó đến thì sẽ hỏi ai? Tất nhiên là hỏi ông thôi, chứ không hỏi tôi, vì họ có biết tôi đâu, có phải thế không ông?
Thế còn nếu chính cụ tìm thấy bố mẹ nó?

Vậy thì chúng ta hãy thỏa thuận với nhau thế này: nếu một ngày kia bố mẹ nó đến thì chúng ta sẽ chia nhau mối lợi. Đồng ý thế thì tôi đưa giá lên ba mươi phờrăng đấy!
Hãy nâng lên bốn mươi đi!

Không được. Cứ cái công việc nó sẽ làm cho tôi thì không thể tính giá ấy được.

Thế cái công việc ấy là việc gì mới được chứ? Nói là chân phải khỏe thì đúng là chân nó khỏe. Nói là tay phải khỏe thì đúng là tay nó khỏe. Ý kiến tôi vẫn như cũ. Nhưng mà theo cụ, cụ cho rằng nó làm công việc gì thì thích hợp?
Ông cụ nhìn bố nuôi tôi một cách giễu cợt, nhấp từng ngụm nhỏ rượu, và nói:

Để nó cùng đi với tôi cho có bầu có bạn! Tôi già rồi. Đôi khi đêm đến, sau một ngày làm việc mệt mỏi, những hôm xấu trời, tôi thấy trong lòng buồn bã, thì nó sẽ giải muộn cho tôi.
Ừ, ừ, dùng vào việc ấy thì chắc bộ giò nó không thừa ra đấy!

Chẳng khỏe lắm đâu, vì phải múa phải nhảy, phải đi, rồi sau khi đi lại phải nhảy nữa. Tóm lại là nó sẽ nhập vào gánh xiếc của cụ Vitali.
Thế gánh xiếc của cụ Vitali đâu?

Cụ Vitali là tôi đây, như ông đã đoán. Còn gánh xiếc ông muốn biết, tôi sẽ giới thiệu với ông.
Nói xong, ông cụ mở tấm da cừu lấy tay lôi ra một con vật kỳ lạ mà cụ đang kẹp dưới cánh tay trái.
À, thế ra chính con vật này đã mấy lần đội tấm da cừu lên! Có lúc tôi đã đoán dưới đó có một con chó con, nhưng con này không phải là con chó như tôi đoán. Nó là con vật gì vậy? Mà có chắc nó là một con vật gì không chứ?
Mới trông thấy con vật kỳ quái ấy lần đầu, tôi kinh ngạc ngắm nó, không biết nó là con gì đây. Nó mặc một chiếc áo bờlu màu đỏ viền chỉ vàng óng ả, nhưng chân tay thì để trần. Phải, đúng là chân tay chứ không phải là cẳng đâu. Chỉ có cái là da chân và da tay đen chứ không trắng mà cũng không hồng.
Đầu nó cũng đen và to gần bằng nắm tay tôi. Mặt nó rộng và ngắn, mũi hếch, cánh mũi giạng ra, đôi môi vàng vàng. Nhưng mà cái làm tôi chú ý nhất là đôi mắt nó rất gần nhau, hết sức linh hoạt, lóng lánh như gương.
Ông Bácbơranh kêu:

Ôi! cái con khỉ gớm chết!

Câu nói đó làm cho tôi hết sức kinh ngạc. Tuy tôi chưa trông thấy giống khỉ bao giờ, nhưng mà ít ra tôi cũng đã nghe nói đến. Thì ra trước mắt tôi không phải là một đứa con nít da đen mà chỉ là một con khỉ. Cụ già Vitali nói:

Đây là kép nhất của gánh chúng tôi, Giôlicơ. Này anh bạn Giôlicơ, hãy chào khán giả đi.
Giôlicơ khép bàn tay đưa lên môi và gửi đến tất cả mọi người một cái hôn. Giơ tay về phía con chó xù trắng, ông cụ nói tiếp:
Bây giờ đến lượt các tài tử khác. Ngài Capi sẽ hân hạnh giới thiệu các bạn của ngài với chư vị khán giả có mặt ở đây.

Nghe lệnh đó, con chó xù trắng đang nằm yên không nhúc nhích bỗng vùng dậy, đứng thẳng mình lên trên hai chân sau, khoanh hai chân trước lên ngực rồi cúi rạp xuống chào chủ nó, cúi đến nỗi chiếc mũ lính của nó chấm sát đất. Làm xong nghi thức ấy, nó ngoảnh về phía các bạn nó, một chân vẫn tì lên ngực, chân kia thì ra hiệu cho chúng lại gần. Hai con chó kia từ nãy vẫn nhìn bạn chăm chú. Thấy hiệu lệnh, chúng ưỡn người đứng phắt lên và mỗi con chìa một chân cho nhau, y hệt như người ta cắp tay nhau ở xã hội thượng lưu. Chúng trịnh trọng cùng bước lên sáu bước rồi lùi lại ba bước và nghiêng mình chào mọi người. Cụ Vitali nói tiếp:

Anh này tôi gọi là Capi, tiếng Ý là Capitanô, là đầu lĩnh bọn chó. Anh ta thông minh nhất, có nhiệm vụ truyền lệnh của tôi xuống. Cậu công tử có bộ lông đen này là chàng Décbinô có nghĩa là gã điển trai; cái tên thật xứng với anh ta. Còn cái cô có vẻ thùy mị kia là tiểu thư Đônxơ, một cô Ănglê duyên dáng, mà cái tên có nghĩa là dịu dàng thì hợp với cô ta. Với bọn đàn em tài hoa, mỗi người một vẻ đó, tôi đi chu du thiên hạ để sinh nhai. Sinh kế chúng tôi có lúc phất, có lúc eo, tùy vận đỏ đen. Capi!

Con chó xù trắng khoanh hai chân lại.

Này Capi, anh bạn anh lại đây! Anh hãy ngoan ngoãn nhé! Đây là những người lịch sự, đối với họ tôi luôn luôn nói năng lễ độ. Anh có thấy chú bé đang nhìn anh với đôi mắt tròn xoe như hòn bi kia không? Anh hãy báo cáo cho chúng ta biết bây giờ là mấy giờ.
Con Capi bỏ chân xuống, lại gần chủ, vạch tấm áo da cừu ra, lục trong túi gilê. Nó rút ra một chiếc đồng hồ quả quýt to bằng bạc, nhìn mặt đồng hồ rồi sủa lên hai tiếng thật phân minh. Sau khi sủa hai tiếng to và rõ ấy, nó lại sủa ba tiếng nhỏ hơn. Đúng là hai giờ ba khắc(1).
Tốt lắm! – Cụ Vitali nói. – Cám ơn anh Capi. Bây giờ phiền anh mời cô Đônxơ nhảy dây cho chúng tôi xem với nào.
Capi bèn lại túi áo chủ lấy ra một đoạn dây thừng. Nó ra hiệu cho con Décbinô. Con này chạy ngay lại đứng trước mặt nó. Capi tung cho bạn một đầu dây thừng và cả hai con nghiêm chỉnh quay chiếc thừng. Khi dây thừng quay đã đều rồi thì con Đônxơ lao mình vào nhảy, nó nhảy nhẹ nhàng, đôi mắt đẹp và âu yếm ngước nhìn chủ.
Đấy, ông xem! – Cụ già nói. – Những đứa học trò của tôi đều thông minh cả. Nhưng mà phải có sự so sánh thì mới biết chúng thông minh đến chừng nào. Vì vậy tôi mượn thêm chú bé này vào gánh. Chú ta sẽ đóng một vai đần độn để cho người ta thưởng thức bội phần tài nghệ của bọn môn đồ của tôi!
Ồ! Để đóng vai ngu xuẩn. – Ông Bácbơranh ngắt lời.

Thì cần phải có trí thông minh. – Ông già nói tiếp. – Và tôi chắc rằng chú bé này cũng thừa trí thông minh khi đã được học tập vài bài. Rồi chúng ta sẽ thấu rõ thôi. Ngay bây giờ cũng có thể xét nghiệm được. Nếu chú bé thông minh thì chú sẽ hiểu ngay rằng theo ông cụ Vitali chú sẽ có cái may mắn được chu du trên đất nước Pháp và trên mười nước khác nữa. Chú bé sẽ sống một cuộc đời tự do, chứ không phải lẽo đẽo sau đuôi bò, ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng chí tối giẫm đi giẫm lại loanh quanh mỗi một cánh đồng. Nếu chú không thông minh thì chú sẽ kêu gào khóc lóc. Ông già Vitali vốn không ưa những đứa trẻ hư nên ông sẽ không đem chú đi với ông nữa. Thế là đứa trẻ hư phải vào trại trẻ rơi, ở đó trẻ con phải làm việc nhiều, mà ăn thì chả được bao nhiêu.

Tôi cũng đủ sức thông minh để hiểu những lời nói ấy. Nhưng mà từ chỗ thấu hiểu cho đến chỗ làm được còn phải vượt qua một quãng đường dài lạ lùng. Bọn học trò của cụ Vitali ngộ nghĩnh và buồn cười đáo để. Rồi luôn luôn được đi dạo chơi cũng thích. Nhưng đi theo họ, dạo chơi với họ thì phải xa má Bácbơranh; hẳn là tôi phải vào trại trẻ rơi thôi.

Tôi đang bối rối, nước mắt lưng tròng thì ông cụ Vitali lấy đầu ngón tay vỗ khẽ lên má tôi, nói:
Này, chú bé hiểu rồi đấy vì chú không kêu la! Con người bé bỏng này rồi sẽ biết điều đấy và ngày mai…
Tôi kêu lên:

Chao ôi! Thưa ông, cháu van ông, xin ông hãy để cháu ở lại với má Bácbơranh.
Tôi vừa nói tới đó thì một tiếng sủa lớn của con Capi ngắt lời tôi. Cùng lúc ấy nó nhảy xổ lại bàn Giôlicơ ngồi. Thì ra chú khỉ đã thừa lúc mọi người quay về phía tôi để nhẹ nhàng vớ lấy cái cốc rượu đầy của chủ mà uống, Nhưng con Capi vốn luôn luôn có ý thức phòng gian, nó đế ý thấy trò bợm của chú khỉ. Thế là nó ngăn chặn ngay vì nó là một đầy tớ trung thành.

Với giọng nghiêm khắc, ông cụ Vitali nói:

Ông Giôlicơ ạ, ông là một tên tham ăn và là một thằng ăn cắp. Mời ông ra chỗ xó kia, đứng quay mặt vào tường. Anh Décbinô, anh hãy đứng canh nó, hễ nó động đậy thì cho nó một cái tát nên thân. Còn anh Capi anh là một con chó khôn đấy, anh hãy đưa chân ra cho tôi bắt mừng anh nào.
Trong lúc con khỉ vừa thi hành lệnh phạt vừa kêu lí nhí trong cổ thì con chó sung sướng và kiêu hãnh giơ chân ra cho chủ bắt. Ông cụ Vitali nói tiếp:
Bây giờ chúng ta trở lại câu chuyện của chúng ta đi. Tôi trả ông ba mươi phờrăng đấy!
Không, bốn mươi mới được!

Cuộc mặc cả diễn ra, nhưng được một lát thì cụ già ngừng lại nói:

Chú bé đứng đây mãi chắc cũng buồn. Cho chú chạy ra ngoài sân chơi đi. Cụ vừa nói vừa ra hiệu cho ông Bácbơranh. Ông này bèn bảo tôi:
Phải đấy, thằng này ra sân chơi đi, khi nào tao gọi hãy vào. Đừng vào trước mà tao nổi nóng lên đấy.
Chỉ có cách nghe theo thôi. Tôi đi ra ngoài sân nhưng chẳng còn bụng dạ nào mà chơi đùa được. Tôi ngồi xuống hòn đá và trầm ngâm nghĩ ngợi. Số phận tôi đang được định đoạt trong giờ phút này. Chẳng biết nó ra sao. Vừa rét lại vừa hồi hộp lo âu nên người tôi run cầm cập.
Cụ Vitali và ông Bácbơranh bàn cãi với nhau khá lâu. Mãi hơn một tiếng đồng hồ sau vẫn chưa thấy ông này ra sân.
Nhưng rồi ông Bácbơranh cũng đi ra. Ông đi có một mình. Ông ấy tìm tôi để trao cho cụ Vitali chăng? Ông ta nói:
Ta đi thôi. Về nhà!

Về nhà! Tôi khỏi phải xa lìa má Bácbơranh ư? Tôi muốn hỏi ông ta nhưng không dám, vì ông ta có vẻ cáu kỉnh lắm. Trên đường về nhà chẳng ai nói gì cả.

Nhưng độ mười phút trước khi đến nhà, ông Bácbơranh đang đi trước bỗng dừng lại.

Ông ta xách tai tôi và nói:

Này thằng kia, dù mày chỉ kể lại một câu về những điều mày nghe thấy hôm nay thì mày cũng sẽ biết tay tao. Liệu hồn đấy.
————————-

Khắc xưa có hai nghĩa; một quãng thời gian hoặc là bằng 2 giờ 24 phút hiện nay (“Đêm năm canh, ngày sáu khắc” ca dao), hoặc là bằng 14 phút 24 giây. Ấy là vì đồng hồ nước hay đồng hồ cát ngày xưa chia một đêm ra làm 10 quãng, mỗi quãng lại chia thành 10 quãng nhỏ, có khắc lên ống đồng hồ để đo dấu nước hay cát rút xuống. Khi có đồng hồ dây cót, người Pháp gọi 1/4 giờ (15 phút) là quart (1/4), thì ta cũng dùng khắc để chỉ quãng thời gian 15 phút. – N.D


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.