Không Gia Đình
30. MÁ BÁCBƠRANH
Nằm trên sàn gỗ, chúng tôi ngủ cũng khá ngon. Chúng tôi đã nhiều đêm ngủ giữa trời khó chịu hơn. Sang ra Mátchia nói:
Tớ mơ thấy đám rước bò.
Tớ cũng thế.
Tám giờ sáng cửa mở, ông dự thẩm bước vào, có ông bạn thú y cửa chúng tôi theo sau; ông ta muốn đích thân đến giải phóng cho chúng tôi. Về phần ông dự thẩm thì không phải ông chỉ ân cần với chúng tôi ở bữa ăn hôm qua, ông còn trao cho tôi một tờ giấy đẹp có đóng dấu. Ông thân mật bảo:
Các em tay không mà đi tứ xứ như thế thì thật là liều lĩnh. Ta đã nói với ông xã trưởng cấp cho các em tờ giấy thông hành này, nó sẽ là bùa hộ mệnh của các em. Chúc các em lên đường bình yên.
Ông dự thẩm bắt tay chúng tôi, còn ông thú y thì ôm hôn chúng tôi.
Chúng tôi vào làng khốn khổ, nay chúng tôi ra đi vinh quang, tay nắm thừng dắt bò, đầu ngẩng cao. Những người nông dân đứng ở ngưỡng cửa nhìn chúng tôi với đôi mắt cảm mến. Mátchia nói:
Tao chỉ tiếc có một điều là tại sao cái lão cảnh sát đã bắt chúng mình hôm nay không có mặt ở đây để nhìn chúng mình diễu qua.
Lão cảnh sát đó làm sai. Nhưng chúng ta cũng không đúng ở chỗ không bao giờ nghĩ đến việc xin đủ giấy chứng minh lý lịch của mình, để cho người ta biết. Ở Pari thì việc ấy dễ thôi.
Chúng tôi đã nhận được một bài học quá đích đáng, đến mức không bao giờ còn tơ tưởng đến thả dây buộc bò nữa. Con bò cái của chúng tôi thì hiền lành đấy nhưng phải cái cũng nhút nhát.
Không bao lâu chúng tôi đã tới cái làng tôi ngủ trọ cùng cụ Vitali ngày xưa, Từ đây đến cái dốc đổ xuống làng Savanông chỉ còn phải qua một cánh đồng hoang lớn. Đi vào làng, ngay trước cửa hiệu mà Décbinô đã đánh cắp chiếc bánh, tôi bỗng nảy một ý kiến và vội vàng trao đổi với Mátchia:
Cậu có nhớ rằng tớ có hứa đãi cậu ăn bánh kẹp ở nhà má Bácbơranh không? Muốn làm bánh kẹp, phải có bơ, bột, trứng.
Chắc là ngon lắm.
Còn phải nói! Để rồi cậu xem. Cái món ấy cuộn lại và ta cứ việc tọng đầy mồm. Nhưng có lẽ má Bácbơranh không có bơ, cũng không có bột, vì má nghèo. Hay là ta mang đến cho má?
Ý kiến đó hay đấy!
Thế thì cậu coi bò, nhất là đừng buông thừng ra nhé! Tớ vào hiệu này mua bơ, bột. Còn trứng, nếu má không có thì má sẽ đi vay tạm, chứ chúng mình mang trứng đi e dọc đường vỡ mất.
Tôi vào ngay hiệu ấy mua một cân bơ, hai cân bột rồi tiếp tục đi. Tôi không muốn thúc con bò đi nhanh, nhưng vì nôn nóng đến nhà, tôi sải những bước dài mà không biết. Còn mười cây số nữa, còn tám. Rồi còn sáu. Lạ chửa! Về đến gần má Bácbơranh, con đường như càng dài ra, dài hơn cái ngày mà tôi đi xa má, mặc dù hôm ấy trời mưa rét đến nỗi bây giờ tôi vẫn còn như thấy thấm da thịt. Tôi hết sức xúc động, hết sức xốn xang, cứ chốc chốc lại nhìn đồng hồ, Tồi nói với Mátchia:
Cậu thấy cảnh có đẹp không?
Cây cối có làm vướng tầm mắt đâu!
Khi chúng mình xuống dốc Savanông thì cậu sẽ thấy cây cối, cây to, đẹp, cây sồi này, cây dẻ này.
Có quả dẻ chứ?
Sao lại không? Và ở sân nhà má Bácbơranh thì có cây lê với cái cành uốn cong, mình thường leo lên cưỡi ngựa. Nó ra quả to như thế này này, và ngon nữa, rồi cậu xem.
Tả cái gì, tôi cũng nói “rồi cậu xem” như một điệp khúc. Tôi thành thật tin rằng tôi đưa Mátchia đi vào cõi tiên. Suy cho cùng thì đối với tôi, đó không phải là cảnh tiên hay sao? Ở đó, mắt tôi được mở ra nhìn ánh sáng, ở đó tôi mới có cảm giác là được sống, ở đó tôi được sung sướng. được mến yêu. Những kỷ niệm đau khổ trong cuộc sống phiêu lưu sau này làm cho những niềm vui ban đầu ấy càng thêm thắm thiết. Tôi càng đi đến gần làng quê thì những cảm giác ngây thơ càng như đổ xô về xôn xao, dồn dập trong tim, trong trí. Tuồng như trong bầu trời quê hương có một mùi hương làm tỏi ngây ngất: cái gì tôi cũng thấy đẹp cả. Lây cái say sưa ấy, Mátchia cũng quay về quê hương, nhưng tội nghiệp, chỉ bằng tưởng tượng. Nó nói:
Nếu cậu đến Lúcca thì tớ cũng sẽ chỉ cho cậu bao cái đẹp. Rồi cậu xem!
Ừ thì chúng mình sẽ về Lúcca sau khi gặp Êchiênnét, Lidơ và Bănggiamanh.
Cậu cũng vui lòng đi Lúcca chứ?
Cậu cùng đi với tớ về nhà má Bácbơranh thì tớ sẽ cùng đi với cậu về thăm mẹ và em Crítxtina của cậu. Nêu nó không quá lớn thì tớ sẽ bế nó. Nó cũng là em tớ.
Ồ! Rêmi!
Nó chỉ nói được bấy nhiêu vì xúc động quá.
Vừa nói chuyện, vừa rảo bước đi nhanh, chúng tôi đã đến đỉnh đồi, nơi bắt đầu cái dốc ngoằn ngoèo dẫn đến thôn Savanông. Cái dốc đi qua trước nhà má Bácbơranh. Đi mấy bước nữa, chúng tôi đến cái lũy mà tôi xin phép cụ Vitali ngồi lại để nhìn về nhà má, ngôi nhà mà tôi tưởng như không bao giờ được trông thấy nữa. Tôi bảo Mátchia: “Cầm hộ thừng cho tao!” rồi tôi nhảy phắt lên lũy cỏ: cái thung lũng của tôi vẫn giữ dáng cũ, không có gì thay đổi; giữa hai lùm cây, mái nhà má Bácbơranh hiện ra.
Cậu làm sao thế? -Mátchia hỏi?
Xem kìa, xem.
Nó đến bên tôi nhưng không leo lên lũy, con bò thì gặm cỏ ở bờ lũy. Tôi nói:
Nhìn theo tay tớ đây. Đây là nhà má Bácbơranh, kia là cây lê, và chỗ này là mảnh vườn của tớ.
Mátchia chỉ nhìn với con mắt trần, không có ký ức giúp đỡ như tôi, nên không thấy gì lắm, nhưng nó không nói. Lúc bây giờ, một cuộn khói nhỏ màu vàng thoát lên từ ống khói. Trời lặng gió, cuộn khói bay thẳng lên men theo triền đồi, Tôi nói: “Má Bácbơranh ở nhà!”
Một luồng gió nhẹ thổi qua hàng cây, bẻ gãy cuộn khói và phả khói vào mặt chúng tôi. Trong khói có mùi lá sồi. Bỗng chốc, tôi cảm thấy nước mắt trào ra và tôi nhảy xuống, ôm hôn Mátchia. Capi: nhảy lên lòng tôi, tôi đưa tay ôm nó và cũng hôn nó. Còn Mátchia thì đến hôn trán con bò. Tôi bảo:
Ta đi xuống mau đi.
Nếu má Bácbơranh ở nhà thì làm sao chúng tôi bố trí cái chuyện bất ngờ được?
Cậu đi vào một mình: cậu bảo là cậu nhân danh hoàng tử, mang bò đến cho má, và khi má hỏi hoàng tử nào, thì tớ hiện ra.
Rõ tiếc là ta không tổ chức được một đám rước có nhạc tấu!
Mátchia, chớ có vớ vẩn!
Cậu yên trí, tớ không buồn diễn lại cái trò ấy đâu! Giá như cô gái hoang dã này mà ưa âm nhạc để ta tấu một khúc quân nhạc thì hay biết bao nhiêu!
Chúng tôi vừa đến một khúc ngoặt ngang tầm nhà má Bácbơranh thì thấy một cái khăn trùm trắng hiện ra trong sân: Đó là má Bácbơranh. Má mở cổng, ra đường và đi về phía thôn xóm. Chúng tôi dừng lại và tôi chỉ cho Mátchia. Nó nói:
Má đi thì làm sao thực hiện được cái trò bất ngờ của chúng ta.
Ta sẽ bày một trò khác.
Trò gì?
Tớ chưa nghĩ ra.
Hay là cậu gọi má?
Tôi rất muốn gọi, nhưng rồi nén được. Đã bao lâu nay, tôi say sưa với cái ý nghĩ chơi một trò bất ngờ, bây giờ không dễ gì trong khoảnh khắc mà từ bỏ được ý định ấy.
Lát sau, đã đến cổng nhà, chúng tôi đi vào tự nhiên như xưa kia tôi vẫn ra vào. Tôi biết má Bácbơranh có thói quen chỉ kéo chốt ngoài, cho nên chúng tôi có thể vào nhà ngay được, nhưng trước hết phải nhốt con bò vào chuồng cái đã. Tôi đi xem chuồng, thấy nó vẫn như cũ, duy vướng những củi. Tôi gọi Mátchia lại. Buộc con bò trước máng xong, chúng tôi xếp củi vào một xó. Công việc này làm không mất nhiều thì giờ lắm vì chỗ củi dự trữ của má cũng chả là bao. Tôi bảo Mátchia:
Bây giờ thì chúng mình vào nhà đi! Tớ ngồi vào xó bếp để cho má bắt gặp tớ đấy. Còn cậu, vì cái cổng kêu cót két khi má đẩy, cho nên cậu sẽ có đủ thì giờ để trốn ra sau giường với con Capi. Như thế, mả chỉ bắt gặp mỗi mình tớ. Cậu tưởng tượng xem má sẽ ngạc nhiên chừng nào!
Công việc được xếp đặt như tôi nói. Chúng tôi đi vào nhà, tôi đến bên lò sưởi, chỗ tôi đã ngồi những mùa đông năm xưa. Không thể hớt mớ tóc dài, tôi bỏ nó vào trong cổ áo, tôi thu hình lại, cho giống Rêmi, bé Rêmi của má Bácbơranh ngày trước. Từ chỗ ấy, tôi nhìn thấy cổng, không sợ gì má hiện về đột ngột. Ngồi ở chỗ đó, tôi nhìn ra chung quanh. Dường như tôi mới rời nhà ngày hôm qua thôi, bởi vì không có cái gì thay đổi cả. Mọi vật đều ở nguyên chỗ cũ cho đến miếng giấy dán tấm kính mà tôi đánh vỡ đã ám khói vàng cả đi mà cũng không được thay. Nếu đứng dậy mà đi đi lại lại để nhìn tận mắt từng vật thì thú đấy, nhưng má có thể về bất thình lình, cho nên tôi đành phải ngồi mà quan sát. Bỗng tôi thấy chiếc khăn trùm trắng hiện ra, đồng thời cánh cổng rít lên. Tôi nói:
Mátchia, mau mau trốn đi!
Và tôi càng thu mình lại. Cửa mở. Từ ngưỡng cửa, má Bácbơranh trông thấy tôi. Má hỏi:
– Ai đấy?
Tôi nhìn má, không đáp. Má cũng nhìn tôi. Đột nhiên hai tay má run lẩy bẩy, má kêu khẽ:
Trời ơi! Trời ơi! Thật thế sao? Rêmi đó sao? Tôi đứng lên, chạy xổ đến ôm má:
Má!
Con! Con tôi đây mà!
Hẳn thế, nếu má không ngày đêm nhớ con thì có đâu mà nhận ra con ngay: con đã thay đổi nhiều, lớn thổi lên, khỏe ra!
Một tiếng khịt mũi nén lạí nhắc tôi nhớ rằng có Mát- chi-a núp đằng sau giường. Tôi gọi nó, nó đứng lên.
Đây là Mátchia, em con.
Ồ! – Má reo lên. – Con đã tìm ra bố mẹ ư?
Không. Con muốn nói đó là bạn nghề nghiệp của con, bạn chí thiết của con. Và đây là Capi, cũng là bạn nghề nghiệp, là bạn chí thiết của con. Capi, chào bà mẹ của chủ mày đi.
Capi đứng lên trên hai chân sau, đặt một chân trước ngực và cúi chào trịnh trọng, làm má Bácbơranh cười và ráo cả nước mắt. Mátchia không bị một lý do nào làm cho quên cái trò bất ngờ như tôi, cho nên nó ra hiệu nhắc tôi. Tôi bảo má:
Nếu má vui lòng thì má con ta ra sân một lát. Con muốn xem cây lê quý mà đã nhiều lần con khoe với Mátchia.
Ta cũng nên đi xem mảnh vườn của con, vì má vẫn giữ nguyên như con xếp đặt, để khi con trở về thì sẽ tìm thấy cảnh xưa. Bao giờ má cũng tin rằng con sẽ trở vể, mặc dù thiên hạ nói này nói nọ.
Những củ cúc vu con trồng, má có thấy ngon không?
Hóa ra cái bất ngờ là cửa con đấy à? Má cũng đoán như vậy. Lúc nào con cũng ưng chơi trò bất ngờ.
Đã đến lúc rồi! Tôi nói:
Còn cái chuồng bò, từ khi vắng con Rútxét tội nghiệp thì có gì thay đổi không? Con Rútxét, cũng như con, nó chả muốn đi.
Không có gì thay đổi, hẳn thế. Má chất củi ở đó.
Lúc bấy giờ chúng tôi vừa đến đứng trước chuồng bò. Má Bácbơranh đẩy cửa. Con bò đang đói, chắc nghĩ người ta đến cho ăn, nên rống lên tức khắc. Má Bácbơranh hét:
– Bò! Chao ôi! Trong chuồng có bò!
Không nén được nữa, Mátchia và tôi cười vang. Má Bácbơranh kinh ngạc nhìn chúng tôi. Nhưng chuyện con bò bị nhốt sẵn trong chuồng này là chuyện quá hoang đường, chúng tôi có reo cười bao nhiêu, má cũng không vỡ lẽ. Tôi nói:
Đây là một điều bất ngờ chúng con biếu má, nó cũng xứng với củ cúc vu má không ước mà có, phải không má.
Một trò bất ngờ, một trò bất ngờ! – Má lặp đi lặp lại.
Con không muốn trở về nhà má Bácbơranh hai tay không, bà má đã tốt đến thế với bé Rêmi cù bơ cù bất. Nghĩ mãi xem món quà gì có ích cho má hơn hết con thấy không gì hay hơn là có một con bò sữa má nuôi thay con Rútxét. Chúng con mua con bò này ở chợ phiên Uýtxen với số tiền anh em chúng con kiếm được!
Má Bácbơranh ôm tôi vào lòng, kêu lên:
– Ôi, thằng con quý hóa, thằng bé mến yêu!
Thế rồi chúng tôi vào chuồng bò để má nhìn cho kỹ con bò sữa đã trở thành bò của má. Mỗi khi tìm thấy một dấu hiệu gì tốt trên con bò, má reo lên sung sướng, khâm phục: “Con bò tốt làm sao!”. Bỗng má ngưng lại, nhìn tôi:
Này! Thế là con đã trỏ nên giàu có chăng?
Có lẽ thế! – Mátchia vừa cười vừa nói. – Anh em chúng con còn những năm mươi tám xu.
Má Bácbơranh lặp lại điệp khúc trước, nhưng có thay đổi: “Hai thằng bé mến yêu!”. Tôi sung sướng thấy má nghĩ đến Mátchia và gộp cả hai đứa vào một mối tình yêu mến.
Con bò vẫn kêu rống lên. Mátchia nói:
Nó đòi người ta vắt sữa cho nó đấy.
Không để ý nghe ngóng gì nữa, tôi chạy vào trong nhà tìm cái thùng thiếc đem kỳ cọ thật sạch. Cái thùng này trước kia vẫn dùng để vắt sữa con Rútxét và vẫn treo ở chỗ cũ, mặc dầu đã từ lâu chẳng còn bóng dáng bò bê gì trong chuồng của má Bácbơranh cả. Tôi múc đầy thùng nước rửa sạch vú bò bám đầy bụi đường.
Thấy đến ba phần tư thùng đầy một thứ sữa đẹp mỡ màng, má Bácbơranh vui sướng vô cùng. Má nhận xét:
Có lẽ nó mọng sữa hơn con Rútxét! Mátchia nói:
Lại còn ngon nữa chứ! Ngửi như mùi hoa cam.
Má Bácbơranh ngạc nhiên nhìn Mátchia; hẳn là má đương nghiệm xem cái mùi hoa cam là mùi gì.(1)
Mátchia không bao giờ giữ riêng cho mình những điều hiểu biết. Nó nói tiếp:
– Đó là món sữa tuyệt ngon cháu được uống ở bệnh viện khi ốm phải nằm ở đó.
Vắt sữa xong, sau khi thả bò giữa sân để cho nó ăn cỏ, chúng tôi trở vào nhà. Trên chiếc bàn giữa nhà, trong khi vào lấy thùng đựng sữa, tôi đã bày biện bơ và bột ra. Khi má Bácbơranh trông thấy những món không ước mà có này nữa, thì má lại kêu lên. Nhưng lòng thành thật buộc tôi phải ngăn má:
Chỗ quà này sắm ra là để cả cho chúng con nữa chứ không phải dành riêng cho má. Chúng con đói đến suýt chết đây và chúng con muốn ăn bánh kẹp. Má có nhớ cái ngày thứ ba ngả mặn cuối cùng mà con còn ở nhà này không? Cái ngày ấy, má con ta bị cản trở, chỗ bơ má vay để làm bánh kẹp cho con lại bị dùng để phi hành trong chảo. Lần này thì chúng ta không bị quấy rầy đâu.
Con biết ông Bácbơranh hiện ở Pari à?
Vâng.
Thế con có biết ông ấy đi Pari làm gì không?
Không, má ạ.
Cái này quan hệ đến con đó, con ạ.
Quan hệ đến con? – Tôi kêu lên, sợ hãi.
Ồ! Má cứ nói trưỡc mặt Mátchia đi! Con đã bảo nó là anh em với con mà, cái gì quan hệ đến con thì cũng quan hệ đến nó.
À, cái việc này nói ra thì cũng dài lắm…
Ông Bácbơranh sắp về chăng?
Ồ! Không.
Thế thì không việc gì phải vội, ta hãy lo cái khoản bánh kẹp cái đã, rồi sau má hãy bảo cho con biết việc ông Bácbơranh đi Pari có lý thú gì đối với con. Không sợ ông ta về phi hành trong chảo của mình nữa thì không vội gì. Má có trứng không?
Không, má không còn gà.
Chúng con không mua trứng về cho má vì sợ mang đi vỡ. Má có thể đi vay không?
Má có vẻ lúng túng. Tôi mới vỡ lẽ rằng má vay quá nhiều bận rồi, bây giờ khó nói vay thêm. Tôi nói: Thôi, để con đi mua thì hơn, còn má ở nhà nhào bột với sữa. Mua trứng đằng lão Xôkê phải không má? Con chạy đi đây. Má bảo Mátchia bổ củi, nó bổ giỏi lắm.
Đến quán lão Xôkê, tôi mua một tá trứng, lại mua thêm một thẻo mỡ. Về nhà thì bột đã nhào sữa, chỉ còn có việc đánh trứng vào mà thôi. Đành rằng bột sẽ không kịp dậy, nhưng chúng tôi đói quá, chờ sao được. Dù bánh làm như thế ăn có hơi nặng bụng, hai cái dạ dày khá khỏe của chúng tôi cũng phớt đều.
Má Bácbơranh vừa đánh bột vừa nói:
Này, con ngoan như vậy mà cớ sao chẳng bao giờ con nhắn tin về cho má cả? Con có biết rằng nhiều khi má tưởng con chết rồi không, vì má tự nhủ: nếu Rêmi còn sống thì chắc thế nào nó cũng viết thư về cho má Bácbơranh của nó chứ?
Nhưng má Bácbơranh của con không ở một mình. Con biết má sẽ không tự đọc được những bức thư con viết mà bên cạnh má có ông bố Bácbơranh mà con rất sợ. Ông ấy là ông chủ duy nhất trong nhà, ông đã tỏ quyền hành của ông ta khi bán con với giá bốn mươi phờrăng cho một ông cụ nhạc sĩ.
Rêmi, đừng có nhắc làm gì những chuyện ấy con!
Con nhắc không phải để mà ca thán mà để cho má hiểu vì sao con không dám viết thư cho má thôi. Con sợ để người ta tìm thấy thì sẽ bị bán đi lần nữa, mà con thì chẳng muốn bán đi tí nào. Chính vì thế mà khi con mất ông chủ già của con, ông ấy là một người tốt, con cũng không viết thư cho má.
Ồ! Ồng nhạc sĩ già ấy chết rồi à?
Vâng, và con khóc ông cụ rất nhiều, bởi vì con biết những gì ngày nay và con tự kiếm sống được là nhờ ông ấy. Sau khi ông cụ qua đời, con cũng được những người tốt cưu mang và con làm với họ. Nhưng nếu con viết thư nói với má: “Con làm vườn ở khu Glaxie” thì e ông Bácbơranh đến bắt con mất! Hoặc là ông sẽ đến đòi tiền công ở những người tốt bụng ấy, cả hai việc ấy con đều không muốn.
Ừ, má hiểu rồi.
Dù thế nào, con vẫn nhớ má và một đôi khi gặp chuyện buồn khổ, con vẫn thầm kêu cứu má. Đến khi con được tự do muốn làm gì thì làm thì con về hôn má đây. Không về ngay, đành thế, vì có phải muốn cái gì là người ta làm được cái đấy đâu, vả lại con có một ý định không dễ gì thực hiện. Phải kiếm đủ tiền tậu bò thì mới có bò đem về cho má chứ, mà tiền thì nó không rơi lộp bộp vào túi chúng con thành những đồng năm phờrăng tươi tốt. Phải đánh bao nhiêu bản đàn dọc đường, bản vui có, bản buồn có, phải đi nhiều, phải đổ mồ hôi, chịu thương chịu khó, chịu thiếu thốn mọi bề! Nhưng càng vất vả bao nhiêu lại càng sung sướng bấy nhiêu, phải thế không Mátchia?
Mỗi tối lại đem tiền ra đếm, không những đếm chỗ làm ra ngày hôm đó, lại đếm cả số đã có từ trước để xem nó gấp đôi chưa!
Chao ôi! Hai thằng con quý hóa! Hai thằng bé mới ngoan làm sao!
Má Bácbơranh quấy bột đổ làm bánh, Mátchia bổ củi, còn tôi vừa kể chuyện vừa bày cốc đĩa trên bàn. Rồi tôi ra giếng múc nước. Lúc trở vào thì chậu đã đầy một thứ bột sền sệt, màu vàng óng ả, còn má thì đang cọ chảo bằng một nùi rơm. Mátchia bỏ từng que củi vào bếp để nuôi ngọn lửa hồng rất đượm trong lò. Ngồi xổm bên bếp, con Capi theo dõi mọi việc với đôi mắt cảm kích; nó bị nóng quá, thỉnh thoảng giơ một chân lên, rồi lại đổi chân khác, mồm kêu khe khẽ. Ánh lửa chói chang len vào những xó tối, mấy hình nhân in trên vải màn nổi lên nhảy múa, những hình nhân xưa kia bao lần làm tôi khiếp sợ những khi tỉnh giấc dưới ánh trăng.
Má Bácbơranh đặt chảo lên bếp, lấy dao xén một lát bơ gảy vào chảo, bơ tan ngay. Mátchia bất chấp nóng bỏng cúi sát trên chảo reo: “Thơm quá!”. Bơ reo líu ríu, Mátchia hét: “Nó hát kìa! Chao ôi! Tớ phải đệm đàn cho nó mới được”.
Đối với Mátchia thì làm cái gì cũng phải có nhạc. Nó lấy chiếc vĩ cầm ra và nhẹ nhàng, tỉ tê nó đệm đàn cho khúc ca của cái chảo, khiến má Bácbơranh cười vang. Tuy nhiên giây phút này nghiêm trọng quá, không phải là lúc vui đùa. Má Bácbơranh vục chiếc môi vào chậu bột, múc một môi: bột tràn chảy xuống thành những sợi chỉ bạc. Má đổ bột vào chảo; bột loang thành một vạt trắng, còn bơ thì tản ra chung quanh viền một dường màu hung. Đến lượt tôi chồm tới. Má Bácbơranh vỗ vào cán chảo rồi trở tay một cái, má đã hắt cái bánh lên cao, làm Mátchia hoảng hốt. Nhưng không can gì! Ngao du trên không trung một thoáng, cái bánh lại rơi vào chảo, lật trái lại, phơi mặt vàng lên trên. Tôi vừa kịp cầm cái đĩa lên thì bánh đã trượt vào đĩa. Chiếc này dành cho Mátchia. Nó bị nóng bỏng cả tay, môi, lưỡi, họng, nhưng hề gì! Nó chẳng thèm nghĩ tới chuyện bỏng. Bánh đầy cả mồm, nó nói: “Chao ôi! Ngon quá!”.
Đến lượt tôi chìa đĩa ra, rồi cũng bị nóng bỏng mồm bỏng miệng. Nhưng cũng giống như Mátchia tôi phớt lạnh.
Cái bánh thứ ba đã vàng và Mátchia chìa tay ra, nhưng con Capi sủa một tiếng dữ dội: nó đòi phần nó.
Thế là công bằng, cho nên Mátchia trao bánh cho nó, khiến má Bácbơranh không bằng lòng, vì sao lại cho chó ăn như người?… Để an ủi má, tôi giải thích cho má rõ con Capi là một con chó biết diễn trò, vả lại nó cũng có đóng góp vào số tiền mua bò. Ngoài ra, nó là bạn nghề nghiệp của chúng tôi, nó phải ăn như chúng tôi, cùng với chúng tôi mới hợp lẽ. Vả lại má đã nói rằng má không động tới bánh kẹp chừng nào cơn đói của chúng tôi chưa dịu đi.
Phải lâu lắm, cơn đói nhất là sự háu ăn của chúng tôi mới dịu đi. Nhưng mãi rồi cũng đến lúc hai chúng tôi đồng thanh tuyên bố nếu má không ăn vài miếng thì chúng tôi cũng kiên quyết không ăn thêm một chiếc nào. Và thế là đến lượt tôi, rồi Mátchia muốn tự mình làm bánh kẹp. Bỏ bơ, đổ bột vào chảo không khó, chỉ có cái khoản hắt chảo để cho bánh nhảy lên thì chúng tôi vung tay quá. Tôi đưa một chiếc vào tro, còn Mátchia hắt một chiếc nóng bỏng lên tay nó.
Cuối cùng, khi đã vét hết chậu bột thì Mátchia muốn ra sân xem con bò ăn uống ra sao. Và thế là không nghe bàn tới bàn lui gì hết, nó đi ra, để má Bácbơranh và tôi ở lại với nhau: nó đã nhận thấy má Bácbơranh không muốn nói đến “cái việc có quan hệ với tôi” ở trước mặt nó.
Còn tôi, chờ được đến lúc này, không phải là không nóng ruột, và đúng là cái việc làm bánh kẹp nó hấp dẫn quá nên tôi mới gác được chuyện kia.
Nếu lão Bácbơranh đang ở Pari thì, theo tôi đoán, là để tìm cụ Vitali đòi tiền thuê tôi những năm quá hạn. Tôi thì chẳng dính dáng gì vào chuyện ấy. Cụ Vitali chết rồi, còn trả được gì cho lão ta. Còn tôi thì lão đâu có quyển đòi gì ở tôi. Nhưng nếu không thể moi được tiền ở tôi thì lão có thể đòi tôi phải trả cái con người tôi cho lão. Tóm được tôi, lão lại đem cho mướn, ai mướn cũng được, miễn cứ trả cho lão một món tiền. Chính là tôi phải quan tâm đến điều đó và có thể phải quan tâm rất nhiều bởi vì tôi quyết tâm làm đủ mọi cách cho đến cùng mới chịu khuất phục uy quyền lão Bácbơranh ghê tởm! Nếu cần, tôi sẽ đi ra khỏi đất Pháp, tôi có thể sang Italia với Mátchia, mà cũng có thể sang châu Mỹ, đi đến tận cùng thế giới!
Suy nghĩ như thế tôi tự dặn mình phải thận trọng với má Bácbơranh. Không phải là tôi nghi ngờ má, má thân yêu. Tôi biết rằng má yêu quý tôi biết bao nhiêu, má hết lòng với tôi bao nhiêu! Nhưng má vốn sợ ông chồng, tôi đã rõ! Nếu tôi thổ lộ quá đà với má, tất vô tình má có thế nhắc lại với lão Bácbơranh, khiến lão có thể đuổi theo tôi và tóm cổ tôi. Nếu xảy ra như vậy thì rõ ràng là cũng vì tôi một phần! Bởi thế, tôi phải giữ ý.
Mátchia đi khỏi rồi, tôi hỏi má Bácbơranh:
Bây giờ chỉ còn má với con, má hãy cho con biết việc ông Bácbơranh đi Pari vì sao lại liên quan đến con?
Hẳn chứ, má vui lòng nói lắm.
Vui lòng nói? – Tôi thẳng thắn hỏi.
Má không nói tiếp mà ra cửa nhìn. Khi đã yên lòng, má trở lại và nụ cười trên môi, má hạ giọng:
Hình như gia đình con tìm con!
Gia đình con!
Ừ, gia đình con, Rêmi ạ.
Con có gia đình ư? Con có gia đình, má ơi, con, cái thằng bị bỏ rơi này mà cũng có gia đình?
Chắc người ta không cố ý bỏ con đâu, vì giờ đây người ta đi tìm con mà lị!
Ai tìm con? Ôi! Má Bácbơranh ơi! Má nói đi nói đi, con van má!…
Nhưng không, không có thể như thế. Chỉ có ông Bácbơranh ông ấy tìm con mà thôi.
Ừ, đúng là ông Bácbơranh đi tìm đấy, nhưng tìm cho gia đình con.
Không, ông ấy tìm cho ông ấy đấy, tìm để bắt con lại, để bán con lần nữa. Nhưng ông ta không bắt con được đâu.
Chao ôi! Rêmi con, sao con nỡ nghĩ là má nhúng tay vào công việc ấy?
Ông ta muốn đánh lừa má đấy!
Nào Rêmi, hãy tỏ ra biết điều đi con! Con nghe những điều má nói con đây và đừng có sợ bóng sợ gió như vậy.
Con đâu có quên được!
Con hãy nghe má kể những điều chính tai má nghe thấy đây và chắc con sẽ tin, phải không? Tính tới ngày thứ hai tới đây là vừa tròn một tháng, hôm ấy má đương lục đục trong bếp thì một ngài tử tế vào nhà, lúc đó có ông Bácbơranh ở nhà.
Ông khách hỏi với giọng một người có lẽ không ở vùng ta: “Ông phải chăng là ông Bácbơranh? – Phải, chính tôi. – Có phải ông đã bắt được một đứa trẻ ở Pari, phố Brơtơi, và ông đã nhận nuôi nó? – Phải. – Thế bây giờ đứa bé ở đâu, mong ông cho biết. – Ngài cần biết để làm gì thưa ngài?”.
Giá tôi có nghi má Bácbơranh nói rõ thì đến đây, nghe câu trả lời sốt sắng của lão Bácbơranh, tất tôi cũng tỉnh ngộ rằng má nghe cái gì thì kể nguyên lại cái ấy. Má nói tiếp:
Con biết rằng ở trong bếp, có thể nghe hết những gì người ta nói với nhau ngoài nhà. Vả lại vì là việc của con nên má muốn lắng tai nghe. Lúc bấy giờ, má nhích lại gần và giẫm phải một cành củi làm nó gãy rắc. Ông khách hỏi: “Thế không phải chỉ có hai ta? – Đó là vợ tôi.
Ở đây bức quá! Nếu ông vui lòng thì chúng ta đi chơi để nói chuyện”. Cả hai ông đi ra và đến ba bốn tiếng đồng hồ sau, ông Bácbơranh mới trở về một mình. Con tưởng tượng xem má tò mò muốn biết đến thế nào câu chuyện ông Bácbơranh và cái ngài, có lẽ là bố con đã nói với nhau. Nhưng ông Bácbơranh không chịu nói hết. Ông chỉ bảo ông kia không phải là bố con, nhưng ông ta tìm con vì gia đình con.
Thế gia đình con ở đâu? Nó thế nào? Con có bố không? Có mẹ không? Cũng như con, má hỏi ông Bácbơranh những điều đó. Ông ấy bảo ông không
biết gì sất. Rồi ông nói tiếp là ông sẽ đi Pari để tìm cái ông nghệ sĩ đã mướn con, ông này để địa chỉ ở phố Luốcxin, tại nhà một nghệ sĩ khác tên là Garôphôli. Má nhớ rõ cái tên ấy, con cũng phải nhớ lấy!
Con đã biết, má cứ yên lòng. Từ ngày ra đi đến nay, ông Bácbơranh không tin cho má biết gì thêm nữa sao?
Không, chắc là ông ấy còn đang tìm. Ông khách đã cho ông ấy năm đồng Lui vàng, tức là một trăm phờrăng. Món tiền đó, cùng với những tã xinh đẹp đùm bọc con lúc bắt được con, chứng tỏ cha mẹ con giàu sang. Khi má thấy con ngồi ở chỗ kia, bên cạnh bệ sưởi, má ngỡ rằng con đã gặp cha mẹ, vì thế mà tưởng chú bạn của con đây là em con.
Vừa lúc ấy, Mátchia đi qua trước cửa, tôi gọi nó:
Mátchia! Bố mẹ tao đi tìm tao. Tao có gia đình, một gia đình thực sự, mày ạ!
Nhưng, lạ chưa! Mátchia không có vẻ gì tỏ ra chia nỗi vui sướng về niềm phấn khởi của tôi cả. Bởi vậy, tôi thuật cho nó nghe câu chuyện má Bácbơranh đã kể với tôi.
—————————
Mátchia quê ở Italia, có nhiều cam. Bà Bácbơranh ở một làn quê hẻo lánh nước Pháp thời ấy, không biết cam là gì.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.