Không Gia Đình

34. GIA ĐÌNH ĐƠRIXCƠN



Viên thư lại đưa tôi đi tìm gia đình là một lão già nhỏ bé, củ củ rù rù, cứng đờ, da dẻ nhăn nheo, mặc áo dài đen đã bợt và bóng, cổ đeo cà vạt trắng. Ra đến ngoài đường, lão ta xoa rối rít hai bàn tay, bẻ ngón tay và cườm tay “cục cục”, đá đá chân như muốn hất tung ra xa đôi ủng đã vẹt gót và nghếch mũi lên trời, lão hít mạnh sương mù luôn mấy nhịp, bộ điệu khoái trá của một người đã tù cẳng trong phòng.

Mátchiaa bảo tôi bằng mấy tiếng Italia: “Lão ta hít hít có vẻ thích thú lắm nhỉ?” Lão già nhìn chúng tôi không nói một lời, lão chỉ “sịt, sịt” như xuýt chó, như thế nghĩa là chúng tôi phải bám sát gót lão, đừng có để bị lạc.

Chẳng mấy chốc chúng tôi đã lọt vào một dãy phố nườm nượp xe cộ. Lão ta chặn một chiếc xe lại. Đây là một thứ xe lạ kiểu ở chỗ người đánh xe đáng lẽ ngồi trên ghế ngay sau ngựa thì lại vắt vẻo trên cao sau một thứ mui vải.

Lão già bảo chúng tôi lên xe, phía trước thì trống hoác. Lão trõ qua một lỗ hổng nói chuyện với người đánh xe. Nhiều lần tiếng “Bétnơn Gờrin” được nhắc đến và tôi đã ngờ rằng đó là tên cái khu phố bố mẹ tôi ở. Tôi cũng hiểu rằng “Gờrin” tiếng Anh có nghĩa là “xanh” và nó gợi cho tôi nghĩ rằng ở đó chắc là trồng nhiều cây cối xanh tươi, điều này xưa nay tôi rất thích thú. Như thế thì khác hẳn những phố xá tồi tàn ở Lơnđơn, vừa tối tăm vừa buồn tẻ mà chúng tôi đã đi qua khi mới đến. Hẳn là một ngôi nhà rất xinh trong đô thành lớn, chung quanh trồng cây.

Câu chuyện trao đổi khá lâu giữa hai người, khi thì người ngồi bên dưới phải dướn người lên tới lỗ hổng để giải thích cho người ngồi trên, khi thì bác đánh xe muốn từ trên cao tụt xuống qua lỗ hổng để nói cho rõ rằng mình chẳng biết chút gì về điều mà người khách đang nói.

Mátchia và tôi ngồi dồn vào một góc, con Capi ngồi giữa hai chân tôi. Nghe cãi cọ thế ấy, tôi ngạc nhiên cớ sao một người đánh xe chở thuê như vậy lại có thể không biết cái nơi tươi mát như là “Bétnơn Gờrin” ấy? Ở Lơnđơn có nhiều khu phố xanh tươi chăng? Cũng khá lạ đấy! Cứ như chúng tôi đã thấy, có lẽ nhiều bồ hóng hơn thì phải!

Chúng tôi đi khá nhanh trong những đường phố rộng, rồi vào những phố hẹp, rồi đến những phố rộng nhưng hầu như chẳng thấy rõ gì chung quanh mình, sương mù dày đặc che phủ tất cả. Trời đã chuyển lạnh, vậy mà chúng tôi cảm thấy khó thở như bị nghẹt. Đó là Mátchia với tôi thôi, còn viên thư lại dẫn đường thì trái lại lão tỏ ra rất khoan khoái. Rõ ràng lão ta hít mạnh khí trời, miệng há to, mũi phồng lên hít lấy hít để. Dường như lão ta cố sống cố chết tích lấy một khối lượng lớn khí trời vào trong phổi. Thế rồi, thỉnh thoảng lão lại tiếp tục bẻ tay cục cục và duỗi chân duỗi cẳng; cứ như lão ta phải ngồi yên hàng bao nhiêu năm trời, không được cử động và không được thở!

Cứ nghĩ rằng chỉ trong chốc lát, vài giây đồng hồ chưa chừng, tôi sẽ được ôm hôn bố mẹ tôi, anh chị tôi, mối xúc cảm lại khiến tôi phát điên lên được! Thế nhưng tôi vẫn rất muốn được nhìn cái thành phố chúng tôi đi qua. Chẳng phải là thành phố của tôi, quê cha đất tổ của tôi ư?

Nhưng dù đã hoài công mở to đôi mắt, tôi vẫn chẳng thấy gì hoặc hầu như chẳng thấy được chút gì ngoài mấy đốm lửa đỏ của ngọn đèn khí lập lòe trong sương mù tựa như trong một đám khói dày đặc. Ngay những chiếc đèn ló ở xe cộ qua lại cũng thấy rất lờ mờ. Thỉnh thoảng xe chúng tôi dừng đứng ngay lại để khỏi vướng phải, hoặc cán phải những người qua lại rất đông trên đường phố.

Xe vẫn chạy. Chúng tôi rời nhà Gơrét và Gơli đã rất lâu rồi; như thế, theo suy nghĩ của tôi, lại càng rõ là bố mẹ tôi ở tại miền thôn quê. Nhất định chỉ trong khoảnh khắc, chúng tôi sẽ đi ra khỏi đường phố chật chội để đi vào miền đồng nội.

Mátchia và tôi vẫn nắm tay nhau. Niềm tin sắp được gặp gia đình khiến tôi nắm tay nó thật chặt. Hình như chính trong lúc này, hơn tất cả lúc nào hết, tôi cần tỏ rõ cho nó biết rằng tôi là bạn chí thân, bạn suốt đời của nó. Nhưng đáng lẽ phải tới miền đồng quê, chúng tôi lại lọt vào những đường phố chật hẹp hơn, và nghe có cả tiếng còi xe lửa.

Thế là tôi nhờ Mátchia hỏi hộ người đưa đường xem chúng tôi đã sắp đến chỗ bố mẹ tôi chưa? Câu trả lời của Mátchia thật là ngán ngẩm: nó nghĩ rằng viên thơ lại nhà Gơrét và Gơli đáp là lão chưa hề đặt chân đến khu tụ tập của quân trộm cắp. Chắc là Mátchia nghe nhầm; nó không hiểu rõ câu trả lời của lão ấy. Nhưng nó vẫn khăng khăng cái từ thieves, từ Anh mà viên thơ lại dùng để trả lời nó, rõ ràng có nghĩa là quân trộm cắp, chắc chắn thế. Tôi bàng hoàng một chút nhưng rồi lại nghĩ thầm rằng viên thư lại kia sợ quân trộm cắp, chính vì chúng tôi đi vào miền đồng quê vắng vẻ và cái từ Gờrin đặt sau từ Bétnơn, có nghĩa rõ ràng là cây cối hoặc nội cỏ. Tôi nói ý nghĩ ấy với Mátchia và thế là cái điều lo sợ của lão cứ khiến chúng tôi cười mãi. Những kẻ không bao giờ ra khỏi thành phố đúng là ngốc ngếch.

Nhưng vẫn chưa có vẻ nông thôn tí nào! Phải chăng cái nước Anh chỉ là một thành phố đầy những đá và bùn tên gọi Lơnđơn? Cái thứ bùn này nó tràn ngập cả vào trong xe, nó bắn lên tận chúng tôi từng mảng đen ngòm; một mùi nhạt thếch bao quanh chúng tôi đã khá lâu rồi! Tất cả những cái đó chứng tỏ rằng chúng tôi hiện đương ở trong khu phố tồi tàn, có lẽ là khu phố cuối cùng, trước khi tới những nội cỏ của Bétnơn Gờrin.

Tôi cảm thấy như chúng tôi đương xoay quanh và thỉnh thoảng người lái xe lại cho xe đi chậm lại, hình như anh ta cũng ngập ngừng, không hiểu là đương ở nơi nào! Thình lình, anh ta dừng ngay xe lại và cái lỗ cửa phía trên chúng tôi mở ra.

Thế là một cuộc trao đổi, đúng hơn là một cuộc đôi co, nổ ra. Mátchia bảo tôi rằng theo như nó nghe được thì hình như người đánh xe không muốn đi xa hơn nữa vì anh ta không biết đường nữa rồi. Anh ta đòi phải chỉ dẫn kỹ hơn. Còn viên thư lại của Gơrét và Gơli vẫn trả lời một mực rằng chưa bao giờ lão ta đặt chân tới khu phố của bọn trộm cắp. Tôi nghe rõ cái từ thieves. Nhất định nơi đó không phải là Bétnơn Gờrin được. Vậy thì điều gì đã xảy ra? Cuộc đấu khẩu lại tiếp tục qua lỗ cửa nhỏ và hai bên đều phát cáu ngang nhau trong lời qua tiếng lại qua cái lỗ cửa ấy.

Cuối cùng, viên thư lại trả tiền cho người đánh xe đương lẩm bà lẩm bẩm, rồi bây giờ xuống xe, và lại “sịt, sịt, sịt” với chúng tôi. Rõ ràng chúng tôi phải xuống xe theo lão. Bây giờ thì chúng tôi đi trong một đường phố lầy lội. Một cửa hàng thắp đèn sáng choang; từ những tấm gương lớn, những mảng thiếp vàng và những cái chai vuông mặt, ánh sáng đèn khi phản chiếu sáng lòa ra ngoài đường phố, rồi xuyên qua đám sương dày ra tận con ngòi. Đó là một tiệm rượu mạnh, một ngôi nhà lầu trong đó bán rượu mạnh đủ loại, chế biến bằng chất rượu cất từ các thứ hạt hoặc từ củ cải đỏ.

Người đưa đường lại “sịt sịt”. Chúng tôi theo lão ta vào hiệu. Đúng là chúng tôi đã nhầm mà ngỡ rằng mình đương ở trong một khu phố tồi tàn; tôi chưa bao giờ được thấy một chốn nào lịch sự hơn: đâu đâu cũng là những tấm gương và những mảng thiếp vàng; quầy hàng thì dát bạc. Ấy vậy mà những người đứng trước quầy hàng, hoặc tựa vai vào tường hay là vào những thùng rượu, thì lại ăn mặc rách rưới. Có thể không đi giày, và cặp chân trần của họ, vì lội trong những bãi phân nhão nhoẹt, cũng đen xỉn như thể bôi xi đánh giày chưa kịp để cho khô. Trên cái quầy dát bạc ấy, người đưa đường chúng tôi mua một cốc nước trăng trắng thơm thơm, khoái trá uống cạn một hơi cũng như trước đó một chút, lão ta đã hít lấy hít để sương mù. Sau đó, lão nói chuyện với người bán hàng mặc áo xắn tay đến khuỷu. Nhất định lão ta hỏi đường, và tôi cũng không cần phải hỏi đến Mátchia nữa.

Chúng tôi lại ra đi, bám gót lão ta.

Đến đây đường phố hẹp lắm, cho nên dù có sương mù, chúng tôi vẫn trông thấy nhà cửa hai bên. Nhiều dây thừng chăng từ nhà nọ qua nhà kia, trên đó áo quần và tã rách vắt lòng thòng, chắc là không phải để phơi. Mình đi đâu đây? Tôi bắt đầu băn khoăn. Chốc chốc Mátchia liếc nhìn tôi, nhưng nó không hỏi chuyện.

Từ đường phố, chúng tôi đi vào một ngõ hẹp, qua một cái sân lại đến một ngõ phố nữa. Nhà cửa quãng này tồi tàn quá, tồi hơn cả những làng tồi tàn nhất bên nước Pháp. Một số lớn làm bằng ván gỗ như nhà xe hay chuồng bò vậy, nhưng chính lại là nhà ở. Ở các thềm nhà lố nhố những người đàn bà để đầu trần và trẻ con.

Khi có chút ít ánh sáng để nom rõ quanh mình thì tôi nhận thấy những người đàn bà này nước da tái, tóc vàng nhạt buông xõa xuống vai; trẻ con hầu như trần truồng, có chút ít quần áo gì trên người thì đều rách bươm. Ở ngõ phố nọ, lợn ủi trong một rãnh nước đọng lại hôi thối. Người đưa đường cho chúng tôi dừng lại. Chắc là ông ta mất phương hướng rồi. May lúc ấy có một người đi tới chỗ chúng tôi. Ông ta mặc áo khoác xanh, đội mủ da bóng; tay ông ta đeo lon nửa đen, nửa trắng, bao súng nịt ở thắt lưng. Đó là một viên cảnh sát của Thành phố Lơnđơn.

Hai người nói chuyện với nhau, sau đó, chúng tôi lại đi qua nhiều ngóc ngách, sân nhà, đường phố khúc khuỷu. Hình như đây đó, có những nhà đổ nát. Cuối cùng, chúng tôi đến một cái sân, giữa có ao nước nhỏ. Người cảnh sát nói: “Sân Sư tử đỏ!”

Sao lại dừng lại ở đây? Ồ đây không thể là Bétnơn Gờrin. Bố mẹ ta đâu lại ở cái sân này cơ chứ! Thế thì tại sao?

Tôi không có thì giờ suy nghĩ về những nỗi băn khoăn ấy. Viên cảnh sát gõ cửa một thứ nhà xe bằng gỗ ván và người đưa đường cho chúng tôi cảm ơn ông ta. Chúng tôi đến nơi rồi sao?

Mátchia siết tay tôi, – nó vẫn giữ tay tôi từ đầu, – và tôi siết tay nó. Chúng tôi cảm thông với nhau. Nỗi khắc khoải trong lòng tôi cũng bóp thắt trái tim nó.
Quá xúc động, tôi không biết người ta mở cửa đón chúng tôi như thế nào sau khi viên cảnh sát gõ cửa. Chỉ từ khi vào cái buồng lớn có ánh đèn, có lửa sưởi đốt bằng than đá sau tấm lưới sắt, chỉ từ khi ấy, sự việc mới được tôi ghi nhớ. Trước bếp lửa, trong một chiếc ghế bành rơm, trông như cái bệ thờ thánh khoét lõm vào tường, có một ông cụ già ngồi im lìm như một pho tượng, râu bạc trắng, đầu đội mũ chụp đen. Một người đàn ông và một người đàn bà ngồi đối diện nhau, ở hai bên một chiếc bàn. Người đàn ông trạc bốn mươi, mặc quần áo bằng nhưng màu xám, vẻ mặt thông minh nhưng khắc nghiệt; người đàn bà trẻ hơn chừng năm sáu tuổi, tóc vàng rủ xuống chiếc khăn kẻ ô đen trắng choàng qua trước ngực. Mắt bà mơ màng vô định, và trên gương mặt, ngày xưa chắc là đẹp, cũng như trên cử chỉ uể oải người ta thấy dáng của một người hờ hững, vô tình. Trong phòng còn có bốn đứa trẻ, hai trai, hai gái, đều tóc vàng, một màu vàng nhạt như mẹ. Đứa lớn nhất khoảng mười một, mười hai, hai đứa sau là trai, đứa bé nhất chưa đầy ba tuổi, nó lê la dưới đất.

Thoáng một cái, tôi đã thấy hết tất cả cảnh đó, trước khi viên thư lại của Gơrét và Gơli nói chuyện với tôi.
Lão ta nói cái gì? Tôi chỉ nghe loáng thoáng và chẳng hiểu gì hết, trừ cái tên Đơrixcơn, cái tên của tôi mà người chức việc đã bảo cho biết là tôi nghe được mà thôi.

Tất cả các con mắt đều quay nhìn về phía Mátchia và tôi, kể cả mắt của cụ già ngồi im. Chỉ có đứa bé gái là chú ý đến Capi. Người đàn ông mặc đồ nhung xám hỏi bằng tiếng Pháp.

Trong hai chú, chú nào là Rêmi? Tôi bước lên một bước nói:

Tôi!

Thế thì lại hôn cha đi, con!

Trước đây, khi nghĩ tới phút đoàn viên này, tôi cứ hình dung rằng tôi sẽ cảm thấy có một sức bật bên trong nó đẩy tôi vào lòng bố tôi. Nhưng bây giờ tôi không cảm thấy sự phấn chấn đó. Tuy vậy tôi vẫn bước đến ôm hôn bố tôi. Bố tôi nói:

– Và đây là ông con và kia là mẹ con và các em con.

Trước hết tôi đến bên mẹ tôi và ôm mẹ. Mẹ tôi để cho tôi ôm hôn nhưng không hôn trả; mẹ chỉ nói vài câu mà tôi không hiểu. Bố bảo tôi:
– Bắt tay ông đi con, và nhè nhẹ đó! Ông bị bại liệt.

Tôi lại bắt tay hai em trai và em gái lớn. Tôi định bế em bé, nhưng vì mải vuốt ve con Capi, em xô tôi ra. Tôi vừa đi từ người này qua người khác như thế, vừa lấy làm bất mãn với mình. Sao thế chứ? Sao mà được trở về giữa cha mẹ anh em như thế này, tôi không cảm thấy vui sướng hơn trước? Tôi có cha, có mẹ, có em trai, em gái, lại có ông, tôi được đoàn tụ với người thân thế này mà sao tôi lạnh nhạt! Tôi đã chờ mong cái phút này thiếu điều phát sốt lên; tôi sung sướng như điên như dại khi nghĩ rằng tôi cũng sắp có một gia đình như ai, cũng có cha mẹ để yêu thương và được yêu thương. Thế mà giờ đây tôi lúng ta lúng túng, ngắm nhìn cha mẹ tôi một cách tò mò, không tìm thấy trong lòng mình một chút gì, một lời trìu mến chẳng hạn, để bày tỏ với người thân. Tôi là một con yêu, con quái chăng? Tôi không xứng đáng có gia đình chăng?

Ví thử tôi tìm thấy cha mẹ tôi ở trong một tòa lâu đài chứ không phải ở một nhà chứa xe như thế này thì những niềm trìu mến yêu thương đã dậy lên trong lòng tôi chăng? Ý nghĩ ấy làm cho tôi nghẹn ngào vì xấu hổ. Tôi lại đến trước mẹ tôi, ôm hôn mẹ lần nữa, hôn bằng cả hai môi không dè dặt. Chắc là mẹ tôi không hiểu nguyên do gì khiến tôi trở nên cuồng nhiệt như thế, cho nên đáng lẽ ra hôn lại tôi thì bà nhìn tôi cũng với cái vẻ hững hờ uể oải lúc trước. Rồi bà nhún vai nhè nhẹ, nói với bố tôi mấy câu làm cho bố tôi cười mà tôi không hiểu. Thái độ ghẻ lạnh của mẹ và tiếng cười của cha làm tôi nát lòng. Tôi cho rằng đối xử như thế đáp lại sự bộc lộ tình cảm của tôi là không thỏa đáng. Nhưng tôi không có thì giờ suy tưởng miên man vì bố tôi đã trỏ tay vào Mátchia mà hỏi:

– Còn chú này là ai?

Tôi bày tỏ những mối liên hệ đã buộc tôi với Mátchia; tôi cố đưa tình bạn của tôi vào lời lẽ và cố nói lên cái ơn của nó đối với tôi.

Ừ, nó muốn đi cho biết đó biết đây! Tôi toan trả lời thì Mátchia nói hớt:
Thưa ông, đúng đấy!

Thế còn lão Bácbơranh? – Bố tôi hỏi. – Sao lão không đến?

Tôi nói Bácbơranh đã chết rồi và đó là điều thất vọng lớn nhất của tôi lúc đến Pari khi được nghe má Bácbơranh bảo cho biết bố mẹ tìm tôi. Bố tôi dịch lại cho mẹ nghe. Tôi thấy chừng như mẹ tôi đáp là hay lắm hoặc tốt lắm gì đó. Điều chắc chắn là mẹ tôi nói đi nói lại nhiều lần những tiếng “well” và “good” mà tôi biết. Tại sao Bácbơranh chết đi lại là hay, là tốt nhỉ? Đó là điều tôi tự hỏi mà không trả lời được. Bố tôi lại hỏi:

Con không biết tiếng Anh?

Không. Con chỉ biết tiếng Pháp và cũng biết tiếng Italia nữa vì có học với ông chủ đã mướn con nơi ông Bácbơranh.
Ông Vitali.

Bố đã biết…

Bácbơranh nói cho bố biết tên ông ta, cách đây ít lâu bố sang Pháp để tìm con. Chắc con cũng tò mò muốn biết vì sao đã mười ba năm, bố mẹ không lùng kiếm con mà đùng một cái lại nảy ra cái ý đi tìm Bácbơranh!
Chao ôi! Vâng, tò mò lắm! Thật tình là con muốn được biết lắm!

Ừ thì lại bên bếp lửa đây, bố sẽ thuật lại cho con nghe.

Khi vào nhà thì tôi đã cởi đàn dựng tựa vách. Bây giờ thì cởi xắc ra và ngồi vào chỗ bố tôi chỉ. Nhưng khi tôi duỗi chân lấm ướt ra trước bếp lửa thì ông tôi không nói năng gì cả, phun khạc về phía tôi như một con mèo già nổi nóng. Tôi biết là tôi quấy ông cụ, nên co chân lại. Bố tôi nói:

Con chẳng cần bận lòng! Ông cụ không thích người ta đến sưởi lửa của ông cụ, nhưng nếu con thấy rét thì cứ việc sưởi, không cần phải nể nang gì ông cả.
Tôi lấy kinh ngạc khi nghe nói như thế về ông già râu trắng phau phau kia. Tôi tưởng rằng nếu có một người cần được nể nang thì chính là ông cụ. Vì thế, tôi cứ để chân dưới ghế. Bố tôi nói:

Con là con lớn của bố mẹ. Lúc bố cưới mẹ thì có một người con gái trước đó cứ tưởng rằng bố sẽ lấy cô ta. Bởi vậy cô ta coi mẹ là người tình địch và căm thù mẹ dữ dội. Để báo thù, đúng cái ngày con được sáu tháng, cô ấy đánh cắp con, mang con sang Pháp, đến Pari vứt con ở đường phố. Bố mẹ đã hết sức tìm kiếm, nhưng không đến tận Pari vì không ngờ rằng người ta mang con đi xa như thế. Bố mẹ không tìm thấy con, đã tưởng con chết rồi và mất hẳn, thì cách đây ba tháng, người đàn bà ấy lâm bệnh ngặt nghèo đã thổ lộ hết sự thật trước khi nhắm mắt. Lúc bấy giờ, bố tức tốc sang Pháp, tìm đến ông cẩm ở khu phố mà người ta vứt con. Ở đấy người ta cho biết rằng một người thợ nề tỉnh Cơrơdơ đã nhận con về nuôi, và đó chính là người đã nhặt được con. Tức thời bố đi Savanông hỏi Bácbơranh. Lão nói lão đã cho Vitali thuê con, Vitali là một nhạc sĩ rong, cho nên con đang dạo nước Pháp với ông già ấy. Vì bố không thể ở lại bên Pháp để đuổi theo Vitali nên bố cậy Bácbơranh và đưa tiền cho lão ta để khi tìm được con thì cho những người thừa biện lo việc cho bố biết. Bố không để địa chỉ ở đây cho lão là vì chúng ta chỉ ở Lơnđơn trong mùa đông thôi. Mùa nóng ấm thì chúng ta đi khắp nơi trên đất Anh và đất Êcốtxơ để bán hàng rong mang theo xe cộ và cả gia đình. Thế đấy, con ạ, ta đã tìm lại được con và sau mười ba năm cách biệt, con đã trở về vị trí của con trong gia dinh như thế đây. Bố biết rằng tất thế nào con cũng còn sợ sệt khó gần, vì con chưa hề biết những người thân trong nhà ta và hai bên lại chưa hiểu được tiếng nhau. Nhưng bố hy vọng rằng con sẽ chóng sống quen trong nhà này.

Đúng, tôi sẽ chóng quen thôi. Cái đó dĩ nhiên quá bởi vì tôi trở về giữa gia đình tôi, và những người chung sống với tôi là cha tôi, mẹ tôi, các em trai, em gái tôi.
Những chiếc tã đẹp mách bảo sai rồi. Đối với má Bácbơranh, em Lidơ và bác Acanh, đối với những ai chở che đùm bọc tôi thì đây là điều không may. Tôi không thể giúp đỡ họ như tôi mơ ước. Bán hàng rong, mà lại ở trong cái nhà chứa xe như thế này thì có đâu phải là người lắm tiền nhiều của! Nhưng đối với tôi thì nghĩ cho kỹ, chẳng có hề gì! Tôi có gia đình, thế là đủ, còn cái việc tưởng tượng rằng mình là con nhà giàu thì chẳng qua là một giấc mơ con trẻ, có xá gì. Tình ở bên trên tiền, tôi không cần tiền bạc, tôi chỉ cần trìu mến yêu thương.

Trong khi tôi chăm chăm chú chú nghe chuyện bố tôi thì bữa cơm tối đã dọn lên: những chiếc đĩa nhỏ hoa xanh bày quanh một đĩa sắt lớn đựng một tảng thịt bò bỏ lò, chung quanh xếp đầy khoai tây.
Bố tôi hướng về Mátchia và tôi mà hỏi:

– Hai đứa nhỏ có đói không?

Mátchia không đáp, nhe hàm răng trắng nõn ra.

– Thế thì chúng ta dùng bữa đi thôi. – Bố tôi nói.

Trước khi ngồi vào bàn ăn, bố tôi đẩy chiếc ghế bành của ông tôi đến bên bàn. Rồi bố ngồi xuống, quay lưng lại bếp và bắt đầu cắt miếng thịt thăn bò quay; ông xé cho chúng tôi mỗi người một lát lớn, kèm với khoai tây. Tôi không nuôi dạy theo phép lịch sự xã giao, nói cho đúng thì tôi không được giáo dục gì cả. Nhưng tôi cũng nhận thấy rằng các em tôi thường thường lấy tay bốc thức ăn, nhúng cả ngón tay vào nước xốt rồi đưa lên miệng liếm mà hình như bố mẹ tôi không để ý. Còn ông tôi thì chỉ chăm chú vào cái đĩa của mình: bàn tay duy nhất dùng được của ông cụ cứ luôn luôn đưa từ đĩa lên mồm. Khi những ngón tay run rẩy làm sẩy ra một miếng thì mấy em trai tôi chế nhạo ông cụ.

Bữa tối xong, tôi ngỡ gia đình sẽ quây quần chung quanh ngọn lửa. Nhưng bố tôi bảo sắp phải tiếp mấy người bạn cho nên chúng tôi phải đi ngủ. Rồi ông cầm một cây nến đưa chúng tôi đến một buồng xép tiếp với buồng ăn, ở đấy có hai cỗ xe lớn thuộc loại những người buôn bán rong thường dùng. Bố tôi mở cửa một chiếc xe, trên ấy có hai cái giường đặt chồng lên nhau. Ông nói:

– Giường của các anh đâv. Ngủ ngon giấc nhé!

Tôi được gia đình tôi, – gia đình Đơrixcơn, – đón tiếp như thế đấy!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.