Không Gia Đình
39. ANH BỐP
Bị đưa về nhà lao một lúc lâu, tôi mới tìm thấy lý do vì sao tôi không được tha bổng: đó là vì quan tòa muốn chờ bắt được những người đã vào nhà thờ để xem tôi có đồng lõa với họ không! Ông ủy viên công tố có nói người ta đang theo vết họ. Thế là tôi sẽ đau đớn xấu hổ ngồi bên cạnh họ khi ra phiên tòa đại hình. Bao giờ đây? Khi nào người ta đưa tôi đến nhà lao tỉnh. Nhà lao ấy thế nào? Ở đâu? Nó có buồn thảm hơn nhà lao này không? Trí óc tôi mải bận rộn về những câu hỏi ấy cho nên thì giờ đi nhanh hơn hôm qua. Tôi không còn nôn nóng đến phát sốt lên, đến cháy ruột cháy gan nữa; tôi hiểu rằng phải chờ đợi. Khi thì đi đi lại lại, khi ngồi nghỉ trên ghế dài, tôi đợi.
Lúc gần tối, tôi nghe một hồi kèn đẩy và nhận ra đó là lối chơi kèn của Mátchia. Thằng bé tốt quá, nó muốn tin cho tôi biết là nó nghĩ đến tôi và đang rình chờ. Hồi kèn bay qua trên đầu bức tường chắn đằng trước cửa sổ mà vọng đến tôi. Tất nhiên là Mátchia đứng bên kia tường ở ngoài phố và chỉ có một khoảng cách ngắn chừng dăm ba thước, giữa hai chúng tôi. Khốn nạn thay, mắt chúng tôi không xuyên qua tường được. Nhưng mắt không xuyên tường thì tiếng vượt tường. Lẫn với tiếng kèn, có tiếng chân người, tiếng huyên náo. Tôi đoán có lẽ Mátchia và anh Bốp biểu diễn ở đó.
Tại sao họ chọn chỗ này nhỉ? Vì đắt khách hay chỉ để nhắn giúp cho tôi? Thình lình tôi nghe một giọng trong trẻo, giọng Mátchia nói lớn bằng tiếng Pháp: “Ngày mai, lúc tảng sáng!”. Rồi tức khắc tiếng kèn đẩy lại vang lên, ồn ào hơn nữa.
Không cần động não lắm cũng biết rằng Mátchia không nói câu: “Ngày mai, lúc tảng sáng” với công chúng người Anh của nó. Nó nói với tôi đấy! Ngược lại không dễ gì đoán ra ý nghĩa của mấy tiếng ấy! Tôi lại tự đặt mình một loạt câu hỏi mà không tìm được những câu trả lời cho hợp lý.
Chỉ có mỗi một điều này là rõ ràng cụ thể: đó là sáng hôm sau, lúc tinh mơ, tôi phải thức dậy và sẵn sàng. Từ bây giờ cho đến lúc đó, chỉ có việc cố gắng đừng sốt ruột. Trời vừa tối tôi lên võng nằm, cố ngủ. Tôi nghe đồng hồ điểm liên tiếp mấy lần, cuối cùng tôi thiếp đi. Lúc thức dậy thì đêm đang dày đặc sao lấp lánh trên vòm trời mờ mịt, bốn bề lặng ngắt. Chắc là còn lâu mới tới sáng. Tôi đến ngồi trên ghế, chứ không dám đi lại sợ người ta chú ý nếu người ta đi tuần. Tôi ngồi chờ. Lát sau, một tiếng đồng hồ nào đó điểm tuần ba tiếng. Hóa ra tôi đã thức dậy quá sớm. Tuy nhiên tôi không dám ngủ lại, vả lại, dù có muốn ngủ bao nhiêu đi nữa, tôi cũng không thể nào chợp mắt được: tôi nóng ruột quá, tôi bàng hoàng quá!
Công việc độc nhất của tôi lúc đó là đếm những tiếng chuông đồng hồ. Nhưng cái thời gian mười lăm phút từ khi điểm khắc, rồi từ khắc đến giờ, đối với tôi sao nó lâu thế, lâu đến nỗi có lúc tôi tưởng mình đã không nghe thấy tiếng chuông hoặc là đồng hồ bị hỏng. Tôi tựa lưng vào vách, dán mắt lên cửa sổ. Ngôi sao tôi quan sát hình như bớt sáng và da trời đã nhờ nhờ trắng ra.
Trời đang sắp sáng rồi, xa xa có tiếng vọng lại.
Tôi đứng lên, kiễng gót đi lại mở cửa sổ. Mở cho đừng cót két là một việc tinh vi, nhưng kéo nhẹ tay và thật chậm rốt cục tôi cũng làm xong. May mắn sao, cái hầm giam này lại là một cái phòng thấp cũ, đã từng dùng làm ngục giam và người ta chỉ cần giữ tù bằng song sắt, chứ nếu cửa sổ hầm giam đóng chặt thì tôi không thể nào đáp lại được tiếng gọi của Mátchia. Nhưng mở xong cửa sổ chưa phải là hết. Còn những thanh sắt, còn những bức tường dày và cái cửa bọc tôn! Hy vọng được giải thoát là điên rồ, tuy thế tôi vẫn hy vọng. Sao trời càng mờ nhạt dần và khí lạnh ban mai khiến tôi run lên. Nhưng tôi không rời cửa sổ, cứ đứng đấy trông tìm, nghe ngóng, không biết trông tìm nghe ngóng gì đây. Một bức màn trắng mênh mông kéo lên giữa trời. Trên mặt đất, vạn vật đã hiện lên gần rõ hình rõ dáng. Lúc này đúng là lúc tảng sáng mà Mátchia nói. Tôi nín thở lắng tai nghe, nhưng chỉ nghe thấy tiếng quả tim tôi đập trong lồng ngực.
Cuối cùng tôi nghe như có tiếng cọ xát trên tường. Nhưng vì trước đây không có tiếng chân người đi lại, nên tôi ngỡ mình đã nghe nhầm. Tuy vậy, tôi vẫn nghe ngóng. Tiếng cọ xát vẫn vọng lại. Rồi thì một cái đầu người đột ngột nhô lên trên đỉnh tường. Tôi thấy ngay không phải là đầu Mátchia. Dù trời còn tờ mờ tôi cũng nhận đó là đầu anh Bốp. Anh thấy tôi dán chặt người vào song sắt bèn “xuỵt” một tiếng khe khẽ. Rồi anh đưa tay làm hiệu cho tôi đi ra cửa sổ. Không hiểu đầu đuôi gì hết, tôi vẫn làm theo anh bảo. Bấy giờ tôi mới thấy tay kia anh cầm một cái ống dài và sáng loáng như làm bằng thủy tinh. Anh đưa cái ống lên mồm. Tôi hiểu đó là ống xì đồng. Tôi nghe một hơi thổi đồng thời thấy một viên trăng trắng bay vụt đến rơi dưới chân tôi. Cái đầu anh Bốp cũng biến mất ngay tức khắc sau bức tường và tôi không nghe thấy gì nữa.
Tôi vồ lấy viên bi. Đó là một tờ giấy mỏng vấn nhiều lớp bọc quanh một viên chì lớn. Hình như có chữ viết trên giấy, nhưng trời còn mờ sáng chưa đọc được. Tôi phải chờ đến sáng. Tôi rón rén đóng cửa sổ lại rồi vội vã nằm lên võng, tay giữ chặt viên giấy. Chậm chạp, rất chậm chạp, càng quá chậm chạp đối với lòng tôi nôn nóng. Bình minh ửng vàng và cuối cùng một ánh sáng hồng nhạt lướt đến trên tường. Tôi mở tờ giấy ra đọc:
“Tối mai cậu sẽ bị dời đến nhà lao tỉnh. Cậu sẽ đi tàu hỏa trong một toa hạng nhì, có một viên cảnh sát áp giải. Cậu hãy ngồi gần cái cửa lên xuống của toa tàu. Khi đã chạy được bốn mươi lăm phút (nhớ tính cho đúng) thì tàu đi chậm lại để vượt qua một ngã ba. Bấy giờ cậu mở cửa ra và mạnh dạn nhảy xuống. Cậu phóng ra, đưa hai tay về phía trước và làm thế nào để chân xuống trước. Tới đất rồi thì leo ngay lên con đê đất bên trái, chúng mình đợi ở đấy với một cỗ xe và một con ngựa tốt để đưa cậu đi. Đừng sợ gì cả. Hai hôm sau thì chúng ta ở trên đất Pháp rồi. Hãy tin tưởng và vững lòng. Cần nhớ nhất là phải phóng ra cho xa và rơi xuống đất bằng hai chân”.
Thoát rồi! Tôi không còn phải ra trước tòa đại hình, tôi không còn phải thấy những gì diễn ra ở đó! Ồ! Cái thằng Mátchia quý hóa! Cái anh Bốp tốt bụng sao! Chắc là anh ấy hào hiệp giúp Mátchia chứ còn gì nữa! “Chúng mình đợi ở đấy với một con ngựa tốt” một mình Mátchia hẳn không bố trí nổi một kế hoạch này. Tôi đọc lại mảnh giấy: Bốn mươi lăm phút sau khi tàu chạy; con đê đất bên trái, hai chân xuống trước, ừ, tôi sẽ mạnh dạn phóng xuống hẳn đi chứ lị, có chết cũng không cần. Thà chết còn hơn bị kết án về tội ăn trộm. Chao ôi! Nghĩ được cái kế hoạch này thì ghê gớm thật: “Hai hôm sau thì chúng ta đã ở trên đất Pháp rồi”.
Tuy nhiên trong cơn hứng khởi, tôi có một niềm lo buồn: đó là về khoản con Capi. Nhưng tôi vội xua ngay niềm lo lắng ấy. Không có lý nào Mátchia bỏ con Capi! Nó đã tìm được cách giải thoát cho tôi thì tất cũng tìm được cách cho con Capi. Tôi đọc đi đọc lại mảnh giấy ba bận nữa rồi vò lại, nhai nuốt. Bây giờ thì chỉ có việc ngủ yên. Tôi ngủ kỹ đến nỗi chỉ thức dậy khi người cai ngục mang cơm đến.
Thời giờ trôi đi khá nhanh, xế chiều hôm sau, một viên cảnh sát lạ mặt vào buồng giam của tôi, bảo tôi đi theo ông ta. Tôi vui mừng nhận thấy ông ấy vào khoảng năm mươi, trông người không còn nhanh nhẹn nữa. Tôi cố làm đúng theo lời dặn của Mátchia và khi tàu chạy thì tôi ngồi gần cái cửa lên xuống phía ngược hướng tàu chạy. Người cảnh sát ngồi ngay trước mặt tôi. Trong toa chỉ có ông ta và tôi. Ông hỏi:
Anh nói được tiếng Anh?
Chút ít thôi!
Người ta nói, anh nghe hiểu không?
Cũng tàm tạm, khi người ta không nói nhanh quá!
Thế thì, chú bé ạ, tôi muốn khuyên chú một điều này: Đừng nên gian ngoan với pháp luật, cứ thú tội là tốt nhất: anh thú tội sẽ được cảm tình của mọi người. Không gì khó chịu bằng những tên cứ chối cãi sự thật hiển nhiên, cho nên những người thú tội thì được hưởng đủ mọi thứ chiếu cố và ân huệ. Nói giả dụ như tôi đây, nếu anh kể sự việc như thế nào cho tôi nghe, tôi sẽ biếu ngay anh một đồng bạc. Và anh sẽ thấy tiền bạc làm cho đời sống của anh trong chỗ tù ngục sẽ dễ chịu hơn chừng nào.
Tôi toan nói tôi không có tội gì mà phải thú cả. Nhưng nghĩ lại tốt nhất là nên gây cảm tình với ông ta, như ông ta nói, cho nên tôi không đáp. Ông ta nói tiếp:
Chú cứ suy nghĩ, ở trong nhà lao, chừng nào chú đã nhận thấy lời khuyên bảo của tôi là đúng đắn thì chú nhờ người ta gọi tôi đến. Bởi vì không nên bạ ai cũng thú tội mà phải chọn cái người quan tâm tới chú, và tôi, thì chú đã thấy đó, tôi sẵn sàng giúp đỡ chú.
Tôi gật đầu.
Cứ bảo gọi ông Đơnphin. Chú nhớ tên tôi chứ?
Thưa ông, vâng.
Tôi tựa vào cửa. Tấm kính đã mở, tôi xin phép ông ta nhìn xem phong cảnh những vùng tàu vừa đi qua. Vì ông muốn “gây cảm tình” với tôi nên ông ta bảo tôi cứ việc trông ngắm tha hồ. Ông ta còn sợ gì chứ? Con tàu chạy nhanh là thế!
Được một lát, gió thốc vào mặt khiến ông thấy lạnh bèn rời chỗ cửa đến ngồi giữa toa. Phần tôi thì không thấy lạnh. Tôi nhẹ nhàng luồn tay trái ra ngoài, vặn quả nắm, còn tay phải thì giữ cánh cửa không cho bật ra.
Thì giờ trôi qua. Tàu huýt còi và chậm lại. Thời cơ đã đến, tôi xô mạnh cửa, cố sức nhảy ra xa. Tôi rơi xuống cái rãnh bên đường. May thay, hai tay tôi đưa ra trước chạm phải bờ đất phủ cỏ. Tuy vậy, tôi bị ném xuống mạnh quá đến nỗi lăn ra bất tỉnh.
Khi tỉnh lại, tôi ngỡ mình còn đi trên tàu hỏa vì cảm thấy vẫn lao nhanh và nghe có tiếng bánh xe lăn.
Tôi nằm trên một ổ rơm. Lạ chưa! Mặt tôi ướt át, và có cái gì êm êm, ấm ấm, mơn trớn má tôi, trán tôi. Tôi mở mắt: một con chó, một con chó vàng xấu xí cúi xuống mặt tôi và liếm. Mắt tôi gặp mắt Mátchia! Nó quỳ bên cạnh tôi. Nó đẩy con chó ra, ôm hôn tôi và nói.
Cậu sống rồi!
Ta ở đâu đây?
Trên xe ngựa! Anh Bốp đánh xe.
Thế nào? Có sao không? – Anh Bốp ngoảnh lại hỏi.
Em không biết. Có lẽ không việc gì!
Co tay, duỗi chân xem.
Đang nằm dài trên ổ rơm, tôi làm theo lời anh bảo.
Tốt lắm! – Mátchia nói. – Không trật gẫy chỗ nào cả!
Nhưng sự việc đã diễn ra như thế nào?
Cậu đã nhảy tàu, như tớ dặn, bị ném mạnh cậu ngất đi và lăn xuống cái rãnh bên vệ đường. Anh Bốp không thấy cậu, bèn tuột khỏi bờ đê xuống tìm, còn tớ thì giữ ngựa. Anh ấy bế thốc cậu lên. Chúng tớ tưởng cậu chết rồi chứ! Sợ quá. Buồn quá! Nhưng bây giờ thì cậu sống rồi!
Còn lão cảnh sát!
Lão ta đi thẳng với đoàn tàu. Tàu không dừng lại.
Tôi đã biết những điều thiết yếu. Trông quanh, tôi thấy con chó vàng nhìn tôi âu yếm; mắt nó giống mắt con Capi, nhưng nó không phải Capi và Capi là con chó trắng. Tôi hỏi:
– Thế còn con Capi, nó đâu rồi?
Mátchia chưa kịp đáp thì con chó vàng đã nhảy lên người tôi, liếm tôi, mặt giàn giụa nước mắt.
Nó đấy mà! – Mátchia nói. – Chúng mình nhuộm lông nó đấy! Tôi vuốt ve con chó và hôn nó.
Tại sao cậu nhuộm lông nó?
Đó là cả một câu chuyện để tớ kể cho cậu nghe.
Em đánh ngựa đi, và cố kèm nó. Trong lúc đó thì anh thu xếp cái xe thế nào để đi qua cái cổng gác, người ta không nhận ra.
Cái xe này có mui bằng vải phủ lên những chiếc vành hình cánh cung. Anh Bốp giở vành ra xếp vào xe, gấp tư tấm bạt, và bảo tôi che lên người. Đoạn anh bảo Mátchia trốn dưới tấm bạt. Nhờ thế, chiếc xe thay hình đổi dạng hẳn: nó không có mui nữa và chỉ chở một người chứ không phải ba. Nếu người ta đuổi theo chúng tôi thì chắc người ta phải lạc hướng vì những lời mách bảo của kẻ qua đường.
Khi Mátchia đã nằm bên cạnh tôi thì tôi hỏi:
Chúng ta đi đâu thế này?
Đi Laitơnhemtơn. Đó là một hải cảng nhỏ, ở đấy anh Bốp có người anh làm thuyền trưởng một chiếc thuyền chở bơ, trứng ở xứ Noóc-măng-đi bên Pháp. Chúng mình mà trốn thoát được – mà chắc chắn là thoát – là nhờ công anh Bốp. Anh ấy làm tất cả. Chứ cái thằng tớ thì giúp gì được cho cậu! Chính anh Bốp có sáng kiến xui cậu nhảy tàu, chính anh ấy thổi cái giấy của tớ vào cho cậu và cũng chính anh thuyết phục bạn anh cho chúng ta mượn con ngựa này. Sau hết, cũng chính anh ấy xoay cho ta một chiếc thuyền để sang Pháp vì chắc cậu biết nếu cậu đi tàu máy thì bị tóm ngay. Cậu thấy có bạn tốt có sướng không?
Thế còn con Capi, ai có sáng kiến bắt nó đấy?
Tớ! Nhưng anh Bốp lại nghĩ ra cái việc nhuộm nó ra màu vàng để người ta không nhận ra. Chúng tớ đã trộm nó ở tay lão cảnh sát Giêre, lão Giêre thông minh, như ông quan tòa đã bảo ấy mà! Nhưng lần này thì lão ta không được thông minh cho lắm, vì lão để chúng tớ cuỗm mất con Capi mà không biết. Thực ra thì chính con Capi đã làm hầu hết mọi việc khi nó đánh hơi thấy tớ, vả lại anh Bốp thì anh ấy biết hết thủ đoạn của bọn bắt trộm chó.
Chân cậu ra sao rồi?
Khỏi rồi, nghĩa là gần khỏi. Tớ không có thì giờ nghĩ đến nó.
Xe cộ đi trên đường sá nước Anh không được tự do như ở nước Pháp, ở đây từng chặng có những trạm gác, muốn đi qua thường phải nộp một món tiền. Đến mỗi trạm, anh Bốp lại bảo chúng tôi lặng im và đừng động đậy, thế là những người gác cổng chỉ thấy chiếc xe trần cùng với một người đánh xe. Anh Bốp nói với họ vài câu pha trò rồi đi qua. Với cái thuật vẽ mặt làm hề, anh đã cải dạng thành một nông dân khéo đến nỗi người quen biết anh nhất cũng không nhận ra khi nói chuyện với anh.
Chúng tôi đi khá nhanh vì con ngựa chạy hay và anh Bốp đánh xe giỏi. Tuy nhiên, cũng phải dừng lại để cho con ngựa thở một chút và cho nó ăn ít nhiều. Chúng tôi không nghỉ ở quán. Anh Bốp cho dừng xe giữa rừng, cởi cương giàm cho con ngựa, lấy túi lúa trong xe tròng vào cổ nó. Đêm tối mịt, không lo bị lộ. Bây giờ tôi mới nói chuyện được với anh Bốp và cảm ơn anh bằng vài lời xúc động. Nhưng anh không để nói tôi nói hết những tình cảm tràn ngập trong lòng. Anh siết tay tôi nói:
Chú đã giúp tôi, bây giờ đến lượt tôi giúp chú, có đi có lại! Vả lại chú là anh em của Mátchia, đối với cái chú bé ngoan ấy thì gì mà người ta không làm để giúp đỡ chứ!
Tôi hỏi anh đã gần đến bến tàu hay chưa. Anh đáp còn phải đi chừng hai tiếng nữa, cho nên phải vội lên; thuyền của anh anh đi ngày thứ bảy, đi sớm vì hình như thủy triều lên sớm, mà hôm nay đã thứ sáu rồi. Chúng tôi lại lên ổ rơm, chui vào dưới tấm bạt và con ngựa đã hồi sức lại tế nước đại vượt lên.
Cậu có sợ không? – Mátchia hỏi.
Cũng có, nhưng cũng không! Tớ rất sợ bị bắt lại, nhưng chắc là không đâu! Trốn đi không phải là thú nhận có phạm tội hay sao? Đó là điều day dứt tớ nhất. Rồi sẽ chống cãi thế nào chứ?
Chúng tớ cũng có nghĩ đến điều đó. Nhưng anh Bốp cho là phải làm tất cả để cậu khỏi phải ra ngồi trên ghế bị cáo trước tòa đại hình. Đã ra đó, dù có được trắng án đi nữa cũng buồn lắm. Tớ thì tớ chẳng dám nói gì cả vì sẵn có ý định đưa cậu về Pháp, tớ chỉ sợ cái ý định đó lái tớ làm sai.
Cậu làm đúng. Dù xảy ra gì nữa, tớ cũng chỉ biết ơn cậu và anh Bốp.
Chẳng xảy ra gì đâu, cậu cứ yên tâm. Khi tàu dừng lại thì viên cảnh sát làm báo cáo. Nhưng họ tổ chức cho xong việc truy nã cũng còn lâu, trong khi đó thì chúng ta đã rông xa, vả lại, họ không thể biết chúng ta rời bến ở Laitơnhemtơn.
Nếu người ta không đuổi theo chúng tôi thì đúng là chúng tôi sẽ xuống thuyền một cách yên ổn. Nhưng tôi không dám tin chắc như Mátchia, rằng khi tàu dừng lại, viên cảnh sát còn phải mất thì giờ mới đuổi theo chúng tôi được. Cái nguy là ở đó và có thể nguy lớn. Tuy nhiên dưới bàn tay cứng cáp của anh Bốp, con ngựa vẫn tiếp tục phóng nước đại trên con đường vắng vẻ. Thỉnh thoảng thôi, chúng tôi mới gặp một đôi chiếc đi ngược chiều, chứ không có cái nào vượt chúng tôi. Thôn xóm vắng lặng, họa hoằn mới có một cửa sổ để lọt ánh sáng muộn màng. Chỉ mấy con chó chú ý đến xe chúng tôi và sủa đuổi theo. Lên khỏi một dốc thấp, anh Bốp dừng xe cho ngựa thở; chúng tôi leo xuống, áp tai trên mặt đất nghe ngóng. Ngay Mátchia tai nhạy hơn cả cũng không nghe thấy tiếng động gì khả nghi. Chúng tôi đi trong bóng tối và sự vắng lặng của cảnh đêm.
Bây giờ thì hai đứa tôi nằm trong tấm bạt không phải để trốn con mắt thiên hạ nữa, mà vì rét. Gió bấc lạnh đã thổi khá lâu rồi. Đưa lưỡi lên môi thấy có vị mặn: thế là chúng tôi đã đến gần biển. Lát sau chúng tôi thấy một ánh đèn rất sáng ẩn hiện đều đều. Đó là một ngọn đèn biển, chúng tôi đã đến đích. Anh Bốp dừng ngựa, cho đi bước một vào một con đường tắt. Rồi anh xuống xe, bảo chúng tôi giữ ngựa, đợi ở đấy. Anh phải đến xem thử anh anh còn ở bến không, và đáp nhờ thuyền như thế có ngại gì không?
Anh Bốp vắng mặt sao mà lâu quá, dài dằng dặc! Chúng tôi không nói chuyện. Gần đâu đây, tiếng sóng vỗ bờ đều đều càng làm chúng tôi xúc động thêm. Mátchia cũng run, y như tôi. Nó thầm thì:
Vì rét đấy!
Có chắc vì rét không? Cái chắc là khi có một con bò hay một con cừu ở đồng cỏ hai bên đường chạm phải một viên đá hay một hàng giậu, chúng tôi lại thấy rét hơn, nghĩa là run nhiều hơn.
Cuối cùng, chúng tôi nghe thấy tiếng chân người trên con đường anh Bốp đã đi. Chắc là anh ấy trở về. Số phận tôi sắp quyết định đây rồi.
Anh Bốp không đi một mình. Khi anh đến gần, chúng tôi thấy có người đi với anh. Người đó mặc một chiếc áo varơi bằng vải dầu và đội một cái mũ len không vành. Anh Bốp nói:
Anh mình đấy! Anh ấy sẵn lòng cho hai chú đáp nhờ thuyền. Anh ấy sẽ đưa các chú đến bến. Chúng ta chia tay nhau ở đây thôi vì không cần để cho người ta biết là mình có đến đây.
Tôi muốn cảm ơn anh Bốp. Nhưng anh bắt tay tôi để ngắt lời tôi. Anh nói:
Đừng có nói làm gì cái việc ấy! Phải giúp nhau, khi thì chú, khi thì tôi, thế thôi! Ngày khác chúng ta gặp lại nhau. Giúp được Mátchia là tôi sung sướng rồi!
Chúng tôi đi theo người anh anh Bốp. Lát sau, vào những phố vắng lặng trong thị trấn, quanh co một lúc thì đến bờ kè, gió biển phả vào mặt. Anh anh Bốp không nói gì, đưa tay chỉ chiếc thuyền đã kéo buồm. Tôi hiểu đó là thuyền của anh. Mấy phút sau, chúng tôi đã ở trên thuyền. Anh đưa chúng tôi xuống một cái buồng con, bảo:
Hai tiếng nữa tôi mới nhổ neo. Các chú ở đây và cố giữ im lặng.
Khi anh đã khóa cửa buồng, Mát-chi-a im lặng ngả vào lòng tôi và hôn tôi. Nó không run nữa.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.