Không Gia Đình
41. TÃ ĐẸP NÓI THẬT
Tôi mải đứng ngẩn người ra đấy thì Mátchia đã làm những việc cần thiết mà tôi không nghĩ tới. Nó nói:
Thưa bà, chúng cháu rất cám ơn bà. Rồi nó đẩy nhẹ tôi ra khỏi nhà bếp:
Lên đường! Ta đi lên đi thôi! Giờ chúng ta không chỉ đuổi theo Áctơ và bà Miligơn mà thôi, chúng ta còn đuổi theo Lidơ nữa! Tốt quá! Nếu không, chúng ta còn phải mất thì giờ ở Đrơdy, chứ còn như bây giờ thì chúng ta có thể đi thẳng một mạch. Ấy mới thật là hay! Chúng mình đã gặp rủi nhiều, từ nay thì gặp may đây. Gió đã đổi chiều rồi mà! Ai biết được chúng mình sẽ còn gặp bao nhiêu chuyện lý thú nữa?
Chúng tôi lại tiếp tục đuổi theo thuyền Thiên Nga, không bỏ lỡ giờ phút nào, chỉ dừng lại để ngủ hoặc biểu diễn kiếm ít xu. Đến Đờxidơ là nơi sông đào Nivécne đổ ra sông Loa, chúng tôi hỏi thăm thuyền Thiên Nga: nó đã đi theo sông Ngang. Chúng tôi đi theo sông Ngang rồi lên sông Giữa.
Theo bản đồ, nếu từ Sarônlơ chúng tôi đi chếch thẳng tới Macông thì tránh được một đoạn đường vòng vèo và rút được nhiều ngày đường. Nhưng như thế thì hơi phiêu lưu, sau khi bàn bạc kỹ, không đứa nào muốn cả, bởi vì dọc đường thuyền Thiên Nga có thể đỗ lại và chúng tôi sẽ bỏ nó lại sau mà không biết. Đã thế thì phải quay trở lại, tưởng lợi thời gian hóa ra mất thêm chưa biết bao nhiêu. Rồi chúng tôi đi xuôi sông Xôn cho đến Thành phố Lyông. Đến đây, thấy có một điều khó nghĩ thực sự. Thuyền Thiên Nga đi xuôi sông Rôn hay đi ngược? Nói cách khác, bà Miligơn đã xuống miền Nam nước Pháp hay qua Thụy Sĩ rồi? Thuyền bè đi lại như mắc cửi trên sông Rôn và sông Xôn, người ta có thể không nhìn thấy chiếc Thiên Nga. Chúng tôi hỏi thăm rất nhiều bác lái thuyền và thủy thủ trên sông, hỏi cả những người ở trên bờ. Cuối cùng chúng tôi biết chắc rằng bà Miligơn đã qua Thụy Sĩ. Thế là chúng tôi đi ngược sông Rôn. Mátchia nói:
Từ Thụy sĩ, người ta đi Italia, đây lại là một dịp may nữa. Nếu chúng mình đuổi theo bà Miligơn mà phải đi mãi đến tận Lúcca thì em Crítxtina sẽ vui mừng biết bao nhiêu.
Tội nghiệp Mátchia thân yêu! Nó giúp tôi tìm những người thân, còn tôi thì chẳng làm gì để nó được hôn em nó!
Từ Lyông trở đi, chúng tôi rút dần quãng cách với thuyền Thiên Nga bởi vì sông Rôn chảy xiết, thuyền không đi ngược dòng dễ dàng như trên sông Xen. Đến Quylôdơ thì thuyền Thiên Nga chỉ còn đi trước chúng tôi sáu tuần… Tuy thế, dò bản đồ, tôi ngờ rằng khó đuổi kịp nó trước khi sang Thụy Sĩ. Tôi có biết đâu thuyền bè không thể đi ngược sông Rôn mà đến Giơnevơ. Chúng tôi lại cứ tưởng tượng rằng bà Miligơn vẫn “ngự” thuyền Thiên Nga ngoạn cảnh Thụy Sĩ, mà chúng tôi thì lại không có bản đồ Thụy Sĩ.
Chúng tôi đến Xétxen. Xétxen là một thành phố nằm vắt ngang trên sông, có một chiếc cầu treo nối liền hai bờ. Chúng tôi đến bờ sông, thì lạ lùng biết bao nhiêu, từ xa tôi đã nhận thấy hình như là chiếc Thiên Nga! Chúng tôi chạy đến: đúng là hình dáng của nó, đúng là nó rồi, nhưng sao nó có vẻ một chiếc thuyền bỏ không như thế! Nó được neo cứng phía sau một hàng rào bảo vệ. Trên thuyền đóng cửa im ỉm, ngoài hiên không có hoa.
Việc gì đã xảy ra vậy? Áctơ có làm sao không? Chúng tôi dừng lại, tim đau thắt vì hãi hùng.
Nhưng đứng im như vậy là hèn nhát, cần phải xông lên, phải tìm hiểu cho rõ. Chúng tôi hỏi thăm một người, chính lại là người được giao cho coi sóc thuyền Thiên Nga, và được người ấy vui lòng trả lời:
Cái bà người Anh sống trên thuyền với hai con, một trai què liệt, một gái câm, bà ấy hiện nay ở Thụy Sĩ. Bà rời thuyền vì thuyền không ngược dòng sông xa hơn nữa. Bà ấy cùng hai con đi xe ngựa, cùng với một chị hầu gái. Những người tôi tớ khác chở hành lý đi sau. Mùa thu bà sẽ trở về thuyền, xuôi dòng sông Rôn đến biển và trú ở miền Nam trong mùa đông.
Chúng tôi thở ra khoan khoái. Tất cả những lo ngại của chúng tôi đều vô lý: đáng lẽ nghĩ đến chuyện tốt, chúng tôi lại nghĩ ngay ra chuyện xấu. Mátchia hỏi:
Hiện nay, bà ấy ở đâu?
Bà tìm thuê một cái nhà nghỉ mát trên bờ hồ Giơnevơ, về phía Vơvê, nhưng tôi không biết rõ chỗ nào. Bà sẽ nghỉ hè ở đó.
Nào, đi Vơvê thôi! Đến Giơnevơ, chúng tôi sẽ mua một bản đồ Thụy Sĩ và nhất định chúng tôi sẽ tìm ra cái thị trấn hoặc cái làng Vơvê đó. Bây giờ thuyền Thiên Nga không chạy đi đằng trước chúng tôi nữa và bà Miligơn lại nghỉ hè ở một cái nhà mát cho nên chắc chắn là chúng tôi sẽ tìm thấy! Chỉ phải mất công tìm thôi!
Từ Xétxen ra đi được bốn ngày thì chúng tôi đến vùng tiếp cận Vơvê và tìm kiếm ở đấy. Từ mặt nước hồ xanh biếc lên các triền núi thoai thoải cây cối xanh tốt, vô số nhà nghỉ mát nối tiếp nhau, duyên dáng. Bà Miligơn, Áctơ và Lidơ ở cái nhà nào trong số đó?
Cuối cùng chúng tôi đến Vơvê. Cũng vừa kịp vì túi tiền chúng tôi chỉ còn ba xu, và giầy thì không có đế nữa.
Vơvê không phải là một thôn nhỏ như lúc đầu chúng tôi mường tượng. Đó là một thị trấn còn hơn một thị trấn bình thường vì dính với nó có cả một loạt phố ngoại
và thôn xóm. Còn như hỏi bà Miligơn hay hỏi một bà người Anh có con trai ốm kèm một cô bé gái câm, thì chúng tôi thấy ngay rằng không có thực tế. Trong thị trấn Vơvê và trên bờ hồ, người Anh, đàn ông cũng như đàn bà, cũng đông như tại một thành phố nghỉ mát quanh vùng Lơnđơn vậy. Tốt hơn hết là tự mình đi dò đi lượn xem tất cả những ngôi nhà có người nước ngoài ỏ. Cái đó không khó lắm, chúng tôi chỉ việc đi biểu diễn khắp các đường phố.
Chúng tôi đã đi khắp Vơvê trong một ngày và thu được một món tiền lớn. Ngày trước, khi chúng tôi cần cóp nhặt để mua bò hay mua búp bê cho Lidơ thì một món tiền như thế đủ làm chúng tôi sung sướng cả buổi tối. Nhưng bây giờ chúng tôi không chạy theo tiền. Chúng tôi chưa tìm thấy tăm bóng bà Miligơn. Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục lùng tìm ở vùng lân cận. Chúng tôi cứ việc nhằm trước mắt mà đi tới, mỗi khi thấy có một cái nhà đẹp là dạo đàn ngay trước cửa sổ, dù cửa mở hay đóng. Tuy thế tối hôm đó chúng tôi trở về không, như tối hôm trước. Ấy vậy mà chúng tôi đã đi từ hồ lên núi và từ núi xuống hồ, chăm chú nhìn quanh, thỉnh thoảng gặp được người nào đôn hậu thì lại hỏi thăm, tin rằng họ sẵn sàng nghe chúng tôi hỏi và trả lời.
Ngày hôm đó, chúng tôi nhận được hai tin vui hụt vì đã được trả lời rằng mặc dầu không biết họ tên, người ta củng biết chắc chắn người đàn bà mà chúng tôi hỏi. Lần đầu, một người chỉ cho chúng tôi tìm đến một ngôi nhà sàn bằng gỗ dựng trên sườn núi; lần sau, một người khác nói chắc với chúng tôi là bà ấy ở trên bờ hồ. Đúng là những bà người Anh đến nghỉ trên bờ hồ và trên sườn núi, nhưng đâu phải bà Miligơn!
Sau khi thăm dò cẩn thận vùng Vơvê, chúng tôi đi xa hơn một tí về phía Clarăng và Môngtơrơ. Tuy có bực dọc vì tìm tòi không kết quả, chúng tôi vẫn không chút nản chí. Hôm nay không thành công thì hẳn ngày mai phải thành công.
Khi thì chúng tôi đi trên những đường lớn, hai bên có tường; khi thì lần theo những lối mòn giữa các vườn nho, vườn cây ăn quả; khi thì bước trên những con đường nhỏ dưới bóng mát những cây dẻ rất to: vòm lá dẻ ngăn đón cả không khí và ánh sáng, cho nên dưới bóng nó chỉ có rêu mịn như nhung. Đi ít bước lại gặp một cánh cổng sắt hoặc gỗ, nhìn qua các chấn song thì thấy những lối đi trong vườn rải cát rất cẩn thận. Các con đường ấy uốn lượn quanh những bồn cây cảnh và hoa. Khuất trong cành lá là một ngôi nhà sang trọng hoặc là một nếp nhà con duyên dáng phủ đầy những dây leo. Dù nhà lớn hay nhà con, hầu hết đều có vọng đình(1) giữa lùm cây, dựng rất đúng chỗ để trông ra cảnh hồ rực rỡ giữa cái khung những núi sẫm vây bọc xung quanh hồ.
Những cái vườn này thường làm khổ chúng tôi. Nó bắt buộc chúng tôi phải đứng xa nhà cửa, và người trong nhà sẽ không nghe được nếu chúng tôi không đàn hát hết sức hết hơi. Ngày nào cũng như thế, từ sớm đến chiều, chúng tôi mệt nhoài đi.
Một buổi chiều nọ, chúng tôi tổ chức cuộc hợp tấu kiểu ấy, hướng về cái cổng chân song trước mặt, chứ không chú ý đến bức tường sau lưng. Tôi vừa gào xong đoạn đầu bài dân ca thành Naplơ, sắp bắt đầu sang đoạn thứ hai thì bỗng nghe có tiếng reo đằng sau lưng. Rồi có người hát tiếp đoạn thứ hai, hát khe khẽ, giọng nghe rất lạ…
Tôi đành làm chàng trai bán nước.
Để lân la, may lọt mắt nàng.
Tiếng ai hát thế nhỉ?
– Áctơ chăng? – Mátchia hỏi.
Nhưng không? không phải Áctơ, tôi nhận ra không phải giọng nó. Nhưng con Capi thì cứ khịt hơi và nhảy chồm chồm vào tường, tỏ vẻ vui mừng hết sức. Không dằn được nữa, tôi hét: “Ai hát đó?”. Có tiếng đáp: “Rêmi!”. Người ta không trả lời mà lại gọi tên tôi. Hai chúng tôi đứng ngẩn, nhìn nhau.
Trong lúc chúng tôi ngây dại nhìn nhau như thế thì đằng sau Mátchia, ở phía cuối tường, bên trên một hàng rào thấp, một chiếc khăn tay trắng phất phất trước gió. Chúng tôi lao lại phía ấy. Đến hàng rào, chúng tôi mới trông thấy cái người đã đưa khăn tay lên vẫy. Đó là Lidơ! Rốt cuộc, chúng tôi đã tìm thấy em, và cùng với em, bà Miligơn và Áctơ.
Nhưng ai hát mới được chứ? Đó là câu hỏi đầu tiên mà Mátchia và tôi đồng thanh hỏi em, sau khi bớt xúc động đã nói được nên lời. “Em” – Lidơ đáp. Thế là Lidơ hát và Lidơ nói!
Tôi đã nghe nói hàng nghìn lần rằng một ngày kia Lidơ sẽ nói được, rất có thể do kích thích của một cảm xúc mạnh. Nhưng tôi không tin. Thế mà việc ấy nay đã thành sự thật. Em đã nói được. Điều kỳ diệu đã diễn ra. Em cảm kích mạnh là vì nghe tôi hát, là vì thấy tôi trở về bên em trong khi đã tưởng tôi đi biệt tăm biệt xứ. Nghĩ đến đó thì chính tôi cũng cảm động mạnh đến nỗi phải bíu vào một cành cây nơi hàng rào. Nhưng lúc này không phải là lúc buông xuôi theo tình cảm. Tôi hỏi:
– Bà Miligơn đâu? Áctơ đâu?
Lidơ mấp máy môi trả lời, nhưng không thành tiếng. Bực mình, em bèn dùng tay ra hiệu để tôi hiểu nhanh hơn vì lưỡi em và trí óc chưa quen sử dụng ngôn ngữ. Tôi dùng mắt theo dõi lối diễn đạt ấy, còn Mát-chi-a thì chưa nghe hiểu được. Bây giờ, qua khúc ngoặt của một con đường trồng cây, một cái xe nhỏ đang đi tới. Chiếc xe dài, do một người giúp việc đẩy Ác-tơ nằm dài trong xe, sau đó là mẹ nó và… tôi chồm tới để nhìn cho rõ… và ông Giem Miligơn. Tức khắc tôi ngồi thụp xuống sau hàng rào và hấp tấp giục Mátchia ngồi xuống chứ không kịp nhớ ra rằng ông Giem không biết mặt Mátchia.
Qua phút hoảng sợ ban đầu, tôi nghĩ ra rằng Lidơ chắc phải kinh ngạc lắm về cái việc chúng tôi vụt biến đi. Tôi kiễng chân lên một tí, bảo nhỏ em:
– Đừng để cho ông Giem Miligơn trông thấy anh; nếu thấy, ông sẽ xua anh về nước Anh mất!
Em hoảng sợ, đưa tay lên trời. Tôi nói tiếp:
Đừng làm gì, đừng nói gì về hai anh. Sáng mai, chín giờ hai anh sẽ trở lại nơi này. Em cố sắp xếp để ra một mình thôi. Bây giờ thì em đi đi.
Lidơ do dự.
Em đi đi, anh van em! Nếu không thì nguy cho anh đấy!
Chúng tôi nói xong thì lẩn vào sau tường và cứ men tường mà chạy đến vườn nho để nấp kín trong ấy. Ở đấy chúng tôi reo cười sung sướng một lát rồi bàn bạc với nhau thỏa thuận về những việc cần làm. Mátchia nói:
Cậu biết không, tớ không muốn chờ đến mai mới gặp bà Miligơn. Từ nay, đến lúc ấy, có thể ông Giem Miligơn sẽ giết Áctơ mất. Tớ sẽ đến gặp bà Miligơn ngay và nói cho bà ấy biết… tất cả cái gì chúng mình biết. Ông Giem chưa trông thấy tớ bao giờ cho nên ta không ngại ông ấy nghĩ đến cậu và gia đình Đơrixcơn. Rồi thì bà Miligơn sẽ định đoạt những gì chúng ta cần làm sau đó.
Rõ ràng là ý kiến của Mátchia có phần hợp lý. Vì vậy tôi để cho nó đi, hẹn sẽ gặp nhau trong lùm dẻ ở gần đó. Ở đấy, giả sử ông Giem Miligơn có đến thì tôi có chỗ trốn dễ dàng.
Tôi nằm trên thảm cỏ rêu đợi Mátchia về, đợi lâu lắm. Tôi tự hỏi hàng chục lần mình có lầm không, cho đến khi Mátchia trở về, có cả bà Miligơn đi theo. Tôi chạy ra đón bà và nắm tay bà đưa mà hôn. Nhưng bà ôm tôi vào lòng và cúi xuống hôn lên trán tôi âu yếm. Lần này là lần thứ hai bà hôn tôi; lần trước hình như bà không ôm tôi vào lòng như thế. Bà kêu: “Tội nghiệp thằng bé yêu quý!”.
Bà đưa mấy ngón tay trắng trẻo, mềm mại, vén tóc tôi lên và nhìn tôi rất lâu. Bà nói thầm: “Phải… phải rồi…”. Tôi chắc là bà giải đáp một câu hỏi gì thầm kín trong ý nghĩ, nhưng trong lúc xúc động, không tài nào tôi đoán ra. Tôi cảm thấy đôi mất bà mơn trớn vuốt ve tôi, tôi sung sướng quá không nghĩ đến gì xa hơn cái hạnh phúc hiện tại đó. Mắt không rời tôi, bà nói:
Cháu ạ, bạn cháu có thuật với tôi nhiều điều hết sức quan trọng. Bây giờ đến lượt cháu, cháu hãy vui lòng kể lại cho tôi nghe tất cả những gì dính dáng đến việc cháu ở với gia đình Đơrixcơn và việc ông Giem Miligơn tới thăm hỏi ở đấy!
Tôi thuật những việc bà hỏi. Bà chỉ ngắt lời khi khi cần hỏi cho rõ thêm một vài chi tiết quan trọng. Chưa bao giờ người ta chăm chú nghe tôi đến thế. Đôi mắt bà không lúc nào rời mắt tôi. Khi tôi kể xong, bà nín lặng một lúc lâu nhưng vẫn nhìn tôi. Cuối cùng bà nói:
Những việc này hết sức quan trọng đối với cháu, với tất cả chúng ta, cho nên chúng ta phải hành động thận trọng và chỉ hành động sau khi hỏi ý kiến những người thông thạo có thể hướng dẫn chúng ta. Nhưng trong khi chờ cho đến lúc ấy thì cháu hãy tự coi như là bầu bạn, là bạn thân – bà ngập ngừng một chút – như là anh em của Áctơ. Cháu và chú bạn nhỏ của cháu ngay từ hôm nay phải rời bỏ nếp sống khốn khổ của các cháu đi. Hai giờ nữa, các cháu sẽ tới Teritê hỏi khách sạn Anpơ, ở đấy sẽ có người tin cậy của tôi thuê buồng trọ cho hai cháu. Chúng ta sẽ gặp lại nhau ở đó, bây giờ tôi cần phải về đã!
Bà hôn tôi lần nữa, đưa tay cho Mátchia bắt, rồi vội vàng quay đi. Tôi hỏi Mátchia:
Mày đã kể gì với bà Miligơn thế?
Tất cả những điều bà vừa nói với mày và còn nhiều điều khác nữa. Ôi chao! Cái bà mới tốt người, tốt bụng làm sao!
Thế còn Áctơ, mày có trông thấy nó không?
Xa xa thôi, nhưng cũng đủ để nhận thấy nó có vẻ là một chú bé ngoan.
Tôi hỏi thêm Mátchia, nhưng nó tránh trớ không trả lời, hoặc trả lời chệch đi. Rồi thì chúng tôi nói chuyện phiếm với nhau cho đến giờ đi khách sạn Anpơ, theo lời dặn của bà Miligơn.
Một người giúp việc vận áo đen, thắt cà vạt trắng ra đón tiếp chúng tôi, mặc dù chúng tôi mang những bộ quần áo tồi tàn của những nhạc sĩ đầu đường xó chợ. Cái buồng của chúng tôi mới đẹp làm sao! Buồng kê hai chiếc giường trắng. Mở các cửa sổ thì nhìn thấy một cái hiên nhô trên mặt hồ, từ đấy đứng trông ra cảnh đẹp như kỳ quan. Khi chúng tôi thôi ngắm cảnh, trở về buồng thì người giúp việc còn đứng im ở đấy đợi chúng tôi sai bảo. Anh hỏi chúng tôi muốn dùng bữa tối thế nào để anh bảo dọn ra hiên. Mátchia hỏi:
Anh có bánh mứt chứ?
Bánh mứt đại hoàng, bánh mứt dâu, bánh mứt hồ quân…
Thế thì anh dọn cho chúng tôi!
Cả ba chứ?
Hẳn rồi.
Còn món khai vị? Món vịt quay? Rau củ? Các cậu dùng gì?
Cứ người ta nhắc đến món gì Mátchia lại mở tròn đôi mắt, nhưng nó chẳng hề bối rối. Nó phán:
– Gì cũng được, tùy anh!
Người hầu phòng trịnh trọng lui ra, Mátchia nói:
– Tớ nghĩ rằng ở đây chúng mình sẽ ăn uống khá hơn ở nhà Đơrixcơn.
Hôm sau, bà Miligơn đến thăm chúng tôi. Cùng đi với bà có bác thợ may và một chị coi việc khăn áo: họ đo người chúng tôi để may áo quần. Bà Miligơn bảo em Lidơ đang tiếp tục tập nói và thầy thuốc đã xác nhận em lành bệnh. Bà ở chơi với chúng tôi một tiếng đồng hồ, sau đó hôn tôi âu yếm, bắt tay Mátchia rồi ra về. Bà đến như thế bốn hôm liền, mỗi lần đến càng yêu thương, càng trìu mến tôi hơn; tuy thế hình như vẫn có gì vương vướng, có vẻ như bà không muốn buông xuôi theo tình cảm, bộc lộ tình cảm. Ngày thứ năm, bà không đến mà cho chị hầu phòng đến, chị hầu phòng ngày trước tôi đã gặp trên thuyền Thiên Nga. Chị nói bà Miligơn đang đợi chúng tôi ở nhà, và ở cổng khách sạn đã có xe chờ đón chúng tôi đi.
Một chiếc xe không mui, sang trọng, Mátchia lên xe không chút ngạc nhiên, cứ đàng hoàng y như từ thuở bé nó vẫn lên xe xuống ngựa. Capi cũng thế; nó leo lên ngồi trên một chiếc gối lót, không chút ngượng ngùng.
Đường đi ngắn. Tôi thấy hình như rất ngắn, vì tôi đang đi trong xứ mộng, đầu óc tràn đầy những ý nghĩ viển vông.
Người ta đưa chúng tôi vào một phòng khách ở đấy có bà Miligơn, có Áctơ đang nằm trên trường kỷ và Lidơ. Áctơ dang hai tay ra đón tôi. Tôi chạy đến ôm hôn nó. Rồi hôn Lidơ. Nhưng bà Miligơn thì lại hôn tôi. Bà nói:
– Mãi nay mới đến lúc anh trở về vị trí của anh!
Tôi nhìn bà để hỏi xem ý nghĩa câu ấy thì bà đã lại mở một cánh cửa. Má Bácbơranh bước vào, tay ôm những quần áo trẻ con, một áo choàng bằng cátsơmia trắng, một mũ ren, một đôi bít tất dệt.
Má vừa đặt những thứ ấy lên bàn thì tôi đã ôm chầm lấy má. Trong khi ấy, bà Miligơn truyền lệnh gì cho người giúp việc, tôi không nghe rõ, chỉ thấy có nói đến tên ông Giem Miligơn. Tôi xanh mặt. Bà nhẹ nhàng bảo tôi:
– Anh không việc gì phải sợ, trái lại anh đến bên tôi đây và đặt tay anh vào tay tôi.
Cửa phòng khách mở, ông Giem Miligơn hiện ra với nụ cười bày hàm răng nhọn hoắt. Chợt thấy tôi, nụ cười tức khắc biến thành một cái nhăn mặt dễ sợ. Bà Miligơn không để cho ông ta lên tiếng. Bà nói chậm rãi, giọng run run:
– Tôi cho mời chú để giới thiệu với chú thằng con trưởng của tôi, mà mãi đến nay, tôi mới may mắn tìm lại được – Bà siết chặt tay tôi. – Nó đây! Nhưng chú đã biết nó rồi bởi vì chú đã đến thăm nó ở nhà tên đánh cắp nó, để tìm hiểu sức khỏe của nó.
Thế nghĩa là thế nào? – Ông Giem nói, mặt mày biến sắc
…Cái tên đó ngày nay đã vào tù vì tội ăn trộm trong một nhà thờ, đã thú nhận hết đầu đuôi. Đây là một cái thư làm bằng chứng. Nó nói nó đã đánh cắp thằng bé thế nào, vứt bỏ thằng bé ở Pari, phố Bơrơtơi thế nào, và sau cùng nó đã cẩn thận cắt chữ tên in lên quần áo đứa bé thế nào, để người ta không phát hiện được. Đây nữa, đây là những tã lót quần áo, người đàn bà quý hóa kia đã giữ lại, người đàn bà hào hiệp đã nuôi nấng con tôi. Đây, mời chú đọc thư. Mời chú xem quần áo.
Ông Giem Miligơn đứng trơ như phỗng một lúc; chắc ông tự hỏi có nên bóp cổ tuốt hết bọn chúng tôi hay không. Rồi ông đi lại phía cửa. Nhưng trước khi bước ra, ông quay lại nói:
Để rồi xem tòa án sẽ kết luận như thế nào về cái giả thiết con cái này.
Bà Miligơn – bây giờ thì tôi có thể gọi là “mẹ tôi” – bình tĩnh đáp:
Ông cứ việc kháng cáo chúng tôi trước tòa án! Về phần tôi thì tôi không lôi cái người đã là em của chồng tôi ra chỗ ấy đâu!
Chú tôi bước ra, cửa đóng lại. Bây giờ mẹ tôi đưa hai tay, tôi sà vào lòng mẹ và lần đầu tiên tôi được hôn mẹ tôi cùng lúc với mẹ tôi hôn tôi.
Khi chúng tôi đã bớt xúc động, Mátchia bèn bảo tôi:
Cậu hãy nói với mẹ cậu là mình đã giữ kín điều bí mật của bà.
Thế cậu đã biết hết à?
Khi Mátchia kể cho mẹ nghe xong thì mẹ bảo chú ấy giữ kín. Mẹ tin rằng cái thằng Rêmi bé bỏng tội nghiệp ấy là con của mẹ, nhưng cần phải có những bằng chứng đích xác loại trừ hết mọi nhầm lẫn mới được. Nếu ôm con vào lòng, nhận con là con đẻ của mẹ, rồi sau đấy lại bảo với con là không phải, chúng ta nhầm lẫn thôi, thì còn gì đau khổ cho con bằng! Những bằng chứng ấy, chúng ta có đây, và từ nay thì chúng ta sum họp mãi mãi. Con sẽ mãi mãi sống bên cạnh mẹ con, em con. – Bà lại chỉ Lidơ và Mátchia. – Và những người đã thương yêu con trong cảnh cơ hàn.
————————
Sân xây cao hoặc nhà dựng lên để ngồi ngắm cảnh – N.D
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.