Không Gia Đình

42. GIỮA GIA ĐÌNH



Năm tháng trôi qua, nhiều nhưng ngắn bởi vì chỉ có những ngày êm đẹp…

Đứa bé không gia đình, không nơi nương tựa, bơ vơ lạc lõng giữa cuộc sống, lênh đênh chìm nổi, không có đèn pha chỉ đường giữa biển đời bát ngát, không bờ bến cắm neo, đứa bé ấy ngày nay có một người mẹ, một chú em yêu mến nó và được nó mến yêu… Đứa bé khốn khổ đã nhiều đêm ngủ trong vựa cỏ, hay bên cạnh chuồng bò, hoặc ở giữa trời tại một xó rừng nào đó, đứa bé ấy ngày nay được về ở ngôi nhà của ông cha…

đây, tôi đã cúi đầu trên một cái bàn rộng bằng gỗ sồi lên nước đen nhánh và cặm cụi viết. Nhưng không phải tôi cần cù tra cứu gia phả hay giấy tờ lưu khế, tôi chỉ ngồi ghi chép lại những kỷ niệm của tôi.
Chúng tôi sắp làm lễ rửa tội cho đứa con đầu lòng – một đứa con trai tên là Mátchia(1). Dịp lễ này sẽ tập họp tất cả những bạn bè trong đoạn đời cùng quẫn của tôi. Tôi muốn trao tặng mỗi người một tập hồi ký ghi chép những sự việc trong ấy họ có đóng một vai trò, để tỏ lòng biết ơn của tôi về sự giúp đỡ của họ, hoặc về tình thương yêu của họ đối với đứa bé lưu lạc đáng thương lúc bấy giờ. Viết xong mỗi chương, tôi gửi ngay đến cho thợ in bản đá, và chính ngày hôm nay, tôi chờ người ta đưa những bản sách rập tự tích của tôi để tặng mỗi người khách dự lễ một bản.

Cuộc hội họp hôm nay là một sự bất ngờ cho họ và cả cho vợ tôi; vợ tôi không mong mà sẽ được gặp bố, chị, anh và cô nữa. Chỉ có mẹ tôi và em tôi là có biết. Nếu không xảy ra việc gì trắc trở thì tối nay tất cả đều ở trong nhà tôi và tôi sẽ vui sướng được thấy họ quây quần quanh bàn ăn gia đình.
Duy có một người thiếu mặt trong ngày hội vui mừng hôm nay bởi vì tiền của không làm người chết sống lại. Cụ chủ thân yêu của cháu ơi! Giá được phụng dưỡng tuổi già của cụ thì cháu sung sướng biết ngần nào! Nếu thế, hẳn cụ đã bỏ cái ống tiêu, tấm da cừu và chiếc áo nhung của cụ ra, cụ đã không lặp đi lặp lại cái câu: “Nào ta tiến lên,các con!”. Được trọng vọng trong tuổi già, hẳn cụ có thể ngẩng cao cái đầu bạc rất đẹp và lấy lại tên tuổi của cụ ngày xưa. Ổng già Vitali vô gia cư sẽ trở lại làm nhà danh ca Cáclô Bandani. Không làm được gì đối với cụ vì cái chết tàn nhẫn đã cướp cụ đi, thì cháu cũng có cố vớt vát ít nhiều đối với vong linh cụ. Thể theo yêu cầu của cháu, mẹ cháu đã xây cho cụ một ngôi mộ trong nghĩa địa Môngpácnátxơ ở Pari, và cháu đã cho khắc tên Cáclô Bandani lên bia mộ. Và dựa theo những chân dung lưu hành thuở cụ từng lừng lẫy tiếng tăm, cháu đã cho tạc một bức tượng bán thân bằng đồng đen để nhắc lại sự nghiệp vinh quang của cụ cho những người đã hoan hô cụ.

Người ta đã rập cho cháu một mẫu tượng ấy. Nó đang ở trước mặt cháu kia. Ngồi đây chép lại những thử thách trong tuổi thơ, khi sự việc tái hiện theo dòng năm tháng thì đã bao lần mắt cháu tìm hỏi mắt cụ. Cháu không quên cụ, cháu không đời nào quên cụ, xin cụ tin thế. Trong đời sống hiểm nghèo của một thằng bé lưu lạc, sở dĩ cháu không vấp ngã là nhờ có cụ, nhờ những bài học của cụ, cụ chủ ạ. Cho nên trong mỗi lễ lạt ở nhà cháu, chỗ ngồi của cụ bao giờ cũng được kính cẩn dành lại…

…Nhưng mẹ tôi đang đi tới trong hành lang kia. Tuổi tác không làm phai nhan sắc của mẹ: ngày nay tôi trông mẹ không khác ngày tôi gặp lần đầu tiên trên thuyền Thiên Nga, với cái dáng điệu cao quý đầy vẻ dịu dàng phúc hậu. Duy cái màn u hoài xưa kia luôn luôn phảng phất trên mặt mẹ thì bây giờ đã tan biến đâu mất rồi!

Mẹ tôi tựa trên cánh tay Áctơ. Bây giờ thì không phải là bà mẹ nâng đỡ đứa con gầy còm, khập khiễng nữa, mà là đứa con ân cần, trìu mến đưa tay cho mẹ tựa: đứa con ấy ngày nay đã trở thành một thanh niên đẹp, khỏe, thành thạo mọi môn thể thao, cưỡi ngựa cừ, chèo thuyền hay, săn bắn giỏi. Thế là trái với lời tiên, đoán của ông Giem Miligơn, chuyện màu nhiệm đã diễn ra: Áctơ không chết và sẽ không chết.

Sau mẹ tôi và Áctơ ít bước là một bà già ăn mặc theo lối nữ nông dân Pháp. Bà ẵm một đứa bé nhỏ tí bọc trong chiếc áo choàng trắng. Bà nông dân già đó là má Bácbơranh và chú bé tí hon là con tôi, thằng bé Mátchia. Khi đã gặp mẹ tôi, tôi định mời má ở lại với chúng tôi, nhưng má không chịu. Má bảo:

Không, bé Rêmi ạ! Lúc này, chỗ của má không phải ở đây. Con sắp phải lo học hành để trở thành người hiểu biết, má ở bên cạnh con có ích lợi gì? Để má trở vể Savanông… Rồi con sẽ trưởng thành, sẽ có vợ và có con. Lúc bấy giờ, nếu con muốn và nếu má còn sống, má sẽ trở lại với con để chăm nom các con con. Má sẽ không là vú sữa của chúng như má đã là vú sữa của con, vì lúc ấy má già rồi, nhưng già thì già vẫn chăm sóc trẻ tốt. Già thì có kinh nghiệm, già thì ít ngủ. Vả lại má sẽ thương cháu bé và cái này thì con phải yên trí, là má thì má không để cho người ta đánh cắp nó, như chúng đã bắt con vậy đâu!

Trước khi thằng bé ra đời, tôi đã đi đón má tận Savanông. Má đã bỏ cả, bỏ làng nước, bỏ thói quen, bỏ bạn bè, bỏ con bò sữa, con của con bò chúng tôi biếu, để sang Anh với chúng tôi. Thằng bé Mátchia của chúng tôi bú sữa mẹ, nhưng được má Bácbơranh săn sóc, bế bồng, dỗ dành, cưng nựng. Má bảo má chưa thấy đứa trẻ nào xinh như thế.

Áctơ cầm theo một tờ báo. Nó để tờ báo xuống bàn làm việc của tôi, hỏi tôi đã đọc chưa. Tôi trả lời chưa đọc. Nó đưa một tay chỉ vào một “Tin thành Viên” mà tôi dịch ra như sau:

“Một ngày gần đây, nghệ sĩ Mátchia sẽ sang thăm đô thành Lơnđơn. Mặc dầu toàn bộ những buổi biểu diễn của nghệ sĩ đã được nhiệt liệt hoan nghênh ở đây, nghệ sĩ cũng sẽ từ giã chúng ta để đi sang nước Anh vì đã có lời hẹn trước. Chúng tôi đã nói về những buổi biểu diễn của nghệ sĩ! Những buổi biểu diễn ấy đã gây được cảm xúc nồng nhiệt nhất do sức mãnh liệt và tính độc đáo của nghệ sĩ cũng như do tài nghệ của tác giả. Nói tóm lại, chỉ có thể nói rằng Mátchia là Sôpanh của vĩ cầm”.

Không có bài báo ấy, tôi cũng biết rằng chú bé đàn rong, người bạn đồng hành và người học trò của tôi ngày ấy đã trở thành một nghệ sĩ lớn. Tôi đã chứng kiến sự phát triển và trưởng thành của Mátchia. Khi ba anh em chúng tôi, Mátchia, Áctơ và tôi, cùng học chung một gia sư, thì Mátchia chậm tiến về môn tiếng La tinh và tiếng Hy Lạp. Ngược lại, với những thầy nhạc thì nó tiến nhanh đến nỗi rất dễ biết là lời tiên đoán của ông Étxpinátxu, người thợ cạo kiêm nhạc sĩ thị trấn Măngđơ sẽ nghiệm. Tuy biết vậy, cái tin viết từ thành Viên cũng làm cho tôi vui mừng hãnh diện như chính mình cũng được hoan nghênh. Chứ không sao? Mátchia không phải là một hiện thân khác của tôi, không phải là bạn nghề nghiệp, là bạn chí thân, là em ruột của tôi hay sao? Những vinh quang của nó cũng tức là của tôi, cũng như hạnh phúc của tôi là của nó.

Lúc này, người giúp việc mang vào cho tôi một bức điện:

“Có thể đây là chuyến vượt biển ngắn nhất nhưng cũng không phải là chuyến dễ chịu nhất. Vả lại, đã có chuyến vượt biển nào gọi là dễ chịu với mình chưa chứ? Dù sao, mình cũng mệt quá, đến nỗi chỉ khi tới Rithơn mới đủ sức báo tin trước cho cậu biết. Qua Pari, minh kéo luôn Cơrítxtina cùng đi. Anh em mình sẽ đến Siphoóc vào lúc bốn giờ mười phút. Cho đánh xe ra chờ trước nhé”.

MÁTCHIA

Đọc đến tên Crítxtina, tôi nhìn Áctơ, nhưng nó lờ đi. Cho đến khi đọc hết bức điện, nó mới ngẩng lên bảo:
Em muốn đi Siphoóc. Em bảo thắng xe đây!

Ý kiến tuyệt diệu. Như thế lúc về chú sẽ ngồi đối diện với Crítxtina. Nó không đáp, vội vã ra đi. Tôi quay lại mẹ tôi:
Mẹ thấy không, Áctơ không giấu diếm sự săn đón của nó. Điều này có ý nghĩa…

Có ý nghĩa lắm.

Tôi cảm thấy giọng mẹ tôi khi nói mấy tiếng ấy có chút gì không được vui lòng, Tôi bèn đứng lên, lại ngồi cạnh mẹ tôi, cầm bàn tay mẹ tôi lên hôn và nói bằng tiếng Pháp, thứ tiếng tôi thường dùng khi muốn nói chuyện thân tình với mẹ tôi, như là một đứa con nhỏ của mẹ:

Mẹ thân mến của con, mẹ ơi, mẹ không nên buồn phiền vì Áctơ yêu Crítxtina! Đúng là như thế thì cuộc hôn nhân sẽ không được coi là tổt đẹp. bởi vì theo
mọi người thì một cuộc hôn nhân tốt đẹp phải vừa có thế vừa có tiền. Nhưng đấy mẹ thử xem, việc của con không chứng tỏ rằng người ta có thể hạnh phúc, rất hạnh phúc, hạnh phúc không còn mức nào cao hơn nữa mà không cần người vợ mình phải có thế có tiền đó ư? Thế mẹ không muốn cho em Áctơ cũng hạnh phúc như con hay sao? Mẹ đã rất nuông chiều con bởi vì mẹ không nỡ lòng từ chối nguyện vọng của một đứa con vì nó mẹ đã phải khóc suốt mười ba năm trường, vậy sao mẹ lại không thể dành tấm lòng ấy cho đứa con trai kia? Chẳng hóa ra mẹ rộng lượng với đứa con này hơn là với đứa con kia hay sao?

Mẹ tôi đặt bàn tay lên trán tôi và hôn tôi: “Ôi! Đứa con hiếu của mẹ! Ông anh hiền thảo của thằng em! Con mới chí tình chí nghĩa làm sao!”.
Bởi vì trước kia con đã để dành được nhiều tình cảm! Nhưng mẹ ơi, đâu phải là về con, đây là việc của Áctơ. Mẹ thử nghĩ xem liệu em con còn tìm đâu một người vợ dễ thương hơn Crítxtina?
Con thì con chỉ nhìn thấy ở Crítxtina cô bé em của Mátchia bạn con!

Đúng thế, mẹ ạ! Và con xin chân thành thú nhận rằng tự đáy lòng, con rất mong muốn một quan hệ hôn nhân có thể đưa Mátchia vào gia đình ta.
Áctơ có tâm sự với anh về tình cảm và nguyện vọng của nó không?

Thưa có, mẹ yêu quý của con ạ. – Tôi vừa nói vừa mỉm cười. – Nó trình bày với con như với người anh cả.
Và người anh cả,..

…Có hứa ủng hộ nó.

Nhưng mẹ tôi ngắt lời tôi:

– Vợ anh đến đấy! Chúng ta sẽ nói chuyện Áctơ sau.

Vợ tôi, các bạn đã đoán ra, tôi không cần phải nói nữa chứ? Vợ tôi là Lidơ, em Lidơ bé bỏng, tế nhị, nhẹ nhàng, bay bổng. Lidơ không câm nữa. Nhưng em lại may mắn giữ được sự tế nhị, sự nhẹ nhàng, nó làm cho nhan sắc của em có cái gì như là nhan sắc của một nàng tiên. Lidơ không rời bỏ mẹ tôi từ độ ấy. Mẹ tôi đã chăm nom cho em, cho em ăn học và em đã trở thành nột thiếu nữ. Dưới con mắt tôi thì Lidơ có đủ tất cả tài năng đức hạnh, bởi lẽ tôi yêu em. Tôi xin mẹ tôi cho tôi cưới em làm vợ.

Lidơ vừa bước vào phòng, vừa kêu:

Ấy ấy! Có việc gì vậy! Người ta trốn tôi nói chuyện riêng với nhau đấy nhé! Áctơ vừa đi Siphoóc, chiếc xe lớn thì đi Pari. Thưa mẹ, thưa anh có chuyện gì mà bí mật thế?
Mẹ tôi và tôi cười, nhưng không trả lời. Tức thì Lidơ quàng tay qua cổ mẹ tôi, âu yếm hôn và nói:
Mẹ yêu quý, có mẹ tham dự trong “âm mưu” này thì con không lo ngại gì cả. Con yên trí rằng mẹ làm điều gì cũng vì hạnh phúc của chúng con, bây giờ cũng như bao giờ. Nhưng như thế, con lại càng tò mò thêm.

Thời gian trôi qua và chiếc xe đi Pari đón gia đình Lidơ có thể cũng sắp trở về. Thế là, muốn đùa một chút với cái tò mò của Lidơ, tôi lấy cái kính viễn vọng vẫn dùng để nhìn ra biển theo dõi những chiếc tàu chạy ngoài đó. Nhưng đáng lẽ chiếu thẳng ra biển, tôi lại quay sang phía con đường mà sớm muộn chiếc xe cũng quay về. Tôi bảo Lidơ:
Em hãy nhìn vào kính viễn vọng này, sự tò mò của em sẽ được thỏa mãn. Lidơ nhìn vào nhưng đâu có thấy gì ngoài con đường trắng xóa. bởi vì chưa có một chiếc xe nào hiện ra cả.

Thế rồi, đến lượt tôi, tôi ghé mắt vào ống nhòm. Tôi dùng cái giọng của cụ Vitali khi quảng cáo tiết mục mà nói với em:

Thế nào? Em không thấy gì qua ống kính này ư? Ồ, quả là kỳ diệu, qua ống kính anh thấy mình vượt biển sang tận đất Pháp. Này đây, một ngôi nhà duyên dáng ở quanh vùng Xô: một ông già tóc bạc đương giục hai người đàn bà đứng bên: “Nhanh lên nào, kẻo lại chậm tàu! Và như thế thì tôi lại không sang nước Anh để kịp dự lễ rửa tội cho cháu ngoại tôi đây! Này cô Catơrin, nhanh lên một chút; tôi van cô: từ mười năm nay ở chung trong nhà, bao giờ cô cũng dềnh dàng. Thế nào? Con muốn gì? Êchiênnét? Đấy đấy lại cái có nương sen đầm rồi! Vừa rồi bố trách móc cô Catơrin hoàn toàn là thân tình đấy chứ! Có lẽ nào bố lại không hiểu được rằng cô Catơrin là cô em gái tốt nhất trong các cô em gái trên đời, cũng như con, Êchiênnét ơi, con là đứa con gái tốt nhất!”

Trước khi ra đi, ông lại căn dặn những người ở nhà trông nom các cây hoa trong khi ông vắng mặt: “Chớ quên rằng chính tôi đã làm vườn trồng hoa; tôi đánh giá đúng công việc đấy!”
Tôi chuyển kính viễn vọng như tuồng lại nhìn qua một hướng khác:

Giờ đây, tôi lại thấy một chiếc tàu thủy, một chiếc tàu lớn từ quần đảo Ăng-ti trở về và đương tiến vào cảng Lơ Havơrơ. Trên tàu có một chàng thanh niên trở về sau một chuyến đì khảo sát thực vật ở miền sông Amadôn. Người ta nói chàng ta đưa về cả một loạt những cây cỏ châu Âu chưa từng biết. Giai đoạn đầu của cuộc khảo sát ấy rất là kỳ thú và đã được thuật lại trên báo chí.

Tên chàng ta, Bănggiamanh Acanh đã nổi tiếng rồi. Chàng ta chỉ còn một mối lo: không hiểu mình đến Lơ Havơrơ có kịp đáp tàu đi Súttemtơn để cùng gia đình đến lâu đài Miligơn không? Kính viễn vọng của tôi kỳ diệu đến nỗi nó theo sát chàng ta và kìa, chàng đã kịp đáp tàu đi Súttemtơn và sắp sửa cập bến.

Thế rồi, kính viễn vọng lại chuyển qua hướng khác và tôi tiếp tục:

Bây giờ thì không phải là chỉ có nhìn thấy mà tôi còn nghe thấy nữa! Có hai người ngồi trong toa tàu, một già một trẻ. Cụ già nói: “Chuyến đi này nhất định là bổ ích cho chúng ta! – Bổ ích vô cùng, cụ giáo ạ! Này, Alơxi thân mến, không những cháu được sum vầy với tất cả gia đình cháu, không những chúng ta sẽ được bắt tay Rêmi vốn không bao giờ quên chúng ta, mà chúng ta lại có dịp xuống thăm những mỏ than ở xứ Gan nữa. Cháu sẽ tiến hành được nhiều chuyện quan sát lý thú và, lúc trở về, cháu sẽ có thể góp phần cải tiến được công việc ở La Tơruye, như vậy lại tăng thêm uy tín cháu ở đó. Địa vị của cháu ở mỏ cháu đã đạt được bằng việc làm của cháu, về phần bác, bác sẽ mang về những mẫu đá, góp thêm vào bộ sưu tầm của bác mà thành phố Vácxơ đã vui lòng nhận tặng. Thật là không may mà mà chú Gátxpa lại không đến được!”.

Tôi đương định nói nữa, nhưng Lidơ đã lại đứng cạnh tôi. Em ôm tôi chặt lấy đầu tôi mà vuốt ve khiến tôi không còn nói gì được nữa. Em nói, giọng run run vì cảm động: “Ô! Một sự bất ngờ êm dịu quá!”
Không phải cảm ơn anh đâu, mà chính người phải cảm ơn là mẹ. Mẹ đã muốn được họp mặt tất cả những người nào ăn ở tốt với đứa con bơ vơ của mẹ. Nếu em không bưng miệng anh lại thì em còn được biết rằng chúng ta còn chờ đợi cả anh chàng Bốp tốt bụng đã trở thành người hề nổi tiếng nhất nước Anh, cùng với người anh của anh ấy, anh này vẫn chỉ huy con tàu “Nhật thực”.

Có tiếng một chiếc xe lăn trên đường vang tới chúng tôi, rồi ngay sau đó, lại một chiếc nữa. Chúng tôi chạy lại cửa sổ và Lidơ nhận ra trong xe có bố em, cô Catơrin, chị Êchiênnét, các anh Alơxi và Bănggiamanh. Bên cạnh Alơxi có một cụ già đầu bạc phơ, lưng còng, đó là cụ giáo. Ở đầu kia, một chiếc xe không mui chạy đến, trong đó Mátchia và Crítxtina đang đưa tay vẫy chúng tôi. Rồi sau chiếc xe đó, lại một chiếc nữa, do chính anh Bốp đánh xe. Anh Bốp có đầy đủ dáng điệu một khách thượng lưu, còn ông anh của anh vẫn là cái người thủy thủ rất hắc ngày xưa đã đổ chúng tôi lên bộ ở Ixinhy.
Chúng tôi vội vã xuống cầu thang để đón chào khách từ dưới thềm nhà.

Mọi người đoàn tụ chung quanh bàn tiệc và dĩ nhiên là chúng tôi nhắc chuyện dĩ vãng. Mátchia nói:
Hôm trước đây, ở Bađơ, tôi có thấy trong sòng bạc một nhà quý tộc, răng trắng nhởn và nhọn hoắt, cứ mỉm cười luôn mặc dầu bị thua hoài. Ông ta không nhớ ra tôi và tôi đã hân hạnh được ông ta xin một đồng phờloranh(2) để đặt vào một cửa ăn chắc. Coi như là hùn vốn để đánh mà! Quả là không may cho ông ta, ông Giem Miligơn thua tiếng bạc ấy!

Mẹ tôi bảo:

Anh Mátchia thân mến! Sao anh lại nói chuyện ấy trước mặt Rêmi? Nó rất có thể gửi tiền giúp đỡ ông chú nó đấy!
Hẳn là thế đấy, mẹ yêu quý ạ!

Vậy thì hắn đền tội bằng cách nào?

Đền tội ở chỗ chú con xưa nay ruồng bỏ tất cả chỉ để chạy theo tiền tài, bây giờ phải sống nhờ vào những kẻ mà ông ta đã hành hạ và muốn cho chết đi.
Anh Bốp nói thêm:

Tôi cũng được biết tình hình bọn đồng lõa của hắn!

Tên Đơrixcơn ghê tởm ấy à?

Không phải tin về Đơrixcơn, tên này thì vẫn còn bị đầy nơi đảo xa; nhưng mà là tin của gia đình Đơrixcơn. Con mụ Đơrixcơn bị chết cháy, một hôm mụ ta nằm vào đống lửa mà cứ ngỡ là nằm gục trên bàn, còn hai thằng A-lơn và Nét mới đây lại bị bắt và bị phạt án đày. Chúng nó theo chân cha chúng.
Thế còn Két?

Con bé Két chăm sóc ông nó hiện còn sống. Hai ông cháu vẫn ở tại sân Sư tử đỏ; lão cũng có tiền; họ sống không đến nỗi khổ!
Mátchia vừa cười vừa nói:

Nếu cô bé mà kém chịu rét thì cũng đáng thương thật! Lão già không ưa cho ai lại gần lò sưởi của lão đâu!
Mỗi người đều có góp phần để phục hồi dĩ vãng. Chẳng phải là tất cả chúng tôi đều có những kỷ niệm chung, ngồi nhắc lại với nhau thì rất lý thú hay sao? Đó là sợi dây liên lạc giữa mọi người hôm nay.
Tan tiệc, Mátchia lại gần tôi, kéo tôi đến một cửa sổ nói:

Mình nảy ra một ý kiến. Chúng mình đã bao nhiêu lần đánh đàn vì khách qua đường thì cũng phải có một lần đánh đàn cho người thân nghe với chứ!
Thế đối với cậu, không có thú vui gì mà thiếu âm nhạc được hay sao? Ở đâu, bao giờ và dù thế nào cũng mặc, âm nhạc cái đã! Cậu có nhớ con bò sữa của chúng mình kinh sợ cái âm nhạc của cậu thế nào không?
Cậu sẵn lòng hát bài dân ca thành Naplơ chứ?

Sẵn lòng lắm! Bởi vì chính nó đã làm cho Lidơ hết câm.

Thế là chúng tôi đi lấy nhạc cụ. Mátchia giở một cái hộp lót nhung rất đẹp, lấy ra một cây vĩ cầm cũ kỹ đáng giá hai phờrăng nếu đem đi bán. Tôi thì rút trong bao đàn một cây thụ cầm mà mặt gỗ đã trở lại với màu sắc thiên nhiên vì gội nhiều mưa gió.

Mọi người xúm xít quanh chúng tôi. Lúc ấy một con chó đi đến. con Capi quý hóa đã già lắm rồi. Nó điếc tai nhưng mắt vẫn trông rõ. Nằm trên gối nệm, nó nhận ra cây đàn quen thuộc cho nên nó đi khập khiễng đến đây để diễn trò. Nó ngoạm một cái đĩa. Nó định đứng trên hai chân sau để diễu qua một vòng trước “chư vị khán giả”. Nhưng nó không đủ sức. Nó bèn ngồi xuống đặt một chân vào trước ngực, trịnh trọng chào.

Xong bài hát của chúng tôi, Capi gắng gượng đứng lên đi thu tiền. Mỗi người bỏ phần của mình vào đĩa và con chó khôn xiết sung sướng về khoản thu nhập mang đến cho tôi. Đây là khoản thu lớn nhất trong đời làm trò của nó. Chỉ toàn những đồng vàng và đồng bạc, cộng lại được đến một trăm bảy mươi phờrăng.

Tôi hôn trên mõm chú Capi như xưa kia, lúc chú đến an ủi tôi. Việc ôn lại những ngày cơ hàn thuở bé này gợi cho tôi một ý kiến. Tôi nói:
– Món tiền này sẽ là món đóng góp đầu tiên để thiết lập một quán trọ và nhà cứu tế cho những trẻ đàn rong. Mẹ tôi và tôi sẽ bỏ nốt ra cho đủ.

Mátchia hôn tay mẹ tôi, nói:

Thưa bác yêu quý, cháu xin góp một phần nhỏ mọn vào công cuộc từ thiện đó của bác. Nếu bác vui lòng nhận thì khoản thu trong đêm hợp tấu đầu tiên của cháu
Lơnđơn, cháu sẽ bỏ thêm vào cái món thu của chú Capi…

Bản viết của tôi còn thừa lại một trang giấy. Đó là trang dành để chép bài hát thành Naplơ. Mátchia giỏi nhạc hơn tôi, được giao cho ghi chép bài hát ấy.
Bài hát như sau:

Đóng chặt cửa, sao chủ lầu ác vậy.

Khiến bao phen, ta nhìn cửa thở dài

Người ngọc có hay, miệng nhắc tên ai

Trái tim ta cháy bừng như nến thắp

Tôi muốn mình hóa thân thành tuyết trắng

Tuyết lạnh lùng nhưng cứ lấy tự do

Còn tình nàng lại nghiệt ngã, thờ ơ

Chẳng xúc động, dù thấy tôi héo hắt

Tôi ước được thành chàng trai bán nước

Đề lang thang tìm cách lọt lầu cao

Tay xách ấm sành, miệng cất tiếng rao:

“Hỡi người đẹp, mời nàng mua nước uống!”

Và mỹ nhân từ lầu cao ngó xuống

Hỏi: “Ai người bán nước dạo dưới kia?”

Tôi ngước lên, giọng da diết, não nề:

“Lệ tình tôi đấy! Chứ phải nào nước đâu!”

HẾT

————————-

Người Phương Tây có tục lấy tên nười thân thiết của mình đặt tên cho con mình

– N.D

Tiền Italia.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.