Không Gia Đình
5. LÊN ĐƯỜNG
Cái người bỏ ra bốn chục phờrăng để mua trẻ con cũng không nhất thiết phải là một con yêu tinh dự trữ thịt tươi để ăn dần. Ông cụ Vitali không định ăn thịt tôi, và cái này hiếm có đối với người mua trẻ, là ông cụ không ác. Điều này tôi sắp được biết.
Chỗ ông cụ lại cầm tay tôi dắt đi là chỗ đỉnh núi phân cách lưu vực sông Loa và sông Đoócđônhơ. Cũng ngay khi ấy chúng tôi bắt đầu đi xuống triền núi phương Nam.
Đi được chừng mười năm phút, ông cụ lại bỏ tay tôi ra. Ông cụ nói:
Bây giờ cháu cứ việc đi thong thả bên ông. Nhưng mà cháu đừng có quên rằng nếu cháu định chạy trốn thì con Capi và con Décbinô sẽ đuổi kịp cháu ngay và răng chúng nó nhọn lắm đấy.
Chạy trốn thì bây giờ không thể được nữa rồi, do đó có mưu toan cũng vô ích. Tôi thở dài.
Cháu buồn lòng lắm đấy nhỉ? – Ông cụ nói tiếp – Ông biết lắm và không giận cháu đâu! Nếu cháu muốn khóc thì tùy ý, cháu cứ việc khóc đi. Nhưng mà cháu nên biết rằng ông mang cháu đi không phải để làm khổ cháu đâu! Cứ ở đấy thì rồi cháu sẽ ra như thế nào nhỉ? Chắc chắn là cháu phải vào trại trẻ rơi. Những người đã nuôi cháu không phải là bố mẹ đẻ của cháu. Má cháu, như cháu gọi, thật là tốt đối với cháu và cháu thương yêu má cháu, cháu đau lòng vì phải xa má cháu, đó là điều tốt. Tuy vậy, cháu cũng cần phải suy nghĩ lại, má cháu không thể giữ cháu trái ý với chồng được. Còn người chồng bà thì ông ta không đến nỗi khắc nghiệt như cháu tưởng đâu! Ông ta không có gì để mà sống. Què quặt, không lao động được nữa, không lẽ người ta chịu chết đói để nuôi cháu. Cháu ơi, giờ đây cháu nên hiểu rằng trên đời này không phải là cứ muốn gì thì làm được nấy đâu!
Hẳn đó là những lời nói của một người sáng suốt, hay ít ra cũng là lời của một người từng trải. Nhưng mà nỗi niềm ly biệt đau đớn trong lòng tôi lúc ấy làm cho tôi không thể nghe lọt những lời hay, lẽ phải.
Tôi sẽ không bao giờ gặp lại người đã nuôi dưỡng tôi, đã âu yếm tôi, người mà tôi thương yêu nhất đời là má tôi. nghĩ ấy cứ nghẹn ở cổ tôi làm tôi nghẹt thở. Tuy nhiên tôi vẫn đi gần cụ Vitali và cố sức đem những điều cụ vừa nói để tự bảo mình.
Cụ Vitali nói chắc là đúng, ông Bácbơranh không phải là bố đẻ ra tôi, không lý do gì bắt buộc ông phải chịu đói khổ vì tôi. Trước kia ông đã nhận tôi về để nuôi. Bây giờ ông ta phải đuổi tôi đi là vì ông không thể giữ tôi lại được nữa. Nghĩ tới ông ta, tôi không nên nghĩ đến cái ngày hôm nay, mà phải nhớ lại những năm tôi đã sống ở nhà ông ta kia!
Chốc chốc cụ Vitali lại nhắc:
– Cháu ơi, cháu hãy suy nghĩ về những điều ông nói với cháu! Ở với ông, cháu sẽ không khổ sở đâu!
Xuống khỏi một cái dốc, chúng tôi tới một cánh đồng hoang phẳng lì, buồn tẻ, rộng mênh mông. Không có nhà cửa, không có cây cối. Một cao nguyên mọc đầy thạch thảo hung hung và đó đây từng đám kim tước chi cằn cỗi chập chờn trước gió như sóng gợn.
Cụ Vitali đưa tay trên bãi đồng hoang, bảo tôi:
– Cháu nom đấy, có định trốn cũng vô ích thôi! Con Capi và con Décbinô sẽ bắt được cháu ngay!
Chạy trốn! Tôi không nghĩ tôi việc trốn nữa. Trốn ở đâu bây giờ kia chứ? Trốn rồi về nhà ai?
Suy cho cùng thì cái ông già râu tóc bạc phơ, cao lớn và đẹp lão ấy không đến nỗi dễ sợ lắm, như tôi nghĩ trước đây. Nếu ông ta làm chủ tôi thì có lẽ cũng không phải là một ông chủ tàn ác.
Chúng tôi đi mải miết giữa nhiều cảnh quạnh hiu buồn rứt. Hết các bãi hoang lại đến những cánh đồng cây lúp xúp. Phóng tầm con mắt nhìn tận xa tít, tôi chỉ thấy mấy ngọn đồi trọc chóp tròn. Trước kia tôi hình dung các cuộc hành trình khác hẳn. Mỗi khi tôi để cho tâm hồn ngao du trên cảnh mộng, vượt khỏi cổng làng, thì tức khắc nó đi đến những xứ sở hoàn toàn khác lạ với cảnh thực bày ra trước mắt tôi hôm nay.
Lần này là lần đầu tiên tôi đi một đoạn đường dài đến như vậy một mạch, không nghỉ. Bước chân của cụ chủ tôi dài và đều đặn. Cụ để con Giôlicơ trên vai, cũng có khi cho ngồi trên xắc. Mấy con chó chạy lon ton bên cạnh không rời cụ. Thỉnh thoảng cụ Vitali nói với chúng tôi vài lời âu yếm, khi thì bằng tiếng
Pháp, khi thì bằng một thứ tiếng gì tôi không hiểu.
Ông cụ và bầy chó không có vẻ gì mệt mỏi. Tôi thì không thể. Tôi mệt lả đi rồi. Sự mệt mỏi của cơ thể thêm vào sự xúc động về tinh thần làm cho tôi kiệt sức.
Tôi kéo lê chân và phải vất vả mới theo kịp chủ tôi. Tuy thế tôi cũng không dám xin phép dừng lại.
Tại đôi guốc của cháu nó làm cháu mỏi đấy! – Cụ nói. – Đến Útxen ông sẽ mua giày cho.
Câu nói đó làm cho tôi gắng sức lên.
Thật vậy, xưa nay tôi vẫn khao khát có một đôi giày. Con ông xã trưởng và con ông chủ quán mới có giày. Ngày chủ nhật, đi lễ, chúng nó lướt êm ru trên nền gạch nhậy âm vang, còn bọn con nông dân chúng tôi thì khua guốc đinh tai nhức óc.
Útxen còn xa lắm phải không cụ?
Đó là một câu từ đáy lòng phát ra. – Ông cụ già vừa cười, vừa nói. – Thế là cháu rất thích có một đôi giày phải không? Được rồi, ông hứa sẽ cho cháu một đôi, một đôi dưới đế còn đóng đanh nữa cơ! Và ông còn hứa cho cháu một cái quần nhung, một cái áo vét và một cái mũ nữa. Cái đó chắc sẽ làm cho cháu ráo nước mắt, ông mong thế, và cháu sẽ khỏe ra để đi nốt sáu dặm đường nữa.
Giày dưới đế có đóng đanh! Tôi thấy choáng lên. Được một đôi giày đã là phi thường. Khi thấy nói đế có đóng đanh thì nỗi phiền muộn của tôi bỗng chốc tiêu tan đi mất.
Không, chắc chắn chủ tôi không phải là một người độc ác. Một người độc ác có thể nào mà nhận thấy đôi guốc làm cho tôi mệt nhọc được.
Đôi giày, đôi giày có đanh! Cái quần nhung! Rồi lại cái áo vét! Cả cái mũ nữa! Chà! Má Bácbơranh mà trông thấy tôi hẳn là má sung sướng lắm. Và má sẽ tự hào biết bao nhiêu về cái thằng này.
Ấy thế mà Útxen hãy còn xa lắc lơ mới cực chứ!
Mặc dù sẽ có đôi giày và chiếc quần nhung, ở cuối quãng đường sáu dặm này, tôi thấy chừng như tôi cũng không còn sức đi xa như vậy được nữa.
May thay thời tiết đến giúp tôi.
Bầu trời vẫn xanh ngắt từ lúc chúng tôi ra đi, dần dần kéo đầy mây xám.
Chẳng mấy chốc một cơn mưa nhỏ đổ xuống và cứ kéo dài mãi, không ngớt.
Có tấm áo da cừu, cụ Vitali không bị ướt và còn che cho con Giôlicơ được. Cái con khỉ ranh mãnh này mới thấy mấy giọt mưa đầu tiên rơi xuống đã nhanh nhẹn chui vào chỗ trú ẩn của nó. Nhưng mà bầy chó và tôi, chúng tôi không có cái gì để che mưa cả. Thế là chẳng bao lâu chứng tôi bị ướt sũng đến tận da. Bầy chó thỉnh thoảng rùng mình rũ lông được, còn tôi thì tạo hóa không cho phép làm thế, tôi phải mang những quần áo nặng chịch nước mưa mà đi và thấy lạnh buốt đến xương.
Cháu có dễ bị cảm không? – Chủ tôi hỏi.
Cháu không biết. Cháu không nhớ có lần nào bị cảm.
Thế thì tốt lắm, tốt lắm. Ừ! Cháu cũng có mặt cứng đấy. Nhưng ông cũng không muốn để cháu xông pha làm gì vô ích. Hôm nay, chúng ta hãy đi chừng này thôi. Có thôn xóm đằng kia chúng ta hãy vào ngủ trọ ở đấy.
Nhưng trong làng không có quán trọ. Chẳng ai muốn chứa cái ông già trông như người hành khất, lại lẽo đẽo dắt theo một thằng bé con và ba con chó, người và vật đều lấm bùn be bét. Người ta bảo: “Ở đây không chứa trọ”.
Và người ta đóng sập cửa lại. Đi hết nhà này đến nhà khác, chẳng ai mở cửa cho chúng tôi vào.
Có lẽ phải đi nốt một mạch bốn dặm đường cho đến Útxen chăng? Tối đến nơi rồi, mà người thì thấm nước mưa lạnh buốt. Riêng tôi, tôi thấy hai chân cứng đờ như hai khúc gỗ.
Chao ôi! Nào đâu cái nhà ấm cúng của má Bácbơranh!
Sau cùng có một bác nông dân tốt bụng vui lòng mở cửa vựa chứa rơm cho chúng tôi vào. Nhưng trước khi cho vào, bác ta ra điều kiện không được thắp đèn đốt lửa gì cả.
Bác ta nói với cụ Vitali:
Ông cụ đưa diêm đây. Sáng mai cụ đi, tôi sẽ trả lại.
Dẫu sao chúng tôi cũng có được một mái nhà để ẩn náu và mưa không trút lên người chúng tôi nữa.
Cụ Vitali là một người biết phòng xa, khi đi đường không bao giờ quên mang lương thực. Trong cái xắc lính ông đeo trên vai, có một cái bánh mì lớn. Cụ cắt bánh ra làm bốn phần.
Bây giờ tôi mới thấy ông cụ duy trì kỷ luật và sự phục tùng trong gánh hát của cụ như thế nào.
Lúc nãy, trong khi chúng tôi còn đi lò dò hết nhà này đến nhà khác để tìm chỗ trú, thì con Décbinô đã có lúc lẩn vào một nhà nào đó rồi chạy ra ngay, mõm tha một mẩu bánh mì. Cụ Vitali chỉ nói có một câu:
– Décbinô! Tối nay rồi mày xem!
Tôi cũng chẳng nghĩ gì đến cái việc đánh cắp ấy nữa, cho đến khi ông cụ chủ cắt bánh mì, tôi bỗng thấy con Décbinô có vẻ tiu nghỉu.
Cụ Vitali và tôi ngồi cạnh nhau trên hai bó phượng vĩ. Con Giôlicơ ngồi ở giữa. Ba con chó ngồi xếp hàng trước mặt chúng tôi, con Capi và Đônxơ đăm đăm nhìn mắt ông chủ. Còn con Décbinô thì cúi mặt, hai tai cụp xuống. Cụ Vitali ra lệnh:
Đứa ăn cắp hãy đi ra ngoài hàng ngũ, chui vào xó kia mà nằm. Tối nay nó phải ngủ đói.
Thế là con Décbinô rời khỏi chỗ nó tức khắc và vừa đi vừa lết, nó len lén đến cái xó mà ông chủ chỉ. Nó chui gọn vào đống lá phượng vĩ. Chúng tôi không nhìn thấy nó nữa, chỉ nghe thấy nó vừa thở vừa rên và khe khẽ kêu mấy tiếng nghẹn ngào.
Trừng phạt con Décbinô xong, cụ Vitali đưa phần bánh mì cho tôi. Ông cụ thì vừa ăn vừa bẻ phần bánh của Giôlicơ, Capi và Đônxơ ra từng miếng nhỏ để phân phát cho chúng.
Những tháng cuối cùng ở với má Bácbơranh cũng chẳng có gì gọi là sướng, nhưng giờ đây phải sống kham khổ thế này, tôi thấy sự đổi thay quá ác liệt.
Chà! Nồi xúp má Bácbơranh nấu mỗi tối, giờ đây giá có, thì dù thiếu bơ đi nữa tôi cũng sẽ thấy ngon!
Giá lại được ngồi bên lò sưởi nữa thì dễ chịu biết bao! Và sẽ được hạnh phúc biết mấy nếu được luồn mình trong vải nệm kéo chăn lên tận cằm!
Nhưng than ôi! Làm gì có vải nệm, làm gì có chăn! Có được một ổ lá phượng vĩ thế này là phúc lắm rồi.
Người mệt nhừ, chân trầy da vì đôi guốc, tôi rét quá, run bần bật trong bộ quần áo ướt sũng.
Trời tối hẳn rồi nhưng tôi vẫn chưa ngủ.
Sao răng cháu đập cầm cập thế Rêmi! – Cụ Vitali hỏi. – Cháu rét à?
Rét tý thôi!
Quần áo của ông cũng chẳng nhiều nhặn gì đâu! – Ông cụ nói. – Nhưng mà đây, một chiếc sơ mi khô và một cái gilê! Cháu hãy cởi hết quần áo và khoác những thứ này vào. Rồi cháu chui xuống dưới đống phượng vĩ, cháu sẽ thấy người ấm lên và cháu sẽ ngủ được ngay.
Tôi làm theo lời cụ, tuy thế cũng không thấy ấm người lên mau chóng như cụ tưởng. Tôi cứ trăn trở mãi trên lớp lá phượng vĩ, đau đớn và khổ sở quá, ngủ ở nhà chứa rơm, rét run lên, bữa tối chỉ có mẩu bánh trơ trụi, chẳng có ai tỏ lòng thương xót. Chẳng có ai để yêu thương, không có má Bácbơranh!
Tôi đang nghĩ ngợi lan man, lòng buồn rười rượi, nước mắt giàn giụa, thì bỗng thấy thoảng qua trên mặt tôi một hơi thở âm ấm.
Tôi đưa tay ra phía trước và sờ thấy bộ lông dày như len của con Capi. Nó đã rón rén đi trên lá phượng vĩ, nhẹ nhàng đến bên tôi. Nó ngửi tôi, hít khe khẽ. Hơi nó lướt nhẹ trên mặt tôi, trên tóc tôi.
Nó định làm gì nhỉ?
Giây phút sau nó nằm lên đống lá phượng vĩ, áp mình vào người tôi và dịu dàng, êm ái, nó liếm tay tôi.
Vô cùng cảm động trước cử chỉ âu yếm đó, tôi nhỏm dậy ôm luôn vào cái mũi lạnh ngắt của nó.
Nó kêu một tiếng khe khẽ, rồi nhanh nhảu đặt cẳng vào trong tay tôi và nằm im.
Thế là tôi quên hết cả nỗi mệt nhọc, buồn phiền, cổ họng tôi như bị bóp nghẹt, nay thấy được nới ra. Tôi thở phào. Tôi không cô đơn nữa. Tôi đã có một người bạn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.