Không Gia Đình
6. BƯỚC ĐẦU TRONG NGHỀ
Hôm sau chúng tôi lên đường sớm.
Mưa tạnh rồi. Trời xanh biếc. Nhờ có trận gió hanh đêm qua, đường se bùn, chim ca rộn rã trong mấy bụi cây bên đường. Đàn chó chạy tung tăng bên chúng tôi. Thỉnh thoảng con Capi lại đứng thẳng trên hai chân sau và sủa vào mặt tôi hai ba tiếng. Tôi hiểu ý nghĩa của tiếng sủa ấy là thế nào. Nó muốn nói:
– “Gắng lên! Gắng lên!”
Thật là một con chó thông minh. Nó hiểu hết và luôn luôn biết cách làm cho người ta hiểu nó. Đã nhiều lần tôi nghe người ta bảo rằng nó chỉ thiếu có cái không biết nói thôi. Riêng tôi không nghĩ như vậy. Chỉ cái đuôi của con vật ấy cũng đã thông minh và hùng biện hơn mắt và miệng lưỡi của khối người. Dù sao đi nữa thì giữa nó và tôi cũng chả cần đến lời nói. Chúng tôi đã hiểu nhau ngay từ ngày đầu.
Tôi chưa bao giờ ra khỏi cổng làng, cho nên ao ước được nom thấy một thành phố. Nhưng phải thú thật thị trấn Útxen không làm cho tôi choáng mắt chút nào cả, những ngôi nhà cổ có tháp ở đây hẳn khiến cho các nhà khảo cổ thích thú, nhưng đối với tôi thì có ý nghĩa gì đâu. Phải nói rằng tôi không tìm ở các ngôi nhà ấy cái vẻ đẹp, cái vẻ nên tranh của nó, tôi tìm cái khác kia.
Một ý niệm choán cả đầu óc tôi, làm quáng mắt tôi, hay ít nhất cũng chỉ cho phép tôi nhìn thấy một thứ: Đó là cửa hiệu giày.
Đôi giày của tôi, đôi giày cụ Vitali hứa hẹn, giờ đây là lúc tôi sắp được xỏ chân vào.
Chẳng biết cái cửa hàng có diễm phúc bán giày cho tôi ở vào đâu đây nhỉ? Tôi chỉ tìm kiếm nó thôi, ngoài ra mái tháp, vòm cuốn, cột trụ mỹ thuật, không gì đáng cho tôi lưu ý
Cho nên cái điều duy nhất tôi còn nhớ về thị trấn Útxen là một ngôi làng tối tăm, ám khói ở gần chợ. Ở mặt trước của cửa hàng bày la liệt nhiều súng cũ, một cái áo viền kim tuyến ở các đường may và có ngù vai bằng bạc, rất nhiều đèn và những cái sọt có vô số là sắt vụn, nhất là ổ khóa và chìa khóa han gỉ. Phải xuống ba bậc để đi vào một căn phòng rộng. Chắc hẳn là từ ngày căn nhà lợp mái xong, ánh sáng mặt trời chưa chiếu vào đây bao giờ.
Không biết tại sao một vật đẹp đẽ như đôi giày lại có thể bày bán ở một nơi ghê tởm như thế này được nhỉ?
Tuy vậy bước chân vào cửa hàng này, cụ Vitali đã có ý định của cụ rồi. Chẳng mấy chốc, tôi được cái phúc lớn xỏ chân vào đôi giày đóng đanh sắt dễ gấp mười lần đôi guốc của tôi.
Sự hào phóng của ông chủ tôi không phải đến đây là hết.
Sau khi mua giày rồi, ông cụ lại mua cho tôi một chiếc áo vét nhung xanh, một cái quần len và một cái mũ dạ, nghĩa là mọi thứ ông cụ đã hứa với tôi. Mua hàng nhung cho tôi, cho một đứa bé xưa nay chỉ mặc vải! Rồi lại giày! Và còn chiếc mũ dạ nữa cho thằng bé xưa nay chỉ lấy tóc che đầu. Rõ ràng ông cụ là người tốt nhất trần đời, con người hào phóng nhất và cũng là giầu có nhất.
Thực ra thì nhung đã nhàu, len cũng đã sờn rồi, và cái mũ dạ bị mưa dầm bụi dãi, khó mà biết xưa kia màu gì. Nhưng tôi choáng mắt vì những thứ lộng lẫy ấy, nên không hề động lòng về các thiếu sót ẩn dưới vẻ hào nhoáng kia.
Tôi mong chóng được mặc những thứ quần áo đẹp đẽ ấy. Nhưng về nhà trọ, trước khi đưa cho tôi, ông cụ đem thay hình đổi dạng nó đi, làm cho tôi vừa ngạc nhiên vừa xót của.
Ông cụ lấy kéo trong xắc ra cắt phăng hai ống quần đến ngang gối: tôi giương mắt kinh hãi nhìn ông cụ. Ông cụ nói:
Làm thế này cốt để cho cháu đừng giống mọi người. Chúng ta đang ở Pháp, ông mặc quần áo cho cháu theo kiểu Italia. Bao giờ chúng ta sang Italia – có thể chúng ta sẽ sang Italia đấy – ông lại cho cháu mặc theo kiểu Pháp.
Tôi chưa hết ngạc nhiên thì ông cụ nói tiếp:
Chúng ta là gì nào? Là nghệ sĩ có phải không? Là những diễn viên thì chỉ riêng hình dáng bên ngoài thôi cũng phải khơi gợi được tính tò mò của người ta. Ăn mặc như bất cứ kẻ chợ hay người nhà quê, cháu tưởng rằng chúng ta có thể khiến thiên hạ đứng nhìn chúng ta và vây quanh chúng ta hay sao? Tất nhiên là không, có phải không cháu? Cháu nên học lấy điều này, là ở đời một đôi khi cái bề ngoài cũng cần thiết đấy. Việc đó đáng buồn nhưng biết làm sao được!
Ấy, buổi sáng tôi là người Pháp, đến chiều thành người Ý như thế đấy.
Quần tôi cụt tới đầu gối, cụ Vitali lấy dây băng đỏ quấn chéo trên bít tất, dọc theo ống chân, trên mũ dạ của tôi, ông cụ cũng quấn ngang dọc nhiều băng khác và cài lên một chùm hoa bằng len.
Tôi không hiểu người khác nhìn tôi sẽ nghĩ như thế nào, chứ tôi thành thực mà nói, tôi là tôi oai lắm, sộp lắm. Bằng chứng là con Capi, sau khi nhìn ngắm tôi chán chê, bèn chìa chân ra cho tôi bắt, vẻ rất vừa lòng. Sự tán thưởng của con Capi càng làm tôi thích thú bởi vì trong khi tôi khoác vào người bộ quần áo mới, chú Giôlicơ ngang nhiên đứng trước mặt tôi, nhại theo từng điệu bộ của tôi và cường điệu lên. Tôi đóng bộ xong, thì chú chống hai tay vào sườn, ngửa người ra sau cười khanh khách và lí nhí những tiếng chế nhạo.
Tôi nghe người ta nói tìm hiểu xem giống khỉ có cười không là một vấn đề khoa học lý thú. Tôi cho rằng những người đặt ra câu hỏi ấy là những nhà khoa học phòng giấy, không chịu khó quan sát trực tiếp con vật. Riêng tôi là người đã sống gần gũi với con Giôlicơ trong bao nhiêu lâu, tôi nói quả quyết là nó cười thực sự, không những cười mà còn biết cười chế nhạo tôi nữa. Có lẽ cái cười của nó không giống hệt cái cười của chúng ta. Nhưng rõ ràng là mỗi khi có điều gì thích thì mép nó kéo sệch ra mang tai, mắt híp lại, hàm rung lia lịa và đôi mắt đen láy nảy ra những tia lấp lánh, như những cục than hồng nho nhỏ được thổi rực lên.
Vả chăng, tôi đã có dịp quan sát nó ở những dấu hiệu đặc biệt của cái cười trong một trường hợp mà cái nhục về phần tôi.
Khi tôi đội mũ vào thì cụ Vitali bảo tôi:
Thế là cháu mặc xong quần áo rồi đấy! Chúng ta bắt đầu làm việc đi để ngày mai là phiên chợ, có thể tổ chức một buổi biểu diễn lớn được. Trong buổi đó, cháu sẽ lên sân khấu lần đầu.
Tôi hỏi ông cụ lên sân khấu lần đầu là như thế nào? Ông cụ giảng giải cho tôi biết lên sân khấu lần đầu là lần đầu tiên đóng trò trước công chúng. Cụ nói:
Ngày mai gánh xiếc chúng ta sẽ ra mắt khán giả. Một buổi diễn đầu tiên trong đó có cháu đóng. Vậy ông phải cho cháu dượt vai trò ông dành cho cháu.
Đôi mắt ngạc nhiên của tôi làm cho cụ biết là tôi không hiểu gì cả.
Vai có nghĩa là công việc cháu phải làm trong buổi diễn kịch. Ông đem cháu đi với ông không phải để cháu đi dạo chơi cho thỏa thích. Ông không giầu có gì mà làm như vậy được. Mang cháu đi là để cháu làm việc. Mà công việc của cháu là đóng kịch với đàn chó của ông và chú khỉ Giôlicơ.
Tôi đâm hoảng, kêu lên:
Nhưng cháu đâu có biết đóng kịch!
Chính vì thế mà ông phải dậy cháu. Cháu phải hiểu rằng không phải tự nhiên mà con Capi biết đi trên hai chân một cách duyên dáng như thế. Và không phải con Đônxơ nhảy dây vì sở thích của nó. Con Capi đã tập đứng trên hai chân sau và con Đônxơ đã tập nhẩy dây. Chúng nó đã phải học tập mất nhiều công phu và thì giờ mới có được những biệt tài ấy và cả tài nghệ cần thiết cho một diễn viên ưu tú. Cháu cũng vậy, cháu cần tập những vai cháu sẽ phải đóng với chúng nó. Thôi, chúng ta bắt tay vào việc đi.
Hồi đó tôi có những quan điểm thật là cổ lỗ về lao động. Tôi cứ tưởng hễ lao động là phải cuốc đất, xẻ gỗ, chặt cây hoặc đẽo đá chứ không hề nghĩ đến cái gì khác.
-Vở kịch chúng ta sắp diễn, – ông cụ Vitali nói tiếp – nhan đề là “Người đầy tớ của ông Giôlicơ” hay là “Kẻ đần độn nhất không phải là kẻ mà người ta tưởng”. Câu chuyện như thế này: Cho tới nay, ông Giôlicơ có một người đầy tớ rất vừa ý ông, đó là Capi. Nhưng Capi già rồi, mặt khác ông Giôlicơ cũng muốn mướn một người đầy tớ mới. Capi nhận tìm cho ông một người. Nhưng mà nó không tìm được một con chó khác để kế nghiệp nó, nó tìm một thằng bé con tên là Rêmi.
Như cháu ấy à?
Không, không phải như cháu, mà chính là cháu đấy thôi. Cháu ở quê lên để giúp việc cho ông Giôlicơ.
Khỉ thì làm gì có người giúp việc!
Nhưng trong hài kịch thì có đấy. Vậy cháu ở nhà quê lên và ông Giôlicơ nhận thấy cháu có vẻ đần độn.
Cái đó chả thú vị gì.
Việc gì đến cháu, vì chỉ để cười thôi mà! Vả lại cháu cứ tưởng tượng như là cháu thực sự đến ở cho một ông chủ và ông chủ bảo cháu bày bàn ăn chẳng hạn. Vừa đúng đây lại có một cái bàn để dùng cho buổi biểu diễn của chúng ta. Cháu đến xếp bát đĩa đi.
Trên bàn có mấy cái đĩa, một cái cốc, một con dao, một cái nĩa và những khăn ăn trắng tinh.
Phải bầy biện như thế nào đây? Tôi loay hoay với câu hỏi ấy và đứng sững, hai tay giơ ra, người chồm tới trước, mồm há hốc, không biết nên bắt đầu làm gì. Ông cụ vỗ tay cười phá lên. Ông nói:
Hay lắm! Hay lắm, cái vẻ mặt của cháu thật tuyệt! Trước đây đã có một thằng bé làm với ông. Vẻ mặt nó ranh mãnh và dáng điệu nó nói lên một cách quá rõ ràng: “Để xem, tôi mà làm một thằng ngốc thì phải biết là cừ!”. Còn cháu thì cháu không nói gì cả. Cháu đích thị là thằng ngốc. Vẻ ngây ngô của cháu thật không chê được!
Cháu chả biết cháu cần làm gì!
Chính vì thế mà cháu “tuyệt”. Đến mai đây hoặc năm ba hôm nữa cháu sẽ rất thông thạo những việc cháu phải làm. Lúc đó cháu phải nhớ lại cái vẻ lúng túng hiện nay của cháu. Lúc đó cháu phải giả vờ lúng túng nữa. Nếu cháu diễn được cái vẻ mặt và điệu bộ hôm nay thì ông dám nói trước là cháu sẽ được hoan hô đặc biệt. Nhân vật mà cháu đóng trong vở hài kịch của ông như thế nào? Là một chú bé ở quê ra, chưa trông thấy gì và chưa hiểu gì cả. Chú bé tới nhà một con khỉ và tỏ ra dốt nát vụng về hơn nó. Do đó ông mới lấy một đề phụ cho vở kịch là “Kẻ đần độn nhất không phải là kẻ mà người ta tưởng”. Ngu hơn chú khỉ Giôlicơ đó là vai trò của cháu. Để thủ vai một cách tuyệt diệu, giá có thể thì cháu chỉ cần giữ cái vẻ hiện nay của cháu. Nhưng mà việc đó không thể được, cho nên sau này cháu phải nhớ lại hiện giờ cháu đã làm như thế nào và lúc đó, nhờ sự cố gắng nghệ thuật, cháu sẽ trở lên ngu ngốc trong khi cháu không thể ngu một cách tự nhiên được nữa.
“Người đầy tớ của ông Giôlicơ” là một vở hài kịch nhỏ diễn trong hai mươi phút đồng hồ. Nhưng tập thì phải mất ngót ba tiếng, cụ Vitali bắt chúng tôi làm đi làm lại mỗi việc hai ba lần, có khi đến mười lần. Lũ chó cũng phải làm đi làm lại như tôi.
Thật vậy, mấy con chó đã quên mất vài phần trong vai trò của chúng nên phải dạy lại chúng. Nhờ vậy tôi được dịp nhìn thấy tính kiên nhẫn và sự ôn hòa dịu ngọt vô hạn của thầy chúng tôi, và rất lấy làm ngạc nhiên. Ở làng tôi, người ta không đối đãi với súc vật như thế bao giờ. Phương pháp dạy súc vật duy nhất ở làng tôi là chửi rủa và roi vọt.
Đối với ông cụ thì việc tập tành có kéo dài bao nhiêu đi nữa ông cụ cũng không nổi nóng bao giờ và cũng chưa bao giờ ông buông một tiếng nguyền rủa. Mỗi khi ông không hài lòng về kết quả tập dượt thì ông nghiêm nghị nói:
Này, này, làm lại đi Capi, anh như thế không tốt. Còn anh Giôlicơ, anh không chịu chú ý. Anh sẽ bị trách mắng cho mà xem!
Chỉ có thế thôi, nhưng vẫn là đủ. Sau buổi tập, ông cụ hỏi tôi:
Thế nào, liệu rồi cháu diễn trò có quen đi không?
Cháu không biết.
Cháu có thấy chán không?
Không, cháu thấy vui vui.
Thế thì được, mọi việc đã ổn cả. Cháu khá thông minh và có điều này còn quý hơn nữa là cháu có ý chí. Chăm chỉ và dễ bảo thì rồi cái gì cũng làm được. Cháu thử nhìn đàn chó mà xem và so sánh chúng với con Giôlicơ. Con khỉ có lẽ nhanh nhẩu và thông minh hơn nhưng nó khó bảo. Dạy nó cái gì là nó học được ngay nhưng rồi nó lại quên trong chốc lát. Mà khi bảo nó làm cái gì chẳng bao giờ nó vui lòng làm đâu! Nó phản kháng rất dễ dàng và luôn luôn muốn làm nghịch ý ta. Thiên tính của nó là thế nên ông cũng chẳng giận nó làm gì. Khác với chó, khỉ không có ý thức nghĩa vụ và do đó nó kém chó xa. Cháu có hiểu không?
Có lẽ cháu hiểu.
Cháu ơi, cháu cần có ý chí và ngoan ngoãn phục tùng. Phải làm cái gì thì cháu cố làm cho hết sức. Ở đời tất cả mọi thành công là ở đó!
Trong khi trò chuyện như vậy, tôi đánh bạo nói với ông cụ rằng điều làm tôi ngạc nhiên nhất là sự kiên trì vô hạn của ông cụ đối với con khỉ Giôlicơ với đàn chó cũng như đối với tôi. Thế là ông cụ nở một nụ cười dịu dàng:
Người ta thấy rõ là từ xưa tới nay cháu chỉ sống với những người dân quê quen tàn nhẫn với súc vật. Họ tưởng với chúng nhất thiết phải dùng roi vọt.
Má Bácbơranh rất dịu dàng với con bò sữa Rútxét của nhà cháu.
Bà ấy làm đúng đấy! Cháu làm cho ông có cảm tưởng tốt về má Bácbơranh. Bà ta hiểu điều mà thường thường những người dân quê chưa biết. Đó là: thô bạo đem lại ít kết quả, trái lại ngọt ngào thì được rất nhiều nếu không muốn nói là tất cả. Riêng phần ông, vì ông không bao giờ nóng nẩy với con vật của ông nên ông mới làm cho chúng trở thành như thế đấy. Nếu ông đánh đập chúng nó, chúng nó sẽ sợ sệt, mà sự sợ hãi làm tê liệt óc thông minh đi. Vả chăng nếu ông cứ cáu gắt với chúng, thì ông đã là khác chứ không được như thế này đâu. Ông đã luyện được lòng kiên nhẫn bất chấp mọi thử thách, và chính nó đã làm cho cháu tin ông. Ấy, khi mình dạy kẻ khác thì cũng là tự dạy cho mình. Ông dạy những con chó kia bao nhiêu bài học thì chúng nó dạy lại ông bấy nhiêu bài. Ông đã mở trí thông minh cho chúng nó, thì chúng nó rèn luyện tính khí cho ông.
Điều đó kì dị quá khiến tôi bật cười.
Cháu lấy làm lạ sao chó có thể dạy được người, có phải không? Ấy thế mà đúng như thế đấy, không có gì đúng bằng. Cháu thử suy nghĩ mà xem. Cháu có thừa nhận là con chó chịu ảnh hưởng của chủ nó không?
Ôi! Cái đó đúng quá.
Thế thì cháu sẽ hiểu rằng ông thầy bắt buộc phải giữ mình khi luyện tập cho chó. Giả thử khi dạy con Capi, ông lại nổi lên cáu kỉnh và giận dữ! Con Capi nó sẽ làm gì? Nó cũng sẽ tập thói quen giận dữ và cáu kỉnh, nghĩa là dập theo khuôn của ông và trở nên hư hỏng. Chó hầu như bao giờ cũng là hình ảnh của chủ. Nhìn thấy chó biết ngay chủ là người thế nào.
Anh hãy cho tôi xem con chó của anh, tôi sẽ nói anh biết anh là người như thế nào cho mà coi. Chó của tên côn đồ là chó vô lại. Chó của đứa ăn sương là chó trộm cắp. Người cộc cằn thì chó thô lỗ. Người nhã nhặn thì chó dễ yêu.
Những bạn tôi, đàn chó và con khỉ, hơn tôi ở chỗ đã quen ra mắt công chúng, cho nên chúng nó chờ đón ngày mai tới không chút gì sợ hãi. Đối với chúng nó, chỉ cần làm lại những việc chúng đã làm hàng trăm lần, có dễ hàng nghìn lần rồi cũng nên.
Nhưng mà đối với tôi, tôi không thể bình tâm vững dạ như chúng nó. Nếu tôi đóng kém thì cụ Vitali sẽ nói sao đây. Khán giả sẽ bàn tán thế nào? Cái điều băn khoăn ấy làm tôi khó ngủ. Đến khi thiếp đi thì tôi mơ thấy bao nhiêu người ôm bụng cười lăn lộn, cười văng vào mặt tôi để chế giễu tôi.
Hôm sau tôi rất xúc động khi đoàn chúng tôi từ quán trọ ra đi để đến chỗ công cộng biểu diễn.
Cụ Vitali đi trước, đầu ngẩng cao, ưỡn ngực, chân bước đều, tay văng theo nhịp bước, vừa đi vừa thổi van(1) bằng một ống tiêu kim loại. Sau ông cụ đến con Capi, trên lưng nó có ông Giôlicơ ngự khoái trá. Ông mặc quân phục hàm tướng nước Anh: quần đỏ, áo đỏ có thêu kim tuyến, mũ cài một chùm lông xòe ra. Giữ một khoảng cách đúng phép, con Décbinô và con Đônxơ song song đi theo sau. Cuối cùng, đi đoạn hậu là tôi. Nhờ có những khoảng cách do ông cụ xếp đặt nên đoàn chúng tôi có vẻ khá dềnh dàng trên phố.
Đoàn kéo đi rầm rộ, long trọng. Nhưng làm cho người ta chú ý hơn là tiếng tiêu rắn rỏi của ông cụ. Nó vọng vào trong tận cùng mọi nhà, khơi gợi tính tò mò của dân cư thị trấn Útxen. Người ta đổ xô ra cửa để xem chúng tôi diễu qua. Người ta vén vội những màn cửa sổ lên. Dăm ba đứa trẻ theo chân chúng tôi. Có mấy bác nông dân thấy lạ mắt cũng nhập bọn với chúng tôi. Khi chúng tôi tới chỗ công cộng thì ở sau chúng tôi, quanh chúng tôi như một đám rước.
Chúng tôi dựng rạp rất nhanh. Rạp đây là một cái thừng buộc vào bốn gốc cây để vây lấy một khoảng đất trống dài, ở giữa chúng tôi.
Phần đầu của buổi biểu diễn gồm có mấy trò do lũ chó làm. Những trò gì tôi không nói được vì tôi đang bận nhẩm vai của tôi và mải băn khoăn lo ngại. Tôi chỉ nhớ là cụ Vitali đã cất ống tiêu đi và lấy viôlông ra kéo để đệm những tiết mục của mấy con chó. Lúc thì ông cụ kéo những nhịp vũ, lúc thì kéo những bản nhạc du dương êm ái.
Công chúng dồn lại rất nhanh, xô vào dây thừng của chúng tôi. Khi chúng tôi nhìn xung quanh – tự nhiên mà nhìn chứ chẳng định tìm gì – thì thôi thấy trăm ngàn con mắt tập trung vào chúng tôi dường như nhảy ra những tia sáng.
Khi đã diễn xong vở thứ nhất, con Capi lấy mõm ngậm một cái âu gỗ, đứng kiễng trên chân sau và bắt đầu đi vòng quanh “chư vị khán giả” một lượt. Khi có một khách xem không chịu ném tiền vào âu thì nó đứng lại đặt âu vào trong vòng dây, ngoài tầm tay của khán giả, đoạn để hai chân trước lên người ông khách cứng cổ, sủa hai ba tiếng và đập đập khe khẽ vào túi khách như muốn mở túi ra. Thế là trong đám người xem, tiếng la ó, chuyên vui đùa, lời giễu cợt dậy lên:
Cái con chó này láu thật, nó biết ai là người nặng túi đấy!
Thôi thò tay vào túi cho rồi.
Hắn sắp chi tiền kìa.
Hắn chẳng cho đâu.
Cho đi! Có gia tài của ông chú bù lại mà!
Thế là cuối cùng, những đồng xu giấu ở dưới đáy túi cũng phải vọt ra. Ông cụ Vitali thì không nói gì cả. Cụ kéo đàn viôlông, dạo những bài vui, lúc giơ cao, lúc hạ thấp cây đàn tùy theo nhịp, mắt không rời khỏi cái bát. Chẳng mấy chốc con Capi đã chở về chỗ chủ nó, kiêu hãnh mang theo cái âu gỗ đầy tiền.
Bây giờ đến lượt Giôlicơ và tôi ra trò. Một tay cầm đàn, một tay cầm mã vĩ khoa lên, ông cụ Vitali nói:
Thưa quý ông, thưa quý bà, chúng tôi sẽ tiếp tục diễn hầu quý ông quý bà một vở hài kịch lý thú nhan đề là: “Người đầy tớ của ông Giôlicơ” hay là “Kẻ đần độn nhất không phải là kẻ mà người ta tưởng”. Một người như tôi không bao giờ hạ mình đề cao diễn viên và vở kịch trình diễn. Tôi xin nói với các ngài một điều: mời các ngài mở to mắt mà nhìn, lắng tai mà nghe và chuẩn bị mà vỗ tay.
Cái mà ông cụ gọi là vở hài kịch lý thú, thực ra chỉ là một tấn trò câm, nghĩa là một tấn trò diễn bằng điệu bộ chứ không có lời. Tất nhiên là phải như thế, vì hai vai chính, Giôlicơ và Capi đều không biết nói và vai thứ ba là tôi cũng khó mà nói nổi hai câu. Tuy nhiên muốn cho khán giả hiểu và dễ theo dõi các diễn viên, ông cụ Vitali phải nói thêm vài lời để giới thiệu và giải thích các tình huống trong vở.
Chính vì vậy mà ông cụ chơi một bản nhạc nhà binh trầm trầm, báo trước cho khán giả là ông Giôlicơ sắp ra. Ông Giôlicơ là một vị tướng người Anh đã đạt quân hàm cao và làm giầu lớn trong chiến tranh Ấn Độ(2). Từ trước tới giờ ông muốn kẻ hầu hạ cho ông phải là một con người, vì ông giàu, ông có điều kiện để hưởng thụ cái thú xa hoa ấy. Trong khi chờ đợi người đầy tớ ấy đến, ông Giôlicơ đi bách bộ trong phòng, vừa đi vừa hút xì gà.
Ôi chà, phải nhìn ông ta phả khói vào mặt người xem thì mới biết! Ông tướng sốt ruột và ông bắt đầu trợn mắt tròn xoe, y hệt một người sắp sửa nổi giận. Ông mắm môi mắm lợi giậm chân xuống đất thình thịch.
Đến cái giậm chân thứ ba thì Capi phải dắt tôi ra trò. Giả thử tôi có quên thì con chó nó cũng nhắc cho tôi. Khi đã đến lúc ra trò, Capi đưa chân ra đỡ lấy tay tôi và đưa tôi ra mắt vị tướng.
—————————-
Điệu nhảy xoay tròn “valse” N.D
Chiến tranh đàn áp những cuộc khởi nghĩa vũ trang ở Ấn Độ thế kỉ 19. Bấy giờ là thuộc địa của Anh – N.D.
Trông thấy tôi, ông tướng đưa hai tay lên, vẻ thất vọng. Thế nào! Cái tên đầy tớ người ta giới thiệu đấy à? Ông đến sát người tôi, nhìn tận mặt tôi, rồi thì ông vừa đi đi lại lại quanh tôi vừa nhún vai. Vẻ mặt của ông ngộ nghĩnh quá khiến mọi người phá lên cười. Người ta hiểu ngay rằng quan tướng coi tôi là thằng ngu ngốc, hoàn toàn ngu ngốc và chính khán giả cũng có cảm tưởng như thế.
Tất nhiên là vở kịch được xây dựng thế nào để phơi bầy cái vẻ ngu đần ấy dưới mọi hình dạng. Qua mỗi lớp tôi phải đưa thêm ra một cái ngốc nghếch mới. Còn Giôlicơ thì ngược lại phải lợi dụng những dịp ấy để phô trương trí khôn và tài khéo của mình.
Sau khi nhìn tôi, nhìn đi ngắm lại hồi lâu, quan tướng động lòng thương hại, bảo dọn bữa sáng cho tôi ăn. Ông cụ Vitali thuyết minh:
Quan tướng nghĩ rằng khi thằng bé này ăn uống no nê thì nó sẽ bớt thộn. Chúng ta sẽ xem sao.
Tôi ngồi trước một cái bàn con trên bàn bày sẵn thìa đĩa, trên đĩa có một chiếc khăn ăn.
Khăn để làm gì nhỉ? Con Capi ra hiệu tôi phải dùng khăn. Nhưng mà dùng như thế nào chứ? Tôi loay hoay suy nghĩ một hồi rồi đưa khăn lên hỉ mũi vào đó.
Thế là quan tướng cười lăn lộn, còn con Capi ngã vật ngửa ra, chổng bốn vó lên trời, vì sự đần độn của tôi.
Biết là nhầm, tôi lại ngắm cái khăn tự hỏi xem nên dùng nó thế nào. Sau cùng tôi nảy ra một ý định: tôi cuốn khăn lại và thắt thành một cái ca vát trên cổ. Quan tướng lại cười ngất, con Capi lại ngã lăn ra. Cứ như thế mãi cho đến lúc ông tướng điên ruột lên, đẩy tôi ra khỏi ghế, ngồi vào chỗ tôi và chén quách bữa ăn dọn cho tôi.
Chà! Quan tướng sử dụng khăn ăn mới khéo làm sao! Điệu bộ rất mực phong lưu, ông cài khăn vào khuyết áo và trải lên đùi ông! Lại còn xem ông bẻ bánh, ông bưng cốc rượu uống, duyên dáng làm sao! Những cử chỉ quý phái của quan tướng đều làm cho khán giả vui thích cả, nhưng đến lúc ăn xong, quan đòi đưa một cái tăm và xỉa lia lịa vào răng, thế là người ta mới thật là không có cách nào nhịn cười.
Bấy giờ tiếng vỗ tay dậy ran tứ phía và buổi biểu diễn kết thúc trong vinh quang.
“Con khỉ thật khôn! Mà anh đầy tớ thật ngu độn!”. Về đến nhà trọ, ông cụ Vitali khen tôi như vậy, và tôi quả có máu nghệ sĩ trong người cho nên rất đỗi tự hào với lời khen ấy.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.