Không Gia Đình
7. TÔI TẬP ĐỌC
Những diễn viên trong gách xiếc của cụ Vitali, tôi muốn nói với mấy con chó và con khỉ – quả là tài hoa xuất chúng, nhưng mà tài hoa của họ không trổ ra nhiều vẻ. Khi họ đã diễn ba bốn buổi rồi thì người ta biết hết cả các tiết mục. Lúc ấy họ chỉ còn diễn lại những trò cũ. Do đó, chúng tôi không thể ở lâu trong một đô thị. Ở Útxen được ba ngày thì chúng tôi không phải lên đường. Tôi đã quen cụ ông nên tôi đánh bạo hỏi:
Chúng ta đi đâu đây, thưa cụ? Ông già nhìn tôi và hỏi lại:
Cháu biết vùng này à?
Không.
Thế sao cháu hỏi chúng ta đi đâu?
Để cho biết.
Biết cái gì kia?
Tôi đứng ngây người ra không biết nói gì, mắt nhìn con đường trắng xóa chạy dài trước mặt, trong lòng một thung lũng nhỏ có nhiều cây cối. Ông cụ tiếp:
Nếu ông bảo cháu là chúng ta đi đến Oriắc để rồi lại đi Boócđô, đi tới dãy núi Pirênê thì phỏng cháu biết được cái gì chứ?
Thế cụ biết rõ vùng này à?
Ông chưa đến đây bao giờ cả.
Vậy sao cụ biết chúng ta đi đâu?
Ông cụ lại nhìn tôi rất lâu dường như định tìm kiếm cái gì ở tôi. Xong cụ hỏi:
Cháu không biết đọc phải không?
Vâng.
Thế cháu có biết quyển sách là cái gì không?
Có. Người ta mang sách đi lễ nhà thờ để đọc kinh khi người ta không thuộc lòng bài kinh lần tràng hạt. Cháu đã trông thấy nhiều sách lắm, sách đẹp, ở trong có tranh vẽ, ngoài bọc da.
Tốt lắm. Thế là cháu biết rằng người ta có thể viết kinh vào một quyển sách, có phải không?
Vâng.
Người ta có thể viết cái khác vào sách cũng được. Khi cháu đọc thuộc bài kinh lần tràng hạt là cháu đọc thuộc lòng những câu má cháu rót vào tai cháu. Những câu đó từ tai cháu đã dồn vào trong óc cháu để trở ra trên đầu lưỡi khi cháu cần đến nó. Thế nhưng những người đọc kinh bằng sách thì không phải họ lấy những câu kinh từ trí nhớ, mà họ lấy những câu đó ở trong sách ra, lấy bằng mắt, nghĩa là họ đọc.
Cháu đã được trông thấy người ra đọc rồi – tôi reo lên, vẻ đắc thắng như một người không những không đần độn mà trái lại hiểu rất rõ những điều người ta nói với mình.
Với những bài kinh người ta làm thế nào thì với những thứ khác người ta cũng làm thế. Lúc nào nghỉ lại ông sẽ đưa cho cháu xem một quyển sách trong đó có tên và lịch sử các vùng chúng ta đi qua. Có những người đã ở hoặc đi khắp miền này, họ viết vào trong sách những điều mà họ trông thấy hoặc nghe biết. Nhờ vậy ông chỉ việc mở quyển sách ra đọc là biết rõ. Ông trông thấy những vùng đất ấy như là chính mắt ông nhìn thấy! Ông học lịch sử các vùng ấy như là nghe lời người ta kể vậy.
Từ nhỏ đến giờ, tôi đã lớn lên như một chú bé man rợ, không có mảy may ý thức về đời sống văn minh. Những lời nói của ông cụ làm cho tôi bừng tỉnh, trước còn lờ mờ sau sáng tỏ dần. Thực ra thì mẹ nuôi tôi cũng đã cho tôi đi học. Nhưng mà chỉ đi học có một tháng, và trong cái tháng ấy tôi chẳng được sờ đến quyển sách nào. Người ta cũng chẳng nói đến việc tập đọc tập viết, chẳng dạy cho tôi một bài nào, dù là bài gì.
Không nên căn cứ vào tình hình trường lớp hiện nay để nhận xét rằng lời tôi nói trên là vô lý. Hồi đó ở nước Pháp có vô số xã không có trường học. Ở những xã có trường thì lại có những trường mà thầy giáo phụ trách vì lý do này hay lý do khác chẳng dạy dỗ gì cho những con em người ra gửi gắm cho các thầy. Các thầy không dạy vì các thầy dốt đặc, hoặc là vì các thầy mải làm công việc khác. Các thầy chỉ biết trông trẻ, tưởng rằng đó là công việc chính.
Đó là trường hợp thầy giáo trường làng chúng tôi. Thầy giáo có biết chữ nghĩa gì không? Có thể là biết đấy, nhưng không muốn gán ẩu cho thầy cái danh hiệu mít đặc. Nhưng mà thực sự thì khi tôi đến nhà thầy, thầy chẳng dạy cho tôi chữ nào cả. Đối với các bạn tôi cũng vậy. Vốn là thợ guốc, thầy vùi đầu vào làm guốc. Từ sáng đến tối chỉ thấy thầy tung ra quanh thầy bao nhiều là vỏ bào gỗ dẻ và gỗ hồ đào. Ngoài những câu qua lại về bố mẹ chúng tôi, về thời tiết mưa rét, thầy chẳng nói gì khác. Chẳng đả động gì dến tập đọc, làm tính. Về việc này thì thầy ủy thác cho cô con gái thầy. Cô ấy có nhiệm vụ thay thế thầy, dạy chúng tôi học. Nhưng mà cô này vốn là thợ may cho nên cô cũng lại như ông bố thôi: trong khi ông bố thoải mái sử dụng cái bào, cái đục thì cô múa cây kim thoăn thoắt.
Cần phải sống chứ! Bọn học trò chúng tôi là mười hai đứa, hàng tháng phải trả mỗi đứa năm hào, cộng cả thảy là sáu phờrăng. Sáu phờrăng thì làm sao đủ nuôi miệng hai người trong vòng ba mươi ngày! Dạy học không đủ sống thì phải làm guốc và khâu vá bù vào. Có tiền mới có cái ăn cái mặc chứ! Thế là tôi chẳng học được cái gì ở trường cả, ngay cả đến những chữ cái cũng vậy.
Tôi vừa đi vừa suy nghĩ một lúc rồi hỏi cụ Vitali:
Thưa ông, tập đọc có khó không?
Khó đối với những người tối dạ, càng khó hơn nữa đối với những đứa không quyết tâm. Cháu có tối dạ không?
Cái đó cháu không biết, nhưng nếu ông vui lòng dạy cháu đọc được sách thì cái gì chứ quyết tâm có lẽ cháu không thiếu đâu.
Thế thì để rồi xem, chúng ta còn chán thì giờ!
Còn chán thì giờ! Tại sao lại không làm ngay nhỉ? Tôi chưa lượng biết tập đọc khó khăn đến dường nào. Tôi cứ tưởng rằng hễ tập đọc là mở ngay quyển sách và nhìn thấy tức khắc những cái gì chứa đựng trong đấy.
Ngày hôm sau, trong khi đi đường, ông cụ chủ tôi cúi xuống nhặt một mảnh ván nửa lấp trong bụi đường. Ông cụ nói:
– Đấy là quyển sách để cháu tập đọc.
Cái mảnh ván này là quyển sách à! Tôi nhìn ông cụ xem ông có chế giễu tôi không. Thấy ông nghiêm trang thì tôi lại ngắm kỹ cái vật ông vừa bắt được. Đúng là một mảnh ván gỗ dẻ, bằng cánh tay, rộng bằng hai bàn tay, nhẵn thín. Trên ván không ghi chép hoặc vẽ hình gì cả. Làm sao mà đọc được trên mảnh ván ấy? Vả lại có cái gì mà đọc kia chứ?
Ông cụ vừa cười vừa nói:
Óc cháu đang suy nghĩ.
Ông chế giễu cháu đấy à?
Không bao giờ đâu, cháu ạ? Chế giễu cũng có cái hay, như khi cần sửa chữa một tật hư nết xấu. Nhưng chế giễu người ngu dốt thì lại là ngu dại. Hãy đợi khi ta đến chỗ cây đằng kia, ta nghỉ chân và cháu sẽ thấy ông dạy cháu tập đọc trên mảnh gỗ như thế nào.
Chẳng mấy chốc đã tới lùm cây. Đặt xắc xuống, chúng tôi ngồi trên thảm cỏ đang bắt đầu xanh lại, lốm đốm đó đây vài bông xuyên tuyết(1). Con Giôlicơ cởi xích ra, nhảy tót lên cây, rung hết cành này đến cành khác như để làm rụng những trái hồ đào. Mấy con chó trầm tĩnh và cũng mệt nhọc hơn, nằm vây quanh chúng tôi.
Ông Vitali rút ở trong túi áo ra một con dao, lấy lưỡi dao tách ở tấm ván ra một mảnh gỗ thật mỏng. Làm thế xong, ông cụ cạo thật nhẵn hai mảnh gỗ và cắt nó thành từng miếng vuông nhỏ. Được cả thảy mười hai miếng dèn dẹt bằng nhau.
Tôi chăm chú xem ông cụ làm. Nhưng phải thú thật rằng mặc dù hết sức, tôi vẫn chưa hiểu ông cụ làm thế nào dùng mấy miếng gỗ tí tẹo ấy mà làm thành một quyển sách được. Vì rằng có dốt nát đến đâu chăng nữa, tôi cũng biết rằng một quyển sách gồm có một số tờ giấy trên đó vạch dấu đen. Mà ở đây thì nào có những tờ giấy ấy, nào có thấy những dấu đen kia! Ông cụ nói:
Trên mỗi mặt miếng gỗ nhỏ ấy, ngày mai ông sẽ lấy mũi dao khác một chữ cái. Cháu sẽ học hình dạng chữ và khi cháu thuộc lòng không nhầm lẫn nữa, thoáng trông đã biết, thì cháu sẽ ghép những chữ ấy lại với nhau thành từng tiếng. Cứ như thế cho đến khi cháu ghép được những tiếng ông bảo là cháu có thể đọc trong sách được rồi.
Chẳng bao lâu trong túi tôi bỏ đầy những miếng gỗ nhỏ và dần dần thuộc hết các chữ cái. Nhưng mà biết đọc lại là chuyện khác. Mọi sự không đi nhanh như thế đâu và đã có lúc tôi thấy hối là mình đã trót dại, muốn biết đọc.
Muốn cho công minh thì tôi phải nói rằng không phải vì lười mà đã có lần tôi đã hối tiếc như vậy. Tôi hối tiếc chỉ vì tự ái thôi. Khi dạy tôi những chữ cái cụ Vitali nghĩ rằng có thể dạy luôn cho con Capi được. Con chó đã nhớ những con số chỉ giờ thì tại sao nó không nhớ chữ cái được?
Thế là chúng tôi học chung bài vở. Tôi trở thành người bạn học của con chó, hay con chó là bạn học của tôi, nói thế nào cũng được. Tất nhiên là con Capi không đọc được những chữ nó nhìn thấy vì nó không biết nói. Nhưng mà khi mấy miếng gỗ đã được trải ra trên mặt cỏ thì hễ cụ đọc chữ nào, nó phải lấy chân kéo chữ ấy ra.
Thoạt tiên thì tôi học mau hơn nó. Nhưng trí thông minh của tôi nhạy hơn thì trí nhớ của nó lại bền hơn. Cái gì nó học được là nó nhớ mãi mãi, không bao giờ quên. Vì nó không đãng trí cho nên không bao giờ nó ngập ngừng hoặc nhầm lẫn. Thế cho nên khi tôi nhầm lẫn thì cụ chủ lại bảo:
– Rồi con Capi sẽ biết đọc trước Rêmi cho coi!
Và con chó hình như cũng hiểu nên nó vẫy đuôi đắc thắng. Cụ Vitali nói:
Ngu hơn một con vật, ở trên sân khấu thì hay đấy, nhưng ở ngoài đời mà như thế thì thật xấu hổ.
Điều đó kích thích tôi và làm cho tôi dốc lòng học tập. Tội nghiệp thay con chó trong khi nó giẫm chân tại chỗ ở cái bài chọn chữ cái để ráp tên, thì tôi đã xem được sách.
Cụ Vitali bảo:
Bây giờ cháu biết đọc chữ rồi, cháu có muốn học đọc nhạc không?
Thế thì cháu biết âm nhạc rồi thì cháu có thể hát như ông được không?
Cháu muốn hát như ông à?
Ồ! Không phải hát như ông, cháu biết cái ấy không thể được. Cháu chỉ muốn hát được mà thôi.
Nghe ông hát, cháu thích thú lắm sao?
Đó là điều làm cháu vui thích nhất. Con chim oanh hót đã hay nhưng mà cháu tưởng ông hát còn hay hơn nhiều. Vả lại không phải lúc nào cũng giống nhau. Khi ông hát thì cháu hoàn toàn tùy quyền ông, ông bắt buồn thì cháu khóc, ông cho vui thì cháu cười. Cháu còn muốn nói với ông một điều mà có lẽ ông cho là ngu xuẩn: khi ông hát một điệu êm ái hay một điệu buồn thì điệu hát đó đưa cháu trở về với má Bácbơranh. Cháu nghĩ đến má cháu, cháu trông thấy má cháu ở trong nhà cháu, ấy thế mà nào cháu có hiểu những lời ông hát đâu, ông hát bằng tiếng Ý kia mà!
Tôi vừa nói vừa nhìn ông cụ và tôi thấy hình như ông cụ ứa nước mắt. Tôi bèn ngừng lại và hỏi xem có làm phiền lòng cụ không? Ông cụ cảm động trả lời:
Không đâu, cháu ạ. Cháu không làm ông buồn đâu. Trái lại, cháu làm ông nhớ lại tuổi trai trẻ, thời tươi đẹp của ông. Cháu cứ yên tâm, ông sẽ dạy cháu hát. Cháu là một đứa trẻ giàu tình cảm cho nên cháu cũng sẽ làm cho người ta khóc và cháu sẽ được người ta vỗ tay hoan hô. Rồi cháu xem…
Bỗng dưng ông cụ dừng lại, và tôi hiểu rằng ông cụ không muốn kể lể nhiều về câu chuyện này nữa. Nhưng mà lý do làm ông cụ không nói thì tôi không đoán được. Mãi về sau, lâu lắm về sau này, tôi mới hiểu rõ, biết trong trường hợp thật đau đớn, thật khủng khiếp với tôi. Khi nào câu chuyện của tôi tới đoạn ấy, tôi sẽ kể.
Ngay ngày hôm sau ông cụ dạy nhạc cho tôi cũng làm như cách dạy chữ. Nghĩa là ông cụ lại cắt những miếng gỗ vuông nhỏ và lấy dao khắc vào đó. Nhưng lần này việc ông cụ làm tốn công nhiều hơn vì rằng những dấu hiệu khác nhau để ghi nốt nhạc rắc rối hơn chữ cái nhiều.
Để cho túi nhẹ bớt, ông cụ dùng cả hai mặt gỗ. Sau khi rạch năm dòng tức là những dòng để viết nhạc, mặt bên này ông cụ khác khóa sol và mặt bên kia là khóa fa. Khi cụ chuẩn bị mọi thứ đâu vào đó rồi thì tôi bắt đầu học. Tôi phải thú thực rằng học nhạc vất vả không kém học chữ. Ông cụ Vitali kiên nhẫn với mấy con chó là thế, mà với tôi thì nhiều lần đã lộn tiết lên. Cụ hét:
Với một con vật, người ta nhịn được bởi vì người ta biết nó là một con vật. Còn cháu thì cháu làm ông đến chết mất thôi!
Thế là ông cụ giơ tay lên trời như đóng kịch và thình lình bỏ rơi xuống đánh đét vào đùi. Con Giôlicơ vốn thấy có cái gì buồn cười thì thường nhại lại, nay thấy ông cụ làm thế là nó bắt chước ngay. Hầu như lúc nào tôi học bài nó cũng ngồi xem, cho nên khi tôi ngập ngừng lúng túng thì thấy y như rằng nó đưa tay lên trời rồi thả xuống trên đùi làm tôi bực mình. Còn ông cụ thì kêu:
Ngay đến con Giôlicơ cũng chế nhạo cháu đó.
Nếu tôi bạo mồm bạo miệng thì tôi sẽ cãi lại rằng nó chế nhạo cả thầy nữa chứ không phải trò mà thôi. Nhưng mà phần vì kính nể, phần vì sợ vẩn sợ vơ cho nên may quá, lần nào tôi cũng chặn câu ấy lại được. Tôi chỉ lẩm bẩm câu đó một mình mỗi khi con khỉ vừa nhăn nhó vừa buông tay đánh đét trên đùi. Lẩm bẩm như thế cũng đủ làm cho tôi đỡ xấu hổ phần nào.
Rốt cuộc tôi vượt qua những bước đầu ấy, mặc dù vất vả khi tập hát lần đầu tiên trên một bản ký âm do cụ Vitali viết trên giấy, tôi rất sung sướng. Hôm đó ông cụ không buông tay đánh đét nữa, mà lại vỗ vào hai bên má tôi một cách thân mật. Cụ bảo rằng nếu tôi cứ tiếp tục như vậy thì chắc chắn sẽ trở thành một danh ca.
Tất nhiên là việc học tập của tôi không hoàn thành trong một ngày. Trong hàng tuần, hàng tháng, lúc nào túi tôi cũng đầy những miếng gỗ nhỏ. Vả lại tôi cũng không được theo học đều đặn như các trẻ con khác theo học ở trường. Chỉ lúc nào rảnh, ông cụ mới dạy tôi.
Mỗi ngày chúng tôi phải đi một đoạn đường dài hay ngắn tùy theo các làng mạc cách xa dần. Chúng tôi phải biểu diễn bất cứ ở nơi nào nếu thấy ở nơi ấy có cơ thu tiền được, phải bắt bầy chó và ông Giôlicơ luyện tập, phải tự tay sửa soạn lấy bữa ăn sáng hay bữa ăn chiều. Xong xuôi các công việc đó thì mới nói đến chuyện đọc sách hay là học nhạc.
Thường thường tôi học ở chỗ nghỉ chân, dưới một gốc cây hoặc trên một đống đá, lấy thảm cỏ hoặc đường đi làm bàn để bày những miếng gỗ ra. Cách tập như thế khác hẳn với cách học tập của biết bao trẻ em khác. Những trẻ em này chỉ có mỗi một việc là học, thế mà vẫn cứ kêu ca là không có thì giờ học bài. Tuy nhiên phải thừa nhận rằng trong việc học tập có điều quan trọng hơn là thì giờ: đó là sự chuyên tâm.
Dành nhiều thì giờ để học bài cũng không làm cho bài học in sâu vào tâm trí.
Tập trung tư tưởng mới làm cho ta đạt kết quả ấy.
May làm sao tôi lại có khả năng tập trung tư tưởng, không để cho những trò chơi xung quanh mình lôi cuốn. Nếu tôi cũng như một số học sinh kia chỉ ngồi ì trong buồng, hai tay nút chặt tai lại mắt dán vào sách mới học được, thì hồ dễ tôi đã học được gì! Chắc là không gì cả. Bởi vì chúng tôi không có buồng để tự giam mình vào đó, và khi đi dọc theo những còn đường thiên lý, tôi phải luôn chú ý nhìn dưới chân không thì có khi ngã sấp mặt.
Rốt cuộc tôi đã học tập được đôi chút. Đồng thời tôi cũng tập đi được những độ đường dài và cái đó bổ ích cho tôi không kém gì những bài học của cụ Vitali. Khi còn ở với má Bácbơranh, tôi là một đứa trẻ khẳng kheo ốm yếu và cái cách người ta nói về tôi chứng tỏ điều đó một cách rõ ràng. Ông Bácbơranh thì bảo: “Nó là một thằng bé thành thị”, cụ Vitali thì chế nhạo “chân tay nó mảnh khảnh quá”. Sống ở bên cạnh ông chủ tôi, màn trời chiếu đất kham khổ, chân tay tôi rắn lại, ngực nở ra, da tôi dày dặn đi. Nhờ thế tôi chịu đựng được tất cả rét cũng như bức, nắng cũng như mưa.
Thời kỳ tập nghề này là một điều may mắn lớn cho tôi. Nó giúp tôi về sau thắng được những đòn khốc liệt mà số phận giáng xuống đầu mình trong tuổi niên thiếu.
————————-
Loại cây nhỏ có hoa, nảy mầm sớm, chọc tuyết mà mọc lên và ra hoa vào đầu xuân nên người Pháp gọi là perceneige (đâm thủng tuyết, xuyên tuyết) hoặc pâquerette (ra hoa vào lễ Pâque, tháng tư các loại hoa khác tháng năm)
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.