Những bài học từ Lời Tiên Tri Núi Andes

6. phần 2



Có ai đã tỏ ra lãnh đạm với bạn? Tỏ ra xa cách hoặc bí ẩn với bạn? Bạn có hướng đến một tiếp cận thường xuyên với người đó? Bạn có thắc mắc về những gì mà người đó đang suy nghĩ, về những việc làm và những lý lẽ của người đó? Có thể bạn đã cật vấn hoặc theo dõi người đó – hành động chẳng khác cha mẹ của người đó. Có thế người đó đã làm ra vẻ bí ẩn để né tránh cảm giác bị xâm phạm hoặc để khỏi phải có phản ứng.

Hãy nhớ rằng những phản ứng của bạn có gốc rễ từ những nỗi sợ hãi thời thơ ấu.

Hãy giữ sự tiếp cận với cơ thể bạn; chẳng hạn, hãy để ý xem bạn có cảm giác giá lạnh trong trường hợp bị chỉ trích hoặc cật vấn. Sự cứng nhắc, cảm giác lạnh giá và sự hãi là dấu hiệu cho thấy rằng bạn đang vật vã để giành giật năng lượng và bạn đã để mất chính mình.

– Chỉ ra cơ chế

Trong Lời Tiên Tri Núi Andes Julia giải thích cho nhân vật chính: “Mọi cơ chế đều là những chiến lược kín đáo nhằm đạt năng lượng… Những thao túng kín đáo nhằm đạt năng lượng sẽ không thể vận hành nếu chúng ta chỉ ra chúng… Sự thật về những gì diễn ra trong một cuộc đối thoại luôn là điều có giá trị hơn cả. Sau đó, người đối thoại buộc phải tỏ ra thực tế hơn và trung thực hơn”.

Việc xác định những cơ chế làm sáng tỏ sự thật của cuộc gặp gỡ. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nhất thiết phải phân tích tại chỗ cuộc đối thoại, phải có khả năng để xác định rằng mình đang gặp một Kẻ Đe Dọa và phản ứng lại bằng một thái độ của Kẻ Thờ ơ, hoặc phải có bất cứ một giải thích nào về cơ chế tâm lý. Việc xác định cơ chế có nghĩa là bạn ghi nhận có một cuộc cạnh tranh giành quyền lực đang diễn ra, và bạn cảm thấy bị đè nén, bế tắc, bất lực… Việc xác định cơ chế có nghĩa là bạn ý thức về những xúc cảm đích thực của mình và bạn đã chọn những biện pháp để thuyết phục người khác, tìm cách chống đỡ, khi bạn cảm thấy bị đe dọa hoặc có lỗi vì ai đó đổ lỗi cho bạn đã gây ra những rắc rối cho họ. Khi bạn có cảm tưởng bế tắc, không lối thoát, và đầu óc rối bời, là bạn đang lâm vào cuộc tranh giành quyền lực. Quá trình làm sáng tỏ có ý thức giúp bạn quyết định có còn muốn tiếp tục sống trong hoàn cảnh đó hay biến đổi nó.

Nhưng việc chỉ ra những cơ chế có thể trở nên khó khăn nếu thoại với bạn đang sợ hãi hoặc quá cảm xúc. Điều chủ yếu là làm sáng tỏ sự thật. Hãy luôn giữ tình yêu thương và sự thông cảm và tin vào nhận xét của bạn để biết lúc nào phù hợp để lên tiếng.

Hãy thử áp dụng nhiều phương pháp và bước đầu, bạn không nên sợ tỏ ra vụng về. Bạn đang sửa đổi một sơ đồ động thái xưa cũ và bạn không thể quá thận trọng. Có nhiều khi mục tiêu bề ngoài của sự đối đầu khác với chuyện được thua đích thực. Hãy tìm kiếm sư thật ở đằng sau vẻ ngoài.

– Ở bên kia cơ chế, hãy nhìn vào con người thật

Hãy tập trung vào năng lượng của bạn và đừng quên gửi năng lượng đến cho tha nhân. Như mặc khải thứ nhất đã chỉ rõ, mỗi người mà ta gặp đều đang nắm giữ một thông điệp dành cho ta, cũng như ta đang nắm giữ một thông điệp dành cho họ. Nếu đang lún vào một cuộc tranh giành năng lượng, ta chẳng thể nhận được thông điệp. Sau khi đã xác định cơ chế, ta phải đối xử với người đối thoại không chút thiên kiến và gửi cho họ năng lượng một cách tự nguyện, để họ có thể nhận và gửi năng lượng cho ta.

Hãy lắng nghe những chỉ dẫn mà người khác muốn bạn biết về điều đang xảy ra ở họ. Trong tâm trạng nóng nảy của một cuộc cãi cọ, Kẻ Đe Dọa lớn tiếng, chẳng hạn: “Tôi đã quá chán bị thúc ép từ mọi phía. Từ khi còn nhỏ, tôi đã phải tuân theo đủ mọi thứ mệnh lệnh”. Điều đó giúp một người đang tiến nhanh đến thái độ Kẻ Than Vãn, hiểu rằng mình không hề có trách nhiệm trong cuộc xung đột, một cuộc xung đột xuất phát từ một vấn đề sâu xa và xưa cũ. Như thế, họ có thể nói với nhau một cách thẳng thắn và nhiều cảm tình hơn. Trong trường hợp này, vì hiểu khá nhiều về nhau, nên họ có thể khám phá sức mạnh những ảnh hưởng của cha mẹ trong thời thơ ấu của nhau và tỏ ra cảm thông.

Những hình ảnh phản chiếu trong tấm gương của bạn

Ngay khi đã có thời gian để suy nghĩ về một cơ chế thống trị mà bạn có liên quan, hãy quan sát người kia và quan sát chính bạn một cách khách quan nhất có thể. Người kia giống cha hoặc mẹ bạn ở điểm nào? Những phản ứng của bạn như hồi thơ ấu đã diễn ra ở mức độ nào? Điều đó có thể giúp bạn suy nghĩ về cuộc gặp gỡ và dành ra vài phút để ghi lại những cảm nghĩ của bạn. Hãy để cho hoàn cảnh chỉ dẫn cho bạn một điều gì đó, và dừng đưa ra xét đoán nào về điều xảy đến.

Thông thường, những gì ở tha nhân khiến ta bận tâm cũng là những gì mà ta nhận ra ở chính ta, nhưng ta không hề muốn nhìn thẳng vào điều đó. Phê bình, chỉ trích là dấu hiệu cho thấy chúng ta muốn chê trách hơn là tìm cách hiểu biết

Những chê trách không làm xuất hiện sự thật, vì vậy sẽ chẳng có gì được giải quyết. Mỗi người đều phải mất năng lượng vì như vậy.

Hãy nêu lên cho mình những câu hỏi sau:

• Một cơ chế thống trị đang chỉ ra cho tôi điều gì, điều mà tôi phải đặc biết biết đến lúc này?

• Tôi có cần phải xác định chính xác hơn những giới hạn vào buổi đầu của cuộc gặp gỡ?

• Phải chăng tôi đang xem những sự kiện không thực sự liên quan đến tôi như là chuyện của riêng tôi?

• Tôi có tìm cách thủ lợi khi nhìn thấy nhược điểm của người khác?

– Quyết tâm từ bỏ nơi mà bạn cảm thấy bị gài bẫy

Bằng cách không ngừng giãi bày, phân trần, thuyết phục và tự bào chữa, những Kẻ Than Văn để mình bị mắc kẹt trong cơ chế của chính mình với một Kẻ Đe Dọa hoặc một Kẻ Tra Hỏi. Nếu bạn phản ứng theo cách đó, hãy để ý đến khoảng thời gian mà bạn phải mất để tự hỏi bằng cách nào đó khiến có thể, chỉ một lần, thuyết phục được người kia về một điều gì đó. Một khi đã ngưng mong muốn tích luỹ năng lượng theo những phương pháp xưa cũ, có thể bạn sẽ không còn muốn tiếp tục thuyết phục.

Những Kẻ Đe Doạ sa bẫy bởi dòng chảy kích thích tố xuất phát từ ước muốn thống trị và sự thèm khát chiến thắng. Nếu bạn phản ứng như vậy, hãy tự hỏi: “Tôi đang mong muốn điều gì? Liệu tôi có thể đạt được theo cách này?”. Hãy mềm dẻo và cởi mở; hãy ngừng muốn làm chủ mọi việc. Hợp tác với tha nhân có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn là bạn tưởng.

Những Kẻ Tra Hỏi bị mắc bẫy bởi ảo tưởng là mình luôn có lý. Nếu lâm vào trường hợp này, bạn hãy xem xét tình huống cụ thể từ quan điểm của người khác. Bạn có thể học được điều gì? Hãy bày tỏ những xúc cảm thực sự của mình và làm một điều gì đó để đạt được năng lượng bằng bản thân mình thay vì theo đuổi người khác.

Những Kẻ Thờ Ơ bị mắc bẫy bởi ước muốn che giấu những nỗi sợ hãi, những ngờ vực về chính mình và sự bối rối của mình. Nếu phản ứng như vậy, bạn hãy yêu cầu được giúp đỡ và chấp nhận điều đó. Hãy nhìn nhận rằng mình không có đủ mọi yếu tố cần thiết. Bạn đang cần sự nâng đỡ vào lúc này? Bạn cảm nhận ra sao? Hãy ước muốn tiến tới giải pháp tốt, bởi bỏ chạy là giải pháp quá tầm thường.

Những gì mà các cơ chế của chúng ta có thể cho biết

Bây giờ, chúng ta có thể tóm tắt những nguyên tắc chính.

Những quan hệ được thiết lập giữa chúng ta và cha mẹ chúng ta là điều được lặp lại trong những quan hệ khác.

Bản tổng kết về cha mẹ sẽ cung cấp cho chúng ta cái nhìn bổ sung về cách thức mà những cơ chế xưa cũ tái hiện.

Mỗi hoàn cảnh đều chứa đựng một thông điệp. Khi quan tâm một cách chính xác đến ảnh hưởng của cha mẹ, sự đồng bộ khớp với điều chúng ta quan tâm khiến chúng ta gặp một ai đó có vẻ như một phản ảnh hoàn hảo về những gì chúng ta tin tưởng và những nhận xét của chúng ta về chính mình.

Cơ thể đưa ra những chỉ dẫn. Điều quan trọng là phải biết chú ý đến trực giác và những cảm giác bất an của mình. Những chỉ dẫn xuất phát từ cơ thể sẽ giúp chúng ta nhận ra những lúc mà chúng ta chỉ biết nghĩ đến nhu cầu của người khác. Càng biết phải tin vào những ấn tượng của mình, chúng ta càng sớm loại bỏ những cơ chế xưa cũ.

Để có một tầm nhìn rộng lớn hơn, chúng ta cần xem lại bản tổng kết về ảnh hưởng của cha mẹ chúng ta và rút ra những quan điểm mới.

“Đôi khi những ấn tượng của chúng ta đã bị chôn vùi quá sâu đến mức cần phải có một thời gian trước khi phát hiện lại”.

– Những tiến bộ, chứ không phải là sự hoàn hảo

Cuộc đời là một hành trình, chứ không phải là một cùng đích, vì vậy điều quan trọng là phải biết chấp nhận tha nhân và chính mình, như những gì đang hiện hữu. Chúng ta có thể không yêu thương tha nhân hoặc không tán thành cách xử thế của họ, nhưng nền tảng của đời sống là sự trải nghiệm và phải dẫn đưa chúng ta đến sự hài hòa và tình yêu thương. Chê trách, xét đoán, so sánh những “tiến bộ” hoặc mức độ “sáng suốt” của ta với những người khác là điều chẳng giúp ích được gì. Nếu muốn loại bỏ cơ chế thống trị của mình, bạn hãy nhận diện nó và biết giữ tính hài hước. Mỗi khi có thể, hãy đưa mình vào một trạng thái hài hòa và an bình.

Ý thức là một tấm gương phản ánh tứ đại

Cái đẹp là một trái tim phát sinh tình yêu và là một tâm trí cởi mở.

(Thích Nhất Hạnh, Present Moment Wonderful Moment)

Đừng khắc nghiệt với chính mình

Trong khi bạn nỗ lực để trở nên sáng suốt hơn với những cơ chế thống trị, hãy nhớ rằng sự hiểu biết mới mẻ đó là một công cụ để biến đổi mình, không phải là để “soi sáng” những người khác. Hãy khoan dung với chính mình khi bạn bắt đầu thay đổi động thái. Hãy nhớ rằng, phát hiện những cơ chế nơi tha nhân là điều dễ dàng. Khi bạn cảm thấy tức giận, khép kín, cố chấp hoặc u uất, nghĩa là bạn đang tìm kiếm một giải pháp và năng lượng theo những phương pháp cũ.

Bạn được kết nối với năng lượng của mình khi bạn thực sự cảm thấy tâm hồn mình cởi mở và cảm thấy an bình dẫu có xảy ra chuyện gì. Khi sự ngờ vực thâm nhập tâm trí, hãy hít thở, tìm kiếm một điều gì đó có thể mang lại tính hài hước và hãy làm một điều gì đó để tăng cường năng lượng của mình.

TÓM TẮT MẶC KHẢI THỨ SÁU

Mặc khải thứ sáu giúp ta nhận thức về thời điểm mà ta để mất mối liên kết bên trong ta với năng lượng thiêng liêng. Vào những lúc đó, ta thường viện đến phương pháp cá nhân, không có ý thức, là thao túng người khác để giành năng lượng của họ. Thông thường, những thao túng có tính thụ động, hoặc gây hấn. Thụ động nhất là phản ứng của Nạn Nhân hay Kẻ Than Vãn: luôn xem xét những sự kiện một cách tiêu cực, luôn trông chờ sự giúp đỡ của người khác, mô tả sự việc theo cách để đổ lỗi cho người khác (và như thế buộc họ phải quan tâm và cung cấp năng lượng cho ta).

Giữ những khoảng cách – chiến lược của Kẻ Thờ ơ – ít thụ động hơn. Kẻ Thờ ơ có những câu trả lời mơ hồ, không dấn thân vào bất cứ việc gì, và muốn người khác phải hiểu mình. Khi những người khác chạy theo Kẻ Thờ ơ, kẻ này thu hút sự quan tâm, và như thế làm gia tăng năng lượng của mình.

Phương pháp của Kẻ Tra Hỏi gây hấn hơn những phương pháp vừa kể. Kẻ Tra Hỏi tìm cách phát hiện những bất ổn trong hành động của người khác và không ngừng theo dõi họ. Nếu phát hiện ta đang phạm phải điều mà Kẻ Tra Hỏi xem là lỗi lầm, kẻ đó sẽ khiến ta bối rối, khiến ta phải thận trọng và bận tâm đến điều kẻ đó nghĩ đến. Kẻ Tra Hỏi rình rập chúng ta và như thế chúng ta mang đến cho kẻ đó sự chú ý và năng lượng. Cách thức của Kẻ Đe Dọa hung hăng hơn cả: Kẻ Đe Doạ có vẻ không thể làm chủ được bản thân, nguy hiểm và hay gây gổ. Những người khác nhìn kẻ này với tâm lý e dè sợ hãi và như thế mang năng lượng đến cho kẻ này.

Do ta có xu hướng lặp lại những thao túng như vậy đối với tất cả những người ta gặp, và sắp xếp cuộc đời ta xung quanh những phương pháp đó nên chúng có thể được gọi là những “cơ chế thống trị”, những sơ đồ lặp lại không ngừng đưa chúng ta về cùng những tình huống. Nhưng, một khi những cơ chế đó đã trở nên có ý thức, ta sẽ phát hiện rằng ta đã tái phạm lỗi lầm đã mắc mỗi lần ta viện đến chúng, và điều đó sẽ giúp ta kết nối hơn với năng lượng nội tại. Từ những điểm mạnh của cha mẹ chúng ta và những vấn đề phát triển cá nhân mà họ đã có thể giải quyết, chúng ta có thể phát hiện vấn đề của chính mình trong cùng một tình huống và “nhiệm vụ” của chúng ta trên trần gian này.

RÈN LUYỆN CÁ NHÂN VỀ MẶC KHẢI THỨ SÁU

– Bản tổng kết về cha mẹ

Mục tiêu: Mô tả về cha mẹ của bạn, liệt kê những thành công, những động thái, triết lý sống, những nhược điểm và những ước vọng không thành của họ. Nếu có thể khám phá ý nghĩa cao nhất của đời họ, bạn sẽ cảm thấy bằng cách nào quá khứ đó đã chuẩn bị để bạn chu toàn sứ mệnh của mình trên trần gian này. Cách thức tốt nhất để tiến hành là nêu lên giả thuyết rằng đã có một ý định tích cực xuất hiện ngay từ buổi đầu đời của bạn.

Lời khuyên: Hãy thực hiện bài này khi biết chắc rằng mình sẽ không bị quấy rầy trong một hoặc hai tiếng.

Hãy đọc những câu hỏi dưới đây và ghi lại câu trả lời. Hãy trả lời theo quan điểm của bạn khi bạn còn nhỏ.

1. CHA

A. QUAN SÁT NGƯỜI CÓ QUYỀN THUỘC PHÁI NAM (CHA CỦA BẠN)

Những ý tưởng của bạn về nam giới đã được hình thành từ người cha hoặc từ những mẫu đàn ông nổi trội. Vai trò của người cha trong cuộc sống chúng ta là giúp chúng ta kết nối với sức mạnh và khả năng lãnh đạo. Và điều đó có mục đích giúp ta làm chủ đời mình. Nhờ vào khía cạnh nam tính của chúng ta mà chúng ta tìm cách đạt đến những mục tiêu ấy.

Nếu không có một quan hệ tốt với cha mình, có thể bạn sẽ có những khó khăn đối với những người có quyền hành, hoặc bạn khó có thể tìm thấy bản sắc cá nhân. Trong những trường hợp đó, bạn chưa hoàn toàn chấp nhận sức mạnh của mình.

Thành tựu cá nhân

1) Khi bạn còn nhỏ, cha bạn đã làm việc trong ngành nghề gì?

2) Ông có tự hào về công việc của mình?

3) Ông nổi trội trong lĩnh vực nào?

Giải thích tích cực

4) Hãy liệt kê những từ thích hợp mô tả các ưu điểm của cha bạn

(thông minh, thích phiêu lưu, dịu dàng…)

5) Hãy nêu lên những từ (một hoặc hai) mô tả rõ nhất tính cách của ổng.

6) Cái độc đáo của ông là gì? Giải thích tiêu cực

7) Hãy liệt kê những từ mô tả các tính cách tiêu cực của cha bạn

(chẳng hạn: nghiêm khắc, độc đoán…)

8) Điều gì đã khiến ông có những thái độ tiêu cực?

9) Hãy nêu lên những từ (một hoặc hai) mô tả rõ nhất tính cách tiêu cực của ông

Thời thơ ấu của cha bạn

10) Trong khả năng có thể, hãy mô tả về thời thơ ấu của cha bạn.

11) Ông có hạnh phúc? Có bị bỏ rơi? Có phải lao động khi còn rất trẻ? Nghèo khổ? Giàu có?

12) Theo bạn, ông bà nội đã sử dụng những cơ chế thống trị nào đối với cha bạn?

13) Thời thơ ấu của cha bạn đã ảnh hưởng như thế nào đối với những lựa chọn của ông trong đời?

Triết lý sống của cha bạn

14) Điều quan trọng hơn cả đối với cha bạn là gì?

15) Hãy nêu lên một câu hoặc một châm ngôn tóm tắt rõ nhất triết lý sống của cha bạn.

Những thiếu sót

16) Hãy liệt kê những gì mà bạn cảm thấy là thiếu sót trong cuộc đời của cha bạn.

17) Ông có thể làm được gì nếu có thêm thời gian tiền bạc hoặc học vấn?

B. PHÂN TÍCH NĂNG LƯỢNG CỦA NGUYÊN TẮC NAM

Mô tả là phù hợp hơn cả cho thái độ của cha bạn đối với bạn? Nếu có hơn một mô tả, hãy xác định tỉ lệ về sự lặp lại (chẳng hạn: Kẻ Than Vãn: 60%; Kẻ Thờ Ơ: 40%).

– Kẻ Đe Doạ: bùng nổ; doạ nạt; ra lệnh; cứng nhắc; giận dữ; cho mình là trung tâm; gây sợ hãi…

– Kẻ Tra Hỏi: tò mò theo dõi; nghiêm khắc; phá huỷ; quấy rầy; áp đặt logic không sai lầm; mỉa mai cay độc.

– Kẻ Thờ Ơ: có xu hướng xa cách; bận rộn; không quan tâm; dửng dưng, lãnh đạm.

– Kẻ Than Vãn / Nạn Nhân: luôn tìm thấy khía cạnh tiêu cực; tìm kiếm những buồn bực, không ngừng than thở; trách móc.

C. PHẢN ỨNG CỦA BẠN ĐỐI VỚI NGUYÊN TẮC NAM

Bạn đã phản ứng như thế nào khi bạn sử dụng cơ chế thống trị? Hãy chọn ra cách thức mô tả rõ hơn hết phản ứng của bạn đối với cha khi bạn còn trẻ hoặc hãy cho một tỉ lệ phần trăm những phương pháp mà bạn đã sử dụng.

– Kẻ Đe Dọa: Bạn đã từng chống lại cha mình? Bạn đả từng có thái độ bướng bỉnh, thậm chí nổi loạn?

– Kẻ Tra Hói: Bạn đã từng thu hút sự chú ý của cha bằng cách nêu lên những câu hỏi? Bạn từng muốn tỏ ra thông minh hơn cha hoặc tìm thấy những điểm yếu trong lý lẽ của ông?

– Kẻ Thờ Ơ: Bạn có tự khép mình lại? Bạn đã từng ẩn trong căn phòng của bạn để được một mình? Bạn từng xa gia đình một thời gian dài? Bạn từng che giấu những tình cảm đích thực của mình?

– Kẻ Than Vãn / Nạn Nhân: Bạn đã từng làm cho cha bạn phải hiểu rằng bạn cần được giúp đỡ, cần được quan tâm, bằng cách nói đến những khó khăn của bạn, để được cha bạn chú ý hơn?

D. PHÂN TÍCH ĐIỀU MÀ BẠN HỌC ĐƯỢC TỪ NGƯỜI CÓ QUYỀN THUỘC PHÁI NAM  NHƯ CHA TÔI

Những quan sát của bạn về cuộc đời của cha bạn có thể tác động như những sự tin chắc mà ngày nay bạn vẫn còn gìn giữ.

1) Hãy bổ sung câu hỏi này với những tính cách tích cực mà bạn đã nhận được từ cha của bạn: Như cha tôi, tôi là …

2) Hãy bổ sung câu này với những tính cách tiêu cực mà bạn đã nhận được từ cha bạn: Như cha tôi, tôi là…

3) Từ cha tôi, tôi đã biết rằng, để thành công trên đời, tôi phải.,.

Đó là những điều tin chắc và những giá trị đã ảnh hưởng, một cách tích cực hoặc tiêu cực, đến phần lớn những quyết định của bạn.

TRƯỞNG THÀNH THEO CON ĐƯỜNG CỦA RIÊNG TÔI

4) Sau khi phân tích cuộc đời cha tôi, tôi muốn mình là…

5) Bạn biết ơn cha mình về điều gì?

6) Bạn sẽ tha thứ cho ông về điều gì?

7) Theo bản liệt kê những điều thiếu sót trong cuộc đời cha bạn, bạn chọn điều gì đề phát triển?

Những thiếu sót ở cha bạn có thế hình thành những định hướng mà bạn đã theo hoặc mong muốn phát triển. Có thể những thiếu sót đó sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp, đến lối sống, những quan hệ của bạn, và cách thức mà bạn sẽ giữ vai trò làm cha hoặc làm mẹ, và sự đóng góp về mặt tâm linh của bạn.

2. MẸ

A. QUAN SÁT NGƯỜI CÓ QUYỀN THUỘC PHÁI NỮ ( MẸ CỦA BẠN)

Từ mẹ của bạn hoặc từ người phụ nữ đã chăm sóc bạn nhiều hơn cả trong thời thơ ấu, bạn đã đặt ra cho mình những ý tưởng về cách tác động của năng lượng thuộc phái nữ. Trong đời chúng ta, vai trò của người mẹ là giúp chúng ta kết nối với những người khác. Nói chung, chính mẹ chúng ta đã chỉ cho chúng ta biết cách sử dụng những khả năng giúp đỡ, an ủi, biết quan tâm đến người khác của chúng ta. Chẳng hạn, nếu quan hệ của bạn với mẹ là không tốt đẹp, bạn sẽ cảm thấy khó khăn trong những quan hệ thân tình và bạn không thể tự chăm sóc cho mình một cách tốt đẹp. Ấn tượng thiếu mẹ có thể là nguồn gốc của những động thái tiêu xài hoang phí hoặc của những tình huống rối ren, khó gỡ. Năng lượng thuộc phái nữ tạo ra những mục tiêu và chỉ rõ điều gì đang làm bạn xúc động và điều gì có ý nghĩa đối với bạn.

Thành tựu cá nhân

1) Khi bạn còn nhỏ, công việc hoặc hoạt động của mẹ bạn là gì?

2) Bạn có nghĩ rằng mẹ bạn đã hài lòng với những công việc đó?

3) Mẹ bạn nổi trội trong lĩnh vực gì? Giải thích tích cực

4) Hãy liệt kê những từ thích hợp mô tả các ưu điểm của mẹ bạn (chẳng hạn: thông minh, sáng tạo, dịu dàng,…)

5) Hãy nêu lên những từ (một hoặc hai) mô tả rõ nhất tính cách của bà

6) Cái độc đáo của bà là gì? Giải thích tiêu cực

7) Hãy liệt kê những từ mô tả các tính cách tiêu cực của mẹ bạn (nghiêm khắc, thiếu tự tin…)

8) Điều gì đã khiến bà có những thái độ tiêu cực?

9) Hãy nêu lên những từ (một hoặc hai) mô tả rõ nhất tính cách tiêu cực của bà.

Thời thơ ấu của mẹ bạn

10) Trong khả năng có thể, hãy mô tả về thời thơ , ấu của mẹ bạn.

11) Bà có hạnh phúc? Có bị bỏ rơi? Có phải lao động khi còn rất trẻ? Nghèo khổ? Giàu có?

12) Theo bạn, ông bà ngoại đã sử dụng những cơ chế thống trị nào đối với mẹ bạn?

13) Thời thơ ấu của mẹ bạn đã ảnh hưởng như thế nào đối với những lựa chọn của bà trong đời?

Triết lý sống của mẹ bạn

14) Điều quan trọng hơn cả đối với mẹ bạn là gì?

15) Hãy nêu lên một câu hoặc một châm ngôn tóm tắt rõ nhất triết lý sống của mẹ bạn.

 Những thiếu sót

16) Hãy liệt kê những gì mà bạn cảm thấy là thiếu sót trong cuộc đời của mẹ bạn.

17) Bà có thể làm được gì nếu có thêm thời gian, tiền bạc hoặc học vấn?

B. PHÂN TÍCH NĂNG LƯỢNG CỦA NGUYÊN TẮC NỮ

Mô tả nào là phù hợp hơn cả cho thái độ của mẹ bạn đối với bạn? Nếu có hơn một mô tả, hãy xác định tỉ lệ về sự lặp lại (chẳng hạn: Kẻ Than Vãn: 60% ; Kẻ Thờ Ơ: 40%).

– Kẻ Đe Dọa: bùng nổ; dọa nạt; chặt chẽ; ra lệnh; cứng nhắc; giận dữ; cho mình là trung tâm; gây sợ hãi…

– Kẻ Tra Hỏi: tò mò theo dõi; nghiêm khắc; phá hủy; quấy rầy; áp đặt logic không sai lầm; mỉa mai cay độc.

– Kẻ Thờ ơ: có xu hướng xa cách; bận rộn; không quan tâm; dửng dưng, lãnh đạm.

– Kẻ Than Vãn / Nạn Nhân: luôn nhìn thấy khía cạnh tiêu cực; tìm kiếm những buồn bực; không ngừng than thở; trách móc.

C. PHẢN ỨNG CỦA BẠN ĐỐI VỚI NGUYÊN TẮC NỮ

Bạn đã phản ứng như thế nào khi mẹ bạn sử dụng cơ chế thống trị? Hãy chọn ra cách thức mô tả rõ hơn hết phản ứng của bạn đối với mẹ khi bạn còn nhỏ hoặc hãy cho một tỉ lệ phần trăm những phương pháp mà bạn đã sử dụng.

– Kẻ Đe Doạ: Bạn đã từng chống lại mẹ mình? Bạn đã từng có thái độ quyết liệt, thậm chí nổi loạn?

– Kẻ Tra Hỏi: Bạn đã từng thu hút sự chú ý của mẹ bằng cách nêu lên những câu hỏi? Bạn từng muốn tỏ ra thông minh hơn mẹ hoặc tìm thấy những điểm yếu trong những lý lẽ của bà?

– Kẻ Thờ Ơ: Bạn có tự khép mình lại? Bạn đã từng ẩn trong căn phòng của bạn để được một mình? Bạn từng xa gia đình trong một thời gian dài? Bạn từng che giấu những tình cảm đích thực của mình?

– Kẻ Than Vãn / Nạn Nhân: Bạn đã từng làm cho mẹ bạn phải hiểu rằng bạn cần được giúp đỡ, cần tiền, cần được quan tâm, bằng cách nói đến những khó khăn của bạn, để được mẹ bạn chú ý đến bạn hơn?

D. PHÂN TÍCH ĐIỀU MÀ BẠN ĐÃ HỌC ĐƯỢC TỪ NGƯỜI CÓ QUYỀN THUỘC PHÁI NỮ NHƯ MẸ TÔI

Những quan sát của bạn về cuộc đời của mẹ bạn có thể tác động như những sự tin chắc tích cực hoặc tiêu cực mà ngày nay bạn vẫn còn gìn giữ.

1) Hãy bổ sung câu này với những tính cách tích cực mà bạn đã nhận được từ mẹ của bạn: Như mẹ tôi, tôi là…

2) Hãy bổ sung câu này với những tính cách tiêu cực mà bạn đã nhận được từ mẹ của bạn: Như mẹ tôi, tôi là…

3) Từ mẹ tôi, tôi đã biết rằng, để thành công trên đời, tôi phải…

Đó là những điều tin chắc và những giá trị đã ảnh hưởng, một cách tích cực hoặc tiêu cực, đến phần lớn những quyết định của bạn

TRƯỞNG THÀNH THEO CON ĐƯỜNG CỦA RIÊNG TÔI

4) Sau khi phân tích cuộc đời của mẹ tôi, tôi muốn mình là…

5) Bạn biết ơn mẹ mình về điều gì?

6) Bạn sẽ tha thứ cho bà điều gì?

7) Theo bản liệt kê về những điều thiếu sót trong cuộc đời của mẹ bạn, bạn chọn điều gì đề phát triển?

Những thiếu sót ở mẹ của bạn có thể hình thành những định hướng mà bạn đã theo hoặc mong muốn phát triển. Có thể những thiếu sót đó sẽ ảnh hưởng đến việc lựa chọn nghề nghiệp, đến lối sống, những quan hệ của bạn, và cách thức mà bạn sẽ giữ vai trò làm cha hoặc làm mẹ, và sự đóng góp về mặt tâm linh của bạn.

LẬP BẢNG TỔNG KẾT

Là con của cha mẹ mình, con đường mà bạn phải theo sẽ bao hàm cả việc hoàn thiện những phương diện tích cực cũng như những phương diện tiêu cực đã ảnh hưởng đến bạn trong thời thơ ấu và tuổi trẻ của bạn. Hãy trở lại với điều mà bạn đã học được trong lần phân tích trước và tổng hợp nó, đồng thời bổ sung những câu dưới đây:

1) Ý định tích cực tiềm ẩn trong thời thơ ấu của tôi và ảnh hưởng của cha mẹ tôi là…

2) Sau khi rút ra những bài học từ cuộc đời của cha mẹ tôi, tôi có thể thấy rằng cuộc đời của họ đã chuẩn bị cho tôi…

3) Vấn đề chính của đời tôi là…

– Nói rõ ý định

Tôi phát triển theo các nhu cầu của cá nhân tôi, trong khi đưa vào tất cả những gì mà tôi đã học được từ thời thơ ấu cho đến hôm nay.

* So sánh những ảnh hưởng ban đầu với bảng tổng kết

Hãy cẩn thận trả lời câu hỏi 3) trong loạt câu hỏi nêu trên, liên quan đến vấn đề chính của đời bạn, và đã được kế thừa từ cha mẹ bạn. Hãy trả lời những câu hỏi dưới đây, và ghi lại:

• Nếu bạn có thể có một cuộc đời mà bạn mong ước, thì cuộc đời đó s như thế nào?

• Hãy xem lại bản liệt kê những bước ngoặt trong đời bạn. Đâu là những quan tâm, những hoạt động, những việc làm, những quan hệ cá nhân trong bảng tổng kết cho thấy bạn đã tìm cách theo đuổi vấn đề chính của đời bạn?

• Bạn sẽ mô tả như thế nào về điểm hẹn của cuộc hành trình mà bạn đã đến hôm nay?

• Bạn mong muốn điều gì trong đời?

• Bạn muốn thay đổi điều gì hơn cả?

• Những cơ chế thống trị của bạn đã ảnh hưởng như thế nào đến sự tiến triển của bạn?

• Bạn có yêu cầu tiếng nói nội tâm của bạn cho biết phương hướng phải theo để có một cuộc sống đáng hài lòng hơn?

• Làm thế nào để bạn duy trì sự gắn kết với trạng thái hài hòa, an bình và yêu thương?

• Đâu là những trùng hợp ngẫu nhiên đã xảy đến với bạn gần đây?

– Những nhân vật chính

Hãy lập một bản danh sách những nhân vật chủ yếu trong đời bạn và phân loại họ theo cơ chế thống trị. Ở cột bên trái, hãy liệt kê tên tuổi họ.

Hãy kiểm tra loại năng lượng mà họ đã tác động tới bạn. Đâu là những bài học mà bạn đã rút ra từ những quan hệ đó?

RÈN LUYỆN NHÓM VỀ MẶC KHẢI THỨ SÁU

Buổi số 10

2 giờ 30 phút

Mục tiêu: Buổi nhóm họp này là để những người tham gia thảo luận về bảng tổng kết về cha mẹ họ và cơ chế làm chủ cá nhân của họ.

Chuẩn bị: Hãy mang theo bảng tổng kết về cha mẹ của bạn (xem phần rèn luyện cá nhân) để thảo luận.

THẢO LUẬN CHUNG Thời gian: 15-20 phút Lời khuyên:

Giai đoạn thứ nhất: Đọc lớn liếng phần tóm tắt về mặc khải thứ sáu đến phần mỏ tả trường hợp của Albert Camus.

Giai đoạn thứ hai: Chia sẻ những cảm nghĩ của bạn về mặc khải thứ sáu. Bạn có thể bắt đầu cuộc thảo luận bằng một trong những câu hỏi sau:

• Có bao nhiêu người ở đây cho rằng mình hiểu cơ chế thống trị của mình?

• Có bao nhiêu người là Kẻ Đe Doạ (a), Kẻ Tra Hỏi(b), Kẻ Thờ ơ (c), Kẻ

Than Vãn (d)?

• Có bao nhiêu người có thể nhận ra vấn đề chính của đời mình bằng cách xem xét những ánh hưởng trong thời thơ ấu?

Bài tập 1. Ba mục tiêu của những ảnh hưởng trong thời thơ ấu

Mục tiêu: Bài tập này mang đến cơ hội để thảo luận những phát hiện mới về vấn đề chính của đời mình.

Thời gian: Hãy ấn định thời gian cho mỗi tường thuật cá nhân và thời gian dành cho thảo luận chung.

Lời khuyên:

Giai đoạn thứ nhất: Trong nhóm nhỏ, hãy chia sẽ những ý định tích cực đã xuất hiện từ ảnh hưởng của cha mẹ bạn và cách thức mà chúng đã định hình số phận của bạn. Bạn có thể đọc lên những cảm nghĩ mà bạn đã ghi ở phần “Lập Bảng Tổng Kết”.

Giai đoạn thứ hai: Sau những thảo luận tại phân nhóm, hãy họp toàn nhóm. Yêu cầu những người tình nguyện chia sẻ điều mà họ đã học được từ chính họ. Hãy chú ý lắng nghe và bày tỏ những cảm nghĩ của bạn.

KẾT THÚC BUỔI HỌP NHÓM

Hãy đáp ứng những yêu cầu được trợ giúp và nâng đỡ. Hãy gửi tình yêu thương và năng lượng tích cực cho mọi người.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.