Tôt-Tô-Chan Cô Bé Bên Cửa Sổ

Nhà thờ I-sa



Các em học sinh thích gọi thầy hiệu trưởng là “I-sa Kô-ba-y-a-si”. Thậm chí, các em còn làm những câu thơ trìu mến về ông như thế này:

“I-sa Kô-ba-y-a-si!

I-sa, người lãnh đạo của chúng em

Người có vầng trán cao vời vợi!”

Đó là vì họ của thầy hiệu trưởng là Kô-ba-y-a-si lại trùng với nhà thơ nổi tiếng thế kỉ 19: I-sa Kô-ba-y-a-si. Thầy hiệu trưởng rất thích những bài thơ ba câu của ông. Thầy hay trích thơ của I-sa đến mức các em cảm thấy I-sa Kô-ba-y-a-si cũng là người bạn gần gũi của các em như thầy hiệu trưởng Kô-ba-y-a-si.

Thầy thích thơ của I-sa vì nó chân thật và đề cập đến những vấn đề bình thường của cuộc sống. Vào thời điểm phải có đến hàng ngàn nhà thơ làm thơ thể loại này, I-sa đã tạo ra một thế giới riêng của mình không ai bắt chước được. Thầy hiệu trưởng khâm phục những câu thơ của ông với tất cả vẻ mộc mạc hầu như trẻ thơ của chúng. Cho nên, hễ có dịp, ông thường dạy các học sinh những câu thơ của I-sa và các em học đã thuộc lòng. Ví dụ:

Này chú Ếch gầy gò

Đừng có đầu hàng

Đã có I-sa đứng cạnh đây.

Hỡi các chú Sẻ con!

Nhường đường, nhường đường!

Cho chàng Tuấn mã dũng cảm.

Chớ giết con Ruồi

Xoa tay, xoa chân

Cúi xin tha chết!

Một lần, thầy ngẫu hứng phổ nhạc cho một bài thơ và tất cả học sinh đều hát:

Sô-sa-ku Kô-ba-y-a-si

Lại đây chơi với em

Các chú sẻ côi xinh xinh

Không còn mẹ nữa rồi!

Thỉnh thoảng thầy cũng lên lớp giảng về loại thơ này mặc dù không có trong chương trình chính khoá.

Bài thơ ba câu đầu tiên của Tôt-tô-chan mô tả nhân vật chuyện vui em ưa thích: Nô-ra-ku-rô, một con chó đen bị lạc, vào quân đội làm lính trơn và dần dần được thăng quan tiến chức, mặc dù phải trả qua đời lính ba chìm bảy nổi. Bài thơ được đăng trong một tạp chí quen biết của học sinh nam:

“Chó Đen bị lạc, lên đường đi châu Âu, và bây giờ đã được phục viên”.

– Các em gắng làm một bài hai-kư trong sáng, chân thật về một điều gì các em suy nghĩ.

Kể ra bài của Tôt-tô-chan không thể được coi là một bài hai-kư theo đúng nghĩa của nó. Nhưng nó thật sự chứng tỏ điều gì đã đem lại ấn tượng sâu sắc trong em vào những ngày đó. Thơ hai-kư của em không thật đúng với thể thơ 5,7,5 âm tiết. Bài của em lại 5,7,7. Thế nhưng có một bài của I-sa về những chú sẻ con thì lại 5,8,7; do vậy Tôt-tô-chan cho rằng bài thơ của em cũng đc.

Trong khi đi chơi đến đền Ku-hon-bút-su, hay khi trời mưa, không chơi ngoài trời được, phải ở trong phòng họp, I-sa Kô-ba-y-a-si của trường Tô-mô-e thường giảng cho các học sinh về thơ hai-kư. Ông chũng thường làm thơ hai-kư để minh hoạ cho những suy nghĩ của ông về cuộc sống và thiên nhiên.

Tuyết tan – và bỗng nhiên cả làng đầy những trẻ em!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.