Tôt-Tô-Chan Cô Bé Bên Cửa Sổ

Dải băng buộc tóc



Một hôm, vào lúc nghỉ ăn cơm trưa, sau khi các học sinh ăn xong, Tôt-tô-chan đang nhảy lò cò qua phòng họp thì gặp thầy hiệu trưởng. Kể cũng hơi kỳ lạ khi nói là em gặp thầy vì thầy ở chỗ các em suốt buổi ăn trưa, nhưng nói gặp thầy vì thầy đi ngược chiều với em.

Thầy hiệu trưởng nói:

– Ồ, em đấy à? Thầy muốn hỏi em một điều.

– Thưa thầy, điều gì thế ạ? – Tôt-tô-chan hỏi lại, rất mừng là có thể giúp ích được cho thầy.

– Em mua cái dải băng kia ở đâu? – Thầy vừa hỏi vừa nhìn cái nơ hoa trên mái tóc em.

Những lời nói đó làm nét mặt Tôt-tô-chan rạng rỡ hơn bao giờ hết. Em đã cài cái nơ đó từ ngày hôm trước. Em đã tự tìm thấy nó đấy. Em đến gần để thầy hiệu trưởng có thể trông rõ cái dải băng hơn.

Em nói một cách tự hào:

– Thưa thầy, cái nơ ấy ở trên bộ đồng phục học sinh cũ của cô em. Em nhận thấy nó khi cô em cất bộ áo vào trong ngăn kéo và cô em đã cho em. Cô em nói em tinh mắt lắm.

– À ra vậy, – thầy hiệu trưởng nói, đầy tư lự.

Tôt-tô-chan rất tự hào về dải băng đó. Em kể với thầy là đã đến thăm cô và may thấy cô đang phơi quần áo. Trong đó có cái váy xếp nếp, màu mận chín, dài, cỡ cô mặc khi còn là học sinh. Khi cô cất đi, Tôt-tô-chan trông thấy có cái gì đèm đẹp trên đó.

– Cái gì kia cô?

Nghe Tôt-tô-chan hỏi, eô dừng lại. Cái đẹp đẹp đó hóa ra là cái dải bặng đính ở phía sau chỗ thắt lưng.

Cô giải thích:

– Đính như vậy để trông đằng sau cho đẹp. Dạo ấy, ai cũng muốn tự móc một dải đăng ten hay một dải băng lớn tết thành một cái nơ to.

Người cô nhận thấy Tôt-tô-chan vừa nghe, vừa vuốt ve cái nơ đó một cách thèm muốn, nên nói:

– Cô cho cháu cái nơ đấy. Cô chẳng dùng nó nữa đâu!

Cô lấy kéo, cắt những sợi chỉ đính cái nơ vào váy và đưa nó cho Tôt-tô-chan. Thế là em có cái nơ. Mà cái nơ đẹp thật. Nơ to và bằng lụa tốt, lại có cái đóa hoa hồng và các kiểu trang trí kết vào đó. Khi tết lại, nó to và cứng thành một cái nơ lớn bằng đầu Tôt-tô-chan. Cô nói đây là lụa ngoại.

Trong khi nói, Tôt-tô-chan thỉnh thoảng lại khẽ lắc đầu để thầy hiệu trưởng nghe thấy tiếng xoàn xoạt của cái nơ. Nghe hết chuyện em kể, thầy nhìn cái nơ, vẻ hơi buồn buồn.

Ông nói:

– À ra là như vậy. Hôm qua Mi-y-ô-chan nói là muốn có một cái nơ như của em; thầy đã đi khắp cả các hiệu bán dải băng ở Gi-y-u-gao-ka mà không hiệu nào có cả. À ra là như vậy. Nó là hàng ngoại nhỉ?

Khuôn mặt của ông bây giờ đúng là một người cha ưu phiền vì bị con gái quấy nhiễu chứ không phải là của một ông hiệu trưởng.

– Này Tôt-tô-chan, giá em đừng cài cái nơ này khi đi học thầy sẽ cám ơn em lắm. Em xem đấy, Mi-y-ô-chan cứ làm rầy thầy nhiều quá. Em thấy có được không?

Tôt-tô-chan đứng khoanh tay suy nghĩ. Rồi em trả lời rất nhanh:

– Thưa thầy, được ạ. Em sẽ không cài nơ này khi đi học nữa.

Thầy hiệu trưởng nói:

– Cám ơn em!

Tôt-tô-chan cũng hơi buồn, nhưng nghĩ đến chuyện thầy hiệu trưởng cứ phải suy nghĩ, ưu tư, em đã đồng ý. Một lý do nữa là khi tưởng tượng một người lớn – thầy hiệu trưởng đáng kính của em – lại cứ phải đi tìm gần tìm xa khắp các cửa hiệu bán dải băng, em thấy thương thương thế nào ấy. Đấy, ở trường Tô-mô-e cách ăn ở với nhau là như vậy đấy!

Sáng hôm sau, lúc mẹ vào phòng Tôt-tô-chan để quét tước sau khi em đã đi học, bà thấy dải băng được buộc quanh cổ con gấu bông mà Tôt-tô-chan rất thích.

Bà cứ thắc mắc tại sao bỗng nhiên em lại không cài cải nơ em sướng rơn khi có được nó. Bà cảm thấy con gấu bông màu ghi xám như hơi ngường ngượng vì bỗng nhiên lại được trang sức đẹp đến như vậy.

Đi thăm thương binh

Đây là lần đầu tiên, Tôt-tô-chan đến thăm một bệnh viện thương binh. Em đi cùng khoảng ba mươi học sinh tiểu học ở các trường khác nhau mà em không quen biết. Đây là một phần của kế hoạch được tổ chức trong cả nước. Thường thường mỗi trường được cử hai hay ba học sinh, nhưng những trường nhỏ như trường Tô-mô-e chỉ cử một và cả nhóm được đặt dưới sự chỉ đạo của một giáo viên dạy ở những trường đó. Thế là Tôt-tô-chan đại diện cho trường Tô-mô-e.

Phụ trách là một cô giáo người mảnh khảnh, đeo kính. Cô dẫn các em vào một buồng bệnh có chừng mười lăm thương binh mặc pi-gia-ma trắng, người nằm, người đi đi lại lại. Trước khi đến, Tôt-tô-chan vẫn thắc mắc không biết các thương binh trông như thế nào, nhưng gặp họ, thấy ai nấy đều mỉm cười, lại vẫy vẫy tay và xem ra vui vẻ, em nhẹ nhõm cả người, mặc dù một vài người còn bị băng quấn kín đầu.

Cô giáo tập trung tất cả học sinh ở giữa buồng bệnh và phát biểu với các thương binh:

– Chúng tôi đến thăm các anh, – cô nói và các học sinh cúi đầu chào. – Vì hôm nay là ngày 5 tháng 5 -Ngày Thiếu nhi – chúng tôi xin hát bài “Cờ đuôi nheo cá chép”, – cô giao hai cánh tay lên như một nhạc trưởng và nói với các em. – Nào, các em sẵn sàng chưa? Ba, bốn, – rồi bắt đầu đánh nhịp.

Học sinh tuy không quen biết nhau nhưng toàn nhóm đều hát hết mình: Trên hằng hà sa số các mái nhà.

Trên biển…

Tôt-tô-chan không biết bài hát này vì ở trường Tô-mô-e các thầy không dạy. Em ngồi ở mép giường của một thương binh có bộ mặt hiền hậu đang chăm chú nghe các em hát, trông có vẻ ngường ngượng. Khi bài hát chấm dứt, cô giáo dõng dạc tuyên bố.
– Bây giờ chúng tôi sẽ hát bài “Ngày hội Búp bê”.

– Nào chúng ta hãy thắp đèn lên Thắp từng chiếc một… Tôt-tô-chan đành cứ ngồi im.

Khi các em dã hát xong, ai nấy đều vỗ tay. Cô giáo mỉm cười và nói:

– Bây giờ, chúng ta hát bài “Con ngựa con và con ngựa mẹ” nhé? Nào tất cả. Ba, bốn… – và cô lại bắt nhịp.

Tôt-tô-chan cũng không biết bài này. Khi các học sinh đã hát xong, người thương binh ở giường Tôt-tô-chan đang ngồi bỗng xoa đầu em và hỏi:

– Sao cháu không hát?

Tôt-tô-chan cảm thấy có lỗi quá. Em đã đến thăm thương binh mà thậm chí không hát cho họ nghe một bài nào. Nghĩ thế, em đứng dậy, đứng ra xa giường một chút, và nói một cách bạo dạn:

– Bây giờ cháu xin hát một bài cháu biết.

Đây là một tiết mục không nằm trong chương trình.

Cô giáo liền hỏi:

– Em sẽ hát bài gì?

Nhưng Tôt-tô-chan đã lấy hơi và bắt đầu hát. Cô giáo đành phải đợi.

Vì em đại diện cho trường Tô-mô-e, em nghĩ nên hát bài mà nhiều người biết nhất của trường. Thế là sau khi lấy hơi, em hát:

Ăn phải nhai,

Nhai, nhai, nhai cho kỹ…

Một vài học sinh cười. Một vài em khác hỏi người bên cạnh:

– Bài gì đấy nhỉ? Bài gì đấy nhỉ?

Cô giáo bắt đầu đánh nhịp, nhưng không biết thật sự là nhịp gì, nên cứ giơ tay đưa đi đưa lại, Tôt-tô-chan hơi luống cuống, nhưng em hát hết sức mình:

Nhai kỹ, nhai kỹ, nhai kỹ, nhai kỹ

Cơm, cá, thịt…!

Hát xong, Tôt-tô-chan cúi đầu chào. Khi ngẩng đầu lên, em ngạc nhiên thấy khuôn mặt chú thương binh đầm đìa nước mắt. Em nghĩ rằng mình đã làm một việc gì sai trái. Nhưng chú thương binh trông già hơn bố một chút, lại xoa đầu em và nói:

– Cám ơn em! Cám ơn em!

Chú thương binh vẫn xoa đầu em và khóc. Cô giáo liền nói một cách hân hoan, cố gắng làm cho chú vui:

– Bây giờ, chúng ta sẽ đọc thư viết cho các chú thương binh.

Các học sinh lần lượt đọc to các bức thư, Tôt-tô-chan ngẩng nhìn chú thương binh.

Mũi và mắt chú đỏ hoe, nhưng chú cười. Tôt-tô-chan cười lại và em nghĩ:

“Mình rất vui, chú thương binh đã cười”.

Điều gì đã làm chú khóc, chỉ có chú mới hiểu. Có thể chú có một con gái nhỏ như Tôt-tô-chan. Hoặc có thể chú cảm thấy vì sự cố gắng hát hay hết sức mình của em. Hay cũng có thể do những điều tai nghe mắt thấy ở mặt trận, chú biết là cảnh đói rét chẳng còn xa mấy, và cứ nghĩ về chuyện em bé gái này đang hát bài: “Nhai cho kỹ” nhưng chẳng bao lâu nữa sẽ chẳng còn gì để mà nhai, điều ấy cũng có thể làm chú rất buồn. Lại cũng có thể chú thương binh kia đã thấy trước rằng chẳng bao lâu nữa những sự kiện khủng khiếp nào đó sẽ nhận chìm ngay chính những cháu bé này.

Các học sinh đang đọc những bức thư của mình, có lẽ đã không nhận ra điều đó, nhưng cuộc chiến tranh Thái Bình Dương vẫn đang được ráo riết tiến hành.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.