Tôt-Tô-Chan Cô Bé Bên Cửa Sổ

Cây đàn vi-ô-lông của bố



Chẳng bao lâu, chiến tranh với tất cả nỗi khủng khiếp của nó đã bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống của Tôt-tô-chan và gia đình em. Hàng ngày, đàn ông, thanh niên trong vùng đã lên đường với cờ bay và những tiếng hô “Ben-giai” ở các cửa hiệu, thực phẩm cứ ít dần. Càng ngày càng trở nên khó đáp ứng được cái quy tắc cơm trưa của trường Tô-mô-e là: “Một chút thức ăn của biển, một chút thức ăn của đất”. Mẹ đành làm tạm rong biển và mận muối, nhưng chẳng bao lâu ngay như thế cũng khó. Hầu như mọi thứ đều phải hạn chế. Kiếm đâu cũng không ra kẹo.

Tôt-tô-chan biết có một cái máy đặt bên dưới cầu thang ở ga Đô-ka-y-a-ma, ga trước ga của em. Chỉ cần bỏ tiền qua khe máy là được một gói kẹo ca-ra-men.

Trên máy có một tranh vẽ, trông đã thấy ngon. Bỏ năm xu thì được một gói nhỏ, mười xu thì được một gói to. Nhưng cái máy ấy đã bị rỗng tìl lâu. Dù có bỏ bao nhiêu tiền, dù có đập mấy đi nữa, cái máy vẫn trơ trơ. Tôt-tô-chan vẫn kiên nhẫn hơn ai hết.

Em nghĩ: “Có thể còn một gói ở chỗ nào đó trong máy. Hay là nó vướng ở đâu bên trong”.

Thế là hôm nào em cũng xuống tàu trước một ga rồi bỏ năm xu, mười xu vào máy.

Nhưng em chỉ lấy lại được tiền. Nó rơi ra đánh cạch một cái.

Vào thời gian ấy, có người nói với bố em điều mà hầu hết mọi người đều nghĩ là tin vui. Nếu ông đến các xưởng công binh – nơi làm vũ khí và các thứ khác dùng trong chiến tranh – kéo các bản nhạc thời chiến quen thuộc trên đàn vi-ô-lông, người ta sẽ biếu ông đường, gạo và các món khoản đãi khác. Người bạn đó nói rằng vì bố được tặng một huy chương âm nhạc có giá trị trở thành người kéo đàn vi-ô-lông nổi tiếng, nên chắc chăn sẽ dược nhiều quà tặng khác.

Mẹ liền hỏi bố.

– Ông nghĩ thế nào? Ông có định làm như thế không?

Rõ ràng là các buổi hòa nhạc càng ngày càng ít đi. Vả lại ngày càng nhiều nhạc sĩ bị động viên và ban nhạc thiếu người chơi. Các buổi phát thanh bây giờ cũng dần dần chuyển sang phục vụ chiến tranh, do đó càng không có nhiều việc cho bố và những đồng nghiệp của ông. Lẽ ra ông nên hoan nghênh một dịp như thế.

Bố nghĩ một lúc rồi trả lời:

– Tôi không muốn kéo loại nhạc đó trên đàn của tôi. Mẹ nói:

– Ông nói phải. Địa vị tôi, tôi cũng từ chối. Thế nào ta cũng kiếm được cái ăn.

Bố biết Tôt-tô-chan chẳng có gì ăn và hàng ngày vẫn bỏ tiền vào máy bán kẹo ca-ra-men một cách vô ích. Ông cũng biết là những quà thực phẩm người ta cho ông để trả công cho vài điệu nhạc chiến tranh sẽ rất cần cho gia đình. Nhưng ông quý âm nhạc của ông hơn. Mẹ cũng biết điều đó và bà cũng không ép hay thúc giục ông.

Bố nói giọng rất buồn:

– Tốt-sky! Thông cảm nhé!

Tôt-tô-chan còn quá bé để hiểu về nghệ thuật. Ý nghĩ lại hay dao động. Nhưng em biết bố yêu cây đàn của bố đến mức ông đã bị nhiều người trong gia đình và họ hàng từ bỏ. Đã có những thời kỳ ông rất khổ, nhưng ông không bao giờ rời xa cây đàn. Do đó Tôt-tô-chan nghĩ rằng ông không chơi các bản nhạc ông không thích là đúng. Tôt-tô-chan nhảy nhảy xung quanh bố và nói một cách vui vẻ:

– Con thấy không sao cả! Vì con cũng yêu cây đàn của bố.

Nhưng hôm sau Tôt-tô-chan lại xuống ga Đô-ka-y-a-ma và lại ghé vào cái máy bán hàng. Chắc hẳn sẽ không có cái gì xuất hiện cả, ấy thế mà em vẫn hy vọng.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.